Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Chính trị
Chủ đề: Xuân Đấu Tranh
Tác giả:  Nguyễn Quốc Đống

Nhân Quyền Cho Việt Nam


 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)

 

Tự do-Dân chủ-Nhân quyền luôn luôn là những ước mơ chính đáng của con người, vì ai cũng muốn được sống một cuộc sống hạnh phúc, có phẩm giá. Ở những quốc gia dân chủ phương tây, như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc, Canada..., hay tại châu Á như Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore..., ước mơ này của người dân được chính quyền quan tâm, được luật pháp bảo vệ. Trái lại ở các nước thiếu dân chủ, bị cai trị bởi độc tài quân phiệt, độc tài tôn giáo, nhất là độc tài toàn trị cộng sản, như tại Tàu, Bắc Hàn, Cuba, Việt Nam... các vi phạm trầm trọng về nhân quyền đã trở thành một thách đố cho lương tâm của nhân loại. Chúng ta thử tìm hiểu tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày nay, khi đất nước thống nhất dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sau biến cố lịch sử ngày 30-4-1975.

1. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc:

Được phát sinh trực tiếp từ những kinh nghiệm của chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), bản TNQTNQ được ký ngày 10-12-1948, công nhận các quyền căn bản mà mọi người trên thế giới đều được thụ hưởng, không phân biệt chủng tộc, màu da, quốc tịch... như quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, tự do lập hội, tự do tham gia vào việc điều hành đất nước... Đây chính là khuôn mẫu chung mà các quốc gia và dân tộc cần đạt tới. Các biện pháp thông tin và giáo dục được sử dụng nhằm thúc đẩy các quốc gia thành viên của LHQ tôn trọng các quyền căn bản của con người được liệt kê trong bản tuyên ngôn nói trên.

Hội đồng nhân quyền LHQ xác nhận “sự công nhận nhân phẩm của mọi người trên thế giới và các quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ chính là nền tảng của tự do, công lý và bình đẳng trên thế giới”. Hội đồng cũng xác nhận “nhân quyền cần phải được bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức”.

2. Cộng Sản Việt Nam (CSVN) thực thi nhân quyền thế nào tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa (1945-1975)?

Tháng 8, 1945, CSVN thực hiện việc cướp chính quyền hợp pháp của chính phủ Trần Trọng Kim qua cái gọi là “cách mạng tháng 8”, nhưng chỉ sau khi hiệp định Geneve ký ngày 20-7-1954, chia đôi VN, họ mới có toàn quyền cai trị người dân miền Bắc tại quốc gia mang tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Để củng cố quyền lực chính trị cho một nhà nước mới (xã hội chủ nghĩa, chuyên chính vô sản), CSVN đã cho thi hành những chính sách vô cùng tàn bạo, nhằm thay đổi tận gốc rễ xã hội miền Bắc. Các thành phần trong xã hội như trí thức, tư sản ở thành thị, và địa chủ tại nông thôn bị trù dập, giết hại, không còn giữ được vị trí cao trọng như dưới thời phong kiến, và thời thuộc địa trước kia.

Khởi đầu là cuộc Cải Cách Ruộng Đất đẫm máu được phát động vào các năm 1953-1956, đã khiến khoảng 172,000 nông dân bị kết án, và giết hại. Khoảng 70% số này bị kết án oan. Đây là trường hợp vi phạm nhân quyền tập thể đầu tiên, và tàn bạo nhất kể từ khi CSVN thiết lập được một “nhà nước” để chính thức cai trị người dân.

Vụ vi phạm nhân quyền tập thể tàn nhẫn thứ hai được CSVN thực hiện nhắm vào giới văn nghệ sĩ miền Bắc thuộc Phong trào Nhân văn-Giai phẩm. Những văn nghệ sĩ này lên tiếng đòi hỏi dân chủ và tự do tư tưởng trong sáng tác, và sinh hoạt văn nghệ. Phong trào khởi sự năm 1955 với sự góp mặt của 2 tờ báo Nhân văn và Giai phẩm, và chấm dứt năm 1958, do sự đàn áp thô bạo của nhà cầm quyền cs. Các văn nghệ sĩ chủ xướng và tham gia Phong trào bị bắt bỏ tù nhiều năm, và bị trù dập thời gian dài, khiến bao nhân tài trong giới văn học nghệ thuật của miền Bắc bị trừng phạt, tài năng bị lãng quên, và thui chột, như nhà văn Nguyễn Hữu Đang, Thụy An..., các nhà thơ Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Dần...

Vụ án Xét Lại Chống Đảng năm 1967 đưa đến việc bắt giữ không xét xử nhiều nhân vật quan trọng trong Đảng CSVN và nhà nước VNDCCH. Các nhân vật này bị cho là theo chủ nghĩa xét lại tại Liên sô (nghi ngờ học thuyết của Marx và Engels), và làm gián điệp cho Liên sô.

Tất cả các vi phạm nhân quyền trên đã khiến cả trăm ngàn công dân dưới chế độ cs tại miền Bắc bị truy bức, giam tù, giết hại. Nhà cầm quyền cs không từ thủ đoạn nào, nhằm khủng bố người dân, khiến họ vì sợ hãi phải tuân theo, không dám bày tỏ các nguyện vọng chính đáng, như vậy, họ đâu còn giữ được nhân phẩm, và có cuộc sống hạnh phúc!

Sống với cộng sản những năm dài chiến tranh tại nông thôn miền Bắc, nhiều người đã hiểu rõ CS, và sợ hãi sự tàn bạo, độc ác của CS. Sau khi VN bị chia đôi, gần 1 triệu người dân miền Bắc thuộc đủ mọi thành phần, trí thức cũng như công nhân, nông dân đã di cư vào miền Nam tìm tự do. Chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã hoàn thành tốt đẹp công việc định cư cho họ. Tai quốc gia mới thành lập, Việt Nam Cộng Hòa, mọi người dân đều được hưởng các quyền căn bản của con người, dù chính phủ Cộng hòa vừa phải lo xây dựng đất nước, vừa phải chống trả với các phá hoại của CS tại các vùng nông thôn.

3. Các vi phạm nhân quyền của CSVN tai miền Nam sau biến cố 30-4-1975:

Sau ngày 30-4-1975, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, Đảng CSVN áp đặt một loạt chính sách trả thù tàn bạo lên dân, quân miền Nam. Người miền Nam đang sống hạnh phúc, no ấm dưới chế độ tự do, dân chủ, với đầy đủ các quyền căn bản, bỗng dưng mất hết mọi thứ quyền, từ quyền con người đến quyền công dân. Các viên chức trong chính quyền VNCH, các sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị tước đoạt quyền công dân, và bị đưa vào các trại tù mang danh “học tập cải tạo”. Nơi đây họ bị giam giữ nhiều năm, dù không bị kết án với tội danh rõ ràng nào tại tòa án. Nhiều người bị hành quyết khi trốn trại, và nhiều ngàn người chết đói, chết bệnh. Sau nhiều năm bị đày đọa trong các trại tù lao động khổ sai, trở về nhà, họ lai bị quản chế tại địa phương một thời gian, rồi mới được “trả quyền công dân”. Những người không bị đi tù cải tạo, lớp bị tống đi các vùng rừng núi, nông thôn khô cằn (mang tên đẹp đẽ là các vùng kinh tế mới), lớp phải bươn chải lao động nhọc nhằn kiếm sống qua ngày. Giới tư sản miền Nam mất hết tài sản vì các đợt đổi tiền, vì các chiến dịch cải tạo công thương nghiệp tư doanh... Toàn miền Nam bị cơn lốc xhcn đánh cho tan tành, người dân sống dở, chết dở dưới bàn tay “bên thắng cuộc”, làm gì còn nhân quyền?

Sau 1975, miền Nam trù phú được “giải phóng” thành một thuộc địa của người miền Bắc, nơi người dân Bắc thi nhau “vào vơ vét “. Dân miền Nam phải tìm mọi cách vượt biên, vượt biển, liều chết tìm tự do tại các nước như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Úc... Chính tại các nước tư bản này, họ mới được hưởng đời sống có phẩm giá, với tự do, dân chủ, và nhân quyền. Nơi quê hương bản xứ của họ, dù VN đã thống nhất thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nơi nhà nước cs hứa hẹn một nền dân chủ tốt đẹp trăm lần hơn nền dân chủ tại các nước “tư bản giẫy chết”, họ chỉ là các công dân hạng hai, bị kỳ thị trong mọi lãnh vực, giấc mơ nhân quyền thật xa vời!

4. Các vi phạm nhân quyền của CSVN đối với người dân cả nước (từ 1975 đến nay):

Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản năm 1976, và trở thành một thành viên của Liên Hiệp Quốc ngày 20-9-1977. Như vậy CSVN đã phải công nhận Bản TNQTNQ dành cho các nước hội viên của LHQ. Trên thực tế, CSVN chỉ ghi nhận các quyền tự do căn bản của công dân trong bản Hiến pháp, mà không hề thực thi các quyền này cho người dân. Họ không hề tuân thủ các khuyến cáo của Hội đồng nhân quyền LHQ, và công khai vi phạm nhiều điều khoản của bản TNQTNQ.

Sau 30-4-1975, suốt 10 năm (1975-1985), CSVN quyết tâm xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa, thực hiện đấu tranh giai cấp để loại trừ giai cấp tư sản, áp dụng chính sách kinh tế chỉ huy xhcn thay cho kinh tế tư doanh tư bản chủ nghĩa, nên toàn dân hai miền Nam, Bắc VN chìm đắm trong nghèo đói. Để thoát khỏi tình trạng này, năm 1986, CSVN phải thực hiện đổi mới, nới lỏng một số chính sách kinh tế, nhưng vẫn duy trì quyền độc tôn về chính trị, nên khai sinh ra cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hai khái niệm đối chọi nhau như nước với lửa được CSVN kết hợp thành một, để đánh lừa người dân trong nước, và thế giới tự do bên ngoài. Nói cách khác, CSVN chấp nhận cho làm kinh tế kiểu tư bản (dù phải đi ngược lại chủ thuyết Marx-Lenin), nhưng lại không công nhận quyền tự do chính trị của người dân như trong chế độ tư bản. Chính sách kinh tế này đã giúp Đảng CSVN tồn tại, và sống mạnh đến ngày nay, sau 42 năm thống trị cả nước. Giai cấp mới tư sản đỏ ra đời, tài sản lên đến nhiều triệu, thậm chí nhiều tỷ đô-la. Để bảo vệ một chế độ ngày càng bị người dân chán ghét, khinh bỉ, CSVN đàn áp khốc liệt người dân mọi giới, tiêu diệt mọi tiếng nói phản kháng, dù là rất ôn hòa.

Sau đây là một số vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhà cầm quyền cs đối với người dân cả nước:

• Một số trí thức lên tiếng về dân chủ, nhân quyền bị đưa ra tòa, và bị kết án nhiều năm tù, như các luật sư Lê Chí Quang, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Lê Quốc Quân... các bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Đan Quế..., kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, giáo sư Phạm Minh Hoàng...

• Các lãnh đạo tôn giáo lên tiếng đòi tự do tôn giáo bị giam tù, hay bị quản thúc như linh mục Nguyễn Văn Lý, hòa thượng Thích Quảng Độ, mục sư Nguyễn Công Chính...

• Các nhạc sĩ chỉ dùng lời ca nói lên khát vọng tự do của một con người bình thường cũng bị bỏ tù, như các nhạc sĩ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình...

• Các bloggers, tức các nhà báo dùng internet để đòi hỏi quyền tự do ngôn luận cũng bị bức hại, bị bỏ tù, điển hình như Huỳnh Anh Tú, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm)...

• Các sinh viên lên tiếng vì chủ quyền đất nước (chống Tàu xâm lược, cướp biển đảo của VN) như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, hay các thanh niên nói lên khát vọng được sống trong chế độ tự do, dân chủ, nhân quyền thời VNCH như Nguyễn Viết Dũng, Hoàng Thị Hồng Thái, Ngô Thanh Vân cũng bị đánh đập, hay bỏ tù...

• Các nhà văn lên tiếng chống các bất công trong xã hội bị trù dập, bỏ tù, sau cùng phải đi lưu vong như Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thủy, Vũ Thư Hiên...

• Những bạn trẻ tranh đấu cho quyền lợi của người lao động tại các hãng xưởng cũng bị đàn áp, bỏ tù như Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương...

• Các nông dân bị cướp đất, ruộng vườn, biểu tình đòi lại ruộng đất, bị đánh đập dã man. Họ đi khiếu kiện nhiều chục năm mà chẳng cấp “chính quyền” nào giải quyết. Thậm chí có người phải chống lại lệnh cưỡng chế đất bằng vũ khí tự chế, để rồi phải ngồi tù 4 năm như anh Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, hay anh Đặng Ngọc Viết đã bắn chết cán bộ cưỡng chế đất rồi tự sát. Những người tranh đấu cho quyền đất đai vẫn còn đang ngồi tù như Cấn Thị Thêu, Trần Thị Nga…

• Gần đây nhất là vụ nhà máy Formosa xả chất thải độc hại xuống biển thuộc 4 tỉnh miền Trung khiến nhiều ngàn tấn cá chết, và ngư dân các tỉnh này mất hết phương tiện sinh sống. Họ biểu tình đòi bồi thường thì bị đàn áp dã man, và bị truy tố về tội phá rối trật tự.
.............

Hầu như mọi thành phần dân chúng đều trở thành nạn nhân của nhà cầm quyền cs, những người lẽ ra có nhiệm vụ phải lo cho đời sống của người dân, về vật chất cũng như tinh thần. Họ ký kết vào Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, nhưng đã vi phạm nhân quyền trắng trợn và thô bạo!

5. Những nỗ lực tranh đấu bảo vệ nhân quyền cho người Việt:

a. Nỗ lực của người dân trong nước:

Trong nước, người dân bị kềm kẹp tối đa, nên khó tập họp thành lực lượng đông và mạnh, đủ để cân bằng với lực lượng đàn áp của nhà cầm quyền. Dân oan mất đất, mất ruộng vườn, rất đông, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhưng họ là một khối không đồng nhất, thiếu tổ chức, và không người lãnh đạo. Do đó phong trào hoạt động không đạt kết quả, dễ bị nhà cầm quyền khống chế. Họ kêu cứu ai hỗ trợ? Đảng, rồi Quốc hội, rồi thủ tướng... Đây chính là các thành phần chống lưng cho bọn ăn cướp, làm sao chúng giúp họ? Một số người can đảm giúp dân oan khiếu kiện cũng bị trù dập, đánh phá, và cũng chỉ là số nhỏ, nên chẳng làm bọn cướp đất e dè. Cứ nhìn xem các đội cưỡng chế đất được sự yểm trợ của công an, quân đội, thì ta biết chúng là ai.

Một số cán bộ cs cũng lên tiếng trước những vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà cầm quyền, nhưng lại sợ mất quyền lợi của bản thân và gia đình, nên đa số chỉ lên tiếng yếu ớt qua các “góp ý, thỉnh nguyện, sửa sai cho Đảng…” Hình thức này vô hiệu. Những người thức tỉnh, lên tiếng mạnh mẽ chống cộng thì bị truy bức, không còn đường sống tại quê nhà, đành chọn lưu vong để tiếp tục tiếng nói vì công lý, như ông Đặng Xương Hùng (cựu lãnh sự cs tại Thụy Sĩ), hay anh Đặng Chí Hùng (có cha mẹ đều là đảng viên cs), hiện đang tỵ nạn tại Canada.

Một số người đã thành lập các nhóm xã hội dân sự để liên kết sức mạnh, giúp họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc tố cáo các vi phạm nhân quyền, nhưng CSVN kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức này, để các xhds không trở thành nguy hiểm cho chế độ. Chúng ta thấy nhiều nhóm xhds đã liên lạc với các tổ chức nước ngoài, kêu gọi có biện pháp để “buộc” CSVN phải tôn trọng nhân quyền của người dân. Hình thức tranh đấu cho nhân quyền này cũng không có tác dụng. Một số thành viên các tổ chức này còn ra nước ngoài, tham dự các hội thảo về nhân quyền, để được “huấn luyện” về phương cách tranh đấu cho nhân quyền! Rốt cuộc, họ tranh đấu không đạt nhiều kết quả, mà còn bị mang tiếng là các tổ chức dân chủ “cuội”, đã khoác cho CSVN tấm áo dân chủ! (cho phép xhds tự do hoạt động).

b. Nỗ lực của người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại:

Tại hải ngoại, người Việt TNCS là thành phần hỗ trợ mạnh nhất cho các phong trào tranh đấu vì nhân quyền ở trong nước. Họ yểm trợ cả về vật chất (giúp tài chánh), và tinh thần (kêu gọi các tổ chức quốc tế, các vị dân cử... lên tiếng yểm trợ phong trào, và kết án CSVN vi phạm nhân quyền...) Họ tranh đấu không mệt mỏi, mong giúp cải thiện đời sống cho đồng bào trong nước, và dân chủ hóa nước nhà.

Chính nhờ các nỗ lực của người Việt hải ngoại, CSVN phần nào nhượng bộ trước đòi hỏi của quốc tế trong việc đối xử với các tù nhân lương tâm. Một số được giảm án tù, một số được cho ra tỵ nạn tại nước ngoài..., dù chỉ là một số rất nhỏ, so với con số hơn 100 tù nhân lương tâm đang bị giam trong các nhà tù cs.

c. Nỗ lực của quốc tế:

Trong cuộc chiến vì nhân quyền cho Việt Nam, chúng ta ghi nhận những nỗ lực không nhỏ của các tổ chức ngoài VN như Quốc hội Hoa kỳ, Quốc hội Liên Âu, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Without Borders)... luôn đồng hành với những người dân bị đàn áp, bị sách nhiễu bởi các nhà cầm quyền không tôn trọng nhân phẩm con người. Họ lên án các vi phạm nhân quyền, kêu gọi phải chấm dứt các quấy nhiễu, bức hại người dân, trao giải thưởng cho những chiến sĩ vì tranh đấu cho nhân quyền mà bị kỳ thị, trù dập, giam tù..., để ca tụng gương can đảm của họ, hỗ trợ tinh thần cho họ trên con đường tranh đấu cam go vì lợi ích chung của con người. Nhiều người đã được trao các giải thưởng nhân quyền, như LS Nguyễn Văn Đài, thành viên của tổ chức Lao Động Việt Đỗ Thị Minh Hạnh... Trường hợp mới nhất là giải thưởng “Phụ nữ can đảm quốc tế “ được bà Melania Trump, đệ nhất phu nhân Hoa kỳ trao cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tháng 3, 2017.

Trong quá khứ, chúng ta còn ghi nhận nỗ lực của quốc hội Hoa kỳ để cải thiện tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam, và thúc đẩy tự do, dân chủ cho Việt Nam. Nhiều dự luật Nhân Quyền cho VN (Vietnam Human Rights Act) được đệ trình lên Quốc Hội Hoa Kỳ từ năm 2003 đến năm 2013, được hạ viện thông qua dễ dàng, nhưng chưa bao giờ được thượng viện chấp thuận.

6. Làm sao để có được nhân quyền cho người dân Việt:

Đầu tiên chúng ta phải khẳng định nhân quyền chỉ có được tại các thể chế dân chủ, tự do. Các chế độ độc tài với cơ chế đặc thù (phản dân chủ) không bao giờ quan tâm đến việc thực thi nhân quyền, cho nên mong chờ CSVN trả lại nhân quyền cho người dân chỉ là nuôi ảo vọng. Các tranh đấu cho nhân quyền trong xã hội VN đều bị CSVN quy chụp là “mưu toan lật đổ nhà nước xhcn”, và bị trừng phạt rất nặng.

Đối với loại nhà nước này, các hình thức “xin, thỉnh nguyện” đều vô ích, vì nếu thực thi nhân quyền, chế độ độc tài sẽ sụp đổ không sớm thì muộn. Nhiều thỉnh nguyện thơ được gửi đến CSVN từ nhiều thành phần, như trí thức trong nước, trí thức hải ngoại, dân biểu, nghị sĩ của các quốc hội nước ngoài, bộ ngoại giao các nước dân chủ Âu, Mỹ... CSVN chẳng coi các thỉnh nguyện, các lời kêu gọi này ra gì. Có lần, Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước CS còn tuyên bố “quan niệm về nhân quyền của VN khác với các nước khác”. CSVN còn khẳng định tại VN không có tù nhân chính trị, hay tù nhân lương tâm, chỉ có các tội phạm hình sự, vì vi phạm luật pháp quốc gia, nên phải bị trừng phạt theo luật.

Đầu tháng 10, 2017, tổng thống Donald Trump đến Hà nội, thăm VN với tính cách là quốc khách của VN. Trong lúc đoàn xe của ông đang di chuyển, ca sĩ VC Mai Khôi đã trương biểu ngữ “Piss on you Trump”. Cô ta giải thích lý do cho thái độ miệt thị này là “ông Trump không nhắc nhở gì tới nhân quyền cho VN, đã không mời đại diện các tổ chức xhds đến gặp ông để bàn thảo vấn đề nhân quyền như TT Obama đã làm trong chuyến thăm VN năm 2016...”. Vậy chuyện tranh đấu cho nhân quyền của VN là chuyện của tổng thống Mỹ, hay là chuyện của người dân VN? Ông Obama mời xhds VN đến gặp ông, rồi ông có áp lực được CSVN cải thiện tình trạng nhân quyền tại VN hay không? Giới lãnh đạo VN dù được bầu qua hình thức dân chủ giả hiệu, vẫn khẳng định “chủ quyền” của họ, chính phủ ngoại quốc nào áp lực được họ phải làm điều họ không muốn?

Tháng 9, 2017, tại Úc, chúng ta thấy xuất hiện một phong trào do cô Trần Kiều Ngọc, một luật sư di trú trẻ tuổi khởi xướng. Phong trào mang tên “Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền”, cái tên rất hay, gây chú ý, và được một số người Việt chống cộng tại hải ngoại ủng hộ, vì tưởng phong trào này “tranh đấu cho nhân quyền” tức là “chống cộng”. Nhưng sau đó, cô TKN xác định phong trào của cô phát xuất từ lòng yêu thương, có mục tiêu “chỉ chống ác, không chống cộng”. Tất nhiên một phong trào do nhóm nào thành lập thì sẽ do nhóm đó quyết định mục tiêu, và đường lối hoạt động, vì phong trào này phát sinh tại Úc, một nước dân chủ. Tuy nhiên chúng ta phải rõ ràng một điều, tranh đấu cho nhân quyền không phải chỉ chống ác là đủ, nhất là tại VN cs, kẻ thủ ác nhiều nhất là Đảng CS, và kẻ nắm giữ nhân quyền của người Việt cũng chính là Đảng CSVN, thì nếu muốn “vì nhân quyền” muốn “chống ác” dứt khoát phải “chống cộng”.

Xét cho cùng, lực lượng duy nhất sẽ giành lại nhân quyền, và cuộc sống có phẩm giá cho người Việt phải chính là người dân VN trong nước, với sự hỗ trợ của đồng bào Việt TNCS tại hải ngoại. Người Việt cùng chung dòng giống, cùng máu đỏ, da vàng, cùng nền văn hóa, cùng là nạn nhân của CS trong nhiều năm, hẳn có nhiều mẫu số chung trong cuộc chiến lâu dài này. Chúng ta vẫn phải tiếp tục vận động quốc tế để có thêm sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhưng phải bỏ tinh thần lệ thuộc vào người khác, bỏ óc nô lệ thì mới phát triển được tinh thần tự lực, tự cường cần thiết cho việc dân chủ hóa nước nhà, để thành quả đạt được sẽ là “nhân quyền cho người dân”, và quan trọng hơn nữa là “độc lập, tự chủ cho nước nhà”.

Phương cách nào hữu hiệu cho việc tranh đấu khó khăn này? Đó là “khai dân trí để họ hiểu đúng thực tế, liên kết nhiều thành phần cùng chung mục tiêu để gia tăng lực lượng, kiên trì, và đặt quyền lợi của tập thể trên quyền lợi bản thân và phe nhóm”. Đây chỉ là một số điều căn bản, còn thực tế khi bắt tay vào việc, các nhóm hành động sẽ phát huy được sáng kiến phải làm gì thêm, để giúp phong trào phát triển, và đi đến thành công.

Một điều đáng mừng là có nhiều người, trong đó có nhiều bạn trẻ, trong nước cũng như tại hải ngoại đang dấn thân vào con đường đúng đắn này. Họ dành công sức và thời gian mở các chương trình livestream trên internet để khai dân trí, cung cấp cho người dân tin tức quan trọng về đời sống chính trị, xã hội…; liên kết những người quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng, của đất nước… Cố gắng của những “chiến sĩ nhân quyền” này khiến chế độ CSVN run sợ; họ tìm mọi cách đánh phá, nhưng không dập tắt được tiếng nói của những người công chính.

Kết luận:

Có người nói rằng các quốc gia do chế độ cộng sản cai trị là các quốc gia “bị cầm tù”, mà đã là nhà tù, thì có cai tù nào cho tù nhân được tự do, được có nhân quyền, được sống hạnh phúc, có phẩm giá? Nếu người dân Việt Nam không sáng suốt chọn con đường tranh đấu đúng, không can đảm chấp nhận hy sinh, không làm một cuộc cách mạng thay đổi triệt để cơ chế của quốc gia, của xã hội, thì các tranh đấu cho nhân quyền sẽ đi vào lối mòn quanh co, không lối thoát, làm hao mòn khí lực của dân tộc, gây mất niềm tin cho các thế hệ mai sau.

Nguyễn Quốc Đống
24-11-2017

 

 Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm lưu trữ các Ngày lễ mừng Bổn mạng BCND/QLVNCH...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bản đồ VIỆT NAM hoàn toàn. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Nguyễn Quốc Đống chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, February 4, 2018
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang