Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Thế giới
Chủ đề: Kinh Tế
Tác giả:
Kim Nhung & KTG Nguyễn Xuân Nghĩa
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
KN: Kim Nhung xin kính chào quý KTG với tiết mục
Thời Sự Ngày Mai cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trong
Kim Nhung Show trên hệ thống SBTN. Tiết mục có tôn chỉ là tìm
hiểu nguyên nhân rồi hậu quả của các biến động kinh tế, an ninh
hay chính trị trên thế giới để cùng khán thính giả suy luận ra
những gì có thể trở thành thời sự, trong đó may ra thì được bài
học hữu ích cho Việt Nam của hiện tại và tương lai. KN xin kính
chào ông Nghĩa...
KN 1: Thưa quý vị, hôm
19 Tháng Sáu vừa qua, một cơ quan thuộc Tòa Bạch Cung là Văn
phòng Chính sách Thương mại và Chế biến, (“Office of Trade and
Manufacturing Policy”), do Giáo sư Peter Navarro làm Giám đốc
kiêm Cố vấn bên Tổng thống Donald Trump, công bố một phúc trình
là “Nạn Xâm lược Kinh tế của Trung cộng Đe dọa Thuật lý và Quyền
Sở hữu Trí tuệ của Hoa Kỳ và Thế giới Ra sao?” Kim Nhung xin tạm
dịch từ “How China’s Economic Aggression Threatens the
Technologies and Intellectual Property of the United States and
the World” và xin đề nghị chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa
nói về tài liệu này.
NXN 1: - Thưa quý KTG,
tài liệu này chỉ có 65 trang, mà không dễ đọc vì có 163 cước chú,
mỗi cước chú lại là một tham khảo nhức đầu về hơn 50 trường hợp
vi phạm của Bắc Kinh. Phúc trình được Giáo sư Kinh tế Peter
Navarro tổng hợp sau nhiều tháng điều tra rồi được Tòa Bạch Cung
công bố một ngày sau khi ông Donald Trump tăng áp lực về mậu dịch
với Trung Cộng. Tôi xin nói ngay rằng đây là bản cáo trạng gay
gắt nhất dù tập trung vào tội chính của Bắc Kinh là “xâm lược
kinh tế” trong hai lãnh vực là thuật lý hay technologies, và
quyền sở hữu trí tuệ, hay intellectual property. Chuyện thứ hai
là trong một chương trình truyền hình, lời nói không quan trọng
bằng hình ảnh và việc Kim Nhung Show phải tìm hình ảnh minh diễn
cho quý vị là một cơn ác mộng cho ban biên tập, vì thật ra không
dễ! Chuyện thứ ba, người ta cứ nói “một tấm hình có giá trị hơn
ngàn câu nói”, nhưng các tấm hình ở đây trị giá tới cả ngàn tỷ đô
la và là một vụ ăn cướp xuất phát từ Bắc Kinh.
KN 2: Kim Nhung
biết trước nhiều khó khăn khi phải khai triển đề tài này, nhưng
tin là ông Nghĩa sẽ giúp quý KTG nhìn ra sự thể từ giác độ ly kỳ
hấp dẫn nhất để hiểu ra thời sự ngày mai là gì. Xin mời ông Nghĩa.
NXN 2: - Người theo
dõi một cách hời hợt, kể cả báo chí, thì gọi Peter Navarro là con
diều hâu chống Trung cộng qua ba cuốn sách, nổi tiếng nhất là
“Chết Dưới Tay Trung Quốc”. Đấy là chuyện xưa, vì thời sự ngày
mai là Chính quyền Trump muốn gì! Đọc tài liệu rồi, tôi nhiều lần
xem ông trình bày trên đài C-SPAN và viện Hudson do nhà ‘vị lai
học’ Herman Kahn thành lập từ năm 1961. Điều lý thú và hữu ích là
ông Navarro trình bày phúc trình sau lời giới thiệu ân cần của
học giả Michael Pillsbury, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu
về Chiến lược với Trung cộng của Viện Hudson. Nhân vật Pillsbury
này mới là một dị nhân.
- Sinh năm 1945, Tiến sĩ Michael
Pillsbury là học giả kiêm chuyên gia tình báo từ thời Ronald
Reagan tới các đời Tổng thống về sau và phục vụ trong Bộ Quốc
Phòng và nhiều cơ quan nghiên cứu ẩn danh khác. Ông am hiểu nội
tình Trung cộng, được Bắc Kinh nể trọng, gọi tên theo Hán tự là
Bạch Băng Thụy. Một tác phẩm biên khảo của ông năm 2015 là “The
Hundred-Year Marathon” được coi là phải đọc vì chỉ ra chiến lược
trường kỳ của Bắc Kinh, từ 1949 tới 2049! Lý thú hơn cả là sau
khi Navarro công bố phúc trình hôm 19, ông Pillsbury đi Bắc Kinh
trao cho đám kinh tế gia của Tổng bí thư Tập Cận Bình tham khảo,
rồi trở về tuyên bố trên truyền hình hôm 28 vừa qua rằng trí thức
và báo chí Bắc Kinh tránh nhắc đến văn kiện đó vì không biết làm
sao mà trả lời! Tôi e là báo chí Mỹ cũng vậy và đành nói rằng
Chính quyền Trump chỉ hài tội mà chưa có đối sách!
KN 3: Chúng ta bắt đầu đi vào nội
dung của tài liệu này, về mưu thuật xâm lược kinh tế của Trung
cộng. Ông nghĩ rằng KTG của chúng ta nên nhớ những gì?
NXN 3: - Tôi nhớ đến
một sự thật mà nhiều người không biết hay đã quên, rằng lãnh đạo
Bắc Kinh không hề che giấu ý đồ của họ qua các hành động, chính
sách và việc làm có đặc tính xâm lược. Về kinh tế thì bốn loại
hành động của Bắc Kinh được liệt kê như sau: 1/ Bảo vệ thị trường
nội địa khỏi bị cạnh tranh và giảm nhập cảng qua các biện pháp
quan thuế, hạn ngạch và rào cản bằng luật lệ; 2/ Nâng thị phần
của Trung cộng trên các thị trường toàn cầu qua chính sách công
nghiệp và các tập đoàn kinh tế quốc doanh được ưu đãi theo chủ
trương của nhà nước nhằm trợ cấp sản xuất tới độ dư thừa và bán
rẻ ra ngoài để triệt hạ các đối thủ; 3/ Bảo đảm việc kiểm soát
nguồn tài nguyên toàn cầu qua cái bẫy của tài trợ hay cho vay
khiến nhiều xứ độc tài và thiếu nền tảng luật lệ bị mắc nợ; 4/
Thống lĩnh khu vực chế biến qua tín dụng nhẹ lãi và các tiêu
chuẩn thấp về môi sinh và lao động. Bốn loại hành động xâm lược
đó được nhiều quốc gia hiểu ra và tìm cách ngăn chặn.
- Chỉ riêng danh mục ấy cũng giải thích
vì sao Chính quyền Donald Trump đẩy mạnh sức ép về thương mại và
đầu tư. Nhưng phúc trình mới công bố nêu thêm hai trọng tâm khác
về chiến lược xâm lăng kinh tế của Bắc Kinh, là:
1. tước đoạt thuật lý
và quyền sở hữu trí tuệ của các nước, kể cả của Hoa Kỳ;
2. chiếm lĩnh các
ngành sử dụng công nghệ cao cấp hầu đạt mức tăng trưởng cao và
nhất là để tiến mạnh hơn về quốc phòng. Ngoài bốn loại hành vi
xâm lược kinh tế đã quen thuộc, phúc trình Navarro nói về hai
trọng tâm liên quan tới thuật lý cao cấp và nhấn mạnh tới việc
Bắc Kinh muốn tiếp cận, khai thác, tiêu hóa và sáng tạo thêm để
chiếm lãnh vị trị thống trị sau này qua sáu kế hoạch khá tinh vi
độc đáo.
KN: Nếu quý vị theo dõi kịp những phát giác của
Hoa Kỳ do ông Nghĩa vừs tóm lược, chúng ta thấy ra năm loại hành
động đã được Bắc Kinh công khai hóa và hai trọng tâm xâm lăng
khác được bản phúc trình vừa công bố. Sau phần thông tin thương
mại, KM xin trở lại về các trọng tâm mới được Hoa Kỳ công bố...
KN: Thưa quý KTG,
trong phần đầu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết Tòa
Bạch Cung vừa công bố phúc trình mới vào hôm 18 thì Tiến sĩ
Michael Pillsbury đã cho trí thức Bắc Kinh biết nội dung để thăm
dò phản ứng của họ và thấy họ chưa thể trả lời được gì! Qua phần
hai, ta sẽ tìm hiểu thêm về nội dung đó.
KN 4: Kim Nhung
biết là chúng ta khó thấy ra nhiều chi tiết rắc rối trong một
phúc trình 65 trang có hơn 160 cước chú là “end notes”, nhưng ông
Nghĩa có thể phần nào tóm lược cho chúng ta phần nội dung này.
Kim Nhung xin mời ông.
NXN 4: - Trong phúc
trình chính thức của Tòa Bạch Cung, Giáo sư Peter Navarro phải
tóm lược bằng một ma trận hay matrix gồm sáu loại hành động xâm
lược kinh tế, phân giải thành 27 trường hợp khác nhau, với những
minh diễn cụ thể. Đáng chú ý hơn cả là phúc trình không chỉ hài
tội Bắc Kinh từ giác độ của Mỹ mà còn nhắc đến phản ứng của nhiều
quốc gia khác, kể cả các nước Âu Châu.
- Điều thứ hai, Giáo sư Navarro nhiều
lần minh định chủ trương tự do mậu dịch của Hoa Kỳ là phải có bốn
điều kiện là:
1. Tự Do
2. Công Bằng
3. Hai Chiều và
4. Cân Đối.
Ông đi từ lý thuyết tự do thương mại
của kinh tế gia người Anh David Ricardo vào thế kỷ 19 tới thực tế
của hiện tại để phản bác việc các nước đả kích Hoa Kỳ là theo chế
độ bảo hộ mậu dịch. Nếu nhà báo và giới bình luận đọc kỹ phúc
trình này thì có lẽ sẽ bớt nói nhảm hay còn gián tiếp bênh vực
Bắc Kinh!
KN 5: Nếu Kim Nhung không hiểu lầm thì phần cước
chú rất quan trọng ở cuối tài liệu nhắc đến mấy chục trường hợp
vi phạm của Bắc Kinh, nghĩa là những gì đã từng xảy ra trong thực
tế, chứ không là những cáo buộc không có bằng chứng của Phủ Tổng
thống Hoa Kỳ. Thưa ông Nghĩa, sự thể có phải là như vậy chăng?
NXN 5: - Thưa là rất
đúng vì phúc trình này viện dẫn các trường hợp cụ thể đã xảy ra.
Nó bổ túc cho báo cáo hồi Tháng Ba của Văn phòng Đại sứ Thương
mại Hoa Kỳ khiến Chính quyền Trump đòi áp thuế nhập nội trên một
số hàng hóa của Trung Cộng kể từ mùng sáu Tháng Bảy này. Ngoài
ra, chúng ta cũng không thể quên rằng Tháng 12 năm ngoái, Chính
quyền Trumpo đã công bố tài liệu gọi là Chiến lược An ninh Quốc
gia theo đó, Trung Cộng là cường quốc có tham vọng cạnh tranh với
Hoa Kỳ nên mới có chủ trương xâm lược kinh tế, là một khái niệm
xuất phát từ năm ngoái. Sau cùng, Tòa Bạch Cung cũng cho biết đã
mất nhiều tháng nghiên cứu, ông Peter Navarro mới xin các cơ quan
hữu trách khác thẩm xét nội dung và cho ý kiến rồi mới chính thức
công bố. Đây không là công trình của một kinh tế gia có tinh thần
chống Trung cộng hay có ý bảo hộ mậu dịch mà là tài liệu của một
tập thể đa dạng sẽ thành nền tảng của những đối sách Hoa Kỳ cùng
các nước có thể áp dụng sau này. Cho tới nay, Bắc Kinh còn lặng
thinh nghiền ngẫm và được báo chí liên lạc thì Tòa Đại sứ Trung
Cộng tại Hoa Kỳ chưa có câu trả lời chính thức, đúng như nhận
định của ông Michael Pillsbury.
KN 6: Khi
theo dõi chuyện này thì ông thấy thời sự ngày mai có thể là gì?
NXN 6: - Tôi nghĩ Hoa
Kỳ và Trung cộng có những mâu thuẫn khó dung hòa mà đó không là
quan điểm riêng của Chính quyền Donald Trump.
- Trước hết, từ cuối năm ngoái, một
trung tâm nghiên cứu của Quốc hội Mỹ là Hội đồng Duyệt xét Quan
hệ An ninh và Kinh tế giữa hai nước đã nhận định rằng “Chính phủ
Trung Cộng đang thực hiện một sách lược kỹ nghệ toàn diện và
trường kỳ để bảo đảm sự thống trị toàn cầu”, rằng “mục tiêu tối
hậu của Bắc Kinh là giúp doanh nghiệp nội địa của họ thay thế
doanh nghiệp nước ngoài thiết kế và chế tạo các kỹ thuật và sản
phẩm then chốt ở trong nước đã, rồi ở hải ngoại sau.” Sách lược
và mục tiêu đó được Trung Cộng tiến hành bằng mọi cách, kể cả ăn
cắp và ăn cướp, bất chấp các nguyên tắc và luật lệ được cả thế
giới tuân thủ.
- Thứ hai, nhìn rộng ra ngoài thì Phòng
Thương mại Âu châu cũng đánh giá rằng một chiêu pháp lâu dài
trong chính sách kỹ nghệ Bắc Kinh là ép các doanh nghiệp ngoại
quốc phải chuyển giao công nghệ như cái giá phải trả để được vào
thị trường Trung Cộng và điều ấy đi ngược các cam kết với Tổ chức
Thương mại Thế giới WTO. Đã vậy, sau khi bắt kịp kỹ thuật mới thì
Bắc Kinh lại làm khó doanh nghiệp nước ngoài. Đây là trường hợp
đã bị Hoa Kỳ nhiều lần tố cáo. Những chuyện như vậy thường xảy ra
và là bài toán chung của các nước chứ không là vấn đề của riêng
Hoa Kỳ. Còn lại, Chính quyền Trump cần phối hợp với các quốc gia
khác và với Tổ chức WTO để có biện pháp thích ứng, là chuyện
“thời sự ngày mai”...
KN 7: Kim Nhung
chú ý tới chủ trương tự do mậu dịch của Hoa Kỳ là phải có bốn
điều kiện là:
1. Tự Do
2. Công Bằng
3. Hai Chiều và
4. Cân Đối.
Trong khi người ta cứ nói Chính quyền
Trump lui về chánh sách bảo hộ mậu dịch. Nếu mọi người chịu khó
theo dõi phần thuyết trình của ông Peter Navarro trên truyền hình
thì có lẽ đã bớt kết luận sai.
NXN 7: - “Chịu khó” là
điều khó. Nói nhảm thì dễ hơn. Nếu theo dõi phản ứng của các nước
khác về tinh thần bảo hộ và ăn cướp của Bắc Kinh thì may ra chúng
ta tránh được phản ứng nông cạn đó. Mà đây mới chỉ là chuyện mậu
dịch thôi, thời sự ngày mai sẽ là nhiều mâu thuẫn sâu xa và nguy
hiểm hơn nữa.
KN: Kim Nhung xin kính chào tạm biệt quý vị
trong tiết mục khá lạ kỳ này và xin cùng chuyên gia kinh tế
Nguyễn Xuân Nghĩa hẹn lại tuần tới, cũng vào ngày giờ này trên hệ
thống truyền hình SBTN.
Kim Nhung/SBTN
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by ddcb chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, July 7, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang