Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Chính trị
Chủ đề:
Tổ quốc
Tác giả:
Nguyễn Quốc Đống, Cựu SVSQ K13/TVBQGVN
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Đầu
tháng 6, 2018, người Việt trong nước cũng như tại hải ngoại sững sờ
trước tin Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) yêu cầu Quốc Hội Việt Nam
(QHVN) thông qua Luật Đặc Khu, chấp thuận việc thành lập 3 đặc khu
hành chánh-kinh tế tại 3 miền đất nước: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh,
miền Bắc), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa, miền Trung), và Phú Quốc
(tỉnh Kiên Giang, miền Nam), cho Tàu cộng thuê đất sử dụng dài hạn
trong 99 năm. Đây là hành động bán nước rõ rệt, cho chúng ta thấy
Mật ước Thành Đô, được cho là ký tháng 9, 1990 giữa 2 đảng cộng sản
Tàu và Việt, là có thật. Năm 2020 là mốc thời gian đầu để Việt Nam
trở thành một khu tự trị của Tàu, giống như Tây Tạng, Tân Cương, Mãn
Châu, Nội Mông (các tiểu quốc chung quanh Tàu, đã bị Tàu nuốt
chửng).
Đúng vào
lúc lòng dân sôi sục căm phẫn vì hành động “rước giặc vào nhà” lộ
liễu này, Quốc hội cộng sản lại cho thông qua Luật An Ninh Mạng,
nhằm kiểm soát các tin tức được loan truyền trên internet và khống
chế quyền phát biểu của người dân. Như giọt nước làm tràn ly, người
dân Việt tại nhiều thành phố ồ ạt tràn ra đường biểu tình (từ ngày
10-6 đến nay), phản đối Luật An Ninh Mạng (thông qua ngày
12-6-2018), và Dự luật Đặc Khu (được hoãn bỏ phiếu, và sẽ đem ra
Quốc hội vào kỳ họp tháng 10, 2018). Bạo quyền cộng sản đàn áp dã
man các cuộc biểu tình này, lo sợ một cuộc cách mạng sẽ bùng nổ,
cuốn trôi chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tình trạng nước Việt hiện nay khiến chúng
ta rất lo lắng, đất nước và dân tộc Việt liệu sẽ tồn tại được không,
khi nhà cầm quyền quyết tâm hủy diệt tiếng nói yêu nước của người
dân.
1.
Lòng yêu nước, tình cảm tự nhiên và thiêng liêng của người dân một
quốc gia:
Lòng yêu nước là tình cảm tự nhiên, bắt
đầu rất sớm với những bài hát ru của người mẹ, rót vào tâm hồn thơ
dại của đứa trẻ từ lúc còn trong nôi.
“Tôi yêu
tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng
ru muôn đời...
Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
...
Tôi yêu biết
bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh
hùng của một ngày mai...”
(Tình Ca-Phạm Duy)
Từ lòng yêu những bài hát ru của mẹ, đến
tình yêu tiếng mẹ đẻ, rồi sự gắn bó với gia đình, làng xóm, xã hội,
dân tộc, quốc gia... tất cả là một tiến trình tự nhiên của một con
người, một công dân.
Tình yêu này đầu tiên được vun đắp bởi gia
đình (cha mẹ, ông bà, anh chị em, ho hàng), sau đó là bởi xóm làng
(láng giềng), và sau này là từ xã hội (học đường, đoàn thể...). Trẻ
đi học, đến trường, nhờ sự giáo dục của thày cô, qua các bài công
dân giáo dục, lịch sử, địa lý... mỗi ngày, ý thức công dân được bồi
đắp, và lòng yêu nước trở nên rõ nét hơn.
Các công dân một quốc gia là những cá nhân
với nhiều khác biệt, về thể chất, trí tuệ, gia đình, sắc tộc...
nhưng đã được kết hợp bởi một mẫu số chung, chính là lòng yêu nước,
giúp họ có những quan tâm chung, muốn bảo vệ tiếng nói, văn hóa,
vùng đất họ cùng chung sống, và những người cùng chia sẻ những giá
trị chung với họ (đồng bào, đồng hương).
Trong thời bình, lòng yêu nước khiến họ bỏ
công sức vun đắp cho làng xóm, xã hội, quốc gia... Khi nước nhà lâm
nguy, trước nạn ngoại xâm, họ sẵn sàng hy sinh mạng sống, để đất
nước được sống còn. Cái chết vì tổ quốc là sự hy sinh tối hậu, được
lưu danh hậu thế.
2. Lòng yêu nước của người Việt đã
giúp nước Việt sống còn sau nhiều lần bị giặc ngoại xâm:
Việt Nam là một nước nhỏ, nằm cạnh nước
Tàu, một nước lớn nhưng vẫn muốn nuốt chửng các láng giềng nhỏ, yếu
chung quanh; để bành trướng lãnh thổ hầu giải quyết nạn nhân mãn, và
thỏa mãn tham vọng bá quyền. Lịch sử 1,000 năm bắc thuộc của Việt
Nam là minh chứng cụ thể cho tham vọng này của Hán tộc.
Nước Việt còn tồn tại đến ngày hôm nay là
nhờ sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ tiền nhân, trong công
cuộc dựng nước, và giữ nước gian khổ của dân tộc Việt.
Ngay từ năm 40, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà
Trưng tại quận Mê Linh, chống lại sự cai trị khắc nghiệt của nhà
Đông Hán (thái thú Tô Định), đã là một điểm son trong lịch sử Việt.
Hai Bà tuy là phận nữ nhi, nhưng lòng yêu nước nồng nàn đã khiến Hai
Bà phất cờ khởi nghĩa, đuổi giặc ngoại xâm phương bắc ra khỏi bờ
cõi, lập triều đại độc lập đầu tiên cho nước nhà. Tuy triều đại của
Hai Bà ngắn ngủi (40-43), nhưng đã tỏ rõ ý chí quật cường của người
Việt, thà chết chứ không chịu nhục dưới ách thống trị của giặc Tàu.
Đây là trang sử oai hùng đầu tiên của người Việt, đã trở thành tấm
gương sáng trong lịch sử chống giặc phương bắc kéo dài nhiều thế kỷ
về sau.
Lịch sử
Việt Nam còn ghi lại nhiều chiến công oanh liệt của rất nhiều anh
hùng, anh thư nước Việt, như cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu (xảy ra
trong thời kỳ bắc thuộc lần hai (43-541), cuộc khởi nghĩa của Vua
Mai Hắc Đế chống nhà Đường vào đầu thế kỷ thứ 8, chiến công hiển
hách của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, lập
một triều đại độc lập lâu dài cho Việt Nam vào thế kỷ 10 (939),
chiến công lẫy lừng của Trần Hưng Đạo (3 lần thắng quân Nguyên-Mông
vào thế kỷ 13), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi chống nhà Minh
(vào thế kỷ 15), Vua Quang Trung (đại phá 20 vạn quân Thanh năm Kỷ
Dậu 1789 tại Đống Đa, làm nên một trang sử lẫy lừng nữa cho dân tộc
Việt).
Dân tộc
Việt đã nhiều lần chịu bắc thuộc, nhưng luôn quật khởi để giành lại
độc lập, dù phải chịu hy sinh trải qua nhiều thế hệ. Đế quốc Mông Cổ
với Thành Cát Tư Hãn, với Hốt Tất Liệt, nổi tiếng với đoàn quân bách
chiến, bách thắng, tại châu Á, châu Âu, đã đại bại tại nước Việt
(thế kỷ 13). Nước Việt nhỏ, dân số ít, nhưng nhờ vua, quan và dân,
đều một lòng giữ nước, nên đã bảo vệ được giang san gấm vóc do tiền
nhân để lại (Hội Nghị Diên Hồng).
Cuối thế kỷ 19, với phong trào tìm thuộc
địa của các đế quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Việt Nam
một lần nữa lại bị ngoại xâm, trở thành thuộc địa của thực dân Pháp
gần 100 năm (1867-1945). Ngay từ khi thực dân Pháp xâm nhập Việt Nam
năm 1858, lịch sử Việt đã ghi nhận nhiều cuộc khởi nghĩa giành độc
lập của người Việt, như cuộc khởi nghĩa của Trương Định (1859-1864),
cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực (1861-1868), các cuộc khởi
nghĩa của phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng
Hoa Thám (1885-1913), cuộc khởi nghĩa của Trịnh Văn Cấn (1917), cuộc
khởi nghĩa Yên Bái (năm 1931 của Nguyễn Thái Học, lãnh tụ của Việt
Nam Quốc Dân Đảng).
Dù bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, người
Việt vẫn kiên cường đứng lên chống Pháp. Tấm gương hy sinh của các
anh hùng dân tộc tiếp tục viết lên những trang sử oai hùng chống
ngoại xâm cho nước Việt. Nhiều thành phần dân tộc tham gia kháng
chiến chống Pháp, từ một số vị vua triều Nguyễn như Hàm Nghi, Duy
Tân; hoàng thân như Cường Để; đến nông dân như Hoàng Hoa Thám; thanh
niên yêu nước như Nguyễn Thái Học, Cô Bắc, Cô Giang, các đảng phái
người Việt quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt...
Thời kỳ Pháp thuộc bắt đầu năm 1867 là năm
Việt Nam phải cắt Nam Kỳ lục tỉnh cho Pháp, và tạm chấm dứt tháng 3,
năm 1945, khi Nhật đảo chánh Pháp, và Việt Nam được Nhật tuyên bố
trao trả độc lập. Tuy nhiên, khi thế chiến thứ hai chấm dứt tháng 9,
1945, với chiến thắng của quân Đồng Minh, thực dân Pháp tham lam
muốn quay lại đô hộ Việt Nam, nên cuộc chiến chống thực dân Pháp lại
kéo dài thêm 9 năm (1945-1954).
3. Lòng yêu nước của người Việt đã
bị lợi dụng trong cuộc chiến Việt Nam (1954-1975):
Vào đầu thế kỷ 20, ngoài những cuộc khởi
nghĩa chống Pháp của giới sĩ phu cần vương, và của những đảng phái
quốc gia, người ta còn ghi nhận hoạt động chống thực dân Pháp của
lực lượng Việt Minh với thủ lãnh là Hồ Chí Minh, một thành viên của
Quốc tế cộng sản, sau này là người sáng lập ra Đảng Lao Động Việt
Nam (tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam).
Thời gian đầu (1930-1945), Hồ Chí Minh
khôn khéo liên hiệp với các đảng phái quốc gia không cộng sản (Việt
Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Phục Hưng, Việt Cách...) để cùng hoạt
động chống Pháp. Nhưng thực ra tổ chức của HCM, với sự hỗ trợ mạnh
mẽ của QTCS, ngoài mục tiêu đánh đuổi thực dân Pháp (cách mạng giải
phóng dân tộc), còn muốn xây dựng Việt Nam thành một nước xã hội chủ
nghĩa (cách mạng vô sản, theo chủ nghĩa Mác-Lênin), nên sau này họ
thẳng tay tiêu diệt các đảng phái người Việt quốc gia không theo
cộng sản. Cuộc kháng chiến chống Pháp do Việt Minh phát động chỉ là
phần đầu của lộ trình nhuộm đỏ Việt Nam, đưa Việt Nam vào quỹ đạo
của đế quốc cộng sản.
Lợi dụng tình trạng quốc gia Việt Nam được
Nhật tuyên bố trao trả độc lập vào ngày 11-3-1945, và chính phủ Trần
Trọng Kim do Vua Bảo Đại bổ nhiệm mới thành lập chưa có đủ nhân lực
và tài lực để hoạt động, Việt Minh đã tổ chức cướp chính quyền của
chính phủ TTK vào ngày 19-8-1945. Sau đó, HCM đã đọc tuyên ngôn độc
lập tai quảng trường Ba Đình, và tuyên bố sự ra đời của nước Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào ngày 2-9-1945. Khi Pháp trở lại Việt Nam,
nhiều sĩ phu, thanh niên yêu nước đã gia nhập phong trào toàn quốc
kháng chiến chống Pháp theo lời kêu gọi của Việt Minh (1945-1954).
Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ
(7-5-1954), và phải rời khỏi Việt Nam, nhưng lại thu xếp để các bên
tham chiến ký Hiệp định Geneve ngày 20-7-1954, tạm chia đôi nước
Việt Nam. Kể từ đó, có hai quốc gia tại Việt Nam: Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa tại miền Bắc (theo chủ nghĩa xã hội), và Việt Nam Cộng Hòa
tại miền Nam (theo chủ nghĩa tư bản, không chấp nhận cộng sản).
Tham vọng muốn nhuộm đỏ Việt Nam đã khiến
người cộng sản đang tâm ký hiệp định chia đôi nước Việt, cốt dành
thời gian củng cố lực lượng tại nửa nước ở miền Bắc trước, và thực
hiện xâm lược miền Nam để thống nhất Việt Nam bằng võ lực sau này,
theo lệnh của Quốc tế cộng sản.
Trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam
(1954-1975), CSVN lại kêu gọi lòng yêu nước của người dân miền Bắc,
thanh niên phải “sinh Bắc, tử Nam”; phụ nữ phải làm việc gấp hai gấp
ba trong gia đình, trong nhà máy, hay đồng ruộng; thay thế đàn ông
chiến đấu ngoài mặt trận. Họ phát động chiến tranh “chống Mỹ cứu
nước” tại Nam Việt Nam, dù Mỹ đến Nam Việt Nam chỉ để giúp quân, dân
miền Nam tự vệ, chống cuộc xâm lược của đế quốc cộng sản. Họ kết tội
chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là “ngụy quyền, tay sai của giặc Mỹ”, dù
chính phủ này được dân miền Nam bầu ra qua các cuộc bầu cử dân chủ;
để bảo vệ chế độ tự do, dân chủ của miền Nam. Họ tìm đủ cách hủy
diệt quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, nơi một nửa dân số Việt Nam, lúc
bấy giờ khoảng 17 triệu người, đang sống đời no ấm, hạnh phúc, trong
một nền cộng hòa đúng nghĩa, không phải là nền cộng hòa giả hiệu của
nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại miền Bắc. Tất cả đều được nhân
danh lòng yêu nước, nhưng đây không phải là lòng yêu nước chân
chính, vì nó được CSVN sử dụng để phục vụ cho Quốc tế cộng sản, phá
hoại tình đoàn kết dân tộc, hủy diệt nhân lực và tài lực của cả hai
miền Nam, Bắc; không phải để đánh đuổi giặc ngoại xâm (Mỹ không
chiếm 1 tấc đất nào của Việt Nam) hay để xây dựng đất nước. Nhân
danh lòng yêu nước, CSVN phát động chiến tranh để người Việt giết
người Việt. HCM tuyên bố, “Dù phải đốt sạch dải Trường Sơn, chiến
đấu đến người lính cuối cùng, cũng phải tiếp tục cho đến khi nào
giải phóng được miền Nam.”
Sự tuyên truyền xảo trá của CSVN đã đánh
lừa được người dân miền Bắc, và cả người dân miền Nam. Những trí
thức như giáo sư Trần Đức Thảo, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, bác sĩ
Dương Quỳnh Hoa... từng đem hết tài năng để phục vụ cho cộng sản,
tưởng đâu sẽ góp sức với Đảng CSVN xây dựng một Việt Nam độc lập, tự
do, dân chủ; nhưng cuối cùng nhận thức được rằng tài năng của họ
không được người cộng sản dùng vào việc xây dựng đất nước. Họ là
những trí thức yêu nước, nhưng đặt niềm tin sai lầm vào Đảng cộng
sản, nên đã phải hối hận vào cuối đời.
Lê Hiếu Đằng, một sinh viên luật trưởng
thành trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng thuộc loại ăn cơm Quốc
gia, thờ ma cộng sản, sau 45 năm phục vụ Đảng cộng sản, đến cuối đời
mới nhận ra rằng “Đảng cộng sản phản bội lý tưởng cách mạng, phản
bội nhân dân”, tuyên bố bỏ đảng (2013), thì cũng là lúc sắp lìa đời
(LHĐ chết năm 2014).
Trần Vàng Sao, một nhà thơ sinh trưởng tại
Huế, thời là sinh viên Đại học Huế tham gia hoạt động chống chính
quyền Việt Nam Cộng Hòa cùng những tên sinh viên theo Cộng như Hoàng
Phủ Ngọc Tường... từng vào chiến khu Việt cộng, cuối cùng cũng vỡ
mộng với lý tưởng cộng sản, và bị các đồng chí của mình đối xử
“không như một con người, chỉ như một con vật, như một con chó”. Bài
thơ “Tau Chưởi” là tiếng lòng phẫn nộ của Trần Vàng Sao, khi thấy
lòng yêu nước của mình đã đặt không đúng chỗ.
Tác giả Nguyễn Mạnh Trinh đã viết “... khi
phổ biến những hồi ức của một người tù không bị giam vào ngục, Trần
Vàng Sao đã biểu lộ chân thực một vóc dáng riêng của mình trong một
thời đại mà lòng ái quốc được dùng làm chiêu bài để mê hoặc cả một
thế hệ đi vào chém giết để phục vụ cho những nhu cầu quyền lực của
một nhóm người”. Trần Vàng Sao, cuối cùng đã ý thức được “cái bánh
vẽ lòng ái quốc vẫn chỉ là cái bánh vẽ, hạnh phúc, ấm no, tiến bộ...
và hàng trăm danh từ tốt đẹp khác chỉ có trong tưởng tượng, không
thực...”
Có lẽ
nhiều người dân trong xã hội cộng sản cũng ý thức được sự thật này,
nhưng số người can đảm nói lên sự lầm đường của mình không có nhiều,
chỉ vì họ sợ mất đặc quyền, đặc lợi. Chung quy cũng chỉ vì lòng
tham, và si mê mà nhiều người không dám nói lên sự thật; gián tiếp
giúp cho chế độ cộng sản tiếp tục lừa dối và lợi dụng lòng yêu nước
của nhiều thế hệ.
Thật đáng thương cho người dân miền Bắc bị
cộng sản lừa dối, lao vào cuộc bắn giết chính đồng bào ruột thịt của
mình, mà cứ tưởng là “chết cho tổ quốc, cho sự nghiệp giải phóng
miền Nam”. Châu Hiển Lý, một bộ đội tập kết, phải chua xót thú nhận
“Cả nước bị lừa.” Chúng ta đừng quên người cộng sản không hề có tổ
quốc để mà yêu thương, vì mục tiêu của họ là “thế giới đại đồng, nơi
các nước xã hội chủ nghĩa, cùng lý tưởng cộng sản đều là anh em một
nhà”.
Người dân
miền Nam, sống trong chế độ tự do, nhân bản của miền Nam, tuy ngắn
ngủi chỉ vỏn vẹn 21 năm, nhưng họ đã có cơ hội xây dựng một đất nước
tươi đẹp, nơi người công dân hưởng đời sống có nhân phẩm. Lòng yêu
nước của họ không bị lợi dụng vào các mục tiêu xấu xa. Một đất nước
tốt đẹp như vậy, người công dân yêu quý và sẵn sàng hy sinh bảo vệ
nó, là điều chân thực, không cần phải tuyên truyền. Cứ nhìn thành
quả quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đạt được trong 21 năm, dù là trong
thời chiến, về mọi mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn
hóa, nghệ thuật... ta cũng thấy sự khác biệt to lớn giữa hai chế độ:
tự do tại miền Nam, và cộng sản tại miền Bắc.
4. Lòng yêu nước thời Việt Nam
“thống nhất” dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (1975 đến nay):
30-4-1975, cuộc chiến Việt Nam chấm dứt. 1
năm sau, 1976, cộng sản Việt Nam thống nhất cả nước Việt dưới cùng
một chế độ. Tên nước được đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam; đường lối xây dựng đất nước được khẳng định là “xã hội chủ
nghĩa” (theo chủ nghĩa Mác-Lênin, đối lập với chủ nghĩa tư bản tại
miền Nam). Đảng duy nhất nắm quyền chỉ đạo là Đảng cộng sản, không
có đảng phái nào khác. Người công dân Đảng CS cần bây giờ là “con
người mới xã hội chủ nghĩa”, “yêu nước” bây giờ được định nghĩa là
“yêu chủ nghĩa xã hội”. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, trước kia, được
giáo dục phải “bảo quốc, an dân”, trong khi Quân đội cộng sản được
dạy phải “trung với Đảng”. Tấm gương để “con người mới xhcn học tập,
noi theo, không phải là gương các anh hùng dân tộc trong lịch sử, mà
là gương của lãnh tụ cộng sản HCM, một con người với cả chục bí
danh, có cuộc đời đầy bí ẩn, với nhiều chi tiết bịa đặt, vì chỉ là
sản phẩm tuyên truyền của cộng sản.”
Mọi lãnh vực của đời sống “mới”: chính
trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hoá, văn nghệ... đều phải mang
tính “Đảng”, tính “tranh đấu”; tính “xã hội chủ nghĩa”; cái gì đi
ngược lại những “tính” này đều bị kết án là “phản động”, là “đồi
trụy”, là “phản cách mạng”, là “theo thế lực thù địch”...
10 năm đầu sau thống nhất đất nước, Đảng
CS nghiêng về Liên Sô, và lạnh nhạt với Tàu cộng. Năm 1978, họ ký
hiệp ước hợp tác toàn diện với Liên Sô có giá trị 25 năm. Tuy nhiên
khi các chế độ CS sụp đổ tại Đông Âu và Liên Sô, khởi đầu từ năm
1989, CSVN phải chạy sang Tàu cầu cứu, mong được sự bảo vệ của Tàu
để sống còn. Mật ước Thành Đô được cho là ra đời trong hoàn cảnh này
(ký ngày 3 và 4 tháng 9, 1990). Theo tài liệu ký kết giữa hai đảng
CS Tàu và Việt tại Thành Đô, Việt Nam đồng ý sẽ trở thành 1 khu tự
trị của Tàu (bắt đầu năm 2020), có quy chế như các tiểu quốc đã bị
Tàu nuốt chửng trước kia: Tân Cương, Mãn Châu, Tây Tạng, Nội Mông.
Đây chính là văn kiện thứ hai xác nhận việc CSVN bán nước Việt cho
Tàu, sau văn kiện bán nước đầu tiên do thủ tướng CS Phạm Văn Đồng ký
ngày 14-9-1958, công nhận Tàu có chủ quyền trong vòng 12 hải lý trên
Biển Đông (gián tiếp xác nhận chủ quyền của Tàu đối với các quần đảo
Hoàng Sa, và Trường Sa của Việt Nam).
Năm 1979, sau khi bị đàn anh “Trung quốc”
dạy cho một bài học, khiến 60,000 người Việt, quân lẫn dân chết
thảm, vì tội không nghe lời đàn anh láng giềng sát bên, lại đi nghe
lời đàn anh Liên Sô xa xôi, VC tuyên bố “kẻ thù của nhân dân Việt
Nam là bọn bá quyền, bành trướng Bắc Kinh”.
Chỉ 10 năm sau (1990), lũ “giặc bành
trướng Bắc Kinh” lột xác thành “người bạn 4 tốt, 16 chữ vàng” của
Việt Nam. CSVN phải nhận “giặc” làm “cha”, nếu không thành trì xhcn
tai VN sẽ sụp đổ, và Đảng CSVN sẽ bị hủy diệt. Chúng chịu thân phận
làm “tay sai giặc Tàu”, nhưng vẫn chấp nhận, vì hơn 90 triệu dân
Việt vẫn phải làm nô lệ cho chúng!
Đây là giai đoạn người dân Việt chứng kiến
những sự việc đau lòng xảy ra cho đất nước, và dân tộc. Một loạt các
văn kiện được ký kết, nhượng đất và biển cho Tàu; các khu “phố Tàu”
mọc lên tại nhiều thành phố lớn; công ty Tàu trúng thầu các dự án
đầu tư quan trọng; đất Tây nguyên dành cho Tàu để khai thác bauxite;
Vũng Áng dành cho Formosa khai thác thép, nơi nhà máy xả thải toàn
chất độc khiến biển 5 tỉnh miền Trung nhiễm độc, cá chết trắng bờ,
ngư dân đói khổ; khách Tàu du lịch tràn ngập Việt Nam, có những tên
ngang ngược mang sổ thông hành có in hình “đường lưỡi bò” (khu vực
Biển Đông sát bờ biển Việt Nam, thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng Tàu
nhận là của họ), hay mặc áo thung có in hình “đường lưỡi bò” để
thách thức người Việt; xây các đảo nhân tạo trên 2 quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa của Việt Nam; quân sự hóa triệt để Biển Đông...
Nhiều lần người dân Việt phẫn nộ, biểu
tình chống Tàu xâm lược, vi phạm chủ quyền Việt Nam, thì bị nhà cầm
quyền đàn áp dã man, bỏ tù... Kẻ bán nước, nhân danh công lý, kết án
và bỏ tù người yêu nước. Lòng yêu nước không được tôn vinh, mà lại
thành yếu tố buộc tội người dân. Một bạn trẻ Việt Nam đã có ý kiến,
“Ngày nay ở Việt Nam tội nặng nhất là tội yêu nước”.
Những công dân lên tiếng vì chủ quyền đất
nước, vì tương lai của quốc gia, vì tự do, dân chủ, nhân quyền, vì
sự phồn vinh thật sự của đất nước, vì sự phát triển kinh tế, vì đời
sống ấm no của người dân, vì ủng hộ dân oan mất đất... bị nhà cầm
quyền kết tội là “phá rối trật tự”, “tuyên truyền chống chế độ”, hay
nặng hơn là “có âm mưu lật đổ chính quyền”. Tội chống Đảng được cho
là tội “phản quốc”, là một trọng tội, và bị kết án nặng nề. Biết bao
nhân tài, trí thức, lẽ ra có thể đóng góp tài năng vào việc xây dựng
cho đất nước phú cường, đã hay đang phải chôn vùi đời mình trong nhà
tù xhcn với những bản án nặng nề: kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư
Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, mục sư Nguyễn Công Chính,
linh mục Nguyễn Văn Lý, sinh viên Nguyễn Viết Dũng, sinh viên Đinh
Nguyên Kha, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình... Chế độ này không cần người
tài, hay người yêu nước, mà chỉ cần những tay sai cho Đảng!
Lòng yêu nước là một tình cảm tự nhiên của
con người, nhưng tình cảm này cần được nuôi dưỡng, nó mới khởi sinh
và phát triển. Tại học đường, nhờ sự giáo dục của thày cô; nhờ các
bộ môn lịch sử, địa lý, nhờ các bài học lịch sử nêu gương các anh
hùng, anh thư dựng nước và giữ nước; thế hệ trẻ mới có được thứ tình
cảm thiêng liêng là lòng ái quốc. Trưởng thành trong một xã hội có
kỷ cương, mỗi công dân mới cố gắng sống theo luật pháp, sống có
trách nhiệm, có danh dự; và lòng yêu nước của công dân mới phát
triển. Tại Việt Nam ngày nay, ở nhà trường, môn lịch sử Việt bị coi
rẻ, có lúc đã bị loại bỏ, có lúc bị ghép chung với môn tổ quốc và
công dân (?), anh hùng chống giặc phương Bắc trong lịch sử Việt
không được coi trọng bằng anh hùng chống Mỹ trong lịch sử Đảng CS.
Rồi thày chẳng ra thày, trò chẳng ra trò, thì việc giáo dục làm sao
có kết quả tốt? Nhìn ra ngoài, xã hội chỉ là một bức tranh bát nháo,
vô đạo đức, thiếu văn hóa, không kỷ cương.
Một quốc gia muốn tồn tại, một dân tộc
muốn sống còn, công dân phải có lòng yêu nước, để có tinh thần phục
vụ và hy sinh, để bảo vệ lãnh thổ, và chủ quyền đất nước, để duy trì
tiếng nói, và giữ gìn văn hóa dân tộc.
5. Người Việt yêu nước đã làm gì
để thể hiện lòng yêu nước?
Cũng may trong cuộc đổi đời bi thảm của
đất nước sau ngày 30-4-1975, một số người Việt đã thoát khỏi địa
ngục có thật tại Việt Nam do người cộng sản marxist tạo ra. Một số
trốn khỏi VN khi miền Nam trong cơn hấp hối; một số vượt biên, vượt
biển trong hoàn cảnh 1 sống, 9 chết, mong tìm đến bến bờ tự do; một
số đông được ra đi chính thức nhờ chương trình định cư tù nhân chính
trị (HO), chương trình đoàn tụ gia đình, chương trình trẻ lai... Số
người Việt định cư tại hải ngoại ngày nay có khoảng gần 4 triệu
người, đa số là người Việt tỵ nạn cộng sản, hay con cháu của họ.
Những người Việt này, nếu thuộc thế hệ định cư thứ nhất, còn rất
nặng lòng với quê hương Việt, miền đất tổ họ từng hy sinh xương máu
để bảo vệ. Ngày nay nhiều người trong số này tuổi đã cao, sức yếu,
nhưng suốt thời gian định cư nơi quê hương thứ hai, họ đã tận sức
cống hiến cho công cuộc dân chủ hóa quê nhà. Họ tham gia sinh hoạt
của các cộng đồng người Việt TNCS tại địa phương, giữ vững lằn ranh
Quốc Cộng để khỏi bị CS tuyên truyền, giữ ngọn lửa chống Cộng khỏi
lụi tàn trước kế hoạch xâm nhập và phá hoại của cộng sản và tay sai;
giáo dục thế hệ hậu duệ tiếp nối lý tưởng của cha ông, giúp các em,
các cháu có lòng hướng về quê cha, đất tổ dòng Việt.
Khối người Việt hải ngoại này, tuy chỉ là
số ít, so với hơn 90 triệu dân trong nước, nhưng có nhiều mẫu số
chung kết hợp họ lại. Họ có lòng yêu nước nhiệt thành, yêu lý tưởng
tự do, dân chủ, từng chiến đấu chống cộng sản 21 năm để bảo vệ lý
tưởng này, và cùng là nạn nhân của cộng sản, phải ly hương tìm tự
do. Họ và thế hệ hậu duệ là thành trì vững chắc bảo vệ văn hóa Việt,
bảo vệ lý tưởng quốc gia.
Nhiều năm qua, người Việt trong nước rất
đau lòng trước tình trạng “thù trong Việt cộng bán nước, giặc ngoài
Tàu cộng xâm lược”. Bản đồ nước Việt ngày nay cho thấy người Tàu
tràn ngập khắp nơi, nhà máy và khu phố Tàu khắp chốn, mất nước bây
giờ không còn là hiểm họa, mà đã thành hiện thực. Luật Đặc Khu và
Luật An Ninh Mạng đã làm người dân trong nước bừng tỉnh sau nhiều
năm bị nhà cầm quyền cộng sản ru ngủ bằng các mỹ từ “láng giềng tốt,
anh em xã hội chủ nghĩa một nhà, hợp tác kinh tế để cùng phát triển,
hợp tác quân sự để bảo vệ an ninh quốc gia, hy sinh chuyện nhỏ để lo
cho đại cục nước nhà...”
Sự thật các “đặc khu kinh tế”, nơi người
Tàu giành được mọi quyền của một khu tự trị, nơi người Việt không
được lai vãng, đã được thành lập từ lâu, chẳng hạn đặc khu Nhân Cơ,
Tân Rai ở Tây nguyên (khai thác bauxite), đặc khu Vũng Áng (cho
Formosa khai thác thép ở Hà Tĩnh), các rừng đầu nguồn ở miền bắc nơi
Tàu cộng được thuê sử dụng 70 năm, nhà máy nhiệt điện ở Bình
Thuận... Nay việc soạn thảo và thông qua Luật Đặc Khu chỉ là để hợp
pháp hóa việc giao đất Việt cho Tàu, để trả món nợ chiến phí khổng
lồ mà CSVN mượn của Tàu để xâm lăng miền Nam (1954-1975). Không có
việc “cho thuê đất 99 năm để lấy tiền, để phát triển kinh tế” gì cả.
CSVN là một lũ lừa bịp, không bao giờ chúng cho người dân biết sự
thật! Luật Đặc Khu đặt ra chỉ là để trả nợ cho Tàu! CSVN không còn
tiền trả nợ cho Tàu, thì nay phải giao đất cho chúng!
Dân chúng khắp nơi nổi lên biểu tình chống
đối, từ Hà nội, Vinh, Quảng Bình, đến Nha Trang, Bình Thuận, Sài
Gòn, Biên Hòa, Long An... Cả chục ngàn người tham gia biểu tình, già
trẻ, nam nữ, sinh viên, công nhân, giáo dân, linh mục, nhà sư... đa
số là ôn hòa, cũng có nơi xảy ra bạo động (tại Bình Thuận). Các cuộc
biểu tình chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng, khởi sự từ ngày
10-6-2018 và vẫn đang tiếp diễn (tháng 7, 2018), cho thấy lòng yêu
nước của người dân Việt, tuy bị bạo quyền cộng sản tìm đủ cách tiêu
diệt nhiều năm qua, vẫn sống, vẫn sôi sục trong trái tim họ. Đây
chính là luồng gió mới trong đời sống chính trị của người dân quốc
nội. Nay họ ý thức rõ “Đảng cộng sản VN là bọn phản quốc, rước giặc
Tàu xâm lược vào dày xéo đất tổ”. Họ đã vượt qua nỗi sợ hãi, và đã
hành động.
Bạo
quyền cộng sản đàn áp dã man các cuộc biểu tình; hàng trăm người
biểu tình bị bắt, bị đánh đổ máu, u đầu ngoài đường phố, bị chấn
thương sọ não, bị khủng bố tại trại tạm giam. Mồ hôi, nước mắt, và
máu người dân đã đổ xuống, vì sự sống còn của đất nước, và dân tộc.
Lựu đạn cay, súng đã nổ; gậy gộc đã nện xuống người dân khiến họ
phải dùng gạch đá để tự vệ. Cuộc cách mạng của dân tộc cần vượt qua
giai đoạn đầu ôn hòa của thỉnh nguyện, kêu gọi, đề nghị; và chuyển
sang giai đoạn 2 quyết liệt hơn bằng các hình thức bất tuân dân sự
(đình công, bãi khóa, bãi thị...). Như vậy cách mạng dân chủ giải
phóng dân tộc mới có cơ may thành công; đất nước và dân tộc Việt mới
có cơ may sống còn.
Ngày 7-7-2018, người Việt hải ngoại trên
thế giới, tại châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, châu Á đã tham gia ngày
tổng biểu tình đồng hành với đồng bào quốc nội “phản đối Luật Đặc
Khu, Luật An Ninh Mạng; kết án Đảng cộng sản Việt Nam bán nước, hại
dân”. Hải ngoại và quốc nội đoàn kết một lòng để cứu nguy tổ quốc.
Lòng yêu nước của người Việt đang như ngọn sóng trào dâng, sẽ quét
sạch bọn cộng nô bán nước!
Kết luận
Trong nhiều thập niên, Đảng cộng sản Việt
Nam đã lợi dụng lòng yêu nước của nhiều thế hệ người Việt, khiến họ
lầm đường, phí phạm tài năng, xương máu; chỉ để phục vụ cho một
thiểu số cuồng đảng, cuồng chủ thuyết Mác-Lê; chứ không phục vụ cho
đất nước và người dân Việt. Việc CSVN để Tàu cộng tràn ngập Việt Nam
từ Nam chí Bắc; và gần đây nhất việc hình thành Luật Đặc Khu và Luật
An Ninh Mạng đã đẩy đất nước Việt đến bờ sinh tử. Phải hành động cứu
nước ngay, hay là chết! Có người đã nhận định “Nếu người dân Việt
Nam không chấm dứt chế độ cộng sản, thì chế độ cộng sản sẽ chấm dứt
người dân Việt Nam!”
8 tháng 7, 2018
Nguyễn Quốc Đống,
Cựu SVSQ K.13/TVBQGVN
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Thắng cảnh thiên nhiên Bắc Mỹ châu. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Nguyễn Quốc Đống chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, July 19, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang