Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Việt Nam
Chủ đề: 30-T4-Đ
Tác giả: Nguyễn Xuân Tám
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Lời giới thiệu:
Nhân cuộc viếng thăm Đà Nẵng-Việt Nam của Hạm đội Mỹ ngày 5, tháng
3, năm 2018 hiện nay - Chúng ta hãy nghe lại lời phát biểu của cựu
tùy viên Cố Tổng thống NGUYỄN VĂN THIỆU nhân lễ húy nhật năm thứ 12
- Về sự việc bắt tay với kẻ cựu thù và sự phản bội của một “ĐỒNG
MINH VÔ NHÂN ĐẠO”.
Lê Phi Ô
Kính thưa quý vị lãnh đạo tinh thần
các tôn giáo,
Kính thưa Ông trưởng ban tổ chức,
Kính thưa
Phu Nhân cố Tổng thống VNCH,
Kính thưa quý vị Tướng Lãnh, quý
Niên trưởng cùng quý Chiến hữu,
Kính thưa quý vị quan khách.
Đứng trước quý vị ngày hôm
nay tôi xin phát biểu với tất cả tính cẩn trọng và xác tín cần
thiết, để mai hậu không một ai có thể cố ý diễn dịch sai lệch
những lời phát biểu của tôi. Bởi lẽ tôi không dựa theo bất cứ một
xuất xứ nào khác ngoại trừ từ miệng của Tổng thống Nguyễn văn
Thiệu cùng sự hiểu biết, nghe tận tai, thấy tận mắt trong suốt
thời gian tôi làm công việc bảo vệ Ông và làm việc bên cạnh Ông
trên cương vị một sĩ quan cận vệ và rồi một sĩ quan tùy viên.
Kính thưa quý vị,
Khởi đi từ 19 tháng
6, năm 1965, ngày mà Quân đội một lần nữa đứng ra nhận lãnh trách
nhiệm trước lịch sử, ở vào thời điểm đó Trung tướng Nguyễn văn
Thiệu vừa là Tổng thư ký của Hội Đồng Quân Lực (HĐQL) vừa là Phó
Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng, đã được HĐQL đề cử vào
chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Tư lệnh Không Quân
là Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ vào chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Hành
Pháp Trung Ương. Để không bị mang tiếng là Quân Phiệt, để xây
dựng một căn bản vững chắc cho nền Dân chủ Đệ Nhị Cộng Hòa, Quốc
hội Lập Hiến đã được bầu ra và viết nên bản Hiến Pháp. Dựa trên
bản Hiến Pháp đó, tháng 4 năm 1967 bầu cử chức vụ Tổng thống và
mở một kỷ nguyên mới cho nền Dân chủ Đệ Nhị Cộng Hòa. Cũng chính
vào thời điểm này, lại một lần nữa HĐQL đã buộc Trung tướng
Nguyễn văn Thiệu phải nhận Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ làm phó và
bắt buộc Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ phải đứng Phó cho Trung tướng
Nguyễn văn Thiệu. Đó là lý do DUY NHỨT để có liên danh Thiệu-Kỳ
chứ không có bất cứ một sự nhường hay nhịn như quý vị đã từng
nghe một vài người tuyên bố và lập lại trước đây, và dĩ nhiên bên
cạnh đó có sự khuyến cáo của người Mỹ.
Kính thưa
quý vị,
Nếu tính tới ngày 21 tháng 04 năm 1975
thì Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đã lãnh đạo đất nước gần mười
năm. Dù nhìn dưới bất kỳ một lăng kính nào đi nữa, thì Tổng thống
Nguyễn văn Thiệu cũng vẫn là biểu tượng chống Cộng của miền Nam
Việt Nam bên cạnh một Quân Đội anh hùng. Gần một thập niên trên
cương vị Lãnh đạo Quốc Gia Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đã điều
hành đất nước trong một tình huống cực kỳ oái oăm và nghiệt ngã,
ngoài một kẻ thù truyền kiếp đầy gian manh và quỷ quyệt từ miền
Bắc, Ông còn phải chịu đựng và chống đỡ một Đồng Minh nhiều tráo
trở và bất nhứt, chưa hết... Ông còn phải chấp nhận để cho một
đám người khoác áo Nhà Tu, lợi dụng quyền tự do Tôn giáo và Đảng
phái, lợi dụng quyền tự do ngôn luận và báo chí, bọn họ đã toa
rập và cấu kết với nhau phá nát một hậu phương của miền Nam và
đâm những nhát dao trí mạng vào lưng của chiến sĩ ngoài tiền
tuyến như quý vị đã thấy.
Kính thưa quý vị,
Nhân dịp này, ta thử bỏ qua những đố kỵ và tị hiềm của những
người vô trách nhiệm đối với đất nước để thấy rằng Tổng thống
Nguyễn văn Thiệu đã làm hết sức mình cho sự tồn vong của miền
Nam.
Cũng nhân dịp này ta thử một lần công bình với chúng
ta để thấy rằng xuyên suốt những năm tháng cầm quyền, lãnh đạo
Quân Dân miền Nam chống lại kẻ thù xâm lăng từ miền Bắc. Trong
lúc vừa chiến đấu vừa xây dựng, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đã
không bỏ sót bất kỳ một nhân tài nào kể cả Dân sự lẫn Quân đội từ
hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc, tỷ như: hầu hết những
cán bộ Xã Ấp đã được đào tạo và huấn luyện từ trường Cán Bộ Xây
Dựng Nông Thôn Vũng Tàu mà Đại tá Bé là Chỉ huy trưởng, người về
từ bên kia chiến tuyến của những ngày đầu kháng chiến. Hầu hết
những Trưởng Ty, Phó Quận Trưởng, Phó Tỉnh Trưởng hành chánh đã
được đào tạo bởi Viện.
Quốc Gia Hành Chánh mà Giáo sư
Nguyễn văn Bông là Viện trưởng của Đảng Cấp Tiến và sau cùng là
Giáo sư Nguyễn ngọc Huy của Đảng Đại Việt. Sở dĩ tôi đề cập đến
hai Đảng lớn Chính trị thời bấy giờ đã đào tạo cán bộ hành chánh
cho Đất Nước để quý vị thấy rằng: với một quan niệm thật rõ ràng
và dứt khoát là Đảng viên lấy cương lĩnh Đảng làm việc phục vụ
cho Đất Nước chứ không phải cho Đảng, vì vậy mà Tổng thống Nguyễn
văn Thiệu đã giao khoán cho hai Đảng lớn chính trị thời bấy giờ
đào tạo cán bộ hành chánh ưu tú cho Đất Nước mà Ông không sợ mất
đi những cán bộ hành chánh tài giỏi cho Đảng đương quyền.
Hầu hết các nhà cách mạng lão thành như cụ Trần văn Ân, cụ Mai
thọ Truyền, cụ Vũ ngọc Trãn, cụ Trần văn Hương và bà Cả Tề cũng
được Tổng thống Nguyễn văn Thiệu mời ra để chung lo việc Nước.
Về lãnh vực Quân sự, ta thử lục lạo xem có còn một ông Tướng,
ông Tá, ông Úy tài giỏi nào mà Tổng thống NGuyễn văn Thiệu vì lý
do này hay lý do khác cho ngồi chơi xơi nước hay không? Tuyệt
nhiên không, tất cả Tướng tài, Sĩ quan giỏi, Quân nhân can
trường, cán bộ Hành chánh mẫn cán đều đã được xử dụng đúng người,
đúng việc, đúng lúc và đúng chỗ nếu không muốn nói là nguồn nhân
lực của chúng ta đã cạn tàu ráo máng. Thưa quý vị, đất nước Việt
Nam sinh ra một ông Nguyễn văn Thiệu, Ông đã làm hết tất cả trách
nhiệm, bổn phận của một công dân trên cương vị Lãnh đạo Quốc Gia
với tất cả tấm lòng yêu nước tuyệt đối của Ông nhưng rồi miền Nam
Việt Nam vẫn không thể tránh khỏi sự bức tử.
Kính
thưa quý vị,
Mấy ai có biết được rằng kể từ khi
cộng sản miền Bắc phát động chiến dịch tổng công kích vào Tết Mậu
Thân năm 1968, và cũng từ đó Người mà ta gọi Đồng Minh đã phủi
tay và miền Nam Việt Nam đã phải mua thời gian để tồn tại. Thế
nhưng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu, Quân
và Dân miền Nam đã tạo được biết bao những chiến tích vô cùng lẫy
lừng nhưng cũng nhiều bi tráng. Một NGỤY VĂN THÀ và thủy thủ đoàn
của Ông đã vĩnh viễn ở lại với Hoàng Sa trong lòng đại dương hôm
19 tháng Giêng, năm 1974 để chứng tỏ cho người Hán thấy rằng,
hiểu rằng và biết rằng dù ở trong hoàn cảnh nào, dù ở bất cứ một
giai đoạn lịch sử nào đất Việt vẫn có những bậc tài trí và anh
hùng. Nhưng những bậc anh hùng và tài trí đó không bao giờ có
trong những người cộng sản Việt Nam. Rồi một Bình Long anh dũng
mà An Lộc là một điển hình với 93 ngày bị mưa pháo và vây hãm, dù
có bị hoang tàn và đổ nát nhưng An Lộc vẫn là An Lộc và Tổng
thống Nguyễn văn Thiệu cũng đã đến với Quân Dân An Lộc trong
những ngày khói súng còn mịt mùng. Chính Ông, người đã quỳ xuống
trước những ngôi mộ vừa mới lấp vội của Quân, Dân, Cán, Chính An
Lộc và đặc biệt là những chiến sĩ Biệt Cách Dù để tri ân và cầu
nguyện cho những người vừa mới hy sinh cho Tổ Quốc, bảo vệ miền
Nam, bảo vệ những người còn sống trong đó có chúng ta ngày hôm
nay.
Rồi một Trị-Thiên vùng dậy mà điển hình là lấy lại Cổ
thành Quảng Trị trong tay giặc bởi những người lính Thủy Quân Lục
Chiến, người lính mũ xanh, người con yêu của Tổ Quốc. Rồi mùa Hè
đỏ lửa năm 1972 với Thiên Thần Mũ Đỏ và Quân Dân Cán Chính miền
địa đầu giới tuyến trên Đại lộ kinh hoàng. Vẫn chưa hết, ở vào
giờ thứ 25 của đất nước, Không Quân và Sư đoàn 18BB cùng với
Thiết Giáp, Nhảy Dù và Biệt Động Quân đã viết thêm một trang sử
oai hùng nữa vào Quân sử của QLVNCH đó là trận thư hùng tại Xuân
Lộc mà Thế giới cũng đã nghiêng mình và kẻ thù cũng đã khâm phục.
Còn nữa, thưa quý vị, đó là chưa kể những sự hy sinh âm thầm
nhưng chiến đấu vô cùng dũng liệt của những chiến sĩ Địa Phương
Quân và Nghĩa Quân trên mọi miền của đất nước và những người lính
Lôi Hổ đã âm thầm ngày đêm trên đường mòn Hồ chí Minh mà họ chưa
một lần được tuyên dương công trạng trước Quân kỳ.
Tiêu
biểu là Tiểu đoàn 344 Địa Phương Quân của Tiểu đoàn trưởng LÊ PHI
Ô và Tiểu đoàn 341 Địa Phương Quân của Tiểu đoàn trưởng LÊ HÙNG ở
Võ Đắt và Bình Tuy đã quần thảo với hơn một Trung đoàn của cộng
sản trong mấy tuần lễ nhưng cộng sản cũng không chọc thủng được
phòng tuyến của những người lính Địa Phương Quân đó. Thế rồi, một
khi viên đạn cuối cùng đã được bắn ra khỏi nòng súng cũng là lúc
những oan khiên và tủi nhục đã đến với họ: Vào tù.
Tất cả
những cố gắng đó, tất cả những quyết tâm kiên cường đó, tất cả
những hy sinh to lớn đó đã không thức tỉnh và đánh động được
lương tâm và lương tri của những người mặc cả vấn đề Việt Nam tại
bàn hội nghị Ba-lê, và việc gì đến đã đến.
Đó là hành động
Vô Nhân Đạo của một đồng minh Vô Nhân Đạo đối với Quân, Dân miền
Nam. Dù có biện minh cách nào đi nữa thì họ vẫn nợ Quân, Dân miền
Nam ba điều: đó là Bất nhân, Bất tín và Bất nghĩa. Không bất nhân
sao được khi họ đã vô tình hay gián tiếp xô đẩy hàng trăm ngàn
người vào lao tù cộng sản và chết hoặc mất tích trên đường đi tìm
tự do. Không Bất tín sao được khi những cam kết bằng văn bản còn
sờ sờ ra đó mà họ đã ngoảnh mặt làm ngơ khi một Phước Long, một
Hoàng Sa. Không gọi là Bất nghĩa thì gọi là gì? Khi mục đích họ
đã đạt được, thì miếng ván cuối cùng họ cũng rút khi họ qua khỏi
cầu.
Kính thưa quý vị,
Đến nay thì
thời gian đã đủ dài để cho một người lương thiện với một lương
tâm lương thiện thấy được những gì đã xảy ra cho miền Nam Việt
Nam và tại sao chúng ta phải bỏ nước ra đi. Đến nay thì thời gian
cũng đủ quá dài để chấm dứt cái trò đánh bùn sang ao và trăm dâu
đổ đầu tằm của những kẻ thiếu trách nhiệm về phần mình trong việc
mất miền Nam vào tay cộng sản hôm 30 tháng Tư năm 1975.
Dù
biết rằng thời gian và lịch sử sẽ mãi mãi là Ông quan tòa vô tư
và công chính, nhưng Ông quan tòa đó sẽ vĩnh viễn không bao giờ
có trong những người đầy gian tâm và ác ý. Và thưa quý vị... mà
lịch sử có cái gì để phán xét một khi hiện tại những người biết
sự thật, hiểu sự thật mà không dám nói lên sự thật.
Kính thưa quý vị,
Đứng trước quý vị ngày
hôm nay, tôi không có bất cứ một mảy may tham vọng nào, ngoại trừ
hãy trả lại công bằng và công đạo cho người lính và nhà lãnh đạo
Việt Nam Cộng Hòa. Bất luận từ đâu tới dù là da vàng mũi tẹt hay
mũi lõ mắt xanh, bất cứ ai, bọn họ đã không can đảm nói lên sự
thật, thì cũng đừng bao giờ hèn nhát đặt điều vu cáo nói lên
những điều mà người lính và nhà lãnh đạo VNCH không có và không
làm.
Kính thưa quý vị,
Thời lượng
mà ban tổ chức cho phép đã hết, trước khi dứt lời tôi xin trích
một vài khẳng định và nhận xét của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu để
kết thúc phần trình bày của tôi. Đối với nhân dân trên thế giới
và đặc biệt là người Hoa Kỳ, Ông nói: “Dân tộc Việt Nam yêu
chuộng hòa bình, nhưng không muốn nô lệ và mãi mãi không bao giờ
chịu nô lệ!”. Và Ông kết luận, Nếu như tôi không nói rằng quý Ông
đã thua trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam thì tôi cũng xin thưa
rằng quý Ông cũng không thắng được họ.
Trân trọng kính
chào quý vị và kính chúc quý vị một ngày bình an.
Nguyễn Xuân Tám
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Lê Phi Ô chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, March 8, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang