Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
Ghi
Chủ đề:
QH30–T4Đ
Tác giả:
Nguyễn Thông
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Hôm qua, coi bài trên báo quân đội, thấy một vị giáo sư tiến sĩ chính trị Mác–Lenin dùng cụm từ “bơ thừa sữa cặn”, nhà cháu sực nhớ từng viết về nó đã lâu rồi, có dễ chả chục năm).
Gọi là
thành ngữ mới bởi nó được dùng khá nhiều và khá lâu, rất phổ
biến, trong một thời gian dài. Tất nhiên tác giả của nó là những
người cộng sản ở miền Bắc.
Nhớ hồi những năm 60–70 ở miền Bắc,
khoai còn chả đủ ăn, lấy đâu ra bơ sữa. Tôi sinh năm 1955, một
năm sau khi miền Bắc được giải phóng khỏi người Pháp, thú thực
mãi đến hơn 20 năm sau mới biết mặt mũi miếng bơ. Còn sữa, cũng
chỉ nghe nói thì nhiều chứ chả mấy khi được uống. Với nông dân
đặc sệt bùn đất như tôi, bơ sữa là cái gì đó rất cao sang, mà
cũng chả mơ được ăn uống nó bởi vì hiểu phận mình chỉ có khoai
sắn làm bạn.
Nhưng đài báo nhà nước thì cho dân “ăn” bơ sữa thường xuyên, nhất
là khi lên tiếng tố cáo chính quyền “ngụy” Sài Gòn. Họ gọi đó là
bọn tay sai của đế quốc Mỹ, cam phận ăn “bơ thừa sữa cặn” để áp
bức bóc lột đồng bào miền Nam, gây chiến tranh chia cắt đất nước.
Theo cán bộ hồi đó giải thích, cũng như đọc trên báo Nhân Dân, ăn
“bơ thừa sữa cặn” là ăn thứ người ta đổ đi, ăn hèn ăn nhục, bám
đít đứa khác, chả khác gì con chó ăn sít. Thà đói khổ mà làm
người cách mạng còn hơn sống kiếp “bơ thừa sữa cặn”. Nghe giải
thích vậy, tự dưng thấy không thèm bơ sữa nữa. Đói cũng vinh
quang.
Nhưng
nếu chỉ cho kẻ thù ăn bơ thừa sữa cặn nhằm khinh bỉ nó thì cũng
dễ hiểu, đằng này mấy bác lý luận cách mạng nhà ta gán cho dân
chúng miền Nam luôn. Thời đó ai cũng biết đời sống của người dân
miền Nam cao hơn hẳn ở miền Bắc, lương thực dư thừa, hàng hóa dồi
dào, nông thôn cũng như thành thị đại đa số dân chúng không bị
đẩy vào cảnh đói kém, thiếu thốn, khốn cùng. Gia đình vợ tôi ở
nông thôn rặt, trên một cù lao sông Tiền, huyện Chợ Mới, tỉnh An
Giang, dù giao thông cách trở, đi lại khó khăn, vùng xôi đỗ (ngày
thì chính quyền cộng hòa, đêm thì cộng sản), chiến tranh ác liệt
như thế, nhưng ông anh vợ tôi bảo những năm tháng ấy chưa hề bị
đói bao giờ. Tôm cá thịt thà chả bao giờ thiếu. Hàng hóa nhập
khẩu ê hề, cứ thế giới có thứ gì thì miền Nam có thứ ấy. Tôi hỏi
có bơ sữa không, ông anh khoát tay, xì, thiếu chi, tụi nhỏ đi học
còn được nhà trường cho uống sữa mỗi ngày.
Tôi lại nhớ những đồng nghiệp vốn là
giáo viên cũ từng đi dạy trước năm 1975, các anh kể từ giữa thập
niên 1960 gia đình bình dân đã mua sắm được ti–vi, tủ lạnh, xe
máy; lương giáo viên chỉ tiết kiệm, dè sẻn ăn tiêu trong 2 tháng
là mua được chiếc xe máy Honda dame 50 mới cứng. Hầu như thầy dạy
trung học nào cũng sắm xe Vespa. Các giáo sư đại học thì diện xe
hơi. Xe taxi đầy phố... Nghe anh tôi và các đồng nghiệp kể vậy,
tôi sực nhớ cùng thời ấy “ngoài mình” chưa có khái niệm ti–vi tủ
lạnh. Cơm còn chả đủ bỏ vào mồm, lấy đâu ra thứ đồ sinh hoạt mắc
mỏ thế. Lại sực nhớ những năm 1977–1978, trong các lớp học chính
trị, cán bộ tuyên giáo lý luận đầy mình, hùng hồn chỉ ra cho
những người như anh tôi và đám giáo viên thu dung, cơ hữu kia
thấy rằng đó chỉ là thứ “phồn vinh giả tạo”, là dạng “bơ thừa sữa
cặn” thôi. Sống nhục thế thì sống làm gì. Ơn cách mạng là ơn đổi
đời, cho con người vừa sung sướng đầy đủ, vừa tự do hạnh phúc...
Trong tư thế của bên thắng cuộc, họ lặp lại y nguyên những gì mà
bộ máy tuyên truyền cách mạng đã suốt bao năm nhét vào trí não
tôi. Chỉ có điều, họ lừa được những người miền Nam ở lại chứ
không lừa được chính chúng tôi, đám từ miền Bắc vào, bởi từng
nhìn tận mắt sự khác nhau của hai cuộc sống, hai chế độ.
Những thập niên 50, 60, 70 ở miền bắc,
tôi nhớ láng máng chỉ có nhà máy đường (Vạn Điểm) chứ không có
nhà máy chuyên sản xuất sữa. Hay là mình không có tiêu chuẩn sữa,
không được quyền ăn sữa nên không biết. Bác Hồ Giáo nuôi bò nổi
tiếng, được phong anh hùng chăn nuôi, nhưng có nhẽ chỉ nuôi bò
thịt. Sữa bán phân phối cho cán bộ trung cao cấp chủ yếu là sữa
nhập từ Liên Xô, Trung cộng, phổ biến nhất là loại hộp sữa đặc có
nhãn giấy màu xanh, tên tiếng Nga là “Moloko” (có nghĩa sữa). Tại
sao tôi biết loại này? Hôm ấy, một bạn cùng lớp 6 (năm 1968) là
bạn Nguyễn Ngọc Châm dân phố sơ tán về đem hộp sữa biếu thầy giáo
Bài bị ốm. Châm bảo sữa này do ông cậu Lê Thanh Nghị phó thủ
tướng đem từ Liên Xô về. Thầy Bài rất cảm động bởi hình như thầy
cũng ít được uống sữa. Còn tôi, đang tập tọng học tiếng Nga nên
đánh vần được.
Năm 1975, sau khi phe cộng sản chiếm
được miền Nam, dòng hàng hóa lại ùn ùn tuôn chảy ra Bắc, ngược
chiều với dòng quân đi suốt 20 năm trước. Miền Nam nhận họ, miền
Bắc nhận hàng. Người ta nhận những thứ đang cần và thiếu. Trong
dòng suối hàng ấy, tất nhiên có đường sữa, từng bị coi là bơ thừa
sữa cặn. Mà chả phải chỉ đường sữa, tất tần tật từ cái kim sợi
chỉ, cục xà phòng, gói thuốc lá, gói bột ngọt (mì chính), mét
vải, chiếc xe đạp, máy may (máy khâu), xe máy Honda... đều bắc
tiến. Một cuộc giải phóng trở lại, không bằng xương máu mà bằng
hàng hóa.
Từ
trước năm 1975, khi học cấp 3, tôi đã nghe người ta nói câu “Xẻng
cuốc từ dưới lên, đường sữa từ trên xuống” để chỉ ra thực chất
chính sách phân phối của nhà nước. Những cửa hàng đặc quyền đặc
lợi như Tôn Đản, Nhà Thờ chứa thịt sữa chỉ dành cho cán bộ trung
cao, bán với giá phân phối. Dân, có người nhà bị ốm, muốn mua hộp
sữa cân đường bồi dưỡng, chỉ có cách duy nhất ra chợ giời [trời],
giá cao đến năm bảy lần giá cán bộ. Bơ thừa sữa cặn cũng chẳng có
mà ăn. Nhưng xẻng cuốc để làm quần quật quanh năm suốt tháng phục
vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì sẵn lắm.
Với sữa, tôi có chút kỷ niệm. Năm 1979
nghỉ phép ra Bắc. Trước khi lên tàu ga Hàng Cỏ trở vào Nam, anh
Bùi Trọng Cường đồng môn, công tác ở nhà xuất bản Văn hóa dắt ra
chợ giời mua giùm cho 3 chục hộp sữa, tinh sữa Thống Nhất do nhà
máy ở miền Nam sản xuất, mậu dịch thương nghiệp đem ra miền Bắc
bán tiêu chuẩn phân phối cho cán bộ, cán bộ bán ra chợ giời, tôi
lại làm nhiệm vụ “tuần hoàn” đưa nó trở vào Nam. Mua 2.2
đồng/hộp, vào sẽ bán được 2.7 đồng, mỗi hộp lời 5 hào. Đến ga xe
lửa Bình Triệu, thuế quan phát hiện được mặc dù tôi giấu rất kỹ.
Họ định tịch thu bởi hàng lậu do nhà nước quản lý không giấy tờ
hợp pháp. Tôi lấy cái giấy nghỉ phép của giáo viên ra năn nỉ,
cuối cùng phải cúng cho hai ông kiểm soát mỗi ông 1 hộp thì họ
tha. Lúc ấy gần 10 giờ đêm, kêu xích lô chở về ký túc xá 43
Nguyễn Chí Thanh ở Q5, tiền xe 5 đồng, gã xích lô bảo để cái ba
lô lên trên phía sau lưng cho cân xe. Dọc đường nó vừa chạy vừa
nhẹ nhàng moi móc thế nào mà mình không biết, về nhà giở ra thấy
mất 4 hộp, hèn chi khi trả tiền xe, nó chả thèm đếm, bảo khuya
rồi, phóng đi như bay. Vị chi mất 6 hộp, mất 13 đồng 2 hào, hòa
vốn. Mà suốt hành trình Bắc–Nam căng thẳng từng phút, lúc nào
cũng lơ láo chỉ sợ bị phát hiện, tịch thu. Tính ra thì lỗ to.
Sữa bơ đường, đối với thế hệ chúng tôi
là một thứ ký ức, kỷ niệm buồn.
Nguyễn Thông
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Batkhuat Nguyen chuyển
Đăng ngày Thứ Tư,
April 19, 2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang