Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Không Quân Ngoại Truyện
Chủ đề: cố Trung tá Hạnh Nhơn
Tác giả: Bắc Ðẩu Võ Ý

Tiểu sử cố Trung Tá HẠNH NHƠN

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Rất nhiều người có thể không biết nhạc sĩ Trần Duy Ðức là một quân nhân từng phục vụ tại Sư Ðoàn 6 Không Quân Pleiku trước 1975.

Nhưng ngày nay, tại hải ngoại cũng như quốc nội, hầu như ai cũng biết lời ca, “Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ, đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời” (1), mà tác giả là nhạc sĩ Trần Duy Ðức phổ thơ Ngô Tịnh Yên.

Câu hát như một lời kinh, ai nghe cũng đồng tình. Mà đúng vậy, không lẽ đợi đến ngày mai, lúc nghĩa tận, mới rủ rê thăm viếng, nói lời yêu thương, đặt vòng hoa phúng điếu, thậm chí còn sưu tầm tướng mạo quân vụ, làm lễ phủ cờ, gác quan tài, đọc điếu văn nữa thì ích lợi gì? Ðến lúc đó thì đã muộn màng vì “cát bụi làm sao mà biết mỉm cười?” (1), cát bụi làm sao biết nói lời tạ ơn những biểu hiện của tình cảm trân quý đó?

Cho nên, nếu “có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ” (1). “Tôi” trong lời ca là nói chung cho con người, cho dân tộc hay gia tộc, cho bằng hữu hoặc đồng bào đồng đội cùng màu cờ sắc áo...

Trong Không Quân, có Ban Quân Sử ghi chép những sự kiện liên quan đến hoạt động của Không Quân. Ðặc San Lý Tưởng, các Ðặc San KQ khác và các trang nhà KQ có mục Không Quân Ngoại Truyện (KQNT) ghi lại những nhân vật đặc biệt của quân chủng. Những bài viết về KQNT không hẳn là dã sử nhưng những tình tiết trong câu chuyện hoàn toàn dựa trên người thật việc thật, được viết với giọng văn kể chuyện đôi khi pha một chút hóm hỉnh, như là đặc tính của KQ mà người ngoài cuộc có khi không thấm để mà... cười!

Trong hơn một triệu chiến sĩ phục vụ trong Quân Lực VNCH trước kia, rất ít người biết đến con số 6,000 nữ quân nhân (NQN) hiện diện dưới cờ. Và trong 64 ngàn chiến hữu đệ huynh Không Quân (KQ) (2), rất ít người biết đến con số trên 300 NQN (?) phục vụ trong toàn quân chủng mà người đứng đầu là Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn.

Chúng tôi cũng nằm trong số “rất ít người” đó.

Trong cuộc chiến giữ nước khốc liệt trước kia, mỗi một quân nhân đều nhận một nhiệm vụ và ngày đêm lo hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao phó, không ai rảnh rỗi để đi tìm hiểu hoạt động của các đơn vị bạn, nhất là đơn vị bạn lại là... nữ quân nhân! (trừ trường hợp cá nhân đặc biệt.)

Trải qua bao dâu bể, do cơ duyên, chúng tôi gom góp được ít điều chưa biết trước kia và muốn chia sẻ cùng quý vị, ngay bây giờ, vì chúng tôi e rằng nếu để đến ngày mai có khi muộn màng. Ðiều tôi muốn chia sẻ là, bóng dáng một Trưởng Phân Ðoàn Nữ Quân Nhân Không Quân, Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn.

1. Một mảnh nhung y điểm má hồng

Chúng tôi thật sự ái ngại khi muốn tiếp cận với chị. Phải bay lòng vòng thám sát mục tiêu, dọ hỏi quân bạn (các NTKQ Bồ Ðại Kỳ kỹ thuật, Nguyễn Cầu radar, Nguyễn Văn Ức trực thăng, Nguyễn Quí Chấn khu trục...), cho đến khi đã nắm chắc một số dữ kiện (là chị Hạnh Nhơn thật là hiền lành chứ không chằn ăn trăn quấn đâu), chúng tôi mới quyết định gởi điện thư để xin được tiếp chuyện với chị qua điện thoại.

Nhìn chị trên TV qua các lần Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh... thì tôi vẫn nghĩ trong đầu, cao lắm thì chị Hạnh Nhơn hơn tôi vài niên kỷ và vài năm thâm niên quân vụ là cùng, (tôi nhập ngũ 1960). Nhưng không phải thế, chị thuộc loại Ðại Niên Trưởng của tôi rồi. Năm 1950, chị gia nhập Việt Binh Ðoàn ở Huế thì tôi đang học tại Trường Nam Tiểu Học Ðà Nẵng. Năm 1952, chị trúng tuyển ngành Nữ Phụ tá (P.A.F. = Personnel Auxiliaire Féminin), mang cấp chuẩn úy và năm 1957, thăng cấp thiếu úy đảm nhiệm chức vụ sĩ quan Tiếp Liệu Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương-Huế, thì tôi vẫn còn vật lộn với sách đèn dưới mái trường Trung Học Phan Châu Trinh Ðà Nẵng.

Ngày nay, không phải loại lão nhi như tôi mới có cái nhìn lệch lạc về dung nhan của chị Hạnh Nhơn, mà ngay cả lão trượng Vũ Văn Lộc, đại tá, tức nhà văn Giao Chỉ cũng mắc phải bé cái lầm một cách thật thà và dễ thương, như: “(...)Vâng, cả chị Hạnh Nhơn nữa, Giao Chỉ tôi lâu nay vẫn cậy mình ở tuổi cao niên nhưng bây giờ thì đã biết rằng vẫn còn thua các thuyền quyên xứ Huế về cả tuổi tác lẫn thâm niên quân vụ.” (Ðặc San Cựu Nữ Quân Nhân QLVNCH, Hội Ngộ Kỳ IV, 08/2007. Niên Trưởng Hồ Thị Vẻ, Giao Chỉ, trang 9).

Quý bô lão Không Quân tại miền Trung Cali thường họp mặt vào đầu tháng 7 hằng năm. Ban Tổ Chức phát quà lưu niệm cho các bô lão đạt đến tuổi 70 trở lên, (cứ cộng thêm 5). Buổi họp mặt năm 2007, sau khi nhận quà lưu niệm có khắc tên và số 80 niên kỷ, KQ Nguyễn Cầu trong BTC bất ngờ phỏng vấn chị Hạnh Nhơn: “Xin lão trượng vui lòng cho biết, bằng bí kíp nào mà ở tuổi này trông lão trượng vẫn trẻ đẹp như lão nhi 70 vậy?” Dù bất ngờ, nhưng chị đã ứng khẩu: “Bí kíp là tôi trường chay, xả bỏ mọi chuyện vô ích và làm việc thiện!”

Bí kíp mà chị công bố, mới nghe có vẻ dễ, khi nghĩ lại thì chỉ có thánh nhân mới thực hành nổi, còn người phàm như chúng tôi thì... bù trất!

Người xưa bảo, coi mặt mà bắt hình dong, vào thời thanh niên, chị Hạnh Nhơn chắc hẳn là một sĩ quan đầy ắp sáng kiến và năng lực. Từ Việt Binh Ðoàn, phụ trách kiểm soát lương bổng, chuyển qua Nữ Phụ tá, vẫn làm việc tại Sở Hành Chánh Tài Chánh, sau đó chị được bổ nhiệm về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương-Huế. Tại đây, ông y sĩ trưởng Quân Y Viện thấy chị còn “sữa” quá nên chưa dám giao việc. Mãi sau khi nhận nhiệm vụ mới, Thiếu úy Hạnh Nhơn mới chứng tỏ khả năng và óc tháo vát của mình bằng cách nỗ lực chỉnh trang lại Quân Y Viện (QYV) chỉ trong vòng 3 tháng, đã đưa sinh hoạt vào nề nếp quy củ và tô điểm QYV đẹp đẽ và khang trang từ bên trong đến bộ mặt bên ngoài. “Chị xin Quân Nhu kệ, bàn, tủ, máy đánh chữ..., xin Kho Y Dược thuốc, y cụ, giường nệm, chăn gối để thay thế những vật dụng cũ, và cho sơn lại 300 giường bệnh lâu ngày đã rỉ sét. Chị còn xin phái đoàn viện trợ Hoa Kỳ cung cấp máy X-Ray và dụng cụ Nha Khoa cho QYV nữa, làm cho vị y sĩ trưởng phải ngạc nhiên về tài năng của Thiếu úy Nguyễn Thị Hạnh Nhơn!” (Thư riêng. KQ Nguyễn Phúc Tiến, 10/28/2011).

Thời bấy giờ, KQ chưa bành trướng mà chị đã có sáng kiến đầy ắp tình đồng đội là, thực hiện một bãi đáp trực thăng trong QYV để đưa các thương binh từ mặt trận về hoặc chuyển các thương binh nặng vào Tổng Y Viện Duy Tân Ðà Nẵng, “để rút ngắn sự đau đớn cho anh em nếu di chuyển bằng xe Hồng Thập Tự.” Chị thân hành nghiên cứu sân bay Thành Nội rồi từ đó xin Công Binh cung cấp vỉ sắt để hoàn thành một bãi đáp đủ an toàn cho trực thăng tải thương.

Tôi nghe chị kể lại sự việc một cách hào hứng bằng giọng Huế ngọt lịm mà lòng dâng trào một niềm cảm phục về sự năng nổ và tấm lòng từ ái của một bậc đàn chị đáng kính.

Năm 1964, Trung úy Hạnh Nhơn thuyên chuyển về Sài Gòn, cùng các nữ sĩ quan khác, thành lập Ðoàn Nữ Quân Nhân & Trung Tâm Huấn Luyện NQN vào năm 1965 với chức vụ mới là trưởng phòng Hành Chánh Tiếp Vận. Thú thật, nếu không đọc Ðặc San Nữ Quân Nhân số 08/2007, thì chúng tôi không hề biết rằng, quân đội ta còn có một Trung Tâm Huấn Luyện NQN như thế!

Một lần nữa, cô gái đất Thần Kinh cao ráo (chị cao 1.65m đấy!) lại có dịp thi thố tài năng và trách nhiệm của một sĩ quan tham mưu bằng cách ngày đêm theo dõi việc xây cất phòng ốc, các phòng học, kho quân trang, nhà ăn, nhà bếp... cho một trung tâm huấn luyện. Song song với việc xây dựng cơ sở, Trung úy Hạnh Nhơn còn nghiên cứu soạn thảo các chương trình huấn luyện, thiết lập các Phiếu Huấn Luyện Sĩ quan và Hạ sĩ quan NQN sao cho kịp thời gian khai giảng. Chị liên lạc Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để xin tài liệu căn bản, bỏ đi những phần thuộc về nam quân nhân, thêm phần hướng dẫn tư cách cho sĩ quan và hạ sĩ quan NQN. Với bao bề bộn như vậy, mà công trình cũng hoàn tất sau một tháng quyết tâm!

Sáng kiến tháo vát và sức làm việc bền bỉ của chị đã gây thán phục và ngạc nhiên cho các nữ cố vấn Mỹ bấy giờ. Họ thán phục là phải, vì từ nước lã chị (và các vị nữ sĩ quan khác) đã khuấy nên hồ. Từ một bãi đất trũng nước với nhiều cây cỏ rác rưới mà Trung úy Hạnh Nhơn, qua giao tế đã làm chạnh lòng các đơn vị Công Binh bạn nên họ hăng hái đến giúp đỡ san bằng mặt nền cũng như cung cấp các vật dụng xây dựng khác để hình thành một trung tâm huấn luyện đẹp đẽ khang trang.

Công trình quy mô như rứa mà không thán phục sao được, có vậy thi nhân mới xưng tụng là... một mảnh nhung y điểm má hồng (3) chứ?

Năm 1967, Ðại úy Hạnh Nhơn thuyên chuyển về Bộ Tổng Tham Mưu, Văn Phòng Ðoàn Nữ Quân Nhân, chức vụ trưởng phòng Nghiên Cứu. Ở đây, chị hoàn tất một bản quy chế của nữ quân nhân QLVNCH.

Năm 1969, Thiếu tá Hạnh Nhơn thuyên chuyển qua Bộ Tư Lệnh Không Quân, chức vụ phân đoàn trưởng NQN, phụ trách tuyển mộ, lưu trữ hồ sơ, giám sát NQN thuộc Bộ Tư Lệnh KQ và các sư đoàn trực thuộc. Lúc bấy giờ các NQN rất cần nơi ăn chốn ở. Chị Hạnh Nhơn xin thượng cấp giúp lo cư xá cho họ. Chị tranh đấu về chuyện này quyết liệt đến nỗi “sau buổi họp, Ðại tá Phùng Văn Chiêu, không đoàn trưởng Yểm Cứ Biên Hòa (sinh năm 1928, 84 tuổi, hiện ở El Monte, Cali) phải trốn luôn trong phòng (vì ông chưa giúp được cho vụ cư xá NQN) trong khi chị vẫn đứng chờ ông ngoài cửa phòng để nhắc ông giúp đỡ.” (KQ Nguyễn Phúc Tiến. Thư Riêng, 10/28/2011).

Nghĩ cho cùng, các NQN nào phục vụ dưới quyền Thiếu tá Hạnh Nhơn là vô cùng... lucky!

Năm 1972, chị thăng cấp Trung tá cho đến tháng 4 năm 1975.

Tính ra, Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn đã cống hiến tuổi thanh xuân và năng lực của mình trong 25 năm (1950-1975) cho Tổ Quốc và Quân Ðội. Ðể bù lại, chị đã được tưởng thưởng nhiều huy chương cao quý trong đó có Bảo Quốc Huân Chương Ðệ Ngũ Ðẳng.

Tôi, KQ Võ Ý, xin được trân trọng chào kính tấm huy chương mà chị xứng đáng đón nhận!

2. NQN & nỗi truân chuyên

Sau 30 tháng 4, như hầu hết các chiến sĩ QLVNCH, chị Hạnh Nhơn phải chịu nhiều khổ nhục trong tù ngục cộng sản cho đến năm 1979, qua các trại giam Long Giao, Quang Trung, Hóc Môn, Hàm Tân (Z30D) và Long Thành.

Là một nữ tù, lại là một cấp chỉ huy, Trung tá Hạnh Nhơn phải tỏ ra chịu đựng và can trường gấp bội so với nam tù nhân trước đòn lao động khổ sai và nhục mạ của cai tù, thì mới mong tồn tại.

“Làm lụng thì vất vả mà ăn thì bo bo với muối trường kỳ nên sức khỏe ngày càng kiệt quệ. Chị em thay nhau bệnh tật triền miên... Những căn bệnh của tù cải tạo đa số là:

-Bệnh bao tử (vì ăn những thức ăn mà chỉ bao tử của súc vật mới nghiền nát được)

-Bệnh tê thấp (vì phải nằm đất năm này qua năm khác)

-Các bệnh gan, phổi, thận (có thể đi đến lao và ung thư vì lao động quá sức)

-Bệnh tim và bịnh tâm thần (do quá tuyệt vọng và bị mất sạch).” (4)

((4) Ðặc San Nữ Quân Nhân Kỳ IV-2007. Nữ Tù Nhân. Nguyên Hạnh, trang 82)

Trại nào cũng có những trò hú tim như thỉnh thoảng vào lúc nửa đêm, khi tù nhân đang say giấc, bỗng nhiều tiếng kẻng tiếng phèng la inh ỏi nổi lên, rồi vệ binh theo nữ cán bộ cai tù vào trại giam ra lệnh thức dậy, xếp hàng điểm danh, khám xét, xong lại cho về... ngủ tiếp (4). Chúng hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Trò hú tim này cũng là thủ phạm gây nên căn bịnh yếu tim mà cánh tù NQN thường phải lãnh đủ.

Ðã là tù nhân, ai ai cũng phải nếm mùi chuyển trại. Chuyển trại là một cực hình. Mỗi một xáo trộn đương nhiên phải kèm theo biết bao lo lắng mà nếu tinh thần sa sút thì rất dễ bị ngã quỵ.

“(...) Tất cả ở Z30D này đều quá mới lạ một cách hãi hùng đối với chúng tôi. Trong trại không có nước, không có giếng, không có bể nước. Tắm giặt đều ở cái khu suối thật xa sau giờ lao động trên đường về. (...) Ðặc biệt nhất với chúng tôi là phải tắm suối. (...) Lần đầu tiên chúng tôi tắm suối thật kinh hãi, không thể tưởng tượng nổi có ngày phải như thế! (...) Thẹn với cả trời đất cỏ cây!” (4). Câu chuyện tắm suối mới đọc qua thấy buồn cười, nhưng là cười ra nước mắt như tác giả nói. Theo chúng tôi, câu chuyện “kinh hãi” tự nó đã nói lên nhân cách, lòng tự trọng, khí tiết và giấy rách giữ lấy lề của người chiến binh miền Nam nói chung, với quý vị NQN nói riêng.

Truyện “Nữ Tù Nhân” của tác giả Nguyên Hạnh (tức Hạnh Nhơn) đã trúng giải ba trong kỳ thi viết về “Chuyện Người Tù Cải Tạo” do nhật báo Viễn Ðông tổ chức. Câu chuyện là một khúc phim bi hài được chiếu lại và chúng tôi như thấy rõ “một đám phụ nữ xinh đẹp” trước kia được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” nay đầu bù tóc rối, áo quần rách rưới, hì hà hì hục xúc, đẩy bột than, bụi tung mù mịt, mặt người nào người nấy đen sì chỉ trừ cặp mắt và hàm răng trắng toát như những người da đen cùng khổ (4).

Khúc phim quét qua mọi góc cạnh của cuộc sống trong ngục tù, từ sáng tinh mơ xuất trại, lao động khổ sai ở ruộng ở rừng, đến chiều tối vào “chuồng,” từ cảnh bị khám xét, lên lớp, nhục mạ đến cảnh thăm nuôi trong dòm ngó dở khóc dở cười, cảnh biệt ly do chuyển trại hoặc được thả về nhà tù lớn hơn...

“Nơi đó là trại cải tạo Long Thành, mà chúng tôi lại phải tiếp tục những ngày lao khổ khốn nạn nhất với công việc chăm lo một vườn táo rộng lớn. Quanh năm suốt tháng lam lũ đi xúc phân người ở các hố lớn khiêng cáng về vườn táo để bón cây, giãy cỏ, cấm không được mang khẩu trang vì làm như thế là ‘ngại khó ngại khổ.’ Suốt ngày áo quần lem luốc hôi hám từ đầu đến chân, chiều mới được về tắm gội ở một bể nước lớn chung với một số nữ tù hình sự đông đảo giam riêng gần đó (...)”(4)

Có một điều kỳ diệu là, dù trải qua bao nghiệt ngã như vậy, dù chủ trương thâm hiểm là tiêu diệt lòng tự trọng của người tù qua các thủ đoạn trong đó có thủ đoạn “khẩu phần ăn,” tình đồng đội vẫn nở hoa trong tủi nhục và cay đắng. “Thời gian này tôi bị bệnh tê thấp nặng gần liệt cả hai chân, đi đứng rất khó khăn đau nhức, phải vịn tường lần đi từng bước, ở trong nhà, không ra lao động được nữa. Các anh từng đi ngang qua để xuống thung lũng trồng trọt, thấy tôi trong tình trạng đó, thế là hằng ngày các anh thay nhau lén ném thuốc vào cửa sổ giúp tôi chữa bệnh.” (4)

Hoặc là “Những lần chị (Hạnh Nhơn) thăm hỏi, săn sóc tận tình đến các em nữ tù ốm đau trong trại như tình chị thương em ruột thịt của mình” (Ðặc San NQN kỳ IV-2007. Giấc Mơ. Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy, trang 41)

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này? (Chinh Phụ Ngâm Khúc). Không phải đợi lịch sử trả lời, đợi như vậy lâu lắm. Ngày nay, người dân trong và ngoài nước đều biết là “AI” đã gây nên thảm cảnh khốc liệt này rồi!

3. Cám Ơn Anh, Người Thương Binh...

Sau cơn mưa trời lại sáng. Sau những năm tù đày, cuối cùng, gia đình Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn đã đến bến bờ Tự Do và định cư tại miền Trung California-Hoa Kỳ năm 1990 theo diện HO2.

Ðã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. (Kim Vân Kiều). Nghiệp ở đây là nghiệp nữ quân nhân, là hy sinh và phục vụ. Vừa đến Mỹ, chân còn chưa ráo, một năm sau, năm 1991, chị Hạnh Nhơn lăn xả vào công việc cộng đồng, vác cái ngà voi, đảm nhận chức vụ phó chủ tịch Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị (TT/TNCT). Hội chủ trương chăm lo giúp đỡ bước đầu các anh chị em cựu tù đến Cali mà không có thân nhân bảo trợ. Chị cũng là chủ bút “Nguyệt San Hội Ngộ” của Hội Tương Trợ này.

“Ngày Quân Lực 1992, có 7 cựu tù HO ở Nam Cali có quyết định thành lập Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH. Trong lần họp nội bộ, họ đã nghĩ đến việc mời Trung tá Hạnh Nhơn tham gia. Nhưng bà quá bận với Hội TT/TNCT và với tờ Ðặc San Hội Ngộ, nên không có mặt từ khởi thủy. Cho đến khi Hội TT/TNCT ngưng hoạt động, và đó là cơ duyên đã đưa chị về với Hội HO Cứu Trợ TPB & QP/VNCH.” (Trích “Ðôi Ðiều Về Cựu Nữ Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn”, Cựu Mũ Nâu Ðại úy Nguyễn Phán)

Năm 1996, chị Hạnh Nhơn giữ chức vụ tổng thư ký Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH. (TPB & QP/VNCH)

Năm 2006, chị đảm nhận chức vụ hội trưởng do đa số tuyệt đối anh chị em trong hội bầu lên từ đó cho đến nay và không biết cho đến bao giờ!

Ðể có ngân khoản hoạt động cứu trợ như tên gọi, hội tổ chức gây quỹ tại các nhà hàng. Số tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu ngày càng tăng, chị Hạnh Nhơn nảy ra ý định mời MC nhạc sĩ Nam Lộc tiếp tay (5). Anh Nam Lộc vui vẻ nhận lời, dù gì anh từng có kinh nghiệm tổ chức Ðại Hội Nhạc Trẻ ngoài trời từ trước 1975. Và anh Nam Lộc mời thêm nhạc sĩ Trúc Hồ, giám đốc đài truyền hình SBTN và MC ca nhạc sĩ Việt Dzũng. Các nghệ sĩ có lòng này đã lôi kéo hầu hết các ca sĩ nổi tiếng tại hải ngoại tham gia vào chương trình cứu trợ qua các Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh, Người TB VNCH...

Mới biết, đàn bà như chị Hạnh Nhơn dễ có mấy tay! Công việc cứu trợ xem ra quá đơn giản phải không thưa quý vị? Thưa, không hẳn vậy mà nhiêu khê rắc rối vô cùng. Nếu không có tấm lòng nhân ái thực sự, không trầm tĩnh, thông cảm và chịu đựng thì rất dễ... phủi tay! Tôi đã ghé nhà trước là thăm chị sau là muốn tìm hiểu qua về việc điều hành của cái “Cơ Quan Trung Ương” (6) trong việc cứu trợ TPB và QP ra sao.

Ðiều tôi ngạc nhiên là cơ cấu tổ chức điều hành của hội thật khoa học và thiết thực, phù hợp với luật pháp và nhu cầu cứu trợ. Ngoài những nhân sự và chức vụ thông thường của một hội đoàn, tôi thật bất ngờ và thán phục đến sự phân chia rành mạch các trách vụ để giúp việc cứu xét và gởi quà chính xác và hiệu quả. Ðó là: Ủy viên Tài chánh. Thủ quỹ. Thư tín-Phân phối-Lưu trữ Hồ sơ. Phụ trách TPB Vùng 1 & 2 CT. Phụ trách TPB Vùng 3 & 4 CT. Phụ trách Quả phụ. (Tài liệu do KQ Nguyễn Phúc Tiến, Data Entry của Hội cung cấp)

Chị Nguyễn Thị Hoàng, phụ trách TPB Vùng 1 & 2 CT có cho chúng tôi xem một hồ sơ tại Quảng Ngãi không được cứu xét, lý do, một TPB có hai tấm hình, kiểu dáng và thương tật giống hệt nhau, cùng một quê quán mà có đến hai tên, hai số quân, hai địa chỉ hoặc ngược lại, v.v.

Do kinh nghiệm và cách làm việc chu đáo, hội đã phát hiện ra một số hồ sơ như vậy và dĩ nhiên việc cứu trợ được xếp lại để chờ phối kiểm cho chính xác. Trước sự việc đáng tiếc, dù tôi nghĩ đến 4 chữ Từ Bi Hỉ Xả của Phật Giáo mà lòng vẫn cứ man mác buồn...

Vào Thứ Tư mỗi tuần, các thành viên trong Hội HO tập họp tại tư gia của chị Hạnh Nhơn ở Garden Grove, CA, để giải quyết các hồ sơ liên quan và nhận hồ sơ mới đem về nhà làm việc. Công việc thật bề bộn đòi hỏi nhiều công sức và thời giờ, nhưng trách nhiệm chính vẫn đè nặng hai vai chị hội trưởng, nên ngày đêm, chị sống vì... uy tín và công tác của hội!

(...) Ðược làm việc chung với chị hơn mười mấy năm qua, nay tôi lại có nhận xét thêm về chị: Chị Nguyễn Hạnh Nhơn trong thân xác người thường như chúng ta, mang một “trái tim Bồ Tát” (...) Làm việc không lương từ sáng sớm đến tận khuya (chúng tôi gọi đùa là chị làm việc không chỉ “full time,” không chỉ làm “overtime,” mà còn làm “doubletime” quanh năm suốt tháng – với chị, không có ngày nghỉ Chủ Nhật, không có “weekend,” không có “Holiday,” ngoài những lúc cần phải đi ra ngoài. Chị lúc nào cũng “trực ba phone” trong lúc làm việc, ngay cả khi ngủ, lúc đi vào rest room. Chị tâm sự: “Ðể mất một cú phone, nếu họ gọi đến hội cho tiền, mà mình không bắt phone, họ hiểu lầm, đổi ý, thì uổng quá.” (Ðôi Ðiều Về Cựu Nữ Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn. Mũ Nâu Ðại úy Nguyễn Phán).

Từ 2006 đến nay, hội đã tổ chức được 5 kỳ Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh với thành tựu thật đáng đồng tiền bát gạo. (Xin xem chi tiết phần chú thích 7)

Tổng kết trong “4 Kỳ Ðại Nhạc Hội, gởi được 20,000 lượt giúp. (Kỳ 5 chưa tổng kết). Chưa kể những số tiền ân nhân đã gởi đến hội từ năm 1993 đến nay, Hội đã gởi được 18,500 lượt giúp. Tổng cộng từ ngày thành lập hội đến nay: 38,500 lượt giúp” (*) (Ðây là tổng kết 4 kỳ ÐNH, kỳ V chưa tổng kết*)

(*) Theo Tập giới thiệu “ÐNH Cám Ơn Anh Kỳ 5”, Sunday, 7 tháng 8, 2011)

Những con số đã nói lên được một phần nào lòng biết ơn chân thành của tất cả đồng hương, quân dân cán chính hải ngoại đối với TPB và QP đã hy sinh một phần thân thể của mình để bao người được sống còn đến ngày hôm nay.

Những con số cũng đã xoa dịu một phần nào những cơ cực, lầm than, những khổ đau tủi nhục trong uất hận, trống vắng, hiu quạnh suốt 36 năm từ ngày nước mất nhà tan.

Những con số như tiếng phi cơ quan sát bao vùng, tiếng trực thăng tải thương, tiếng vận tải thả dù... Những con số như hỏa châu soi sáng niềm tin và dường như có tiếng quân xa hối hả mở đường tiếp tế chia sẻ hiểm nguy, bên thương phế binh và quả phụ cô nhi, vẫn còn chúng tôi quan hoài...

Trên 36 năm tan đàn sẩy nghé, tưởng mọi sự đã vùi vào quên lãng, bặt âm vô tín. Nhưng hôm nay, anh TPB húp một ngụm trà ấm lòng, trên bàn thờ di ảnh, chị quả phụ thắp sáng một nén hương tưởng niệm cho chồng, cháu cô nhi mơ màng suy nghĩ, đồng đội của bố vẫn còn thương tưởng đến bố thật sao?

Xin hãy lắng lòng mà nghe, tiếng nghĩa tình từ cõi bất hạnh vọng về:

“... Thưa quý vị, tôi đã nhận được $200 USD của quý vị thương gởi về giúp đỡ. Tôi là thương phế binh Nguyễn Văn Toàn, số quân 74/425623 thuộc Sư Ðoàn 5 BB. Ngày 22 tháng 8, 1974 trong một trận đánh tại An Ðiền, Bến Cát, Bình Dương, tôi bị đạn xuyên qua cổ, nên bị tê liệt toàn thân, đưa về điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Biến cố 30 tháng 4 xảy ra, tôi bị đuổi khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa. Cuộc sống thật vất vả, nên khi nhận được tiền của quý vị, tôi biết ơn quý vị nhiều.” (Nguyễn Văn Toàn – Ban Mê Thuột)

“... Ba con đã nhận được tiền là $100 USD vào ngày 27 tháng 3, 2011. Gia đình chúng con xin cám ơn các bác chú và cô có tấm lòng vàng trong hội từ thiện đã giúp đỡ ba con trong cơn túng thiếu, ngặt nghèo. Ba con nay đã già mà nhận được tiền cứu trợ cho ba con, cũng là niềm an ủi, trong những ngày còn lại của cuộc đời bất hạnh, ba con mừng lắm vì trong cuộc đời ba con chưa từng có số tiền nhiều như vậy...” (Nguyễn Thị Lệ con của Nguyễn Văn Ngoan – Bến Tre)

“Vào ngày 6 tháng 1, 2011 tôi có nhận được $50 USD từ Hội Cứu Trợ TPB&QP/VNCH. Tôi rất mừng và hạnh phúc, không sao cầm được nước mắt. Vì quí hội đã quan tâm đến các anh em tử sĩ, những TPB hy sinh vì đất nước và những quả phụ còn lại sau chiến tranh. Số tiền mà quí hội đã gởi cho tôi, đã đủ cho tôi sinh hoạt và uống thuốc được 2 tháng so với căn bệnh cao huyết áp, tai biến mạch máu não trong 10 năm qua. Một lần nữa xin chân thành cám ơn quí Hội”. (Quả Phụ Nguyễn Thị Tuyết – Sài Gòn).

Những thành tựu này, Hội HO Cứu Trợ TPB & QP/VNCH xứng đáng nhận được lòng quý trọng và tin cậy của tất cả đồng đội đồng bào ở hải ngoại cũng như trong nước.

Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, Ðịa Hạt 34, tiểu bang California, đã tuyển chọn để vinh danh các phụ nữ mà ông quý trọng vì họ đã đóng góp công sức khả năng của mình cho cộng đồng và cho đất nước Hoa Kỳ, trong số 5 phụ nữ Việt, có chị Hạnh Nhơn.

(...) “Thật sự ra tôi muốn làm việc trong im lặng thôi, không có muốn đến những chỗ như thế này. Mình làm, mọi người vui là được rồi nhưng mà mấy anh bên Liên Hội Cựu Chiến Sĩ nói, ông Lou Correa nói với mấy anh đề nghị một phụ nữ, mấy anh thương quá, mấy anh đề nghị tôi, chứ thật sự ra đâu phải một mình tôi mà làm được. Bao nhiêu thiện nguyện viên, bao nhiêu các anh, rồi Asia, rồi SBTN, bao nhiêu người phụ với mình mới làm được, thật ra mình tới đây chỉ là đại diện thôi, chứ đâu phải cá nhân mình mà làm được. Tuy nhiên, dù sao đi nữa tôi cũng rất là vinh dự được đến đây hôm nay nhận cái phần thưởng này. Xin cám ơn tất cả.” (Trích Viễn Ðông, A9, TNS Lou Correa Vinh Danh 80 Phụ Nữ, 5 Người VN. Thanh Phong, Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011)

Thưa chị Hạnh Nhơn, chúng tôi rất cảm phục và trân quý tính nhân hậu và đức khiêm cung của chị qua phát biểu nêu trên. Chúng tôi cũng học được tinh thần tập thể (team work) là working together winning together, nhưng thưa chị, tập thể nào cũng vậy, muốn winning together đều phải cần một vị lãnh đạo tài đức vẹn toàn chị ạ.

Hội HO ngày nay không là một đơn vị quân đội mà chị là đơn vị trưởng. Hội cũng không là một công ty mà chị là tổng giám đốc. Nếu là đơn vị trưởng hay tổng giám đốc thì... dễ thôi. Ðằng này là một hội thiện nguyện vô vị lợi mà nếu người hội trưởng thiếu hòa nhã nhỏ nhẹ, hăng hái kiên trì, phân minh, khiêm tốn và vị tha (8) thì hội không dễ gì đạt những thành quả khích lệ và tồn tại đến ngày nay.

“Có những lúc chị đã khóc khi nhận những cú phone ‘đay nghiến,’ ‘kết tội’ mà không có bằng chứng từ một vài đồng hương vì cố ý hay vô tình (!). Nhưng nghĩ lại tình cảnh của các TPB về cuối đời, tưởng tượng những giọt nước mắt mừng vui trên những khuôn mặt nhăn nheo, tiều tụy của các quả phụ khi nhận được tiền... chị lại hăng say cùng anh chị em thành viên của hội, cặm cụi bên những chồng hồ sơ mỗi ngày một dày hơn...” (9). Vâng, chị Hạnh Nhơn đã thực hành đức hỉ xả của nhà Phật, và “chúng tôi rất sung sướng, hãnh diện, đã biết và làm việc chung với chị” (KQ Nguyễn Phúc Tiến. Thư riêng, 10/29/2011).

Trong một thư riêng cho chúng tôi, có đoạn chị viết: “Anh Ý ơi, đôi khi tôi thật tức cười cho tôi. Với cái tuổi này mà chưa rút chân ra được Hội HO để... dưỡng lão, vì không ai chịu thay thế, cứ bắt làm việc hoài. Vậy thì có bất công không chứ!”

Chị Hạnh Nhơn ơi, không bất công đâu chị à, vì sinh hoạt của hội bây giờ là không khí và là nguồn sống đó chị à, nếu thiếu chúng, e rằng chị sẽ trống vắng và... hụt hơi ngay thôi! Phương chi, “sau khi anh chị em trong hội nói ‘nếu chị thôi vai trò đó thì các anh chị em khác khó có thể có được uy tín như chị để kiếm tiền cho các TPB/QP...’” (9).

Ðúng là chị bị triệt buộc rồi chị Hạnh Nhơn à! Mà cũng có thể hiểu đó là... ý dân, mà ý dân là ý... Trời phải không thưa chị?

4. Tạm kết, “nếu có yêu tôi...”

Chúng tôi thật sự vinh hạnh được chị Hạnh Nhơn cho phép viết về chị như là... Không Quân Ngoại Truyện! Chị cứ dặn tới dặn lui là không nói chi nhiều về chị mà nên tập trung nói về hội. Dĩ nhiên là chúng tôi phải... tuân lệnh ngoài mặt mà trong lòng vẫn cứ... hay quên! Chị Hạnh Nhơn sợ thiên hạ họ cười, họ bảo “mèo khen mèo dài đuôi.” Chị sợ như vậy cũng phải, nhưng nếu mèo không có đuôi, hoặc cụt đuôi thì tôi lấy cái lý do gì mà khen đuôi dài cho được chứ? Phương chi, tâm huyết của chị, khả năng của chị ngày nay không còn giới hạn trong vòng đai Bộ Tư Lệnh Không Quân nữa mà chị là của cộng đồng và của tập thể Quân Cán Chính VNCH từ lâu rồi.

Chị đâu biết rằng, chính tôi mới là người đang ganh tỵ với những cống hiến cho tha nhân của chị và của các anh chị em trong hội vì không có cơ duyên phụ một tay cho quý hội. Ganh tỵ nhưng trân trọng. Vì trân trọng nên tôi nguyện phát tâm tùy hỉ những công tác từ thiện vô vị lợi của bất cứ cá nhân hay đoàn thể nào.

Không phải chị đã biểu hiện cách sống “mình vì mọi người” qua các trách vụ mà chị đã thực hiện cho quân đội từ thuở gia nhập Việt Binh Ðoàn, rồi Nữ Phụ tá, Nữ Quân Nhân, trong ngục tù cho đến Hội HO ngày nay đó sao? Thôi thì, chuyện cũ bỏ qua, nhưng mới đây, khi nhận giải thưởng cuộc thi viết về Chuyện Người Tù Cải Tạo, chị Hạnh Nhơn đã phát biểu: “(...) Do đó, với phần thưởng hôm nay, tôi sẽ chia sẻ một phần vào ‘Quỹ Tình Thương Nữ Quân Nhân’ mà chúng tôi đã lập ra mấy năm nay để Nữ Quân Nhân Hải Ngoại cùng nhau đóng góp gởi về giúp đỡ các chị em bất hạnh ở quê nhà.” (Ðặc San Cựu NQN Kỳ IV, 2007. Phát Biểu Của Tác Giả Nguyên Hạnh (Nguyễn Thị Hạnh Nhơn) trang 92).

Chị đã gieo nhân lành, đương nhiên sẽ nhận quả ngọt. Một trong những hạnh phúc ấm áp khác là các con cháu trong gia đình đều hỗ trợ công việc “bao đồng” của chị: “Trong những lần tổ chức ‘ÐNH Cám Ơn Anh,’ có lẽ gia đình chị là một gia đình duy nhất mà người Mẹ là trưởng ban tổ chức, lo đôn đáo từ việc lớn đến việc nhỏ, ngày như đêm ròng rã mấy tháng trước cho ngày ÐNH, mà vào ngày ÐNH, tất cả các con cháu hơn một tá, đều phải mua vé để vào làm việc thiện nguyện.” (KQ Nguyễn Phúc Tiến. Thư Riêng, 10/29/2011).

Các cháu mua vé không những để làm việc từ thiện mà còn là dịp để các cháu cảm nhận niềm hãnh diện và tự hào về người Mẹ, người Bà tuyệt vời của các cháu. Chắc chắn ở tận cõi vĩnh hằng, phu quân của chị, anh Lý Nhựt Hướng, một Trưởng Hướng Ðạo Việt Nam, cũng mỉm cười mãn nguyện vì họ đã tiếp nối bước đi của anh. Ðược biết, trước lúc lâm chung (2002) anh đã căn dặn thân bằng quyến thuộc, “thay vì mua vòng hoa, gởi tiền phúng điếu, thì nên dùng số tiền đó để cứu giúp cho Thương Phế Binh và các trẻ mồ côi ở quê nhà.” Ước mơ của anh đã được người thân thực hiện trọn vẹn. (KQ Phạm Ðình Khuông, Thư riêng, 10/21/2011 Bản Tin Hội HO Cứu Trợ TPB/QP. Một Bông Hồng Cho Người Nằm Xuống, Nguyễn Phán)

Xin nhắn các bạn trẻ thế hệ nối tiếp, nếu tình cờ đọc bài Không Quân Ngoại Truyện này, mong các bạn sẽ tự hỏi lòng mình, là tại sao các bạn và bà con thân thuộc của mình lại có mặt ở Mỹ, để rồi các bạn thử suy nghĩ là có nên góp một bàn tay cho Việt Nam ngẩng mặt với đời, góp một nhịp tim cho quê hương và đồng bào của của mình thoát cảnh đọa đày? Thực tiễn hơn, nếu các bạn muốn tìm cho mình một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc thì cũng đơn giản thôi, đó là ta sống cho ta ta sống cả cho đời, cho đồng bào đồng đội bất hạnh của mình, như thế hệ chúng tôi đã từng, cách riêng qua bài viết. Thế hệ chúng tôi sắp tàn, chúng tôi kỳ vọng ở thế hệ các bạn đó.

Có bao giờ các bạn dám mơ ước sẽ là những Cánh Chim Tự Do của Việt Nam ngày mai không? Sao lại không được nhỉ?

Thưa chị Hạnh Nhơn,

Tôi rất tâm đắc với lời ca trong bài hát Nếu Có Yêu Tôi của nhạc sĩ Trần Duy Ðức, cho nên tôi rất mong khi có dịp thì chị thử lắng lòng mà nghe khúc ca ngọt ngào như ca dao, thanh thoát như lời kinh và cần thiết như nước và không khí này.

Rất tiếc tôi không biết ca, nhưng không sao, tôi biết nói.

Và lời tôi nói, sẽ là,

-Thưa chị Hạnh Nhơn, tôi thật sự quý mến chị qua nhân cách, tinh thần phục vụ và tính nhân bản thủy chung của một quân nhân QLVNCH. Tôi hãnh diện là đồng đội của chị, cùng chung với chị một bầu trời, một màu cờ trước kia và một ước vọng về một Việt Nam Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền hiện nay.

Chị là bậc đàn chị khả kính của tôi đó chị Hạnh Nhơn à.

Thân kính chúc chị sức khỏe thật an khang, Phúc như biển Thái Bình, Thọ như ông Bành Tổ, nghe chị!

Kính thư,
Bắc Ðẩu Võ Ý
Corona, CA.
Thu 2011

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Những trang liên hệ

 

Phân ưu cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn

Tiểu sử cố Trung Tá HẠNH NHƠN

Hình ảnh Phóng sự...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bộ Huy hiệu Quân chủng Không Quân QLVNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

   

Hình nền: Huy hiệu KQVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển

 

Đăng ngày Thứ Ba, April 18, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang