Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Hải ngoại
Chủ đề: Tiếng Việt
Tác giả: BS Trần Văn Tích

Từ ngữ Việt quốc từ ngữ Việt cộng


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Đây là một vấn đề rất phức tạp và rất mẫn cảm, đề cập đến nó phải có cái đầu thật nguội thật lạnh.

Quý độc giả mang chứng dị ứng đối với những từ ngữ được gọi tên là “từ ngữ Việt cộng” không nên đọc bài này. Nói rộng ra thì những ai thấy cái gì Việt cộng làm cũng sai tuốt luốt, nhìn ở đâu cũng thấy nghị quyết 36, nghe tin gì cũng cho là do âm mưu Trung cộng, v.v. thì có lẽ nên delete bài này cho xong chuyện, cho tiện việc.

Không có từ ngữ Đức cộng

Như Việt Nam, nước Đức từng bị chia đôi, một nửa nước là tư bản, nửa nước kia là cộng sản. Bên phía nửa nước cộng sản tức trên cương vực Đông Đức cũ, người dân cũng nói tiếng Đức nhưng theo cách riêng của ngôn ngữ xã hội chủ nghĩa. Sự khác biệt giữa tiếng Đức hai miền, miền tây và miền đông biểu lộ trong những lĩnh vực khẩu ngữ thường nhật, trong lĩnh vực ngôn ngữ chính trị nhuốm màu ý thức hệ, trong lĩnh vực văn chương chữ nghĩa của giới báo chí.

Con gà quay Tây Đức gọi là Brathänchen, Đông Đức gọi là Broiler. Bệnh xá Tây Đức gọi là kleine Poliklinik, Đông Đức gọi là Ambulatorium. Westgeld là tiền Tây Đức, sang Đông Đức nó trở thành blaue Fliesen (gạch men màu xanh) vì tấm giấy bạc 100 DM của Tây Đức có màu xanh lơ. Hotdog (xúc-xích nóng) từ Tây sang Đông biến thành Ketwurst. Xã hội Đông Đức vinh danh Held der Arbeit, anh hùng lao động. Tính từ parteilich để dành riêng cho đảng xã hội chủ nghĩa Đức, im Sinne der Sozialistischen Partei. Người Đông Đức khi xưng hô với nhau trong thư từ dùng hình dung từ wert như Werte Kollegen, Werter Herr, Werter Bürger trong khi bên Tây Đức, người ta mở đầu thư tín bằng quá khứ phân từ của động từ ehren, ví dụ Geehrter Herr. Có những từ ngữ chuyển dịch từ tiếng Nga, tỷ như Haus der Kultur (Cung Văn Hoá) là do dịch dom kultury; Ambulatorium vốn có gốc nguồn từ Nga ngữ ambulatorija.

Từ điển quan phương Đức ngữ Duden ghi các từ ngữ từng thông dụng bên Đông Đức cũ và chú thích nguồn gốc của chúng trong ngoặc đơn “(bes. DDR)” (đặc biệt Đông Đức).

Hiện tượng khác biệt về ngôn ngữ trên lãnh thổ Đông Đức cũ được từ vựng tiếng Đức gọi chung là Sprachgebrauch (in der DDR), sử dụng ngôn ngữ (bên Đông Đức). Trong tiếng Đức, không có khái niệm deutschkommunistische Wörter, không có khái niệm từ ngữ Đức cộng.

Phân biệt quốc-cộng trong Việt ngữ

Đương nhiên ngôn ngữ hiện thông dụng ở trong nước có những từ ngữ rất ngô nghê và những cách dùng từ rất kỳ cục; chuyện đó không đáng bàn ở đây vì chỉ phí thì giờ gõ máy và mất công sức ngồi đọc. Nhưng mới đây, khi tôi được người khác lưu ý là chớ nên dùng hai chữ “nêu bật” vì đó là chữ của Việt cộng thì tôi cảm thấy như bị xử ức. Nếu chúng ta được phép nói “nêu ra, nêu rõ” thì tại sao lại không được nói “nêu bật”? Những người khắc nghiệt thản nhiên bảo rằng chỉ có Miền Bắc mới nói vậy, Miền Nam trước 75 không hề nói thế. Đó là một lập luận hết sức chủ quan vì rõ ràng là không có chứng minh khoa học nào, không có thống kê chính thức nào để hỗ trợ cho “tuyên cáo” của đương sự hay các đương sự khi chủ trương “nêu bật” là từ của Việt cộng.

Lại có bà con bảo người quốc gia chúng ta nói “khai triển”, chỉ có ViXi mới nói “triển khai”. Đúng không? Kính xin quý vị nào nói như vậy vui lòng bỏ ra một phút để tham khảo Việt Nam Tự điển do hai tác giả Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ biên soạn, Nhà sách Khai Trí phát hành năm 1970. Tự điển này ghi cả hai chữ “khai triển” và “triển khai”. (Với tôi, muốn bảo một từ nào đó là của Việt cộng thì phải tra hai loại từ điển/tự điển của Miền Nam và của Miền Bắc để so sánh, nếu từ liên hệ chỉ được ghi trong từ điển/tự điển Miền Bắc mà không thấy ghi trong từ điển/tự điển Miền Nam thì tôi tạm thời sơ bộ đồng ý là từ Việt cộng. Chỉ tạm thời thôi, chỉ sơ bộ thôi. Tôi tránh xa những loại kiến giải hàm hồ, những lời phát biểu võ đoán khi khơi khơi nêu ra rằng từ A là từ Việt cộng vì Miền Nam không dùng nó mặc dầu không ai biết là có thật Miền Nam không hề dùng từ A hay không).

Từ ngữ Việt cộng

Theo tôi, trong ngôn ngữ Việt Nam, có một số từ ngữ Việt cộng. Trước hết, đó là các từ ngữ do bọn chóp bu Việt cộng nghĩ ra và bắt quần chúng Việt Nam phải sử dụng.

Đại biểu cho bộ phận từ vựng Việt cộng là hai chữ Đảng và Bác viết hoa. Vì bị áp đặt, quá hơn nữa, vì bị khủng bố phải làm y như chúng bắt làm nên tiếng Việt trong nước hiện nay đành chấp nhận hễ đề cập đến đảng cộng sản là phải dùng chữ “Đảng” viết hoa, hễ nhắc đến già Hồ thì phải gọi là “Bác”. Tờ tạp chí Văn Học của Hà Nội còn khoe khoang là “ta” đã đạt được thành công ngôn ngữ học khi chỉ dùng gọn ghẽ chữ “Đảng” để chỉ đảng cộng sản Việt Nam! Người cộng sản công khai tuyên dương một vụ cưỡng bức văn học qua lạm quyền chi phối ngôn ngữ dân tộc!

Có những từ ngữ Việt cộng thuộc lĩnh vực chính trị-xã hội-văn học thường gặp trong các bộ môn khoa học nhân văn. Đó là các khái niệm “học tập cải tạo, đánh tư sản mại bản, ngụy quân ngụy quyền”; đó là những nhóm chữ “anh hùng lao động, gia đình liệt sĩ, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ công huân, nhà giáo nhân dân...”. Trong khoa học ứng dụng có những chủ thuyết mà giới cầm quyền cộng sản ra sức đề cao do nhu cầu tuyên truyền tính ưu việt của chế độ; tên gọi các chủ thuyết liên hệ cũng thuộc từ vựng cộng sản: học thuyết Lyssenko, diện châm diện chẩn, hoạt động thần kinh cao cấp. Sở dĩ gọi là nhóm chữ thuộc từ vựng cộng sản – hay từ vựng Việt cộng, tùy trường hợp, tùy tình huống – vì chính sách độc tài độc đảng đã đưa chúng vào đời sống các dân tộc sống dưới gông cùm xã hội chủ nghĩa một cách rất tàn bạo dã man. Dựa vào uy quyền Staline, Lyssenko không những đã cưỡng bách giới nông học sinh học Liên Xô cũ phải áp dụng học thuyết sai trái của mình mà còn ra tay thủ tiêu các đối thủ. Việt cộng đề cao một cách mù quáng cái gọi là “hoạt động thần kinh cao cấp” trong khoa sinh lý học, chúng phong thần “nhà khoa học” giả hiệu, Đại tá Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành, người tiếp thu Bệnh viện Vì Dân Sài Gòn sau ngày 30/04/75.

Từ ngữ và từ vựng Việt ngữ. Hoàn cảnh từ “chất lượng

Rất nhiều người dị ứng với hai chữ “chất lượng” mà bà con cho là từ Việt cộng. Điều đó chưa chắc.

Trước hết, tôi gặp mục từ “chất lượng” trong một vài cuốn từ điển của Miền Nam và của Tây Đức:

Hán-Việt Từ điển Đào Duy Anh, 1951, ghi mục từ “chất”;

Pháp-Việt Từ điển Đào Duy Anh, 1957, ghi mục từ “masse” và dịch là “chất lượng”;

Hán-Việt Từ điển Nguyễn Văn Khôn, 1960, ghi mục từ “chất lượng” và giảng là “(Lý) Lượng của vật chất”.

Tự điển Việt-Đức xuất bản ở Wiesbaden (Tây Đức cũ), 1972, ghi “chất lượng (phys.) Masse.”

Như vậy chất lượng (zhìliàng) có hai nghĩa, nếu theo cách dùng của chữ Hán. Nghĩa thứ nhất thuộc phạm vi môn vật lý học và có nghĩa là khối, khối lượng (tức tương đương với mass, TVT chú); nghĩa thứ hai là chất, chất lượng, ví dụ nói “công trình chất lượng” nghĩa là chất lượng của công trình hoặc nói “đề cao sản phẩm chất lượng” nghĩa là nâng cao chất lượng của sản phẩm.

Hai nữa, “chất lượng” là một từ kép được tạo thành do ghép một danh từ với chữ “lượng”. Nhờ sự tiếp tay của một số bằng hữu – có người hiện ở trong nước – tôi đã góp nhặt được một danh sách các từ gồm một danh từ + lượng, như dưới đây. Để tìm biết gốc gác của những danh từ ghép có tên trong danh sách, tôi sẽ căn cứ vào hai từ điển, một của Miền Nam (Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ, viết tắt LVĐ-LNT), một của Miền Bắc (Hoàng Phê, viết tắt HP). Tôi sẽ kèm theo ví dụ, chú thích, giải nghĩa. Nếu từ điển có ghi thì tôi dùng dấu cộng (+), nếu từ điển không ghi thì tôi dùng dấu trừ (-).

 

Danh sách những từ ghép có chữ lượng

 

 

Chữ “chất lượng” được cấu tạo bằng chữ “chất” và chữ “lượng” và hàm nghĩa là “lượng của chất”. Giải thích như vậy thực là khó hiểu nhưng chính cái nội hàm ngữ nghĩa đó mới là quan trọng; vì thế xin chuyển qua một chữ khác cho dễ hiểu hơn, chữ “hàm lượng”. Hàm lượng là lượng của một chất chứa (hàm) trong một hỗn hợp tính bằng phần trăm (%). Tiếng Pháp là teneur. Larousse giảng teneur là ce qu’un mélange contient d’un corps particulier (lượng một chất nào đó chứa trong một dung dịch) Teneur en alcool (Hàm lượng rượu). Teneur d’un minerai: proportion de substance utile contenue dans un minerai (tỷ lệ một chất hữu ích trong một quặng kim loại); còn từ điển Hoàng Phê thì cho ví dụ nơi mục từ “hàm lượng”: Hàm lượng sắt trong quặng. Các loại ruợu đều có hàm lượng ruợu. Ruợu cidre có hàm lượng ruợu rất thấp, độ 5-6%, cidre doux có hàm lượng ruợu là 0%; các loại eaux-de-vie có hàm lượng rượu cao hơn nhiều, 40-45%. Như vậy khi nói “hàm lượng” là chúng ta hiểu cái lượng (ví dụ lượng rượu) chứa (hàm) trong nước. “Sản lượng” là cái lượng sản xuất được; “sản lượng” là productivité. “Dung lượng” là cái lượng chứa đựng được (capacité). “Lưu lượng” là cái lượng chất lỏng hay chất khí đi qua (lưu) một nơi trong một đơn vị thời gian, tiếng Pháp là débit, débit d’un cours d’eau, d’une pompe (lưu lượng một con suối, lưu lượng một ống bơm). “Tửu lượng” là lượng rượu uống được mà không... nằm ngay đơ.

Những người dị ứng với “chất lượng” cho rằng chất là chất, lượng là lượng, ghép hai chữ như vậy thì chỉ có Việt cộng mới làm! Họ không hiểu rằng trong tiếng Việt, cách kết hợp một danh từ nào đó với chữ “lượng” là một hình thức tạo từ hợp lý và khoa học. Tuy nhiên khi “lượng” đi kèm một tính từ, một động từ thì những chữ ghép mang chữ “lượng” không thuộc nhóm từ ngữ chúng ta đang bàn; đó là trường hợp những chữ định lượng, ước lượng, thương lượng hay đại lượng (rộng lượng, généreux), v.v. Có người vẫn chưa hiểu nguyên tắc tạo từ tôi vừa trình bày, mặc dầu tôi đã cố gắng nhiều để giải thích.

Tóm lại, “chất lượng”:

1. không phải là từ ngữ ViXi (bởi vì tôi đã tìm thấy nó trong ít nhất ba bốn cuốn từ điển của Miền Nam, như đã trình bày);

2. là một từ ngữ được tạo thành một cách khoa học và hợp lý;

3. có giá trị tương đương với “phẩm chất”, “tính chất”.

Tiếng Việt của người quốc gia. Tiếng Việt hiện thông dụng trong nước

Chất lượng” có từ đồng nghĩa là “phẩm chất”. Bản thân tôi khi sử dụng Việt ngữ, chỉ dùng từ “phẩm chất” bởi vì đó là một từ quen thuộc và dễ hiểu, ý nghĩa rõ ràng không gây thắc mắc. Tôi viết: “Hàng hoá do Đức sản xuất được bảo đảm tiêu chuẩn và phẩm chất” thay vì “Hàng hoá do Đức sản xuất được bảo đảm qui cách và chất lượng”. Tôi dùng từ “tiêu chuẩn” thay cho từ “tiêu chí”, tôi gọi cuốn Larousse là “tài liệu tham khảo” thay vì gọi nó là “tư liệu tham khảo”.

Trong khi đó thì cách đây mấy hôm, hôm thứ sáu 14/12/2018, Diễn đàn Mỹ Loan đưa lên internet bài viết của ký giả Trọng Nghĩa nói về lực lượng hải quân Hoa Kỳ và Trung cộng; trong bài từ đầu đến cuối tác giả chỉ dùng từ “tàu sân bay” mà không hề dùng từ “hàng không mẫu hạm”. Có hai “vi hữu” góp ý ngắn gọn một cách đứng đắn chững chạc: Ông Katumtran và cựu Đại tá (VNCH) Thomas D.Tran. Cả hai tuyệt đối không hề để lộ một chút khó chịu nào đối với ba chữ “tàu sân bay”!

Thực tế hiện thời là như vậy. Bà con trong nước đang nói tiếng Việt với những từ ngữ mà người quốc gia tỵ nạn cộng sản nhất là những người thuộc thế hệ thứ nhất không biết đến hay không ưa thích. Nhưng không phải do vậy mà lại khái quát hoá để cho rằng Việt ngữ quốc nội là Việt ngữ của Việt cộng. Tiếng Đức trên vùng lãnh thổ Đông Đức cũ không phải là tiếng nói của Đức cộng.

Ngôn ngữ là một khoa học. Phán đoán về từ vựng, từ ngữ, từ cú, từ chương, từ ý, từ luật, từ nguyên, từ nghĩa, v.v. là một công việc thuộc phạm vi rất chuyên môn; không những nó cần đến những kiến thức tích lũy mà còn đòi hỏi tính cẩn trọng và tính khách quan. Bàn về từ Việt quốc và từ Việt cộng là việc làm hết sức bổ ích và hấp dẫn nhưng không phải vì thế mà cứ nói bừa nói ẩu, nói lấy được.

Trần Văn Tích

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

... hỡi Thần dân, hãy đi và loan Tin Mừng... Chúa Cứu Thế giáng trần

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


<

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Máng Cỏ Giáng Sinh. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by tvt chuyển

 

Đăng ngày Thứ Hai, December 17, 2018
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang