Khóa 10A-72 SQTB-QLVNCH/Đồng Đế, Nha Trang
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Thời sự Chính trị
Chủ đề: 30T4Đ
Tác giả: GS Trần Phong Vũ
Bấm vào đây để in ra giấy(Print)
Huỳnh
Quốc Huy là một trong những hiện tượng về sự thức tỉnh của lương tri
giới trẻ Việt Nam quốc nội trước nạn thù trong giặc ngoài & hiểm họa
tiêu vong của giống dòng Lạc Việt. Kẻ trước người sau, mỗi người một
tư duy, một phương sách lên tiếng khác nhau. Nhưng tất cả đều ngời
lên một khối óc, một trái tim Việt Nam, một thái độ can đảm và một
tấm lòng yêu thương trải rộng.
Yêu con người. Yêu sự sống.
Yêu sự thật. Yêu dân tộc. Yêu quê hương. Thiết tha, Nồng nàn. Can
đảm.
Tối Thứ Tư 15-02-2017, một bạn trẻ chuyển cho tôi một
lúc bảy clip video của Huỳnh Quốc Huy, mỗi clip bàn sâu vào một chủ
đề. Dù mới chỉ nghe xong clip bàn về “Mặt Trận Văn Hóa ‘Ngợm’” thời
lượng 1 giờ 36 phút 58 giây, bao gồm cả phần trao đổi với người ái
mộ, nhưng tôi không thể trì hoãn lên tiếng. Dĩ nhiên trước khi nhận
định, người viết cũng phải dành thì giờ để chép lại nguyên văn những
đoạn quan trọng trong viedeo clip này để đưa vào phần trích dẫn.
Một cái nhìn khái quát về Văn Hóa
Sau khi nói qua về chủ
trương cố hữu của đảng và nhà cầm quyền CSVN là dựng lên những cái
gọi là thần tượng “Văn Hóa” như ca nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ với
những chuẩn mức dối trá, bịp bợm để đầu độc giới trẻ, hết thế hệ này
tới thế hệ khác từ hơn nửa thế kỷ qua, người trẻ họ Huỳnh bàn về
khái niệm Văn Hóa theo quan niệm chính thống và tinh thần nhân bản.
Theo anh, nói chung Văn Hóa, Nghệ Thuật đặt nền trên chuẩn mức
Chân-Thiện-Mỹ, vì tất cả loài người đều hướng tới tiêu chuẩn này. Do
đó đã là người Việt Nam chân chính đều khát vọng được thụ hưởng một
nền Văn Hóa, Nghệ Thuật tôn vinh ba trụ cột kể trên. Đi sâu vào ngữ
nghĩa, anh nói.
“Chân
là sự thật, sự trung thực, là công lý,
là công bằng, là sự công chính. Và như thế, tất cả mọi thể loại văn
Học/Nghệ thuật đều phải hướng tới sự thật, hướng tới sự công chính.
Cũng vậy, nếu là Văn Hóa Việt Nam chân chính thì cũng phải hướng tới
sự thật, sự công chính. Trái lại, nếu đặt nền trên sự dối trá thì
không còn là Văn Hóa chân chính nữa. Nó là thứ Văn Hóa ‘Ngợm’, thứ
Văn Hóa không mang tính NGƯỜI!
Thiện là lương thiện, là sự tử
tế, hiền từ, là tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Như thế từ nền
tảng, Thiện là bản chất của con người lương hảo. Một nền Văn Hóa mà
không hướng tới căn tính lương thiện của con người, trái lại chỉ cố
xúy cho sự gian ác, dối trá, bạo lực, khát máu, khủng bố nhằm tiêu
diệt lẫn nhau... thì đó cho là thứ Văn Hóa ‘Ngợm’ không hơn không
kém mà thôi.
Còn Mỹ là gì? Mỹ là cái Đẹp phải không các anh
chị?
Cái Đẹp thuộc phạm trù thẩm mỹ. Nếu một nền Văn Hóa
không hướng tới cái Đẹp chỉ hướng tới bạo lực, giết chóc, chỉ hướng
tới việc tôn vinh những hình tượng xấu xa, gian ác, bạo động, diệt
chủng hẳn các bạn đã nhận diện nó là thứ Văn Hóa gì rồi.
Cũng
cần nói ngay rằng hình tượng đẹp không phải là một cô hoa hậu chân
dài. Hình tượng đẹp có thể chỉ là một khuôn mặt rất bình thường
trong xã hội như một nông dân, một người buôn thúng bán bưng nhưng
họ lao động, họ cống hiến công sức để làm cho cuộc sống này ngày
càng thăng hoa đáng sống hơn, giúp tâm hồn con người ngày càng đẹp
hơn. Nói tới cái Đẹp trong Văn Hóa, người ta thường có hai khái
niệm: thứ nhất là Văn Hóa Vị Nhân Sinh nhằm phục vụ phúc lợi cụ thể
của con người và Văn Hóa Vị Nghệ Thuật nhằm phục vụ cho cái đẹp tinh
thần trong Nghệ Thuật.”
Sau định nghĩa sơ lược về ba cột trụ
không thể thiếu trong bất cứ một nền Văn Hóa nào của nhân loại là
Chân-Thiện-Mỹ, anh Huỳnh Quốc Huy hé mở cho mọi người nhận ra bản
chất của cái nền Văn Hóa mà thế hệ con em, thế hệ của anh cũng như
các thế hệ trước đã và đang phải gánh chịu trên quê hương đau khổ.
Đầu tiên, theo anh nền Văn Hóa không mang tính NGƯỜI luôn chối
bỏ sự thật, sự công chính. Nói cách khác, nó tôn vinh sự dối trá,
bóp chết sự thật. Nhìn lại những sản phẩm gọi là Văn Hóa ở Việt Nam
mấy chục năm qua, anh giả dụ có tác phẩm nào dám lột tả trần trụi
những sự thật đang diễn ra trong xã hội Việt Nam ngày nay như Nam
Cao với “Làng Vũ Đại ngày ấy”, như Vũ Trọng Phụng với “Kỹ nghệ lấy
Tây” rồi nêu lên câu hỏi là tác phẩm ấy và tác giả cưu mang nó, liệu
có thể tồn tại, có thể sống yên dưới chế độ phi bác sự thật này
không? Và anh lắc đầu kèm theo câu tự trả lời khô khốc: KHÔNG! rồi
nói tiếp: “Và như thế là họ chỉ tôn vinh sự lọc lừa, dối trá, nhằm
bóp chết sự thật, chà đạp sự công bằng, lẽ phải và sự công chính
phải không các bạn?
Để nêu lên một trường hợp điển
hình chứng minh bản chất man rợ tàn ác của cái gọi là nền Văn Hóa
‘Ngợm’, Huỳnh Quốc Huy nhắc tới cái chết oan khốc của nhà thơ kiêm
kịch tác gia Lưu Quang Vũ
[1]cuối thập niên 80 thế kỷ trước.
Anh nhắc tới những thập niên 80/90 thế kỷ trước mà những người lớn
tuổi biết nhiều, thế hệ anh biết chút ít, riêng giới trẻ ra đời sau
anh tuồng như không ai biết gì hết. Vẫn theo anh, đấy là thời kỳ
xuất hiện “Phong Trào Chính Trực” lan tràn khắp nước. Đấy cũng là
thời gian xuất hiện những văn nghệ sĩ có tâm có tầm như nhà thơ kiêm
kịch tác gia Lưu Quang vũ. Với đôi mắt tinh anh, trong sáng lấp lánh
dưới vừng trán rộng, người bạn trẻ Huỳnh Quốc Huy nói:
“Kịch
tác gia lưu Quang vũ đã sáng tác và giàn dựng hàng loạt các vở kịch
được trình diễn khắp nơi nói lên sự chính trực và lên án những cái
xấu, cái ác trong xã hội. Ông phê phán guồng máy cầm quyền độc tài,
đàn áp đám dân lương thiện. Lưu Quang Vũ đã tạo thành một phong trào
rầm rộ. Khắp cả nước đã tổ chức những buổi trình diễn kịch của ông.
Chưa bao giờ đời sống kịch ở Việt Nam, đặc biệt Hà Nội và Sài Gòn
lại tưng bừng, rầm rộ như thế. Quả thật từ trước tới nay chưa bao
giờ như thế đâu các anh chị ạ.
Người dân chen chúc nhau mua
vé xem kịch của Lưu Quang Vũ giản dị vì nó ứng với hơi thở mà mọi
người đều cảm nhận được. Tất cả nội dung những kịch bản của ông đều
phù hợp tâm ý và sự chờ đợi của người dân và vì thế họ ào ạt, nô nức
mua vé đi xem. Chính nhờ thế nó đánh thức tri thức về trách nhiệm
công dân của họ. Sự kiện này cũng kéo theo phong trào phản biện rất
mạnh.
Điều này đã khiến cho nhà cầm quyền rất lo sợ và kết
quả là sao các anh chị? Kết quả là nhà nước bắt buộc phải hành động.
Nhưng trước một phong trào lớn rộng như vậy bằng cách nào có thể dập
tắt được, thưa các anh chị?”
Chờ cho câu hỏi thấm sâu vào tâm
óc người nghe, với ánh mắt u uẩn, đậm buồn và giọng nói ngậm ngùi
anh chậm rãi nói tiếp:
“Cuối cùng là cả hai vợ chồng kịch tác
gia Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai họ đã chết trong
một tai nạn ô-tô rất là bất bình thường!... và phong trào Chính Trực
cũng vị chặn đứng... mất luôn!”
Trở về hiện tại, Huỳnh Quốc
Huy ngán ngẫm bày tỏ nỗi buồn pha lẫn uất hận khi anh đề cập hình
ảnh một xã hội Việt Nam cho đến cuối thập niên thứ hai đệ tam thiên
niên vẫn y hệt như mấy chục năm cuối thế kỷ trước. Anh đan cử trường
hợp đau đớn của nhạc sĩ Việt Khang sau khi sáng tác hai bản nhạc
“Việt Nam tôi đâu?” và “Anh là ai?” từng được bà con trong và ngoài
nước ái mộ ra sao. Chưa hết, anh còn nhắc lại trường hợp nhà văn
Nguyễn Ngọc Tư bị trù dập sau khi sáng tác tập truyện “Cánh đồng bất
tận” và số phận của phim “Bụi đời Chợ lớn” của Chí Nguyễn.
Anh nêu câu hỏi rồi tự trả lời: “Bản nhạc ‘Việt Nam tôi đâu’ có phản
ánh đúng hiện tình xã hội Việt Nam không? Hoàn toàn đúng không một
chút nào khác. Bọn giặc bành trướng Trung cộng đang xâm lăng đất
nước chúng ta, đúng không? Hoàn toàn đúng các bạn ạ. Nó tràn qua
lãnh thổ Việt Nam rồi. Sau khi sáng tác bài này, anh Việt Khang đã
bị chế độ kêu án ba năm tù. Đúng không? Bây giờ anh đã được thả ra,
nhưng anh không thể tự do sáng tác những bản nhạc như vậy nữa. Bởi
vì anh đang bị cấm túc, đang bị quản chế!”
Rồi chị Nguyễn
Ngọc Tư sáng tác tập truyện “Cánh đồng bất tận” bị nhà nước cấm xuất
bản, dù lúc ấy chị đang là Đại biểu nhân dân, tức đang là dân cử đó
các anh chị. Một điều khá bi hài là dù chị bị truất quyền Đại biểu
nhân dân lại bị cấm xuất bản tác phẩm “Cánh đồng bất tận” nhưng trớ
trêu là tác phẩm đó lại được trao giải dành cho những cây viết xuất
sắc nhất châu Á!
Rõ ràng người ta muốn bóp chết sự thật, bởi
vì cuốn sách ấy nói lên đời sống cùng khổ của nhân dân miền Tây mà
người ta không muốn ai biết. Tóm lại, dưới chế độ CS người ta chỉ
muốn cho những sự giả trá, gian dối, lưu manh, tàn ác mới được tôn
vinh còn những gì là sự thật thì bị bưng bít!
Rồi phim “Bụi
đời Chợ lớn” của Chí Nguyễn bị cấm chiếu với lý do vì có quá nhiều
cảnh bạo lực, đánh chém nhau. Nhưng thật ra các anh chị thấy đấy,
không cần đâu xa, ngay Sài Gòn thôi, chuyện đánh chém xảy ra đầy
đường. Mà còn nổ súng luôn chứ không chỉ đánh chém, chặt rụng tay để
cướp vòng vàng, xác chết bị phanh ra. Có không? Lại còn cái cảnh
giết người rồi hủy xác nạn nhân luôn. Nói chung sự thật hàng ngày
còn kinh khiếp hơn những cảnh trong bộ phim bị cấm. Nhưng đối với
nhà cầm quyền những sự thật đó không thể cho mọi người thấy.
“Tại sao vậy các anh chị? Ngoài chủ trương bưng bít sự thật, phải
chăng người ta muốn tôn vinh các áng văn chương, các tác phẩm, những
ca khúc tào lao... mía lau của những tác giả với những văn hóa phẩm
‘Ngợm’?”
Phần nhận định trên đây mới chỉ phản ánh trong 13
phút đầu, tức khoảng ¼ phần nói chuyện về chủ đề Nền Văn Hóa ‘NGỢM’
tại Việt Nam thời Xã Nghĩa (chưa kể phần trả lời thắc mắc của giởi
trẻ Hâm mộ) của người trẻ Huỳnh Quốc Huy.
Trong một
bài viết vào tháng 7 năm 2003, tác giả Hiền Hòa nhận định: Tôi và
chúng ta khẳng định rằng không thể có thứ chủ nghĩa tập thể chung
chung, không thể giữ mãi các nguyên tắc, phương pháp của thời cũ
trước sự chuyển biến sinh động của cuộc sống. Cái “chúng ta” được
hình thành từ nhiều cái “tôi” cụ thể, vì vậy cần quan tâm, chăm sóc
quyền lợi, hạnh phúc của từng cá nhân con người. Đây là một quá
trình đấu tranh gay gắt, cần có những con người có trí tuệ, có bản
lĩnh, dám nghĩ dám làm.
Tiếp theo phần trình bày khái quát về
ba cột trụ căn bản là Chân-Thiện-Mỹ trong nền Văn Hóa nhân bản của
nhân loại xưa nay, từ đấy làm nổi bật lên bộ mặt thật giả trá, gian
dối, phỉnh gạt, sắt máu, phi nhân của nền Văn Hóa “Ngợm”, Huỳnh Quốc
Huy dẫn vào chi tiết chủ trương thâm độc của CSVN trong việc thi
hành chính sách ma mị này.
Đối tượng đầu tiên họ nhắm tới là
biến các thế hệ trẻ Việt Nam thành những đàn cừu chỉ biết u mê nghe
theo lời tuyên truyền trí trá của Đảng. Trước hết, họ đoàn ngũ hóa
giới trẻ tùy theo tuổi tác để tùy theo trình độ nhồi nhét vào đầu óc
con em chúng ta những tư tưởng đố kỵ, sắt máu qua những khẩu hiệu
những bài hát với nội dung kêu gọi hận thù giai cấp, suy tôn lãnh
tụ, trong đó già Hồ được đề cao tới tận mây xanh. Sau tháng 7 năm 54
chia đôi đất nước, họ biến giới trẻ miền Bắc thành một bày đàn, từ
thành thị tới thôn quê, hết ngày này qua tháng khác chỉ biết nhắm
mắt nghe theo đảng đoàn và được vận hành như những cỗ máy. Anh nói:
“Trong khi ấy, cha mẹ không hề hay biết, không hề đề phòng,
không hề đánh chặn nó, không hề giúp cho con cháu mình né tránh nó!
Có đúng không quý anh chị?”
Những tay phù thủy của âm nhạc
của giai điệu
Để thực hiện dã tâm lần hồi biến
các thế hệ trẻ từ lớp măng non tới tuổi thanh niên trở thành một
lực lượng nòng cốt, mù quáng chấp nhận gian khổ, nhắm mắt lao đầu
vào đường mòn mang tên Hồ tặc vượt Trường Sơn, tiến hành cuộc
trường chinh xâm lược miền Nam... Hà Nội đã khổ công đào tạo một
lớp cán bộ văn nghệ xuất quỷ nhập thần.
Người trẻ họ Huỳnh đã dành một đoạn khá dài để dẫn giải chung
quanh điều anh gọi là “phù thủy âm nhạc” “Quỷ Chúa giai điệu” để
nói về chủ trương đào tạo những tay thợ viết lành nghề, lão luyện
trong việc thuổng những âm giai cổ truyền của tiền nhân để biến
tấu, cài đặt những lời lẽ ngợi ca suy tôn lãnh tụ một cách kệnh
cỡm. Vì cứ lập đi lập lại hoài từ ngày này qua ngày nọ, từ năm
này qua năm khác lâu dần thấm nhiễm vào tận não tủy những người
trẻ biến họ thành những hình nộm, những âm binh mặc tình cho Quỷ
Chúa sai khiến, sẵn sàng làm vật thiêu thân cho những mưu đồ tàn
ác.
Huỳnh Quốc Huy nhận định:
“Mà
họ hay lắm các anh chị ạ. Một mặt họ bóp nghẹt sự thật và những
giá trị nhân bản. Mặt khác, để đạt được thành công tối đa trong
việc tôn vinh sự dối trá nơi các thế hệ trẻ họ đã khổ công hun
đúc ra những cây viết, những người làm nhạc tài năng tuyệt
đỉnh... Đó là những tay phù thủy của những nốt nhạc, những con
Quỷ Chúa của những giai điệu. Tôi có thể nêu những thí dụ cụ thế
để các anh chị dễ nhận ra.
Có những bài hát, nghe âm thanh
thôi, nghe giai điệu thôi thế hệ lớn tuổi sẽ nhận ra là nó lấy
cảm hứng từ những bài dân ca cổ truyền của dân tộc mình. Đấy là
những âm thanh, những giai điệt tuyệt vời, nó miên man len lỏi
vào lòng người một cách tự nhiên. Tác dụng tai hại là khi bị đẩy
vào trạng thái miên man bởi âm thanh, giai điệu cũ người nghe bị
cuốn vào lời ca mới mà quên luôn nét đẹp của lời ca nguyên thủy.
Quên luôn cái mục đích nó hướng tới và trong vô thức... say mê,
thích thú nó luôn. Chúng ta khó từ chối nó. Chúng ta khó cưỡng
lại nó. Giản dị vì nó khởi nguồn từ giai điệu cố truyền của dân
tộc. Nghe riết rồi không còn nhận ra những hình tượng bạy bạ gửi
trong ca từ được những tay phù thủy âm nhạc tạo ra.
Trong
số các anh chị có ai nghe bài ‘HCM đẹp nhất tên Người’ chưa? Có
ai nghe chưa? Của ông Trần Khiết Tường đó. Tôi thử nhái một khúc
cho các anh chị nghe nhé:
‘Hò ơi! hò ơi! ơ ơ... ơ, la lá
la là la la la lả lá la là... là la... là la lá la...’
Hay
không các anh chị?
Tôi dẹp bỏ các từ ngữ. Nếu tôi hát
nguyên các từ ngữ hóa ra tôi làm thợ hát để tuyên truyền cho họ
sao?
Nếu các anh chị nghe được từng chữ, từng câu các anh
chị sẽ thấy khiếp đảm lắm!
Giai điệu thật hay, nhưng tôi
nhái có thể không hay lắm, các anh chị nghe rồi coi chừng sẽ bị
ghiền luôn đó, nhất là đối với những anh chị gốc miền Nam, miền
Tây. Tại sao vậy? Bởi vì nó là điệu hò Cần Thơ... Nó là âm giai
điệu hò Cần Thơ sông nước. Nó đã thấm sâu vào tâm thức của đồng
bào miền Tậy.
Thâm độc như thế đó quý anh chị. Chúng nó
lấy cái đó, cái tâm thức từ đời khẩn hoang của ông bà mình đã
sáng tạo ra cái giai điệu thật phóng khoáng, tự do. Nó lấy cái đó
nó nhồi nhét ngôn từ riêng của chúng vô. Nó thấm sâu trong lòng
con em đồng bào mình, lớn lên bị những ca khúc như vậy dụ hoặc từ
thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là những phù thủy âm nhạc nhồi vào
đồu óc dân mình một cách vô thức!
Nếu nghe kỹ và tỉnh táo,
chúng ta sẽ nhận ra là mọi người đều bình đẳng. Như vậy giữa tên
ông Hồ và tên tôi, tên các anh chị đâu có gì khác, đều đẹp như
nhau, làm gì có cái vụ tên đẹp nhất phải không các anh chị? Tên
con cái của quý anh chị cũng đẹp như tên ông ta. Cứ coi như tên
tôi là Huỳnh Văn Mít, Huỳnh Văn Ổi thì nó cũng đẹp. Anh lấy cái
gì làm chuẩn để chê tên tôi xấu và bắt mọi người ca tên anh
đẹp???
Tất cả mọi người tạo hóa sinh ra đều ban cho họ
quyền bình đẳng không ai có thể xâm phạm, trong đó có cái quyền
bình đẳng giữa tên tôi và tên ai đó chứ. Đúng không?”
“Đẹp nhất tên Người”, “Đẹp nhất tên
Người”.... theo Huỳnh Quốc Huy, người ta muốn biến những ngoa
ngôn, sáo ngữ lợm giọng ấy thành một thứ chân lý... nhưng vẫn
theo anh, nó lại là thứ “chân lý phi lý” nhất trần gian! Và vẫn
theo suy nghĩ của anh thì từ cái tên loại số một sẽ đẻ ra những
cái tên loại hai, ba xoay quanh loại nhất để biến thành một tập
đoàn thống trị để thay nhau đè đầu cưỡi cố dân ta từ trên nửa thế
kỷ qua. Phóng trí tưởng tượng xa hơn, anh nêu lên một mối nguy
lớn khác cho trên 90 triệu đồng bào ngày nay là nếu vô phúc cái
“tên đẹp nhất” ấy lại là tên một anh Tàu phù thì sao?
Huỳnh Quốc Huy thảng thốt kêu lên: “Nó
sẽ cực kỳ nguy hiểm!... Nhưng tôi chỉ ví dụ thôi... xin đừng suy
diễn (cười)”
Về tình cảm yêu thương, một thứ
tình cảm tự nhiên như hơi thở của con người cũng bị bọn phù thủy,
bọn Quỷ Chúa này hà hơi tiếp sức để biến thành những thứ tình cảm
bệnh hoạn, không hề có trong đời thường. Đó là thứ tình cảm gượng
ép được bọn bồi bút dùng ma thuật pha chế để dành cho lãnh tụ,
cho giai cấp.
Sau khi nêu lên câu hỏi “Các
anh chị đã từng nghe bài hát này chưa?”, với nét cười nhạo báng,
Huỳnh Quốc Huy cất tiếng hát:
“‘Đêm Trường Sơn, chúng ta
nhìn trăng, nhìn cây càng về khuya như có vẻ bâng khuâng, chúng
cháu thấy... bùng, bùng, bùng... Bác như thể đã đến nơi này...’
Ghê không các anh chị? (cười nửa miệng. Lanh tanh).
Các anh chị thử nghĩ xem những chàng thanh niên trai trẻ của Hà
Thành, thủ đô thanh lịch ngàn năm văn hiến nghe theo tiếng gọi
của Pắc-Pó, họ khoác ba-lô, đội nón cối, xỏ dép râu lội bộ xuyên
rừng Trường Sơn xa xôi cách trở. Nửa đêm thanh vắng, họ ngồi bên
nhau ngắm cảnh vật chung quanh, tôi đố quý anh chị khi ấy họ nhớ
tới ai, và mong mỏi điều gì?”
Im lặng một giây
để mọi người suy nghĩ, anh cười khan rồi tự trả lời: “Văn
Hóa Ngợm cố tình nhồi vào tim óc họ phải mong có ‘Bác’ ngồi kế
bên! Kinh khiếp không các anh chị?!”
Phân tích
tâm lý, tình cảm của con người bình thường, không bị lệch lạc,
bệnh hoạn, anh cho rằng, vào những giây phút như thế những đối
tượng đầu tiên khiến họ phải nhớ tới là gia đình. Họ sẽ nhớ cha
mẹ, ông bà, bè bạn, bà con lối xóm và quang cảnh phố phường Hà
Nội về đêm.
Riêng với những người trai trẻ, bên cạnh tình
cảm gia đình, họ không thể không nhớ tới hình bóng những bông hoa
biết nói của Hà thành thanh lịch. Nếu đã yêu họ cũng không thể
không nhớ tới người yêu. Đấy là tình cảm chung của con người, là
tâm trạng chung rất bình thường của những con người bình thường
phải có.
Nhìn thẳng về hướng trước mặt, anh cười gằn rồi
cất tiếng hỏi lớn: “Bộ bị
biến giống hay sao mà cả một bày đực rựa ngồi giữa dãy Trường Sơn
ngắm trăng mà chỉ tưởng tượng kế bên có ông già râu?”
Anh giơ cao hai tay lên rồi thảng thốt kêu: “Trời
ơi là Trời?! Trong khi cái ông già râu đó không có một chút liên
hệ họ hàng thân thích gì với họ! Thế thì cái Văn Hóa đó là thứ
Văn Hóa gì. Đó chính là thứ Văn Hóa bệnh hoạn!... Nói tới đây tự
nhiên tôi muốn nhuốm bệnh rồi các anh chị ạ!”
Với trí thông minh, tài ăn nói lưu loát, với nhiệt tâm của tuổi
trẻ thêm vào lòng yêu nước muốn thông truyền những hiểu biết của
mình về nguy cơ mà thế hệ trẻ sẽ mắc phải, Huỳnh Quốc Huy phân
tích cặn kẽ những xảo thuật mà từ hơn nửa thế kỷ qua cho đến hôm
nay đảng và nhà cầm quyền CSVN vẫn không ngừng áp dụng. Theo suy
nghĩ của anh, với thái độ u mê, hoang tưởng, hãnh tiến, tham lam,
độc ác và ích kỷ, họ không chỉ ngừng lại sau khi xâm chiếm được
miền Nam năm 75... mà họ còn nuôi mộng đẩy con em chúng ta mơ tới
chuyện một ngày nào đó sẽ đi chinh phục Sydney của Úc, Luân Đôn
của Anh, Nữu Ước của Hoa Kỳ và Paris của Pháp.
Dĩ nhiên ai
cũng hiểu đây chỉ là cách “cách miêu tả cố tình” của người trẻ họ
Huỳnh để nhấn mạnh tới cái căn tính hoang tưởng nảy mầm từ căn
bệnh thâm căn cố đế của những đồ tử đồ tôn chủ nghĩa
Mác-xít/Lê-nin-nít mà ông Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ từng nói tới.
Đó là “bệnh kiêu ngạo cộng sản”. Có điều đây là thứ kiêu ngạo nằm
trong “sách lược”, trong “qui trình” dùng phương sách ám thị để
biến giới trẻ thành âm binh để dễ dàng sai khiến. Bởi vì những
chuyện phi lý như thế bản thân tập đoàn Ba Đình đủ khôn lỏi để
không bao giờ tự mình làm, nhất là không khi nào cho con cháu của
chính họ làm. Anh nói: “Con cháu
của các anh chị sẽ bị biến thành những con người dữ dằn như vậy
đó! Các anh chị có thích, có muốn điều đó xảy ra không. Phần tôi,
chắc chắn tôi không thích.
‘Giết
giết nữa, bàn tay không ngơi nghỉ’
Trên đời ai không có ước mơ. Nhưng mà nói các anh chị hay,
những tên đầu sỏ ngu dốt, tàn nhẫn, độc ác ấy chúng nuôi những
giấc mơ kinh hoàng lắm. Có thể nó đang nuôi tham vọng đẩy con
cháu chúng ta một ngày nào đó chiếm Donald Trump Tower sau khi
bắt ông Tổng thống Trump của nước Mỹ đi cải tạo!”
Vẫn với mục tiêu vạch trần cho mọi người nhận chân bộ mặt
thật tàn ác của Hà Nội trong sách lược triệt hủy những giá trị
Văn Hóa Nhân bản biết bao đời tiền nhân ta đã dày công bồi đắp
–cụ thể là Hai Mươi Năm Văn Học/Nghệ Thuật của hai nền Đệ Nhất và
Đệ Nhị Cộng Hòa Miền Nam- Huỳnh Quốc Huy đã nhắc tới hành vi man
rợ “phần thư, khanh nho”,
tức là “đốt sách chôn nhà
nho” của Tần Thủy Hoàng trước công nguyên.
Dựa vào sử ký của Tư Mã Thiên, anh cho hay, sau khi thống nhất
nước Tàu thuở ấy, bạo Chúa Tần Thủy Hoàng đã ra tay diệt trừ tận
gốc mọi quyền tự do của người dân –trong đó có quyền tự do ngôn
luận không ngoài mục tiêu diệt khẩu trước khi xuống tay “đốt hết
sách vở và chôn sống cả một thế hệ Nho gia”.
Theo cách
nhìn man rợ của Tần Thủy Hoàng lúc bấy giờ thì giới trí thức đã
dùng sách vở, dùng Văn Hóa để tạo phản, chống lại triều đình nhà
Tần. Do đó họ phải thiêu hủy toàn bộ sách vở vả sát hại các nhà
nho để triệt mầm hậu họa. Anh nói:
“Chính sách bất
nhân, phi văn hóa này thực hiện từ năm 213 trước công nguyên, qua
đó, tất cả kho tàng văn học, sách vở bị đốt hết, các nho gia bị
tàn sát để nhà Tần rảnh tay xây dựng một Văn Hóa mới theo ý họ.
Cuối cùng rồi sao các anh chị? Họ đã dựng nên một thứ Văn Hóa phi
nhân... biến con người thành những ‘Con Ngợm’”
Đấy là
chuyện nước Tàu dưới thời bạo Chúa Tần Thủy Hoàng.
Người
bạn trẻ họ Huỳnh kéo những người đang theo dõi dòng tư tưởng của
anh về với cảnh ngộ đất nước chúng ta đầu hậu bán thế kỷ 20 vào
những năm 54/55 sau khi đất nước bị chia đôi, nửa phía Bắc đặt
dưới sự thống trị của cộng sản. Tất cả những gì liên quan tới
những giá trị, những vốn liếng tinh thần, đạo đức của tiền nhân
ta –bao gồm sách vở và những công trình kiến trúc của triều đình
nhà Nguyễn và văn minh của người Pháp để lại đều bị thiêu hủy,
đập phá tan hoang. Anh nói:
“Thưa các ông bà miền Bắc,
tôi nói như vậy có đúng không? Hầu hết những gì mà họ gán cho là
tàn tích của phong kiến, thực dân đều bị họ phá sạch, đốt sạch!”
Sau tháng tư năm 1975, chiếm được miền Nam, họ tiếp tục chủ
trương phải xóa bỏ tận gốc rễ điều họ cho là nọc độc của tư tưởng
Văn Hóa thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ. Theo những tài liệu có được
trong tầm tay, anh ước tính có tới 180 triệu cuốn sách, bao gồm
sách ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng La Tinh đã bị
thiêu hủy. Vẫn theo anh, không ít gia đình trí thức ở Sài Gòn lưu
trữ cả ngàn cuốn sách đã bị bọn CS Bắc Việt với sự tiếp tay của
nhóm chó săn 30 tháng tư ở miền Nam tiếp tay xông vào đốt hết!
Nam California, Hoa Kỳ
Thứ Ba 14-3-2017
Trần Phong Vũ
http://www.diendannguoidanvietnam.com/index.php?option=com_content&view=article&id=13238:2017-03-13-17-31-30&catid=142:gs-trn-phong-v&Itemid=9
[1] Nhà thơ kiêm kịch tác gia tài danh Lưu Quang Vũ ra đời ngày 29-8-1948 tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, Bắc phần Việt Nam. Song thân là nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh. Sau năm 54 gia đình anh chuyển về sống tại Hà Nội. Mang dòng máu kịch nghệ của thân phụ, ngoài khả năng thi phú, ngay từ thuở thiếu thời Lưu Quang Vũ đã tỏ ra là một kịch tác gia có biệt tài. Hai kịch bản “Hồn Trương Ba, da anh Hàng Thịt” và “Tôi và Chúng Ta” đã được trình diễn khắp nơi từ Bắc vào Nam mà theo dư luận của người đương thời đã trở thành căn nguyên dẫn tới cái chết của vợ chồng anh và một cháu bé trong một tai nạn xe cộ dàn dựng xảy ra chiều ngày 29-8-1988, năm anh mới tròn 40 tuổi.
Bấm vào đây để in ra giấy(Print)
Trung tâm lưu trữ những buổi lễ Mừng Thánh Tổ SĐND/QLVNCH
|
Hình nền: Rặng núi Alps. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật,
March 19, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ,
ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
Khóa 10A-72/SQTB-QLVNCH/Vùng Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 123 Sài Gòn-Gia Định, Huế-Thừa Thiên, HU 12345
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang