Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy bút
Chủ đề:
50 năm qh30t4đ
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Bây
giờ là những ngày đầu tháng 4 năm 2025, tháng bắt đầu với
nhiều biến động, ở Pháp!
Đầu tiên là chuyện bà Le
Pen, lãnh đạo đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (Rassemblement
National), bị tòa tuyên án 4 năm tù và tước quyền ứng cử
trong 5 năm vì tội biển thủ công quỹ: dùng ngân sách Quốc
Hội Liên Âu (4.6 triệu Euro) để trả lương cho các nhân viên,
thay vì làm việc cho các dân biểu RN trong Quốc Hội Liên–Âu,
thì họ làm việc riêng cho đảng RN của bà. Tội tù gì không
biết nhưng tước quyền ứng cử là chuyện sống chết chính trị
của bà Le Pen. Bởi vì, sau 2 lần bị ông Macron loại ở vòng
“chung kết” tổng thống, lần thứ ba, năm 2027, nhiều kết quả
thăm dò dư luận cho thấy bà có nhiều hy vọng trở thành vị nữ
tổng thống đầu tiên của Pháp, thì bà lại bị tước quyền ứng
cử, tạo nên “biến động chính trường” ở Pháp. Nhiều nhân vật
chính trị, nhất là các dân biểu RN, đã chỉ trích “tư pháp
can thiệp vào lập pháp nhiều”, mặc dầu cái luật đó là do lập
pháp đưa ra!
Có vài điều tôi không hiểu. Chuyện bà Le
Pen có thể bị tước quyền ứng cử là chuyện mà ai cũng biết từ
khuya, nói gì đến đảng RN. Nhưng có vẻ như họ không chuẩn bị
một đường lối nào để đối phó với tình huống này (?). Nên khi
bị kêu án thì lúng túng, họp hành khẩn cấp, đưa người phản
công trên khắp các “mặt trận truyền thông”. Rồi thì kiến
nghị phản đối, tổ chức biểu tình, v.v. Người Pháp vẫn thường
nói “personne n’est irremplacable”, “không có mợ thì chợ vẫn
đông”. Nếu bà Le Pen không ứng cử được thì ông Bardella, Chủ
Tịch Đảng RN, để đó làm chi???!!
Cũng như chuyện ông
Trump khơi màu “chiến tranh quan thuế” với toàn thế giới,
tăng thêm thuế nhập cảng vào Hoa Kỳ, theo đường lối “ăn
miếng, trả miếng”, làm rúng động các xí nghiệp, cơ sở xuất
cảng hàng hóa Pháp sang Mỹ (nhất là rượu, mỹ phẩm, nước hoa,
v.v.)! Cục đất ném đi, hòn chì ném lại! Như Việt Nam đánh
thuế (nhập) 90% hàng Mỹ (theo Trump) thì Mỹ trả đòn, tăng
46%! Hàng nhập Liên Âu chịu 20%, Tàu: 34%, Nhật: 24%, Ấn:
26%, v.v. Chuyện phải đến, đã đến! “Make america great
again”. “Nhiều” (?) người quên rằng, ông Trump là người
thương–trường nhảy vào chính–trường. Tôi không biết ông có
là một chính trị gia giỏi không nhưng tôi biết ông là một
tay buôn có hạng. Nhất là một tay buôn nhà đất! Ông áp dụng
mánh lới thương trường vào chính trường. Tớ “ra” như thế,
cậu nghĩ thế nào? Trả giá đi! Thì đây, tin mới nhất cho hay
Việt Nam đã đồng ý giảm thuế hàng nhập Mỹ xuống 0%! “Khủng
hoảng kinh tế” thế giới có xảy ra không là chuyện chưa ai
xác quyết được! Mà nếu có xảy ra thì “quân tử nói lại là
quân tử khôn”. Rồi đâu cũng vào đó thôi. Nhưng hàng xuất của
Mỹ sẽ không còn bị “đập” như trước nữa.
Tháng 4,
2025. 45 ở đây, chưa bao giờ tôi thấy, trên bản đồ tin tức
khí tượng, Paris là nơi nóng nhất nước Pháp! Hôm trước là
22°C, hôm qua, 26°C! Cứ như là tôi mang cái nóng từ vùng
“Occitanie” (nam Pháp), sau gần 1 tháng ở tỉnh Hérault, về
đây?! Cái “nóng” tháng 4 bây giờ, tuy “mát mẻ” như... Đà Lạt
(?), nhưng lại làm nhớ cái oi bức tháng 4 bên nhà, nhất là ở
Sài Gòn.
Xa quê hương lâu năm, có nhiều điều tôi quên
(!), nhưng chưa quên cái nóng tháng 4 Sài Gòn. Nếu ngoài phố
có nhiều chàng “đi mà chợt mát”, thì những giờ “cua” buổi
trưa trong Giảng Đường 2 (Đại học Khoa Học Sài Gòn) có chàng
khổ sở vì nóng, “ngất ngư con tàu đi”, nhất là không có một
chiếc lưng áo–lụa–Hà–Đông nào cho mát... mắt, dịu lòng! Bài
thơ “Áo lụa Hà Đông”
được viết khoảng cuối thập niên 50s, sau khi thi sĩ Nguyên
Sa hồi hương về Sài Gòn (1956). Năm 1958 dân số Sài Gòn gần
1.8 triệu. Lúc đó, xe cộ chưa nhiều, nóng chưa quá độ, nên
người “parisien” còn chịu được, chứ bây giờ, với khoảng 14
triệu người, xe chạy đầy đường, “thuở trời đất nổi cơn...
khói bụi”, cái nóng... nóng hơn (“hiệu ứng nhà kính”). Trong
cái không gian đó, nhiệt độ đó, người Sài Gòn “đi mà muốn...
cởi hết”, nói gì đến mấy ông “tây–con”, dù Nhà Nước có cho
treo lụa đầy đường!
Thế hệ chúng tôi, những người
trưởng thành trước 1975, bây giờ, có lẽ không còn nhiều
những đứa con “xa quê hương nhớ mẹ hiền”. Do, hoặc bố mẹ
không còn ở quê hương, hoặc, nếu còn, thì còn được bao nhiêu
cụ ở tuổi 90?! Chưa nói là có nhiều đứa con đã “đi xa” trước
bố mẹ. Như một số bạn bè tôi!
50 năm rồi, ít
ỏi gì đâu?!
Bây giờ là những ngày
đầu tháng 4 năm 2025.
Tháng 3 vừa qua, trong
những lần lang thang, bát phố, dạo bờ “etang” ở
Balaruc–les–Bains (tôi không muốn viết là “ao” vì Etang de
Thau, nơi “appart” tôi mướn sát bên, cứ như là một hồ lớn),
dù lòng thanh thản không một vướng bận gì nhưng tôi cứ thấy
buồn buồn! Từ năm 1989, khi đọc được “Tháng 3 gãy súng” của
Trung úy (TĐ 4) TQLC Cao xuân Huy, rồi lại thêm các tác
phẩm của Thiếu tá “Diều Hâu” Phạm Huấn (ban biên tập Diều
Hâu thời Sài–Gòn–đẹp–lắm) nguyên tùy viên tướng Phú lúc nắm
QĐ2, thì không có tháng 3 nào mà tôi không có những phút
giây buồn bã. Nhớ, thời gian đầu viết cho “bạn–ta” (từ
9/2001), nói đến “tháng–3–gãy–súng”, là tôi thêm
“tháng–4–tan–hàng”, một “tan hàng” mà, theo Trung tá Lữ Đoàn
Trưởng Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù Lê Minh Ngọc, “lần đầu tiên tan
hàng không hồi âm ‘cố gắng’ như đã ngàn lần hô to”! Hai
tháng đầu xuân này, với tôi, từ mấy chục năm nay, là hai
tháng có những giây phút “buồn vào hồn mang tên”. Khởi từ
ngày mất Ban Mê! Ngày 10 tháng 3 năm 1975! Tháng 3 gãy súng.
Có súng mà không đạn thì cứ như là súng gãy hết xài! Nhưng
đúng là trong hoàn cảnh đó, trên một bãi biển ở giữa cửa Tư
Hiền, Thuận An, những người Lính của Lữ đoàn 147 TQLC, những
chiến hữu của anh Huy, tuy gãy súng, nhưng cũng đã đuổi giặc
chạy dài bằng... la hét, thị uy!
Như thế mà đã 50
năm!
“... Hãy
yêu chàng như yêu Lính Nhảy Dù
Áo hoa rừng đã để lại thiên thu
Thiên Thần ơi,
tháng 4 năm đó
Ai nói anh không biết hận thù...?!”
Những câu tôi viết cách đây mấy chục năm, không chỉ để
vinh danh riêng người “Lính Nhảy Dù”, mà là tất cả người
Lính miền Nam, những người đã hy sinh mạng sống, đã đổ xương
máu, bảo vệ quê hương, để rồi, cuối cùng, bị “đồng minh” lén
lút, đâm sau lưng những nhát tận tình!
Bây giờ, trừ
những quân nhân đã di tản trước 30/4 (như đa số các chiến sĩ
của Lữ Đoàn I Nhảy Dù) hay vượt biên, đoàn tụ gia đình, ở
quê nhà, còn rất nhiều những người Lính, những người không
đủ điều kiện (3 năm tù cải tạo) để được đi theo diện H.O. Đó
là những người “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”, cắn
răng chịu sự trả thù, lăng nhục của đối phương, chịu bầm dập
từ thể xác đến tinh thần từ bao nhiêu năm nay. Nhất là trong
những ngày cuối tháng 4 này. Phải xếp báo, tắt truyền hình,
nhét bông gòn vào tai, để tránh cảnh “nổ” điếc tai, gai ngứa
mắt! Khổ nhất là những thương phế binh! Cũng may là nhiều
chiến hữu, đồng bào, ở nước ngoài, vẫn không quên họ, mỗi
năm đều gởi về một số hiện kim, hiện vật, thay cho lời “Nhớ
đồng đội”, “Cám ơn Anh”!
Có ở Lính mới hiểu tình chiến
hữu
Có mất quê mới biết nhớ ơn Người!
1975–2025: 50 năm!
Có nhiều
chuyện muốn quên mà không quên được. Khi kỷ niệm “30/4” vẫn
được một nhúm người tưng bừng tổ chức mỗi năm, trên nỗi đau
của hàng mấy (chục) triệu người!
Những ai muốn kiểm
chứng câu “thời gian có là phương thuốc nhiệm mầu” xoa dịu
nỗi đau, xua tan uất hận, hãy đi hỏi những người
Lính–miền–Nam, nhất là những người sống ở quê hương!
BP
06/04/2025
thiên sứ micae – thánh bổn mạng sđnd qlvnch
|
hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
nguồn: internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, April 7, 2025
tkd (thư ký dù). Khoá 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH