Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Lịch sử

Binh Chủng Nhảy Dù – 20 Năm Chiến Sự

Các tác giả Võ Trung Tín & Nguyễn Hữu Viên thực hiện

 

 

 

Lời giới thiệu: Nhân dịp Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH tổ chức Hội ngộ Binh chủng thường niên vào tháng 7/2015 tại Thủ đô Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Ban Kỹ Thuật xin được hân hạnh giới thiệu với Quý Độc giả và Quý ACE cựu quân nhân SĐND về trang điện tử mới được thành lập “Trang Nhảy Dù Washington, D.C. [GĐMĐVN Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận]

Cũng nhân dịp này, BKT xin được hân hạnh giới thiệu bộ sách “Binh chủng Nhảy Dù – 20 năm chiến sự” do các tác giả Đại úy Võ Trung Tín và Đại úy Nguyễn Hữu Viên thực hiện. Đây là bộ sách nói về Chiến sử của Sư Đoàn Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày thành lập. Bộ sách gồm 3 phần, kính mời Quý vị theo dõi phần Mục lục bên dưới. Trân trọng.
--BKT.

 

****** ||| ******

 

MỤC LỤC

 

Lời Cảm ơn

 

A. PHẦN A: TỔ CHỨC

 

B. PHẦN B - CHIẾN SỰ

 

1. Trận Điện Biên Phủ (13-3-1954 đến 7-5-1954)
2. Tình Hình Việt Nam Sau Hiệp Định Geneve
3. Chiến Dịch Đinh Tiên Hoàng (23-5-1955 đến 6-12-1955)
4. Chiến Dịch Hoàng Diệu (từ 21/9 đến 24-10-1955)
5. Chiến Dịch Nguyễn Huệ (từ 1-1- đến 17-2-1956)
6. Binh Biến ngày 11-11-1960
7. Trận Phước Thành (18 - 19-9-1961)
8. Trận Ấp Bắc (2 - 3-1-1963)
9. Trận Tân Châu Hồng Ngự (2 đến 4-3-1964)
10. Trận Bình Giả (3-12-1964 - 3-1-1965)
11. Trận Hắc Dịch (9/2 đến 10-2-1965)
12. Trận Ba Gia (28-5-1965 đến 2-6-1965)
13. Trận Đồng Xoài (9 đến 20-6-1965)
14. Trận Đức Cơ (4-8-1965 - 15-8-1965)
15. Chiến dịch Ia Drang - Thần Phong 7 (14 - 18-11- 1965)
16. Hành Quân Thần Phong 11 (28/1 – 6-3-1966)
17. Đại Bàng 800 (12-11-1966)
18. Hành Quân Liên Kết 81 (16/2 đến 22-2-1967)
19. Lam Sơn 54–Khu Phi Quân Sự (18-27-5-1967)
20. Trận Dak To (đồi 1416) (3 – 22-11-1967)
21. Tổng Công Kích Năm Mậu Thân (từ ngày 29-1-1968)
22. Mặt Trận Sài Gòn (30-1-1968)
23. Mặt Trận Quảng Trị (30-1-1968)
24. Mặt Trận Huế (30-1-1968)
25. Mặt Trận Khe Sanh (1 - 15-4-1968)
26. Mặt Trận Ashau (19/4 – 17-5-1968)
27. Trận Mậu Thân đợt hai (từ ngày 5-5-1968)
28. Trận Gò Nổi (Tây Ninh) (19-5-1969)
29. Chiến Dịch Bình Tây (Từ ngày 27-3-1970)
30. Hành Quân Toàn Thắng 42 (29/4 – 22-7-1970)
31. Hành Quân Toàn Thắng 43 (1/5– 30-6-1970)
32. Hành Quân Toàn Thắng 45 (6/5 – 30-6-1970)
33. Hành Quân Lam Sơn 719 (8/2 đến 6-4-1971)
34. Trận đánh Căn Cứ Hỏa Lực 6 (4/4 đến 17-4-1971)
35. Trận đánh Căn Cứ Hỏa Lực 5 (24/5 - 19-6-1971)
36. Mùa Hè Đỏ Lửa
37. Mặt Trận Tây Nguyên (17/3 - 28-5-1972)
38. Mặt Trận Bình Long (2/4 - 8-6-1972)
39. Mặt Trận Quảng Trị (30/3 - 15-9-1972)
40. Trận Thường Đức (18/8 - 8-11-1974)
41. Trận Ban Mê Thuột (10/3 - 16-3-1975)
42. Trận Khánh Dương (19/3 - 1-4-1975)
43. Trận Phan Rang (1/4 - 17-4-1975)
44. Trận Long Khánh (9/4 – 21 -4-1975)

 

C. PHẦN C: CÁC VỊ TƯ LỆNH SĐND

 


TIỂU SỬ CÁC TÁC GIẢ
(Võ Trung Tín & Nguyễn Hữu Viên)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

******03******

3. Chiến Dịch Đinh Tiên Hoàng (23-5-1955 đến 6-12-1955)

 

Bấm vào đây để in ra giấy

Chiến Dịch Đinh Tiên Hoàng

(từ ngày 23/5/1955 đến 29/12/1955)

Trong thời quân đội Pháp còn chiếm đóng Đông Dương, ở trong Nam, Pháp dùng lực lượng của các giáo phái và Bình Xuyên như là Phụ Lực Quân (Suppletif Forces) để giữ lãnh thổ, và dùng các viên chức thân Pháp để cai trị. Tại miền Bắc, Pháp dùng lực lượng của đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng để bình định nông thôn. Khi tình hình lộn xộn, các lực lượng này đã trở thành những “sứ quân”, hùng cứ tại những địa phương khác nhau.

Một tháng trước Hiệp định Genève, trước khi nội các của Thủ tướng Ngô Đình Diệm bắt đầu thành hình, Bộ Quốc phòng Quốc gia VN đã có kế hoạch sát nhập binh đội và quân nhân các lực lượng binh đội giáo phái tại miền Nam vào Quân Đội Quốc gia VN, việc sát nhập này nhằm vào các lực lượng võ trang của Hòa Hảo và Cao Đài, là hai lực lượng giáo phái chính yếu. Chính phủ Quốc gia muốn kết hợp tất cả mọi lực lượng võ trang vào một mối, dưới sự chỉ huy thống nhất của Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia VN. Và việc sát nhập được ấn định bởi dụ số 24 QP ngày 10 tháng 4 năm 1954, nhưng kế hoạch này chỉ được xúc tiến từ sau ngày đình chiến.

Biện pháp đầu tiên của Chính phủ Quốc gia là gây áp lực bằng cách không tiếp tục tài trợ ngân khoản cho quân đội giáo phái như Pháp đã làm, nhằm buộc các giáo phái phải quy thuận, sát nhập ngay vào Quân đội Quốc gia VN, đồng thời buộc các giáo phái phải trao quyền kiểm soát lãnh thổ mà họ đã cát cứ.

Lúc đó, Bình Xuyên chống đối chính phủ, còn các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo thì không rõ ràng, nửa muốn hợp tác, nửa lại không. Chung quy, các giáo phái còn chờ đợi một sự biến chuyển có lợi cho họ.

Trong giai đoạn đầu của kế hoạch sát nhập, Chính phủ Quốc gia VN đã dành cho các giáo phái một vài đặc quyền để dễ kết nạp. Như công nhận Quân đội Cao Đài và Quân đội Hòa Hảo trong Quân đội Quốc gia VN. Quân đội Giáo phái được mang quân kỳ có màu sắc quốc gia, các đơn vị giáo phái cấp tiểu đoàn, đại đội được mang hiệu kỳ có biểu tượng riêng, quân phục giống như Quân đội Quốc gia, nhưng khác ở điểm được mang mũ chào mào (calot) có gắn huy hiệu riêng của giáo phái, để tượng trưng truyền thống của họ.

Mỗi giáo phái được thiết lập một sở đặc biệt cạnh Bộ Quốc phòng, để chuyển đạt chỉ thị của Bộ cho các bộ chỉ huy của giáo phái. Các toán sĩ quan liên lạc của Bộ Tổng Tham Mưu cũng được đặt tại mỗi bộ chỉ huy giáo phái, để phụ trách liên lạc và cố vấn về các vấn đề về tổ chức, quân số, huấn luyện, hành quân và tiếp vận.

Về phương diện đào tạo: hạ sĩ quan và binh sĩ do giáo phái đào tạo, sĩ quan do trường Sĩ quan Thủ Đức và Đà Lạt đào tạo. Sau khi ấn định những đặc khoản này, Chính phủ Quốc gia Việt Nam ban hành lệnh sát nhập kể từ ngày 1-8-1954, các binh đội thuộc lực lượng Cao Đài của Trung tướng Nguyễn Thành Phương 3 ngàn người, binh đội thuộc lực lượng Hòa Hảo của Thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ 3 ngàn người đã về hợp tác với Chính phủ Quốc gia Việt Nam. 6 tháng sau, vào mùa Xuân 1955, thêm 1 binh đội 2,600 người thuộc lực lượng Cao Đài của Tướng Trình Minh Thế về hợp tác với Chính phủ Quốc gia.

Sau khi quân Bình Xuyên chống đối chính phủ bị đánh bật ra khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn vào những ngày đầu tháng 5/1955, các lực lượng giáo phái ly khai của Hòa Hảo liền rút lui khỏi các vị trí khó chống giữ và tập trung về phòng thủ ở các vị trí then chốt ở Miền Tây Nam Việt. Do đó tình hình tại các tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc và các tỉnh miền Tây trở nên bất an. Các cuộc di chuyển bằng quân xa phải có hộ tống, quân chính phủ không thể đi lẻ tẻ. Tại Cần Thơ, đã có những cuộc va chạm bằng vũ lực giữa quân chính phủ và các đơn vị võ trang của giáo phái Hòa Hảo vì nơi đây quân Hòa Hảo đóng ngay trong thành phố.

Vì các vụ va chạm này, nên Quân Đội Quốc Gia áp lực bắt buộc các cơ sở giáo phái phải dời ra khỏi tỉnh lỵ. Đây là một hành động cứng rắn đầu tiên của Chính Phủ đối với giáo phái khiến cho tình hình tại miền Tây càng thêm căng thẳng.

Đạo Hòa Hảo:

Đạo Hòa Hảo là một tông phái Phật giáo do Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) khai sáng ngày 4-7-1939 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).

Ông Huỳnh Phú Sổ sinh ngày 15 tháng 1 năm 1920 nhằm ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc là con của ông Huỳnh Công Bộ và Bà Lê Thị Nhậm. Thuở nhỏ, học hết bậc sơ học Pháp-Việt tại một trường địa phương, nhưng vì luôn đau ốm nên không thể tiếp tục việc học. Lúc 17 tuổi, ông lên núi Cấm tìm thầy chữa bệnh và tại đây ông đã tu theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật thầy Đoàn Minh Huyên (1807-1856) sáng lập.

Năm 1937, Huỳnh Phú Sổ về làng, chữa bệnh cho dân bằng các bài thuốc đã học trong lúc đi chữa bệnh, đồng thời qua đó ông truyền dạy giáo lý bằng những bài sấm giảng do ông soạn thảo. Vì vậy chỉ trong vòng 2 năm từ 1937 đến 1939 số người tin theo ông đã khá đông và ông trở nên nổi tiếng khắp vùng.

Ngày 4 tháng 7 năm 1939, Ông Huỳnh Phú Sổ bắt đầu khai đạo, lúc chưa tròn 20 tuổi. Ông đã lấy tên ngôi làng Hòa Hảo nơi mình sinh ra để đặt tên cho tôn giáo mới của mình: đạo Hòa Hảo hay Phật giáo Hòa Hảo. Sau đó, ông được các tín đồ suy tôn làm giáo chủ mối đạo, và gọi ông bằng cái tên tôn kính là Huỳnh Giáo Chủ.

Sự ra đời của Phật giáo Hòa Hảo gắn liền với đặc điểm tâm lý, lối sống đạo đức và tín ngưỡng của nông dân Miền Nam. Sự ra đời này cũng ảnh hưởng do tác động của phong trào chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ nhất là ảnh hưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương - một hệ phái Phật giáo ở cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

Kể từ đó, ông lần lượt sáng tác nhiều thơ ca, tập hợp lại thành quyển Sấm giảng thi văn giáo lý, có phần gần gũi với tư tưởng thần bí và tín ngưỡng dân gian ở Miền Nam lúc bấy giờ, do đó ảnh hưởng của ông Huỳnh Phú Sổ càng ngày càng gia tăng và trở thành một phong trào tín ngưỡng mạnh mẽ khiến Thực dân Pháp lo ngại.

Sang năm 1941, số lượng tín đồ của đạo Hòa Hảo tiếp tục gia tăng một cách nhanh chóng. Khi Nhật vào Đông Dương, Pháp lo sợ Nhật tranh thủ giáo phái Hòa Hảo nên đã câu thúc Huỳnh giáo chủ ở Sa Đéc, Cần Thơ rồi Bạc Liêu. Tháng 10 năm 1942, khi biết Pháp dự định đưa Huỳnh Giáo Chủ ra khỏi VN, một tín đồ vận động người Nhật đưa giáo chủ Hòa Hảo về Sài Gòn tá túc tại trụ sở của Hiến Binh Nhật ở Bến Chương Dương. Tại đây ông đã thuyết phục được nhiều nhân vật hoạt động chính trị thân Nhật vào đạo Hòa Hảo để gây thanh thế. Trong số này có Bác sĩ Trần văn Tâm, Kỹ sư Lương Trọng Tường, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tố, Kỹ sư Phan Bá Cầm, v.v. trong thời gian này nhiều thanh niên theo đạo Hòa Hảo cũng tham gia các tổ chức của Nhật.

Năm 1946, sau khi Nhật Bản đầu hàng, Đức Huỳnh Phú Sổ đóng một vai trò quan trọng trong phong trào đòi độc lập dân tộc. Ngày 21-9-1946, Đức Thầy cùng với những người lãnh đạo Hòa Hảo thành lập tổ chức Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng gọi tắt là “Dân Xã Đảng” bao gồm lực lượng nòng cốt trong Hòa Hảo và tổ chức Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng. Đảng Dân Xã có điều lệ, chương trình hành động, cơ cấu tổ chức riêng.

Từ đó Hòa Hảo vừa có đạo vừa có đảng mang hình thức như một tổ chức chính trị. Khối Hòa Hảo còn tổ chức lại lực lượng vũ trang vào tháng 6/1946 mang tên “Nghĩa quân Cách Mạng Vệ Quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực”.

Ngày 16-4-1947, Trên đường tham dự cuộc họp với CS để giải quyết các cuộc xung đột giữa hai lực lượng, ông Huỳnh Phú Sổ bị CS bất thần tấn công và thủ tiêu tại kinh Đốc Vàng Hạ (thôn Tân Phú, Kiến Phong).

Sau khi Huỳnh giáo chủ mất tích, nội bộ Hòa Hảo chia rẽ, các lực lượng quân sự bị tách ra làm mấy nhóm, tranh giành ảnh hưởng và gây ra những vụ thanh toán có khi đẫm máu. Mỗi nhóm cát cứ một vùng như Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ...

Vào thời điểm này, lực lượng võ trang của giáo phái Hòa Hảo có khoảng 16,000 quân gồm 4 hệ phái:

 

1. Trung tướng Trần Văn Soái (còn gọi là Ông Năm Lửa) Trong 4 hệ phái của giáo phái Hòa Hảo, người có binh lực trong tay mạnh nhất là ông Trần Văn Soái. Ông tự coi mình là Tổng tư lệnh Quân đội Hòa Hảo. Nhưng các phái khác không phục và sinh ra tranh chấp nhau. Lúc đó Tướng Soái có khoảng 7,000 quân trong vùng Cái Vồn, Cần Thơ và Vĩnh Long được chia ra thành 7 trung đoàn có tên như sau: Thiên Hộ, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Thường Kiệt, Quang Trung, Quốc Tuấn và Huỳnh Đức. Mỗi đơn vị trung đoàn này có khoảng trên dưới 600 quân, có trung đoàn như Quốc Tuấn chỉ có 65 quân. Ngoài 7 trung đoàn này, còn có một số tiểu đoàn độc lập (qua phà Cần Thơ, xuyên qua sông Hậu, đứng trên phà, nhìn về phía địa phận của quận Cái Vồn, nay là quận Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, người ta có thể nhìn thấy một ngôi nhà đồ sộ nằm ven bờ sông Hậu. Đó là ngôi nhà của ông Năm Lửa. Trước nền Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Năm Lửa đã đặt bản doanh tại đây. Sở dĩ ông có tên gọi là Năm Lửa vì ông đã từng lái xe hủ lô dùng để cán đường chạy bằng củi đốt lò.) Với sự giúp đỡ của Pháp, Tướng Trần Văn Soái, tức Năm Lửa, đã lập được những căn cứ vững chắc trong vùng Đồng Tháp Mười.

 

2. Thiếu tướng Lê Quang Vinh chỉ huy khoảng 3,000 quân trong vùng An Giang, Cần Thơ. Lê Quang Vinh tự Ba Cụt sanh năm 1923 tại rạch Bằng Tăng, xã Thới Long, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, thuộc một gia đình nông dân, được người cậu tên Huỳnh Kim Hoành nuôi dạy học đến hết chương trình tiểu học. Lê Quang Vinh là tướng trẻ tuổi nhất trong các tướng Hòa Hảo và cũng là tướng khó chịu nhất. Xuất thân là một tín đồ Hòa Hảo, ít học nhưng giỏi võ, khác với vẻ ngoài như một đạo sĩ, tướng Ba Cụt nổi tiếng là tàn bạo. Tuy vậy, Ba Cụt cũng nổi tiếng liều lĩnh do ảnh hưởng phong cách truyện Thủy Hử, nên Ba Cụt luôn hoạt đầu và lươn lẹo, chung quy cũng chỉ vì muốn xây dựng lãnh địa riêng. Do bàn tay trái bị cụt mất hai ngón, nên ông có tên là Ba Cụt.

Khác với các tướng Hòa Hảo khác, quân của Ba Cụt toàn dân giang hồ, nên tuy ít nhưng rất dữ dằn và cát cứ được vùng đệm giữa Năm Lửa và Hai Ngoán, kiểm soát An Giang và Cần Thơ, tổng hành dinh đặt tại Thốt Nốt, Long Xuyên.

Sau khi Bảo Đại về nước, các tướng Hòa Hảo khác nhanh chóng quy phục về mặt danh nghĩa thống nhất lực lượng, nhưng nhóm Ba Cụt vẫn giữ thái độ kiên quyết cát cứ lãnh địa riêng. Pháp nhiều lần gây áp lực để Ba Cụt đặt quân đội dưới sự điều khiển chung, nhưng Ba Cụt, trong khoảng thời gian từ 1949 đến 1953, đã 3 lần quy thuận và 3 lần ly khai. Mỗi lần như vậy, Ba Cụt lại rúc rỉa thêm được tiền tài và vũ khí để phát triển lực lượng riêng của ông. Nhưng người Pháp không lấy thế làm tức giận và vẫn kiên nhẫn đón nhận mỗi lần quy thuận của ông, chỉ cốt kiềm hãm lực lượng của ông không theo cộng sản, mà ngược lại khai thác lực lượng này đánh Việt Minh cộng sản. Năm 1953, Ba Cụt được Pháp công nhận quân hàm Thiếu tướng.

Lực lượng võ trang của ông Ba Cụt rút vào bưng sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm cho giải thể các đơn vị võ trang thuộc hai giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo để sát nhập vào Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

3-Thiếu tướng Lâm Thành Nguyên còn có tên là Hai Ngoán, Phó tổng tư lệnh quân đội Hòa Hảo chỉ huy 3,000 quân trong vùng Châu Đốc-Hà Tiên.

Trong 4 tướng quân phiệt Hòa Hảo, thì Hai Ngoán là người có ăn học chút đỉnh. Xuất thân từ gia đình đại điền chủ ở vùng Bảy Núi, được gia đình cho đi ăn học, nhưng Hai Ngoán nhanh chóng gia nhập vào nhóm dân quân. Cũng do ảnh hưởng của vùng Thất Sơn, ông gia nhập đạo Hòa Hảo cũng rất sớm. Năm 1945, khi Hòa Hảo lập chi đội Nguyễn Trung Trực, ông có thời gian làm chi đội phó. Tuy nhiên, sau khi Huỳnh giáo chủ mất tích, quân đội Hòa Hảo bị phân hóa thành 4 nhóm quân phiệt. Đội quân do Lâm Thành Nguyên chỉ huy cát cứ vùng Châu Đốc Long Xuyên, căn cứ tại Cái Dầu, Châu Ðốc. Đến năm 1949, khi Quốc gia Việt Nam được thành lập, đội quân Hai Ngoán này được xem là một thành phần trong quân đội Hòa Hảo, là lực lượng bổ sung trong quân đội Quốc gia. Lâm Thành Nguyên được phong chức Phó Tổng tư lệnh quân đội Hòa Hảo. Năm 1953, ông được vua Bảo Đại phong Thiếu tướng.

Năm 1955, Lâm Thành Nguyên là tướng dao động nhất. Lúc đầu, ông không chịu giải tán, gia nhập nhóm các giáo phái ly khai. Tuy nhiên, trước sức ép của Ông Ngô Đình Diệm, Hai Ngoán nhanh chóng đầu hàng, ly khai khỏi nhóm Năm Lửa và Ba Cụt. Đội quân của ông bị giải tán và sát nhập vào QĐQGVN.

 

4-Thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ (Ông Nguyễn): nguyên Tư Lệnh Bộ Đội Nguyễn Trung Trực của Phật Giáo Hòa Hảo; chỉ huy 3,000 quân trong vùng Chợ Mới-An Giang. Hệ phái của ông Nguyễn Giác Ngộ tự cho là đệ tử chân chính của Đức Thầy và theo họ thì ông Nguyễn Giác Ngộ mới chính là người được Đức Thầy giao nhiệm vụ chỉ huy quân lực. Và vì vậy nên không chịu kết hợp với lực lượng ông Năm Lửa. Ngày 1/6/1955, Tướng Nguyễn Giác Ngộ chính thức quay về hợp tác với chính phủ, tháng 12/1956 TT Nguyễn Giác Ngộ được bổ nhiệm làm Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Du Kích Chiến, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.

Quân Đội Quốc gia trong chiến dịch Đinh Tiên Hoàng:

Về phía Quân Đội Quốc Gia Việt Nam có 21,000 quân trải rộng ra 3 Phân Khu Cần Thơ, Sóc Trăng và Vĩnh Long. Ngày 23-5-1955, khu chiến miền Tây được thành lập bao gồm ba phân khu Vĩnh Long (Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc), Cần Thơ (Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên) và Sóc Trăng (Sóc Trăng, Bạc Liêu và Rạch Giá). Chỉ huy Trưởng là Đại tá Dương Văn Đức với nhiệm vụ tái lập an ninh trong khu vực trách nhiệm và giải tỏa các trục giao thông: Cần Thơ-Vĩnh Long, Châu Đốc-Long Xuyên.

1. Khu chiến được sử dụng 12 Tiểu Đoàn Khinh Chiến tổ chức thành 6 Liên Đoàn xung kích để lùng và diệt địch.

2. Các đơn vị địa phương gồm các đơn vị Bảo An tại các Phân Khu và Tiểu khu tổ chức thành các đơn vị tăng cường và án ngữ những vị trí thiết yếu của chiến dịch.

3. Liên Đoàn Nhảy Dù do Trung tá Đỗ Cao Trí chỉ huy với 2 Tiểu Đoàn:

• Tiểu Đoàn 3 ND do Đại úy Phan Trọng Chinh làm Tiểu Đoàn Trưởng
• Tiểu Đoàn 6 ND do Đại úy Nguyễn Văn Viên làm Tiểu Đoàn Trưởng
• 2 Trung Đội Công Binh Nhảy Dù do Thiếu úy Huỳnh Long Thành và Chuẩn úy Nguyễn Xuân Hiền làm Trung Đội Trưởng

4. Hải Đoàn Xung Phong 25 do HQ Trung úy Đinh Mạnh Hùng chỉ huy và một Tiểu Đoàn TQLC

Diễn Tiến

I. Hành Quân Giai Đoạn I: (23/5/1955-18/8/1955)

Hành quân giai đoạn I, nhắm vào các mục tiêu căn cứ địa của Ông Trần Văn Soái và Ông Lâm Thành Nguyên, đồng thời khai quang các chướng ngại vật nhằm giải tỏa các trục lộ giao thông từ Vĩnh Long đến Cần Thơ; Long Xuyên và Châu Đốc.

Sáng sớm ngày 5/6/1955 lực lượng Quân Đội Quốc Gia đồng loạt tấn công nhiều mặt vào các vị trí đóng quân các lực lượng của Ông Năm Lửa và Lâm Thành Nguyên.

- Một cánh quân thứ nhất, phát xuất từ Cần Thơ do hai Tiểu Đoàn 3 và 6 Nhảy Dù làm lực lượng xung kích, dùng tàu Hải Quân của Hải đoàn 25 chuyển vận, từ sáng sớm đã vượt sông đổ bộ lên mé phải đánh úp vào căn cứ Cái Vồn để bắt sống ông Trần Văn Soái mở màn cho chiến dịch Đinh Tiên Hoàng nhằm loại trừ các lực lượng giáo phái ly khai chống chính phủ, hoạt động như các sứ quân hùng cứ ở các địa phương.

Khi khai chiến, trong đồn Cái Vồn có khoảng 200 tay súng trấn giữ, bị động, lực lượng trong đồn bắn bích kích pháo về phía lực lượng Quân đội Quốc gia đang tập trung để mở cuộc tấn công vào đồn. Lực lượng hành quân bị lúng túng vì đang ở trên sông rạch và các lằn đạn trọng pháo rất chính xác nên cuộc đổ bộ không kịp lúc. Ông Trần Văn Soái cùng gia đình và các thuộc hạ gồm một đại đội cận vệ mở đường máu chạy thoát được khỏi Cái Vồn sang lẩn tránh trong vùng đồng Tháp Mười. Lực lượng Nhảy Dù tung quân lục soát trong căn cứ tịch thu nhiều súng ống đạn dược và lương thực, ngoài ra còn có một chiếc Thủy phi cơ còn tốt. Sau khi chiếm được mục tiêu Cái Vồn, cánh quân này đã giao tiếp được với cánh quân từ Vĩnh Long xuống.

- Một cánh quân thứ hai, tiến công từ Vĩnh Long sang Cần Thơ, dọc đường tiến quân, các đồn bót của giáo phái đều tan rã ngay và bỏ chạy không có một chống cự nào đáng kể, một số ra đầu hàng và quy thuận Quân Đội Quốc Gia.

- Một cánh quân thứ ba, phát xuất từ Sa Đéc qua quận Đức Thành tiến về Long Xuyên. Trước sự uy hiếp của cánh quân này, 2 Trung đoàn Quang Trung và Trung đoàn Bắc Tiến của Ông Ba Cụt đang đóng ở rạch Cái Mít tại vùng Lai Vung đã bỏ căn cứ rút về kinh Thốt Nốt và uy hiếp thị trấn này rất nặng nề.

- Một cánh quân thứ tư có chiến xa yểm trợ phát xuất từ Long Xuyên tiến chiếm căn cứ Cái Dầu cạnh LTL 10 của ông Lâm Thành Nguyên. Căn cứ này chống cự dữ dội, Quân Đội Quốc Gia phải dùng chiến xa mới làm chủ được chiến trường và quân
trú phòng bỏ chạy tán loạn.

Về sau Ông Lâm Thành Nguyên cho người ra liên lạc xin quy thuận với Chính phủ, và đã gom lực lượng tại núi Cấm để quân đội Quốc gia VN đến thay thế. Ông và bộ chỉ huy được trở lại đóng ở căn cứ Cái Dầu.

- Ngày 14/6/1955 một cánh quân khác (một Tiểu Đoàn) xuất phát từ Mỹ Tho, đã kiểm soát được Quốc Lộ số 4 từ Mỹ Tho đến Bắc Mỹ Thuận và đường đi từ Long Xuyên đến Châu Đốc. Một số những đơn vị Hòa Hảo chống đối lẻ tẻ rồi lẩn khuất vào các vùng hẻo lánh trong vùng Đồng Tháp Mười.

- Sau cuộc hành quân này ông Trần Văn Soái rút lực lượng vào khu Đồng Tháp Mười củng cố lại tổ chức.

Cuộc hành quân truy kích lực lượng của Tướng Ba Cụt.

Ngày 15/6/1955 Lực lượng Quân đội Quốc gia với thành phần tham chiến hơn 1 sư đoàn, chia thành 6 liên đoàn xung kích, lại mở cuộc hành quân để truy kích tàn quân của Ông Ba Cụt. Vùng hành quân là 1 vùng đầy kinh rạch và sình lầy rộng không quá 10km² thuộc quận Thốt Nốt. Các đơn vị thuộc Liên Đoàn Nhảy Dù từ Trường Trung Học Long Xuyên di chuyển bằng Tàu Hải Quân đến Thốt Nốt cùng Các Liên đoàn xung kích khai triển đội hình trên kinh rạch, tảo thanh, truy kích lực lượng của ông Ba Cụt tại Tân Quới, Thới Lai và Cờ Đỏ.

Tại Cờ Đỏ, Liên đoàn Vĩnh Long đã đụng độ dữ dội với lực lượng đối phương. Đây là lần đầu tiên trong chiến dịch Đinh Tiên Hoàng, Quân đội Quốc gia đã giao tranh quyết liệt với 1 đơn vị của ông Ba Cụt. Đơn vị này đã khai hỏa với mọi hỏa lực kể cả súng cối 81ly, tác xạ vào hậu quân của Liên đoàn Vĩnh Long.

BCH Chiến dịch Hành Quân tăng viện Liên Đoàn Nhảy Dù trợ chiến. Sau 1 giờ giao tranh với quân Nhảy Dù, quân của Ba Cụt bị thiệt hại nặng phải rút lui về hướng Tri Tôn và một phần rút qua bên kia biên giới Cao Miên. Phía Nhảy Dù 1 Trung Đội Trưởng thuộc TĐ6ND là Thiếu úy Nguyễn Văn Ngọ bị hy sinh, bắt được rất nhiều tù binh.

Đến ngày 19/6/1955 lực lượng Hòa Hảo ly khai coi như bị đánh bại, lực lượng của ông Lê Quang Vinh, một phần lẩn trốn qua biên giới Kampuchea, một phần rút về cố thủ vùng định cư Bắc Việt Nam Thái Sơn.

Ngày 4/7/1955 Bộ Chỉ Huy Khu Chiến sử dụng 6 Liên Đoàn Xung Kích từ trước tăng viện thêm các chiến xa lội nước và 2 Tiểu Đoàn từ Cần Thơ và Châu Đốc để ngăn chận bủa vây các đơn vị lẻ tẻ bỏ chạy về phía Nam Long Xuyên hay Thốt Nốt.

Sau đó, các đơn vị chính phủ khai triển đội hình tiến quân làm nhiều ngả tấn công vào các vị trí ẩn náu của lực lượng ly khai:

Một Trục xuất phát từ Rạch Giá đã chia làm hai mũi: mũi thứ nhất tiến theo trục lộ 8 Rạch Giá-Hà Tiên; mũi khác dùng tàu đổ bộ TĐ1TQLC do Đại úy Bùi Phó Chí làm TĐT từ Đảo Hòn Me, Hòn Sóc vào Lỳnh Quỳnh để phối hợp tiêu diệt đối phương. Một trận giao tranh khá dữ dội đã diễn ra khi Tiểu đoàn TQLC tiến quân đến một khoảng đất trống. Đôi bên cùng bị thiệt hại nặng.

Một trục khác xuất phát từ quận Tri Tôn băng qua một khu rừng tràm ngập nước để tiến tới vùng định cư Bắc Việt. Khi lực lượng Quân đội Quốc gia tiến gần đến khu định cư Bắc Việt, thì bắt đầu cuộc chạm súng. Nhờ có phi cơ quan sát báo rõ vị trí của lực lượng ly khai và có pháo binh yểm trợ, lực lượng hành quân tiến sát bao vây, đối phương kháng cự yếu ớt rồi rút lui.

Một trục phụ có chiến xa lội nước yểm trợ tiến vào kiểm soát núi Ba Thê. Cánh quân này cũng có chạm súng với đối phương. Tuy nhiên, do chiến xa lội nước bị sình lún không thể hoạt động nên hơn 100 quân của đối phương bị bao vây ở núi này đã chờ màn đêm buông xuống trốn thoát. Ngoài ra còn có hai tiểu đoàn Pháo binh yểm trợ hỏa lực cho các cánh quân. Những pháo đội của hai Tiểu đoàn Pháo Binh này chỉ có thể đóng ngoài đường nên tầm hoạt động bị hạn chế rất nhiều do địa thế rừng tràm quá mênh mông, không có địa điểm để đặt súng, các toán súng cối phải lấy cỏ đệm dưới bàn tiếp hậu. Tác xạ theo cách này rất nguy hiểm vì khi bắn thì bàn tiếp hậu bị lún bởi không dựa vào đất cứng, đạn đi không trúng đích mà còn rơi ngay trước mặt. Tại đây, pháo binh đã quá tầm hoạt động cho nên lực lượng hai bên thấy nhau mà không thể sử dụng hỏa lực pháo binh để tác xạ.

Ngày 18/8/1955 Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng giai đoạn I tạm kết thúc. Các lực lượng ly khai hoàn toàn suy yếu, các ông Trần Văn Soái rút vào Đồng Tháp Mười để củng cố lực lượng, ông Lê Quang Vinh lẩn trốn ở miền Tây, riêng lực lượng Bình Xuyên của ông Bảy Viễn vẫn còn hoạt động ở Rừng Sác, phía Nam Sài Gòn.

Sau khi cuộc hành quân kết thúc, Bộ Chỉ huy chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đã phối trí 1 số đơn vị hoạt động ngay trong khu Nam Thái Sơn để yểm trợ thành lập các đơn vị hành chánh và thiết lập căn cứ bảo vệ an ninh trong các khu vực mà trước đó là các căn cứ địa của lực lượng giáo phái.

Tổng kết giai đoạn 1 chiến dịch được ghi nhận như sau:

A- Thiệt hại của Lực lượng Quân đội Quốc gia:

- Tử thương: 6 sĩ quan, 15 hạ sĩ quan, 103 binh sĩ
- Bị thương: 24 sĩ quan, 89 hạ sĩ quan, 417 binh sĩ
- Mất tích: 11 binh sĩ
- Vũ khí: 33 súng trong đó có 4 súng cộng đồng
- Máy truyền tin: 1 AN.PRC, 3 SCR 300, 1 SCR 508.

B- Thiệt hại của lực lượng giáo phái:

- Tử thương: 463
- Bị bắt: 239
- Quy thuận: 1,823 người
- Vũ khí bị tịch thu: 299 súng, trong đó có 4 súng cối 81ly, 2 cối 60ly
- Vũ khí nộp do quy thuận: 1,115 súng, trong đó có 20 đại liên, 27 súng cối 81ly, 3 súng cối 60ly
- Quân xa bị tịch thu: 25 xe nhỏ, 10 xe Jeep. 2 xe dodge 4x4, 21 camions
- Tàu thuyền bị tịch thu: 2 tàu nhỏ, 2 ghé máy
- Phương tiện bị phá hủy: 10 tàu, 2 xà lan, 66 thuyền, 1 xưởng đạn dược, 1 biệt thự của ông Ba Cụt thiệt hại.

II Giai Đoạn 2 Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng: (từ 15/9/1955 đến 17/10/1955)

Ngày 1 tháng 8 năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm giải tán các bộ chỉ huy và cơ cấu trực thuộc của các giáo phái cạnh Bộ TTM/QĐQG để thống nhất quân lực. Khi Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng 1 tấn công các căn cứ của giáo phái Hòa Hảo ly khai, lực lượng này đã phải phân tán. Quân đội Quốc gia dồn nỗ lực mở một mặt trận khác tấn công vào khu Rừng Sác, căn cứ địa của Bình Xuyên. Khi quân Hòa Hảo tập trung lại được lực lượng, Quân đội Quốc gia mở chiến dịch Đinh Tiên Hoàng 2 vào ngày 22 tháng 9 năm 1955. Những trận đánh với lực lượng Hòa Hảo đáng kể nhất đã diễn ra tại Nam Thái Sơn, Ba Thê, Rạch Giá, Hà Tiên, Vĩnh Phú, Cái Dầu, Giồng Riềng. Nhiều cuộc đột nhập bằng giang đỉnh và đặc biệt bằng những xuồng máy loại M2 vào vị trí địch quân đã xảy ra.

Đầu tháng 9/1955, quân của Ông Ba Cụt sau khi tản mát ở giai đoạn I, lại tập trung về vùng định cư Bắc Việt Nam Thái Sơn khoảng giữa tỉnh lỵ Rạch Giá và Hà Tiên để khuấy rối, tấn công vào đồn bót gây áp lực nặng nề cho 2 Tiểu Đoàn 54 và 508 QĐQG. Vùng này đa số là dân di cư từ Nam Định và Thái Bình đến định cư trong vùng Thất Sơn nên gọi là Nam Thái Sơn. Đây là một vùng rừng tràm rậm rạp, sông rạch chằng chịt, địa thế hiểm trở sình lầy. Lực lượng đối phương đắp ụ phong tỏa và bắn vào những binh sĩ ra khỏi đồn. Ban đêm, quân đối phương pháo kích. Theo tin tức tình báo, Trung đoàn Lê Quang của ông Ba Cụt cùng các Tiểu đoàn Hồng Ngự và Tiểu đoàn 7 với quân số khoảng 400 người đã tập trung tại vùng này để mở cuộc công hãm lực lượng quân đội Quốc Gia.

 

 

Hành quân miền Tây

 

Để khai triển cuộc hành quân, ngày 15/9/1955 Bộ Chỉ Huy Khu Chiến điều động 2 Tiểu Đoàn Khinh Chiến tấn công thẳng vào căn cứ địa của đối phương. Tiểu Đoàn 713 do Đại úy Nguyễn Văn Tư làm TĐT xung phong làm nỗ lực chính. Đại úy Tư dùng chiến thuật dàn hàng ngang bò qua các ruộng lúa che khuất trong vòng 2 ngày, vượt qua 7 con kinh xáng, tràn ngập lên căn cứ đánh xáp lá cà với đối phương. Lính của Ông Ba Cụt hoảng sợ bỏ chạy hết, trong trận này Tiểu Đoàn 713 tiêu diệt trên 100 đối phương, phe QG cũng thiệt hại khoảng 70 người vừa chết và bị thương.

Ngày 6/11/1955 ông Ba Cụt khi nghe tin QĐQG mở lại cuộc hành quân miền Tây, Ông đã ra lệnh tử chiến bằng một bản quân lệnh gồm 29 điều khoản, dưới danh nghĩa Trung tướng Tư Lệnh Quân Đội Hòa Hảo Dân Xã Đảng Việt Nam. Lực lượng Quân đội Quốc gia đã bắt được bản quân lệnh này.

Theo sự phân nhiệm nguyên văn trong bản quân lệnh này:

1- Trung đoàn Lê Quang chịu trách nhiệm mặt Xốp Văn hướng về mặt Sóc Xoài và kinh Tân Hội để chiến đấu, chiến đấu cuối cùng, quyết chiến tại Ba Thê.

2- Tiểu đoàn 205 Lê Lợi chịu trách nhiệm chiến đấu tại cả ba kinh Ba Thê Mới, quyết chiến tại mặt trận Núi Tróc, Núi Tượng.

3- Tiểu đoàn 210 chịu trách nhiệm chiến đấu kinh Mốp Văn tại cả ba hướng về cầu số 5, quyết chiến tại cản Dừa và lần lần vô mặt trận tại miếu Thần Nông, cuối cùng không chiến đấu được thì qua tại Núi Tróc phụ lực với bộ Tham mưu.

4- Tiểu đoàn 206 Lê Lợi chịu trách nhiệm phá con đường từ cầu số 5 đến ngã ba lộ cái Long Xuyên-Châu Đốc, phá cầu, đào đắp lộ và bắn mortier 60mm vào các ổ trọng pháo của địch. Cách đóng binh “-2 đại đội ở Vĩnh Hanh, -1 đại đội đóng ở ngọn Hang Tra”.

5- Trung úy Lạp có bổn phận điều động bộ phận bazooka, bắn tàu kinh Xáng Cây Dương vô cầu số 5 Nam.
6- Đại đội Sáu Dương và Đại đội Maxim chịu trách nhiệm chiến đấu tại kinh Bốn Tổng.
7- Đại đội 30 chịu trách nhiệm từ kinh Ông Cò và Vĩnh Chánh đem súng cối bắn vô ổ súng đồng của địch tại poste Cái Vồn.

8- Liên đội dân quân Núi Sập, Đại đội Tổng hành dinh Trung đoàn Lê Lợi có bổn phận tổ chức 2 đại đội có súng cối bắn vào các bộ phận “ca nông” của địch tại núi Sập và tại poste số 1, đầu kinh Ba Thê cũ, đến cho địch phải chịu bất lực khi nã súng đồng vào Ba Thê.

9- Trung Đoàn Lê Lợi có bổn phận tổ chức hai đơn vị súng cối bắn vào các bộ phận “ca nông” địch tại Núi Sập và tại “poste số 1” đầu kinh Ba Thê cũ để cho địch bất lực khi nã súng đồng vào Ba Thê.

10- Chỉ huy khu vực Thốt Nốt hợp với ban tình báo Ba Keo cùng các đại đội Dân xã đào đường phá cầu lộ, đột kích xe tàu, làm chướng ngại con đường Rạch Giá-Long Xuyên, lộ Cái Sắn, đường thủy cũng như đường bộ.

11- Ông Phó TL điều động TĐ7 và ĐĐ dân xã Thôn Thới Long, Thuận Hưng, Thới Thạnh, Thới Lai, phá lộ, phá cầu, đánh xe nhà binh, chặn xe nhà binh, chặn xe đò lộ Thốt Nốt xuống Ô Môn và bắn mortier vào châu thành Thốt Nốt.

12- Tiểu đoàn Năm Núi đào lộ đánh xe nhà binh, phá cầu làm chướng ngại sự lưu thông của địch trên con đường từ Ô Môn tới Cần Thơ.
13- Đại đội anh Tư Liên chặn xe đò, đánh xe nhà binh, phá cầu, phá lộ từ Tân Hợi xáp về Rạch Giá.

14- Tiểu đoàn 20 đem binh đóng tại Ô Long Vĩ (Châu Đốc) chịu trách nhiệm đào lộ bắn trọng pháo vào châu thành Châu Đốc và con lộ Vĩnh Tre lên Châu Đốc, từ Châu Đốc vô Nhà Bàng, từ Nhà Bàng về Xà Tôn.

15- Tiểu đoàn Hồng Châu hợp với đại đội phòng vệ quận Lai Vung, chịu trách nhiệm phá cầu, đào lộ từ Sa Đéc đến Vàm Cống và nã trọng pháo vào châu thành Sa Đéc.

16- Trung úy Tre, giám đốc Công an xung phong chịu trách nhiệm nã 100 trái mortier 60 vào châu thành Sa Đéc.

17- Trung đoàn trưởng Lê Lợi chịu trách nhiệm điều động trọng pháo 81 và canon 57 để bắn tàu binh đường Long Xuyên-Núi Sập và lưu động bắn các ổ trọng pháo địch để làm canon bất lực sự yểm trợ khi tấn công ta.

18- Tiểu đoàn 19 của Hồng tổ chức đột nhập, đốt phá châu thành Châu Đốc với mọi hình thức.
19- Đại đội 43 cùng chỉ huy khu vực châu Đốc hoạt động trên đường Tân Châu qua Châu Đốc để làm gián đoạn con đường này.

20- Đại đội 2 phòng vệ của Triệu chịu trách nhiệm huy động đào đất, đào lộ, phá cầu, kích đánh xe nhà binh, chận xe đò từ cầu Vĩnh Tre đến cầu chữ S gần tổng hành dinh Lâm Thành Nguyên.

21- Đại đội Trinh sát của Thiếu tá Khương chịu trách nhiệm huy động dân rất khéo, đào lộ, đắp mô thật lớn, đánh xe nhà binh, chặn các xe đò từ cầu Cây Dương đến nhà ông Phó Quý.

22- Trung đoàn Nguyễn Huệ phải cấp tốc bố trí các đồng rừng Giồng Triêng Gò Quéo.
23- Tiểu đoàn chủ lực Thất Sơn phân ra hai bộ phận:

a/ bắn vào Xà Tôn
b/ cho nã trọng pháo và đột kích kinh Tri Tôn

24- Trung đoàn Bắc Tiến cho đột kích ngã ba kinh Tám Ngàn, liên tiếp nã trọng pháo.
25- Hiến binh đội cho đột kích và bao vây các đồn địch ở núi Tượng.
26- Đại đội 31 cho đột kích và nã trọng pháo vô ngã ba Núi Trầu và châu thành Hà Tiên.
27- Trung đội phòng vệ Be đến bao vây các đồn địch ở Chợ Vàm, phá các cây cầu từ Chợ Vàm đến Tân Châu.
28- Tiểu đoàn Đại úy Tính cho bao vây các đồn ở Hồng Ngự vô đột kích dữ dội liên tiếp.
29- Đại đội cảnh sát tỉnh Châu Đốc đột kích chợ Tân Châu.

Hành Quân Vĩnh Phú: (17 – 25/11/1955)

Trung tuần tháng 11/1955, Quân của Ba Cụt rút về tập trung quanh khu vực núi Ba Thê, Vĩnh Chánh và Vĩnh Phú. Dân chúng lo sợ bắt đầu tản cư ra vùng an toàn ở tỉnh lỵ.

Ngày 17/11/1955 BCH chiến dịch khai diễn cuộc hành quân Vĩnh Phú chiếm đóng trục giao thông Rạch Giá – Hà Tiên buộc địch quân phải rút ra khỏi khu vực an toàn để chạy về Long Xuyên. Quân của ông Ba Cụt đã tránh đụng độ với quân chính phủ bằng cách chôn dấu vũ khí rồi trà trộn trong dân chúng bỏ trốn. Sau đó quân chính phủ tiếp tục đóng đồn quanh khu vực để yểm trợ xây dựng các cơ sở hành chánh địa phương.

Ngày 26/11/1955 khi được tin quân của Ba Cụt tập trung tại vùng Cái Dầu từ ấp Thanh Lợi đến xóm Láng, Bộ Chỉ Huy chiến dịch điều động Sư Đoàn 11 Khinh Chiến tổ chức cuộc hành quân truy lùng vào khu vực Cái Dầu, đồng thời tăng viện một Chiến Đoàn Nhảy Dù với 2 TĐ3 và 6ND có Pháo Binh yểm trợ. Các đơn vị Nhảy Dù đã dùng xuồng M2 di chuyển vào ban đêm để đột nhập và bất thần tấn công các đơn vị của ông Ba Cụt tại Thốt Nốt. Đối phương đã bị bất ngờ không kịp trở tay và thiệt hại nặng. Sau cuộc đột kích này Trung Đoàn Lê Quang và Trung Đoàn Nguyễn Huệ của Ông Ba Cụt rút chạy về khu Giồng Riềng – Hòa Hưng và Thới Lai.

Ngày 6/12/1955 tiếp tục truy lùng tàn quân của Ba Cụt, Bộ Chỉ Huy chiến dịch mở cuộc hành quân Giồng Riềng, gồm các đơn vị tương đương với 2 Trung Đoàn Bộ Binh với sự tăng cường một Tiểu Đoàn TQLC nhằm mục đích tiêu diệt Trung Đoàn Lê Quang, một Trung Đoàn thiện chiến nhất của Ông Ba Cụt.

Buổi chiều ngày 6/12, hai đơn vị thuộc Trung Đoàn Lê Quang và Trung Đoàn Nguyễn Huệ của Ông Ba Cụt phục kích trong khu vườn cây, xung quanh đồng ruộng trống trải với công sự phòng thủ chiến đấu theo hình tam giác, chờ cho đơn vị cấp Tiểu Đoàn TQLC tới gần sát lọt vào ổ phục kích mới nổ súng vào các đơn vị tiên phong. Đơn vị TQLC chống trả mãnh liệt, cố gắng mở những cuộc tấn công vào cạnh sườn địch quân. Nhưng nhờ thế trận hình tam giác và công sự kiên cố nên đơn vị Hòa Hảo này vẫn cầm cự được tới chiều tối. Trung đoàn Lê Quang chờ đêm tối rút lui theo hướng kinh Xà No về rừng U-Minh Thượng. Trung Đoàn Nguyễn Huệ rút về đầm Cô Túc rồi phân tán mỏng theo dân chúng. Tiểu Đoàn TQLC bị thiệt hại
nặng.

Ngày 29/12/1955, Thủ tướng Diệm đã ra lệnh chấm dứt chiến dịch Đinh Tiên Hoàng do Đại tá Dương Văn Đức chỉ huy và khai diễn chiến dịch Nguyễn Huệ.

Tuy cuộc hành quân hai Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng vất vả và không có kết quả khả quan nhưng các đơn vị tham dự chiến dịch đã đặt chân đến những căn cứ địa của đối phương tạo một vòng vây siết chặt. Ông Ba Cụt - Lê Quang Vinh, không còn lối thoát khiến họ phải phân tán lực lượng dấu súng, và cải trang thường dân để lẩn trốn. Sau khi cuộc hành quân kết thúc, Bộ Chỉ huy chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đã phối trí một số đơn vị hoạt động ngay trong khu vực Nam Thái Sơn, khóa chặt đường rút quân về Đồng Tháp Mười, và Cà Mau, đồng thời ra lệnh các lực lượng Bảo An (Địa phương quân sau này) tại các Tỉnh miền Tây kiểm soát an ninh 100%, cương quyết phải bắt sống Ba Cụt đang lẩn trốn trong dân, bằng mọi giá! Các Tiểu khu tại Miền Tây cũng nhận được lệnh mở nhiều cuộc phục kích ngày và đêm trong vùng trách nhiệm của Tiểu khu để tóm ông Ba Cụt.

Tổng kết giai đoạn 2 chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đợt 2.

• Phía lực lượng giáo phái ly khai:

- Chết: 300 người, trong đó có 4 sĩ quan
- Tù binh: 202 người
- Qui thuận: 24 người
- Vũ khí bị tịch thu: 382 trong đó có 14 vũ khí cộng đồng.

• Về lực lượng Quân đội Quốc gia VN:

- Chết: 117 quân nhân trong đó có 6 sĩ quan
- Bị thương: 225 quân nhân
- Mất tích: 9 quân nhân
- Vũ khí bị mất: 60 trong đó có 2 đại liên và 10 trung liên
- Tàu bị bắn chìm: 1 LCVP.

 

 

h7 Dân quân Hòa Hảo

 

Tài liệu tham khảo:

• Chiến Sử Việt Nam, Hiệp Định Genève, 50 Năm Nhìn Lại của Vương Hồng Anh đăng tải trên Việt Báo
• Hải Sử - Lược sử Hải Quân VNCH của Hội Đồng Hải Sử Cựu HQVNCH
• Hồi Ký Nghĩa Quân Cách Mạng của Trần Thị Hoa tự Phấn, Giáo Hội PGHH Hải Ngoại, xb năm 2002
• Chuyện Năm Lửa và Ba Cụt của Lữ Giang
• Sau 30 năm nhớ lại một người: Bùi Phó Chí (Roger) của Ngô Văn Định trên trang nhà tqlcvn.com
• Đức Huỳnh Phú Sổ Và Công Cuộc Vân Động Tự Do Cho Việt Nam - Trần Gia Phụng
• Và các cuộc phỏng vấn các chiến hữu Nhảy Dù.

Bấm vào đây để in ra giấy

Bảng hướng dẫn đến các chương (bấm vào các con số sẽ đi thẳng đến chương đó):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22
23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44
Mục lục

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

******04******

4. Chiến Dịch Hoàng Diệu (từ 21/9 đến 24-10-1955)

 

Bấm vào đây để in ra giấy

Chiến Dịch Hoàng Diệu

(từ 21/9/1955 đến ngày 24/10/1955)

Từ ngày rút về Rừng Sác, lực lượng Bình Xuyên thường hay quấy rối các đồn bót của QĐQG đóng quanh khu vực này và làm cản trở ghe thuyền ra vào trên sông Sài Gòn. Vào tháng 8/1955, trong những hành động gây hấn chống chính phủ, quân Bình Xuyên tấn công cả tàu thuyền qua lại trên sông Lòng Tàu. Trong một chuyến tập kích, 7 đoàn viên Hải Quân Việt Nam và Pháp bị thương, 1 người Pháp bị giết trên Trục lôi hạm Chương Dương. Chiến hạm này đã bị tấn công bất ngờ trên đường đi thử máy đường trường. Bắt đầu ngày 5/8/1955, các quân vận đỉnh LCM Việt Nam phải hộ tống các tàu bè lưu hành trên sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp.

Ngày 15 tháng 9, Hải quân Quốc gia Việt Nam đã bắt gặp tại khúc quanh Quatre Bras của sông Lòng Tàu, 4 tiểu vận đỉnh LCVP của quân Bình Xuyên đang được dương vận hạm LST 106 của Pháp tiếp tế quân dụng. Hải quân Pháp giúp đỡ cho các tiểu vận đỉnh Bình Xuyên chạy thoát.

Ngày 21/9/1955 Bộ Tổng Tham Mưu QĐQGVN quyết định khai diễn chiến dịch Hoàng Diệu để tiêu diệt hoàn toàn tàn quân của Bình Xuyên, bằng các cuộc tấn công chiếm đóng các căn cứ và hủy diệt các cơ sở, kho tàng dự trữ của Bình Xuyên, cùng giải tỏa con sông từ Nhà Bè đến Vũng Tàu để cho sự lưu thông của dân chúng và của các tàu buôn được dễ dàng.

(Do nhu cầu điều động lực lượng Hải Quân trong các cuộc hành quân, ngày 1 tháng 7 năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm bổ nhiệm Thiếu tướng Trần Văn Đôn, Phụ tá Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Hải Quân tiếp nhận bàn giao từ người Pháp do Đại tá Récher đại diện. Tuy nhiên, việc chuyển quyền chỉ có tính cách chính trị vì toàn bộ sĩ quan của Ban Hải quân dưới quyền tướng Đôn đều là các sĩ quan Hải quân Pháp. Cũng vì lý do này mà Chiến dịch Hoàng Diệu đáng lẽ được tiến hành từ tháng 7 năm 1955, nhưng mãi tới ngày 21 tháng 9 năm 1955 mới khởi sự được.)

Chiến dịch Hoàng Diệu khởi sự vào ngày 21/09/1955 và chấm dứt vào ngày 24/10/1955. Với tư cách Quân Trấn Trưởng Sài Gòn, Đại tá Dương Văn Minh được cử làm Chỉ Huy Trưởng Chiến Dịch Hoàng Diệu. Đại tá Nguyễn Khánh làm Chỉ Huy Phó và Thiếu tá Nguyễn Hữu Hạnh làm Tham Mưu Trưởng... Bộ Chỉ Huy Hành quân đóng tại Rạch Cát.

1 - Chỉ huy lực lượng Hải Quân tham dự chiến dịch này là Hải Quân Thiếu tá Lê Quang Mỹ. Lực lượng Hải quân Quốc gia Việt Nam tham dự cuộc hành quân này gồm có: Soái hạm HQ-01 Chi Lăng, một số giang pháo hạm và giang vận hạm, các Hải đoàn Xung Phong số 21, 22, 23, 24 và 25, và Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến do Đại úy Bùi Phó Chí chỉ huy.

Nhiệm vụ của Hải đoàn Xung phong và Thủy quân lục chiến là tuần soát và tấn chiếm những đồn bót của Bình Xuyên trên sông Lòng Tàu, giải tỏa đoạn thủy lộ huyết mạch Vũng Tàu Nhà Bè, mở đường cho sự lưu thông của dân chúng và thương thuyền ra vào Sài Gòn.

2 - Lực lượng Nhảy Dù gồm các Tiểu Đoàn 1, 5 và 6 Nhảy Dù làm nỗ lực chính và TĐ3ND làm trừ bị do Thiếu tá Nguyễn Chánh Thi Liên Đoàn Phó Liên Đoàn Nhảy Dù chỉ huy làm lực lượng xung kích cho cuộc hành quân. Bộ Chỉ Huy của Liên Đoàn đóng tại Coude De L’Est trên sông Sài Gòn cạnh Rừng Sác.

• TĐ1 Nhảy Dù do Đại úy Trần Văn Đô làm Tiểu Đoàn Trưởng
• TĐ 5 Nhảy Dù do Đại úy Ngô Xuân Soạn làm Tiểu Đoàn Trưởng
• TĐ 6 Nhảy Dù do Đại úy Nguyễn Văn Viên làm Tiểu Đoàn Trưởng
• TĐ 3 Nhảy Dù do Đại úy Phan Trọng Chinh làm Tiểu Đoàn Trưởng bảo vệ BCH/Liên Đoàn.

3 - Trung Ðoàn 154 Bộ Binh (BB) với 2 Tiểu Đoàn cơ hữu, được tăng phái hai Tiểu đoàn 33 và 809 do Thiếu tá Đỗ Hữu Độ (Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 154) chỉ huy

4 - Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh tăng cường một pháo đội của Tiểu Ðoàn 34 Pháo Binh và 2 đơn vị Pháo Binh diện địa do Ðại Úy Nguyễn Xuân Thịnh (Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu đoàn 3 Pháo Binh)

5 - Lực lượng án ngữ bằng một vòng đai với các cánh quân của Phân khu Miền Đông gồm:

• Một cánh quân gồm 2 Tiểu Đoàn của Liên Đoàn Biên Hòa, 1 Chi đội chiến xa tăng cường án ngữ phía Tây Bắc Rừng Sác

• Một cánh quân thứ 2 gồm 2 Tiểu Đoàn của Liên Đoàn Bà Rịa, 1 Chi đội thiết giáp tăng cường án ngữ phía Đông khu rừng

• Một đơn vị địa phương thuộc Phân khu Mỹ Tho cũng được điều động đến, phối hợp án ngữ phía Tây Rừng Sác

• Một Đại Đội Công Binh xuồng M2 dùng làm phương tiện tiếp tế

6 - Không Yểm gồm 4 phi cơ quan sát do Trung úy Nguyễn Văn Trường chỉ huy.

Phía Lực lượng Bình Xuyên gồm:

Bộ Chỉ huy Bình Xuyên: Tướng Bảy Viễn - Trung tá Bảy Môn (Võ Văn Môn), Trung tá Tư Hiển, Thiếu tá Lê Paul (con trai Tướng Bảy Viễn), Anh em Lại Văn Sang, Lại Văn Tài. Quân sư Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Nhà Văn Hồ Hữu Tường, và Nhân Sĩ Trần Văn Ân. (Về Rừng Sác, sau cái Chết Tướng Trình Minh Thế, lợi dụng một số tín hữu Cao Đài bất mãn, Tướng Bảy Viễn với sự trợ giúp của Pháp đã mời Tướng Cao Đài Nguyễn Văn Thành làm Cố vấn quân sự cho mình! Tướng Nguyễn Văn Thành là Tướng đầu tiên của Cao Đài, lúc này Ông đã lớn tuổi, vì thế từ 1954 Chỉ huy Quân Cao Đài là Tướng Thế và Tướng Phương. Trước đây Pháp yêu cầu Quốc Trưởng Bảo Đại phong Tướng Nguyễn Văn Thành là Trung tướng 3 sao Quân đội Quốc gia Việt Nam, để lôi kéo Tôn giáo Cao Đài. Vì thế Tướng Thành có cảm tình với Pháp. Nay Tướng Thế đã chết, nên Tướng Nguyễn Văn Thành chấp nhận ra Rừng Sác làm Cố Vấn Quân sự cho Tướng Bảy Viễn, Tướng Thành cùng đi với người bạn là Ông Trần Văn Ân. Vì vậy tại Rừng Sác, Tướng Bảy Viễn có 3 Quân Sư: Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Nhà Văn Hồ Hữu Tường, và Nhân Sĩ Trần Văn Ân).

 

Rừng Sác

 

Quân Bình Xuyên lúc này tại Rừng Sác lên đến 1,500 quân. [Ngày 2/5/1955 lúc Hải quân Pháp giúp triệt thoái ra khỏi Sài Gòn chỉ khoảng 300 tàn quân trong đó 200 Công an Xung Phong, điều này chứng tỏ Lực Lượng Tướng Năm Lửa và Ba Cụt tại miền Tây đã tăng viện, vì họ hiểu rằng nếu Bình Xuyên bị diệt, thì kế đến là số phận của họ.] gồm:

- 4 Tiểu Đoàn chiến đấu mang số từ 1 đến 4 khoảng 1200 người
- 4 Đại Đội biệt lập và Bảo Vệ khoảng 250 người
- 1 chiếc Tàu (Cyprès) chỉ huy của Bảy Viễn.

Các đơn vị đóng quân trên những nhà sàn, dọc theo vàm sông để dễ bề tiếp tế và quan sát.

Trước hết Bộ chỉ huy chiến dịch Hoàng Diệu đã cho phong tỏa toàn thể khu rừng bằng một vòng đai với các cánh quân của Phân khu Miền Đông: Bộ chỉ huy chiến dịch đóng tại Rạch Cát.

Rừng Sác là an toàn khu, là hậu cứ khi cần phải rút về để bảo toàn lực lượng của Bình Xuyên. Rừng Sác ở miền Nam bao trùm một diện tích rộng từ vùng Đồng Nai gần Vũng Tàu chạy dài đến Cà Mâu, sang tận Vịnh Thái Lan, chiếm một diện tích lên tới 329,000Ha. Các cây rừng chính gồm Cây Đước, Cây Vẹt, Cây Mắm, Cây Tràm và Dương Xỉ. Cây rừng một nửa nằm trên đất, một nửa nằm trong nước mặn. Rừng Sác là nơi sản xuất và cung cấp cho dân miền Nam nhiều than củi và tôm
cá.

Diễn Tiến

I. Giai đoạn I phong tỏa:

Ngày 21/9/1955 Lệnh hành quân được ban hành. Để tiêu diệt tàn quân Bình Xuyên đóng trong các vùng rừng rậm và lầy lội ở Rừng Sác, trước tiên Bộ chỉ huy chiến dịch đã cho phong tỏa toàn thể khu rừng bằng một vòng đai với các cánh quân của Phân khu Miền Đông, sau khi các đơn vị án ngữ thiết lập xong vòng đai bao vây, lực lượng xung kích được tàu Hải Quân chở đến các vị trí đã định để đổ bộ vào vùng hành quân.

Ngày 23/9/1955 Cánh quân của Liên đoàn Nhảy Dù do Thiếu tá Nguyễn Chánh Thi chỉ huy, được tàu Hải Quân chở đến đổ bộ xuống phía Tây của sông Lòng Tàu và sông Đồng Tranh. Cuộc đổ bộ bắt đầu từ lúc 2.00 giờ sáng, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đi tiên phong chia làm 3 Toán quân xung phong: Toán thứ nhất gồm hai Đại Đội đi trên 9 chiếc tàu đổ bộ, toán thứ nhì gồm Đại đội chỉ huy và Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn đi trên 5 chiếc tàu dàn hàng ngang và toán thứ ba gồm hai Đại Đội còn lại đi trên 4 chiếc tàu khác theo hàng dọc.

 

Quân Đội Quốc Gia nã pháo vào căn cứ Bình Xuyên ở Rừng Sác

 

Khi đoàn quân vượt qua ngã ba sông Lòng Tàu rẽ vào sông Đồng Tranh. Thiếu tá Thi bèn ra lệnh cho đoàn tàu mở hết tốc lực tập kích đổ bộ thẳng vào đồn giặc tại ngã ba sông Đồng Tranh khai hỏa. Sau 15 phút giao tranh quân Nhảy Dù đã làm chủ được trận địa, trong đồn đã kéo cờ trắng đầu hàng. Đây là một pháo đài rất kiên cố do Pháp để lại. Đồn có nhiệm vụ kiểm soát tàu bè lưu thông buôn bán trên sông Lòng Tàu từ Sài Gòn ra Vũng Tàu, trong đồn có tất cả 137 người gồm cả cấp chỉ huy và 3 người Đức, lính Lê Dương của Pháp trốn theo Bình Xuyên. Phía Nhảy Dù có 3 binh sĩ bị tử thương và môt chiếc tàu bị hư hại. Sau khi chiếm lại đồn, các đơn vị Nhảy Dù tiếp tục tiến sâu vào vùng Rừng Sác. Trong khi đó Cánh quân của Trung Đoàn 154 BB đổ bộ dọc theo sông Vàm Sắc. Các cánh quân từ cửa sông tiến vào, vì bùn sình nên việc di chuyển rất khó khăn tốc độ không quá 500 mét mỗi giờ.

Bộ chỉ huy chiến dịch Hoàng Diệu áp dụng chiến thuật bao vây và sử dụng Pháo binh ngày đêm bắn vào các cửa sông, các ngã ba sông rạch. Trung bình mỗi ngày đêm các đơn vị Pháo binh bắn khoảng 700 quả đạn. Các phi cơ quan sát hướng dẫn cho Pháo binh bắn vào những tàu bè của Bình Xuyên xuất hiện trong khu vực Rừng Sác. Khi thủy triều dâng cao, nước tràn ngập các hầm trú ẩn, bộ đội Bình Xuyên phải leo lên cây ẩn núp và trở thành mục tiêu cho pháo binh và hải pháo tác xạ bằng đạn nổ chụp. Các khẩu Pháo Đội tại An Thít đã làm cho lực lượng BX không còn chỗ nào cảm thấy an toàn. Sau khi phong tỏa được một tuần, các đơn vị Bình Xuyên lần lượt ra đầu hàng, đơn vị đầu tiên là một toán tàu thuyền trên sông Vàm Sắc cách cửa sông khoảng 2km. Trên các tàu có vài trăm người có cả súng ống và vợ con đi ra với nhiều lá cờ trắng xin đầu hàng.

Ngày 27/9/1955 một trận đánh xảy ra ở Rạch Lá, quân Bình Xuyên đã dùng súng SKZ 57ly bắn vào các tàu hải quân. Một tàu trúng đạn bị chìm. Sau đó, 1 đơn vị TQLC đổ bộ vào chính nơi phát ra tiếng súng và một trung đội Bình Xuyên đã bị tiêu diệt.

 

 Quân Bình Xuyên tấn công quân chính phủ và bị phản công.

 

II. Giai đoạn 2 Chiến dịch Hoàng Diệu: Ngày 7-10-1955, các đơn vị Nhảy Dù và Trung đoàn 154 được rút ra khỏi phần phía Tây Rưng Sác. Khu vực này được xem như bình định xong. Các cánh quân đã chuyển sang các mục tiêu phía Đông Rừng Sác để mở các cuộc hành quân lục soát. Trong giai đoạn này, các đơn vị Nhảy Dù án ngữ và hành quân tại vùng núi Thị Vãi, Trung đoàn 154 với hai tiểu đoàn 22 và 58 được tàu Hải quân chở đến cửa Cần Giờ rồi từ đây tiến ngược theo sông Ngã Bảy lên phía Bắc để mở các cuộc hành quân lục soát hai bên bờ. Khi các cuộc hành quân thuộc giai đoạn 2 được bắt đầu thì lực lượng Bình Xuyên coi như tan rã. Đa số quy thuận, một số nhỏ bị bắt. Các cuộc hành quân lục soát thuộc giai đoạn này đã triệt hạ toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Bình Xuyên tại Rừng Sác, các tàn binh cuối cùng của Bình Xuyên cũng bị bắt hết. Một thành phần nhỏ do Bảy Môn chỉ huy kéo vô bưng gia nhập vào lực lượng của VC.

Trong số những nhân vật trọng yếu trong bộ tham mưu của Bình Xuyên có Trần văn Ân và Trung tướng Nguyễn văn Thành ra đầu thú; các ông Hồ Hữu Tường, Trịnh Khánh Vàng và Nguyễn Hữu Thuần thì bị bắt giữ. Trong số hàng binh có một sĩ quan cấp Tá của Bình Xuyên biệt danh là “Sáu Nhỏ” là Sĩ quan Quân Đội Quốc Gia nhưng cũng là Rể của Bảy Viễn ra đầu thú. Sáu Nhỏ đã khai chỗ giấu súng và kho tàng vàng bạc của Bảy Viễn giấu cất tại vùng Tắc Hồi Bài và Tắc Ông Cò trong khu Rừng Sác. Trung tá Nguyễn Khánh đã phái một chiến đỉnh của Hải Quân đến chỗ tích trữ vũ khí của Bình Xuyên [để] tịch thu.

 

Hành quân chiến dịch Hoàng Diệu

 

Bảy Viễn cùng nhóm thân cận Lại Văn Sang, Lại Hữu Tài và Trần Văn Hiển trốn ra được Quốc lộ 15 mượn xe thoát ra được Vũng Tàu nơi có quân Pháp còn đóng quân. Bảy Viễn và Lại Hữu Tài đã trốn thoát vô sự nhờ Pháp dùng trực thăng đưa sang Lào rồi âm thầm sang Pháp sau đó. Lại Văn Sang bị 1 tiểu đội tuần tiểu của Tiểu đoàn 520 phát giác ở gần đồn ông Trịnh. Tuy nhiên, Lại Văn Sang đã quăng lại chiếc cặp da để thoát hiểm. Sang ăn mặc thường dân nên khi toán tuần tra xem cặp mới biết chủ nhân là Lai Văn Sang.

Lê Paul trốn ở khu rừng Hắc Dịch, sau đó có 1 sĩ quan Bình Xuyên bị Quân đội Quốc gia bắt, đã khai báo nơi ẩn nấp của Lê Paul. Bộ chỉ huy Phân khu miền Đông liền điều động một tiểu đoàn vào sâu trong khu rừng này lùng bắt, đồng thời cho 1 đơn vị khác bao vây vòng ngoài. Khi Lê Paul vừa định vượt 1 con đường mòn để lên Hắc Dịch thì bị 1 đại đội do Trung úy Đèo Văn Thống chỉ huy, bắt được. Thật sự, Lê Paul định trốn quanh quẩn ở cạnh Quốc lộ 15 để tìm cơ hội quá giang xe đò ra Vũng Tàu. Còn Trung tá Bình Xuyên Tư Hiển thì bị bắt vào ngày 24-10-1955.

Sau khi Chiến Dịch Hoàng Diệu chấm dứt, ngày 6/11/1955 Chính phủ đã tổ chức một buổi lễ trọng thể để đón mừng các chiến sĩ Rừng Sác, Đại tá Dương Văn Minh đã được Vinh thăng Thiếu tướng, Trung tá Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Liên Đoàn Nhảy Dù được thăng cấp Đại tá mới có 29 tuổi.

1-Tổn thất của Bình Xuyên:

- 20 chết, 221 bị bắt, 1,119 quy thuận

- Vũ khí: 11 súng SKZ, 6 súng cối 81ly, 10 súng cối 60ly, 14 bazooka, 4 đại bác 20ly, 35 đại liên, 110 trung liên, 343 tiểu liên, 1,046 súng trường, 4 súng phóng lựu và 33 súng lục

- 30 vừa ghe, vừa tàu

- 1 đài phát thanh

2-Tổn thất của Quân đội Quốc gia:

-10 chết, 59 bị thương

-1 tàu bị bắn chìm, 4 tàu bị hư hại.

Ngày 7/11/1956 Bảy Viễn đến Paris bằng phi cơ Air France một cách bí mật. Riêng đứa con trai 27 tuổi của Ông là Le Paul, bị vợ chồng Ngô Đình Nhu cho thuộc hạ thủ tiêu vào ngày 14/4/1956 bằng cách cho xe Cảnh Sát chở ra khỏi Phú Lâm chạy về hướng Phú Định, dọc đường xô ra khỏi xe rồi hạ sát bảo rằng đương sự bỏ chạy, sau khi khai thác hết tài sản kho tàng chôn dấu của Bảy Viễn.

 

 

Tài liệu tham khảo:

- Những Cuộc hành Quân sau trận Điện Biên Phủ của Vương Hồng Anh
- Bảy Viễn-Thủ lĩnh Bình Xuyên của Nguyên Hùng, nxb Văn Học năm 1985
- Việt Nam: Một trời tâm sự của Trung tướng Nguyễn Chánh Thi
- Chiến dịch Hoàng Diệu và sự thật về kho vàng Bảy Viễn của Trịnh Bá Lộc
- Can Trường Trong Chiến Bại của Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại – Tái bản lần thứ 2 năm 2010
- Bài phỏng vấn ông Cao Xuân Vĩ về việc Ngô Đình Nhu bí mật gặp ông Phạm Hùng tại khu rừng Tánh Linh-Bình Tuy của Minh Võ
- Cái Chết Của Một Hàng Tướng: Dương Văn Minh (1916 – 2001) - Nguyên Vũ - Vũ Ngự Chiêu
- Sau 30 năm nhớ lại một người: Bùi Phó Chí (Roger) của Ngô Văn Định trên trang nhà tqlcvn.com
- Và các cuộc phỏng vấn các chiến hữu Nhay Dù.

Bấm vào đây để in ra giấy

Bảng hướng dẫn đến các chương (bấm vào các con số sẽ đi thẳng đến chương đó):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22
23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44
Mục lục

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

******05******

5. Chiến Dịch Nguyễn Huệ (từ 1-1- đến 17-2-1956)

 

Bấm vào đây để in ra giấy

Chiến Dịch Nguyễn Huệ

(từ 1-1- đến 17-2-1956)

 

Sau Chiến Dịch Đinh Tiên Hoàng, mặc dầu đã có những nỗ lực của Khu Chiến Miền Tây, lực lượng chính phủ vẫn không tiêu diệt được hết chủ lực của đối phương. Vì vùng trách nhiệm quá rộng lớn với địa thế hiểm trở, trong khi đó phương tiện được cung cấp rất giới hạn, các lực lượng giáo phái đã tránh đụng độ với quân Chính Phủ và lẩn trốn tản mát trong các vùng xa xôi hẻo lánh để chỉnh đốn hàng ngũ.

Tại các Tỉnh Miền Tây ảnh hưởng của Ba Cụt còn rộng lớn, mặc dù bị săn đuổi, ông Ba Cụt còn khoảng 1,000 quân, rút về hoạt động ở các khu Giồng Riêng (Rạch Giá), Ba Thê, Hà Tiên và Châu Đốc. Số quân còn lại của 4 trung đoàn chủ lực như sau: Bắc Tiến khoảng 200 quân, Nguyễn Huệ khoảng 200 quân, Lê Quang trên 300 quân và Lê Lợi khoảng 100 quân. Trong 4 trung đoàn này, Trung Đoàn Lê Quang do Nguyễn Thời Rê chỉ huy được coi là thiện chiến nhất và được trang bị đầy đủ nhất. Ba Cụt là Tổng Tư Lệnh và Ba Bụng, tức Phan Công Cẩn, là Phó Tổng Tư Lệnh. Các đơn vị này thường quay lại khuấy rối các đồn bót QĐQGVN nhất là trong vùng gần biên giới Miên-Việt nhằm gây bất an trên các trục lộ giao thông bằng lối đánh du kích.

Miền Đồng Tháp Mười thuộc vùng ảnh hưởng của Ông Năm Lửa Trần Văn Soái. Khu vực này gồm một vùng đồng lầy hoang vu rộng 70,000 mẫu tây. Đông giáp sông Vàm Cỏ, Tây giáp sông Cửu Long, Nam giáp Quốc Lộ số 4 và phía Bắc là biên giới Miên-Việt. Tuy rộng lớn Đồng Tháp Mười lại ít sông rạch nên thường ngập lụt hằng năm nhất là vào mùa nước nổi từ tháng 6 khi mực nước sông Cửu Long dâng cao.

Từ sau khi bị thất bại tại Cái Vồn, Ông Năm Lửa thâu góp lực lượng về đây tái lập cơ sở mới nhờ sự trợ giúp của Việt Cộng và của Pháp qua ngã biên giới, Ông đã chấn chỉnh lại lực lượng gồm 5 Trung Đoàn, và 5 Tiểu Đoàn phòng vệ có quân số vào khoảng 3,800 người. Váo khoảng cuối tháng 12/1955 sau một thời gian im lặng, lực lượng của Ông Trần Văn Soái đã có vài hoạt động quân sự trở lại nhưng còn yếu ớt.

Thêm vào đó hai đơn vị Cao Đài ly khai vẫn đang lẩn trốn, chừng một Tiểu Đoàn hoạt động tại vùng Giồng Đồng Tháp Mười và một Đại Đội khác hoạt động tại Tỉnh Châu Đốc.

Tình hình tại miền Tây lại càng thêm rối rắm khi các phần tử nằm vùng của Việt Cộng lợi dụng tình thế chống đối chính phủ của các lực lượng giáo phái, tái xuất hoạt động trong vùng Đồng Tháp và các Tỉnh miền Tây tuyên truyền gieo bất mãn trong các tầng lớp dân chúng nông thôn.

Hơn thế nữa, người Pháp vẫn còn xen lấn vào nội bộ VN, tiếp tục tiếp tế cho lực lượng của Ông Năm Lửa bằng đạn dược và vũ khí qua ngã biên giới Miên-Việt và chính phủ VN còn phát hiện cả máy bay Pháp thả dù tiếp liệu và võ khí cho quân của Tướng Trần Văn Soái.

Do đó, ngoài việc giải quyết các lực lương giáo phái ly khai, còn nhiều vấn đề khác không kém quan trọng cần phải được giải quyết cấp bách như kiểm soát biên giới, tiểu trừ Việt Cộng nằm vùng, tái lập nền hành chánh tại nông thôn...

Về phía dân chúng tại Hậu Giang chia thành nhiều thành phần: Thành phần thiên về Chính Phủ gồm các thị dân tập trung quanh các thị trấn và vùng phụ cận; các vùng nông thôn được chính quyền và quân đội kiểm soát bảo đảm an ninh cho đời sống của họ khỏi bị hăm dọa hay khủng bố của phe giáo phái ly khai hay của Việt Cộng.

Thành phần dân chúng ngã theo phe đối phương phần đông là các tín đồ giáo phái, dễ bị lôi cuốn vì sùng bái tín ngưởng vào Đạo; những người dân sống trong vùng xa xôi mà chính quyền và quân đội chưa kiểm soát chặt chẽ được và khối dân chúng bị áp lực đe dọa của các lực lượng giáo phái ly khai này.

Ngoài ra còn có thành phần thiên về phía VC, phần đông là những người bị tiêm nhiễm ảnh hưởng cộng sản từ thời kháng chiến chống Pháp ở các vùng U-Minh, Cà Mau, Đồng Tháp... và những người có con em tập kết ra Bắc.

Khối dân chúng này chiếm gần phân nửa Miền Tây, họ âm thầm giúp đỡ che chở, tiếp tế cho các lực lượng đối kháng với chính phủ.

Trong khi Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng với chiến thuật vũ bão đã làm tan rã lực lượng đối phương, lũng đoạn tinh thần hiếu chiến và phá nát những cơ sở hậu cần của họ nhưng đã làm mất thiện cảm của nhiều người e ngại chính quyền đang ra tay tận diệt các thành phần giáo phái đối lập.

Kể từ ngày 26/10/1955, sau khi Ông Ngô Đình Diệm trở thành vị Tổng thống đầu tiên của chế độ VNCH, và để sớm ổn định tình hình chính trị, ông Diệm đã mời ông Nguyễn Ngọc Thơ góp phần vào việc thanh toán các phần tử phiến loạn Hòa Hảo còn lại. Ông Nguyễn Ngọc Thơ đồng ý và đề nghị cử Tướng Dương Văn Minh làm chỉ huy trưởng chiến dịch, còn ông phụ trách việc thương lượng với các phe ly khai, vì ông đã từng quen biết hay đối đầu với họ khi làm tỉnh trưởng một số tỉnh trong vùng.

Thiếu tướng Dương Văn Minh, nguyên Tư Lệnh chiến dịch Hoàng Diệu tiểu trừ lực lượng Bình Xuyên tại chiến khu Rừng Sác được Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ định làm Tư Lệnh Chiến Dịch Nguyễn Huệ, và Đại tá Dương Văn Đức làm Tư Lệnh Phó sẽ khởi diễn vào ngày 1/1/1956 với ba nhiệm vụ:

1. Giải quyết lực lượng của Ông Ba Cụt, Ông Trần Văn Soái và các lực lượng ly khai tái lập an ninh cho đồng bằng sông Cửu Long.

2. Phong tỏa biên giới Việt-Miên từ Hà Tiên đến sông Vàm Cỏ không cho loạn quân rút lui chạy trốn sang xứ Kampuchea.

3. Cắt đứt liên lạc của loạn quân giữa hai Khu Chiến miền Tây và khu chiến Đồng Tháp Mười.

Ngoài những nhiệm vụ trên, chiến dịch Nguyễn Huệ còn có nhiệm vụ tiêu diệt những cơ sở nằm vùng của Việt Cộng trong vùng hành quân, tái lập hành chánh, khai thác vùng Đồng Tháp Mười, mở mang đường sá, cầu cống và xây cất đồn bót.

Bộ chỉ huy chiến dịch được thành lập ngày 29/12/1955 và đặt bản doanh tại Long Xuyên bao gồm các vùng lãnh thổ sau đây:

- Phân khu Mỹ Tho (Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre)
- Phân khu Vĩnh Long (Vĩnh Long, Trà-Vinh, Sa Đéc)
- Phân khu Cần Thơ (Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên)
- Phân Khu Sóc Trăng (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Rạch Giá)

Vì vùng hành quân quá rộng lớn nên được chia thành 2 khu chiến và một khu trái độn.

1. Khu Chiến Miền Tây: hữu ngạn sông Hậu từ Châu Đốc Rạch Giá xuống tới Cà Mau dưới quyền chỉ huy của Đại tá Dương Văn Đức. Sau chiến dịch Đinh Tiên Hoàng, Đại tá Đức vẫn tiếp tục bình định Miền Tây thanh toán chủ lực của ông Lê Quang Vinh cùng các lực lượng giáo phái ly khai đang khuấy rối đồn bót và chia thành 3 vùng hoạt động.

• Vùng Bắc: Trục Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc.
• Vùng Nam: Trục Long Xuyên Rạch Giá Cần Thơ.
• Vùng Cà Mau: chia ra 2 vùng Cà Mau Nam và Cà Mau Bắc do các lực lượng của Thiếu tá Trần Thanh Bền và Thiếu tá Lâm Quang Phòng đảm trách.

2. Khu Chiến Đồng Tháp: dưới quyền chỉ huy của Trung tá Nguyễn Văn Là, nhiệm vụ chính là thanh toán tàn quân của ông Trần Văn Soái và được chia làm 2 khu vực qua 2 giai đoạn hành quân: Vùng tạm an và vùng bất an.

3. Khu trái Độn Vĩnh Long: dưới quyền chỉ huy của Đại tá Nguyễn Văn Quan, với phương tiện địa phương của Phân Khu, hoạt động ngăn ngừa mọi đột nhập của đối phương để liên lạc với 2 khu chiến nói trên.

Thành phần QĐQGVN tham Chiến:

Để tham gia chiến dịch, Bộ TTM Quân Lực VNCH đã huy động một lực lượng Hải Lục Không quân hùng hậu như sau:

1. 3 sư đoàn khinh chiến (Sư Ðoàn 11, 14 và 15), một sư đoàn dã chiến (Sư Ðoàn 4, tiền thân của Sư 7 Bộ Binh sau này): SĐ4 Dã Chiến, SĐ11 Khinh Chiến hoạt động tại Khu Chiến Miền Tây. SĐ14 Khinh Chiến và SĐ15 Khinh Chiến điều động từ miền Trung và Phân Khu Duyên Hải tăng cường cho Khu Chiến Đồng Tháp. Ngoài ra còn có các Trung Đoàn Địa Phương, các đơn vị Cảnh Sát lưu động trong các vùng hành quân.

2. Hải Quân: 4 Hải Đoàn Xung Phong 21, 22, 23, 24, 2 tàu LSIL, 1 tàu LSSL, 3 LCU, riêng khu Đồng Tháp được cung cấp 3 hải đoàn, 1 LCU và 20 xuồng M2.

3. Không Quân: 1 Phân Đội của Phi Đội 2 Quan Sát (Sóc Trăng + Long Xuyên), 3 phi cơ oanh tạc Marcel Dassault (Sóc Trăng).

4. Thiết Giáp: 6 Chi Đoàn Thám Xa.

5. Pháo Binh: Các TĐ21, 22, 24, 3 và 4 Pháo Binh (TĐ3 và 4 phân chia cho Khu Chiến Đồng Tháp.)

6. Trừ Bị: TĐ5ND do Đại úy Ngô Xuân Soạn làm Tiểu Đoàn Trưởng ứng chiến tại Sa Đéc. (1/1/1956 – 31/5/1956)

7. Ngoài những đơn vị tác chiến kể trên, một số các đơn vị yểm trợ và chuyên môn cũng được đặt dưới quyền điều động của Tư Lệnh Chiến Dịch Nguyễn Huệ.

Kinh nghiệm trong chiến dịch Đinh Tiên Hoàng, Bộ Chỉ Huy chiến dịch Nguyễn Huệ đã tránh dùng chiến thuật vũ bão mà thiên về biện pháp Tâm Lý Chiến và Chính Trị hơn. Chiến dịch được chia ra làm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1 bố trí lực lượng chận các nẻo xâm nhập vào Đồng Tháp nhất là vùng biên giới Miên-Việt hầu cô lập đối phương về mặt tiếp tế, cũng như tiếp viện từ bên ngoài, đồng thời hành quân tảo thanh vùng Bắc Chiên và Cao Lãnh.

Giai đoạn 2 xoay mặt trận từ gò Bắc Chiên sang Hồng Ngự để đánh ép đối phương dồn về trung tâm khu bất an để dễ bề tiêu diệt hoặc phải bị bế tắc mà ra đầu hàng.

Giai đoạn 3: Sau khi thanh toán nhóm Trần Văn Soái sẽ xoay sang vùng tạm an phía Đông Bắc vùng Đồng Tháp để giải quyết lực lượng Cao Đài ly khai.

 

h2 Khu vực hành quân Chiến Dịch Nguyễn Huệ

THANH TOÁN LỰC LƯỢNG NĂM LỬA

Hành quân thanh toán lực lượng ông Trần Văn Soái từ 9/1 đến 17/2/1956:

Ngày 9/1/1956 BCH khu chiến Đồng Tháp và SĐ15 Khinh Chiến di chuyển đến gò Bắc Chiên. Lực lượng Quân đội VNCH chia làm nhiều cánh:

- Cánh A: gồm Trung đoàn 43, Trung đoàn 44 và 1 pháo đội di chuyển lên Gò Bắc Chiên do các Hải đoàn xung phong 21 và 23 đảm nhận. Cánh quân này từ ngày 12-1-1956, bắt đầu tiến quân từ Gò Bắc Chiên về phía Tây Bắc.

- Cánh B: gồm có Trung đoàn 39 và Tiểu đoàn 581 tại Cao Lãnh thành lập một hệ thống án ngữ hoạt động tảo thanh quanh Chi khu Cao Lãnh.

- Cánh C do lực lượng của Thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ và Trung đoàn 42 từ Sa Đéc di chuyển lên, án ngữ chặn đường rút lui của đối phương ở miền Tây.

- Trung đoàn 45, lực lượng trừ bị hoạt động xung quanh Gò Bắc Chiên.

Khởi đầu cuộc hành quân vào Đồng Tháp với các cánh quân tham chiến, Bộ Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Huệ đã áp dụng ngay đến kế hoạch dồn ép quân của lực lượng Trần Văn Soái, trong khi bí mật tìm cách móc nối để thương thuyết vận động Trần Văn Soái ra quy thuận. Cuộc hành quân tiến vào Đồng Tháp đã diễn tiến tốt đẹp, trên đường tiến quân chỉ xảy ra vài cuộc giao tranh và phía đối phương bị thiệt hại nặng.

Ngày 12/1/1956 khởi đầu, các đơn vị của Trung đoàn 43 và 44 tiến quân lên Bình Châu dọc theo sông Vàm Cỏ Tây. Trung đoàn 39 án ngữ dọc theo kinh Đồng Tháp. Sau đó Trung đoàn 44 từ Bình Châu tiến lên rạch Long Khót. Khi toán tiền phong của Trung đoàn 44 chiếm Long Khót, Trung đoàn 43 theo chân đơn vị bạn lên chiếm xóm Keo Gia. Lực lượng của ông Trần Văn Soái rút lui về Vĩnh Trị. Tiếp theo, Trung đoàn 44 từ Long Khót tiến quân chiếm Hưng Điền. Trung đoàn 43 từ xóm Keo Gia cũng tiến lên chiếm Lò Gạch.

Khi nhận được tin lực lượng Trần Văn Soái di chuyển bản doanh về tại Vĩnh Thạnh, Sư đoàn 15 thay chiều nỗ lực tấn công về hướng Tây Nam. Cánh quân thứ nhất do Trung đoàn 44 làm nỗ lực chính với sự yểm trợ của pháo binh, dàn quân tại Bình Châu tấn chiếm Vĩnh Trị và Vĩnh Thạnh. Cánh quân thứ hai do Trung đoàn 43 khai triển, có pháo binh yểm trợ, tiến quân chiếm Vĩnh Lợi.

Ngày 16/1/1956, trên đường tiến quân, Trung đoàn 44 chạm súng kịch chiến với đối phương lần đầu tiên sau 5 ngày hành quân.

Trung đoàn 39 tiếp tục tảo thanh tại khu Cao Lãnh và đã chạm súng với đối phương vài lần, thu đạt vài kết quả. Để phản ứng lại cuộc tiến quân của Trung đoàn 39, lực lượng Trần Văn Soái đã pháo kích vào chi khu Cao Lãnh khiến 1 thường dân tử thương.

Về cuộc tiến quân của Trung đoàn 43 và Trung đoàn 44, sau cuộc chiếm đóng Vĩnh Trị, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, 2 trung đoàn này mở rộng hoạt động quanh các vị trí vừa chiếm và thường có những cuộc chạm súng lẻ tẻ. Hai tiểu đoàn của Trung đoàn 45 đã được điều động tăng cường cho 2 trung đoàn 43 và 44 tại vùng trách nhiệm của cuộc hành quân.

Hải Đoàn Xung Phong tiếp tục nhiệm vụ tuần tiểu dọc theo song Vàm Cỏ Tây từ Gò Bắc Chiên đến Bình Châu.

Sư đoàn 14 và 15 tấn công các khu chiến của đối phương:

Ngày 19/1/1956 mười ngày sau khi hành quân vào Đồng Tháp, theo chiến thuật “vừa đánh vừa đàm” đã dự trù, khi dồn quân Tướng Soái vào ngõ cụt, một đại diện của chính phủ VNCH đã bí mật liên lạc được với đại diện của ông Soái. Đó là ông Phan Hà, Đại tá Đổng lý văn phòng của ông Soái. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại đồn Cây Tre làng Tân Phú (Đồng Tháp). Hai bên đồng ý cử đại diên chính thức để thương lượng. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên này, cả hai bên đều đi đến sự đồng thuận là để một đại diện chính thức của chính phủ gặp ông Soái để trao đổi ý kiến và quyết định những điều kiện thỏa thuận.

Ngày 23/1/1956 Trung đoàn 39 hoạt động quanh vùng Cao Lãnh bắt sống được Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Lý Thường Kiệt tên là Phùng.

Ngày 24/1/1956 Sư đoàn 15 khinh chiến mở một cuộc tảo thanh ngược lại về phía Tây Nam Gò Bắc Chiên để chiếm địa điểm “Gậy Cờ Đen” (khu dinh điền Phước Xuyên). Trung đoàn 43 được tăng cường di chuyển về Gò Bắc Chiên chia quân làm 3 cánh: Cánh 1 tiến theo rạch Bắc Chiên tiến quân lên dinh điền Phước Xuyên. Cánh thứ hai có Hải Quân yểm trợ tiến theo kinh Lagrange cũng tiến lên Phước Xuyên. Cánh thứ 3 bố trí tại kênh Bắc Chiên để sẵn sàng trợ lực. Cuộc hành quân này vô sự. Trung đoàn 43 tiếp tục tảo thanh ấp Tháp Mười.

Trong ngày này phái đoàn chính phủ không gặp ông Soái nhưng đã gặp bà Lê Thị Gấm, vợ của ông để bàn luận thêm, phái đoàn có nhờ bà Bà Gấm thuyết phục để ông Soái sớm đưa lực lượng trở về quy thuận Chính Phủ.

Từ ngày này về sau, không ngày nào là không có giao tranh xảy ra:

Ngày 25/1/1956 Tiểu đoàn 581 phục kích đụng độ tại Phong Mỹ, ngày 26/1, Trung đoàn 43 đụng ở ấp Tháp Mười. Ngày 28/1/1956 Tiểu đoàn 581 đi phục kích đêm lại chạm súng.

Ngày 29/1/1956 Trung đoàn 44 đã chạm súng dữ dội với đối phương tại Vĩnh Thạnh khiến quân Hòa Hảo bị tử thương 80 người tại trận địa.

Thời kỳ thứ nhất nhằm bố trí bao vây mặt Đông Bắc và Đông Nam khu bất an vừa hoàn tất, Bộ Tư Lệnh hành quân QĐQGVN chuyển sang thời kỳ thứ hai bằng cách điều động thêm Sư đoàn 14 khinh chiến vào tham chiến. Cánh quân này được gọi là cánh quân D.

Giai đoạn 2 Chiến dịch Nguyễn Huệ (5/2 – 17/2/1956)

Cuộc hành quân giai đoạn 2 khai diễn vào 6 giờ sáng ngày 5/2/1956, Sư đoàn 14 từ khởi điểm Bình Thạnh ở phía Bắc Hồng Ngự tiến quân theo trục rạch Sở Hạ - Cái Cái án ngữ dọc theo biên giới Việt-Miên. Hải đoàn 21 tiến theo sông để giữ an ninh sườn phía Bắc. Lực lượng Sư đoàn 14 đã chạm trán mạnh mẽ với đối phương. Trên đường tiến quân, đối phương gài rất nhiều mìn và có 1 sân mìn dài 1km.

Binh sĩ Sư đoàn 14 chạm mìn bị thương rất nhiều. Đối phương thiết lập một vị trí phòng thủ rất kiên cố tại ngã ba Sở Hạ-Cái Cái khiến các đơn vị QĐQGVN không thể vượt sông được và phải dùng pháo binh và trọng pháo hỏa tập dữ dội.

Ngày 7/2/1956 Bộ chỉ huy khu chiến Đồng Tháp đã phải điều động lực lượng trừ bị là Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù trợ chiến. Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù dùng xuồng M2 vượt sông Cái Cái dàn quân tấn công bất ngờ, đánh thủng vị trí đối phương khiến họ phải hoảng sợ rút lui sâu vào trung tâm Đồng Tháp.

Sư đoàn 14 lại tiếp tục tiến quân truy kích. Tại rạch Cái Cái, đối phương làm nhiều rào cản, Quân Đội Quốc Gia phải cho phá bỏ để cho Hải Đoàn 21 tiến vào yểm trợ. Tại trận giao tranh quyết liệt rạch Sở Hạ-Cái Cái, phía Sư đoàn 14 bị thương 56 chiến binh phần nhiều do mìn, 13 người chết trong đó có 1 Thiếu úy. Đối phương bị chết khoảng 50 người.

Đây là cuộc đụng độ lớn nhất đối với lực lượng tàn quân của ông Năm Lửa và là một trận có hầu hết các đơn vị nòng cốt của họ tham dự. Sau khi thua trận này, tinh thần binh sĩ của ông Trần Văn Soái trở nên rời rạc, sa sút. Quân của Ông bị bao vây trong vùng Đồng Tháp đã bị thất thế ở giữa một vùng sình lầy và nước đọng.

Ngày 11/2/1956, sau nhiều lần liên lạc và thảo luận, Ông Trần Văn Soái đã chấp nhận thương thuyết với Đại Diện của chính phủ là Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ. Ông Trần Văn Soái đưa ra một số đề nghị và những điều kiện này đã được chính phủ chấp thuận.

Qua ngày 17/2/1956 ông Trần Văn Soái đã thỏa thuận với đại diện chính quyền mang toàn lực lượng còn lại ra quy thuận. Các đoàn quân quy thuận lần lượt đưa về tập trung tại trại chiêu an của chiến dịch Nguyễn Huệ đặt tại Cái Vồn.

Ngày 2/3/1956 trên các hệ thống đài phát thanh quốc gia Ông Trần Văn Soái tuyên bố ủng hộ lập trường của Thủ tướng Ngô Đình Diệm và kêu gọi Tín đồ PGHH chung lưng bài phong đả cộng. Sự quy thuận của Ông Soái đã làm cho tình hình tại Miền Tây lắng dịu.

Ngày 7/3/1956 một buổi lễ tiếp nhận quy hàng được tổ chức tại Cái Vồn và chấm dứt cuộc đời hoạt động chính trị và quân sự của Ông và cũng đánh dấu Kết thúc Chiến Dịch Nguyễn Huệ giai đoạn 2.

* Kết quả hành quân giai đoạn 1 từ 9/1 đến 3-2/1956:

1. Tổn thất đối phương:

• 142 chết trong đó có 4 sĩ quan
• Quy thuận: 15 người
• Vũ khí bị tịch thu: 52 súng đủ loại, trong đó có 1 súng cối 81ly và 3 súng cối 60ly.

2. Tổn thất của lực lượng VNCH:

• Tử trận: 8
• Bị thương: 17
• Mất tích: 7
• Vũ khí mất: 11 súng cá nhân.

* Kết quả hành quân giai đoạn 2: 5/2 đến 17/2 /56:

1. Tổn thất của đối phương:

• Chết: 126
• Quy thuận: 3,735
• Vũ khí bị tịch thu: 2,071 súng trường, 34 các-bin, 85 trung liên, 85 súng cối, 330 tiểu liên, 21 đại liên, 41 súng lục.

2. Tổn thất của lực lượng VNCH:

• Tử trận: 23
• Bị thương: 98
• Vũ khí bị mất: không có.

THANH TOÁN LỰC LƯỢNG CAO ĐÀI LY KHAI

Sau khi kết thúc cuộc hành quân truy kích lực lượng của ông Trần Văn Soái tại Đồng Tháp, ngày 11-3-1956, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Nguyễn Huệ đã mở cuộc hành quân Thăng Long về phía Đông Bắc Đồng Tháp nhằm mục đích tảo thanh các binh đội của lực lượng giáo phái Cao Đài ly khai tại vùng bất an ninh. Lực lượng xung kích của cuộc hành quân này là các đơn vị thuộc Sư đoàn 15 Khinh chiến.

Đạo Cao Đài:

Nhờ trung gian của Cố vấn quân sự Mỹ là Edward Lansdale, lực lượng Cao Đài dưới quyền hai Tướng Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế ủng hộ chính phủ Ngô Đình Diệm từ đầu năm 1955. Tuy nhiên, ông Ngô Đình Diệm vẫn còn nghi ngờ ông Phạm Công Tắc (1893-1959) là có tham vọng làm Quốc Trưởng. Cái chết của Tướng Thế vào ngày 3 tháng 5 năm 1955, khi đang chỉ huy tiến quân qua cầu Tân Thuận để truy kích quân Bình Xuyên, khiến các phe nhóm Cao Đài thêm phân hóa thành nhiều phe phái đưa đến việc Hộ Pháp Phạm Công Tắc ngả dần về phe đối lập, chống việc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại.

Đạo Cao Đài là một tôn giáo mới, vừa độc thần, vừa đa thần được thành lập ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Đạo Cao Đài ra đời là sự kế thừa, tổng hợp của các tôn giáo đang chi phối mạnh mẽ đời sống người dân tại miền Nam Việt Nam. Biểu tượng thiêng liêng của đạo Cao Đài là hình Một Mắt, tượng trưng cho sự thấu suốt mọi lẽ huyền vi của vũ trụ và thế giới tâm linh. Tên gọi Cao Đài chỉ một nơi cao nhất ở đó Thượng đế ngự trị; cũng là danh xưng rút gọn của Thượng Đế trong đạo Cao Đài, vốn có danh xưng đầy đủ là “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Cao Đài là một tôn giáo có tính dung hợp các tôn giáo lớn ở VN như là Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo. Các giáo điều của Đạo Cao Đài khuyên các tín đồ không sát sinh, sống lương thiện, hòa đồng, làm lành lánh dữ, giúp đỡ xung quanh, cầu nguyện, thờ cúng tổ tiên, và thực hành tình yêu thương vạn loại qua việc ăn chay với mục tiêu tối thiểu là đem sự hạnh phúc đến cho mọi người, và mục tiêu tối thượng là đưa vạn loại thoát khỏi vòng luân hồi.

Có thể nói, Cơ bút là nền tảng căn bản cũng như mọi yếu tố liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của đạo Cao Đài từ khởi thủy đến hiện tại, từ việc thu nhận tín đồ, phong chức sắc, ban hành luật đạo, các nghi thức cúng tế, phẩm phục, kinh điển, thậm chí đến các thiết kế cơ sở thờ tự cũng được thông qua bởi hình thức Cơ bút.

Tín đồ đầu tiên của đạo là ông Ngô Văn Chiêu, một viên chức trong chính quyền thuộc địa Pháp, vốn chịu ảnh hưởng của Minh Sư đạo, một nhánh của Lão giáo, thường sử dụng hình thức cơ bút để giao tiếp với giới thần tiên. Trong những năm 1921 đến 1924, ông đã thông qua các cơ bút để hình thành những nền tảng đầu tiên của đạo Cao Đài và truyền bá cho nhóm bạn hữu công chức tại Sài Gòn, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi một nhóm tu tập tịnh luyện, chứ chưa phát triển thành một Tôn giáo.

Cùng giai đoạn này, một nhóm công chức gốc Tây Ninh khác ở Sài Gòn, chịu ảnh hưởng của phong trào Thông linh học gồm Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang và Phạm Công Tắc, thường xuyên tổ chức cầu cơ ở đường Arras vào khoảng tháng 7 năm 1925. Nhóm cũng độc lập xây dựng nền tảng giáo lý riêng và cũng phát triển thêm nhiều người, quan trọng nhất là việc thu nhận thêm ông Lê Văn Trung, cựu Nghị viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, người giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển đạo Cao Đài.

Ngày 21 tháng 2 năm 1926, một bài thơ được lưu truyền cho là cơ giáng của Thượng Đế, trong đó có tên của 13 người, về sau được tín đồ Cao Đài xưng tụng là những tín đồ đầu tiên của đạo, với tên ông Ngô Văn Chiêu được tôn xưng Anh Cả (Giáo Tông) và ông Phạm Công Tắc được chỉ định làm Hộ giá Tiên đồng Tá cơ Đạo sĩ (thường gọi là Hộ Pháp). Kể từ đó, những nền tảng giáo lý của Cao Đài được bổ túc và hoàn thiện dần. Số lượng tín đồ nhanh chóng phát triển lên hàng chục ngàn người. Một đàn cơ quy mô được thành lập ở Cầu Kho, về sau hình thành nên Thánh thất Cầu Kho, được xem là thánh thất đầu tiên của đạo Cao Đài.

Để có tư cách chính thức với chính quyền thuộc địa, ngày 7 tháng 10 năm 1926, các tín đồ gởi đến Thống đốc Nam Kỳ Le Fol một bản tuyên cáo khai đạo bằng tiếng Pháp với chữ ký của 28 tín đồ có địa vị cao nhất trong xã hội, kèm theo tờ khai tịch đạo của 247 tín đồ. Sau đó, các tín đồ tổ chức 3 nhóm truyền đạo khắp Nam Kỳ. Và ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (tức ngày 19 tháng 11 năm 1926), các tín đồ Cao Đài đã tổ chức lễ ra mắt rất long trọng tại chùa Gò Kén, còn gọi là Từ Lâm Tự, Tây Ninh với sự hiện diện của quan chức chính quyền của cả người Pháp lẫn người Việt.

Về sau, Sự phân chia các hệ phái không làm giảm tốc độ phát triển tín đồ. Cao Đài nhanh chóng trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở Nam Kỳ, ra cả Trung Kỳ, Bắc Kỳ và cả Kampuchea, Lào. Các lãnh đạo Cao Đài đều là những người có học thức, có địa vị xã hội và rất có ảnh hưởng đến dân chúng. Vì vậy, Cao Đài luôn là đối tượng hoặc lôi kéo, hoặc đả kích của các thế lực nắm chính quyền. Một tôn giáo có tổ chức như hình thái nhà nước có nhiều khả năng lôi kéo quần chúng sẽ đe dọa đến sự cai trị của chính quyền thực dân Pháp và họ đã tìm cách khống chế. Do đó, dưới áp lực của Pháp, các chỉ dụ cấm đạo ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Kampuchea và Lào đã được ban hành.

Ông Phạm Công Tắc

Hộ pháp Phạm Công Tắc (1890-1959), tự là Ái Dân, hiệu Tây Sơn Đạo, là một trong những lãnh đạo quan trọng nhất trong việc hình thành, xây dựng, phát triển và kiện toàn hệ thống tôn giáo của đạo Cao Đài.

Ông sinh ngày 21 tháng 6 năm 1890 (tức mùng 5 tháng 5 năm Canh Dần) tại làng Bình Lập, quận Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Ông là người con thứ 7 trong gia đình Thiên Chúa Giáo có 8 người con.

Thân phụ của ông là ông Phạm Công Thiện, là một công chức chính quyền thuộc địa, quê quán ở làng An Hòa, quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Thân mẫu ông là bà La Thị Đường, cũng là người làng An Hòa.

Năm 1896, ông bắt đầu đi học tiểu học tại Tân An, nơi thân phụ ông làm việc, nhưng sau đó thân phụ ông nghỉ việc, đưa cả gia đình về nguyên quán. Ông được rửa tội tại nhà thờ Tây Ninh vào năm 1900. Hai năm sau, thân phụ ông qua đời. Dù gia cảnh rất khó khăn, năm 1906, ông vẫn tiếp tục theo học ở trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn. Năm 1907, ông đậu bằng Thành chung.

Đầu thập niên 1920, phong trào Thông linh học (Spiritisme) bắt đầu phổ biến tại Nam Kỳ, ông cùng với các bạn hữu công chức gốc Tây Ninh là Cao Quỳnh Cư và Cao Hoài Sang tham gia vào việc thử nghiệm lập bàn cầu cơ tiếp xúc với Thượng đế vào khoảng tháng 7/1925. Về sau, nhóm phát triển thêm nhiều người và giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển đạo Cao Đài.

Năm 1941, phong trào chống thực dân Pháp trong nước Việt Nam nổi lên khắp nơi. Người Pháp đàn áp thẳng tay bằng cách giam giữ tất cả những ai bị tình nghi là chống lại họ. Lúc bấy giờ Cao Đài là một tôn giáo có thực lực, có tổ chức chặt chẽ và phát triển rất nhanh, nên người Pháp rất lấy làm nghi ngại Đạo Cao Đài có thể bị cuốn hút vào vòng ảnh hưởng của người Nhật, bấy giờ đã xâm nhập vào Đông Dương và đang ra sức lôi kéo các tôn giáo, giới chính trị... người Việt ủng hộ Chính sách Đại Đông Á của họ.

Sau nhiều lần đe dọa, ngày 28 tháng 6 năm 1941 Pháp vào tận Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh bắt giữ Hộ pháp Phạm Công Tắc và 5 chức sắc khác đày sang đảo Madagascar. Tòa Thánh Tây Ninh bị chiếm đóng. Nhiều thánh thất Cao Đài tại các nơi khác cũng bị quản chế hay phá hủy.

 

 Quân đội Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh

 

Trong khi đó, Cả người Nhật lẫn Việt Minh đều tranh thủ ra sức lôi kéo các nhóm Cao Đài. Do sự vận động của các cán bộ Việt Minh, một nhóm các chức sắc Cao Đài, đã bí mật thành lập Hội Cao Đài Cứu Quốc hoạt động ở các vùng xa xôi ở Miền Tây, có xu hướng chống cả Pháp lẫn Nhật.

Người Nhật thì can thiệp mở lại Tòa Thánh Tây Ninh tại Sài Gòn, đổi lại việc Phối sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh), người tạm thời thay mặt Ngài Hộ pháp Phạm Công Tắc lãnh đạo các tín đồ Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, tập hợp các tín đồ hợp tác với quân đội Nhật để chống Pháp. Khá đông tín đồ Cao Đài được tuyển làm nhân công của xưởng đóng tàu Nichinan của quân đội Nhật tại Sài Gòn, gần cầu Rạch Ông. Một lực lượng bán vũ trang Cao Đài được ra đời với tên gọi Nội Ứng nghĩa binh. Các Thanh niên Cao Đài, ban ngày thì làm công nhân đóng tàu, ban đêm thì luyện tập quân sự và đoàn ngũ hóa thành Đoàn Nội Ứng Nghĩa Binh, chuẩn bị cho cuộc tranh đấu giành lại độc lập và tự chủ cho Việt Nam khỏi tay người Pháp, được Hoàng thân Cường Để là một lãnh tụ trong Phong Trào Đông Du ủng hộ để liên minh với Nhật Bản.

Khi Pháp tái chiếm VN, các nhóm lực lượng vũ trang Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh tham chiến ở mặt Đông và Bắc Sài Gòn chống Pháp. Lực lượng võ trang Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh được tổ chức thành 2 chi đội do Nguyễn Thanh Bạch và Nguyễn Hoài Thanh chỉ huy.

Tuy nhiên, trước sức mạnh của quân Pháp, nhiều đơn vị vũ trang tan rã, hoặc trở thành những lực lượng quân phiệt cát cứ, không chịu sự chỉ huy thống nhất. Một số chức sắc cao cấp và chỉ huy quân sự Cao Đài đã đưa lực lượng của mình tự rút về Tây Ninh và tự xây dựng các căn cứ để bảo vệ Tòa Thánh.

 

Tòa Thánh Tây Ninh

 

Về sau, để tranh thủ thêm đồng minh trong cuộc chiến chống Việt Minh cộng sản, chính quyền Pháp cho phép Ngài Hộ pháp Phạm Công Tắc trở về Tòa Thánh Tây Ninh, đổi lại các tín đồ Cao Đài sẽ không tấn công người Pháp và được quân Pháp bảo trợ. Chính quyền Pháp còn cho phép lãnh thổ do Tòa Thánh Tây Ninh kiểm soát có quyền tự trị. Lực lượng vũ trang Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh được chính quyền Pháp bảo trợ và trang bị vũ khí, do Trung tướng Trần Quang Vinh làm Tổng tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành làm Tham mưu trưởng, có vai trò như một lực lượng bổ sung (Forces supplétives), hỗ trợ quân Pháp trong các chiến dịch tấn công Việt Minh.r>
Sau năm 1954, tại miền Nam, Tòa Thánh Tây Ninh dưới sự hậu thuẫn của người Pháp đã phát triển mạnh mẽ, có quân đội riêng, có ảnh hưởng chính trị mạnh, đã trở thành cái gai lớn của chính quyền Quốc Gia Việt Nam dưới thời Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Chiến thắng khá dễ dàng Bình Xuyên và Hòa Hảo khiến Thủ tướng Ngô Đình Diệm quyết định xuống tay với đối thủ sau cùng là ông Phạm Công Tắc. Trong hai tháng 8 và 9/1955, các viên chức chính phủ bắt đầu nêu lên vấn đề Đạo Cao Đài. Ngày 11/8/1955, Đại biểu chính phủ Trần Văn Lắm mật báo Cao Đài sắp gây hấn với Quân Đội Quốc Gia; ông Phạm Công Tắc cho lệnh rút quân từ Vĩnh Long và Long Xuyên về Tây Ninh và sau đó nhiều báo cáo dồn dập về các hoạt động của lực lượng Cao Đài do Giám Đốc ANQĐ là Mai Hữu Xuân báo cáo.

Ngày 20/9/1955, có tin Phạm Công Tắc họp mật với một số chính khách tại Tây Ninh.

Ngày 5/10/1955, Trung tướng Nguyễn Thành Phương mang quân tấn chiếm Tòa Thánh Tây Ninh, bắt giữ 300 người, kể cả vợ con Ông Phạm Công Tắc.

Giữa tháng 11/1955, ông Phạm Công Tắc bí mật cho thành lập lực lượng Cao Đài Tự Do [CĐTD] trong Đồng Tháp Mười. Đại tá Nguyễn Văn Kiết chỉ huy cơ Thánh vệ (Nguyễn Văn Kiết là con rể Hộ Pháp Phạm Công Tắc, mới được Tướng Phương phóng thích cùng hai con gái của ông là Phạm Thị Tranh và Phạm Thị Hồ Cầm, ngày 28/10/1955, đã trốn khỏi Tây Ninh) làm chỉ huy Trưởng và Phụ tá là Trung tá Trần Ngọc Thoại.

Ngày 21/11/1955, sau cuộc chạm súng giữa CĐTD và quân của Tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương, khiến CĐTD chết 3, bị thương 6, và phe Nguyễn Thành Phương chết 14, 1 trọng thương. Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Vàng thông báo sẽ đưa Thiết Giáp tới bảo vệ Tòa Thánh Tây Ninh.

Ngày Chủ Nhật 1/2/1956 Tổng thống Ngô Đình Diêm chỉ định Đại tá Nguyễn Hữu Có chỉ huy cuộc hành quân bình định vùng Tây Ninh tấn chiếm Tòa thánh Tây Ninh và núi Bà Đen với sự tham dự của các đơn vị Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến.

Hoàng Minh, Trưởng đoàn Trung Kiên Đại Đạo, gửi thư ngỏ tố cáo Văn Thành Cao mượn binh lực người ngoài về chiếm đóng Thánh địa, đem xe tăng thiết giáp vô cửa chính nội ô, chạy rầm trời khắp chỗ... Ví Cao như Gia Long, Lê Chiêu Thống.

Đúng 3 giờ sáng ngày mùng 5-Giêng-Bính Thân (dl 16-2-1956), nhận thấy không có cách nào khác hơn được nữa, nên ông Phạm Công Tắc quyết định rời Tây Ninh chạy qua Kampuchea lưu vong theo ngã Gò Dầu. Hoàng Thân Sihanouk cho Phạm Công Tắc tỵ nạn tại Thánh Thất Kim Biên, Nam Vang cùng đoàn tùy tùng Hồ Tấn Khoa, Lê Văn Tất, v.v. Một số binh sĩ Cao Đài bỏ trốn theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Mừng tụ họp trong Đồng Tháp Mười.

Hành Quân Thăng Long

A. Tấn công lực lượng Cao Đài ly khai (11/3/1956 – 24/3/1956)

Sau khi kết thúc cuộc hành quân truy kích lực lượng của ông Trần Văn Soái tại Đồng Tháp, ngày 11-3-1956, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Nguyễn Huệ đã mở cuộc hành quân Thăng Long về phía Đông Bắc Đồng Tháp. Cuộc hành quân này có mục đích tảo thanh các binh đội của lực lượng giáo phái Cao Đài ly khai tại vùng bất an ninh. Lực lượng xung kích của cuộc hành quân này là các đơn vị thuộc Sư đoàn 15 Khinh chiến.

Trong lộ trình tiến quân, các đơn vị của Sư đoàn Khinh chiến 15 đã có vài cuộc giao tranh kịch chiến với đối phương quanh vùng Trà Cú Thượng.

Ngày 15 tháng 3/1956, lực lượng hành quân bắt được một Trung tá của lực lượng Cao Đài ly khai tên là Huỳnh Văn Liễu.

Từ ngày 19 tháng 3/1956 đến ngày 24/3/1956, các cuộc hành quân của Sư đoàn 15 Khinh chiến tại các vùng tạm an ninh được chuyển thành các hoạt động tảo thanh địa phương, và các hoạt động hành chánh nhằm kêu gọi dân chúng hồi cư.

Ngày 24/3/1956, một số quân sĩ của lực lượng Cao Đài ly khai đã ra quy thuận gồm 56 người mang theo 47 vũ khí đủ loại. Sau vụ quy thuận này, cuộc hành quân Thăng Long chấm dứt với kết quả như sau.

1. Tổn thất đối phương:

- Chết: 63
- Tù binh: 60
- Quy thuận: 56
- Vũ khí bị tịch thu: 33 súng đủ loại.

2. Tổn thất của Lực lượng Quân đội VNCH:

- Tử trận: 11
- Bị thương: 20
- Mất tích: 2
- Vũ khí mất: 22 súng, trong đó có 1 súng cối.

Sau ngày 24/3/1956, chiến trường Đồng Tháp vẫn chưa yên hẳn và luôn sôi động với các hoạt động của Việt Cộng nằm vùng liên kết với các phần tử ly khai còn lại. Tại đây, các nhóm quân này đã sử dụng miền biên giới bao la và bỏ ngõ làm nơi trú ẩn và hoạt động quấy rối.

Các đơn vị Quân đội VNCH đã phải liên tục mở các cuộc hành quân tảo thanh nhưng không sao tiểu trừ hết được. Ngoài các nỗ lực quân sự, Chính quyền Quốc gia còn thiết lập các Tỉnh Quận, tổ chức lại hệ thống hành chánh cai trị, mở mang hệ thống đường sá giao thông để phát triển kinh tế, nông nghiệp, v.v.

Các Tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong và con đường chiến lược Cai Lây-Mộc Hóa được thiết lập và khai triển trong thời gian này.

B. Chiến dịch thanh toán lực lượng Ba Cụt từ 5/1 đến 31/5/1956

Sau khi bị hai Tiểu Đoàn 3 và 6 Nhảy Dù đánh tan tác vào trung tuần tháng 12/1955 trong Chiến Dịch Đinh Tiên Hoàng 2, Lực lượng của Ba Cụt còn lại trốn thoát về vùng U Minh Thượng.

Đơn vị Trung Đoàn 33 và các đơn vị địa phương do Trung tá Lâm Quang Phòng chỉ huy được giao trách nhiêm lập một tuyến vòng đai bên ngoài khu vực U Minh Thượng để ngăn chận các tàn quân của lực lượng này trốn thoát về Giồng Riềng.

Tuy nhiên, vì cuộc hành quân được tổ chức gấp rút, không nghiên cứu kỹ càng, thiếu phương tiện vận chuyển, nên quân Ba Cụt chạy thoát gần hết.

Ngày 8/1/1956 quân Ba Cụt đột nhập xóm Thầy Quân ở Cà Mau, bắt Thiếu úy Bùi Quang Thừa và một số viên chức hành chánh đem ra mổ bụng. Ngày 10/1/1956, Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 36 do Đại úy Trần Hữu Hạnh chỉ huy mở cuộc hành quân truy lùng địch bị lọt vào ổ phục kích và thiệt hại rất nặng: 40 tử thương trong đó có 3 sĩ quan, 44 bị thương (2 sĩ quan), 85 vũ khí bị mất trong đó có 2 cối 81ly, 2 cối 60ly và 1 đai liên 30.

Ngày 13/1/1956, được tin quân Ba Cụt đang thu thuế lúa của dân tại Rạch Cần Thảo (thuộc xã Thạnh Mỹ Tây). Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 4 đã cho mở cuộc hành quân bao vây khu vực Rạch Cần Thảo. Trung Đoàn 12 đã chia quân làm 5 cánh tiến dọc theo các con kinh dẫn tới Rạch Cần Thảo. Đây là cuộc hành quân đêm từ điểm xuất phát đến mục tiêu khoảng 15km. Để giữ bí mật, các cánh quân đã được di chuyển bằng xe đến điểm xuất phát từ mờ tối ngày 13/1/1956.

Lúc mờ sáng ngày 14/1, Tiểu Đoàn 2/12 của Đại úy Bùi Đức Diễm đã đến mục tiêu (Các cánh quân khác chưa đến kịp). Vào lúc này, lúa vừa gặt xong các cánh đồng trống trải khô ráo. Các đống lúa và đống rạ còn xếp ngổn ngang bên các bờ ruộng.

Tại Rạch Cần Thảo, một đơn vị của ông Ba Cụt còn đang ngon giấc rải rác trên các đống lúa hay đống rạ, cho đến khi đơn vị dẫn đầu đi qua cũng không hay biết. Khi tờ mờ sáng, đơn vị này bị phát hiện và phát súng đầu tiên của họ đã làm cho một vị sĩ quan của Tiểu Đoàn 2/12 bị tử thương.

Trận chiến “xáp lá cà” diễn ra ác liệt sau đó. Cả hai đơn vị đi trước và đi sau đánh dồn lại ép các chiến binh của Ba Cụt vào giữa. Đơn vị của Ba Cụt chịu không nổi, bỏ chạy tán loạn vào giữa cánh đồng mênh mông, các chiến binh này chỉ làm mồi cho các khẩu đại liên, trung liên và các khẩu Carbin.

Và kết quả Tiểu Đoàn 2/12 đã tiêu diệt toàn bộ đại đội bảo vệ việc thu lúa. Phe địch bỏ lại trận địa 30 xác, 17 vũ khí có một bích kích pháo LG-50. Phía chính phủ có 4 tử thương (1 Trung úy) và 10 bị thương.

Trung tuần tháng Giêng, tại vùng phía Bắc của Tỉnh Châu Đốc giáp ranh biên giới Miên-Việt, quân của Ba Cụt liên tục quấy rối các đồn bót tạo áp lực năng nề cho các binh sĩ biên phòng.

Bắt đầu ngày 21/1/1956, SĐ4 được lệnh mở cuộc hành quân giải tỏa áp lực của đối phương. Cuộc tiến quân được chia thành hai cánh quân: mỗi cánh một Trung Đoàn, liên tục tảo thanh dọc theo các con kinh xáng Châu Đốc, kinh Bassac từ đồng Cô Vi đến kinh xáng Tân Châu.

Cuộc hành quân chỉ có một trận đụng độ lẻ tẻ không đáng kể vì không đủ quân số cũng như phương tiện vây kín đường rút lui về bên kia biên giới của đối phương.

Sang đầu tháng 2, từ ngày 1 đến ngày 8/2/1956. Sư Đoàn 11 Khinh Chiến được lệnh mở cuộc Hành Quân Giồng Riềng lần thứ ba để tiêu diệt hai Trung Đoàn thiện chiến của ông Ba Cụt là Trung Đoàn Lê Quang và Trung Đoàn Nguyễn Huệ. Cuộc hành quân được tổ chức có vẻ gấp rút, thiếu chuẩn bị các phương tiện chuyển vận nên các cuộc tấn công bị trì hoãn khiến quân của Ba Cụt nhờ thế đủ thì giờ tẩu thoát.

Trung Đoàn Lê Quang từ Khu vực U Minh Thượng rút về đây đóng chung với Trung Đoàn Nguyễn Huệ trong khu tứ giác Giồng Riềng, Ngọc Hà, Hòa Lợi và Chùa Thọ.

Trung Đoàn Lê Quang đóng dọc theo Kinh Thầy Cai và Kinh Tư Thăng. Bộ Chỉ Huy khu chiến Miền Tây đã giao phó hoàn toàn cho cho SĐ11 Khinh Chiến tổ chức hành quân nên việc chuẩn bị và bảo mật so với các cuộc hành quân trước đó có nhiều sơ hở.

Tư lệnh SĐ11KC là Trung tá Lê Quang Trọng ra lệnh hành quân trong một bản văn vắn tắt. Theo quan niệm hành quân phía chính phủ sẽ cho một thành phần tấn công quấy rối ồ ạt để đánh lạc hướng của đối phương. Trong khi đó thành phần chủ lực sẽ di chuyển tới mục tiêu bằng ngõ khác. Để bảo mật, mọi việc di chuyển đều thực hiện trong đêm, ban ngày nghỉ ngơi che dấu.

 

Bản đồ vùng hành quân Châu Phú Bắc

 

Cánh quân Chủ lực chia làm ba mũi tấn công:

- Mũi thứ nhất: Một Liên Đoàn do Thiếu tá Cảnh chỉ huy gồm các Tiểu Đoàn 1, 19 và Tiểu Đoàn Chà (là một đơn vị gồm toàn những hồi chánh viên. Họ ăn mặc như địch để dễ dàng hoạt động trong vùng địch) Mũi tiến quân này từ Cái Trầu di chuyển bằng xuồng đến ấp Hòa Đông.

- Mũi thứ nhì: Một Liên Đoàn do Thiếu tá Lương chỉ huy gồm các Tiểu Đoàn 3, 5 và 13. Mũi tiến quân này từ Kinh Cái Bé di chuyển bằng xuồng đến Ấp Hòa Mỹ.

- Mũi thứ ba: Một Liên Đoàn do Thiếu tá Thanh chỉ huy gồm các Tiểu Đoàn 11 và 520. Mũi tiến quân này từ Thốt Nốt di chuyển ngang Cờ Đỏ, tảo thanh vùng Thới Đông.

Chung cả cuộc hành quân chỉ có 3 cuộc chạm súng: Lần thư nhất tại Hòa Mỹ lấy được 3 khẩu súng trường. Lần thứ nhì tại Ấp Hòa An lấy được một khẩu súng trường và lần thứ ba dọc theo kinh Ô Môn đến kinh Bảy Ngàn, giao tranh khá mạnh, đối phương bỏ lại 2 xác chết và hai súng cối 81ly và 60ly cùng một khẩu tiểu liên. Kết quả hành quân không mấy khả quan vì binh sĩ di chuyển đêm rất kém, không thuộc đường lối và không nhận rõ địa hình do đó phía loạn quân có đủ thời giờ lẩn trốn.

Cuộc hành quân Bắc Châu Phú lần 2 (22 – 24/2/1956)

Châu Phú Bắc là một khu tứ giác giới hạn bởi Sông Bassac, sông Mê-kong, kinh xáng mới Tân Châu và biên giới Miên-Việt. Cư dân vùng này đa số sống với nghề nông tầm dệt cửi. Các luống dâu xanh xanh ngút ngàn tận chân trời. Thời tiết tháng 2 này khô ráo nên việc di chuyển bằng đường bộ của quân ly khai cũng rất dễ dàng do đó áp lực của họ lên vùng này rất lớn.

Các đơn vị ly khai Hòa Hảo thường lợi dụng đêm tối len qua vùng biên giới Thường Phước hay rạch Cỏ Lau từ các sào huyệt cứ địa vùng núi non Angkor Boroy trên đất Kampuchea, kéo về uy hiếp các tiền đồn biên phòng. Các binh sĩ trong đồn ít khi dám đi ra ngoài. Sau cuộc hành quân ngày 21 tháng Giêng, khi các toán quân chính phủ cuối cùng vừa rút về thì tình hình nghiêm trọng vẫn trở lại như cũ.

Vào khoảng ngày 15/2/1956, trước cuộc hành quân khai diễn một tuần lễ, loạn quân đã bắn chết viên Thiếu úy trưởng đồn Tân An, một đồn biên phòng sát biên giới bên bờ sông Mekong, khi vị sĩ quan này vừa rời khỏi đồn đi đến chợ khoảng chừng 200 thước.

Lực lượng Hòa Hảo ly khai đã phát động một cuộc chiến tranh trường kỳ du kích để chống đối chính phủ trung ương. Họ lợi dụng địa thế hiểm trở của sông Mê-Kong và biên giới bao la để tránh né các cuộc hành quân càn quét của Quân Đội Quốc Gia và gây bất an cho dân chúng trong vùng.

Đại tá Tôn Thất Xứng là Tư lệnh Sư Đoàn 4 Dã Chiến (tiền thân của SĐ7BB) được chỉ định làm Tư lệnh chiến trường mở cuộc hành quân truy quét sạch loạn quân ly khai để tạo sự yên ổn làm ăn cho dân chúng.

Rút kinh nghiệm thất bại trong các cuộc hành quân trước, lần này BCH hành quân đã trù liệu thêm các cánh quân ngăn chận vùng biên giới không cho loạn quân vượt qua, nhằm mục đích dí họ vào khu Tứ Giác để thanh toán.

Cả 3 Trung Đoàn 10, 11 và 12 cơ hữu của Sư Đoàn đều được sử dụng chia làm 3 cánh quân tấn công vào mục tiêu:

- Trung Đoàn 10 dàn quân xuất phát từ phía Tây Kinh xáng mới Tân Châu tiến lên phía Bắc.

- Trung Đoàn 11 xuất phát từ phía Đông Kinh Xáng mới Tân Châu cũng tiến ngược lên phía Bắc.

- Trung Đoàn 12 được chia làm 2 cánh: Cánh thứ nhất được tàu Hải Quân chuyên chở đổ quân xuống phía Đông cùa khu tứ giác gần Đồn Tân An. Cánh thứ hai cũng được tàu HQ đổ xuống bờ phía Tây của sông Bassac gần khu biên giới. Cả hai cánh quân này dàn quân dọc biên giới, khi bắt tay nhau, hai cánh quân này xoay hướng mở cuộc càn quét từ biên giới tiến vào nội địa.

Mục đích của cuộc hành quân là bao vây và lùa đối phương vào khu trung tâm tứ giác để tiêu diệt. Nhưng phía đối phương nhờ địa thế rậm rạp, sình lầy, quen địa thế, trong khi quân chính phủ di chuyển khó khăn nên họ lẩn trốn gần hết. Chỉ có một cuộc chạm súng quan trọng tại Rạch Cỏ Lau khi một Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 12 đổ quân xuống phía Tây của Khu tứ giác tiến dọc theo biên giới. Các binh sĩ đi theo một con đường mòn nhẵn dấu chân người, vừa làm chuẩn khỏi sợ lạc vừa dễ đi. Khoảng 10 giờ sáng, đơn vị tới Rạch Cỏ Lau vừa chuyển hướng đi dọc theo hai bờ Rạch để tiến vào nội địa. Các khinh binh tiên phong phát hiện vài bóng người ẩn hiện bỏ chạy trong đám lau sậy phía trước nên khai hỏa. Khi lục soát, không thấy kẻ địch chỉ bắt gặp những túi xách chứa đựng toàn âu dược.

Vị Tiểu Đoàn Trưởng, sau đó cho một Đại Đội dàn quân truy lùng dọc theo Rạch Cỏ Lau ngược về phía biên giới. Khi đơn vị lục soát vừa xuất phát độ 300m thì cuộc giao tranh bộc phát dữ dội. BCH Tiểu Đoàn cho tác xạ súng cối 81ly yểm trợ đồng thời điều động Đại Đội ở bờ phía bên kia Rạch Cỏ Lau bọc hậu để chận đường tháo lui của địch quân. Đại đội này đã khai hỏa khẩu đại liên chận hậu, phía địch quân nao núng kéo cờ trắng đầu hàng.

Quân chính phủ ngưng tiếng súng chờ cho phía Hòa Hảo buông súng đầu hàng, trong khi đó họ lợi dụng thời gian hưu chiến ngắn ngủi để tránh khỏi tầm đạn đại liên nguy hiểm rồi hè nhau lẩn trốn trong đám lau sậy chạy thoát về bên kia biên giới. Đơn vị Hòa Hảo đụng độ này là Tiểu Đoàn 7 Hòa Hảo do Trương Kim Cù chỉ huy. Tổng kết cuộc đụng độ địch quân bỏ lại tại trận 11 xác và 2 vũ khí cùng nhiều túi âu dược. Có thể đối phương thiệt hại nhiều hơn nhưng vì phía quân đội không thể lục soát sang phía bên kia biên giới để kiểm chứng. Về phía chính phủ một binh sĩ tử thương và 10 bị thương.

Thương thuyết với Ba Cụt:

Nơi nào quân ly khai của Ba Cụt xuất hiện là lập tức Quân Đội Quốc Gia mở ngay cuộc hành quân tảo thanh. Những cuộc hành quân chớp nhoáng như vậy thường ít xảy ra các cuộc chạm súng vì sự tránh né của đối phương nhưng đã gây tác động tinh thần cho quân ly khai vô cùng căng thẳng. Những binh sĩ Hòa Hảo rất hoảng sợ và lần lượt bỏ trốn, đào ngũ rất nhiều để cầu an.

Ba Cụt cảm thấy lực lượng của mình mỗi ngày càng suy yếu qua các cuộc hành quân ngày càng gia tăng của Quân Đội Quốc Gia. Trong khi đó sự quy thuận của Ông Trần Văn Soái làm cho nhóm Nghĩa Quân Cách Mạng của ông càng thêm hoang mang. Cũng như đối với Ông Năm Lửa, Chính Phủ Quốc Gia vẫn tìm cách để đưa ông Ba Cụt trở về. Do đó hai bên Chính Phủ và Ông Ba Cụt đã có những sự liên lạc để tìm cách đưa quân của ông về hợp tác.

Đại diện chính phủ để điều đình với Ông Ba Cụt là Ông Đại Sứ Nguyễn Ngọc Thơ. Ông Thơ quen biết với cậu ruột của Ba Cụt là ông Huỳnh Kim Hoành, thường gọi là ông giáo Hoành, ở Bằng Tăng. Ông Hoành là người đã nuôi dạy cho Ba Cụt lúc còn nhỏ học hết chương trình tiểu học, nên Ba Cụt rất kính trọng ông giáo Hoành. Ông Thơ về Bằng Tăng tìm gặp ông giáo Hoành và nhờ ông giáo Hoành giúp để có thể nói chuyện với Ba Cụt, nhưng Ba Cụt từ chối. Tại sao lúc này Ba Cụt chịu thương thuyết? Có giả thuyết cho rằng Ba Cụt chịu thương thuyết vì đang bị quân đội quốc gia dồn vào đường cùng. Nhưng một giả thiết khác cho rằng Ba Cụt đã chấp nhận thương thuyết như một kế hoãn binh. Lợi dụng cuộc ngưng bắn tạm thời diễn ra lúc có thương thuyết, Ba Cụt cho chỉnh đốn lại hàng ngũ và tái phối trí lực lượng để tiếp tục đương đầu với quân chính phủ. Các diễn biến sau đây cho thấy giả thuyết này đúng.

 

Một mặt ông Ba Cụt tiếp tục điều đình với chính phủ; mặt khác với đầy vẽ tự ái và kiêu hãnh cá nhân, vẫn nuôi dưỡng một ý chí chiến đấu tích cực khi ông vẫn bí mật cho một số thuộc hạ chủ lực rút về khu Đồng Tháp chiếm lại một số đất đai do quân của ông Soái vừa bỏ về quy thuận với chính phủ. Tại đây, ông cho thiết lập một khu chiến thứ 5 mang tên Khu Chiến Tháp Mười do ông Nguyễn Thời Rê, một Trung Đoàn Trưởng nổi danh của Trung Đoàn Lê Quang phụ trách thành lập.

Những đơn vị được di chuyển về Đồng Tháp gồm có: Trung Đoàn Lê Quang, một Tiểu Đoàn của Trung Đoàn Lê Lợi, Tiểu Đoàn Lê Văn Duyệt, Đại Đội 43 Dân Xã, các Đại Đội 1, 2, 3, và 4 phòng vệ phối hợp với các đơn vị cũ như Tiểu đoàn 7 của Trương Kim Cù... thường trú đóng trong vùng Châu Phú Bắc và Thường Đức.

Nhờ địa thế, quân của ông Ba Cụt có thể lợi dụng rừng lau sậy rậm rạp ở vùng sát biên giới để tẩu thoát khi quân chính phủ mở cuộc ruồng bố hoặc có thể lợi dụng lằn ranh giới không thể phân định rõ ràng, quân chính phủ không thể vuợt qua vì sợ gặp rắc rối với quốc gia láng giềng.

Sau nhiều ngày vận động, ngày 29/2/1956 ông Ba Cụt đã đến Cồn Tảo nằm trên sông Mekong về phía Bắc của quận Tân Châu khoảng 15km để gặp Đại Sứ Nguyễn Ngọc Thơ. Một số lớn các đơn vị của ông được điều động đến quanh khu vực này để yểm trợ cho cuộc thương thuyết. Bộ chỉ huy của ông hình như đóng tại Thường Phước, một địa điểm ở gần sát biên giới, tại đây họ dễ dàng vượt qua Kampuchea nếu quân chính phủ được điều động tới.

Về phía quân đội quốc gia cũng điều động 2 Trung Đoàn và một số những tàu chiến của Hải Quân bố trí xung quanh để sẵn sàng tấn công vào khu vực phía Bắc Châu Phú nếu có những biến động bất ngờ.

Cuộc hội thứ nhì được ấn định vào ngày 4/4/1956. Nhưng khi ông Thơ đến Cồn Tảo thì Ba Cụt không chịu hội kiến mà đưa cho ông Nguyễn Ngọc Thơ một “bản điều kiện” do Ba Cụt ký tên và đề ngày 2/4/1956. “Bản điều kiện” này gồm 16 điểm, nguyên văn như sau:

Bản điều kiện” 16 điểm, đại lược như sau:

1. Chính phủ thừa nhận Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội (gọi tắt là Đảng Dân Xã) là một chánh đảng hợp pháp, được phép hoạt động trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam.

2. Chính phủ và Dân Xã Đảng cùng thỏa thuận công bố một bản thông cáo về lý do sự hợp tác. Thông cáo này được đăng trên Việt Tấn Xã, phát thanh và báo chí quốc nội cũng như quốc ngoại, thời gian một tuần lễ trước khi làm lễ hợp tác.

3. Chính phủ bảo đảm an ninh cho toàn thể cán bộ chính trị của đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội.

4. Phóng thích tất cả các chính trị phạm do Đảng Dân Xã nhìn nhận.

5. Không nhìn nhận hiệp định Genève, tẩy ban kiểm soát đình chiến ra khỏi nước VN. Tích cực chiến đấu trên mọi phương diện để quy hoàn nền thống nhất quốc gia Cộng Hòa từ Cà Mau đến Ải Nam Quan.

6. Với số vũ khí hiện có của lực lượng Đảng Dân Xã, chính phủ bổ sung thêm để thành lập hai sư đoàn, đúng theo biên chế tổ chức hiện hành của Quân Đội Cộng Hòa Việt Nam: Một sư đoàn Bắc Tiến và một sư đoàn lấy danh hiệu Sư Đoàn Bảo An lo giữ an ninh trật tự ở miền Tây để dẹp cộng sản địa phương. Hai sư đoàn này do Trung tướng Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt) trực tiếp chỉ huy. Trung tướng Vinh chịu hệ thống trực thuộc của Bộ Quốc Phòng.

7. chính phủ thừa nhận các cấp bậc thượng, hạ sĩ quan và cấp hiệu huy chương của quân lực Dân Xã Đảng thay vào cấp hiệu huy chương của chính phủ hiện hữu và sĩ quan trực thuộc Sư Đoàn Bảo An cũng được mang cấp bậc phù hiệu y như sĩ quan sư đoàn chánh quy của Cộng Hòa Việt Nam.

8. Chính phủ cung cấp số sĩ quan chuyên môn do Trung tướng Lê Quang Vinh đề nghị để bổ sung thành lập 2 sư đoàn kể trên.

9. Thiết lập một trung tâm huấn luyện tại Miền Tây để huấn luyện binh sĩ hai sư đoàn này. Số Sĩ Quan Dân Xã Đảng được giới thiệu theo học tại Trường Quân Chính thống nhất của chính phủ để có đủ số sĩ quan thành lập hai sư đoàn.

10. Khi đã thanh toán vấn đề cộng sản ở Miền Tây, sư đoàn Địa Phương sẽ luân phiên thay thế cho sư đoàn Bắc Tiến.

11. Chính phủ công nhận Trung tướng Lê Quang Vinh là sĩ quan quân đội quốc gia kiêm Ủy viên trung ương Đảng Dân Xã.

12. Lương bổng của 2 sư đoàn này chính phủ phải cung cấp ngay từ ngày ký kết và cung cấp riêng một tháng tiền lương để an ủi binh sĩ.

13. Tái võ trang cho một số đơn vị Bảo An Hòa Hảo để giữ an ninh trật tự vùng thánh địa: Hòa Hảo, Hưng Nhơn, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông, Phú An gọi là Bảo An Thánh Địa Hòa Hảo.

14. Chính Phủ trợ cấp cho các gia đình tử sĩ và thương binh đã chiến đấu chống thực, cộng dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Lê Quang Vinh từ năm 1945 đến nay.

15. Hưu chiến ngay khi có cuộc thương thyết chính thức của đôi bên Chính Phủ và Dân Xã Đảng.

16. Bản doanh Trung tướng Lê Quang Vinh đặt tại Long Xuyên, Sài Gòn và một bản doanh lưu động.

Ngày 2 tháng 4 năm 1956
Trung tướng Lê Quang Vinh
Tổng Tư Lệnh Quân Lực Dân Xã Đảng


Dĩ nhiên, chính phủ không bao giờ chấp nhận những điều kiện như thế, nhất là khi lực lượng Ba Cụt đang đến ngày tàn. Chấp nhận những điều kiện đó thì chẳng khác gì công nhận một quốc gia trong một quốc gia. “Bản điều kiện” của Ba Cụt cho thấy Ba Cụt không thật sự muốn thương thuyết mà chỉ coi thương thuyết như một kế hoãn binh. Quả thật, trong thời gian hưu chiến từ 26 tháng 3 đến mồng 6 tháng 4, Ba Cụt đã củng cố lại hàng ngũ và tái phối trí để tiếp tục cuộc chiến.

Riêng về điều kiện buộc chính phủ phải công nhận Ba Cụt là Trung tướng của Quân Đội Quốc Gia, cần nhắc lại những diễn biến sau đây:

Quân đội QGVN lúc bấy giờ (đầu năm 1956) chỉ có duy nhất một mình Trung tướng Lê Văn Tỵ vừa được thăng cấp ngày 26/10/1955 giữ nhiệm vụ Tổng Tham Mưu Trưởng QĐQGVN.

Ngày 20/8/1950 Ba Cụt đã về hợp tác với Pháp lần thứ tư và được gắn lon Thiếu tá, nhưng sau đó ông lại ra đi. Tháng 11 năm 1953, ông về hợp tác lần thứ năm và đến ngày 1/12/1953, ông được Pháp gắn lon Đại tá giả định (nhiệm chức) Trung tá thực thụ; nguyên là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 6 Khinh quân. Sau đó ông lại ra đi. Ông đã về rồi đi tất cả 6 lần. Nay từ Đại tá ông đòi lên Trung tướng!

Ngày 6/4/1956, ông Nguyễn Ngọc Thơ thông báo cho Ba Cụt biết “Bản điều kiện” của ông không được chính phủ chấp nhận.

Sau cuộc thương thuyết bất thành, ngày 8/4/1956 phía chính phủ mở cuộc hành quân tấn công vào Sở Hạ. Một Trung Đoàn được bố trí đóng quân trong khu vực Châu Phú Bắc. Trung Đoàn 41 dàn quân từ Hồng Ngự tấn công lên phía Bắc vào khu vực Thường Phước. Trung Đoàn này chia làm 3 mũi tiến quân: Mũi thứ nhất từ Rạch Sở Thượng tiến lên khóa chặt vòng vây. Một cánh bọc hậu dọc theo sông Tiền càn quét vùng kinh Bùi Văn Bút và mũi thứ ba tấn công thẳng vào kinh Thường Phước.

Trong khi đó kể từ đầu tháng 4 năm 1956: Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã rải quân bình định từ Thốt Nốt (ngoại ô Cần Thơ) về Rạch Giá, Tàn quân ly khai Của ông Ba Cụt đã bị đánh tan tành. Ba Cụt và một số tàn quân còn lại, phải lẩn trốn giả dạng thường dân!

Đại tá Dương Văn Đức Tư lệnh Khu Chiến Miền Tây, kiêm Tư lệnh Chiến Dịch Nguyễn Huệ đợt 2, khóa chặt đường rút quân về Đồng Tháp Mười, và Cà Mau, đồng thời ra lệnh các lực lượng Bảo An (Địa phương quân sau này) tại các Tỉnh miền Tây kiểm soát an ninh 100%, cương quyết phải bắt sống Ba Cụt đang lẩn trốn trong dân, bằng mọi giá! Các Tiểu khu tại Miền Tây cũng nhận được lệnh mở nhiều cuộc phục kích ngày và đêm trong vùng trách nhiệm của Tiểu khu để tóm Ba Cụt.

Bộ tư lệnh Chiến Dịch xử dụng tối đa các đơn vị thuộc quyền, hành quân liên tục dọc theo vùng Thất sơn, Châu Đốc ngăn chận đường về núi Sam, Thường Phước, thuộc quận Hồng Ngự gần sát biên giới Kampuchia, là nơi Ba Cụt có thể ẩn náu. Chiến thuật tấn công của Tướng Minh và Đại tá Dương Văn Đức lúc đó là: ”Chặn mất đường về hang của hổ, buộc hổ phải di động liên tục thì chắc chắn hổ phải sa lưới.”

Thật ra, việc bố trí để bắt Ba Cụt rất phức tạp, sau khi Tướng Trần Văn Soái chịu quy thuận nhưng Ba Cụt vẫn từ chối, ông Ngô Đình Diệm đã bàn với Tướng Dương Văn Minh soạn thảo một kế hoạch rất tỷ mỷ để bắt Ba Cụt. Theo tin tình báo có nhiệm vụ theo dõi sự di chuyển của Ba Cụt cho biết Ba Cụt thường hay lui tới vùng Chắc Cà Đao cách Long Xuyên khoảng 7 cây số và thỉnh thoảng dừng chân tại đồn này. Đồn Bảo An Chắc Cà Đao do các binh sĩ Bảo An giữ và Trung Sĩ I Giầu làm trưởng đồn, nhưng các binh sĩ này là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, rất cảm phục Ba Cụt, nên Ba Cụt thường ghé vào nghỉ ở đó.

Đại úy Hiển phụ trách về an ninh của Bảo An được ông Ngô Đình Nhu trao cho thành lập và thực hiện kế hoạch phục kích bắt Ba Cụt. Đại úy Hiển đã tuyển chọn 15 binh sĩ Bảo An tinh nhuệ và giao cho Trung sĩ Lợi, một người rất giỏi về võ thuật huấn luyện. Sau khi huấn luyện xong, các binh sĩ này đươc bổ sung vào một Đội Đặc Nhiệm lấy tên là Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn. Bên ngoài, đội này được giao nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của Việt Cộng ở vùng Chắc Cà Đao, nhưng mục đích chính là theo dõi và bắt Ba Cụt. Cả đội này đã mặc thường phục đến bố trí vùng quanh đồn Bảo An Chắc Cà Đao.

Ngày 8/4/1956, sau khi hai Trung Đoàn mở cuộc hành quân lục soát vùng Châu Phú Bắc và Thường Phước không bắt được Ba Cụt, Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch Nguyễn Huệ tin rằng Ba Cụt có thể trở về vùng Chắc Cà Đao lẩn trốn nên đã bí mật ra lệnh cho Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn của Đại úy Hiển đến chiếm đóng đồn Bảo An Chắc Cà Đao, kết hợp với lực lượng của Trung sĩ Giầu thành Liên Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn do Đại úy Hiển chỉ huy. Đại úy Hiển đã cho liên đội bố trí quanh đồn Chắc Cà Đao để chờ bắt Ba Cụt.

Cuộc thương thuyết với Đại Sứ Nguyễn Ngọc Thơ của chính phủ vào ngày 6/4/1956 thất bại, Ba Cụt len lỏi cùng một số cận vệ và tùy tùng trốn thoát vùng phong tỏa của Quân Đội Quốc Gia. Từ vùng Thường Phước, Ba Cụt rút xuống Đồng Tháp và trú ẩn với lực lượng quân sự nghĩa quân cách mạng tại vùng rạch Ba Răng, Ngày 11/4/1956, vào lúc buổi tối, Ba Cụt và Thế Xương (Dương Thế Xương - Đổng Lý Văn Phòng Dân Xã Đảng), Thiếu úy Vinh (Bí Thư của Ba Cụt), Thiếu úy Tốc (Sĩ quan cận vệ) và một số nhân viên cận vệ rời Đồng Tháp để về khu vực Long Xuyên với mục đích trốn thoát vùng phong tỏa.

Ông Ba Cụt và đoàn tùy tùng dùng một xuồng và một ghe nhỏ khởi hành từ ngọn rạch Ba Răng và tiến về phía Nam dọc theo sông Hậu Giang đến đồn Hòa Hảo (7 cây số Tây Bắc Chợ Mới) vào lúc 24 giờ và số cận vệ được để nghỉ đêm tại nơi đây.

Sáng ngày 12/4/1956, Ba Cụt cùng Thế Xương qua sông, ngừng tại Xẻo Bưng (ấp Mỹ Thuận) để gặp người cậu ruột tên là Huỳnh Kim Hoành và một số người khác bàn luận việc mua vũ khí và đạn dược. Chiều hôm đó, vào khoảng 18 giờ, toán cận vệ còn lại rời khỏi cồn Hòa Hảo để theo Ba Cụt. Khi đoàn người này rời khỏi cồn Hòa Hảo độ 2 cây số và đang qua sông thì bị nhân viên Biệt Động Đội Phòng Nhì phát hiện và mở cuộc hành quân rượt theo. Được báo động, Quân Đội Quốc Gia đóng ở Chợ Mới liền tổ chức ruồng bố để tìm bắt loạn quân.

Bị động, Ba Cụt cùng đoàn tùy tùng rút xuống phía Nam vào lúc 21 giờ, riêng Thế Xương được lệnh Ba Cụt tiến về Đồng Tháp.

Xuồng và ghe chở Ba Cụt cặp theo hữu ngạn sông Hậu Giang và đúng nửa đêm thì đoàn ghe thuyền rẽ vào Đồng Xúc (Mỹ Hòa).

Nghĩ rằng đã ra khỏi cuộc ruồng bố của quân đội chính phủ, không ngờ đến 6 giờ 00 sáng ngày 13/4/1956, Ba Cụt và toán cận vệ đâm xuồng qua sông về phía Long Xuyên, ngang vàm Chắc Cà Đao (trên bản đồ gọi là Chắc Cần Đao), cập bến gần đồn Bảo An rồi lên bộ, băng qua một thửa ruộng nhỏ đến lộ chính và tiến về đồn Bảo An Chắc Cà Đao với sự tin tưởng rằng sẽ được các binh sĩ Bảo An trong đồn đón tiếp như những lần trước. Tất cả có 8 người đều mặc đồ đen, 5 người mang súng trường hay tiểu liên, Ba Cụt mang súng lục, còn hai người không mang súng. Khi họ đang từ từ tiến về phía đồn thì các binh sĩ Liên Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn do Đại úy Hiển chỉ huy phục kích hai bên lộ nhảy ra hô đưa tay lên và bắt trói, toán cận vệ của Ba Cụt không trở tay kịp.

Năm cận vệ mang súng bị bắt cùng với Ba Cụt là Nguyễn Văn Hộ, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Văn Tóc và Võ Văn Vĩnh. Hai người còn lại không mang vũ khí là Phan Văn Hoành và Trần Tấn Hanh. Hai người này phụ trách chèo đò. Ngoài ra, các binh sĩ Bảo An còn tịch thu được hơn một triệu đồng.

Ngày 29/5/1956, trong một buổi lễ trao lệnh kỳ và huy chương, Đại Biểu Chính Phủ tại Nam Việt đã trao tặng Liên Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn một triệu đồng vì có công bắt được Tướng Ba Cụt. (Đoàn Thêm, 1945 – 1964, Việc từng ngày, Xuân Thu, Hoa Kỳ, tr. 197). Số tiền này được chia cho các toán viên của Liên Đội. Riêng Đại úy Hiển được thưởng 1 triệu đồng, Trung sĩ Lợi 200,000 đồng và được đặc cách thăng Thiếu úy.

Ngay sau khi ông Ba Cụt và các thuộc hạ bị bắt, hơn 10 xe nhà binh đã đến giải họ về Long Xuyên. Ít lâu sau, họ bị giải về Cần Thơ để lập hồ sơ truy tố ra Tòa Đại Hình.

Có dư luận cho rằng Ba Cụt đã bị Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ dụ hàng với cấp bậc Thiếu tướng, rồi sau đó bắt sống trên đường tới phó hội. Và phe Việt Cộng cũng lập luận viết như thế: “Ngô Đình Diệm đã nhiều lần phái quân đội đến tiểu trừ nhưng vẫn không thanh toán được. Sau Ngô Đình Diệm âm mưu “thương thuyết”, chấp nhận cho Ba Cụt về cộng tác với chính quyền (do Nguyễn Ngọc Thơ làm trung gian), nhưng vào phút cuối, Ngô Đình Diệm trở mặt, bắt cóc ông rồi đưa ra tòa xử tử hình với tội “phản loạn”.

Về việc này, sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông Nguyễn Ngọc Thơ cũng đã xác nhận không hề có chuyện lừa Ba Cụt về thương thuyết rồi bắt. Trong một cuộc họp báo vào tháng 12 năm 1963 tại Hội Trường Diên Hồng, khi một ký giả hỏi rằng có phải Ba Cụt bị gạt về họp tại Chắc Cà Đao rồi bị bắt, có phải không? Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ đã trả lời: “Vì sự đòi hỏi của Ba Cụt quá đáng, như chính phủ phải nhìn nhận anh là Trung tướng Quân Đội Quốc Gia anh mới trở về hợp tác nên cuộc thương thuyết với Ba Cụt bất thành. Sau đó, Ba Cụt bị bắt trong khuôn khổ một cuộc hành quân ở miền Tây.”

Trong quyển hồi ký Quân Sử Nghĩa Quân Cách Mạng của tác giả Trần Thị Hoa tự Phấn, phu nhân của Tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt, hiện định cư ở Houston do Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Hải Ngoại xuất bản năm 2002 đã ghi như sau (trang 177):

“... từ những ngày đầu của cuộc hành quân, ông Ba Cụt đã vượt ra khỏi vòng vây để bị bắt tại Chắc Cà Đao ngày 13/4/1956. Người ta bảo rằng do kết quả của cuộc hành quân vây bắt này mà ông Ba Cụt đã bị sa lưới chính phủ. Thực ra đây chỉ là cuộc hành quân tảo thanh thông thường như những cuộc hành quân đã diễn ra từ trước đây, chỉ có một điều khác là bắt được ông Ba Cụt giữa lúc có cuộc hành quân này. Việc ông bị bắt là hoàn toàn ngẫu nhiên ngoài vòng phong tỏa của Chính phủ...”

 

Tướng Big Minh lấy khẩu cung Tướng Lê Quang Vinh.
Tận cùng bên trái là Tướng Dương Văn Minh (Tư lệnh Chiến dịch).
Cạnh bên là Thiếu tá Đỗ Kiến Nhiễu (Tỉnh trưởng Long Xuyên).
Người mặc áo đen là Tướng Lê Quang Vinh tự Ba Cụt
(Tư lệnh Lực lượng Dân Xã Đảng).
(Ảnh tài liệu của Anh Tâm Nguyễn Thành Mỹ trong “Nửa đời làm báo”

 

Sau khi Ba Cụt bị bắt, ngày 24/4/1956, Ba Bụng, tức Phan Công Cẩn, Phó Tổng Tư Lệnh của Ba Cụt và một số quân sĩ khác bị bắn chết tại Châu Đốc. Sau đó, Nguyễn Văn Ca, Chính Trị Bộ Chủ Nhiệm của quân Ba Cụt cũng bị bắt tại kinh Thần Nông và Dương Thế Xương, Đổng Lý Văn Phòng của Ba Cụt bị bắt tại Mỹ Thuận, quân của Ba Cụt bị tan rã. Còn lại hai thuộc hạ là Bảy Đởm và Mười Trí mang tàn quân của các Tiểu Đoàn Hòa Hảo khoảng vài mươi người chạy qua Miên, thề sẽ trả thù cho chủ cũ và sau đó ngã theo VC.

Ngày 31/5/1956, Chiến Dịch Nguyễn Huệ đạt được kết quả mỹ mãn và Quân Đội Quốc Gia đã tuyên bố chấm dứt hành quân.

Qua Chiến Dịch Nguyễn Huệ, có 918 quân của Ba Cụt, trong đó có 11 sĩ quan, đã quy thuận với Chính Phủ.

 

Ông Ba Cụt trước vành móng ngựa

 


Tài liệu tham khảo:

• Chiến Sử Việt Nam, Hiệp Định Genève, 50 Năm Nhìn Lại của Vương Hồng Anh đăng tải trên Việt Báo
• Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc trên trang nhà http://caodai.vn
• Hồi Ký Nghĩa Quân Cách Mạng của Trần Thị Hoa tự Phấn, Giáo Hội PGHH Hải Ngoại xb năm 2002
• Lâm Lễ Trinh Và Mật Vụ CLCG... của Trịnh Bá Lộc
• Cuộc Truất Phế Bảo Đại ngày 23/10/1955 của Chính Đạo
• Chuyện Năm Lửa và Ba Cụt của Lữ Giang
• Và các cuộc phỏng vấn các chiến hữu Nhảy Dù.
 

Bấm vào đây để in ra giấy

Bảng hướng dẫn đến các chương (bấm vào các con số sẽ đi thẳng đến chương đó):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22
23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44
Mục lục

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trích và cập nhật từ quyển “20 Năm Chiến Sự” - Binh chủng Nhảy Dù
Tác giả:


Đại úy Võ Trung Tín Tiểu đoàn Truyền Tin SĐND – 714-856-9202
Đại úy Nguyễn Hữu Viên Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù – 714-897-1435
1246 S. Huron Dr. Santa Ana CA 92704
Email:
20namchiensu@gmail.com



Tổng Phát Hành: Mr. Hải Võ
1246 S. Huron Dr. Santa Ana CA 92704
Tel: 714-856-9202. Email: 20namchiensu@gmail.com
Giá quyển sách:
$40.00USD (Ngoài Hoa Kỳ: $50.00USD)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by Võ Trung Tín chuyển

 

Đăng ngày Thứ Sáu, July 29, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang