|
Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn THU
Chủ đề:
Thu VÀNG
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Thu đến với trần gian từ 23/9. Hôm nay, là
20/12/2022: ngày cuối thu. Tôi vẫy tay: chào thu, ngày cuối!
Năm 1944, có
chàng Bình Định trọ học ở Huế nói với ngày tháng 9: “Tháng 9 rồi
/ Ngày mỏng quá ngày ơi!”. Chàng trai đó là anh thanh niên 19
tuổi Đoàn thế Nhơn, tên thật của nhà văn Võ Phiến. Câu đó là câu
đầu trong bài “Thu Ca”:
Tháng 9 rồi
Ngày mỏng quá ngày ơi
Sắc xanh là sắc da
trời
Mong manh là khói lặng lời là mây.
...
Thời tiết
Việt Nam, chỉ miền Bắc mới có đủ 4 mùa, còn Trung và Nam: mưa,
nắng chia nhau 12 tháng. (Thu miền Nam không có lá vàng bay / Anh
phải nói buồn chúng ta màu trắng... Nguyễn tất Nhiên)
Tháng 9 là tháng Huế bước vào mùa mưa.
Mà mưa ở Huế thì... khỏi nói! Bụi đời như Nguyễn Bính mà còn phải
“bán” than:
“Giời mưa ở Huế sao... buồn thế!
Cứ kéo
dài ra đến mấy ngày.
Thềm cũ nôn nao đàn
kiến đói.
Giời mờ ngao ngán một loài
mây”.
Mưa dai
dẳng. Mưa nhì nhằng. Mưa tầm tã. Mưa buồn bã. Không nằm nhà ngó
kiến, ngó mây thì cũng cùng vài anh bạn “sầu nghiêng mái quán,
mưa tong tả / chén ứa men lành, lạnh ngón tay!”. Cũng may, Huế
tháng 9 không chỉ mưa và mưa. Gặp ngày nắng, Huế đẹp như Hà Nội
ngày thu. Nên người Võ Phiến mới “thu–ca–ngày–mỏng”
Nói về một
ngày, ta có: ngày hên, ngày xui; ngày vui, ngày buồn; ngày mưa,
ngày nắng; ngày vắn, ngày dài, v.v. Nhưng ngày mỏng? – Tôi nghĩ
(qua những câu thơ Võ Phiến) “mỏng” ở đây, vừa có nghĩa mỏng dính
(trong suốt), vừa có nghĩa dàn mỏng. Do cái bầu trời xanh, vài
đám mây lặng lờ (không bay), do những làn khói uốn éo, hư ảo,
trong một không gian im vắng, chỉ “mình ta với một mình thu”.
Phút giây đó, rất có thể là một buổi sáng nhưng, theo tôi, đó
“phải” là một buổi trưa. Chỉ có buổi trưa mới mang lại sự tĩnh
lặng, sau một buổi sáng nhập vào vòng quay cuộc sống.
Ở Cali, gần
40 năm sau, năm 1983, có người đàn ông tuổi lục tuần, thảng thốt
kêu lên: “Đã thu về đó, hỡi ơi người tình!”. Người đàn ông đó là
Phạm Duy. Ông bắt đầu ca khúc “Tình thu” bằng câu nói với tình
nhân: “Đã thu về đó!”. Mới đó mà, tình ơi: thu đã về rồi!
Cùng nói về
“thu”, cái giống nhau giữa ông Võ và ông Phạm là cái cảm xúc của
một người “lạ” trước mùa thu “bản xứ”: ông Võ... Bình Định “thu
ca Huế”, ông Phạm Sài Gòn “tình–thu–Cali”. Cả 2 sáng tác đều được
cài vào mấy câu lục bát:
“Đã thu về đó, hỡi ơi người tình
Đã già hơn nửa hành trình thương yêu
Đã
nghe nhịp sống (ới ơ) đìu hiu
Đã nghe
gần gũi nhạc thiều âm ty...”.
“Tình thu” không phải là ca khúc “lục
bát” đầu tiên của Phạm Duy mà, ngay từ một (trong những) sáng tác
đầu tay: “Cây đàn bỏ quên” (1945), nhịp điệu ca dao đã được ông
mang vào lời hát:
“Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ bỏ quên cây đàn
Đêm khuya
thao thức mơ màng
Chờ mai tìm đến cô
nàng ngây thơ...”.
Dường như, đó cũng là ca khúc “phổ thơ
lục bát” đầu tiên trong âm nhạc Việt Nam(?)
Nếu chỉ nói
về thời gian (trên lịch), “hành trình” 4 mùa ở Bắc và Nam bán cầu
không giống nhau. Mùa thu ở Bắc bán cầu bắt đầu (khoảng) 21/9 –
(khoảng) 21/12 trong khi ở Nam bán cầu thì (khoảng) 21/3 –
(khoảng) 21/6. Tuy nhiên, với các quốc gia sử dụng dương lẫn âm
lịch (Tàu, Nhật, Hàn, Việt), do năm được chia làm 24 giai đoạn
(période), mỗi giai đoạn là ~15 ngày, nên mùa ở các xứ này đi
trước hơn các quốc gia Bắc bán cầu khoảng 45 (15x3)ngày: đầu thu
ở Việt Nam là ngày 7(8) tháng 8. Nên, tháng 9, “ngày mỏng” ở Huế,
là đã giữa thu rồi: thu Việt Nam.
Cùng nói về “thu” nhưng cái khác nhau
giữa ông Võ và ông Phạm: bên là Thu Huế, bên Thu Cali; bên tả
cảnh, bên tả tình. Nếu “Thu ca” của chàng thanh niên 19 tuổi là
cảm xúc của một người trẻ, một mình trước cái không gian của một
ngày “thu–mỏng”, thì “Tình–thu” của người đàn ông lục tuần (62
tuổi) là tâm tình của một người sắp bước vào hoàng hôn cuộc đời:
tuổi đi hưu nhưng lòng chưa hưu. “Đã Thu vàng úa (ới ơ) tình rồi.
Tôi còn mê mải cuộc đời đi quanh”.
Thu vàng thì cứ vàng, “tôi còn yêu thì
tôi cứ yêu”.
Không biết sao, người ta chỉ lấy mùa xuân để nói về tuổi? “Tuổi
xuân” là tuổi... trẻ, tuổi của “trăng tròn”, của “bẻ gãy sừng
trâu”, v.v. Theo “định nghĩa” của Liên hiệp quốc, tuổi trẻ là từ
15–24, mà ta còn gọi là tuổi “thanh–xuân”, thanh–xuân như khúc
hát (Phạm Duy), như một câu “thơ” (trên mạng): “thanh xuân như
một ly trà / trà là để uống, em là để yêu! “. Sau “thanh–xuân” là
“tuổi xuân” (?). Là từ 25–34? (35 không phải là tuổi xuân mà là
tuổi... sung, tuổi của “sư phụ”). Sau “xuân”, dù không có
“tàn–xuân”, nhưng ta có “hồi–xuân”.
Không có tuổi–hạ, tuổi–đông nhưng có
tuổi–thu, ít nhất, cũng là với thi sĩ Bàng bá Lân (Nguyễn ngọc
Lân), khi ông hạ bút:
“Vào thu là đã xế chiều
Đã già hơn nửa cái điều nhân sinh
Trông
gương mình lại thẹn mình
Giận chưa thỏa
chí bình sinh đã già!”.
Tôi không biết bài thơ được viết lúc
nào, chỉ biết ông sinh 1912, như thế, có lẽ, nó được ông viết,
sớm nhất, cũng ở tuổi... 50 (hơn nửa cái điều “nhân sinh”?). Thập
niên 60s, tôi còn nghe mấy ông bạn bố tôi (thế hệ Bàng quân) hay
ngâm câu “nhân sinh thất thập cổ lai hy “ (con người ta, sống đến
70, là hy hữu lắm!). Không biết cái chí bình sinh của ông Bàng là
gì mà đến đỗi ông phải “giận” lên vì chưa thỏa? – Có như nhà thơ
Nguyễn Bính “Hỡi ôi, chí lớn trong thiên hạ / Góp lại, chưa đầy
mắt mỹ nhân “!?
1972–2022. 50 năm trước, ở miền Nam, có
một mùa thu lạ lẫm! Lạ lẫm vì, sau một “mùa hè đỏ lửa” tang
thương, ngập máu, là một “mùa thu vàng cờ” chiến thắng, vinh
quang.
“Cờ
bay! Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu
vừa chiếm lại đêm qua bằng máu...”.
“Cờ bay trên thành phố Quảng Trị” là
một trong những ca khúc mà mỗi lần nghe tôi đều xúc động! Nhịp
quân hành, uy dũng, lời cảm động, đầy ắp tình người. Có lẽ đây là
ca khúc, ngoài quốc ca VNCH, mà chữ “giải phóng” được vùng đúng
nghĩa nhất. Hãy đọc từng chữ, để thấm từng câu.
Như mong ước của một người Lính Sư Đoàn
1 BB mà nhà văn Phan Nhật Nam đã ghi lại trong “Mùa hè đỏ lửa”:
“Nếu được hành quân tái chiếm Quảng Trị, tôi sẽ cúng một con
heo”!, hãy hình dung một thành phố “vừa được chiếm lại bằng máu”
người, người Lính miền Nam. Rồi Dân và Lính “ôm nhau, mắt lệ
nghẹn ngào”, rồi “cúi quỳ hôn đất thân yêu”.
Biết bao
nhiêu người đã chết, đã tàn phế, biết bao nhiêu gia đình đã mất
người thân, ở phía bên này hay phía bên kia, chỉ để dựng lại một
ngọn cờ. Nhưng: không dựng thì không được! Lá cờ Vàng đó không
chỉ là một mảnh vải suông, mà nó là biểu tượng của Việt Nam Cộng
Hòa, của một quốc gia Tự Do, đã được nhiều quốc gia trên thế giới
công nhận và thiết lập bang giao. Cái biên giới “vĩ tuyến 17” đã
được ghi rõ trong hiệp định Geneve, đã được long trọng ký kết
giữa nhiều quốc gia, thì không phải một sớm, một chiều, bất cứ
một ai cũng có thể cầm cục tẩy mà xóa ngon ơ! Không. Không phải
cứ mang súng đạn Nga, Tàu, cứ ra lệnh tử thủ, cứ xiềng chân bộ
đội Việt Nam vào nhau, v.v. là có chiến thắng.
Tử thủ của Hà
Nội không mang lại kết quả gì khi gặp Quyết–chiến của Sài Gòn,
ngoài 100,000 bộ đội thương vong!
Ngày 16/9/1972, có một “thành phố” (qua “Cổ Thành”) trên thế giới đã được chiếm lại từ tay giặc bằng máu, bằng xác, bằng xương, bằng nước mắt, bằng tang thương. Thành phố đó là Quảng Trị, của Việt Nam Cộng Hòa. Cho thành hình ca khúc “Cờ ta bay trên thành phố Quảng Trị”, sáng tác bởi Trương hoàng Xuân & Lê Kim Hoa (Lê Kim Hoa là tên người yêu của thi sĩ Tô kiều Ngân / theo nhạc sĩ Trần chí Phúc). Xin ghi lại đây như một vinh danh, môt cảm ơn, một nén hương, kính gởi đến những quân nhân VNCH: những người còn sống hay đã mất, đã chiến đấu trong “mùa hè đỏ lửa”, trên khắp 4 vùng chiến thuật.
Cờ bay trên thành phố Quảng Trị
Nhạc: Trương hoàng Xuân
Lời: Tô kiều
Ngân
Cờ bay!
Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu
Cờ bay!
Cờ bay tung trời ta về với quê hương
Từng ngóng đợi quân ta tiến về
Ta ôm
nhau mắt lệ nghẹn ngào quỳ hôn đất thân yêu
Quảng Trị ơi, chào quê hương giải phóng
Hồi sinh rồi này mẹ này em
Vui hôm nay
qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời
Đi
lên! Đi lên trên hoang tàn ta xây dựng ngày mai
Nhà vươn lên người vươn lên
Quân bên dân
xây tin yêu đời mới
Đón nhau về, anh đưa
em về Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà
Sạch
bóng thù, đồng hân hoan quân dân vui
Vang câu hát tự do...
(Thu 1972)
https://www.youtube.com/watch?v=jWYvNyt-wDI
Bao giờ cờ Vàng sẽ phất phới lại trên
thủ đô Sài Gòn?!
Để lúa chín ngoài đồng, để cúc sáng đầu
xuân, để ngày hè rực nắng, để đêm thu tròn trăng, v.v. sẽ được
Vàng lại sắc Tự Do.
BP
Thu–2022
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
|
Hình nền: Đêm Thánh với muôn muôn vàn vì tinh tú... Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, December 20, 2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang