Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Sưu tầm Tôn giáo
Chủ đề: NOEL
Tác giả: LM An-phong Trần Đức Phương

Mùa Giáng sinh
Tìm hiểu Ngày
Sinh Nhật của Chúa Giê-su Ki-tô


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Tại Hoa Kỳ, cứ sau lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) nhiều gia đình và nhà hàng bắt đầu trang hoàng trong nhà, cũng như trước cửa nhà để chuẩn bị vào mùa Lễ Lớn: Đại Lễ Giáng sinh và năm mới sắp tới. Một cách đơn giản chúng ta thường hiểu Lễ Giáng sinh là ngày lễ mừng “Sinh Nhật” (Birthday) của Chúa Giê-su và ngày 25 tháng 12, 2005 này là ngày sinh nhật thứ 2005 của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, nghiên cứu lịch sử về ngày lễ này, chúng ta thấy có những điều không hẳn đơn giản như vậy.

Một chút lịch sử ơn cứu độ.

Theo truyền thống Do Thái mà nền tảng là Thánh kinh Cựu Ước, sau khi tổ tông (Thủy tổ) loài người là ông A-dong và bà E-va sa ngã phạm tội, liền bị mất ân nghĩa với Thiên Chúa
(Sách Sáng Thế 3:23). Tuy nhiên vì “Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Chúa” (ST 1:27) Ngài không để con người phải án phạt đời đời, nên Ngài đã hứa ban một Đấng Cứu Thế đến để cứu chuộc tội lỗi nhân loại (ST 3:15) và danh hiệu của Ngài là “Đấng Cứu Tinh” (Messiah). Nguyên ngữ trong tiếng Do Thái thì “Messiah” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Theo thói tục của người Do Thái thì ai được chọn làm “Vua”, làm “Tiên tri” (Prophet), làm thầy “Tư Tế” đều được phong chức chính thức bằng việc xức dầu (thánh) (dầu ô-liu) trên đầu. Danh từ “Messiah” chuyển dịch qua tiếng Hy Lạp là “Christos”. Danh từ “Christos” chuyển sang tiếng La-tinh là “Christus” và sang tiếng Pháp, tiếng Anh là “Christ”, Tiếng Việt Nam (theo các bản dịch Thánh kinh của Công giáo, và các sách đạo đức) chuyển dịch là “Ki-tô” (hay Ky-tô).

Theo Do Thái giáo thì đấng “Messiah” (Ki-tô) chưa tới cứu độ Dân Ngài. Hàng năm người Do Thái vẫn đến bên bức “Tường Khóc” để cầu nguyện xin “Đấng Cứu Độ” đến.

Theo Ki-tô Giáo thì “Đấng Ki-tô” đã giáng sinh, và khi Ngài sinh ra thì được đặt tên là “Giê-su” (Jesus) theo như lời sứ thần truyền tin cho Maria, mẹ Ngài, đã báo trước
(Xin xem Phúc âm Lu-ca 1:31 và 2:21). Danh từ “Giê-su” theo nguyên ngữ Do Thái có nghĩa là “Đấng Thiên Chúa Cứu Độ”, sau đó hiểu là “Đấng Cứu Độ” (Savior). Vì Chúa “Giê-su” chính là “Đấng Ki-tô” Thiên Chúa đã hứa, nên tên Ngài thường được gọi là “Giê-su Ki-tô”. Thánh Phao-lô trong các thơ gửi các giáo đoàn thường dùng danh hiệu “Giê-su Ki-tô”. Chúng ta cũng nên lưu ý là vào thời xưa một người chỉ có “tên gọi”, chưa có “tên họ” và “tên đệm”; nhưng có những “tên hiệu” ghép vào “tên gọi” trong một số trường hợp, nhất là trường hợp của các vua chúa hay các “Danh Nhân”. Theo Kinh thánh, Chúa Giê-su cũng được gọi là “Emmanuel” hay “Immanuel” (PÂ Lu-ca 1:23). Danh từ “Emmanuel” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Danh hiệu “Emmanuel” đã được Tiên tri Isaia (740-687BC) nói đến (Sách Isaia 7:14).

Chúa Giê-su sinh ra năm nào?

Năm Thiên Chúa giáng sinh làm người được kể là năm thứ nhất theo lịch chung chúng ta dùng hiện nay; như thế sinh nhật của Ngài đã chia đôi lịch sử nhân loại.

Theo lịch sử Thánh kinh thì từ “tạo thiên lập địa” đến năm Chúa giáng sinh được gọi là “Thời Kỳ Cựu Ước” và từ năm Chúa giáng sinh trở về sau được gọi là “Thời Kỳ Tân Ước”. Theo lịch chung chúng ta dùng hiện nay thì trước thời Chúa giáng sinh gọi là “trước Công Nguyên”, thường ký hiệu là B.C. “Before the birth of Christ” và từ năm Chúa giáng sinh cho đến ngày “tận thế” thì gọi là “sau Công Nguyên” thường ký hiệu là A.D. “Anno Domini” “Theo năm của Thiên Chúa”.

Như vậy ngày 25 tháng 12 năm 2005 này chúng ta mừng sinh nhật thứ 2005 của Chúa Giê-su Ki-tô. Tuy nhiên vì các nhà làm lịch lúc đầu tính lầm nên năm Chúa Giê-su giáng sinh bị lệch đi mất 6 hoặc 7 năm. Nếu tính đúng thì năm 2005 sẽ phải là năm 2011 (hoặc 2012). Nói một cách khác, đơn giản hơn, thì vào năm 2005 này tuổi của Chúa Giê-su đã là 2011 (hoặc 2012)
[năm].

Lý do của việc “tính lầm” này là vì vào thời xưa người ta chưa có lịch chung như ngày nay, nên thường tính năm theo triều đại của các vua như “Đời Vua Hùng Vương thứ 18”... chẳng hạn, hoặc theo một biến cố lịch sử nào đó như năm Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây “Vạn Lý Trường Thành” chẳng hạn. Các thánh sử khi viết sách “Phúc âm” hay “Tin Mừng” cũng dùng niên hiệu các vua cùng với những biến cố lịch sử nào đó. Thí dụ: Thánh Mat-thêu viết: “Khi Chúa Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê-a, thời vua Hê-rô-đê trị vì...”
(xin xem PÂ theo Thánh Mat-thêu 2:1...). Thánh Lu-ca viết: “vào thời Hoàng Đế Au-gus-tô ra chiếu chỉ Kiểm Tra dân Số... Khi Giu-se và Maria đang ở Bê-lem, thì Maria đến ngày sinh con...” (xin xem PÂ Lu-ca 2:1...)

Khi Chúa giáng sinh thì nước “Do Thái” (vùng Palestina) đang dưới quyền “đô hộ” của Đế Quốc Rô-ma. Lúc đó Đế Quốc Rô-ma đang cai trị nhiều vùng rộng lớn, bao gồm cả vùng Trung Đông. Hoàng Đế Rô-ma lúc đó là Au-gus-tô. Còn vua Hê-rô-đê chỉ là một “tiểu vương” thay mặt hoàng đế Rô-ma cai trị miền Giu-đê-a (phía nam Palestina) và nhà vua không phải là người Do Thái. Vùng đất Palestina (nơi người Do Thái sinh sống thời đó) gồm ba miền: Ga-li-lê (Bắc), Samaria (Trung) và Giu-đê-a (Nam). Thành Bê-lem nơi Chúa giáng sinh và thủ đô Giê-ru-sa-lem nằm phía nam thuộc Giu-đê-a. Vua Hê-rô-đê này thường được gọi là vua “Hê-rô-đê Cả” (Herod the Great) để phân biệt với Hê-rô-đê “Antipa” là con. Vua “Hê-rô-đê Cả” là người đã tiếp kiến các nhà đạo sĩ “phương đông” đến triều yết, để hỏi đường đến chiêm bái vị vua mới sinh ra
(Mat-thêu 2:1...). Cũng nhà vua này đã ra lệnh “giết các hài nhi mới sinh từ hai tuổi trở xuống...” (xin xem thêm PÂ Mat-thêu 2:1...). Theo các sử gia thì nhà vua này chết vào năm 4 trước Công Nguyên, tức là sau khi Chúa Giê-su sinh ra chừng 3 hay 4 năm (vì Chúa Giê-su sinh ra vào năm 6 hay 7 trước Công Nguyên, do nhà làm lịch tính lầm năm, như đã nói trên) Khi Thánh Giu-se nghe tin nhà vua đã chết, liền đem Đức Maria và Chúa Hài Nhi trở lại quê hương (PÂ Mat-thêu 2, 19...) (Như vậy là Thánh Giu-se, Mẹ Maria và Chúa Hài Nhi Giê-su cũng đã phải trải qua một thời “di cư” sống nơi “đất khách, quê người” như nhiều người Việt Nam chúng ta hiện nay!).

Riêng về Hê-rô-đê “Con”, ông là người đã ra lệnh xử trảm Thánh Gio-an Tiền Hô
(PÂ Mat-thêu 14:4). Nhà vua này cũng là người đã “Rất mừng rỡ khi gặp mặt Chúa Giê-su...” (PÂ Lu-ca 23:6...) khi Người bị bắt và đang bị xử án.

Nếu tính theo triều đại Hoàng Đế Rô-ma Au-gus-tô, thì Chúa Giê-su sinh ra vào “đời Hoàng Đế Au-gus-tô thứ 20”.

Thực ra người chủ trương lấy năm Chúa Giê-su sinh ra là năm I để bắt đầu Công Nguyên là ông Di-ô-ni-si-ô (khoảng năm 556) đã tính lầm năm sinh của Chúa, vì ông căn cứ vào năm xây dựng thành Rô-ma và tính là Chúa giáng sinh vào cuối năm 753 sang năm 754 (sau khi thành lập thành Rô-ma) là năm Chúa giáng sinh, tức là năm I của Công Nguyên. Nhưng sau này các sử gia và các học giả Kinh thánh và lịch sử Đế Quốc Rô-ma nghiên cứu lại các thời đại Hoàng Đế Au-gus-tô và vua Hê-rô-đê Cả mới thấy là Chúa Giê-su phải sinh ra sớm hơn khoảng năm 746 hay 747 sau khi thành lập thành Rô-ma, và vì thế năm sinh của Chúa bị ghi hụt đi mất 6, 7 tuổi và cũng vì thế mừng sinh nhật cúa Chúa năm 2003 chính ra đã là năm 2009 (hay 2010). Tóm lại, năm Chúa Giê-su Ki-tô giáng sinh.

*Cách thời của Abraham: 21 thế kỷ;

*Cách Maisen với công cuộc xuất hành khỏi Ai Cập: 13 thế kỷ;

*Cách thời bà Ruth và các thẩm phán: 11 thế kỷ;

*Cách thời vua David được xức dầu phong vương: một ngàn năm;

*Cách năm đại hội Olympics đầu tiên: 776 năm (Đại Hội thứ 194);

*Khoảng 747 năm sau khi thành lập Thành Rô-ma.

(Quý vị có thể xem thêm tài liệu trong các sách chú giải về Kinh thánh hoặc đọc phần Dẫn Nhập vào Kinh thánh Tân Ước trong các bản dịch Kinh thánh của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn; hoặc của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ; hoặc trong The New American Bible; hoặc trong Bible de Jê-ru-sa-lem).

Chúa Giê-su sinh ra ngày nào?

Đọc tiểu sử của các “vĩ nhân” trên thế giới thời xưa, chúng ta thường không thấy nói đến ngày sinh; chẳng hạn Socrate (khoảng 470-399 BC) hay Platon (khoảng 428-348 BC), v.v. Ngay các cụ trọng tuổi của người Việt Nam chúng ta bây giờ, nhiều vị cũng không nhớ “ngày sinh, tháng đẻ” của mình; nhiều cụ chỉ nhớ là tuổi “Mùi” hay tuổi “Thìn”. Ngay cả ngày tháng năm sinh của các cụ trên giấy khai sinh cũng không đúng hẳn... Ngày sinh của Chúa Giê-su cũng không được ghi lại đầy đủ trong các sách Phúc âm (Tất nhiên Chúa Giê-su cũng không có giấy khai sinh hay sổ bộ khai sinh...)

Nhưng tại sao lại mừng ngày Chúa Giê-su ra đời vào 25 tháng 12 hằng năm?

Thực ra, trong ba thế kỷ đầu (các Ki-tô hữu chỉ họp nhau để kỷ niệm việc Chúa Giê-su đã chịu đau khổ, đã chịu chết và đã sống lại. Đặc biệt tụ họp vào ngày thứ nhất trong tuần (
Ngày Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết: xin xem PÂ Gio-an 20, 1...) và gọi ngày này là “Chúa Nhật”. Việc cử hành phụng vụ này gọi là “Nghi Lễ Bẻ Bánh” (ý nói đến việc cử hành nghi lễ “Thánh Thể”) (xin đọc sách Tông Đồ Công Vụ đoạn 2, câu 42...). Trong những cuộc “họp mặt” này, các Ki-tô hữu cùng gặp gỡ nhau, chia sẻ tình thân hữu và niềm tin, rồi cùng nhau cầu nguyện và dự “Lễ Thánh Thể” (Nghi Thức Bẻ Bánh). Lúc đầu chưa có các “Thánh Đường”, nên thường tùy tiện họp mặt tại các tư gia hay nơi nào có thể được, như tại “hành lang Salomon” (TĐCV 5:12...). Tuy nhiên việc “Cử Hành” này cũng không được đều đặn, vì ngay từ lúc đầu các Ki-tô đã bị bách hại và xua đuổi. Đọc sách “Tông Đồ Công Vụ” (The Acts of Apostles), ta thấy rõ điều này: trong khi các tông đồ và các tín hữu ra sức rao giảng “Tin Mừng tình thương của Chúa cho mọi người ở mọi nơi họ sống, thì họ cũng luôn bị những thế lực thù nghịch chống đối và bách hại;” vì “bóng tối” luôn thù nghịch “ánh sáng”. Những người sống theo “thế gian” thì thù ghét những ai sống ngược lại với lối sống của họ! Tất nhiên “Thầy” của mình là Chúa Giê-su Ki-tô đã bị thù ghét, bị bắt, bị hành hạ và bị giết nhục nhã trên thánh giá, thì các môn đệ của “Thầy” qua các thế hệ đều cũng bị bách hại cách này hay cách khác... Tuy nhiên, trong ba thế kỷ đầu thì các cuộc bách hại rất dữ dội ngay tại nơi đất nước quê hương của Chúa Giê-su và các tông đồ, và sau đó là ở khắp các nơi trong toàn Đế Quốc Rô-ma. Hơn nữa, lúc đó chưa có các tổ chức “Bảo Vệ Nhân Quyền” hay “Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo”, nên các nhà cầm quyền tự do đàn áp và tàn sát các tín hữu và các vị lãnh đạo tôn giáo của họ, bất kể ở các chức vụ nào. Thánh Phê-rô, vị Giáo Hoàng đầu tiên và các Thánh Tông Đồ đều bị giết, trừ Thánh Gio-an thì bị lưu đày cho đến chết. Các vị Giáo Hoàng tiếp theo cũng như các thành phần trong giáo hội đều bị xua đuổi, bị bắt, bị tù đày và bị giết thảm khốc (nhất là dưới thời Hoàng Đế Nê-ron).

Trong hoàn cảnh cực khổ đó, các vị lãnh đạo và các tín hữu tiếp tục giữ vững đức tin và tiếp tục rao giảng Tin Mừng và họp mặt cầu nguyện và cử hành nghi lễ “Thánh Thể” bất cứ lúc nào và nơi nào có thể được để an ủi và nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đức tin đầy khó khăn như thế. (Xin xem thêm về chuyện các “Hang Toại Đạo” “Catacombs” tại Rô-ma ngày xưa). Cho mãi đến năm 313 khi một Hoàng Đế Rô-ma có tên là Constantino Đại Đế (Constantine “The Great”) (280-337) (theo đạo Công giáo, Mẹ là Thánh Helene) ký hiệp ước Milan (Edit de Milan) để bảo đảm quyền tự do tôn giáo, lúc đó giáo hội mới được hưởng một thời kỳ an bình (Paix de L’Eglise) và lúc đó, các Ki-tô hữu mới được hưởng chút tự do để thờ phượng Chúa và các thánh đường được xây cất, các buổi “họp mặt” cầu nguyện, học hỏi Thánh kinh và cử hành “Lễ Thánh Thể” mới được thường xuyên hơn... Tuy nhiên đến năm 336 mới thấy việc cử hành ngày Chúa giáng sinh (Christmas Day) xuất hiện trong lịch phụng vụ của Giáo Hội. Việc mừng Lễ Giáng sinh của Chúa Giê-su chắc là trùng hợp với việc các Ki-tô hữu, khi đã được hưởng thời gian an bình để sống đạo, liền nghĩ đến việc hướng về quê hương của Chúa, nhất là nơi Chúa giáng sinh là thành Bê-lem và hành hương kính viếng và chung tay xây cất Đền Thờ Chúa giáng sinh tại Bê-lem vào năm 330.

Vì ngày Chúa giáng sinh không được ghi rõ ràng trong các văn kiện lịch sử cũng như trong các sách Phúc âm, nên Giáo Hội đã chọn một ngày thích hợp là 25 tháng 12 là ngày gần với ngày đông chí (winter solstice), ngày ngắn nhất đã qua và ánh sáng lại trở lại... và vì thế các dân tộc Trung Đông thời cổ hay mừng “ngày ánh sáng” vào 25 tháng 12; rồi Giáo Hội muốn thánh hóa ngày này bằng việc kính nhớ ngày Thiên Chúa giáng sinh “Đất Trời Giao Hòa”. Như vậy ngày 25 tháng 12 không phải là ngày có tính cách lịch sử mà chỉ là ngày kỷ niệm mừng Chúa giáng trần để giao hòa với nhân loại và loan báo tin mừng cứu độ (xin xem thêm “Preaching the Lectionary” của R. H. Fuller). Đây chỉ là một việc làm theo “tiện lợi”, tạm ví như nhiều cụ khi ở Việt Nam thì không có thói quen mừng ngày sinh nhật (birthday) (tất cả chỉ mừng vào dịp Tết). Nhưng đến Hoa Kỳ, giới trẻ thích sống theo văn hóa địa phương, đã có thói quen mừng “sinh nhật”, và cũng muốn các bậc cha mẹ có một ngày để mừng cho con cháu vui vẻ trong gia đình. Các cụ nào không nhớ được ngày sinh nhật chính thức của mình, đã chọn một ngày nào đó; chẳng hạn có cụ chỉ nghe cha mẹ nói là mình sinh vào dịp tháng tám mưa bão, liền chọn một ngày trong tháng 8. Có cụ chỉ nhớ cha mẹ nói là sinh vào giữa mùa gặt (ở ngoài bắc thì vào tháng 5) nên chọn một ngày vào tháng 5. Kể cả việc ngày giỗ của một số vị trong gia đình cũng không thể đúng ngày; nhiều gia đình có chồng con mất tích trong cuộc chiến, khi biết chắc là đã chết, liền chọn một ngày để kính nhớ (thường hay chọn vào ngày nghe tin mất tích...).

Vì ngày mừng lễ Giáng sinh vào 25 tháng 12 hàng năm không xác thực theo lịch sử nên thường có những ý kiến chống đối; đặc biệt vào thế kỷ 17 tại Anh Quốc, những người “Thanh Giáo” (Puritans) đã nỗ lực để yêu cầu xóa bỏ việc mừng lễ Giáng sinh của Chúa Giê-su; nhưng mọi nỗ lực đều thất bại, và việc mừng Chúa giáng sinh vào 25 tháng 12 hàng năm vẫn tiếp tục ở Anh Quốc cũng như khắp nơi trên thế giới. Hơn nữa, việc mừng lễ Giáng sinh của Chúa không phải chỉ đơn thuần mừng ngày “sinh nhật” của Chúa, mà còn có ý nghĩa thiêng liêng chuẩn bị tâm hồn đón Chúa vào tâm hồn tín hữu, và ngày Chúa trở lại trần gian lần thứ hai trong ngày thẩm phán. Vì thế có gần một tháng để tín hữu chuẩn bị lễ Giáng sinh, gọi là “Mùa Vọng” (ngày xưa gọi là “Mùa Áp”) (Advent). Mùa Vọng là mùa Giáng sinh khởi đầu niên lịch phụng vụ của Giáo Hội, tiếp theo là “Mùa Thường Niên I”, rồi đến “Mùa Chay” (Lent) để chuẩn bị Đại Lễ Phục Sinh và Mùa Phục Sinh, rồi đến “Mùa Thường Niên II” kéo dài đến “Mùa Vọng” cho một niên lịch phụng vụ mới.

Nơi đây chúng tôi cũng xin nói thêm là trước lễ Giáng sinh 9 tháng, Giáo Hội có một ngày mừng lễ đặc biệt gọi là “Lễ Truyền Tin” (Annunciation) để kỷ niệm giờ phút sứ thần Thiên Chúa báo tin cho Đức Maria biết Thiên Chúa đã chọn Ngài làm người được diễm phúc cưu mang và sinh Đấng Cứu Thế... Và Đức Maria đã “Xin Vâng”
(xin xem Phúc âm Lu-ca đoạn I, từ câu 26...). Đây chính là giờ phút rất quan trọng trong lịch sử ơn cứu độ, giờ phút “Đất Trời Giao Hòa”, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (PÂ Gio-an 1, 14). Chính vì thế mà trong toàn Giáo Hội có thói quen “Nguyện Kinh Truyền Tin” vào ba lúc quan trọng trong một ngày: sáng, trưa, chiều. Khi nghe tiếng “Chuông Nguyện” mọi tín hữu đều ngưng các công việc để nguyện kinh “Truyền Tin” mà nhớ đến giây phút quan trọng này: “Và Ngôi Lời đã nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria.” Rất nhiều nhạc sĩ, thi sĩ Công giáo các nơi đã sáng tác các bài thánh ca hoặc các bài thơ diễn tả giây phút “huyền nhiệm” này; đan cử như bài thơ của thi sĩ Hàn Mạc Tử, bài “Theo Tiếng Thiên Thần xưa Kính Chào” của Hoàng Diệp, bài “L’Annonce faite à Marie” của Paul Claudel (văn hào Pháp).

Ngày nay lễ Giáng sinh (có nơi gọi là lễ “No-en” “Noel”) càng ngày càng lan rộng đi khắp nơi, đến cả các dân tộc ít có các Ki-tô hữu, và ngay cả các nước còn đang dưới chế độ “cộng sản” như Cuba, Trung cộng, Việt Nam, Bắc Hàn cũng không thể ngăn cản dân chúng rầm rộ mừng lễ No-en. Đáng tiếc là ngày nay người ta đã “thương mại hóa” dịp lễ này mà làm giảm đi phần nào ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Tuy nhiên điều “lạm dụng” đó cũng không thể làm giảm đi tinh thần mừng lễ đích thực trong lòng những người thành tâm thiện chí (Abusus non Tollit Usum) và họ được hưởng “ơn phúc lộc” an bình trong tâm hồn và trong gia đình họ, như lời các Thiên Thần hát mừng trong đêm Chúa giáng sinh:

Vinh Danh Thiên Chúa trên Trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm!


Kính chúc quý vị được hưởng nhiều ơn phúc lộc của Chúa trong dịp lễ Giáng sinh này, và những ơn phúc đó sẽ tràn lan sang năm mới, đem đến bình an thật của Chúa trong tâm hồn và gia đình mỗi người chúng ta, cũng như cho toàn thể thế giới và trên quê hương dân tộc Việt Nam chúng ta.

LM An-phong Trần Đức Phương
(Cựu giáo sư chủng viện Simon Hòa)

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

... hỡi Thần dân, hãy đi và loan Tin Mừng... Chúa Cứu Thế giáng trần

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


<

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Máng Cỏ Giáng Sinh. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: bkt đọc báo
http://tinmung.net/Holiday/Christmas/Tim-hieu-GS/Ngay-sinh-nhat-cua-Chua.htm

 

Đăng ngày Thứ Hai, December 10, 2018
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang