Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn Thời sự Thế giới
Chủ đề:
Chiến sự Nga–Ukraine
Tác giả:
Út Bạch Lan
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Trong bài viết “Không Có Lửa Làm Sao Có Khói” ngày 19
tháng 3 năm 2022, xạo sự tôi có viết:
“Những ngọn khói đen vẫn bốc lên cao
trong lòng thủ đô Kiev của Ukraine do những hỏa tiễn hay những
nòng trọng pháo tầm gần tầm xa của Nga nã vào. Những lời nguyền
rủa thậm tệ nặng nề dành cho Putin là chính nhân thủ phạm gây ra
những đám khói tội ác này. Nhưng không có lửa làm sao có khói? Ai
đã nhóm những đốm lửa này để ngày nay người dân vô tội của
Ukraine phải hít thở những làn khói tang thương này? Bất cứ điều
gì xảy ra cũng có những nguyên nhân sâu xa của nó, những nguyên
nhân trong quá khứ dẫn đến những sự kiện hay biến cố hiện tại.”
Hôm nay 4/5/2022 đọc được bài viết “Hoa
Kỳ Đã Vượt Qua Lằn Ranh Phá Hủy MAD trong cuộc chiến Ukraine”.
MAD là chữ viết tắt “Mutual Assured Destruction” (Bảo Đảm Phá Hủy
Lẫn Nhau). MAD là một học thuyết về chiến lược quân sự và chính
sách an ninh quốc gia, trong đó việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên
quy mô lớn của hai hoặc nhiều bên đối lập sẽ khiến cả hai bên tấn
công và bên phòng thủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Đệ nhị thế chến
chấm dứt, tháng 3 năm 1945 Cựu Thủ tướng Anh là Winston Churchill
có cảnh báo về sự bành trướng về phía Tây của nước Nga và sự cần
thiết phải có một phản ứng thống nhất của phương Tây dưới sự lãnh
đạo của Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Tổng Thống Harry Truman của Hoa
Kỳ có lợi thế chiến lược về bom nguyên tử nhưng sau hai sự kiện
ném bom tại Hiroshima và Nagasaki, ông không muốn sử dụng thêm
một lần nào nữa. Chẳng bao lâu sau, Nga đã có được thứ vũ khí hủy
diệt hàng loạt của riêng mình. Kể từ đó, xung đột trực tiếp giữa
hai siêu cường hạt nhân trên thế giới trở nên chiến tranh lạnh
kéo dài gần nửa thế kỷ.
Năm 1991, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Nga
Xô Viết Mikhail Gorbachev tuyên bố xóa sổ chủ nghĩa cộng sản tại
Nga, và cùng cựu Tổng thống Ronald Reagan tuyên bố chiến tranh
lạnh chấm dứt, các quốc gia Đông âu thuộc Liên Bang Xô Viết cũ
lần lượt được trả lại độc lập và toàn vẹn chủ quyền, sau đó có
một số quốc gia trở thành thành viên của Liên Minh Âu Châu hoặc
khối NATO do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, sự khác biệt ý thức hệ giữa
cộng sản và tư bản không thể một sớm một chiều xóa bỏ ranh giới
một cách dễ dàng được. Một yếu tố tối quan trọng khác là
“Geopolitical”, Địa Lý Chính Trị! Vì yếu tố địa chính trị này mà
Ukraine không thể tham gia vào khối NATO từ áp lực của Mạc Tư
Khoa.
Năm
1998, cuộc nội chiến của Cộng Hoà Liên Bang Nam Tư bùng nổ giữa
người Serbia và lực lượng an ninh Nam Tư với Quân Đội Giải Phóng
Kosovo (KLA) do Nga chống lưng, một nhóm quân đội người thiểu số
Albania đòi ly khai khỏi nước Nam Tư cũ. Các cuộc tấn công của
KLA bắt đầu từ khoảng năm 1996. Năm 1999, dưới sự can thiệp của
Mỹ, NATO bắt đầu tham dự trực tiếp vào chiến sự Kosovo, lực lượng
hỗn hợp của NATO oanh tạc và tấn công vào Nam Tư, đặc biệt và
đáng chú ý nhất là có quân của Đức Quốc.
Mỹ và các nước Tây Âu đều nhất loạt
tuyên bố tấn công Nam Tư để bảo vệ nhân quyền, chống chính sách
kỳ thị và diệt sắc tộc còn lại của chế độ độc tài khát máu Tito.
Tuy nhiên, đây không phải lý do chính nếu nhìn vào thái độ và
hành động không nhất quán của Mỹ và Tây Âu trong cùng một loạt
vấn đề “nhân quyền” đối với các đối tượng khác nhau, thí dụ như
Mỹ và Tây Âu không hề phản ứng trong vấn đề nhân quyền của người
Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số dư luận chính trị khách quan
trong thời điểm này cho rằng “Mỹ thể hiện vị thế siêu cường duy
nhất thế giới của mình. Củng cố sức mạnh của NATO có Mỹ đứng sau
lưng để kiềm chế Nga và gạt ảnh hưởng của Nga ra khỏi vùng
Balkan. Mỹ muốn áp đặt các tiêu chuẩn, giá trị của Mỹ ở Âu Châu”.
Một điều đáng lưu ý ở đây, là Mỹ đã cho Đức tham gia trận chiến
Kosovo, điều này chứng tỏ Mỹ bật đèn xanh cho Đức Quốc Thống Nhất
được tái võ trang, đồng thời Pháp khẳng định lại chính sách và
quay trở lại NATO từ 1995, từ bỏ việc đứng tách riêng một mình,
đối lại với Mỹ, Pháp luôn cổ vũ xây dựng một bản sắc Châu Âu
riêng, nhất là trong vấn đề tự vệ phòng thủ an ninh cho chính bản
thân Âu Châu. Pháp không muốn để mất đi vai trò giải quyết các
công việc Châu Âu vào tay Anh và Đức, và cũng để lấy thế mặc cả
với Mỹ ngay trong các công việc của liên minh Châu Âu.
Trong suốt thập kỷ 90 (1990–2000) Nga
đang chuyển mình từ cộng sản sang dân chủ tư bản dưới hai đời
tổng thống Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin sinh sản ra một
giai cấp mới là “giai cấp tư bản đỏ”, trong khi đó thì Tây Âu
chuyển mình từ thụ động sang thế chủ động dưới cái ô che của NATO
nhằm cô lập hóa Nga. Trước tình thế đó, Điện Cẩm Linh phải đặt
lại tất cả mọi vấn đề liên quan đến chính sách đối nội, đối ngoại
để giữ vững vị thế của mình. Ngày 31 tháng 12 năm 1999 Tổng Thống
Boris Yeltsin từ chức, và Vladimir Putin đảm nhiệm chức vụ này
thể theo hiến pháp hiện hành của Nga. Do giới hạn hiến pháp
(không làm quá 2 nhiệm kỳ Tổng thống Nga liên tục 2000–2008),
Putin không thể kéo dài thời gian lãnh đạo sang nhiệm kỳ thứ 3.
Sau sự thành công của người kế nhiệm của ông, Dmitry Medvedev
trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2008, Putin được Medvedev đề
cử vào chiếc ghế Thủ tướng Nga và chính thức nhậm chức vào ngày 8
tháng 5 năm 2008. Quyền hành thủ tướng của Putin cũng chẳng thua
kém gì tổng thống vì thành tích được ca ngợi là “vĩ đại” của
Putin trong hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Chechnya. Lần thứ nhất
từ 1994 đến 1996 và lần thứ hai từ 2000 đến 2009 được gọi là cuộc
chiến tranh “hủy diệt” với bàn tay lạnh lùng của Putin. Năm 2012,
Putin tiếp tục tranh cử tổng thống, và đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 với
63% số phiếu cử tri. Năm 2014, Putin phát động chiến tranh chiếm
bán đảo Crimea và chuẩn bị cho Ukraine Năm 2018, Putin giành được
77% phiếu bầu tổng thống vào kỳ bầu cử tháng 3 năm 2018, và tiếp
tục làm tổng thống Nga trong nhiệm kỳ sáu năm sẽ kết thúc vào năm
2024.
Từ một
vài sự kiện lịch sử này, đủ cho chúng ta thấy rằng vì sự “chuyển
mình” của Mỹ–NATO và EU đối với liên bang Nga, Điện Cẩm Linh buộc
phải có những phản ứng tự vệ. Chính sách đối nội lẫn đối ngoại
phải thay đổi cho phù hợp với tình huống mới, nên Yeltsin phải từ
chức để Putin thay thế với bàn tay sắt trong cuộc chiến Chechnya
năm 2000 và tiếp theo đó cho đến bây giờ là cuộc chiến Ukraine
cũng vẫn trong tư thế một siêu cường hạt nhân. Trong bài diễn văn
đọc trên đài truyền hình Mạc Tư Khoa tối ngày 23/2/2022 Putin đã
nói “Đây là một mối đe dọa thực sự không chỉ đối với lợi ích của
người dân, mà còn đối với sự tồn vong và chủ quyền của quốc gia –
đây là lằn ranh đỏ và đã được đề cập rất nhiều lần. Nhưng họ đã
vượt qua nó”.
Sau đó vài ba hôm. Zelensky nhân ngày kỷ niệm 36 thảm họa hạt
nhân Chernobyl đã lớn tiếng kêu gọi “Thế giới phải kiểm soát toàn
cầu năng lực hạt nhân của Điện Cẩm Linh”. Hầu hết các chính trị
gia nổi tiếng cho rằng lời tuyên bố của Zelensky là bất khả thi
nếu không nói là “ảo tưởng”, bởi điều đó chỉ có thể xảy ra khi
toàn thể nước Nga bị chiếm đóng bởi một thế lực nước ngoài, hoặc
chỉ khi Putin bị thay thế bởi một nhà lãnh đạo toàn cầu thân
phương Tây. Nga đã từ bỏ cộng sản từ lâu qua hai lời tuyên bố của
hai tổng thống Nga. Boris Yeltsin đã từng công khai tuyên bố
“Cộng sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải nó”.
Vladimir Putin thì “Đừng mong cái triều đại cộng sản gian tà ấy
có cơ hội sống lại trên đất nước này khi dân tộc Nga còn tồn
tại”. Điều đó chứng minh rõ ràng rằng, Nga không bao giờ có thể
trở lại cộng sản được, Nga muốn có một thời gian để gượng đứng
dậy sau thời kỳ phá sản của cộng sản, Nga cố gắng nhẫn nhục để
củng cố lại vị thế của mình, nhưng biến cố Kosovo, Iraq,
Afghanistan với sự hiện diện của quân NATO, Tây Phương vô tình đã
đẩy Putin vào tư thế độc tài toàn trị và phản ứng mạnh mẽ của Nga
là can thiệp trực tiếp vào tình hình của Syria năm 2012, công
khai thách thức Tây Phương với câu nói đi vào lịch sử của Putin
trong lúc này “Tha thứ cho bọn khủng bố là việc của Chúa, tiễn
chúng về với chúa là việc của tôi”. Năm 2014 chiếm Crimea và bây
giờ đến Ukraine năm 2022. Cả hai sự xung đột này, Mỹ và NATO đều
đứng bên lề “đánh võ mồm” nêu lý do là Ukraine không phải là
thành viên NATO, chẳng khác nào gián tiếp xác nhận cuộc chiến
tranh này là chuyện nội bộ của anh em dòng họ RUS’. Putin ngẫu
nhiên trở thành một kẻ độc tài xâm lược. Oái oăm thay Donald
Trump lại ca ngợi Putin hết lời. Vì sao? Bởi Trump đã nhiều lần
công khai nhận định rằng thà rằng một chế độ độc tài chuyên chế
với một minh quân khôn ngoan xảo quyệt, biết lo cho dân tộc mình
phú trước cường sau (dân có giàu nước mới mạnh) còn hơn là kiểu
độc tài chuyên chính như Đảng Cộng sản (hôn quân vô đạo) từ bấy
lâu nay chỉ biết lo cường trước phú sau, chiến đấu cơ của chú ba
Tập đầy bầu trời Đông Á, chiến hạm lấp cả Thái Bình Dương, trong
khi bình quân đầu người hán–mãn–mông–hồi–tạng của Trung Quốc Vĩ
Đại chỉ có khoảng 12 ngàn USD/năm đứng hàng thứ 56 trên thế giới.
Độc tài kiểu Tập Cận Bình còn bị chính trị bộ của đảng kìm chế,
hay đối kháng của những thế lực cũ dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Putin một mình một chợ quyết định mọi vấn đề, ngay cả tự quyết
định tịch biên tài sản, bắt bớ giam cầm những nhân vật gọi là “tỷ
phú đỏ” dưới thời Gorbachev và Yeltsin. Giấc mộng của Putin là
phục hồi “Sa Hoàng” của dân tộc Nga, không giống như Tập của ba
tàu muốn biểu dương sức mạnh để thực hiện giấc mơ làm bá chủ thế
giới và nhân loại.
Ngày 25/3/2022, sau đúng một tháng
chiến tranh Ukraine–Nga bắt đầu, và khi bộ quốc phòng Nga tuyên
bố giai đoạn 1 của “chiến dịch quân sự đặc biệt” hoàn tất, trong
một cuộc họp báo tại Ba Lan, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ là Lloyd
Austin đã phát biểu “Hoa Kỳ muốn nhìn thấy nước Nga suy yếu đến
mức không thể làm được những điều mà họ có thể thực hiện trong
việc xâm lược Ukraine. Nga đã thiệt hại nhiều về năng lực quân sự
và tổn thất không ít binh lính, và Hoa Kỳ muốn thấy họ không có
khả năng tái tạo những thiệt hại đó một cách nhanh chóng.”
Bà Ngoại Trưởng của Anh Quốc còn lớn
tiếng và cường điệu gấp mười lần: “Nếu ông Putin thành công, sẽ
còn vô số những khốn khổ nữa trên khắp Châu Âu và những hậu quả
khủng khiếp trên quy mô toàn cầu. Chúng ta sẽ còn tiếp tục tiến
xa và nhanh hơn nữa để đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Đương
nhiên sẽ bao gồm Crimea và Donbass”.
Còn nữa, còn rất nhiều lời tuyên bố nảy
lửa và mang đầy tính khiêu khích nữa, nhưng xét kỷ thì chỉ có
Washington và Luân Đôn là lớn giọng mạnh tiếng nhất, Mỹ và Anh
viện trợ cho Ukraine hậu hỷ nhất, gần như hầu hết các tin tức
chiến sự Nga thất bại, Nga tổn thất thiệt hại, Nga thua chạy bỏ
lại quân cụ chiến cụ khiến dư luận cho rằng Nga là người viện trợ
nhiều nhất cho Ukraine, tất cả đều xuất phát từ các hãng thông
tấn của Anh hoặc là các cơ quan tình báo Anh. Trong khi các nhà
lãnh đạo Khối NATO, Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và EU tương đối nhẹ
nhàng hơn. Ngộ nghĩnh hơn nữa là có tin một số các nước thuộc
khối EU vẫn tiếp tục lén lút mua dầu thô và khí đốt của Nga, điển
hình nhất là Hungary, chẳng những bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ
và Tây Phương mà còn lên tiếng phản đối mạnh mẽ lệnh trừng phạt
này. Riêng Ba Lan sau khi Nga khóa ống dẫn dầu bèn xuống nước
đồng ý mua dầu bằng đồng tiền rúp của Nga. Quả đúng là một cuộc
chiến tranh quái dị và kỳ quặc kéo dài không biết bao lâu như
nhận định của các giới chức cao cấp của Hoa Kỳ trước đây!
Ngày 28/4/2022 phát ngôn viên Bộ Ngoại
giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên tại Moscow: “Ở
phương Tây, họ đang công khai kêu gọi Kiev tấn công Nga, kể cả
việc sử dụng vũ khí nhận được từ các nước NATO. Chúng tôi (Điện
Cẩm Linh) khuyên quý vị không nên thử thách sự kiên nhẫn của
chúng tôi thêm nữa”.
Thế là sau đó thành phố Mariupol trở
thành bình địa, thành phố cảng quan trọng Odessa bắt đầu ăn hỏa
tiễn, rocket càng ngày càng nhiều hơn trong suốt tuần vừa qua,
thành phố Zaporizhzhia càng ngày càng rối loạn hơn vì người dân
Ukraine từ phía vùng Donbass được quân Nga di tản (hay xô đẩy!?)
về đây.
26221158–1–ukraina–map.gif
Cuối tuần qua, Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác
Đài lại đưa ra những tin tức có vẽ như tiên đoán rằng “Nhân ngày
mừng chiến thắng Đức Quốc Xã 9/5 của Nga, Putin sẽ tuyên bố
‘Tuyên Chiến với Ukraine.’” Đến hôm nay là ngày thứ 72 của cuộc
chiến, không gọi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga là “Chiến”
thì gọi là cái gì mà cho đến hôm nay mới gọi là “Tuyên Chiến”.
Chưa tuyên chiến, chỉ có “chiến dịch quân sự đặt biệt” thôi mà
trong vòng có hai tháng đã có bao nhiêu thành phố lớn quan trọng
của Ukraine đã trở thành đống gạch vụn, hàng triệu thường dân vô
tội phải bỏ nhà cửa ra đi lánh bom đạn của cả đôi bên. Tổng Thống
Zelensky “giờ này anh ở đâu!? Ma Ri Bôn, Kép, Khe Sân, hay ở dưới
hầm sâu với sự bảo vệ ‘starlink’ của Elon Musk”. Nếu bây giờ
Putin chính thức tuyên bố “Declaration War” với Ukraine cho cả
thế giới biết thì cái gì sẽ xảy ra? Cuộc chiến này sẽ kết thúc
vài ba tuần trong điêu tàn đổ nát cho dân tộc Ukraine. Thế giới
có nhảy vô thì tất cả cùng nhảy chung vào một chảo lửa. Đơn giản
chỉ có thế. Putin đang ngồi chờ đó!
Trước khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ đã
cung cấp cho quân đội Ukraine khoảng 1 tỷ USD vũ khí và trang
thiết bị quân sự, trực tiếp huấn luyện quân đội Ukraine từ năm
2014. Sau ngày chiến sự bùng nổ 24/2/2022, Mỹ đã viện trợ thêm
cho Ukraine 3.7 tỷ USD vũ khí và các khoản viện trợ khác, và hiện
đang tìm kiếm thêm 33 tỷ USD từ Quốc Hội, bao gồm viện trợ quân
sự rộng rãi và các hỗ trợ khác cho Ukraine.
Ngày 3/5/2022 vừa qua, trong buổi điều
trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ, các thượng nghị sĩ trong đó có thượng
nghị sĩ Patty Murray đã gay gắt hỏi Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd
Austin và Tướng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mark Miley rằng:
– Liệu vũ khí do Mỹ viện trợ cho
Ukraine có thực sự được chuyển đến tay quân đội Ukraine trên tiền
tuyến hay chúng đang được chuyển hướng hoặc đang được dự trữ ở
một nơi nào đó.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin trả
lời như sau:
–
Rất khó để biết vấn đề này vì không có một nhân viên Mỹ nào trên
mặt đất ở Ukraine để giám sát số vũ khí được Mỹ cung cấp này. Tuy
nhiên chúng tôi (Austin và Miley) đã thường xuyên nói chuyện với
người đồng cấp Ukraine (Oleksii Reznikov) và luôn nhấn mạnh với
họ rằng, họ phải chịu trách nhiệm về việc phân phối vũ khí cho
quân đội của họ.
Cái ông bộ trưởng quốc phòng hoa kỳ
Austin này trả lời thật ngớ ngẩn. Vũ khí của Mỹ viện trợ không
đến tay người lính Ukraine thì làm sao quân dân Ukraine đã phá vỡ
và đẩy lùi quân Nga ra khỏi vòng vây thủ đô Kiev, làm sao Ukraine
đã tiêu diệt hàng chục lữ đoàn lính Nga, hàng chục tướng lĩnh Nga
“thọ tiễn tại sa trường”, hạm đội Hắc Hải của Nga bị chôn xuống
đáy biển, hai ba kho vũ khí và nhiên liệu trên lãnh thổ Nga bị
hủy diệt, trong khi mặt trận đông nam và nam của Ukraine gần như
đã kết thúc, chỉ trừ số phận của thành phố cảng Odessa được đếm
hàng ngày. Như đã nói, nếu Odessa rơi vào tay Nga thì Ukraine là
một quốc gia “không có bờ biển”. Nếu Nga kiểm soát hoàn toàn
Black Sea có nghĩa là mục tiêu của Điện Cẩm Linh đã thành công.
Nhưng than ôi! Như lời Ngoại Trưởng Anh Quốc Liz Truss vừa phát
biểu tuần rồi “Nếu Ông Putin thành công, sẽ còn vô số những khốn
khổ nữa trên khắp Châu Âu và những hậu quả khủng khiếp trên quy
mô toàn cầu”. Nhưng phải làm thế nào cho Nga thất bại? Còn đang
tranh cãi! Bao lâu nữa nào ai biết.
Vào ngày 05/03/1946, một trong những
bài phát biểu nổi tiếng nhất của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cựu
Thủ tướng Anh Winston Churchill đã lên án chính sách của Liên Xô
tại Châu Âu và tuyên bố: “Từ Stettin ở Baltic tới Trieste ở
Adriatic, một bức màn sắt đã buông xuống trên khắp lục địa.”
Bài phát biểu của ông Churchill được
coi là một trong những “phát súng” mở đầu Chiến tranh Lạnh.
Ông nói thêm: “Từ những gì tôi đã thấy
của bạn bè và đồng minh Nga trong cuộc chiến (Đệ Nhị Thế Chiến),
tôi tin rằng không có gì người Nga ngưỡng mộ nhiều như sức mạnh,
và không có gì mà họ ít tôn trọng hơn sự yếu đuối, đặc biệt là sự
yếu đuối của quân đội. Vì lý do đó, học thuyết cũ của sự cân bằng
quyền lực là không rõ ràng. Nếu các nền dân chủ phương Tây đứng
cạnh nhau, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của Hiến chương
Liên Hợp Quốc, cùng nhau củng cố và tăng cường những nguyên tắc
đó sẽ là điều căn bản nhất để tự bảo vệ an ninh cho chính mình.
Tuy nhiên, nếu họ (Châu Âu) bị chia rẽ hoặc chùn bước trong nhiệm
vụ của họ và nếu những điều căn bản quan trọng này bị lãng quên
hay bỏ qua thì những thảm họa có thể đe dọa và áp đảo ngay trước
mắt tất cả chúng ta”.
Sự “thảm họa” mà cựu Thủ tướng Winston
Churchill đã nói cách đây 70 năm nay đã thành hiện thực qua cuộc
tấn công võ trang của Nga vào lãnh thổ Ukraine vừa qua. Phương
Tây đang nhận ra rằng không phải cả thế giới đều đồng tình với Mỹ
và Châu Âu trong việc lên án hành vi Putin điều quân xâm lược
Ukraine, và cũng không phải cả thế giới đền đồng loạt hưởng ứng
lệnh “trừng phạt Nga” do Mỹ đề xướng. Nhiều nước phía Nam bán cầu
vẫn giữ những ký ức cay đắng về các hành động quân sự trực tiếp
hoặc gián tiếp của Mỹ hoặc Châu Âu, như tại Iraq, Libya, Yemen...
ngay như trong thời điểm này một vài quốc gia thuộc khối đông âu
cũ cũng bắt đầu chao đảo ngã nghiêng rồi. Thí dụ điển hình nhất
là Hungary và Moldova. Do đó, có một nguy cơ lớn là trong những
năm tới đây chúng ta sẽ chứng kiến một thế giới không phải chỉ bị
xẻ làm đôi, mà là bị chia cắt thành những mảnh nhỏ hơn, với hai
nhóm chính đối đầu nhau, một bên là phương Tây được tạo lập lại
sau một thời gian được gọi là “đoàn kết là chết hết, chia rẽ để
sống lẻ tẻ”, và một bên là liên minh trên thực tế giữa Bắc Kinh
và Matxcơva, còn phần còn lại của thế giới thì phải tìm cách chèo
lái trong thời kỳ băng giá mới này. Sau Châu Âu, người ta lo rằng
căng thẳng sẽ chuyển dịch sang lục địa Châu Á. Trên thực tế, toàn
cầu hóa về kinh tế, vốn phần nào đã bị đại khủng hoảng Covid–19
gây ảnh hưởng và làm suy yếu trong hai năm qua. Ông chủ của quỹ
đầu tư khổng lồ BlackRock, trong một bức thư gửi các nhà đầu tư,
cũng đã tuyên bố toàn cầu hóa đã chết. Các chuỗi cung ứng, vốn dĩ
ngay từ đầu đại dịch Covid–19 đã cho thấy rất mong manh, dễ bị
tác động, nay với chiến tranh Ukraine, một lần nữa lại tỏ ra dễ
bị tuột dốc đáng lo ngại.
Để Kết: Qua cuộc chiến tranh
Ukraine–Nga còn đang tiếp diễn, các nhà lãnh đạo Tây Phương liệu
có đi đúng hướng hay đang đùa với lửa? Phương Tây có thực sự muốn
bùng nổ một Thế Chiến Thứ III hay không? Câu trả lời xin để dành
riêng cho tư duy của mỗi người, dù là đang bênh vực cho Zelensky
hay đang ủng hộ Putin.
Như thường lệ, xạo sự nghe cho vui rồi
bỏ.
Út Bạch Lan
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Van Chuong Vu chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, May 8,
2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang