Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy Bút
Chủ đề:
bạn30T4Đ
Tác giả: BP

30 THỨ TANG!

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Một năm có 365 ngày, mỗi ngày là một tờ lịch, không tờ nào giống tờ nào. Khác nhau, không chỉ ngày–tháng, mà còn ở mỗi quốc gia.

Có nhiều loại lịch nhưng tựu trung có 3 loại chính: dương lịch, âm lịch, âm–dương lịch. Mùng một Tết ta, còn được gọi là mùng một Tết âm lịch. Đúng ra phải nói là mùng Một Tết âm–dương lịch (luni–solaire).

Nếu dương lịch dựa trên sự chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời thì âm lịch được tính theo chu kỳ và vị trí của Mặt Trăng so với Trái Đất. Một năm Dương lịch có 365 ngày. Một năm Âm lịch chỉ có 354 hoặc 355 ngày. Vì mỗi năm chậm hơn dương lịch 10/11 ngày nên, để bắt kịp dương lịch, sau 3 năm, âm lịch phải bù thêm một tháng nhuận.

Như thế, âm–dương lịch, như tên gọi, là một phối hợp giữa âm lịch và dương lịch, tháng âm (tính theo Mặt Trăng), năm dương (tính theo Mặt Trời), âm–dương lịch là âm lịch tính thêm tháng nhuận. Ngoài dương lịch là lịch “quốc tế”, các quốc gia Hồi giáo dùng thêm âm lịch, cũng như: Tàu, Việt, Hàn, Mông Cổ, v.v. dùng thêm âm–đương lịch.

Trên những tờ (dương) lịch của mỗi quốc gia, tuy không “mỗi ngày tôi chọn một... cái tên” nhưng cũng có một số ngày được mang 2 tên, đó là những ngày lễ. Như ở Pháp, năm 2024, có 12 ngày: thứ hai 1/1 còn được gọi là “ngày đầu (một) năm” (jour de l’An), thứ tư 1/5 có tên là “lễ Lao Động”, chủ nhật 14/7 là ngày “Quốc Khánh”, thứ năm 15/8 là ngày “Đức Mẹ thăng thiên” (assomption), v.v.

Lịch Việt Nam (Cộng Hòa) thì khác với lịch Pháp. Lịch Pháp chỉ có ngày “dương lịch” trong khi lịch Việt Nam “âm–dương vẹn cả đôi đàng”. Tôi không nhớ âm lịch Việt Nam có ghi tên ngày lễ không (như 1/1: Tết Nguyên Đán; 15/8: Trung Thu, v.v. ?) nhưng dương lịch thì không. Nói thế vì tôi dựa vào tấm ảnh dưới đây, chụp lại tờ lịch ngày 30/4/1975!

 

 

Sử Việt Nam, Lịch Việt Nam, cho đến nay, dù chỉ 49 tuổi thôi (so với chiều dài dựng nước) nhưng chỉ có ngày 30–tháng–tư là ngày có nhiều tên (gọi) nhất. Nếu người cộng sản gọi ngày 30/4 là ngày “giải phóng miền Nam”, ngày “thống nhất đất nước”, thì người miền Nam gọi đó là ngày: mất nước, quốc hận, quốc kháng, quốc nhục, quốc nạn, quốc tang, đứt phim, v.v.

Gọi 30/4 là ngày “giải phóng miền Nam” hay “thống nhất đất nước” chỉ là một tên gọi “chính trị”, một “ngụy danh” áp đặt bởi người CS. Bởi miền Nam không bị ai đô hộ, mà là một quốc gia có chủ quyền, có hiến pháp, có quân đội riêng, có nền văn hóa riêng, giáo dục riêng. Việt Nam Cộng Hòa đã được 60 quốc gia trên thế giới công nhận và thiết lập bang giao, đã là thành viên của WHO (từ 1950), WMO (từ 1955), nên ngày “giải phóng miền Nam” chính là “cưỡng chiếm miền Nam”! Hay có thể nói ngược lại, như nhà văn Nguyễn Quang Lập (1956) của miền Bắc, sau khi được vào Sài Gòn năm 1976, rồi trở lại Hà Nội, đã “nghĩ khác đi, đọc khác đi, nói khác đi” và kết luận: “Sài Gòn đã giải phóng tôi!”.

Cũng như ngày “thống nhất đất nước”, chỉ là ngày “thống nhất lãnh thổ”, bởi 49 năm qua, cái hố chia rẽ Bắc–Nam giữa người dân 2 miền, giữa mấy triệu (gia đình) đảng viên và người dân, ngày càng một sâu hơn, khuếch rộng hơn! Đã có không ít những đảng viên, những “người–miền–Bắc”, những “người–miền–Nam theo Cộng” đã trả thẻ Đảng, đã công kích Đảng. Như “chiến sĩ gái”, nhà văn Dương thu Hương:

Trả lời phỏng vấn bằng điện thoại, Dương Thu Hương kể: “Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã là một ngã rẽ trong đời tôi. Khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn, trong khi tất cả mọi người trong toán quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi ngồi bên lề đường khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bày trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. Ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ... nếu người ta muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ.”

(https://nghiathuc.com/2023/04/26/dinh-quang-anh-thai-giot-nuoc-mat-cua-nguoi-phu-nu-ben-thang-cuoc).

Khi “người chung một nước” đã không “thương nhau cùng”, thì làm gì có chuyện “đất nước thống nhất”?!

Có hai tên gọi ngày 30/4, tuy không phổ thông lắm, nhưng cũng nói lên cái sự thật não nề của ngày đau thương ấy: “ngày oan trái” và “ngày–30–thứ–tang”

“Ngày oan trái” là tên gọi ngày 30/4 của nhà văn Hoàng Hải Thủy. Đó là ngày mà một quân lực hào hùng, thiện chiến, phải nuốt hận, cắn răng, buông súng trước kẻ thù vì thiếu quân viện! Chủ nhật 07/04 rồi, trong hội nghị nhóm United24 (các quốc gia viện trợ Ukraine) Tổng thống Zelensky đã báo động: “Ukraine sẽ thua nếu Mỹ không viện trợ 60 tỷ đô la”! Lịch sử là một lặp lại! 49 năm trước, ông Thiệu cũng đã báo động, đã kêu gọi, nhưng, dù chỉ thêm gói quân viện 300 triệu (tương đương với 1.7 tỷ đô la năm 2024), quốc hội Mỹ cũng lạnh lùng quay lưng. Đã có một định mệnh oan khiên, những mũi dao oan nghiệt của đồng minh, khiến VNCH oan ức biến đi trên bản đồ thế giới!

Năm năm cứ đến ngày oan trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương
Thôi thế Em về yên Xóm Cỏ
Cây đời đã cỗi gốc yêu đương
Nhớ nhau vảy bút làm mưa gió
Cho đống xương tàn được nở hương
...

(https://hoanghaithuy.wordpress.com/2009/04/22/nam-nam-cu-den-ngay-oan-trai)

Hoàng tiền bối có cái tật dễ thương là ông tỉnh bơ ghi những câu thơ của ông lẫn với những câu thơ của... người khác mà không “chú thích”! Khi đọc mấy câu trên, lúc đầu tôi tưởng là Hoàng tiên sinh “thuổng” thơ Trần Huyền Trân trong bài Lưu Biệt (1939):

Thôi thế anh về yên xóm cỏ
Xứ nghèo đã cỗi gốc yêu thương
Nhớ nhau vảy bút làm mưa gió
Cho đống xương đời được nở hương
.”

Sau này, đọc ông nhiều, tôi mới biết ông là một Châu Bá Thông trong thơ. Với ông, thơ là... thơ. Của ông hay của người khác là chuyện phụ, miễn sao chúng nói lên tâm tình ông lúc (đang) viết. Có lẽ vì thế nên tôi chưa bao giờ thấy ông đề tên mình dưới mấy câu thơ.

Trong một bài viết, ông Nguyễn Khắp Nơi (Úc) đã cho tác giả “ngày oan trái” là nhà thơ Thục Vũ:

Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Xa nửa địa cầu thương nhớ mãi
Ôi những tàn xương ở cố hương...!
–(Thục Vũ)

(https://hung-viet.org/a20859/anh-den-tham-ao-anh-mui-thuoc-sung)

Tôi nghĩ, nói “năm năm” là nói đến một thời gian dài (năm năm, tháng tháng, ngày ngày). Thi sĩ, nhạc sĩ Thục Vũ, Trung tá Vũ văn Sâm, đã bỏ mình trong trại tù cải tạo Sơn La 15/11/1976 thì khó có thể viết lên câu đó.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Tráng (tiến sĩ toán học Paris) thì khác. Ông gọi “30 tháng tư” là ngày “30 thứ tang”. Đó là một tên gọi, tuy đặc sệt VN (nói lái), nhưng là một tên gọi đúng sự thật! Tang nước, tang nhà, tang ông, tang bà, tang mẹ, tang cha, tang anh, tang chị, tang con, tang cháu, tang bạn bè, tang người yêu, tang dân, tang lính, tang vùng 1, vùng 2, tang tự sát tập thể của một số người Lính Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến (Cao xuân Huy/Tháng 3 gãy súng), của Lữ Đoàn IV Dù (Trung tá Lê Minh Ngọc), của Đại Bàng Nguyễn Hữu Thông (Đại tá Trung đoàn trưởng 42/Sư Đoàn 22), “Người ở lại Quy Nhơn” chọn cái chết với mấy thằng em, tang Xuân Lộc, Sài Gòn, tang vùng, vùng 4, tang “không quên đồng đội”, tang “tướng chết theo thành”, v.v.

Không có nơi nào trên thế giới như Việt Nam: trong chiến tranh, Lính chết nhiều hơn Dân, khi “hòa bình”, Dân chết nhiều hơn Lính!!! Tang “cải tạo”, thuyền nhân, tang “nghĩa vụ quân sự”, tang “kháng chiến phục quốc”, tang “lấy chồng xứ lạ”, v.v. Ôi, bao nhiêu là tang tóc! Bao nhiêu là thê lương!

Ngày 27/4/1975, trong khi chiến tranh bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn, phía cầu Tân Cảng, thì gã sinh viên trẻ là tôi, như đa số người miền Nam, vẫn ngây thơ tin vào một giải pháp “trung lập”!!! Có biết đâu, lúc đó, ở Paris, qua thông tin các đài Pháp, Anh, v.v. các anh chị trong “Tổng Hội Sinh Viên” (VNCH) đã biết trước số phận miền Nam! Và họ đã xuống đường, đưa đám quê hương!

Đó là hai tấm ảnh gây cho tôi nhiều xúc động nhất, ghi lại những ngày tháng cuối của VNCH. Hai tấm ảnh chụp bởi sinh viên Trần Đình Thục ngày 27/4/75, ở Paris.

Theo sáng kiến của anh Trần văn Bá, Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên VN Paris, ngày 27/4/1975, khoảng 300 sinh viên miền Nam thuộc các đại học “khu Latin”, Orsay và Nanterre, đã tụ về Sorbonne, chít khăn tang, từ khởi điểm Ký túc xá Lutèce, tuần hành yên lặng, qua các: đường Gay Lussac, công trường “Concorde”, vườn Luxembourg, tòa lãnh sự VNCH (đương Assas), Thượng viện Pháp. Khi đến gần tòa đại sứ Mỹ, các anh chị đã hô to “Đả đảo người Mỹ”, “Đả đảo Việt Cộng”
(*)

 




Trần văn Bá, tang trắng, áo đen, bên trái)
nguồn: Internet

 

5 năm sau ngày biểu tình, anh Trần văn Bá trở về VN hoạt động “Phục Quốc” chống CS. Tháng 9/1984, anh bị bắt và bị xử bắn ngày 8/1/1985! Năm 1975, anh Bá để tang miền Nam, 10 năm sau, ai để tang anh?!!

Ngày “30/4”của miền Nam không chỉ là ngày 30/4/1975. Mà nó đã bắt đầu từ ngày 11/3/1975, ngày Ban Mê
[Thuột] thất thủ!

49 năm sau, người miền Nam vẫn còn chịu tang lòng!

BP

12/04/2024



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by th chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, April 14, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang