Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn Hè
Chủ đề:
Mùa Hè Đỏ Lửa 72
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Tháng
7 vừa đi qua, Châu Âu, đang là giữa mùa hè. Mới nửa hè thôi
nhưng, có thể nói, mùa hè Châu Âu, nhất là Tây Âu, năm 2022, là
mùa hè đổ lửa!
Lửa từ trời cao, lửa xuống, “thiên long
không ‘bát bộ’”, “thiên long” khạc lửa xuống trần! Cái thứ lửa vô
hình (như tam muội) mà nóng kinh khủng! Nóng từ Bồ Đào Nha, Tây
Ban Nha, nóng dài lên Pháp, dọc theo các tỉnh miền tây, đến tận
vùng Bretagne! Những cái “bao lơn” nhìn ra Đại Tây Dương, hứng
nóng nhiều hơn gió. Càng vào sâu đất liền, nóng càng dữ dội! Như
ở Toulouse, hôm 17/7, là 42.5°C. Như, trước đó, 15/7, ở Madrid,
là 49°C! Nhiều thành phố ở Bồ Đào Nha, Ý Đại Lợi, Hy Lạp cũng ghi
nhận những kỷ lục về nóng, 45, 46°C! Ngay Londres, “Sapa của Tây
Âu”, lần đầu tiên, hôm 19/7, đã vượt qua 40°C (40.3°C). Phía bắc,
ở Maastricht (Hoà Lan), có lúc đã lên 39.5°C!
Tháng 8 ở Pháp bắt đầu bằng đợt nóng
thứ ba! Đợt nhất là hôm 18/6, với cái nhiệt độ cao nhất 43°C ở
Biarritz (tây–nam Pháp), lướt sang 38°C ở Strasbourg (đông–bắc
Pháp). Đợt nhì bắt đầu hôm 12/7 với mấy “đỉnh cao” hôm 18, 19!
27/7, ông Hans Kluge, giám đốc Y Tế Thế
Giới (WHO) khu Châu Âu, loan tin, sau mấy đợt nóng khủng khiếp,
chỉ riêng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, đã có 1,700 người tử vong!
Mùa hè đổ lửa kéo theo mùa hè thiếu
nước. Trung Tâm Nghiên Cứu Chung (Centre Commun de Recherche) của
Ủy ban Châu Âu ước tính có 46% diện tích Châu Âu đang trong tình
trạng thiếu nước. Nhất là ở Pháp, Lỗ Ma Ni, Đức (miền tây), Ý,
Hy, v.v. Hạn hán đe dọa Châu Âu.
Không chỉ có thế. Cái nóng lâu ngày làm
cây chết, cỏ khô, khiến những cánh rừng là nơi rất dễ bị cháy.
Một tàn lửa bay khi đốt rạ hay từ một nơi nướng thịt (lậu). Một
điếu thuốc vùi không kỹ. Một chiếc xe bị bốc cháy gần rừng, v.v.
Là cả trăm, cả ngàn mẫu rừng thành tro than, là một số bất động
sản
[của]
người dân tan thành khói! Theo ký giả Nathalie Mayer
(futura–sciences.com), 40% cháy rừng là do những đứa bệnh hoạn
thích đốt rừng “chơi” (pyromane)!
40,000 ở Pháp, gần 190 ngàn ở Tây Ban
Nha, 40,000 ở Bồ Đào Nha. Tổng cộng gần 520 ngàn mẫu rừng, cây
(vegetation) ở Châu Âu bị thiêu đốt, từ đầu năm đến nay
(1/8/2022)! Ở Hoa Kỳ, tiểu bang California, hai đám cháy rừng
quan trọng xảy ra vào tuần cuối tháng 7: “Oak Fire” đốt trên
7,000 mẫu và “McKinney”: trên 20,000 mẫu, v.v.!
Mùa hè đổ lửa năm nay là mùa hè đỏ lửa!
Nhất là ở Tây Âu.
Nhân loại cần rừng vì chúng hấp thụ khí
CO2 [thán khí]. Không có rừng, khối lượng quan trọng CO2 trong
khí quyển sẽ góp phần vào những thay đổi tác hại đến khí hậu địa
cầu! Người ta ước tính gần phân nửa diện tích rừng trên trái đất
đã bị thiêu hủy! Và phải cần 70 đến 100 năm để phục hồi lại một
cánh rừng. Nhân số địa cầu ngày càng tăng, số thán khí thải ra
bởi con người (quá trình hô hấp, xe cộ, lò sưởi, v.v.) ngày càng
nhiều. Nếu rừng tiếp tục bị cháy như thế này: “ngày sau sẽ ra
sao”?!
Viết
đến đây lại nhớ một “lời–dạy–nổi–tiếng” (nói theo đảng CSVN) của
ông Hồ chí Minh: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây. Vì lợi ích 100 năm
trồng người”. Thật ra, câu này, như nhiều tuyên bố “nổi tiếng”
khác của “Bác”, cũng là... chôm từ mấy câu trong “bộ sách Quản Tử
管子”, tương truyền do Quản Trọng làm ra, kì thực là do người đời
sau mượn danh Quản Trọng biên soạn. Trong sách có thiên Quyền tu
权修, ở thiên Quyền tu này có đoạn:
Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc;
thập niên chi kế, mạc như thụ mộc;
chung
thân chi kế, mạc như thụ nhân.
Nhất thụ
nhất hoạch giả, cốc dã;
nhất thụ thập
hoạch giả, mộc dã;
nhất thụ bách hoạch
giả, nhân dã.
Ngã cẩu chủng chi, như
thần dụng chi,
cử sự như thần, duy vương
chi môn.
(Kế
cho một năm thì không gì bằng trồng lúa;
kế cho mười năm thì không gì bằng trồng cây;
kế cho suốt đời thì không gì bằng trồng người.
Trồng một mà lợi ích một đó là lúa;
trồng một mà lợi ích mười, đó là cây;
trồng một mà lợi ích một trăm đó là con người.
Nếu chúng ta chú trọng trồng người, thì hiệu dụng như thần,
làm việc mà thu được hiệu quả thần kì
thì chỉ có con đường của bậc vương giả mới có thể làm được).
(chuonghung.com)
“Vì lợi ích 100 năm trồng người”? Không
biết trong 20 năm (1954–1975) cầm quyền, Đảng CS của ông Hồ đã
trồng được bao nhiêu người nhưng, chỉ riêng trong trận “tái chiếm
Cổ thành Quảng Trị”(1972) của QLVNCH, không thôi, là đã có 16,000
bộ đội “sinh Bắc tử Trung”, như tác giả một bài viết trên website
CS “baodaklak.vn” (30/4/2017) đã thú nhận: “... Cuộc chiến đấu
‘mùa hè đỏ lửa’ năm 1972 mãi là khúc tráng ca trong lịch sử chiến
tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Trong 81 ngày đêm đó, đã có
gần 16,000 chiến sĩ hy sinh, hiện vẫn còn hơn 8,000 liệt sĩ chưa
tìm được hài cốt...”
“Mùa hè đỏ lửa” là tên cuốn bút ký
chiến trường (1973) của nhà văn Phan Nhật Nam, viết về những trận
phản công của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) khi Hà Nội,
trưa 30/3/1972, công khai vi phạm hiệp định Genève, xua đại quân
tràn qua Vĩ tuyến 17, cùng lúc với hàng loạt các sư đoàn trú đóng
ở Miên, Lào vượt biên giới tấn công miền Nam.
“Đánh lén, đánh tồi” là cái chiến lược
của Hà Nội. “Nghề của Đảng” đã từng được áp dụng trong Tết Mậu
Thân, “bổn cũ soạn lại” 1972, tái bản 1975! Đó cũng là cái chiến
lược đánh không cần thắng, chấp nhận thí quân, bao nhiêu cũng
được. Chỉ cần “gây chú ý” quốc tế, mang lại “trọng lượng” trên
bàn hội nghị!
“Mùa hè đỏ lửa” là 4 chữ có cầu chứng tại tòa (“copyright”) của
nhà văn Phan Nhật Nam. Trước 75, “4–chữ–này” được người miền Nam
dùng để vinh danh QLVNCH với các chiến tích hào hùng, bi tráng
bên cạnh những thất bại nặng nề của Cộng quân. Bây giờ,
“4–chữ–đó” được giới truyền thông CS tỉnh bơ dùng lại, dĩ nhiên
là để tung hô những “chiến thắng dỏm” của cái quân lực xâm lăng
năm 72. Tôi nghĩ, phe ta ở quê nhà, đọc báo, nghe “đài”, hẳn phải
ngao ngán trước cái “dạn dầy” của “đỉnh cao trí tuệ”: bị chửi mà
vẫn tỉnh bơ dùng mấy câu người ta chửi mình mà... “tự sướng”!
Nói “mùa hè đỏ lửa” nhưng chiến trận đã
bắt đầu từ “mùa xuân lửa đỏ” (30/3/1972). Nên, với Hoa Kỳ là
“Cuộc tấn công mùa Phục Sinh” (The Easter Offensive), với CS là
“chiến dịch Xuân Hè”!
“Mùa hè đỏ lửa 72” đã được Tổng thống
Nguyễn văn Thiệu thu gọn trong mấy câu: “Bình Long Anh Dũng –
Kontum Kiêu Hùng – Trị Thiên Vùng Dậy – Bình Định Quyết Chiến
Quyết Thắng”.
Bình Long Anh Dũng:
Thị xã An Lộc, quận Châu thành của tỉnh
Binh Long (vùng 3 chiến thuật), là nơi mà sau 66 ngày
đêm(8/4–12/6), mỗi ô vuông cây số đã hứng gần 60,000 quả đạn của
Cộng quân (Mùa hè đỏ lửa/Phan Nhật Nam). Nhưng, trước một quân số
đông gần gấp 5 lần, An Lộc đã đứng vững!
An Lộc đã đứng vững nhờ sự chiến đấu
can trường của các chiến sĩ: Sư Đoàn 5 (Tướng Lê văn Hưng), Liên
Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Liên Đoàn Biệt Động Quân, Lữ Đoàn 1 Nhảy
Dù, các quân nhân Tiểu khu Bình Long (Đại tá Trần Văn Nhật),
Trung Đoàn 15 (Sư Đoàn 9), Sư Đoàn 21, Không Quân, v.v.
An Lộc phải đứng vững để cho Bình Long
Anh Dũng.
Nói
đến An Lộc thì không thể nào không nhắc đến hai câu thơ của một
cô giáo trẻ của An Lộc đã vinh danh các chiến sĩ Biệt Cách Dù.
Tại sao lại Biệt Cách Dù mà không là quân nhân các binh chủng
khác, thì Đại úy BCD Lê Đắc Lực đã kể lại trong “Tàn cơn binh
lửa” (2014):
Về hai câu
đối ghi ở Đài Tử Sĩ Tổ Quốc Tri Ơn, phát xuất từ hai Câu Thơ của
Cô Giáo Pha dạy ở trường Tiểu Học thị xã Bình Long. Cô Pha trúng
đạn pháo kích bị thương ở chân, không di chuyển được. Biệt Cách
Dù đưa Cô về trạm xá Dã Chiến ở cạnh Bộ Chỉ Huy chăm sóc. Khi
thương tích đã bớt, đi lại được bằng đôi nạng gỗ do các chiến sĩ
Biệt Cách Dù tự chế, hằng ngày cô nhìn qua cửa sổ, thấy chúng tôi
dưới làn mưa đạn, mịt mù khói lửa đang cặm cụi chôn cất, đắp mộ,
dựng bia cho các đồng đội đã hy sinh. Xúc cảm trước những tử vong
cao cả này và với lòng cảm mến, đội ơn sâu xa của một người dân
với Quân Đội VNCH nói chung và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù nói
riêng, cô đã sáng tác hai câu thơ:
“An Lộc Địa Sử lưu chiến tích,
Biệt Cách Dù vị Quốc vong thân”
Kontum kiêu hùng:
Mặt trận Kontum (vùng 2 chiến thuật)
khởi đầu với “Người ở lại Charlie” Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn
trưởng [Tiểu Đoàn]
11 Dù, hy sinh ngày 12/4. Mất Charlie, TĐ7 Dù
ở Delta phải rút đi. Cộng quân tiến đánh Tân Cảnh, bản doanh Sư
Đoàn 22 (Đại tá Lê Đức Đạt). 21/4, Tân Cảnh mất, Đại tá Đạt “mất
tích”. 20 ngày sau khi củng cố lại lực lượng, 14/5, Công quân tấn
công Kontum. Nhưng hai tuần sau đó, đã phải chém vè chạy, trước
sức phản công của “Đường Sơn Đại Huynh” Lý Tòng Bá, (tân) tư lệnh
Sư Đoàn 23, cùng 11 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân biên phòng, thêm sự
yểm trợ tích cực của Không Quân.
Bình Định quyết chiến, quyết thắng:
Có lẽ Bình Định là mặt trận ít “sôi
động” nhất trong mùa hè đỏ lửa nhưng không phải vì thế mà không
quan trọng. Bởi, trong 3 tháng (từ tháng 4), Hà Nội đã xua quân
đánh chiếm 3 quận phía bắc Bình Định: Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ,
rồi: Bồng Sơn, Tam Quan, v.v. trong chính sách “chiếm đất, giành
dân”, chuẩn bị cho giải pháp “da beo” ở Hội nghị Ba Lê.
Do tình hình chiến sự quan trọng trong
nước, mãi đến tháng 7, Quân Đoàn 2 mới khởi đầu các cuộc hành
quân tái chiếm lại các phần đất đã mất. Lực lượng chủ yếu là Sư
Đoàn 22 và Liên Đoàn 2 BĐQ. Không phản công thì thôi, công rồi
thì chỉ 3 tuần sau là lấy lại các phần đất đã bị giặc tạm chiếm.
Đất Tây Sơn mà, đâu phải ai muốn vô thì vô!
Trị Thiên vùng dậy:
Trận chiến sôi động nhất, quan trọng
nhất, “đỏ lửa” nhất, phải là mặt trận Quảng Trị, nhất là với trận
tái chiếm “Cổ Thành”.
Cổ thành hay thành cổ?
Để phân biệt “văn hóa ưu việt”(!) khác
với “văn hóa tư bản bóc lột”, người CS “chế” ra những từ mới
(“ngụy”, bức–xúc, quá–độ (chuẩn bị), v.v.) “Chế” không nổi thì...
đọc ngược lại những từ đã có: “khai triển” trở thành “triển
khai”, “bảo đảm” thành “đảm bảo”, “đơn giản” thành “giản đơn”
(như đang giỡn?), v.v. Không cần đúng, không cần logique, v.v.
chỉ cần khác với “Ngụy” là được! Như “Cổ thành” (VNCH) và “thành
cổ” (chữ CS).
Cổ (trong Cổ Thành) là từ Hán–Việt, có nghĩa là “xưa, cũ”. “Đập
cổ kính ra tìm lấy bóng”, “Nhân sinh thất thập cổ lai hy “, cổ
nhân, chuyện cổ tích, thời cổ đại, cổ nhạc, cổ văn, cổ điển, cổ
mộ, v.v. Tuy cổ = xưa nhưng ta không dùng “cổ hương”, mà là
“Hương xưa”; không có “Diễm cổ”, mà là “Diễm xưa” (cô Diễm, cổ
(cô ấy)... lại có nghĩa khác); không có “trở về mái nhà cổ” mà là
“trở về mái nhà xưa”; không có “cây đa cũ, bến đò cổ”, mà là “cây
đa cũ, bến đò xưa”, v.v. Trái lại, ta nói “thú chơi đồ cổ” (Vương
Hồng Sển), mà không “thú chơi đồ xưa”, nói “cây cổ thụ”, mà không
“cây xưa”, v.v.
Theo nhà văn Phạm Phong Dinh, Cổ Thành
ở Quảng Trị được xây xong (bằng gạch) năm 1838 ([triều]
vua Minh
Mạng), dùng làm đồn binh. Sau 1954, Cổ Thành là nơi đặt Bộ Chỉ
Huy Chiến Thuật (Quân Đoàn I), được Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đặt
tên là Cổ Thành Đinh Công Tráng. Trước 75, cổ thành này được
người miền Nam gọi là cổ thành Đinh Công Tráng hay vỏn vẹn “Cổ
Thành “ (danh từ riêng, viết hoa): bản doanh của Sư Đoàn 3. Sau
mùa hè 72, một số người gọi là Cổ Thành Quảng Trị (tên ghép của 2
danh từ riêng “Cổ Thành & Quảng Trị”). Dường như, trước 75, miền
Nam chỉ có một “Cổ Thành” (?): Cổ Thành Đinh Công Tráng, ở Quảng
Trị.
Bây giờ,
vào Google gõ “Cổ thành Quảng Trị” thì chỉ thấy toàn là “Thành cổ
Quảng Trị”(!) cùng những tuyên truyền, láo khoét, nổ văng miểng
tùm lum! Nào là “bản tráng ca 81 ngày đêm” (vừa tráng... nhựa
đường, vừa ca?), “chiến thắng thành cổ Quảng Trị” (phải rút quân
sau 81 ngày đêm mà vẫn tỉnh bơ gọi là “chiến thắng”?!), v.v.
Thành cổ Quảng Trị. Đọc lên, nghe đã
không lọt tai, do hai âm “hỏi” đứng gần nhau (Cổ & Quảng), lại
không rõ ràng, người không biết chuyện, cứ ngỡ là cái thành cổ
mang tên Quảng Trị! Hay thành “Đinh Công Tráng” đã đổi tên là
thành “Quảng Trị” rồi mà tôi không biết (?)!
Cuối tháng 3, Bắc quân tràn qua Vĩ
tuyến 17. Ngày 2/5, Quảng Trị lọt vào tay CS! Ngày 3/5, Trung
tướng Ngô Quang Trưởng, đang là Tư lệnh Quân Đoàn IV, được Tổng
thống Thiệu bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn I thay Tướng Hoàng
xuân Lãm. Trận tái chiếm Quảng Trị bắt đầu với chiến dịch Lam Sơn
72 (28/6) của Tướng Trưởng. Bắt đầu, sau khi Hà Nội ra lệnh cho
lực lượng chính quy phải tử thủ Quảng Trị bằng mọi giá, hầu lập
“thủ đô” cho chính phủ bù nhìn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam!
Lực lượng chính của chiến dịch Lam Sơn
là hai Sư Đoàn Tổng Trừ Bị: Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến, với
hai vị tân Tư Lệnh: (quyền) Tư Lệnh Dù: (tân) Chuẩn tướng Lê
Quang Lưỡng, Tư Lệnh TQLC: Chuẩn tướng Bùi Thế Lân. Cùng với sự
tham gia của các chiến sĩ Sư Đoàn 1, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, 2
Thiết Đoàn 7, 18, Không Quân, Hải Pháo, v.v.
28/6–27/7: “Dù” được giao nhiệm vụ bằng
vàng: tái chiếm Cổ Thành. Mũi tấn công chính là Tiểu Đoàn 5 (Tiểu
Đoàn của 5 ông tướng, trong đó có các tướng: Trưởng, Phú, Nam)
của Trung tá Nguyễn chí Hiếu (cùng khóa 14 Đà Lạt với “Người ở
lại Charlie”). Ông Hiếu giao nhiệm vụ cắm cờ trên Cổ Thành cho
hai thằng con: “51” (Đại úy Trương Đăng Sỹ) và “52” (Trung úy Hồ
Tường). Tối 25/7, lần đầu tiên, cờ vàng được cắm ở một góc thành,
nhưng địch pháo rát quá, phải lui! Sáng 26/7, cờ được cắm lần
hai, lần này thì một Phi tuần A37 của Không quân Hoa Kỳ oanh kích
lầm (!) vào “51”, “52”, làm tử thương hơn nửa số quân!!!
Sáng 27/7, nhiệm vụ tái chiếm Cổ Thành
được giao lại cho Thủy Quân Lục Chiến.
Rạng ngày 15/9, sau 52 ngày thay thế SĐ
Dù, những quân nhân của TĐ3 và TĐ6 TQLC đã dựng được cờ trên cổng
thành Đinh Công Tráng. Bằng máu và thân xác của rất nhiều chiến
hữu Sư Đoàn! Lễ thượng kỳ chính thức đã diễn ra lúc 12h45 ngày
16/9/1972.
Trị Thiên vùng dậy sau 4 tháng rưỡi ê
chề trong tay “giặc cờ đỏ”!
“Trên đầu súng quê hương, tổ quốc đã
vươn mình” (Anh Việt Thu)
Điều đáng nói trong trận tái chiếm
Quảng Trị này, là mối liên hệ “đặc biệt” giữa đa số các cấp chỉ
huy mặt trận: ngoài tình “huynh đệ chi binh” còn là “đồng khóa
chi binh”.
Như, xuất thân Võ Khoa Thủ Đức, cùng học “Khóa 4 Cương Quyết 1”
(1953–1954) là 3 “Đại Bàng”: Ngô Quang Trưởng (Tư Lệnh Quân
Đoàn), Lê Quang Lưỡng (Tư Lệnh Dù), Bùi thế Lân (Tư lệnh TQLC),
chưa nói đến Đại tá Nguyễn Văn Điềm, tư lệnh phó SĐ 1 BB (sau lên
Tư Lệnh) đang yểm trợ sau lưng. Cùng tốt nghiệp “Khóa 4 phụ Cương
Quyết 2 (1954)” là các vị: Đại tá Ngô Văn Định (Lữ Đoàn Trưởng
258 TQLC), Đại tá Phạm văn Chung (LĐT 369 TQLC), Đại Tá Trần Quốc
Lịch (Lữ Đoàn 2 Dù).
Ở Võ Bị Đà Lạt, là các sĩ quan tốt
nghiệp khóa 16 “Ấp Chiến Lược”(1959–196): thủ khoa “trạng nguyên”
Thiếu tá Bùi Quyền (sau là TĐ Trưởng “5” Dù), “bảng nhãn”: Trung
tá Nguyễn xuân Phúc (TĐ Trưởng 2 (giai đoạn đầu chiến dịch) Trâu
Điên TQLC), “thám hoa”: Trung tá Trần đăng Khôi (TĐ Trưởng 7 Dù),
Trung tá Đỗ Hữu Tùng (TĐ Trưởng 6 Thần Ưng TQLC), Thiếu tá Nguyễn
Văn Cảnh (TĐ Trưởng 3 Sói Biển), Trung tá Nguyễn Kim Để (TĐ
Trưởng 9 Mãnh Hổ TQLC), Trung tá Nguyễn Đằng Tống (TĐ Trưởng 4
Kình Ngư).
Có
lẽ nhờ “cùng khóa, chung thầy”, biết nhau từ khi là khóa sinh,
nên các vị đã ăn ý, phối hợp nhịp nhàng, đưa đến chiến thắng vinh
quang (đúng nghĩa).
Ngày 20/9, khi đến mặt trận Trị Thiên
thăm hỏi và ân thưởng các chiến sĩ, Tổng thống Thiệu đã ghé Vương
Cung Thánh Đường La Vang. Tấm ảnh chụp ông dở nón, quỳ cầu nguyện
trong Thánh Đường làm tôi xúc động! Hình ảnh một vị nguyên thủ
quốc gia, giữa giáo đường đổ nát hoang tàn, một mình chắp tay cầu
nguyện, là một hình ảnh đẹp và buồn. Tôi không tin tấm ảnh đó
được “đạo diễn”. Ông Thiệu không phải là người thích “đóng phim”
như ông Hồ (“Đêm giữa ban ngày”, Vũ thư Hiên). Miền Nam không có
chủ nghĩa “tam Vô, độc đảng”.
Một người biết tin vào Ơn Trên thì
không thể nào ra lệnh thảm sát mấy ngàn đồng bào mình ở Huế, pháo
vào chùa chiền, nhà thờ, trường tiểu học, chợ búa, xả súng vào
người dân chạy giặc trên quốc lộ 1, v.v. Ông Nguyễn Tiến Hưng kể
lại trong “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” (Thanh Sơn xuất bản 2010,
trang 404): “...
Có lần ông Thiệu hỏi người Mỹ nghĩ thế nào về
ông, chúng tôi nói về một hai khía cạnh: Khen có, chê có, rồi
thêm: ‘Tôi nghe một tướng Mỹ nói là Tổng thống nhu nhược.’ Ông
Thiệu hỏi tại sao? Tôi trả lời là ông ấy nói ‘Tổng thống không
cương quyết đủ để ra lệnh tử hình khi cần thiết để làm gương.’
Ông nhìn tôi giây lát rồi chậm rãi nói: ‘Suốt đời, tôi đã tránh
không có cái nợ máu.’”
Không thấy tài liệu Việt Nam nào (sách
báo, internet, v.v.) ghi rõ số nạn nhân (lính & dân) trong “mùa
hè đỏ lửa”, tài liệu “VN” thì “I... can you” (đừng tin những gì
CS nói, càng không tin những gì CS viết). Họa hoằn lắm, trên các
“website” nhỏ, ít người xem, mới thấy ký giả “hớ hênh”, nhá lên
vài chi tiết có thật. Như con số 16,000 bộ đội tử vong trong trận
“Cổ Thành” (baodaklak.vn).
Trên website
https://www.vietnamwar50th.com, tôi đọc được con số của ông
Graham A. Cosmas, một người viết Quân sử Hoa Kỳ, đưa ra:
100,000 cán binh CS thương vong. Phía
VNCH: khoảng 43,000 (trong đó 10,000 tử vong); 25,000 thường
dân(VNCH) thiệt mạng. Và gần 1,000,000 người mất nhà (vô gia cư):
những con số “khủng khiếp” đó đã nói lên cường độ và tầm quan
trọng của các trận chiến.
Trên Thoughtco.com, Kennedy Hickman cho
thêm chi tiết về phía CSBV: 40.000 chết, 60.000 bị thương và mất
tích!
Ngày 15/9/1972, trong khi các chiến sĩ TQLC đã đổ máu, hy
sinh mạng sống để cắm được quốc kỳ VNCH trên Cổ Thành thì, theo
lời kể của ông Nguyễn Tiến Hưng (sđd, trang 204) ngay ngày đó, Lê
Đức Thọ đưa cho Kissinger một “đề nghi 10 điểm”, trong đó có việc
thiết lập một “Chính phủ Hòa Hợp và Hòa Giải Dân Tộc lâm thời
‘gồm 3 thành phần bằng nhau: VNCH, Mặt Trận Giải Phóng và thành
phần thứ ba’! Ông Thiệu cương quyết từ chối vì đó là một chính
phủ liên hiệp với MTGP! Ngày 6/10, ông Nixon gởi ông Thiệu một lá
thư, nói bóng gió về cái chết của ông Diệm: ‘Xin Ngài cố áp dụng
mọi biện pháp để tránh sinh ra sau này một tình huống có thể đưa
tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm
năm 1963...’”(sđd, trang 390).
Thật là khốn nạn!
.....
“Mùa hè đỏ lửa” Tây Âu năm nay, 2022,
hoàn toàn khác với cái mùa hè “trùng tên” 50 năm trước ở Đông Nam
Á: “mùa–hè–đỏ–lửa” ở miền Nam Việt Nam, năm 1972.
“Mùa hè đỏ lửa” Tây Âu khiến những dãy
rừng cháy đen, những khoảng đất trống vàng vọt, xám tro, những
đồi trọc, những rừng thưa, những thân cây trụi lá, những cụm khói
vương vất, v.v. Khác với “mùa hè đỏ lửa” Việt Nam là một “mùa hè
của lửa”. Lửa từ bom rơi. Lửa do đạn pháo. Lửa thiêu nhà. Lửa đốt
người (!). Thiêu cả đời sống xung quanh!
“Mùa hè đỏ lửa” 72 cũng là “mùa hè đỏ
máu”. Máu từ xác em thơ. Máu từ ngực cụ già. Máu dân và máu lính
(Cộng Hòa/Cộng Sản) nhuộm đỏ 3 “vùng” đất nước miền Nam! Máu tươi
và máu khô. Máu khô của gần 2,000 xác người dân Quảng Trị chạy
giặc, bị pháo CS, nằm chết không được chôn trong mấy tháng trời,
trên “đại–lộ–kinh–hoàng”: đoạn đường dài 5,274 mét, v.v.
[1]
“Mùa hè đỏ lửa” 72 cũng là “mùa hè đổ
nát”. Của Thánh Đường. Của phố phường. Của các ngôi trường. Của
những lầu chuông, v.v.!
“Mùa hè đỏ lửa” 2022 giết rừng, giết
một số động vật, thiêu hủy một số tài sản người dân. “Mùa hè đỏ
lửa” 1972 giết người, giết vật, giết làng quê, giết thành phố,
giết cả thiên nhiên, v.v. ! Địa ngục là có thật!
1972–2022: 50 năm sau,
xin thắp nén tâm hương, tưởng niệm những người đã bỏ mình trong
“mùa hè đỏ lửa”, phía “bên này” hay phía “bên kia”, cho các mưu
đồ chính trị phi nhân của Đảng Cộng Sản Việt Nam!
“Đông
và Tây không bao giờ gặp nhau”
Ngay cả những “mùa–hè–đỏ–lửa”!
BP
[1]
https://vietluan.com.au/74997/50-nam-dai-lo-kinh-hoang-1972-2022-ky-su-di-nhat-xac-dong-bao-quang-tri-tren-dai-lo-kinh-hoang
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, September 30,
2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang