Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy bút
Chủ đề:
50 năm qh30t4đ
Tác giả:
Nguyễn Quốc Đống, K13/VBQGĐL
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Năm
2025 ghi nhận một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cận đại
của Việt Nam, là năm người Việt tỵ nạn cộng sản (tncs) sẽ
làm lễ tưởng niệm Ngày Quốc Hận lần thứ 50, ngày cộng quân
Bắc việt hoàn thành việc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam vào
ngày 30/4/1975. Cuộc đổi đời bi thảm bắt đầu cho quân, dân
nước Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Lịch sử lại tái diễn đối với
người Việt yêu chuộng tự do, không chấp nhận cộng sản. Năm
1954, sau khi Hiệp định Geneve được ký ngày 21 tháng 7,
1954, nước Việt bị chia đôi tại vĩ tuyến 17, miền Bắc thành
lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) theo chế độ xã
hội chủ nghĩa (cộng sản), miền Nam thành lập nước Việt Nam
Cộng Hòa (VNCH) theo chế độ tư bản (tự do, không cộng sản).
Gần 1 triệu dân miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do. Năm 1975,
Bắc quân cộng sản chiếm miền Nam, cả triệu dân miền Nam lại
rời bỏ quê hương qua nhiều đợt: di tản vào tháng 4, 1975; và
vượt biên, vượt biển nhiều năm sau đó. Tính đến nay, tháng
4, 2025, nửa thế kỷ đã trôi qua; chúng ta, những người Việt
bị bắt buộc phải xa quê hương, đi lưu vong tỵ nạn cộng sản
tại các quốc gia tự do khắp thế giới, hãy nhìn lại con đường
đau khổ mà cha ông và chính bản thân đã trải qua. Nhìn lại
những trang sử đầy máu lệ, để xem chúng ta mất, được những
gì; và học được những bài học quý giá nào có thể giúp chúng
ta và các thế hệ con cháu trong việc xây dựng lại nước nhà.
Tháng Tư tuyết hãy
còn rơi
Tháng Tư tưởng niệm, rối bời ruột gan
Chuyện
nhà triệu cảnh nát tan
Chuyện mình, nhắc đến Việt Nam:
bùi ngùi
–(Ý Nga, 22/4/2006)
Ba mươi Tháng Tư
đổi đời
Miền Nam thất thủ, triệu người chết oan!!!
Gió
bung cờ đỏ sao vàng
Thấp thoáng liềm búa, máu loang thành
dòng,
Từng đoàn già trẻ chân không,
Chạy trốn cộng
sản, khốn cùng, tả tơi.
–(Thiên Thu, 30/4/2015)
Làm sao mà quên được những mất mát của người dân miền
Nam sau ngày 30/4/1975! Câu “nước mất, nhà tan” đã gói gọn
tất cả những tang thương, đau khổ họ phải gánh chịu. Kẻ gây
tội ác chẳng phải là giặc ngoại xâm mà chính là đồng bào của
họ, những người cùng tổ tiên, cùng quê hương, cùng màu da,
cùng tiếng nói với họ; nhưng vì khác lý tưởng, không cùng ý
thức hệ nên đã tàn nhẫn lao vào cuộc diệt chủng anh em mình
suốt 20 năm trong chiến tranh Quốc–Cộng (1956–1975).
Những năm tháng yên ấm của người dân miền Nam không còn nữa.
Bên thắng cuộc hãnh diện là sẽ đem “độc lập, tự do, hạnh
phúc” cho cả nước, nhưng đó chỉ là những lời giả dối trắng
trợn. Người dân VNCH mất tự do (bị kềm kẹp dưới chế độ độc
tài, bị quản lý bởi đảng, bởi đoàn, bởi cả trăm đoàn
thể...), mất nhà (bị nhà cầm quyền tịch thu nhà, đuổi đi các
vùng hoang vu được gọi là vùng kinh tế mới), mất tiền (qua
các đợt đổi tiền), mất tài sản, ruộng đất, nhà máy, cơ sở
kinh doanh (qua các đợt đánh tư sản, cải tạo công thương
nghiệp), mất mạng (sĩ quan quân đội, viên chức chính quyền
miền Nam bị giam tù nhiều năm trong các trại lao động tập
trung mang danh là trại học tập cải tạo khiến cả trăm ngàn
người chết vì đói, bệnh, tra tấn), mất nền văn hóa nhân bản,
(sách bị đốt, trí thức bị đi tù, trù dập), mất nền giáo dục
dân tộc, khai phóng (học trò bị nhồi sọ, chỉ được dạy yêu
chủ nghĩa Mác – Lê–nin, yêu lãnh tụ cs Hồ Chí Minh, yêu đảng
cộng sản Việt Nam; đạo đức cổ truyền được thay bằng đạo đức
cách mạng).
“Cải
tạo” tập trung nhiều nơi,
Quân Dân Cán Chính, vùi đời
rừng sâu,
“Năm hạng” buộc xếp hàng đầu,
Đi “kinh tế
mới”, đảng thâu tóm nhà,
“Thanh niên xung phong” hiện ra,
“Bài trừ tư sản”, tiền ma đổi hoài,
Đốt sách, thay tên
đường rồi,
Giựt tượng Thương tiếc, hồn người vì dân
Việt cộng nằm vùng ló dần
Mặc sức chỉ điểm “ngụy quân,
ngụy quyền”
–(Thiên Thu, 30/4/2015)
Miền núi thẳm anh
vùi thây đất Bắc
Chốn bưng biền, kinh tế mới em đau
Nuôi mẹ già, con dại, an ủi nhau
Nhờ... thống nhất, Bắc
Nam cùng đau khổ.
–(Ý Nga, 24/9/2008)
Một xã hội chủ
nghĩa
Giết sạch hết nhân tài
Đâu “tự do, hạnh phúc”
Mà “độc lập” khoe hoài
–(Ý Nga, 3/12/2019)
Cuộc sống ấm no, kinh tế phồn thịnh của miền Nam dần dần
biến mất trong nền kinh tế chỉ huy dưới chế độ xã hội chủ
nghĩa. Nông dân phải vào hợp tác xã nên dần dần mất ruộng;
công nhân, người chủ tập thể của chế độ, làm việc trong các
nhà máy quốc doanh quản lý bởi bọn cán bộ tham nhũng bất
tài, không được luật lao động bảo vệ nên đời sống ngày càng
khó khăn, mặc dù họ được vinh danh là một trong hai giai cấp
tiên phong của cách mạng xhcn.
Luật đất đai của nhà
nước xhcn không công nhận quyền sở hữu đất của người dân,
chỉ công nhận quyền sử dụng, gây ra những vụ cưỡng chiếm đất
tàn nhẫn, và tạo ra tầng lớp dân oan nhọc nhằn đi khiếu kiện
nhiều năm! Nhà cầm quyền trị dân bằng các chính sách nghiệt
ngã: thực phẩm, và các thứ thiết yếu trong đời sống chỉ được
cung cấp giới hạn, theo tiêu chuẩn hàng tháng, và cán bộ
luôn được ưu tiên hơn thường dân. Họ chủ trương bỏ đói dân
để dân phải bị khuất phục.
Xã hội miền Nam bị đào tận
gốc, trốc tận rễ, ông xuống thằng, thằng lên ông. Đổi đời
dẫn đến đổi nghề: viên chức chính phủ hầu hết mất việc, phải
lao ra ngoài xã hội kiếm sống bằng những nghề mới, như buôn
bán ở chợ trời (thuốc tây, đồ dùng gia dụng, sách cũ, ngoại
tệ...), thư ký hành chánh thành công nhân xây dựng (tải đá
làm đường), các nữ tu thành công nhân sản xuất lốp xe ngay
tại nhà tu... Một số trí thức cũ được tạm giữ lại (giáo sư,
kỹ sư, bác sĩ), nhưng lại phải làm dưới quyền những cán bộ
lãnh đạo không trình độ chuyên môn, dốt nát, ngu si.
Cuối cùng, người dân miền Nam phải tìm đường thoát khỏi cái
thiên đường xhcn hoang tưởng, thực chất chỉ là địa ngục trần
gian. Họ ra đi bằng nhiều cách, di tản vào tháng 4, 1975;
vài năm sau họ tìm cách vượt biên bằng đường bộ qua đường
rừng Campuchia, hay vượt biển trên những con thuyền mong
manh; chấp nhận cái chết để mong đến được bến bờ tự do. Hơn
1 triệu người ra đi, nhưng khoảng 600,000 người đã chết
trong rừng sâu, hay ngoài biển cả. Cái giá của tự do quá
đắt!
Rồi tin đến
hung tin “TÀU VỠ”
Tàu đắm rồi, mong gì nữa em ơi
Trời
ơi! Tàu giết em rồi
Biển chôn bao xác những người Việt
Nam?!
–(Khóc Em, Thiên Thu,
26/11/2011)
Những thuyền nhân xấu số này, dù đã chết vẫn không được
việt cộng để yên. Chúng can thiệp với chính quyền sở tại,
bắt đục bỏ những tấm bia tưởng niệm thuyền nhân trên các
đảo.
Đục một bia
tưởng niệm
Những thuyền nhân đã chết
Đảng rõ ràng tẩn
liệm
Hương oan hồn thơm hoa.
–(Ý Nga, 23/1/2008)
Sự vượt thoát ra đi, trốn chạy cộng sản này đã cướp đi
mạng sống của rất nhiều trí thức, các thành phần tinh hoa
trong xã hội miền Nam.
Đến được bến bờ tự do, người
Việt lưu vong tncs phải đi lại từ đầu vì đã bị cộng sản cướp
đoạt mọi tài sản; họ trắng tay khi bắt đầu cuộc sống mới
trên xứ lạ quê người: tìm chỗ ở mới, học ngôn ngữ mới, làm
những công việc mới: bác sĩ thành công nhân, tướng tá mở
tiệm buôn bán hay làm chuyên viên trong công sở... Những
người tỵ nạn tương đối trẻ có điều kiện trở lại trường, lấy
được bằng chuyên môn, và tìm được công việc làm thích hợp;
nhưng đa số ở tuổi trung niên đã không còn cơ hội thăng tiến
tốt, phải chấp nhận làm những việc lao động đơn giản để nuôi
bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗi buồn xa
xứ, người Việt lưu vong tncs đã tìm lại được cuộc sống tự
do, no ấm; nhân phẩm được bảo vệ, không bị kỳ thị vì quá khứ
“ngụy quyền, ngụy quân, ngụy dân”, con cái họ được giúp đỡ
học hành đến nơi đến chốn. Chỉ thời gian ngắn sau ngày tái
định cư, họ đã nuôi dạy con cháu thành công, đóng góp cho xã
hội nhiều nhân tài trong nhiều ngành: giáo dục, y khoa, khoa
học, kỹ thuật, luật, kinh tế.... Nhiều người Việt tncs đã
tham gia vào sinh hoạt chính trị dòng chính, trở thành dân
biểu, nghị viên, giám sát viên, thị trưởng... tại địa
phương, tích cực giúp đồng bào trong việc hội nhập nơi quê
hương thứ hai. Đây là những thành tựu đáng kể của cộng đồng
người Việt lưu vong tncs.
Đa số người Việt tncs tại
các nước trong thế giới tự do đều nuôi dưỡng lý tưởng quốc
gia, chống cộng sản vì nhiều người là viên chức chế độ cũ,
quân nhân Quân Lực VNCH, từng bị cộng sản giam tù trong các
trại tập trung cải tạo nhiều năm. Họ vẫn giữ được lập trường
quốc gia, quyết chống lại tà thuyết Mác – Lê–nin vô thần của
cộng sản. Họ là những người tỵ nạn chính trị, phải chọn lưu
vong nơi xứ người vì lập trường chính trị khác biệt không
thể sống được trong chế độ cộng sản.
Tại quê hương
thứ hai, sau thời gian ổn định cuộc sống mới, họ tham gia
sinh hoạt trong các cộng đồng tỵ nạn, các hội đoàn cựu quân
nhân, như Hội Cựu Chiến Sĩ QLVNCH, Hội Cựu Tù Nhân Chính
Trị, Hội Cựu SVSQ Võ Bị, Hội Cựu SVSQ Thủ Đức, hay các Hội
Đồng Hương có lập trường quốc gia. Họ bảo vệ lá cờ vàng ba
sọc đỏ của VNCH, cờ di sản của người Việt tncs yêu tự do,
dân chủ; tài sản quý giá họ đem theo từ quê hương trong cuộc
hành trình gian khổ tìm tự do. Họ vận động các hội đồng
thành phố, các quốc hội tiểu bang ra các nghị quyết vinh
danh và công nhận cờ VNCH là biểu tượng của người Việt tncs.
Người Việt tncs cương quyết bảo vệ cộng đồng của mình chống
lại sự xâm nhập của cộng sản, tránh cho con cháu khỏi bị
cộng sản và tay sai tuyên truyền, lừa bịp. Nơi nào có sự
hiện diện của viên chức cộng sản là họ biểu tình chống đối
khiến chúng nhục nhã phải trốn tránh đi cửa sau, nơi nào có
văn công việt cộng trình diễn họ cũng biểu tình chống đối.
Họ tranh đấu không mệt mỏi cho lý tưởng tự do, dân chủ; vì
biết đó là lý tưởng cao đẹp; vì biết rằng họ chưa hoàn thành
sứ mệnh đối với quốc gia dân tộc; vì biết rằng chủ nghĩa đỏ
cộng sản đã và vẫn đang tàn phá đất nước và làm hại người
dân Việt. Họ ý thức rõ mình chỉ là thiểu số đang được hưởng
cuộc sống tự do, dân chủ tại xứ người, trong khi đại đa số
đồng bào trong nước còn phải sống lầm than dưới chế độ độc
tài toàn trị, nên họ không thể thờ ơ vô cảm với nỗi đau của
đồng bào.
Cho ai
mình phải lo âu
Cho ai dân Việt trĩu sầu oằn tim
Vì
đâu vượt chết đi tìm?
Vì sao đất khách nỗi niềm ưu tư?
........
Dậy mà đi! Cố lên này!
Đích về chưa đến, chớ
bày cuộc vui
Dậy mà đi! Chớ ngủ vùi!
“Thất phu hữu
trách!” Nhớ nuôi Ngày Về!
–(Ý Nga, 5/6/2003)
Trong bất cứ đoàn thể nào, và trong bất kỳ công việc gì,
cũng có những kẻ lội ngược dòng, làm nghịch lại với đa số,
gây hại cho công việc chung. Động cơ khiến họ hành động trái
chiều như vậy chỉ họ biết rõ: vì danh, vì lợi, vì nhẹ dạ,
ham vui, hay không bền chí...? Trong khi số đông người Việt
tncs vẫn giữ vững lý tưởng quốc gia, và miệt mài tranh đấu
cùng các chiến hữu và đồng bào, một số người mang danh tỵ
nạn cộng sản, tỵ nạn chính trị đã lén lút; thậm chí công
khai rời khỏi hàng ngũ chiến hữu, quay sang cộng tác với kẻ
thù cs, làm tay sai cho chúng; nằm vùng để phá hoại cộng
đồng, đoàn thể của mình. Họ còn trở về Việt Nam đem tài năng
và tiền bạc đầu tư kiếm tiền; mặc dù họ không đói khi sống
đời tỵ nạn tại quê hương thứ hai. Có kẻ quay về chỉ để hưởng
thụ, ăn chơi, cho bõ những ngày tù tội khốn khó tại quê nhà,
hay để bù lại thời gian cày bừa tối tăm mặt mày nơi đất
khách?! Họ viện dẫn nhiều lý do để biện minh cho thái độ trở
cờ xấu xa này. Ngày xưa phải nhọc nhằn lắm mới thoát khỏi
Việt Nam, để định cư tỵ nạn cộng sản tại một nước tự do; nay
lại hoan hỉ quay về cái xứ đã mang đại nạn đến cho cuộc đời
họ! Phải chăng vùng đất do cộng sản cai trị ngày nay đã
thành đất lành, không còn đe dọa bản thân và gia đình họ?!
Hành động này vô tình đã giải oan cho việt cộng, chỉ làm đẹp
mặt cho chế độ cs. Cộng đồng người Việt tncs chỉ trích nặng
nề những thành phần cơ hội chủ nghĩa, ích kỷ này.
Ông khoe “Úp mặt hôn phi đạo”,
Mùi đất quê hương có ấm lòng?
Có hay non nước trong cơn
bão
Rách tả tơi theo chủ nghĩa “hồng”
–(Ý Nga, 28/6/2002)
Sài Gòn mất tên,
đổi đời, lánh nạn,
Tôi thề không về... dù chỉ thăm thôi,
Giờ nghe tin... Anh về đến nơi rồi,
Sài Gòn ơi! Mưa rơi
hay tôi khóc?!
Tôi ngỡ ngàng nhận tin như cơn lốc,
Anh thật quên rồi, “Tổ Quốc” ghi ơn,
Anh đã bỏ đi “Danh
Dự” trung cang,
Và phản bội lá cờ vàng “Trách Nhiệm”
Tôi ở đây, lắng nghe Anh hùng biện,
Anh trở về, làm
gì nhỉ? Thưa Anh?
Tôi ở đây, chờ xem lòng trung thành,
Anh từng nói... Anh dành cho Tổ Quốc!
–(Thiên Thu, Canada,
13/6/2011)
Nhìn lại con đường lưu vong suốt thời gian dài 50 năm,
người Việt tncs chúng ta học được những bài học gì? Những
bài học này đã được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng máu
của bản thân, gia đình, bạn bè, và đồng bào. Chúng ta không
thể xem nhẹ mà phải khắc ghi, để làm hành trang trên con
đường tranh đấu gian khổ, trường kỳ, vì mục đích chung của
dân tộc Việt.
Trước hết chính là bài học về tình yêu
quê hương, nói đơn giản là lòng yêu nước. Lòng yêu nước là
yếu tố gắn bó những người không cùng nơi sinh trưởng, nhưng
sống trên cùng mảnh đất nên sẵn sàng hy sinh cho đất nước.
Nó là động lực giúp người dân chống giặc ngoại xâm. Trong
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người cộng sản đã lợi
dụng lòng yêu nước của người Việt, khéo léo tuyên truyền cho
chủ nghĩa Mác – Lê–nin, một chủ thuyết hoang tưởng được sinh
ra từ nước Nga, cái nôi của cộng sản quốc tế, mang nhiều
chất bạo lực, khủng bố; hoàn toàn xa lạ với nếp đạo đức cổ
truyền nhân bản của dân tộc Việt. Trong chiến tranh
Quốc–Cộng (1956–1975), bọn Bắc cộng kết án quân dân miền Nam
là phản bội tổ quốc, là ngụy (giặc), là tay sai đế quốc Mỹ.
Chúng xua quân xâm lăng miền Nam, mà lại tuyên bố đi “đánh
Mỹ cứu nước”. Người bảo vệ đất nước ở miền Nam bị gọi là
phản quốc, trong khi kẻ xâm lược phương bắc đi giết đồng bào
mình lại mang danh người yêu nước! Sau ngày cộng sản cưỡng
chiếm được miền Nam tự do, và đặt cả nước dưới chế độ độc
tài, chúng đã công khai đánh tráo khái niệm về lòng yêu
nước, dạy người dân “yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội”.
Do đó chúng ta phải hết sức thận trọng, không để kẻ thù cộng
sản lừa gạt, và hiểu sai về lòng yêu nước.
Yêu nước
bây giờ phải được hiểu là bảo vệ tổ quốc chống lại bọn việt
cộng nhiều phen cõng rắn cắn gà nhà, bán đất, nhượng biển
cho tàu cộng, hèn với giặc mà ác với dân. Là người yêu nước
chân chính, người Việt chúng ta phải ý thức được chính việt
cộng là bọn bán nước, đã và đang gây ra mọi thảm cảnh cho
đất nước và dân tộc Việt. Người Việt yêu nước dù sống đời
lưu vong ở nhiều quốc gia trên thế giới phải giữ vững lập
trường quốc gia, kiên quyết quang phục một Việt Nam không
cộng sản, bảo đảm nhân quyền cho mọi công dân. Đó là lòng
yêu nước chân chính mà chúng ta cần nuôi dưỡng và truyền lại
cho thế hệ trẻ.
Cộng sản chiếm đến đâu,
Dân bỏ chạy đến đó!
Bao nhiêu
là tội ác,
Chồng chất từ bấy lâu?
Địa ngục đời có
thật:
Nhằm hại người Quốc Gia
Khẩu hiệu toàn ba hoa,
“Đỏ” máu lời đường mật.
–(Ý Nga, 20/2/2006)
Bài học lịch sử thứ hai là bài học về sự đoàn kết. Cổ
nhân dạy chúng ta những lời khuyên đơn giản:
– đoàn kết thì sống, chia rẽ
thì chết
– đoàn kết nên sức mạnh
– một cây làm chẳng
nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao....
Chúng ta thử nhìn vào 1 bó đũa, nếu bị tách riêng, từng
chiếc đũa sẽ bị bẻ gẫy dễ dàng; nhưng nếu gộp chung thành 1
bó, không dễ gì chúng ta bẻ gẫy nguyên bó đũa.
Việt
Nam là một nước nhỏ, ở sát cạnh nước Tàu khổng lồ. Nước Tàu
lớn, mạnh hơn nước ta nhiều lần, người Tàu tham lam và độc
ác; nên nhìn lại lịch sử, chúng ta chứng kiến Việt Nam nhiều
lần bị Tàu xâm lăng, và rơi vào cảnh Bắc thuộc cả ngàn năm.
Tổ tiên chúng ta phải đổ nhiều máu xương mới giữ được đất
sống cho chúng ta đến ngày nay. Ngay trong chế độ phong kiến
ngày xưa, các vương triều đã biết coi trọng tiếng nói và sức
mạnh của con dân; vua, quan, và dân đã biết đoàn kết một
lòng chống giặc ngoại xâm từ phương bắc (Hội Nghị Diên Hồng
diễn ra dưới đời vua Trần Thánh Tông, khi Việt Nam phải
chống quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2 vào
năm 1284).
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp đầu thế
kỷ 20, nhiều đảng phái cùng tham gia chống ngoại xâm. Việt
Minh, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lợi dụng sự
chia rẽ giữa các đảng phái quốc gia, để thu phục lòng tin
của người dân, củng cố được lực lượng tới mức ép được hoàng
đế Bảo Đại của triều Nguyễn phải nhường quyền lãnh đạo đất
nước cho chúng (tháng 8, 1945). Năm 1954, chúng chiếm được
nửa nước, thành lập được nhà nước xã hội chủ nghĩa (VNDCCH).
Trong cuộc chiến tranh Quốc–Cộng (1956–1975), chúng lại lợi
dụng sự chia rẽ giữa các thành phần dân chúng, các đảng phái
tại miền Nam Việt Nam, làm suy yếu chính quyền, làm nản lòng
người dân VNCH, và cuối cùng cưỡng chiếm được vùng đất tự do
cuối cùng của người Việt. Nếu người dân miền Nam biết đoàn
kết, coi trọng quyền lợi tổ quốc hơn quyền lợi của đảng
phái, phe nhóm, vùng miền, tôn giáo thì chúng ta đâu dễ dàng
mất nước vào tay giặc thù, để bây giờ dân Việt phải sống đời
lưu vong tncs khắp nơi trên thế giới!
Sau tháng 4,
1975, người Việt tncs đã biết đoàn kết để bảo vệ cộng đồng
mình chống lại sự xâm nhập và phá hoại của cộng sản. Họ giữ
vững phòng tuyến, vạch mặt kẻ thù cs và tay sai nằm vùng;
nên lá cờ vàng của người Việt quốc gia vẫn còn tung bay
trong các cộng đồng tncs, và cờ máu của cộng sản vẫn liên
tục bị triệt hạ. Tuy nhiên chúng ta cần cảnh giác, vì cộng
sản rất chai lì, và thâm độc. Chúng không từ thủ đoạn nào để
chiếm lấy tình cảm và lòng tin của đối phương, bằng dụ dỗ
(cho văn công đến trình diễn trong cộng đồng tncs để họ mua
vui; mời người Việt tncs về du lịch thăm quê hương, về đầu
tư, kinh doanh kiếm tiền), hay bằng đe doạ, khủng bố (dùng
pháp luật xhcn trừng trị nếu họ về nước và thiếu cảnh giác).
Những năm gần đây chúng ta chứng kiến tình trạng mất
đoàn kết trong giới người Việt tncs, tổ chức cộng đồng chia
2, chia 3; tổ chức hội đoàn cũng bị chia rẽ, ngay cả các hội
đoàn cựu quân nhân cũng không tránh được tình trạng phân hóa
này. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chúng ta cũng không loại bỏ
yếu tố “thừa nước đục thả câu” của cộng sản và tay sai. Tư
tưởng vị kỷ, thái độ kiêu căng, hành động vô trách nhiệm,
không biết nghĩ đến cái chung và danh dự tập thể của một số
thành viên trong đoàn thể đã dẫn đến sự chia rẽ mất đoàn
kết. Một tập thể chia rẽ chẳng khác nào một cái bình bị rạn
nứt, làm sao huy động được sức mạnh để hoàn thành mục đích
chung?
Bao nhiêu
nhóm quy về cùng một mối
Thì giặc nào lấy được đất của
nhau
Cộng nào còn nhuộm mãi sắc đỏ au?
Mà chém giết
bao thường dân vô tội!
–(Ý Nga, 6/5/2008)
Bài học thứ ba cần ghi nhớ là tinh thần kiên định trong
công việc chung, bền tâm vững chí trước gian nan thử thách.
Cổ nhân dạy ta:
“Có
công mài sắt có ngày nên kim”
chính là dạy ta phải nhẫn nại.
Hay câu nói sau: “Lửa
thử vàng, gian nan thử sức”
cũng là để dạy ta cần phải bền chí.
Hãy nhìn vào cuộc
chiến tranh vệ quốc của quân dân miền Nam chống lại sự xâm
lăng của Bắc quân cs đầu năm 1955. Nền đệ nhất cộng hoà dưới
sự lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã gặp muôn vàn khó
khăn để ổn định tình hình chính trị vô cùng phức tạp sau khi
đất nước bị chia đôi vào tháng 7, 1954. Nếu người dân miền
Nam không vững tâm, bền chí, không tin tưởng vào tương lai
của nền cộng hòa non trẻ, làm sao chúng ta có thể đứng vững
trước sự phá hoại của bọn cs nằm vùng ở miền Nam, và sự tấn
công của quân đội cộng sản từ miền bắc tràn vào. Việc tái
định cư cho gần 1 triệu đồng bào di cư vào Nam tìm tự do, và
việc đối phó với các nhóm vũ trang phản loạn (đảng phái,
giáo phái...) đòi hỏi chính phủ và người dân lúc đó phải hết
lòng chiến đấu cho đại cuộc. Nếu chúng ta không vững tâm bền
chí, hẳn miền Nam đã không có được hơn 20 năm sống no ấm
dưới chế độ tự do, dân chủ. Không có thành quả nào đạt được
mà không có hy sinh, mất mát. Đây là bài học quý giá chúng
ta cần phải truyền lại cho con cháu các đời sau.
Vững vàng trái tim chúng ta
Không quên tiếng đời kêu gọi
Nước non mình đang trông
chờ
Đại Nghĩa lòng ta tôn thờ
Cùng nhau kiên tâm tiến
bước
Tâm hồn đẹp bao ý thơ.
–(Nguyễn Hữu Nhật, Ý Nga)
Bài học cuối cùng mà người Việt tỵ nạn cộng sản không
thể xem nhẹ, là việc đào tạo thế hệ kế thừa. Phần đông các
cháu theo cha mẹ định cư tại xứ người khi tuổi đời còn rất
nhỏ, nên ký ức về quê hương đã nhạt nhòa. Bây giờ rất nhiều
cháu được sinh ra và trưởng thành trên xứ người, nên cảm
thấy rất xa lạ với cội nguồn dân tộc Việt. Nhiều cháu không
nói được tiếng Việt, nên khó sinh hoạt trong cộng đồng Việt;
không viết và đọc được Việt ngữ, nên không tìm hiểu được nền
văn hóa Việt, làm sao các cháu gắn bó được với quê hương của
ông bà, cha mẹ; và làm sao trở thành thế hệ kế thừa của cha
ông trong sứ mạng xây dựng đất nước Việt. Đây là vấn đề nan
giải mà chúng ta cần bỏ nhiều công sức và thời gian để tìm
cách giải quyết. Khi các cháu còn nhỏ, phụ huynh nên chịu
khó cho các cháu đến các lớp Việt ngữ để học nói, đọc, và
viết tiếng Việt. Đây cũng là cơ hội để các cháu tiếp xúc với
ông bà, chú bác, và các bạn trẻ đồng trang lứa. Ở tuổi thiếu
niên, cha mẹ nên chuyện trò với các cháu để các cháu hiểu
được lý do gia đình phải rời bỏ nơi sinh trưởng và định cư ở
xứ người. Khi các cháu đã trưởng thành, phụ huynh có thể
hướng dẫn các cháu tham gia sinh hoạt trong cộng đồng Việt
tỵ nạn, để các cháu hiểu được lý tưởng cao đẹp mà cha ông
hằng ấp ủ; đó là tự do, dân chủ, và nhân quyền cho Việt Nam.
Đây không phải là một công việc dễ dàng vì chúng ta đang
nuôi dưỡng và giáo dục những mầm non của cộng đồng, cũng là
tương lai của dòng Việt. Chỉ riêng cha mẹ, gia đình không
thể làm được công việc này, mà cần có sự hỗ trợ của cộng
đồng.
Người Việt tncs trực tiếp tham gia cuộc chiến
chống cộng sản bảo vệ miền Nam (1956–1975), khi đặt chân đến
vùng đất tự do, đã ở tuổi trưởng thành, 20 đến 40 tuổi. Cả
chục năm trôi qua, bây giờ họ đã bước vào tuổi già, sức yếu.
Nếu không có thế hệ kế thừa, họ không thể tiếp tục sứ mạng
còn dở dang. Chúng ta cũng đừng quên cộng sản và tay sai
đang đầy dẫy quanh ta, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo
con cháu chúng ta về phe chúng. Trong cuộc chiến sinh tử để
giành thắng lợi cho chính nghĩa của người Việt quốc gia,
chúng ta không thể để mất đi lực lượng trẻ, tài năng này.
Ra trận, thuộc mỗi
một bài
Bác, Đảng, Việt Cộng là loài bất lương
Nhớ
tránh xa!
Chớ chung đường!
Kẻo bị chúng nhuộm cam,
hồng, đỏ loe.
–(Ý Nga, 29/8/2018)
Tóm lại, 50 năm là thời gian rất dài trong một đời
người, ai trong chúng ta cũng có cái được, và cái mất. Riêng
với người Việt tỵ nạn phải bỏ lại quê hương, rời xa cha mẹ,
anh em, chạy nạn cộng sản, sống lưu vong nơi xứ người, những
mất mát thương đau của họ không ai có thể cảm nhận bằng
chính họ. Đối với họ, các tín niệm “tổ quốc, danh dự, trách
nhiệm” vẫn là kim chỉ nam hướng dẫn họ trong hành trình tìm
tự do và tranh đấu tại quê hương thứ hai. Có thể họ chưa
hoàn thành sứ mạng với quê hương, dân tộc, còn mang mặc cảm
phạm tội làm mất nước; nhưng 50 năm cũng chỉ là một quãng
thời gian rất ngắn trong dòng sinh mệnh của dân tộc. Ở thời
điểm hiện nay, 50 năm sau ngày mất nước, người Việt tỵ nạn
cộng sản dù ở nơi nào, vẫn cố gắng làm những gì có thể làm
được trong khả năng, hoàn cảnh của mình; và luôn nuôi dưỡng
niềm hy vọng giải phóng được quê hương khỏi chủ nghĩa ma mị
cộng sản, khỏi chế độ cộng sản độc tài toàn trị, viết trang
sử mới tươi đẹp cho dân tộc Việt.
Nguyễn Quốc Đống, K. 13
Tác giả ghi chú:
[1].
Thi sĩ Ý Nga (sinh năm 1958 tại Quảng Nam,
có bút hiệu khác là Á Nghi), là một thuyền nhân tỵ nạn cộng
sản tại Ý 20 năm (1980–2000), định cư tại thành phố Calgary,
Alberta, Canada từ năm 2000 cho đến nay. Công việc chính của
Ý Nga là làm kế toán và dạy học. Tuy là phận nữ nhi, thân
yếu; nhưng tâm bền, chí lớn, đã đóng góp nhiều công sức cho
cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Ý và Canada, trong
nhiều lãnh vực văn hóa, từ thiện, giáo dục. Kho tàng văn thơ
của Ý Nga là vô tận, nổi bật là dòng thơ tranh đấu thắm đượm
lòng yêu nước, thương nòi. Thi sĩ chưa một lần trở về Việt
Nam, vì đất nước “chưa đổi màu cờ”. Với tấm lòng sắt son
dành cho quê hương, thi sĩ Ý Nga là một tấm gương sáng cho
thế hệ trẻ trong cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cộng sản.
[2].
Nhà thơ Thiên Thu (sinh năm 1949 tại Hà
Nội), cũng là một thuyền nhân tỵ nạn cộng sản, rời Sài Gòn
năm 1979, và hiện nay cũng định cư tại thành phố Edmonton,
Alberta, Canada. Ngoài công việc chính là làm chuyên viên
phân tích (data analyst) cho Sở Y tế Alberta, Thiên Thu đóng
góp nhiều bài thơ, văn ghi nhận những điều tai nghe, mắt
thấy, và cảm nhận của mình đối với xã hội Việt Nam dưới chế
độ xã hội chủ nghĩa sau ngày 30/4/1975. Tác giả cũng chưa
một lần trở về “thăm” quê hương bỏ lại, một nữ nhi vững tâm,
bền chí, giữ vững lập trường quốc gia dân tộc, đáng cho
người Việt tỵ nạn cộng sản nhất là giới trẻ noi theo.
thiên sứ micae – thánh bổn mạng sđnd qlvnch
|
hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
nguồn: internet eMail by nguyễn quốc đống chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, April 21, 2025
tkd . Khoá 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH