Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tham
luận
Chủ đề:
Đổi mới
Tác giả:
Đào Tiến Thi
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Kính gửi
Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Tôi là Đào Tiến Thi,thường
trú tại 113E Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội,
chứng minh nhân dân số
013060932; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (thẻ Đảng số 97
003164); lĩnh vực hoạt động: biên tập sách, nghiên cứu văn học (hiện
là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc), nghiên cứu ngôn ngữ
(hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam).
Với ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất
nước, tôi trân trọng gửi đến BCH Trung ương một số ý kiến về bài học
có thể rút ra từ cuộc vận động canh tân của các sĩ phu Nho học đầu
thế kỷ XX.
Thưa
quý vị Trung ương
Dân tộc Việt Nam cũng như Đảng Cộng sản
Việt Nam hiện nay đang đứng trước tình thế buộc phải lựa chọn con
đường tồn tại và phát triển của mình, nếu không muốn bị diệt vong.
Qua nghiên cứu lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ
XX, chúng tôi nhận thấy đây là giai đoạn dân tộc ta đột nhiên thức
tỉnh và hội nhập với thế giới hiện đại, mà người khai sáng lại chính
là những con người thế giới cũ: tầng lớp sĩ phu Nho học cuối cùng
của chế độ phong kiến thời kỳ suy tàn. Họ là những nhà cách mạng,
nhà văn như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô
Đức Kế, Nguyễn Thượng Hiền, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền... Họ có thể
đứng chân ở những tổ chức khác nhau (Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh
Nghĩa Thục...), hoạt động trên những lĩnh vực khác nhau nhưng đều
chung một chí hướng: quyết tâm canh tân đất nước, đồng thời “thay
máu” chính mình.
Để làm được điều đó, các cụ thời ấy đã phải phá lệ, cụ thể đã phải
làm ít nhất ba việc “phản lại” truyền thống sau đây:
–Kịch liệt phê phán ý thức hệ Nho
giáo, đề cao dân quyền, coi dân quyền là cội nguồn của quốc gia
thịnh trị;
–Từ bỏ
đặc quyền đặc lợi của chính mình – một giai cấp đã ăn trên ngồi trốc
một nghìn năm;
–Đón nhận những yếu tố tiến bộ từ phía kẻ thù với một tinh thần cầu
thị cao.
Chúng tôi thấy những điều này là bài học
rất hay cho Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay. Dưới đây xin phân tích
cụ thể hơn.
1. Kịch liệt phê phán ý thức hệ Nho giáo, đề cao dân quyền,
coi dân quyền là cội nguồn của quốc gia thịnh trị
Nho giáo là một hệ tư tưởng – chính trị –
đạo đức có ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam. Trong suốt một nghìn năm
dưới chế độ phong kiến, Nho giáo chi phối toàn bộ đời sống xã hội,
đặc biệt là đối với giai cấp phong kiến. Theo chúng tôi, Nho giáo có
ba phần: phần tư tưởng (triết học), phần học thuyết chính trị và
phần đạo đức. Ở đây xin chỉ bàn phần học thuyết chính trị (cũng là
phần chủ yếu của Nho giáo) trong quan hệ với tầng lớp sĩ phu nói
trên. Chúng tôi tạm dùng thuật ngữ ý thức hệ Nho giáo thay vì học
thuyết chính trị Nho giáo để nó tương ứng với các thuật ngữ hiện nay
thường dùng như ý thức hệ Mác – Lênin, ý thức hệ tư sản, tức là tạm
tách chúng ra khỏi các bình diện tư tưởng và đạo đức trong các học
thuyết đó.
Nho
giáo đặt ra những tam cương, ngũ thường, ngũ luân... để tạo ra các
rường mối xã hội chặt chẽ mà thực chất cuối cùng chỉ để đặt ông vua
làm chủ nhân của đất nước. Các quan chỉ tuân theo lệnh vua, còn
“thần dân” thì tuân lệnh các quan. Nói cách khác, chỉ có nhà vua là
“công dân đích thực”, còn tất cả đều là nô lệ. Trong xã hội ấy,
quyền (cũng như ơn huệ) đều từ trên ban xuống và người dưới chỉ có
thực hiện, chứ không có chiều ngược lại. Cho nên nếu may mắn gặp
được “vua thánh tôi hiền”, biết “chăn dân” (tương tự như chăn đàn
cừu) thì dân được nhờ, còn nếu vua quan bạo ngược thì dân cũng không
có quyền chống lại.
Các triều đại phong kiến thường tuyên
truyền rằng xã tắc là của “tiền vương”, “tiền triều” của họ để lại.
Đó chẳng qua là một cách đánh tráo. Các sĩ phu Nho học đầu thế kỷ XX
đã đặt ngược lại: người dân mới chính là chủ nhân của đất nước. Bởi
vì chính nhân dân là người xây đắp nên đất nước. Phan Bội Châu viết:
“Phát cây bụi lá gai góc, khó nhọc
để mở ra thế giới này, không phải là tay chân của hàng nghìn vạn
người chúng ta chăng? Sớm chuyên chở, chiều chuyên chở đất cát để
lấp kín khe núi kia, không phải là máu mỡ mồ hôi của tổ tiên hàng
nghìn vạn người chúng ta chăng? Tổ tiên ta đem nước để lại cho con
cháu. Ta là con cháu, ta nhận nước ở tổ tiên ta. Nước vốn là gia tài
của dân ta”.
Các sĩ phu cũng thấy rõ nền chính trị toàn
trị của nhà nước phong kiến là nguyên nhân của mọi thối nát, từ cung
đình cho đến dân gian. Con người quen sống trong phục tùng và sự sợ
hãi, trở nên ngu hèn, mất cả khả năng nhận thức:
Quyền dân
chủ trên đầu ức chế
Trải nghìn năm dân trí
còn gì.
(Phan
Bội Châu)
Vì dân không có quyền gì trên chính đất
nước của mình cho nên tất nhiên cũng thờ ơ với vận mệnh đất nước;
chưa kể, còn quay lại xâu xé nhau vì những cái lợi nhỏ nhen: “Suốt
cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma, như quỷ,
lường gạt, bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn
như bò, giẫm cổ đè đầu cũng không dám ho he một tiếng. Cả mấy mươi
triệu người như một đàn ruồi lũ kiến, không còn chút nhân cách nào”
(Phan Châu Trinh).
Ngày nay ta đưa khẩu hiệu “dân giàu, nước
mạnh”, còn các chí sĩ thời ấy dùng “dân mạnh”, “dân khôn”, thiết
nghĩ là chính xác hơn. Dân giàu chưa chắc đã là “dân mạnh” và dân
giàu chưa chắc đã làm cho nước mạnh (nếu ý thức công dân kém, nếu
sống bo bo, ích kỷ thì chỉ có hại cho đất nước). “Dân mạnh” trước
hết là mạnh về ý chí, mạnh về tri thức, mạnh về nghề nghiệp, sau đó
mới là mạnh về sản nghiệp. Quan hệ dân – nước là quan hệ:
Nước muốn
mạnh thời dân phải mạnh
Dân có khôn thời
nước mới khôn.
(Thơ
Đông Kinh nghĩa thục)
Nếu công cuộc duy tân thắng lợi thì hình
ảnh đất nước ta sẽ là hình ảnh một xã hội dân trị (chữ thời đó
thường dùng để phân biệt với quân trị). Phan Bội Châu viết: “Sau
khi đã duy tân rồi thì dân trí sẽ được mở mang, dân khí sẽ lớn mạnh,
dân quyền sẽ phát đạt, vận mệnh nước ta do dân ta nắm giữ. Giữa đô
thành nước ta đặt một toà nghị viện lớn. Bao nhiêu việc chính trị
đều do công chúng quyết định. Thượng nghị viện phải đợi trung nghị
viện đồng ý, trung nghị viện phải đợi hạ nghị viện đồng ý mới được
thi hành. Hạ nghị viện là nơi đa số dân chúng có quyền tài phán việc
của trung nghị viện và thượng nghị viện. Phàm là dân nước ta, không
cứ sang hèn, giàu nghèo, lớn bé đều có quyền bỏ phiếu bầu cử. Trên
là vua nên để hay truất, dưới là quan nên thăng hay giáng, dân ta
đều có quyền quyết đoán cả”.
2. Từ bỏ đặc quyền đặc lợi của
chính mình – một giai cấp đã từng “ăn trên ngồi trốc” suốt một nghìn
năm
Bác
bỏ ý thức hệ Nho giáo, đề cao dân quyền, các sĩ phu Nho học thời đó
cũng đương nhiên tự tước đi quyền và lợi của mình. Bởi vì cho đến
lúc đó, tuy chủ quyền quốc gia đã mất nhưng bộ máy phong kiến vẫn
được duy trì. Các sĩ phu thời ấy vẫn thoải mái ăn trên ngồi trốc,
vinh thân phì gia nếu muốn. Thực tế trong số họ cũng đã có người đỗ
đạt cao, có thể nhận lấy sắc phong của vua (hay của quan toàn quyền,
thống sứ) để ra làm quan (một số đã từng ra làm quan như Nguyễn
Thượng Hiền, Phan Châu Trinh...) nhưng họ đã chọn con đường dấn thân
vì đất nước. Những hoạt động cách mạng của họ, chưa kể nỗi nguy hiểm
do chính sách đàn áp của thực dân và phong kiến (hàng loạt chí sĩ đã
bị giết hoặc bị tù đày), mà nếu thành công thì cũng không phải để họ
“được làm vua”, mà để xây dựng một chế độ xã hội hoàn toàn khác: chế
độ dân trị (dân chủ). Người nhà nước, theo quan niệm của các sĩ phu,
chẳng qua là những người được nhân dân thuê mướn để quản lý xã hội:
“Than ôi, nước không phải là gia tài
tổ nghiệp của dân ta hay sao? Dân nước ta không phải là chủ nhân đời
đời giữ gia tài tổ nghiệp này chăng? Sao dân ta lại bỏ cái quyền làm
chủ nhân, bỏ cái chức trách làm chủ nhân của mình? Đem sự mất còn
hưng phế của cái gia tài tổ nghiệp gửi cho bọn nhân công được thuê
mướn để trông nom, không những không thể khiến gia tài tổ nghiệp mãi
mãi do mình thừa kế, mà lại còn không cả gia tài tổ nghiệp này phải
thuộc về mình” (Phan Bội Châu).
Dân quyền như vậy là một quyền hết sức tự
nhiên, không phải do giai cấp thống trị ban phát. Xem thế thì các cụ
đã “phản bội” lại quyền lợi của giai cấp của mình, nhưng đó là sự
“phản bội” vĩ đại, là “cái gì của Xê–da trả lại cho Xê–da
[Julius Caesar]”.
Một loại đặc quyền khác của nho sĩ trong
chế độ quân trị là danh vọng, mà thực ra phần nhiều là hư danh. Các
sĩ phu đương thời cũng ném con mắt khinh bỉ vào các thứ hư danh đó:
“Người trong nước (quân trị) không
cần nhân cách, không cần học thức, không cần làm sự nghiệp gì, chỉ
tính sao mua được chút quan, nho nhỏ cũng được chút phẩm hàm (...).
Những nước ấy thì trong nước nó chỉ lủng củng có quan với phẩm hàm
thôi, chứ có nhân vật gì nữa đâu, nước nó thường bị mất trước hơn
mọi nước” (Ngô Đức Kế).
Còn có một thứ đặc quyền nữa cũng bị các
cụ lên án gay gắt là đặc quyền “yêu nước”. Chế độ quân chủ “cấm học
trò và dân không được nói đến chính trị”, vì “biết chính trị nhiều
thì sinh ra cách mạng” (Phan Châu Trinh). Nhưng hậu quả là đặc quyền
ấy quay trở lại tiêu diệt chính nó: “Có
hay đâu giữ khéo quá thì dân trong nước nó ngu, không động đến ngôi
vua thật, mà các nước ngoài họ tới họ lấy thì dễ như chơi, nghĩa là
dân nó ngu, nó không biết nước là cái gì nữa cả. Ta thử xem gương
nhà Tống trước thì mất với Liêu, sau mất với Kim, rồi sau mất với
Mông Cổ; còn nhà Minh thì lại mất với Mãn Châu, Cao Ly thì mất với
Nhựt Bổn, An Nam thì mất với Tây” (Phan Châu Trinh).
3. Đón nhận những gì tiến bộ đến
từ phía kẻ thù với một tinh thần cầu thị cao
Ban đầu, người phương Tây đến nước ta để
buôn bán, chưa phải là kẻ thù. Nhưng vua quan nhà Nguyễn theo thói
quen kỳ thị của Nho giáo hủ lậu và cũng học đòi các vua chúa Trung
Hoa, tự coi mình là “văn minh” mà miệt thị người Tây là “di”, “rợ”,
nên đã thi hành chính sách “bế quan toả cảng” với họ. Thậm chí khoa
học, kỹ nghệ, máy móc của phương Tây cũng bị coi là là thứ “quỷ
thuật”, “cơ xảo”, có thể làm hỏng đạo Thánh hiền! Về sau, phải đương
đầu với sức mạnh của họ thì lại quá sợ hãi, vào trận chưa đánh đã bỏ
chạy, cuối cùng triều đình bó tay đầu hàng (khi chưa đến mức phải
đầu hàng). Và khi thua rồi thì không tìm căn nguyên, lại đổ cho
“mệnh trời”, cho “khí số” đã hết.
Nhưng đến thế hệ các sĩ phu đầu thế kỷ XX,
nhờ đọc tân thư, nhờ độc lập suy nghĩ,họ hiểu ra căn nguyên vì sao
mà Tây thắng ta thua. Ấy là chỉ bởi cái nguyên lý “ưu thắng liệt
bại” (mạnh được yếu thua) của cuộc cạnh tranh sinh tồn tất yếu này.
Nhưng vì sao người Âu mạnh giỏi mà ta yếu hèn? Văn minh tân học sách
(một bài trong sách giáo khoa của Đông Kinh Nghĩa Thục thời đó) cắt
nghĩa (tóm tắt) như sau:
Thứ nhất, về tư tưởng,
văn minh châu Âu lấy nguyên lý động làm nguyên lý tồn tại và phát
triển. Muốn động thì phải khuyến khích sự tương phản (đối lập):
“Thế nào là ảnh hưởng tương phản? Xét ra
các nước châu Âu, trên có nghị viện duy trì quốc thị, dưới có báo
quán để đạo đạt hạ tình. Đại trước tác thì có Dân ước của Lư Thoa
(Khế ước xã hội của Rousseau), Tiến hoá luận của Tư Tân Đắc
(Spencer), Dân quyền thiên của Mạnh Đức Tư Cưu (Bàn về tinh thần
pháp luật của Montesquieu). Suy rộng ra, nào diễn thuyết, nào thi
ca, đều cốt để phát huy cái chủ nghĩa yêu nước, yêu nòi giống. Nước
ta có thế không? Làm văn sách thì chỉ sợ phạm huý, dâng thơ cho
người trên thì chỉ e phạm tội vượt phận nói leo, chỉ chừng đó là đã
khác hẳn (các nước) không cấm (nhân dân) bàn bạc”.
Thứ hai, về chính trị,
“Người châu Âu họ tổ chức chính quyền trong nước có chính thể lập
hiến, có chính thể quân dân cộng hoà. Có số bao nhiêu người đấy thì
cử một người làm nghị viên. Hễ bàn đến một việc gì thì trước phải
khai hội, kẻ bàn người nói, sớm sửa đi chiều sửa lại, cốt làm cho
đúng chân lý, hợp với tình hình. Nước ta có thế không? Hành chính
thì cấm thay đổi, sửa sang; dùng người thì quý sự im lìm, lặng lẽ;
chiếu theo lệ cũ, nhưng lệ không nhất định; luật cũng có ban bố đấy,
nhưng dân gian không được đọc luật”.
Thứ ba, về văn hoá – tinh thần,
“Người Âu cho nước và dân là có quan
hệ mật thiết với nhau. Cho nên có chính thể cộng hoà, mà quốc thể
tức là gia thể; có tục thượng võ mà quốc hồn tức là gia hồn; có lệ
hỗ trái (cho vay), mà quốc mạnh tức là gia mạnh; có lối kiêm biện
(công chức được giao phụ trách một số công việc nhất định), mà quốc
sự tức là gia sự; có phái tự do, mà quốc quyền tức là gia quyền.
Nước ta có thế không? Ngoài văn chương, không có gì là quý; ngoài áp
chế không có gì là tôn chỉ; ngoài phục tòng không có gì là nghĩ xa”.
Trên nguyên lý đó, các sĩ phu Nho học kiên
quyết đoạn tuyệt với nền học “chi hồ giả dã”, cái nền học đã làm cho
“người ngu nước yếu”, và họ ra sức cổ vũ học theo văn minh phương
Tây:
Văn minh ta phải học khôn
Theo thầy Anh, Pháp, noi gương Hoa Kỳ
Trăm
nghề học, học chi cũng học
Học thiên văn
rồi học địa dư
Học toán pháp, học binh
thư...
(Khuyết
danh, Quảng học vấn)
Và trước ta, những nước học theo phương
Tây đều trở nên văn minh:
Xiêm La
trước thiệt là ngu dại
Rước thầy Anh học
mãi khôn
Bây giờ dân đã tỉnh hồn
Lá cờ độc lập, gió còn phất phơ
Nhật Bổn nọ
thuở vừa ngu nhược
Kén người đi các nước
học hành
Bây giờ dân đã văn minh
Tiếng anh hùng đứng một mình cõi Đông...
(Khuyết
danh, Quảng học vấn)
Thực ra để đoạn tuyệt cái quá khứ vàng son
của mình, các cụ cũng đầy trăn trở, thậm chí đau đớn. Trước đó chưa
lâu (cuối thế kỷ XIX), các cụ Nho học của ta còn tẩy chay tất cả
những gì thuộc về “Tây dương”: không cho con đến trường Tây, không
dùng dầu tây (dầu hoả), mạt sát những công chức làm cho sở Tây dám
cả gan “vứt bút lông đi giắt bút chì”... Ngoài ra, những con người
vốn nhiều đời lặn lội trong “rừng Nho biển Thánh” (“Rừng Nho
biển Thánh mênh mông/ Dễ ai lặn lội cho cùng vậy vay – Nguyễn Đình
Chiểu”.), nay đến với nền tư tưởng và học thuật mới, cũng chẳng
dễ gì tiếp thu. Thế nhưng để cứu nước cứu đời, các cụ đã phải chấp
nhận những cái vốn không thể chấp nhận. Ngoài chấp nhận những điều
nói trên, có thể còn phải kể cái khó chấp nhận nữa là chấp nhận quy
luật cạnh tranh, vì nó rất “nghịch” với đạo Thánh hiền. Văn minh tân
học sách viết: “Văn minh (hay phát triển) không phải chỉ có thể mua
bằng giá trị mà thôi, mà còn phải mua bằng đau khổ nữa. Giá trị là
gì? Tức là tư tưởng. Đau khổ là gì? Là cạnh tranh. Càng tư tưởng thì
càng cạnh tranh, càng cạnh tranh thì càng tư tưởng. Rồi do đấy, hết
thảy các khoa thanh học, quang học, trọng học, điện học (...) không
môn học nào là không phừng phực nảy ra. Lý do để đi tới chỗ cực điểm
của văn minh là như thế đó”.
Nếu xét một cách cục bộ thì các phong trào
vận động canh tân đất nước đầu thế kỷ XX đều thất bại. Tuy nhiên,
xét đóng góp của nó trong tiến trình lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ
XX, thậm chí đến tận thời điểm này, thì không hẳn là thất bại, mà có
lẽ chỉ nên nói là thành công không mỹ mãn. Có thể nói như vậy, vì
các phong trào ấy đã tạo ra cơ sở và lực đẩy để xã hội Việt Nam bước
vào thời kỳ hiện đại, hội nhập với thế giới văn minh. Thực tế ta
thấy từ những năm sau Thế chiến thứ nhất, tận dụng chính sách khai
thác thuộc địa, tận dụng sách lược “hợp tác với người bản xứ” (tức
“Pháp–Việt đề huề”) của người Pháp, người Việt Nam, mà tiên phong là
đội ngũ trí thức cũ nói trên (sĩ phu Nho học, sau này gọi là cựu
học) cùng với các trí thức mới (tân học) đã chủ động nắm lấy cơ hội
này để phát triển. Đường sắt, bưu điện, ngân hàng, trạm khí tượng,
nhà máy, hải cảng, báo chí, trường đại học, viện nghiên cứu... ra
đời và từ đó kéo theo sự ra đời của nhà tư sản (bây giờ gọi là doanh
nhân); ra đời các ông phán, ông ký, ông thông; các bác sĩ, luật sư,
kỹ sư, nhà báo, nhà văn, nhà giáo... Nếu cứ nhất nhất tẩy chay người
Pháp hoặc ngược lại, chỉ biết cúi đầu làm cu–li cho họ thì chắc cho
đến năm 1945, đất nước ta vẫn không có gì. Nhưng dân tộc ta, dẫn đầu
là tầng lớp trí thức, vừa vẫn tiếp tục chống thực dân Pháp lại vừa
chủ động nắm lấy văn minh Pháp, hợp tác với những người Pháp tiến bộ
và kết quả là đẩy xã hội Việt Nam phát triển hết sức mau lẹ. Lòng
yêu nước, tinh thần dân tộc cũng theo đó mà trưởng thành. Các yếu tố
này đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng
8/1945. Chưa kể, khi vừa giành chính quyền, ta có ngay những cơ sở
vật chất cần thiết cùng đội ngũ các nhà chuyên môn làm rường cột cho
đất nước những năm đầu độc lập và kháng chiến chống Pháp.
Thưa quý vị Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng là ngọn cờ
tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc và giải phóng giai
cấp cần lao. Trong quá trình ấy, Đảng có lúc phải tận dụng ngọn cờ
chủ nghĩa Mác – Lênin và CNXH. Đến nay những thứ này đã tỏ ra sai
lầm và bất cập và do đó, đặt Đảng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Chúng tôi thực sự thông cảm điều đó. Nhưng nếu cứ tiếp tục độc tôn
chủ nghĩa Mác – Lênin (một thứ học thuyết nhiều sai lầm, hoang
tưởng), nếu cứ tiếp tục xây dựng CNXH (một mô hình đầy phi lý, trái
quy luật), nếu cứ tiếp tục tẩy chay thế giới phương Tây (một chủ
trương đi ngược thời đại, vì thực chất thế giới phương Tây là những
mô hình xã hội dân chủ, chí ít cũng văn minh, tiến bộ hơn ta nhiều
lần) thì chỉ tiếp tục đưa dân tộc – và cả Đảng – vào chỗ bế tắc.
Trước mắt, sự suy yếu của nước ta thực sự đang trở thành miếng mồi
ngon cho một đế quốc đang trỗi dậy đầy tham vọng: đế quốc Trung Hoa.
Nước mất thì Đảng cũng không còn, hoặc may mắn lắm thì cũng chỉ được
cái hư vị như triều đình nhà Nguyễn dưới thời cai trị của thực dân
Pháp mà thôi. Chúng tôi nói “may mắn lắm”, vì khả năng được như
triều Nguyễn cũng khó. Người Pháp chiếm Việt Nam không cần tiêu diệt
văn hoá Việt Nam; trái lại, còn giúp người Việt Nam bảo tồn văn hoá
(trước Cách mạng có Viện Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội, có Hội Đô thành
Hiếu cổ ở Huế...) như muốn tăng sự đa dạng văn hoá cho chính quốc.
Còn người Tầu là hàng xóm của Việt Nam; họ không chỉ muốn nô dịch
dân ta mà còn muốn thôn tính lãnh thổ nước ta, biến nước ta thành
quận huyện của nước Tầu. Bởi vậy, trong lịch sử, mỗi khi chiếm được
nước ta, họ đều thi hành chính sách đồng hóa dã man và thâm độc nhằm
xoá bỏ văn hoá, lịch sử và giống nòi dân tộc Việt Nam. Chính sách
này cũng đã từng áp dụng đối với nhiều nước bị họ thôn tính.
Thiết tưởng nhân dân Việt Nam sẵn sàng ủng
hộ Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước, nếu Đảng tự “lột xác”, tự “thay
máu” để trở về với nhân dân, với dân tộc. Thực chất thì Đảng cũng đã
từ bỏ một nửa chủ nghĩa Mác – Lênin và CNXH khi chấp nhận kinh tế
thị trường. Chấp nhận kinh tế thị trường cũng là chấp nhận dân chủ
trong kinh tế, nay chỉ còn một nửa còn lại là chấp nhận dân chủ
trong chính trị. Nhưng chính sự nửa vời này đã dẫn đến tình trạng
“đầu Ngô mình Sở”: kinh tế thị trường, vận hành theo nguyên lý thị
trường nhưng bên trên lại là nhà nước XHCN, vận hành theo nguyên lý
XHCN. Điều đó trái hẳn với nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin:
thượng tầng kiến trúc (chính trị) phải phù hợp với hạ tầng cơ sở
(kinh tế). Cốt lõi của kinh tế thị trường là tự do cạnh tranh, lẽ ra
nó phải đi kèm với nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và tự do báo
chí, tự do ngôn luận để đặt nền kinh tế tự do cạnh tranh trong vòng
kiểm soát của pháp luật và công luận. Thế nhưng trong thể chế “Đảng
lãnh đạo”, thực chất là Đảng toàn trị, đã làm cho các yếu tố sau
không thể nào có được (hoặc có một cách hình thức). Kẻ có tiền và kẻ
có quyền tất nhiên sẽ “đi đêm” (và cả “đi ngày”) với nhau mà không
ai làm gì được. Đó là cội nguồn của tham nhũng, của lạm quyền, của
tội ác và của tất cả các tệ nạn xã hội. Tất nhiên xã hội nào cũng có
các hiện tượng này, nhưng ở ta khác họ ở chỗ là nó gần như vô phương
cứu chữa.
Vừa qua
chúng tôi đã thất vọng qua các Hội nghị BCH Trung ương 4, 5, 6; mới
đây,lại thêm thất vọng qua phát biểu khai mạc của ông Tổng bí thư
tại Hội nghị BCH Trung ương 7 khi thấy chủ trương vẫn giữ nguyên
tinh thần cũ, chỉ có điều chỉnh nhỏ. Tuy vậy chúng tôi vẫn hy vọng
vào trí tuệ của đông đảo Ban Chấp hành Trung ương, ở đó có nhiều vị
sống gần dân hơn, thực tế hơn; ở đó, vẫn còn nhiều vị có trình độ và
có trách nhiệm. Lịch sử mấy chục năm qua đã chứng minh, nếu ở trên
thượng tầng có ông Trường Chinh bảo thủ, cứng ngắc, thì ở tỉnh vẫn
có ông Kim Ngọc thương dân, dám vượt rào. Và ngày nay vẫn thấp
thoáng những Kim Ngọc ở các ông (bà) Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Văn An,
Nguyễn Minh Nhị...
Đề cập lớp nhà Nho tiên phong đầu thế kỷ
XX làm bài học cho Đảng CSVN hôm nay, chúng tôi cũng mới chỉ đề cập
tinh thần đổi mới nói chung, còn về cách cách thức đổi mới, nếu Đảng
chấp nhận, tôi nghĩ sẽ có những chuyên gia vạch ra lộ trình cụ thể.
Tinh thần đổi mới tóm lại là tinh thần cầu thị, sẵn sàng từ bỏ tất
cả những gì cũ nát, bảo thủ, hoang tưởng, đặc biệt, dám từ bỏ những
đặc quyền đặc lợi phi lý của mình. Nếu đặt Tổ quốc và nhân dân lên
trên hết thì không có gì không thể vượt qua. Nếu làm được điều đó,
Đảng không những vẫn tiếp nối được sự nghiệp cao cả của thế hệ các
nhà cách mạng cộng sản đầu tiên mà còn cứu được nguy cơ Đảng sụp đổ.
Do khuôn khổ một bức thư, chúng tôi không
thể phân tích và biện luận đầy đủ, mà chủ yếu nêu lên vấn đề. Hy
vọng sẽ được trao đổi dân chủ và cởi mở.
Đào Tiến Thi
(Ngọc Hà, đầu tháng 5/2013)
|
Hình nền: xuân phú sĩ sơn. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Nguyễn–Huy Hùng chuyển
Đăng ngày Thứ Hai,
January 18, 2021
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang