Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tuyện ngắn
Chủ đề: Xuân Cao nguyên
Tác giả: Huy Văn

CÓ MỘT BUỔI CHIỀU

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

Rồi hắn cũng có dịp về thăm chốn cũ, ngồi tại thềm xưa, nhìn lại khung cảnh thân tình tưởng như chỉ mới rời xa một thời gian thật ngắn. 10 năm! Quãng thời gian chưa đủ dài để quên những gì không muốn nhớ. Mười năm của một đời người nhiều hệ lụy, kéo dài từ lúc bị ném vào cơn bão lửa đến khi tàn cuộc chiến chinh và sau cùng là lây lất trong mảng đời bấp bênh của hiện tại.

Bây giờ là tháng 3! Tháng của ngàn hoa khoe sắc, mở đầu cho mùa du lịch trong năm. Tháng của nắng bắt đầu ấm, của trời mây trong xanh, của cây cành tươi tắn vươn mình sau cơn ngái ngủ suốt mùa đông lạnh lẽo. Trong nỗi rộn ràng, bâng khuâng của ngày đầu trở về Đà Lạt, hắn chợt nhớ đến thời trọ học huy hoàng nhưng ngắn ngủi, đến nàng, và đến những ước mơ giản dị, bình thường nhưng chưa lần nào trở thành hiện thực.

Đà Lạt đang vào Xuân. Mùa xuân đích thực của cao nguyên vừa chuyển mình trên vạn vật lẫn trời mây. Vì vậy, Đà Lạt như đang nồng nàn dang rộng vòng tay để chào đón hắn. Cơn lạnh mơn man đủ kéo cao cổ áo, theo khói thuốc chạy vào buồng phổi, ngấm dần vào tâm não, rồi tan loãng vào mù sương đang dần buông theo hoàng hôn chập choạng của buổi chiều xuân.

Khung cảnh của sáng nắng, chiều sương gợi lại trong lòng hắn thật nhiều kỷ niệm. Hắn đã tìm đến khung trời trọ học, con dốc giảng đường, lối xưa thung lũng cùng những nơi đã từng lãng đãng hòa mình và gởi hồn vào nét đẹp như tranh thơ của ngàn thông, đồi núi. Tuy vậy, vẫn còn thoáng nao lòng khi cảnh cũ đìu hiu và người xưa chưa gặp lại, mặc dù hắn đã không còn cô đơn như thuở nào...

– Mười năm! Sao phải đến 10 năm mới gặp nhau?

– Có lẽ tại số phận mình như vậy đó. Riêng với những ai ở trong hoàn cảnh của Huy thì càng bi đát hơn. Vì từ khi còn chiến tranh, đến lúc tù đày, rồi những nhọc nhằn của kiếp phó thường dân. Lúc nào cũng bí rị, không có lối thoát cho chính mình.

– Ngọc hiểu, và rất thông cảm cho Huy. Cuộc sống bị đóng khung mọi mặt. Ngay cả phận đàn bà, con gái như Ngọc mà cũng bị chao đảo, huống chi Huy. Nhưng Ngọc vẫn không hiểu vì sao tụi mình bặt tin nhau mới là chuyện lạ. Khi mới tàn cuộc thì không nói. Sau này nghe tin Huy cũng được phóng thích, rồi về với gia đình rất sớm. Nhưng Ngọc chỉ biết có thế thôi. Hỏi thăm bạn cũ, kể cả những bạn ở Đà Lạt này, thì ai cũng nói là không nhận tin tức của Huy thường xuyên. Sau đó mất luôn địa chỉ. Thư gửi đi không thấy hồi âm, mà cũng chẳng được trả lại. Tại sao vậy!?

– Có lẽ đó là lúc Huy chạy đôn chạy đáo để kiếm đường vọt. Khi thất bại trở về nhà, thì gia đình để lạc thư của Ngọc ở đâu không biết. Huy cũng có nhờ các bạn trên này tìm Ngọc dùm Huy, thì chỉ nhận được lời hứa hẹn. Rồi thôi! Sau cùng thì mới đây, có bạn cho biết là Ngọc còn ở Đà Lạt.

– Mới đây là lúc nào?

– Cách nay đúng một năm. Khi “đi” hụt mấy lần. Hết vốn của gia đình, nên Huy phải trở lại và tìm mọi cách để giữ chân tại Sài Gòn, cuối cùng là làm “cu ly quốc doanh” để hy vọng được yên thân phần nào. Trong số bạn xưa ở Đà Lạt, thì chỉ có một người thỉnh thoảng gởi cho Huy vài chữ và lần nào cũng nói là sẽ tìm được Ngọc. Rốt cuộc nó lo “cầy bừa” mệt nghỉ. Nhờ mang thư trao cho Ngọc, nó cũng không làm được. Đành chịu thôi.

– Mấy ông bạn Đà Lạt của Huy đúng là lười kinh khủng. Nghe nói nhậu với nhau hoài, nhưng chớ hề ghé ngang nhà hay chỗ làm của Ngọc để chào nhau một tiếng. Hay là mấy ông sợ leo mấy con dốc chăng?

– Ngọc trách oan cho họ rồi. Ai nấy đều có gia đình và còng lưng vì miếng cơm, manh áo. Đi tìm Ngọc thì không tiện đường và không có thì giờ. Hơn nữa, nếu như Ngọc có chàng nào rồi thì càng thêm phiền phức.

– Làm gì có chàng nào?! Ai mà thèm dân “ế độ” như Ngọc đây chứ!?

– Vậy còn...

– Anh Phước hả!? Không nhận được tin từ ngày tan hàng cho đến nay. Liên lạc với gia đình anh ấy cũng không được. Có lẽ họ đã di tản ra ngoại quốc hay vào Sài Gòn và không trở lại Huế nữa. Hè năm 1973, khi anh ấy bị thương, Ngọc có ra tận Bệnh Viện Duy Tân thăm. Không thể dự lễ Mãn Khóa Sĩ Quan của Huy và các bạn là vì thế đấy! Chừng hai tháng sau đó, anh Phước có lên đây khi đi phép xuất viện. Ngọc nhớ rất rõ là giữa tháng 3/1975 có gửi thư cho Anh Phước và cho Huy cùng một lượt, nhưng không nhận được hồi âm của ai cả.

– Lá thư đó theo Huy lên trại tù ở Hiệp Đức, vì Huy nhận thư Ngọc vào đúng ngày di tản từ Tam Kỳ về Đà Nẵng và không đầy bốn ngày sau thì Đà Nẵng tan hàng. Rất tiếc là chút ủi an trong lúc cùng khổ cũng trở thành nguyên nhân và cớ sự, để đám quản giáo tha hồ đay nghiến mình. Lá thư của Ngọc cùng với chiếc nhẫn lần hạt đã bị khám phá và tịch thu sau một lần khám xét định kỳ. Phải chịu hình phạt kiểm điểm trước quản giáo rồi ban quản trại hai ngày liên tiếp. Rồi Huy tưởng đâu đã bị trù dập mút chỉ, không được tha về vì tội thờ Chúa, mà không chịu thờ ông cố nội của tụi nó.

– Mà thôi! Bây giờ thì mình cũng đã gặp lại nhau. Nhưng... Huy ở chơi bao lâu?

– Một ngày đi, hai ngày ở, sáng ngày thứ tư thì về. Tiêu chuẩn du lịch kiểu quốc doanh là vậy. Không dễ gì có tiền để đi chơi trong thời buổi này. Có tên trong danh sách là quý lắm rồi, vì mình không là gì cả. Huy chỉ may mắn được đi ké mà thôi.

– Huy tìm được hết mọi người chưa?

– Ngày đầu lên tới đây thì đã xế chiều. Thả một vòng qua Hòa Bình để nhìn ông đi qua, bà đi lại, là đã hết giờ nên tối chỉ ghé qua khu gia trang của ba mẹ Thưởng rồi ăn tối với vợ chồng hắn. Hôm qua theo xe đi viếng thắng cảnh cả ngày, tối lại ghé nhà Thưởng hàn huyên tiếp. Hôm nay lội lòng vòng tìm lại những chốn thân quen của ngày xưa. Bây giờ thì ngồi đây với Ngọc. Chút nữa họp mặt bạn Lính và cũng là Đồng Môn của tụi mình dưới Thủy Tạ. Nói chung là tại gặp nhau trễ quá. Nếu không thì Huy “bắt cóc” Ngọc nguyên ngày mới thỏa lòng.

– Khó tin lắm! Sau hai ngày trời mới chịu gặp Ngọc. Hay là bận lo cho em công nhân nào đó phải không? A! Nhớ rồi. Còn mấy mái tóc dài trên đường Hải Thượng, Hai Bà Trưng, Thành Thái, Võ Tánh, đường Nhà Chung và cả khu vực Cây Số 4 nữa. Dễ gì “chàng” không tạt qua, để ngắm mấy tà áo dài hay tìm lại ai đó chứ gì!? Khai thật đi!

– Xứ này đồi dốc chập chùng. Dù có trở lại thời đi lính cũng không có sức mà lội xa đến như vậy, huống chi ốm đói như bây giờ.

– Ai mà biết được mấy ông. Vậy chứ tại sao chỗ Ngọc làm chỉ cách rạp hát Hòa Bình có một con dốc mà không ghé qua, lại phải nhờ chị Thưởng nhắn tin? Mấy ông ba xạo lắm. Ai mà tin cho nổi. Chắc là bận dành cho hồng nhan tri kỷ nào đó rồi phải không?

– Huy nói thật mà! Không tin thì chút nữa hỏi Thưởng sẽ biết.

– Mấy ông bao che cho nhau. Ai còn lạ gì chứ!

– Mấy bà cũng lạ ghê! Nói thật thì không tin, còn nói láo thì tin ào ào! Đã bảo là từ xưa tới nay Huy chỉ “đầu tư” một mình Ngọc mà thôi. Không tin thì để Huy vuốt mũi thề nha...

– Anh Huy! Coi chừng!

Hắn thảng thốt giật mình quay sang Trâm. Cô gái vừa phủi tàn thuốc vướng trên tay áo của hắn, vừa dáo dác tìm xem có chỗ nào bị cháy xém hay không, rồi nói tiếp:

– Suýt chút nữa là anh làm rơi điếu thuốc lên người rồi. Hình như anh đang nghĩ ngợi về chuyện gì đó vui lắm phải không?

– Sao Bé biết! Bộ anh trông tức cười lắm hả?

– Anh cứ chống cằm ngồi nhìn đăm đăm vào chỗ nào đó bên kia bờ hồ, thỉnh thoảng lại mỉm cười ra vẻ thích thú lắm. Có lúc em lại tưởng anh muốn nói điều gì đó với em, nhưng anh chỉ đốt thuốc rồi trở về trạng thái cũ. Điếu thuốc cứ thế mà ngắn dần, mà anh thì như không hay biết nên đã định hút tiếp mặc dù thuốc đã cháy đến tận cán rồi. Không lay gọi anh, thì chắc đã phỏng môi rồi đó. Mơ mộng gì mà quên cả mình đang ở đâu vậy?

Hắn chỉ cười trừ, lại đốt thuốc để có thêm thời gian suy nghĩ trước khi trả lời cô bạn mới quen trong chuyến du lịch. Làm sao nói hết những gì đã xảy ra trong đầu hắn và làm sau nói được sự thật, là hắn vẫn ước ao có “Nàng” ở bên cạnh ngay lúc này đây. Hắn biết mình mâu thuẫn khi không chịu ghé tìm “Nàng” tại chỗ làm. Để làm gì chứ!? Hắn đã đặt cho mình câu hỏi và cũng tự kết luận là sau 10 năm, liệu tình cảm xưa còn được bao nhiêu, huống chi lúc chia tay nhau thì cũng chẳng có lời nói hay hành động nào đủ để gọi là tình tứ. Còn thư từ qua lại sau đó thì cũng chỉ dừng ở mức thân và thương, không hơn, không kém.

Thấy hắn cứ im lặng, Trâm giả đò làm nũng:

– Anh thật khó hiểu quá! Khi thì kể chuyện và cười nói huyên thuyên, lúc lại lầm lì, xa vắng. Có gì thì cứ nói cho em nghe đi. Em thích nghe anh nói lắm. Như có âm nhạc trong giọng nói vậy đó.

Lần này thì hắn bật cười và thấy tội nghiệp cô gái mới lần đầu lên Đà Lạt. Đi du lịch miễn phí nhờ có người chú là tài xế xe đò, do nhà máy mướn chở công nhân đi nghỉ mát. Hai ngày qua, Trâm cứ thích theo hắn để nghe chuyện Đà Lạt. Mặc dù đi tới đâu, cũng có hướng dẫn viên du lịch kể về những huyền thoại, hay tam sao thất bổn về mọi thứ trên đời của phố núi, nhưng cô bé vẫn thoải mái theo hắn lòng vòng các nơi, dù chỉ là ngồi trên sân Cù nhìn mây bay, hay tíu tít hỏi han lúc đoàn du lịch ghé qua những “đường xưa lối cũ” mà hắn đã từng tới lui 10 năm trước.

Cô bạn mới quen gợi lại trong hắn hình ảnh của những mái tóc dài trong truyện ngắn của Đinh Tiến Luyện, Hoàng Ngọc Tuấn hay Từ Kế Tường của những ngày còn ở bậc Trung Học. Những lãng mạn nhẹ nhàng mà bâng khuâng của thời mới lớn đã có thêm cơ hội bộc phát, khi hắn cần có một chiếc bóng bên cạnh, còn Trâm thì đang muốn được ấm lòng để làm đẹp những ngày thỏa thích sống theo cảm tính. Cũng may, Trâm không hỏi vì sao hắn lại chọn bậc thềm cao nhất của khách sạn Palace để ngồi ngắm cảnh cho qua thì giờ, mà không vào Thủy Tạ trước để chờ mấy bạn. Bằng không thì hắn lại phải nói dối để giữ riêng cho mình một kỷ niệm khác, cũng thật đẹp, trong một đêm trăng của mùa trọ học.

– Anh không biết phải bắt đầu từ đâu.

Hắn chậm rãi thả khói, rồi mới tiếp lời:

– Nhưng thật lòng thì anh rất cảm ơn Bé đã chọn anh để cùng tận hưởng hạnh phúc như hiện nay. Anh muốn sống lại quá khứ, nhưng tình cảm xưa đã không còn. Nhớ người xưa nhưng vẫn phải sống trong hoàn cảnh mới. Đi với anh cả ngày thì Bé đã biết rồi đó! Anh chỉ muốn nhìn lại cảnh cũ hơn là gặp mặt người xưa vì vật đổi sao dời, huống chi là tình cảm con người. Cho nên dù có chút bùi ngùi nhưng anh vẫn còn được an ủi là khi không gặp, thì hình ảnh của họ vẫn đẹp như ngày nào còn ngồi bên nhau trong giảng đường. Bé đã đủ lớn để hiểu những gì anh nói nên anh cũng rất thật lòng kể rõ những gì anh nghĩ ngợi trong hai hôm nay. Tóm lại, anh đang có Bé bên cạnh. Không thấy hạnh phúc lúc này thì còn chờ đến khi nào nữa chứ!?

– Anh khéo nói lắm.

Trâm cười, rồi lôi hắn đứng dậy.

– Em tạm tin anh. Chút nữa sẽ hỏi mấy ông bạn của anh về “thành tích” của anh rồi tính sao. Còn bây giờ thì đã tới giờ hẹn. Chắc là họ đang chờ mình dưới kia rồi đó.

Hắn im lặng đan tay Trâm cùng bước xuống các bậc thang. Chiều đã tắt nắng từ lúc nào không hay. Phố xá đang lên đèn. Đà Lạt hôm nay vẫn là khung trời của mơ mộng, nhưng hắn đã không cô đơn như 10 năm trước đây. Ngược lại, hắn đang có một bàn tay đan, một mái tóc dài, vậy mà loáng thoáng đâu đó vẫn là một mối cảm hoài khó diễn đạt thành lời. Hạnh phúc đang hiện thực mà cõi lòng cứ như đang còn trong mộng tưởng, khi trong đầu cứ chập chờn mái tóc kiểu Khánh Ly của “Nàng” trong ngày từ giã Đà Lạt mùa hè năm xưa.

Hắn chỉ hoàn toàn “tỉnh táo” khi những người bạn đồng đội quân trường, kiêm đồng môn thời đại học, đã đứng đợi trước sân hoa của Thủy Tạ, để chào đón hắn bằng những cái siết tay thật chặt, kèm theo những cử chỉ và lời nói thật vui nhộn để cô bạn mới quen của hắn khỏi bỡ ngỡ.

– Dấu kỹ quá nghe bạn! Vậy là tình quá rồi còn gì! Nhớ tính gấp đi. Tụi này bắt đầu để dành tiền từ hôm nay đấy!

Hắn chỉ cười và giới thiệu Trâm với các bạn, còn cô gái thì cũng chỉ e thẹn bước theo hắn và các bạn vào quán. Hãy còn quá sớm để nói đến một thứ tình cảm lâu dài. Ngay bây giờ, hắn chỉ biết là trong lòng đang bắt đầu một chu kỳ hạnh phúc khi sống lại quá khứ, qua câu chuyện hàn huyên với bạn bè và niềm vui khi có được một bàn tay đan. Ít ra trong lúc này, thì ước mơ của hắn đã thành hiện thực. Như vậy cũng quá đủ để hắn có thêm một chút gì để nhớ và một kỷ niệm dễ thương để ghi lại trong nhật ký viết về Đà Lạt sau 10 năm tái ngộ.

Chắc chắn sẽ không phải là câu “Mãi mãi Đà Lạt sẽ sống trong tôi như là một khung trời của mơ mộng và... cô đơn!” như hắn đã từng ghi khi từ giã Đà Lạt để dấn thân vào “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm nào.

HUY VĂN
(Để nhớ đêm Thủy Tạ. 11/03/1982)

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

Trang thơ Huy Văn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Huy Văn chuyển

 

Đăng ngày Thứ Năm, March 11, 2021
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang