Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự NVQG/HN
Chủ đề: Chính trị
Tác giả: Trần Xuân Thời

Luận về TÂM LÝ CHÍNH TRỊ


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

Người ta thường nói đến tâm lý quần chúng, tâm lý xã hội, nhưng ít nghe ai nói đến “tâm lý chính trị”. Thật ra tâm lý chính trị thường được thể hiện qua “diễn đàn chính trị” nghĩa là tư tưởng lên khuôn cho hành động theo nhiều chủ trương, đường lối khác nhau, gọi chung là lập trường chính trị... Hành động nào cũng thường nhắm thực hiện một chủ đích, một sứ mệnh. Từ quan niệm tồn cổ, những gì do quá khứ tạo nên và lưu truyền lại cho hậu thế đều tốt đẹp, đều đáng quý, đáng học hỏi và đáng được xem là khuôn vàng thước ngọc, “Xưa Bày Nay Làm” hoặc hiện tại đáng yêu, đáng mến, đáng duy trì không cần phải thay đổi, đến quan niệm cải cách, phá hoại truyền thống, khuynh đảo trật tự xã hội đương thời để thay thế bằng cơ cấu tổ chức và trật tự mới, con người đã đi từ quan niệm cực hữu (reactionary–rightist) đến quan niệm cực tả (radical–leftist).

Trong quần chúng có những người đắn đo kỹ lưỡng trước khi chấp nhận một lập trường vĩnh viễn, cũng có người thay đổi lập trường tùy hoàn cảnh. Dù trong hoàn cảnh nào, lập trường chính trị cá nhân hay tập thể thường được thể hiện qua bốn ý niệm chính:

1. Cực tả/Cách mạng (Radical extremist/Revolutionary);
2. Cấp tiến (Liberal/Progressive);
3. Bảo thủ (Conservative);
4. Cực hữu/Phản cách mạng (Far right/Reactionary).

Các “nhãn hiệu” này thường được đề cập trên sách báo hiện hành, nhất là tại các nước dân chủ, trong đó người công dân có quyền tự do ngôn luận và có quyền gán bất cứ “nhãn hiệu” nào cho người đối lập trong phạm vi tự do tư tưởng theo luật định.

1. Cực tả/Radical extremist

Chúng ta thường gọi người theo chủ thuyết cộng sản là “bọn phá hoại” (radical). Người cộng sản gọi là cách mạng (revolutionary). Vì cộng sản chủ trương tiêu diệt tư bản chủ nghĩa, đả phá hệ thống xã hội đương thời tận gốc rễ. Nói khác đi kẻ chống đối phải bị thủ tiêu. Ngôi nhà cũ thì phải bị triệt hạ, đập nát để xây ngôi nhà mới, không cần tu bổ hay sửa chữa. Thay đổi tận gốc rễ như chính sách cải cách điền địa của nhà nước cộng sản. Cộng sản không những chỉ tịch thu ruộng đất mà còn đấu tố, sát hại các địa chủ nhằm khủng bố và triệt tiêu đầu óc tiểu tư sản như đã áp dụng ở các nước cộng sản “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”.

Đa số những người theo Cộng sản hoặc vì hận thù, hoặc vì nhẹ dạ, nóng lòng thay đổi, nghe theo lời hứa hẹn hão huyền, những lời hứa hẹn không mất tiền mua của các “Đỉnh cao trí tuệ CS”. CS không hề có chủ tâm thực hiện điều họ hứa hẹn, như triết gia chính trị Edmund Burke đã nhận xét “Hypocrisy can afford to be magnificient in its promises; for never intending to go beyond promises, it cost nothing”. Những người mù quáng mơ ước thiên đường cộng sản, ngày nay đã dần dần vỡ mộng. Thực tế chứng minh các lãnh tự CS Đông Âu, Trung Cộng hay Việt Nam đều lợi dụng giới vô sản, bần cố nông để giành quyền lực với danh nghĩa giả tạo, hứa hẹn hão huyền sẽ mang lại “Độc lập–Tự do–Hạnh phúc”. Sau khi cướp được chính quyền, các đảng vỉên CS trở thành tư bản đỏ, triệu phú, tỷ phú, nhà cao cửa rộng, áo xiêm buộc trói lấy nhau, nắm giữ các đặc quyền đặc lợi.

Thực sự, không hề có tự do, hạnh phúc thực sự trong một xã hội mà chính quyền không tôn trọng luân thường đạo lý. “Liberty does not exist in the absence of morality”. Không có luân lý, đạo đức thì không thể có tự do. Người đời gọi chủ nghĩa cộng sản vô thần hay chủ nghĩa Tam Vô:

(1) Vô gia đình: CS xoá bỏ đơn vị căn bản của cơ cấu xã hội là gia đình, khuyến khích con cái đấu tố cha mẹ, triệt tiêu liên hệ thân tộc;

(2) Vô Tổ quốc: Cộng sản chủ trương xoá bỏ biên giới quốc tổ để hoà mình vào thế giới vô sản đại đồng. Hồ Chí Minh chủ trương chiến đấu cho đến người Việt cuối cùng, vì đảng CSVN không chiến đấu cho sự sinh tồn giống tộc Việt Nam mà đem xương máu dân Việt chiến đấu cho chủ nghĩa CS, cho quan thầy Nga Sô, Trung cộng;

(3) Vô Tôn giáo vì CS chủ trương tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc lòng người.

Tôn giáo hướng thượng con người. Giúp con người tạo cho mình một lý tưởng để sống vượt lên trên loài cầm thú vì loài thú chỉ sống theo bản năng, duy vật, không có lý tưởng cao cả. Con người biết sống, hành thiện đời này để hưởng phước đời sau. Đó là chủ đích của đời người mà nhân loại hướng đến qua sự chấp nhận và thi hành tín điều do các tôn giáo truyền dạy. Hay nói khác đi, người không thể xứng danh là con người trọn vẹn nếu không có lý tưởng cao cả. Tổng Thồng Hoa Kỳ Calvin Coolidge (1872–1933) đã nhận xét, chỉ khi nào con người có tín ngưỡng mới có thể sống đời sống trưởng thành “It is only when men begin to worship that they begin to grow”.

Cộng sản duy vật quan niệm con người chỉ là sản phẩm thiên nhiên (product of natural selection) như các lãnh giới khoáng vật, thực vật hay muôn thú khác. Đảng viên CS được đào luyện, nuôi ảo tưởng tự cho mình thuộc giai cấp đỉnh cao trí tuệ, nhưng thực sự đa số thiếu trình độ hiểu biết về thực chất của chủ nghĩa CS. Nhận xét này được thể hiện phần nào qua lời chứng được ghi nhận trong vụ án:

Flemming v. Nestor 363.U.S. 603 (1960). Nestor, an alien, became eligible for Social Security payments in 1955. In July 1956 he was deported for having been a member of the Communist Party from 1933 to 1939. Section 202(n) of the Social Security Act provided for the termination of Social Security payments when an alien is deported for being a member of the Communist Party. Ephram (Fedya) Nestor, a Bulgarian–born immigrant to the United States, was ‘an unusual person,’ according to his second wife Barbara. She met him in 1933 when he was selling vegetables from his car and remembers not really liking him. ‘He stayed too long,’ he ‘talked too much,’ and worst of all to this devoted radical, he ‘passionately espoused the cause of Communism [but] he didn’t know too much about it.’ Interviewed when she was ninety, sharp–witted Barbara Nestor still recalled how Fedya embarrassed her at a Marxist study group with his ‘foolish’ statements and obvious lack of knowledge about Marx or communism. His family agreed he was ‘not much of a Communist’ when he joined the local party in 1936 and could not be trusted with the simplest duties. Nonetheless, the federal government deported Fedya in 1956 for his brief Communist Party (CP) membership.”

Trước khi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Cộng Sản ra đời năm 1848. Thủ lãnh của tôn giáo lớn nhất hoàn vũ, Đức Giáo Hoàng Pi-ô Thứ 9 (Pope Pius IX), năm 1846 đã cảnh giác thế giới về hiểm hoạ của chủ nghĩa cộng sản:

The unspeakable doctrine of Communism, as it is called, a doctrine most opposed to the very natural law. For if this doctrine were accepted, the complete destruction of everyone’s laws, government, property, and even of human society itself would follow.”
(Thông Điệp Qui Pluribus.16, ngày 9/11/1846). (Cái học thuyết nguy hại mà người ta gọi là chủ nghĩa Cộng Sản từ bản chất trái với luật thiên nhiên (Thiên luật), khi được chấp nhận, tà thuyết đó sẽ tiêu diệt hết nhân quyền, mọi định chế công quyền hợp pháp, quyền tư hữu và chính xã hội loài người.)

Nhiều quốc gia đã xoá bỏ chủ nghĩa CS. Nhiều người đã ly khai đảng CS, mặc dù trước đây họ đã hết sức hăng hái mang nhãn hiệu cách mạng, hãnh diện là đồ đệ của đệ nhất, đệ nhị hoặc đệ tam Cộng Sản Quốc Tế. Chủ nghĩa CS đã tạo nên những kẻ sát nhân như Stalin đã tàn sát hơn 20 triệu người, Mao Trạch Đông giết trên 70 triệu người, Hồ Chí Minh, cũng như Pol Pot được liệt kê vào danh sách của những kẻ diệt chủng nổi tiếng nhất trên thế giới.
(Mao: The Unknown Story, Jung Chang).

Tại Hoa Kỳ, môn phái cực tả quá khích đã phát triển từ cuộc suy sụp về kinh tế năm 1929. Họ chủ trương tái tạo xã hội Hoa Kỳ mới, dựa trên căn bản lý thuyẽt của Karl Marx. Họ hỗ trợ tích cực các phong trào công nhân thợ thuyền với khẩu hiệu “Not Black, not white Power but Worker’s Power”, như là phương tiện gián tiếp để cộng sản hóa Hoa Kỳ... Môn phái cực tả chủ trương canh tân các chương trình xã hội, tôn giáo và xã hội Hoa Kỳ theo quan điểm của Chủ nghĩa Cộng Sản.
Hiện nay có hai nhóm cực tả: Nhóm thứ nhất chủ trương cải cách xã hội bằng phương tiện cách mạng bạo động và sắt máu. Nhóm thứ hai chủ trương cải tổ ôn hoà bằng cách lợi dụng quyền đầu phiếu. Các nhóm này lôi cuốn một số người nhẹ dạ, nhưng không đủ khả năng lôi cuốn quần chúng và chính quyền. Những người này thường không liên kết với đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ. Những người Mỹ theo đường lối này thường áp dụng chính sách mỵ dân. Chủ trương tự do cá nhân phải có tính cách tuyệt đối nhằm dụ hoặc quần chúng. Họ chủ trương cứu cánh biện minh cho phương tiện, nghĩa là dùng bất cứ phương tiện tốt, xấu gì cũng được miễn là đạt được kểt quả mong muốn. Họ tuyệt đối tin tưởng vào chương trình cải cách Chủ nghĩa CS là thể chế hoàn mỹ, không có chủ nghĩa nào có thể thay thế...

Các tổ chức tả phái của Hoa Kỳ đã từng hoạt động như Communist Party – USA, W.F.B Dubois Club of America, Progressive Labor Party, Socialist Labor Party, Socialist Worker Party, Young Socialist Alliance, Spartacist League, Guardian, Worker League, World Socialist Party of USA, Ramparts, Monthly Review... Mỗi tổ chức đều ấn hành tạp chí để phổ biến chủ trương đường lối cho hội viên và quần chúng. Cũng nên lưu ý là ngược lại danh từ Radical ngày nay còn được dùng để mệnh danh những phần từ chủ trương đả phá chế độ cộng sản tại Nga và các nước Cộng Sản Trung Âu hay những phần tử quá khích như “Radical Islamite”....

2. Cấp tiến/Liberal:

Chủ trương thay đổi với mức độ ôn hoà thường được gọi là cải cách (reformer/liberal). Những người cấp tiến sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi nhưng không có tính cách đả phá, hủy hoại chế độ hay hệ thống đương thời. Tu bổ, sữa chữa lại ngôi nhà đang cư ngụ hơn là áp dụng phương thức phá hoại như cộng sản đã và đang áp dụng. Cộng sản chủ trương đốt nhà để cho nhân dân sống cảnh màn trời chiếu đất, nghĩa là chịu hy sinh cực khổ trong hiện tại, trong lúc xây cất lại ngôi nhà mới nhưng không biết bao giờ ngôi nhà mới hoàn thành.

Những người chủ trương thay đổi cải cách thường chấp nhận chủ thuyết của đảng Dân Chủ hoặc cấp tiến, đều có khuynh hướng cải cách xã hội, và thường được quần chúng Mỹ liệt vào loại thiên tả ôn hoà (leftist) vì đảng CS được tự do hoạt động tại Mỹ dưới nhiều hình thức, kể cả hình thức đoàn thể xã hội và lợi dụng các quyền tự do để bành trướng. Danh từ “Liberal” phát xuất từ thế kỷ thứ 19 do tiếng Tây Ban Nha, tên của một chính đảng ở quốc gia này. Đảng viên Liberal tin tưởng vào khả năng của công dân biết xử dụng quyền hành của mình một cách xứng đáng. Trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 1988, ứng cử viên TT Bush đã nhận xét ứng cử viên TT Dukakis là “Liberal”. Dù danh hiệu này rất thông dụng, nhưng hiện nay vẫn chưa được xem là ý niệm tốt trong tâm lý quần chúng vì có tính cách thiên tả và các phương pháp cải cách của tả phái.

3. Bảo thủ/Conservative

Khác với hai chủ trương nêu trên (radical và liberal) có tính cách khuynh tả (leftist), theo quan niệm hiện hành của đa số công dân Hoa Kỳ. Những người chủ trương bảo thủ (conservative) ôn hoà bằng lòng với hiện tại. Họ cho rằng hiện tại vẫn tốt đẹp, không cần phải thay đổi. Những người này thường chủ trương hỗ trợ đảng Cộng Hoà. Danh từ Bảo thủ nghĩa là bảo tồn, như bảo tồn truyền thống, thuần phong mỹ tục và định chế chính quyền dân chủ đã được hình thành qua kinh nghiệm chung của nhân loại. Môn phái bảo thủ cũng chống lại chủ trương tự do quá trớn hay tự do phóng nhậm, vì tự do cũng cần phải được giới hạn để mọi người có cơ hội hưởng tự do đồng đều. “The extreme liberty as we all know, in every point, is destructive to both virtue and enjoyment
(Edmund Burke).

Sở dĩ đảng Cộng Hoà giành được thắng lợi trong các cuộc tranh cử Tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp trong 12 năm (1981–1993), một phần cũng nhờ dân chúng nhìn thấy tình trạng xã hội đương thời không cần thay đổi nên đã dồn phiếu cho đảng Cộng Hoà thay vì bầu cho Dân Chủ. Đa số những người trung niên, giới trí thức và lão niên chấp nhận khuynh hướng bảo thủ. Khuynh hướng này đang là những làn sóng ngầm ảnh hưởng đến tâm lý quần chúng hiện nay khiến cho những đề nghị cải cách táo bạo không có cơ hội phát triển. Tuy nhiên những cải cách táo bạo vẫn đươc các ứng cử viên Clinton, Sander quảng bá trong cuộc tranh cử năm 2016 và Ứng cử Viên Trump đã đắc cử với chủ trương “Make America Great Again”. Nền chính trị Hoa Kỳ phức tạp nên khó tiên đoán đảng nào sẽ đắc cử trong nhiệm kỳ sắp đến năm 2020–2024.

4. Cực hữu/Reactionary

Lớp người bảo thủ cực hữu (reactionary/far right) là những người vẫn thích thay đổi, nhưng thích tồn cổ hơn. Những gì do tiền nhân để lại đều đáng quý trọng, đáng được học hỏi, đáng bảo tồn, đúng với câu “xưa bày nay làm”, và thích trở lại những ngày vàng son của thời đại vua Nghiêu, vua Thuấn. Những người này đương nhiên không chấp nhận thái độ cách mạng, phá hoại truyền thống của cộng sản nên đã gây trở ngại cho sự bành trướng của cộng sản. Cộng sản gọi những người quốc gia chống cộng thuộc khuynh hướng cực hữu là thành phần “phản động” (right wing extremist/Reactionary).

Tại Hoa Kỳ hiện nay có một số tổ chức chủ trương cực hữu như John Birch Society, 20th Century Reformation Hour, Life Line, Christian Crusade, Manion Forum, Christian Anti–Communist Crusade, Liberty Lobby, Conservative Society of America, Church League of America, Harding College’s National Education Program, Richard Cotten, Christian Freedom Foundation, v.v. những người di dân từ các nước Đông Âu bị Hồng quân Nga chiếm đóng sau đệ nhị thế chiến hoạt động mạnh trong các tổ chức cực hữu.

Mỗi cơ quan đều có tạp chí để phổ biến đường lối trong quần chúng. Chủ trương quốc gia cực hữu nhất quyết không công nhận cộng sản dưới bất cứ hình thức nào, đã đang là thành trì chống cộng hăng hái nhất hiện nay. Tâm lý chính trị tại Miền Nam VN trước 1975 cũng vậy, không chấp nhận CS dưới bất cứ hình thức nào nên đã bị trục xuất ra Bắc một số điệp viên CS len lỏi vào chính quyền Miền Nam. Trong lịch sử xây dựng nền dân chủ tại Nhã Điển (Athens), thủ đô của Hy lạp, năm 461 trước Công Nguyên, Pericles cũng đã dùng biện pháp an trí (ostracism) các phần tử chống đối ra khỏi thành Athens một thời hạn tối đa 10 năm. Nền dân chủ tại Nhã Điển thời bấy giờ là nền dân chủ trực trị như hình thức Hội Nghị Diên Hồng, người dân trực tiếp tham gia bàn luận kế sách về thuế khóa, hoà hay chiến...

Tâm lý chung của những người bảo thủ cho rằng không phải người nào cũng đáng tin cậy, cho nên phải “chọn mặt gởi vàng”. Họ không hẳn tin tưởng vào khả năng của công dân có thể quyết định sáng suốt, nên họ chủ trương cần có chính quyền. Họ chủ trương quốc gia cần được giai cấp ưu tú (enlightened group) lãnh đạo. Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 cũng do các vị khai quốc công thần ưu tú soạn thảo. Quốc hội Hoa Kỳ cũng gồm hai viện. Thượng Viện thể hiện giá trị truyền thống, tôn trọng kho tàng văn hiến, khôn ngoan đã được tích lũy qua hàng trăm năm lịch sử.

Trong bài diễn văn lịch sử đọc tại Gettysburg, Pennsylvania năm 1863, Tổng Thống Abraham Lincoln đã tái xác nhận Hoa Kỳ sẽ được tái sinh trong Ơn Thánh Chúa là quốc gia tự do của dân, bởi dân, để phục vụ nhân dân và sẽ không biến mất trên thế gian này: “This nation, under God, shall have a new birth of freedom –– and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.”
(Abraham Lincoln, November 19, 1863)

Trong thời gian chiến tranh lạnh sau thế chiến thứ hai, giữa hai khối Tự do và Cộng sản, Mao Trạch Đông đã từng khích lệ các lãnh tụ CS Nga sô tấn công tiêu diệt Hoa Kỳ. Năm 1963 dưới thời TT Kennedy, Nga Sô đã đem hoả tiễn thiết trí tại Cuba, chỉ cách Hoa kỳ 90 miles. Hoa kỳ phản ứng mạnh mẽ, một mặt phong toả vịnh Cuba, mặt khác ra lệnh chuẩn bị tấn công, nếu Nga Sô không tháo gỡ các dàn hoả tiễn. Nga Sô sợ Thượng Đế bảo vệ Hoa Kỳ qua lời “Sấm” của Tổng Thống Lincoln “Hoa Kỳ sẽ không biến mất trên thế gian này” bèn lui binh vô điều kiện!

Xã hội Hoa Kỳ đã và đang được thay đổi bằng những cải cách tiệm tiến, tuy chậm nhưng chắc, cũng nhờ những anh tài thực sự nỗ lực làm việc vì quốc gia dân tộc. Thay đổi nhanh chóng theo kiểu cách mạng cộng sản, thiếu suy tư và thiếu điều nghiên kỹ lưỡng đã đưa đẩy các nước cộng sản đến bờ vực thẳm, thảm khốc về cả hai phương diện kinh tế lẫn chính trị.

Những người cực hữu chống Cộng Sản mãnh liệt tại Hoa Kỳ cũng như các nước tự do trên thế giới, nhiều khi “dùng gậy ông để đập lưng ông”, nghĩa là “dĩ độc trị độc”. Họ dùng ngay phương pháp cộng sản để trị cộng sản. Họ là những người lớn tiếng cảnh giác quần chúng về hiểm hoạ cộng sản trước và sau khi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Cộng Sản ra đời. Trong suốt 100 năm từ khi cuộc cách mạng Cộng Sản năm 1917 xảy ra tại Nga sô, những người chống cộng cực hữu chấp nhận thái độ bất cộng đái thiên với cộng sản, đa số không vì tư lợi cá nhân mà chỉ vì quốc gia dân tộc. Họ sẵn sàng chống đối những gì sinh lợi cho cộng sản, kể cả vấn đề bang giao, viện trợ cho thế giới cộng sản. Nhờ đó vào cuối thập niên 1980, Cộng Sản Nga Sô và Đông Âu sụp đổ. Từ sau đệ nhị thế chiến, khối Cộng sản Nga sô Đông Âu và Trung hoa vẫn mua ngũ cốc của Hoa Kỳ vì nền kinh tế của Nga Sô và Trung hoa trì trệ không đủ thực phẩm bán cho quần chúng. Hoa Kỳ thường dùng kinh tế làm đòn bẩy để thăng tiến nhân quyền đối các quốc gia cộng sản hoặc chuyên chế, như Tu Chính Án Jackson–Vanik mà chúng ta thường nhắc đến trong thập niên 1975–85 để tranh đấu cho vấn đề di dân, đoàn tụ gia đình, phóng thích tù nhân chính trị từ các nước CS Đông Âu hay Á Châu, VN đến Hoa Kỳ.
(19 US. Code S.2432 Freedom of emigration in East–West trade).

Những người cực hữu cũng rất quan tâm về sự suy đồi của nền luân lý và giá trị cổ truyền. Họ rất trung thành với giá trị luân lý của đảng Cộng Hoà. Họ thường chống đối những chương trình, kể hoạch mà họ nghĩ là do cộng sản quốc tế hỗ trợ, các tệ đoan như tham những, hối lộ trong công quyền, trong nền tư pháp của Hoa Kỳ và các cơ quan cảnh sát. Họ chủ trương chính quyền có nhiệm vụ giáo huấn quần chúng để tránh sự lợi dụng của cộng sản và các phần tử phá hoại. Đặc biệt những người cực hữu hỗ trợ chế độ tự do kinh doanh và tư bản chủ nghĩa và chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa do nhóm cực tả chủ trương.

Đặc nét của chính quyền dân chủ là tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh. Tâm lý kinh tế chính trị này thể hiện rõ rệt nhất trong các cuộc bầu cử. Cử tri sẽ luận xét về chủ trương và đường lối của ứng cử viên về phương diện kinh tế nhiều hơn về các phương diện khác. Sự kiện này cũng hiển hiện ngay trong các nước cộng sản, vì tình trạng kinh tế suy sụp, quần chúng nghi ngờ khả năng quản trị của giới lãnh đạo, hô hào đòi tự do kinh doanh, tự do dân chủ. Vì thế, bây giờ các nước Đông Âu kể cả Nga Sô không còn noi gương xã hội chủ nghĩa, mà ngược lại các nước này noi gương các nước tư bản để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của quần chúng. Mark, Lenin, Stalin không còn là thần tượng mà là tội đồ của các dân tộc Đông Âu. Do đó chúng ta có thể nói, bất cứ hình thức chính quyền nào mang lại cho quần chúng hạnh phúc, no cơm ấm áo với các quyền tự do căn bản theo Thiên luật đều được dân chúng hỗ trợ. Tự do dân chủ là môi trường thuận lợi nhất cho vấn đề phát triển về mọi phương diện nhân sinh.

5. Sứ mệnh bảo vệ chính nghĩa tự do, dân chủ, nhân quyền

Hoa Kỳ là môt quốc gia mẫu mực thực thi chế độ bảo vệ tự do dân chủ, nhờ đó trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Cơ quan FBI quản lý an ninh quốc nội kiểm soát chặt chẻ mọi hành vi phá rối trị an của CS Quốc tế. CIA quản lý an ninh quốc tế hoạt động rất hữu hiệu khiến cho Cộng Sản Quốc Tế, dù đã chiếm gần một nửa thế giới, từ sau thế chiến thứ hai, nhưng vẫn thất bại trong mưu toan khuynh đảo thành trì của Thế Giới Tự Do cho đến khi khối CS Nga và Đông Âu sụp đổ vào cuối thập niên 1980.

Trong suốt 100 năm sau ngày ban hành bản Tuyên Ngôn Cộng sản Quốc Tế (1848–1948), phong trào CSQT đã bành trướng qua các liên minh (Communist Comintern): Phong trào Đệ nhất (1864–1876), Đệ nhị (1889–1918), Đệ tam (1919–1943) và Đệ tứ Quốc Tế (1938–1953) nhằm lật đổ chính quyền tư bản, lấy giải thoát giai cấp vô sản làm cứu cánh và kỳ vọng đạo binh vô sản thế giới kết hợp để tiêu diệt tư bản vì lịch sử thế giới là lịch sử của giai cấp đấu tranh, biểu tượng là cuộc cách mạng vô sản tháng 10/1917 lật đổ triều đại Nga Hoàng Tsar Nicolas II... Tại Trung hoa, Mao Trạch Đông đã thôn tính Trung hoa lục địa năm 1949 và Tưởng Giới Thạch phải di tản chiến thuật ra đảo Đài Loan.

Trước sự bành trướng nhanh chóng của chủ nghĩa CS quốc tế, Hoa Kỳ đã gia tăng guồng máy an ninh quốc nội và tình báo quốc ngoại, ban hành và tu chính nhiều đạo luật ngăn ngừa phá rối trị an. Từ năm 1798, Hoa Kỳ đã ban hành luật Alien and Sedition Act ngăn ngừa và trừng trị cuồng ngôn nhằm làm mất uy tín chính quyền địa phương và trung ương... Năm 1917, Hoa Kỳ ban hành luật Espionage Act, đồng thời với cuộc cách mạng vô sản tại Nga sô.

Năm 1901, Tổng thống William McKingley bị các phần tử chủ trương vô chính phủ ám sát. Vị Tổng Thống thứ 25 của Hoa Kỳ, đã để lại các nhận xét bất hủ:

In the time of darkest defeat, victory may be nearest... That’s all a man can hope for during his life time – to set an example – and when he is dead – to be an inspiration for history”.

Tiểu bang New York ban hành luật ngăn ngừa tội phạm ám sát vì lý do chính trị và âm mưu lật đổ chính phủ... Năm 1919 Schenck, đảng viên CS, đã bị kết án chiếu luật Espionage Act 1917 vì sách động thanh niên phản đối chiến tranh và cản trở vấn đề tuyển mộ binh sĩ. Năm 1919 tại Ohio, Debs, một thủ lãnh CS, đã đọc diễn văn trước 1,200 khán giả nhằm sách động chống chiến tranh, xúi dục thanh niên bất tuân lệnh nhập ngũ, đã bị kết án trên 10 năm. Năm 1927 tại California, Whitney, đảng viên CS, bị kết án vi phạm luật Criminal Syndicalism Act, tổ chức phá hoại, dùng bạo lực làm phương tiện lật đổ chính quyền hợp pháp.... Năm 1951, chiếu luật Smith Act, 11 lãnh tụ CS đã bị kết án vì chủ trương bạo hành, lật đổ chính phủ...

Tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, Quốc hội đã ban hành luật trừng trị các hành động phá rối trị an, lật đổ chính phủ. Các luật lệ cấp Liên bang cũng như cấp Tiểu bang hiện nay vẫn còn có hiệu lực áp dụng đối với các hành vi phá rối trị an, lợi dụng tự do ngôn luận tuyên truyền xuyên tạc, sách động quần chúng tạo nguy cơ cho nền an ninh quốc nội.

Chúng tôi xin đơn cử một thí dụ về luật tiểu bang đối với chủ nghĩa cộng sản, nhân viết về vụ William Joiner Center thuộc Trường Đại Học Massachusetts tại Boston, tiểu bang Massachusetts, thuê hai cán bộ CSVN tham gia vào công tác viết về lịch sử người Việt tỵ nạn hải ngoại. Trong suốt hai năm từ tháng 1/2000 đến tháng 3/2002, Cộng đồng người Việt hải ngoại đã nỗ lực tranh luận với Đại học Mass tại Boston hầu điều chỉnh hành động vi phạm luật lệ của Đại học Mass.

Luật của tiểu bang Massachusetts, định nghĩa các tổ chức khuynh đảo là những tổ chức có mục đích chung nhằm lật đổ chính quyền hợp pháp bằng phương pháp bạo động hay các phương thức bất hợp pháp khác. Đảng cộng sản là đảng có mục đích khuynh đảo, do đó đảng cộng sản là đảng không được luật Massachusetts công nhận. Tổng trưởng Tư pháp có nhiệm vụ điều tra và truy tố các tổ chức khuynh đảo. Đảng viên các tổ chức khuynh đảo thường bị truy tố về tội hình sự, không được ứng cử vào các chức vụ công cử, không được bổ nhiệm vào các chức vụ tại các cơ quan công quyền, không được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập và tư thục, và bị cấm hành nghề trong một số ngành dịch vụ, không được nhập tịch, v.v.

Luật Massachusetts, Chương 264,

Điều 16 ấn định: “... Subversive organizations... mean any form of association... whether incorporated or otherwise for the common purpose of advocating, advising, counseling or inciting the overthrow by force or violence or by any unlawful means, of the government of the Commonwealth or of the United States.”

Điều 16 A: “The Communist Party is hereby declared to be a subversive organization.”

Điều 17:A subversive organization is hereby declared to be unlawful.”

Điều 18: “The attorney general shall bring an action... against any organization which has reasonable cause to believe is a subversive organization.”

Điều 19: “Any person who becomes or remains a member of any organization knowing to be a subversive organization shall be punished by imprisonment in the state prison for not more than three years....”

Điều 20: “No person who has been convicted of a violation of the provisions... of section nineteen... shall be eligible to... employment... in any public or private institution... The attorney shall have jurisdiction in equity to restrain and enjoin any such person from performing such duties.”

Mặc dù hiện nay Hoa Kỳ giao thương với các nước cộng sản vì lý do kinh tế, thương mãi, an ninh toàn cầu; vì lý do nhân đạo để nâng cao sinh hoạt của các lãnh vực nhân sinh, và để bảo vệ nền văn minh nhân bản dựa trên các quyền thiên nhiên (natural rights civilization) hay nhân quyền do Tạo hóa ban cho nhân loại mà không ai được quyền xâm phạm. Tuy vậy các chính quyền độc tài vẫn đối nghịch với thế giới tự do, chứ không có nghĩa bang giao tức là xoá bỏ làn ranh Quốc, Cộng.

Quan niệm về các quyền bất khả xâm phạm do Tạo hóa ban cho nhân loại là quan niệm phát xuất từ dân gian. Hầu hết nhân loại hướng về đấng Tạo Hoá. Từ ngàn xưa các bộ tộc, quốc gia đều quan niệm tộc trưởng các bộ lạc hay vua chúa các quốc gia là Thiên Tử, trung gian giữa Trời và loài người, thừa mệnh Trời trị vì thiên hạ. Quan niệm này bàng bạc trong lịch sử và văn hóa nhân loại từ cổ đến thế kỷ 20. Tại Á Châu, Tần Thủy Hoàng lên ngôi năm 13 tuổi, đến năm 22 tuổi mới được thực thụ tấn phong vào chức vụ Hoàng Đế năm 238 trước Công nguyên. Các vua qua các triều đại tại Trung Hoa đều được tấn phong theo quan niệm Vua là Thiên Tử, thay mệnh Trời trị vì thiên hạ cho đến đời vua cuối cùng của Triều đại Mãn Thanh vào đầu thế kỷ thứ 20.

Bên phương trời Tây, các Đức Giáo Hoàng La Mã, đại diện cho Thần quyền, là Giáo hội Công Giáo, thường tấn phong các vị Hoàng Đế như Giáo Hoàng Lê–ô thứ III năm 800 sau Công nguyên đã tấn phong Hoàng Đế Charlemagne. “Thần quyền và thế quyền như linh hồn và thể xác không thể tách rời nhau.”

Khổng giáo quan niệm “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. “Dân là nước, vua là thuyền. Nước có thể lật đổ thuyền”. Nhưng Khổng học cũng quan niệm “Trung thành bất sự nhị quân”. CS Tầu đã lợi dụng chủ trương “Trung Thành” này để khuyến dụ dân chúng trung thành với Đảng CS. Ngày nay Trung Cộng lập các Viện Khổng Tử tại một số quốc gia trên thế giới để bành trướng văn hoá Tầu. Nhưng tiếc thay, các Viện Khổng Tử cũng là cơ quan tình báo. Sự lạm dụng này đã khiến cho môt số cơ quan truyền bá văn hoá của Trung Cộng bị các quốc gia đóng cửa.

Chủ nghĩa CS vô thần không công nhận các quyền bất khả xâm phạm và nổi tiếng trên thế giới là chủ nghĩa vi phạm nhân quyền. Vì CS vô thần, không tin con nguời có đời sau, nên không có tín ngưỡng. CS chủ trương con người là sinh vật kinh tế, không có linh hồn, nên cũng sống theo bản năng như các cầm thú khác. Ngược lại, các quốc gia tự do quan niệm mọi người sinh ra được hưởng quyền bình đẳng và những quyền thiên nhiên (natural rights) bất khả xâm phạm được Tạo hóa ban cho nhân loại.

Một trong những đặc điểm của Văn Minh Tây Phương là chủ trương quảng bá và trọng nhân quyền, tôn trọng nhân phẩm, nhân vị của con người. Mọi người được bình đẳng, được tạo dựng theo hình ảnh của Tạo hoá. Con người có:

(1) trí tuệ (intellect) để thu nhận kiến thức, tinh luyện suy luận và phát triển sáng tạo;

(2) lý trí (reason) để suy xét, phân biệt phải trái, thiện ác;

(3) ý chí (will) để quyết tâm thực hiện điều mình mong ước hay lý tưởng của mình và

(4) tự do (freedom) để hành động theo lương tri
.

Do đó, con người “Nhân linh ư vạn vật” cao trọng hơn các loài thọ sinh khác.

Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập, ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Ba Đình, Hà Nội, ông HCM cũng lập lại những câu văn trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ năm 1776, mở đầu với câu:

Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”

CSVN muốn dụ hoặc đồng bào và đánh lừa dư luận thế giới tự do, vì nếu chúng ta xét qua thực chất hoạt động của đảng CSVN từ năm 1945 đến nay, chúng ta thấy rõ CSVN chỉ hứa suông mà không bao giờ có thành ý thực hiện những điều hứa hẹn. Lời hứa không mất tiền mua. Edmund Burke rất hữu lý khi nhận xét về những hứa hẹn hão huyền của các chính quyền độc tài: “Hypocrisy can afford to be magnificient in its promises; for never intending to go beyond promises, it cost nothing”.

Về phương diện tri thức, nghiên cứu về quyền thiên nhiên do Tạo Hoá ban cho nhân loại thuộc phạm trù Thần học (Theology). Các ý niệm về nhân phẩm, nhân quyền, các quyền bất khả xâm phạm được hiểu qua đức tin (Faith seeking understanding: If you do not believe, you will not understand) hơn là qua suy lý. CS Vô Thần không tin vào đấng Tạo Hóa tạo ra vũ trụ và nhân loại, nên chưa trưởng thành để am hiểu các ý niệm về quyền tự do Tạo Hoá ban cho nhân loại. Những quyền này Tạo Hoá ban cho mọi người, nhưng Tạo Hoá cũng ban cho con người tự do để chọn sự lành, lánh sự dữ hay ngược lại.

Ngoài ra, vì trí tuệ con người có khả năng hữu hạn nên ngoài cuộc sống trần tục, có những điều mà giác quan chúng ta không thu nhận được nên chúng ta cần phải có lòng tin tưởng để được Thiên khải. Cố Tổng Thống Hoa Kỳ Calvin Coolidge đã nhận định: Chỉ khi nào con người có tín ngưỡng mới mong được trưởng thành. “It is only when men begin to worship that they begin to grow” – “Có cầu mới được, có xin mới cho, có gõ mới mở”.

Quan niệm về quyền bất khả xâm phạm thiên nhiên do Tạo hóa ban cho nhân loại đã và đang ảnh hưởng đến tâm lý chính trị, tư duy và hành động, của nhân dân hữu thần trên thế giới và các triết thuyết chính trị của các quốc gia dân chủ Tây phương. Bảo vệ Tự do, dân chủ, nhân quyền là căn bản, là nền móng, là những hạt giống cưu mang mầm móng của các cuộc cách mạng tại Mỹ (1776), tại Pháp (1789) trong thế kỷ thứ 18 và ý niệm giải phóng nô lệ phát xuất từ Anh Quốc năm 1833 và sau đó được khai triển tại Mỹ gây nên cuộc nội chiến 1861–1865 trong thế kỷ thứ 19.

Tư tưởng lên khuôn cho hành động. Vấn đề thực thi sứ mệnh bảo vệ quyền tự do thiên nhiên (Natural Rights Liberty) do Tạo Hóa ban cho nhân loại đã và đang là nguyên động lực điều hướng chính sách đối nội, đối ngoại của Hoa Kỳ.

Đối nội, một trong những nguyên nhân chính của cuộc nội chiến tai Hoa Kỳ (1861–1865) là để bảo vệ nhân quyền, giải phóng chế độ nô lệ, vì chế độ nô lệ không phù hợp với Thiên lý, phản bội lý tưởng tự do. “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Hoa Kỳ đã trả một giá rất đắt, đã hy sinh 618,000 nhân mạng trong cuộc nội chiến Nam–Bắc phân tranh và cả sinh mạng của vị Tổng Thống Cộng hoà khả kính Abraham Lincoln, người quyết tâm giải phóng chế độ nô lệ để cải tiến xã hội.

Đối ngoại, Hoa kỳ đã tham chiến chống Đức Quốc Xã và Phát-xít Nhật trong đệ nhị thế chiến (1939–1945) tại hai mặt trận Âu, Á. Hoa Kỳ đã hy sinh hơn 500,000 quân sĩ. Giả sử Hoa Kỳ không tham chiến thì Âu Châu, Phi Châu đã bị Đức Quốc Xã xâm lăng. Á Châu và ngay cả Úc Châu cũng bị Phát-xít Nhật chiếm đóng thì vận mệnh của các dân tộc liên hệ sẽ tang thương như thế nào!

Nếu không có Hoa kỳ đánh bại Nhật Bản thì Trung hoa chẳng những đã hy sinh 14 triệu người mà còn phải hy sinh nhiều sinh mạng hơn nữa và nhất là Âu Châu, Á Châu, Phi Châu, cả Úc Châu cũng không biết bao giờ mới thoát khỏỉ ách độc tài đảng trị của Đức và Nhật. Trong cuộc chiến chống sự bành trướng của CS Quốc Tế tại Việt Nam, Hoa Kỳ cũng hy sinh 58,000 nhân mạng trong số đó có 7 vị tướng lãnh.

Tất cả hy sinh mà Hoa Kỳ gánh chịu, không phải để xâm lăng, chiếm đất, dành dân, mà đã thể hiện ý chí bất khuất trong chủ trương “bảo vệ chính nghĩa tự do” cho nhân loại chống kẻ xâm lăng. Đúng với triết lý nhân sinh của một quốc gia quyết tâm ra tay nghĩa hiệp:

Nếu người tốt không ra tay hành động thì kẻ gian tà chiến thắng –Evil triumphs if good men do nothing.”
(Edmund Burke) Và người hành đông dưới ngọn cờ chính nghĩa chứ không phải xâm lăng qua chiêu bài giải phóng để áp đặt chề độ độc tài đảng trị, xoá bỏ biên giới quốc gia mà tổ tiên đã hy sinh xương máu gầy dựng qua hàng ngàn năm lịch sử từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu.

Hơn 125,000 quân nhân anh dũng, binh sĩ và tướng lãnh Hoa Kỳ, đã “sống gởi nạc, thác gởi xương” tại các nghĩa trang Âu, Á, nơi mà họ đã hy sinh để giành lại chủ quyền cho các quốc gia lâm chiến như Anh, Pháp, Phi và các nuớc khác tại Âu châu, Á châu... Hàng năm, đến ngày kỷ niệm Đệ Nhị Thế Chiến, dân chúng các quốc gia này đã đem vòng hoa ra tảo mộ, tri ân các chiến sĩ Hoa kỳ đã hy sinh mạng sống để giải phóng dân tộc họ. Đó là bằng chứng hy sinh vì Chính nghĩa, vì lý tưởng tự do mà thế giới CS không bao giờ có.

Ngoài vấn đề hy sinh nhân mạng, nhân dân Hoa Kỳ, sau thế chiến đã viện trợ hằng ngàn triệu Mỹ Kim để tái thiết Âu Châu và Nhật Bản. Hoa kỳ đã lột xác Nhật Bản từ chế độ quân trị, kiêu binh lạc hậu sang chế độ tự do dân chủ, bằng cách cung cấp thực phẩm, kỹ thuật, nhân tài vật lực để tái thiết quốc gia Nhật về mọi khía cạnh nhân sinh văn hoá, giáo dục, kinh tế, xã hội, chính trị. Nhờ thế, Nhật Bản đã trỗi dậy nhanh chóng sau cơn binh biến và ngày nay đã trở thành một quốc gia hùng mạnh ngang hàng với các nuớc tiền tiến Tây phương. Nhật Bản tuy bai trận, nhưng luôn biết ơn Hoa Kỳ, đã từng vinh danh Tướng MacArthur vào danh sách phong thần, một trong 12 ân nhân của dân tộc Nhật.

Tại Việt Nam, năm 1975. Cộng Sản Bắc Việt đã vi phạm Hoà Ước Ba Lê và xâm lăng miền Nam Việt Nam nên Hoa Kỳ không viện trợ tái thiết. Cộng sản Bắc Việt, quá lạc hậu và dã man, đã trả thù Miền Nam bằng cách bắt giam hằng triệu dân, quân, cán, chính Miền Nam. Hằng chục ngàn người đã chết trong ngục tù CS vì bị tra tấn, đói khát và bệnh tật do chế độ lao tù bất nhân của chế độ CS. Hơn nửa triệu người đã chết thảm trên biển cả hay vùi thây bên góc rừng, xó núi, trên đường vượt thoát tìm tự do. Cuộc chiến do CS Miền Bắc phát động đã gây nên cuộc chiến tương tàn làm cho 5 triệu người Việt vô tội bị vong mạng.

6. Tâm lý cử tri

Ngoài các chủ trương thượng dẫn thể hiện qua tâm lý quần chúng, ảnh hưởng trầm trọng đến kết quả các cuộc tranh cử cấp tiểu bang và liêng bang, thái độ chính trị của cử tri còn thể hiện hai loại khuynh hướng về chính trị và kinh tế:

(1) Khuynh hướng thứ nhất là bầu cho người tại vị (incumbency–oriented) và chọn ứng cử viên theo chính sách quốc gia (policy–oriented),

(2) Khuynh hướng thứ hai là chọn ứng cử viên theo kinh nghiệm kinh tế cá nhân của cử tri (personal experiences) và lượng định tình trạng kinh tế quốc gia (national assessment).


Cử tri thường dồn phiếu cho ứng cử viên đương nhiệm hoặc ứng cử viên cùng đảng với vị tiền nhiệm, nếu tình trạng kinh tế khả quan. Năm 1981, cử tri Hoa Kỳ đã bầu Tổng thống Reagan (1981–1988) và sau đó bầu cho Tổng thống Bush (1989–1993) thể hiện nền kinh tế khả quan dưới thời Cộng Hoà so với nền kinh tế suy sụp lạm phát phi mã dưới thời Carter (1976–1980) nên TT Carter đã thất cử khi ra tranh cử nhiệm kỳ hai.

Trong nền kinh tế Hoa Kỳ, nên lưu ý đến hai vấn đề quan trọng: thất nghiệp (unemployment) và lạm phát hay sinh hoạt đắt đỏ (inflation). Hai hiện tượng kinh tế này có tính cách nghịch vị: Thất nghiệp tăng thì lạm phát giảm. Thời Tổng thống Carter (1977–1981) lạm phát quá cao, (mortgage interest rate để mua nhà từ 12–18%). Cử tri chú trọng vào chính sách hơn là đảng phái hoặc cá nhân khiến cho Carter thất cử. Cử tri không bầu cho Carter đương nhiệm mà bầu cho Reagan. Từ năm 1981 đến 1993, đảng Dân Chủ không thể dành lại ngôi vị Tổng thống vì đảng Cộng Hoà có nhiều bí quyết chế ngự được nạn lạm phát và giảm tỷ số thất nghiệp. Thường nạn thất nghiệp dưới thời Cộng Hoà cao hơn dưới thời Dân Chủ, do đó những người sợ nạn thất nghiệp, hay lo lắng về tình trạng kinh tế cá nhân thường dồn phiếu cho ứng cử viên đảng Dân Chủ. Hai vấn đề này đều thuộc về kinh tế đại tượng (macro economics). Đảng nào quân bình được cán cân thất nghiệp và lạm phát sẽ có nhiều cơ hội gặt hái được kết quả tốt đẹp trong các cuộc bầu cử. Sau cuộc bầu năm 2016, TT Trump đắc cử, nền kinh tế khởi sắc, nạn thất nghiệp giảm, kinh tế phồn thịnh.

Kinh nghiệm của cử tri về kinh tế cá nhân (personal experiences) và tình trạng kinh tế quốc gia (national assessment) cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành quyết định của cử tri. Nếu tình trạng gia đình khả quan, cử tri sẽ tiếp tục bầu cho Tổng thống, Thống đốc đương nhiệm hoăc cùng đảng. Sự kiện này có thể suy luận từ tình trạng kinh tế và kết quả các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và liên bang. Chính cá nhân cử tri mới hiểu rõ tình trạng hạnh phúc hay đau khổ của mình vì sự thăng trầm của nền kinh tế, đúng như nhận xét của kinh tế gia Adam Smith: “Every man feels his own pleasures and his own pains more sensibly than those of other people.”

Lại nữa trong bất cứ nhiệm kỳ nào của Dân Chủ hay Cộng Hoà đều có người thất nghiệp. Những người thất nghiệp có thể có hai thái độ: Họ vẫn bầu cho tổng thống đương nhiệm nếu nhận thấy tình trạng quốc gia khả quan và không cần luận về tình trạng thất nghiệp cá nhân. Cũng có thể họ bầu cho ứng cử viên mới để mong tình trạng cá nhân hầu có thể thay đổi. Vấn đề này thuộc tâm lý cá nhân nghĩ đến quốc gia dân tộc hay đặt nặng quyền lợi cá nhân, do đó cùng một hoàn cảnh có thể hai người có hai thái độ khác nhau.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (2001–2008), đa số dân chúng Mỹ nghĩ rằng tình trạng kinh tế khả quan, đời sống gia đình thoải mái nên bầu cho ứng cử viên Cộng Hoà George Bush về cả hai phương diện kinh nghiệm kinh tế cá nhân và tình trạng kinh tế quốc gia. “When the nation’s economy is doing well, the voters would tend to vote for the incumbents, while those who believed it had been worsened would tend to vote for the challengers.”

Nhưng sau cuộc chiến kéo dài ở Trung Đông nhằm tiêu diệt khủng bố đã đánh vào thành trì tư bản của thế giới từ năm 2001. Tình trạng kinh tế gặp khó khăn nên dân chúng muốn có sự thay đổi. Ông Obama, nhờ chủ trương “Change” đã được bầu làm Tổng Thống được 2 nhiệm kỳ (2008–2016).

Tuy nhiên, khi gần hết hai nhiệm kỳ của Obama, xem ra dân chúng không thấy được sự thay đổi như Đảng Dân Chủ đã hứa hẹn. Ngân sách quốc gia thâm thụt đến 18 trillion hay 18,000 tỷ ($18,000,000,000,000). Tình hình an ninh quốc nội lại bị khủng bố đe dọa, thất bại về chính sách đối nội và đối ngoại.

Năm 2008, khi TNS Obama nhậm chức Tổng Thống, đảng Dân Chủ chiếm đa số cả Thượng viện lẫn Hạ Viện Hoa Kỳ. Sau 4 năm trị vì, dân chúng bất mãn, đảng Dân chủ mất một số lớn ghế Thống Đốc và mất luôn quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ và lưỡng viện quốc hội tại nhiều tiểu bang.

Dự định phân phối người lớn và trẻ em vượt biên bất hợp pháp từ Nam Mỹ, hoặc di dân từ Trung Đông đến các tiểu bang, không nghĩ đến lý do an ninh và gánh nặng an sinh xã hội. Sự kiện này đã gây phẫn nộ trong quần chúng và hơn 30 vị Thống Đốc đã phản đối TT Obama về vấn đề di dân và nhiều vấn đề nhiêu khê khác. Sở dĩ cuộc vận động tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2016–2020 đã có nhiều ứng cử viên đảng Cộng Hoà ra tranh cử vì các đảng viên Cộng Hoà thấy đây là cơ hội tốt để thắng cử. Trong lúc đó đảng Dân Chủ chỉ có 4 ứng cử viên, nhiều người không tham gia tranh cử vì thấy cơ hội thắng cử của đảng Dân chủ không cao. Thêm vào đó, chính trị Hoa Kỳ thường thay đổi đảng cầm quyền quốc gia cứ 8 năm môt lần.

Tuy nhiên kết qủa thăm dò dư luận thường thay đổi có khi tùy theo một số biến cố không thấy trước được như nạn khủng bố ở Pháp, hay ở San Bernadino, CA năm 2015, đã nâng cao điểm tín nhiệm cho môt số ứng cử viên quan tâm đến chủ trương mạnh mẽ về vấn đề chống khủng bố, chống di dân mà các chính khách nhà nghề thường giữ thái độ dè dặt sợ bị phản ứng không dám lên tiếng. Nói khác đi “một con bướm bay ở Âu châu có thể tạo nên làn gió mạnh ở Mỹ châu hoặc ngược lại.”

Trong các xã hội độc tài đảng trị chỉ có một khuynh hướng chính trị độc tôn. Trong các quốc gia tự do dân chủ, công dân được hưởng quyền tự do thiêng liêng do Thượng Đế (natural law) ban cho mà không ai có quyền xâm phạm.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ năm 1776 đã ghi rõ: “All men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights that among these are Life, Liberty and the persuit of Happiness”. Mọi người sinh ra đều được bình đẳng, thụ hưởng những quyền bất khả xâm phạm do Thượng Đế ban cho, như quyền được sinh sống, quyền tự do và quyền tìm kiếm hạnh phúc...

Nền chính trị tại Hoa kỳ rất phức tạp, luôn luôn có những làn sống ngầm xung đột giữa các quan niệm khác nhau, về vấn đề chọn ưu tiên trong khi thực hiện quốc sách.

(1) Ý niệm phổ quát cổ truyền được công chúng nhắc đến là ý nguyện của các bậc khai quốc công thần đã thể hiện qua Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 và Hiến Pháp năm 1787 chủ trương dành ưu tiên để bảo vệ quyền tự do thiên nhiên của con người do Thượng Đế ban cho “Natural Rights liberty”. Từ khuynh hướng căn bản này, một số ý niệm khác được khai triển.

(2) Ý niệm thứ hai là dành ưu tiên đề bảo quản quyền tự trị địa phương hay tiểu bang “Classical Communitarian Liberty”. Ý niệm này bênh vực quyền quản trị địa phương, tăng quyền tiểu bang và hạn chế quyền liên bang. Các tiểu bang đều có hai Thượng Nghị Sĩ và cứ khoảng trên dưới 500,000 dân được bầu một dân biểu trong Quốc hội Liên bang. Mỗi tiểu bang có quyến lập pháp, hành pháp và tư pháp.

(3) Khuynh hướng thứ ba là ưu tiên để bảo vệ tự trị kinh tế cá nhân “Economic Autonomy Liberty”.

(4) Khuynh hướng thứ tư là dành ưu tiên bảo vệ công bằng xã hội “Social Justice Liberty” và

(5) Thứ năm là dành ưu tiên bảo vệ quyền tự do cá nhân “Personal Autonomy Liberty”.


Những người làm chính trị có thể, không ít thì nhiều, am hiểu tâm lý chính trị. Nhưng không hẳn người hiểu tâm lý chính trị lại làm chính trị. Trường hợp này, nghiên cứu để hiểu biết chính trị hơn là áp dụng kiến thức vào sinh hoạt chính trị một cách tích cực qua chính đảng. Hoặc nói cách khác đi không có “khiếu” hoặc không thích làm chính trị.

Làm chính trị cần sự dấn thân, can đảm, bền chí, nhẫn nhục... có khi hy sinh cả cuộc đời, không vì tư lợi mà vì quốc gia dân tộc. Tuy vậy, số người hy sinh vì quốc gia dân tộc thường ít, và khi hành động cần người hợp tác. Người hợp tác có thể vì danh lợi, thừa gió bẻ măng, tạo nên nạn bè phái, oán cừu, làm cho người có tâm huyết thân bại danh liệt.

Người có tâm huyết làm chính trị chỉ vì muốn thực hiện một sứ mệnh cao cả, không nề gian khổ, nếm mật nằm gai, noi gương Việt Vương Câu Tiễn, quyết chí xây dựng quốc gia dân tộc, như lời thơ diễn tả của Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy:

Họ là những anh hùng không tên tuổi,
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.


Chung quy, con người thường hành động theo tư tưởng của mình. Tư tưởng thu nhận từ xã hội, học đường, bạn bè... kết tinh thành trạng thái tâm lý, gọi chung là tâm lý quần chúng.

Muốn thu phục nhân tâm, trước hết phải am hiểu tâm lý quần chúng. Muốn am hiểu quần chúng phải có tâm hồn khoáng đạt, cởi mở để có thể tiếp nhận ý kiến từ nhiều quan điểm thuận cũng như nghịch, để rồi tinh luyện, biến hoá, tương kế tựu kế, hầu thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

Dầu sinh hoạt chính trị dưới hình thức nào đi nữa thì bốn lập trường nêu trên từ cách mạng tả phái đến phản cách mạng hữu phái, vẫn là đặc tính chung của phạm trù tâm lý chính trị.

Trong bất cứ xã hội nào, thường một thiểu số chấp nhận một thái độ, một lập trường và dùng lập trường đó như kim chỉ nam hướng dẫn hành động. Từ đó một thiểu số tranh đấu cho lý tưởng của họ, nếu thắng thế, họ sẽ trở thành cấp lãnh đạo. Lãnh đạo vì dân vì nước là phước của quốc gia. Lãnh đạo vì xôi thịt là quốc nạn.

Thế thì không nên hờ hững với chính trị. Một mặt sinh hoạt chính trị “nhằm sửa trị sự việc cho chính trực”. Mặt khác nếu mình không tỏ rõ lập trường, tà đạo lên nắm quyền thì chính mình sẽ là nạn nhân của thời cuộc. “Evil triumphs when good men do nothing
(Edmund Burke). Nhận xét này là kim chỉ nam hướng dẫn hành động của đống bào quốc nội yêu chuộng tự do và quý vi đồng hương hải ngoại trong công tác kiện toàn cơ cấu tổ chức các đoàn thể ái hữu, tôn giáo, cộng đồng địa phương, tiểu bang và liên bang để xây dựng đời sống mới hầu hỗ trợ cho đại nghiệp cứu quốc chóng được viên thành.

Nhờ tự do tư tưởng mà các nước dân chủ đã tiến xa trên bước đường xây dựng quốc gia dân tộc, ý thức chính trị của quần chúng cao. “Ý dân là ý trời”, không phải thể hiện bằng cách mạng, bằng đảo chánh, gây chiến tranh, cướp chính quyền mà bằng phương thức ôn hoà, nhân bản qua phương thức văn minh: Bầu Cử Tự Do.

Nếu vai trò của các đoàn thể, cộng đồng, chính đảng là để hoằng dương chủ trương, đường lối chính trị để mời gọi sự hợp tác của quần chúng trong công cuộc xây dựng tự do, dân chủ và thịnh vượng cho quốc gia, dân tộc, thì quần chúng phải sáng suốt tự chọn lấy lập trường cho chính mình vậy.

Trần Xuân Thời

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

Danh sách những Bài viết của Tác giả Trần Xuân Thời

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Thắng cảnh thiên nhiên Bắc Mỹ châu. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by MĐ Trịnh Tường Vân chuyển

 

Đăng ngày Thứ Bảy, June 29, 2019
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang