Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tham
luận
Chủ đề:
Thời sự chính trị
Tác giả:
Trương Văn Út (Út bạch lan E22)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Tuần vừa qua xạo sự tôi
tình cờ đọc một tin ngắn có đề tựa rất giật gân là “Hôm 26/11, cựu
tổng thống Donald Trump đã cho biết trong một tuyên bố rằng ông chưa
bao giờ cân nhắc đến việc gây chiến với Trung Quốc”. Nguồn tin này
dựa vào một đoạn bài diễn văn của Ông Trump chỉ trích Chủ Tịch Hội
Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ Mark Milley. Ông Mark Milley
đã nói gì mà bị Trump chỉ trích? Ngày 28/09/2021, ông Mark Milley đã
trình bày trước Ủy Ban Quân Vụ Quốc Hội Hoa Kỳ rằng “Tôi đã nói
chuyện với Tướng Trung Quốc Lý Tác Thành (Li Zuocheng) vào ngày
30/10/2020 và ngày 08/01/2021. Tôi xác nhận rằng có 8 vị quan chức
Hoa Kỳ đã lắng nghe trong cuộc gọi đầu tiên và 11 người trong cuộc
gọi thứ hai. Và tôi đã nói với Tướng Lý Tác Thành rằng chúng tôi sẽ
không tấn công các ông và Tổng thống Trump cũng không có ý định tấn
công các ông. Và tôi đã khẳng định với ông ấy về điều đó nhiều lần,
và tôi đã nói với ông ấy rằng nếu có một cuộc tấn công sắp xảy ra
thì sẽ có rất nhiều thông tin liên lạc qua lại, hệ thống tình báo
của ông ấy (Tướng Lý Tác Thành) sẽ phát hiện được. Tôi có thể sẽ gọi
cho ông. Mọi người sẽ gọi cho ông. Chúng tôi sẽ không tấn công các
ông đâu. Chỉ cần các ông ngồi yên thôi. Chuyện đó sẽ không xảy ra.”
Ông Trump nói “Thậm chí tôi chưa từng nghĩ đến việc gây chiến với
Trung Quốc, ngoài cuộc chiến mà tôi đang thắng thế, đó là cuộc chiến
về Thương Mại. Tôi là vị Tổng thống duy nhất trong nhiều thập niên
qua không khiến chúng ta phải tham gia một cuộc chiến nào – tôi đã
đưa chúng ta thoát khỏi các cuộc chiến tranh!”. Trump cũng cho rằng
lời cảnh báo Tàu Cộng của Mark Milley “nếu Hoa Kỳ lên kế hoạch cho
một cuộc tấn công Trung Cộng” là một lời nói tiết lộ chuyện quân cơ
bí mật của Hoa kỳ và được xem như là một tội phản quốc. Trong khi đó
thì cựu quyền Bộ Trưởng Quốc Phòng Chris Miller, người từng lãnh đạo
Ngũ Giác Đài một thời gian ngắn từ cuối năm 2020 đến tháng 01/2021,
cho biết ông không ra lệnh cho phép các cuộc điện đàm giữa ông Mark
Miley và ông Lý Tác Thành.
Câu hỏi đặt ra của bài xạo sự hôm nay là
“tại sao những chuyện cơ mật quốc phòng mà báo chí loan tải rộng rãi
công khai như xe cán chó hay ao thả vịt vậy?” Hơn nữa, chuyện nó đã
xưa như trái đất rồi, những nhân vật liên can chủ chốt cũng đã về
vườn từ lâu. Hay là chính quyền của Biden muốn bắn tin cho Bắc Kinh
biết rằng, phe cộng hòa muốn gây chiến với các ông, chứ phe dân chủ
của tui vẫn muốn hợp tác buôn bán với các ông thôi. Không có lửa thì
làm gì có khói!
Theo hiến pháp hiện hành, Tổng Thống Hoa Kỳ là Tổng Tư Lệnh Quân
Đội, muốn động binh hay xuất binh đều phải tham vấn với các sĩ quan
cao cấp liên hệ quốc phòng, có nhiều trường hợp phải thông qua Quốc
Hội nữa. Quân cơ bất trí trá bất quân cơ. Nói đánh mà không đánh.
Nói không đánh mà đánh. Ông Trump nói rằng chưa bao giờ ông cân nhắc
chuyện gây chiến với Trung Cộng, nhưng trên thực tế thì ông đã gây
chiến từ những ngày tháng đầu khi ông nhiệm chức tổng thống Hoa Kỳ
rồi. Trump vừa tuyên thệ nhậm chức ngày 20 tháng 1 năm 2017, ngay
tháng sau, tháng 2 năm 2017, Trump đã gay gắt chỉ trích xã hội chủ
nghĩa trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc như sau “Lấy ví dụ Venezuela làm
điển hình mới đây chủ nghĩa xã hội đã làm phá sản một quốc gia giầu
dầu mỏ và đẩy người dân nước này vào cảnh nghèo đói cơ cực. Gần như
ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử
nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát
quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và
đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã
hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người...”. Ngôn từ
ngoại giao này không phải là gây chiến mà là “tuyên chiến”. Trump
tuyên chiến với ai? Còn ai trồng khoai đất này, không lẽ Trump tuyên
chiến với Cuba, Bắc Hàn hay Việt Miên Lèo.
Tuyên chiến ở đây không có nghĩa là Trump
mang máy bay tàu bò đổ bộ lên lục địa Tàu, hay dội bom nã hỏa tiễn
vào các cảng của Tàu mà Trump chơi vào cái ruột tượng chứa đầy đô la
của chú chệt giầu nứt mắt trước đã. Trump cũng thông suốt Tôn Ngô
binh pháp chẳng thua các chiến lược gia thượng thặng của Tàu Phù
ngày nay nửa đông nửa tây đâu. Trump thừa biết Tập Cận Bình đang
chơi trò “minh tu sạn đạo, ám độ trần thương” nên Trump tiên hạ thủ
vi cường, Trump không công thành mà Trump công lương và công tâm
khiến cho Tập và Bắc Kinh điên đảo đảo điên, ngả nghiêng nghiêng ngả
suốt bốn năm qua, nay lại gặp phải tình trạng ly chung tự hoại của
nội cung nữa. Làm gì mà không có giây mơ rễ má giữa tập đoàn “cái
bang” Giang Trạch Dân–Hồ Cẩm Đào với Đại Tư Bản Mỹ! Tập lên ngôi cửu
ngũ năm 2012 với gương mặt giả nhân giả nghĩa “cứu loài người yếu”
tung tiền như thác lũ giúp cho các quốc gia đang nghèo đói lạc hậu
xây dựng đất nước bằng phương cách cho vay bẫy nợ để che dấu mưu đồ
thôn tính dần dần thế giới. Nước nghèo cho vay theo kiểu nghèo, nước
giầu mạnh thì cho vay theo kiểu giầu mạnh nên ta có thể gọi cái kiểu
cho vay bẫy nợ của Tập là “minh tu sạn đạo” là như vậy. Cách dụng
binh và điều binh của Hàn Tín dẫn quân của Lưu Bang từ Hán Trung
tiến vào Quang Trung được lịch sử gọi là “Minh tu sạn đạo, ám độ
Trần Thương” (giả vờ sửa sạn đạo, lén vượt Trần Thương), chính là
điểm ưu việt của Hàn Tín trong nghiệp cầm quân. Chiến thuật “Minh tu
sạn đạo, ám độ Trần Thương” mà Hàn Tín sáng tạo đã luôn được các nhà
quân sự đời sau khen ngợi không ngớt lời, ứng dụng không biết bao
nhiêu và cũng được đưa vào trong “Tam thập lục kế” của binh gia
chẳng khác nào như “dương đông kích tây” trong chính trị ngày nay
của các bên đang tranh chấp nhau.
“Minh” là ban ngày, là sáng rõ, là nhìn
thấy được. “Ám” là kín đáo, là không rõ ràng, là hư ảo. Thế nên điểm
chính yếu là hư hư thực thực, minh minh ám ám, mục đích chỉ để quân
địch bị đánh lạc hướng, phải làm hao mòn, tê liệt và chia cắt quân
đội đối phương, tự nhiên lực lượng đối phương bị mỏng hẳn đi trên cả
hai tuyến công và thủ. Sau khi Hàn Tín được Hán Vương phong chức Đại
Nguyên Soái, Tín bắt đầu huấn luyện binh mã theo kỷ cương sắt đá
theo binh pháp Tôn Tử để chuẩn bị xuất sạn đạo về phía tây để đánh
chiếm Quang Trung là yếu điểm của nhà Tần do tướng Chương Hàm làm
thống soái. Lưu Bang theo kế lược của Hàn Tín, sai Phàn Khoái và Chu
Bột dẫn binh bộ, tu sửa lại sạn đạo một con đường duy nhất để tiến
chiếm Quang Trung giả vờ như chuẩn bị tấn công Chương Hàm, con đường
duy nhất mà Tiêu Hà đề nghị đốt phá đi sau khi quân Hán an toàn nhập
Hán Trung. Chương Hàm là một tướng giỏi không thua kém gì tướng Mông
Điềm của Nhà Tần đang trấn giữ Quang Trung, nhưng Hàm đã mắc mưu
trúng kế của Hàn Tín, vì Hàm nghĩ rằng tu sửa sạn đạo ít nhất cũng
mất cả năm trời mới xong nên lơ là thư thả điều động binh mã từ Trần
Thương về tăng cường cho Quang Trung. Quang Trung dân giầu đất rộng
mầu mỡ, thu hoạch lương thực dồi dào, Chương Hàm cho chuyển số lương
thực thặng dư đem về kho cất giữ ở Trần Thương. Trong khi Phàn Khoái
ra bộ vất vả và bất mãn về việc dẫn binh lính sửa sạn đạo thì Hàn
Tín xuất kỳ bất ý dùng con đường mòn phía bắc núi Bao Tà đánh úp
Trần Thương như trở bàn tay, chiếm toàn bộ số lương thực dự trữ của
Chương Hàm dự trù sẽ nộp số lương thực này cho Sở Bá Vương Hạng Võ.
Trận ám độ Trần Thương của Hàn Tín đã đi vào lịch sử vì nó mang tính
cách quyết định số phận của nhà Tần và Sở để cho đình trưởng Lưu Quý
thiết lập Nhà Hán sau này.
Tập Cận Bình lên ngôi vào thời điểm Obama,
vị tổng thống da màu gốc Kenya (2009–2017) của Hoa Kỳ đang tại vị.
Tập tạm ổn định vùng Đông Nam Á với vai trò anh cả của khối Asean và
tuyến đường sắt nối liền Trung Quốc và Đông Nam Á trị giá 5.9 tỷ USD
dự tính sẽ đi vào hoạt động từ tháng 12 năm nay, Tập bước qua Ấn Độ
bằng cách đổ tiền rừng bạc bể vào Đảo Srilanka, từ đó bước qua Kenya
để làm bàn đạp chiếm cả Châu Phi bằng chiêu bài giúp xây dựng hạ
tầng cơ sở, cầu đường và ưu tiên nhất là đường xe hỏa hỏa tốc với sự
cổ võ của ông thần Hynos Obama. Chỉ riêng hai dự án này nối liền từ
Kenya lên Ethiopia, xuống Tanzania, qua Angola và tận đến bờ biển
phía tây của Châu Phi là Nigeria, Tập đã đổ vào đây trên dưới hai
ngàn tỷ đô la rồi. Nhìn một cách tổng quát chúng ta có thể thấy rõ
rệt con đường của Tập và Bắc Kinh đang theo đuổi “minh tu sạn đạo”.
Để thực hiện những bước kế tiếp thôn tính toàn cầu “ám độ trần
thương”, tập đoàn cộng sản Bắc Kinh dùng cửa ngõ Việt Nam để xuống
phía nam, dùng Srilanka để bước vào Ấn Độ, dùng Kenya làm cửa ngõ
chiếm cả Phi Châu, dùng Tajikistan và Kyrgyzstan chiếm vùng Trung Á,
dùng Iran để bước vào Trung Đông, dùng Italy để lũng đoạn Tây Âu.
Con đường Tập đi là con đường “chính trị lộ tuyến”, đúng ra phải hư
hư thực thực, minh minh ám ám, nhưng vì quá sốt ruột thực hiện mộng
mưu bá đồ vương của mình để làm “hoàng đế muôn năm” nên dục tốc bất
đạt. Nếu như Hàn Tín chỉ sử dụng mưu kế “minh tu sạn đạo, ám độ Trần
Thương” là để giúp cho Lưu Bang dẹp Tần Sở để bình định thiên hạ
(lục quốc), và bản thân Hàn Tín là bậc anh hùng trung nghĩa, ý chí
cao xa, tấm lòng thoáng đãng, thì ĐCSTQ lại là một thể chế độc tài,
Tập có tâm địa hẹp hòi, áp dụng mưu kế này với cả thế giới và người
dân trong nước, chỉ nhằm bành trướng sự thống trị của đảng và của cá
nhân Tập.
Con
đường “sạn đạo” đã được Bắc Kinh và Tập xây rồi, thế còn “Trần
Thương” mà họ nhắm tới thì sao!? Tập không vượt qua được những cặp
mắt tinh tường của những nhà đại tư bản của Mỹ, họ cũng là những bậc
Đại Thượng Nhân, Đại Thượng Trí đã am hiểu và thông suốt Tôn Ngô
Binh Pháp còn hơn cả những triết gia, tư tưởng gia, các nhà chiến
lược thượng thặng của Tàu Cộng nữa là khác. Có thể nói, sự xuất hiện
của “Binh pháp Tôn Ngô” đã đem lại sự phát triển sâu rộng cho lý
luận quân sự qua các thời đại. Ngay từ đời Đường, “Binh pháp Tôn
Ngô” đã du nhập vào Nhật Bản, Triều Tiên. Nhật Bản rất sùng bái
“Binh pháp Tôn Tử” và gọi nó là “ông tổ của binh học phương Đông,
binh thư số một của thời kỳ cổ đại”. Khoảng cuối thế kỷ thứ 17
(XVII), “Binh pháp Tôn Tử” được truyền sang các nước châu Âu, châu
Mỹ. Năm 1772, nó được dịch sang tiếng Pháp. Vào lúc đó, một tạp chí
lý luận chính trị của Pháp đã viết: “Nếu các tướng lĩnh chỉ huy quân
đội Pháp đều được đọc những tác phẩm ưu tú như cuốn ‘Binh pháp Tôn
Tử’ này thì là phúc cho nước Pháp”. Người ta nói rằng Napoleon khi
bị đày ra đảo Saint Helena tình cờ được đọc “Binh pháp Tôn Tử” đã vỗ
bàn khen và cảm thán nói: “Nếu ta sớm thấy được bộ binh pháp này thì
ta không thể bị thất bại”. Học Viện Quân Sự West Point của Mỹ ngay
từ những năm đầu thành lập (1802) đã đưa “Tôn Tử Binh Pháp” vào Khoa
Ứng Xử Và Lãnh Đạo để giảng dạy cho sinh viên sĩ quan rồi.
Tôn là Tôn Vũ, tổ tiên của Tôn Vũ là họ Vĩ
tên Ngao, nhưng vì loạn lạc chiến tranh giữa Tần Sở Ngô Việt, gia
tộc họ Vĩ vì không muốn sống trong loạn lạc binh đao, nên đã tị nạn
đến đất Lạc An nước Tề nay là Huệ Dân, tỉnh Sơn Đông, đổi sang họ
Tôn để ghi nhớ quê hương gốc tổ ở Tôn Gia sơn. Tôn Vũ tên chữ là
Trưởng Khanh, sinh năm 545 TCN, tức năm Chu Linh Vương thứ 27, vì
loạn lạc nổi lên khắp nơi nên gia đình phải chạy đến La Phù Sơn ở
ngoại thành Cô Tô là kinh đô của nước Ngô, cầy cấy dệt cửi để sinh
sống, và để nơi đây ông có thời giờ yên tĩnh dốc tâm nghiên cứu binh
pháp. Thời gian này Tôn Vũ với Ngũ Tử Tư một trọng thần nước Ngô, và
cũng là thúc phụ của Ngô Phù Sai sau này, kết thành mối quan hệ bằng
hữu gắn bó. Ngũ Tử Tư liền tiến cử Tôn Vũ với Ngô Vương. Tôn Vũ dâng
13 chương binh pháp lên Ngô vương lúc đó là Hạp Lư, được Ngô vương
rất tán thưởng, Tôn Vũ dùng ngay các cung nữ để diễn tập binh pháp,
chém mỹ nhân để thị uy, khiến Ngô vương rất nể vì, lệnh cho làm
thượng tướng quân, rồi phong làm quân sư. Tôn Vũ sau đó cùng với Ngũ
Tử Tư trợ giúp Ngô vương cải cách chính sự, tăng cường quốc lực.
Ngô là Ngô Khởi người nước Vệ, sống trong
thời Chiến Quốc, sau Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ, từng làm đại tướng ở hai
nước là Lỗ và Ngụy, sau qua nước Sở làm tướng quốc. Ngô Khởi, là một
nhà quân sự nổi tiếng, nhà chính trị, nhà cải cách lớn thời Chiến
quốc. Khi ông nắm quyền ở nước nào đều làm cho nước đó trở nên cường
thịnh, mở mang bờ cõi, các nước khác không dám đến xâm lược. Tư
tưởng về nghệ thuật quân sự của ông trong bộ Binh pháp Ngô Tử rất có
giá trị, là một trong 7 bộ binh pháp (Thất Đại Kỳ Thư) nổi tiếng của
Trung Quốc, gần như có thể sánh ngang với Binh pháp Tôn Tử. Tuy
nhiên, ông là người tham tài, hiếu sát và biện pháp thi hành có phần
tàn ác như giết vợ để cầu quan, tham quyền, thi hành chính sách khắc
nghiệt làm các quan lại triều thần cũng như những người trong vương
tộc không đồng tình, ghen ghét hãm hại nhiều lần và cuối đời bị quân
nổi loạn giết chết.
Tôn Vũ và Ngô Khởi là hai binh gia có danh
tiếng ở đời Chiến–quốc bên Tàu, mỗi người đem sự hiểu biết sâu rộng
của mình về nghề nghiệp binh đao viết ra thành sách, sách của Tôn Vũ
là bộ Tôn Tử 13 thiên, sách của Ngô Khởi là bộ Ngô Tử 6 thiên. Sau
này người ta gộp lại thành một để in thành sách gọi là “Tôn Ngô Binh
Pháp”.
Trong Binh
Pháp Tôn Tử, khi đề cập đến chiến tranh có viết “Chiến tranh là việc
lớn của quốc gia, nó có quan hệ đến việc sống chết của nhân dân,
việc mất còn của đất nước, không thể không suy xét một cách thận
trọng. Người đánh trăm trận thắng cả trăm chưa thể kể là người tài
giỏi nhất, không đánh mà buộc địch đầu hàng mới là người giỏi nhất.”
Năm (5) nhân tố quyết định thắng lợi trong
chiến tranh đó là: “Đạo, Trời, Đất, Tướng, Pháp”:
“Đạo” là làm cho dân chúng thuận theo ý
chí của quốc vương, sống chết vì quốc vương mà không sợ nguy hiểm.
“Trời” là quy luật thay đổi về khí hậu,
thời tiết như ngày đêm, mưa nắng, nóng lạnh.
“Đất” là sự xa gần của vị trí địa lý, sự
hiểm nguy, bằng phẳng của địa hình, sự rộng rãi hay chật hẹp, đâu là
đất sống, đâu là đất chết.
“Tướng” là những phẩm chất cần có của
tướng soái, là sáng suốt, đáng tin cậy, nhân ái, dũng cảm, nghiêm
túc.
“Pháp” là
các chế độ về biên chế quân đội, sắp xếp tướng soái và cung cấp hậu
cần.
Năm nhân tố
này nói chung tướng soái đều biết, nhưng chỉ những người nhận thức
sâu sắc những nhân tố này mới có thể đánh thắng. Cho nên, muốn so
sánh nghiên cứu điều kiện của hai bên, tìm hiểu khả năng thắng bại,
thì phải xem: “Quốc vương bên nào được nhân dân ủng hộ nhiều hơn?
Tài năng của tướng soái bên nào cao hơn? Quân đội bên nào thích ứng
với thiên thời, địa lợi hơn? Pháp lệnh được quán triệt, chấp hành
hơn? Thực lực quân sự bên nào mạnh hơn? Tố chất huấn luyện của quân
lính bên nào tốt hơn? Thưởng phạt của bên nào nghiêm minh hơn? Căn
cứ vào cách so sánh đó để phán đoán, thì sẽ dự kiến được ai thắng,
ai thua...”
Xét
một cách phổ quát thì dựa vào năm nhân tố quyết định thắng bại giữa
Mỹ và Tàu hiện nay thì nhận ngay ra rằng Tàu đang ở thế hạ phong đối
với Mỹ.
Đạo thì
Tàu theo chế độ độc tài chuyên chế toàn trị, tự đặt ra pháp quyền
không có nhân bản, người dân phải cúi đầu tuân thủ pháp quyền vì bạo
lực và cường quyền thiếu đi tính tự do vốn dĩ là yếu tố căn bản của
quyền làm người. Ngược lại, dưới chế độ tự do dân chủ của Mỹ, người
dân dùng lá phiếu chọn người cai trị cho mình, nếu người đó làm trái
ý dân tức là trái ý trời, chính người dân lôi cổ xuống. Hai nhân tố
trời và đất tưởng không cần đề cập đến vì có thể nó đã lỗi thời.
Tướng ở đây có nghĩa là “tướng soái”.
Tướng của Mỹ đòi hỏi trình độ học vấn cao, ít nhất cũng có bằng
Master, kinh nghiệm và kinh lịch qua những cuộc chiến tranh ngoại
biên dày dặn kinh nghiệm chiến trường, còn tướng Tàu thì thuộc loại
“hồng hơn chuyên”, gốc gác chăn trâu ở đợ có đảng tịch lâu năm sống
lên lão làng, quân thì từ ngày thành lập nước năm 1949 đến nay, chỉ
loanh quanh trong nước đi dẹp biểu tình hay được huy động phòng ngừa
đảo chánh, chỉ hành quân có một lần duy nhất là trận Thiên An Môn đã
giết cả chục ngàn sinh viên sách vở còn trên tay thay vì súng đạn!
Pháp là chế độ biên chế của quân đội,
thưởng phạt công minh. Tướng Tàu thì chỉ biết dùng uy quyền của một
vị tướng cấu kết với bọn tham quan ô lại triều đình để chia chác của
hối lộ, có bấy nhiêu ăn bấy nhiêu, nếu có nhiều thì đút lót cấp trên
để thăng quan tiến chức cho nhanh, lên cao chừng nào thì ăn hối lộ
nhiều chừng đó. Tướng Mỹ thì tuyệt đối không có chuyện này tự bao
giờ.
Tôn Tử binh
pháp cũng có viết “Việc dụng binh quý thắng không quý lâu, tướng
soái giỏi không gọi lính hai lần, không chở lương 3 lần làm tiêu
chuẩn và yêu cầu của thắng nhanh. Tướng soái phải đề ra việc phải
dùng lương thảo của địch, thắng địch mà mình ngày càng mạnh hơn là
một thủ đoạn để giảm nhẹ chi phí nhân lực, vật lực, tài lực cho
chiến tranh và để thực hiện được ý đồ ‘tốc chiến, tốc quyết’. Thượng
sách của việc dụng binh là dùng mưu lược để thắng lợi, sau mới dùng
đến ngoại giao để thuyết phục quy hàng, sau nữa mới dùng đến lực
lượng quân sự để đạt thắng lợi cuối cùng, hạ sách là đánh thành.
Đánh thành là biện pháp bất đắc dĩ. Cho nên, người giỏi dùng binh là
khuất phục quân đội địch mà không cần giao chiến, chiếm thành ốc của
địch mà không cần cường công, hủy diệt đất nước địch mà không kéo
dài ngày tháng, cần phải giỏi dùng mưu lược mà giành thắng lợi trong
thiên hạ...”
Trong bốn (4) năm cầm quyền (2017–2020) Donald Trump đã áp dụng
triệt để binh pháp này. Dùng tiền của Tàu để Mỹ ngày càng mạnh hơn
về tiềm năng chiến tranh qua cuộc chiến tranh thương mại, chẳng khác
nào Hàn Tín đánh úp Trần Thương chiếm kho lương thực khiến cho quân
Chương Hàm phải đầu hàng và còn gây ảnh hưởng dây chuyền đến quân Sở
về sau về nạn thiếu hụt lương thực. Dùng đất của Tàu để tạo ra những
mâu thuẫn nội bộ ý thức hệ giữa cộng sản và tư bản của chính nhân
dân Tàu. Dùng dân của Tàu làm lực lượng đối kháng với chính nước
Tàu. Dùng đồng minh đối tác kinh tế thương mại của Tàu để tạo nên
những mâu thuẫn nghi ngờ mất niềm tin (chữ Tín) và đi đến hiềm khích
bất hợp tác.
Hoa
Kỳ ngày nay ở cái thế “không thể bị đánh bại”, Mỹ ở cái thế điều
động địch chứ không để địch điều động mình. Mỹ hiểu rõ tiềm năng
quân sự của Tàu, ngược lại Tàu chỉ biết Mỹ với những cái phô trương
quân lực bên ngoài bề mặt, còn về những tối mật quốc phòng (top
secret) của Mỹ thì Tàu chỉ suy đoán mơ hồ, đôi khi còn suy đoán sai
nữa. Tệ hại hơn nữa là mấy ông bà bình loạn gia gốc mít nhà ta vì
câu khách nên cứ sờ đuôi chuột để đoán là đầu voi, nhất là mấy cụ
ông cụ bà vì cuồng Trump quá độ nên suốt ngày tháng cứ lải nhải phê
bình chỉ trích chuyện ngủ gật quên trước quên sau của đảng kiêm tổng
thống Hoa Kỳ Joe Biden, thậm chí có cụ còn “cường điệu” cho rằng
Biden là chính nhân thủ phạm đang làm nước Mỹ tan nát sắp đến lúc
diệt vong dưới bàn tay của Tàu Cộng, (SIC!!!). Nguyền rủa Biden vì
giá cả tăng vọt nhất là giá xăng dầu, nhưng cười toe toét khoái trá
giá nhà mình tăng lên vùn vụt, vé máy bay giảm gần như phân nửa, gọi
nhau ơi ới rủ nhau đi du lịch. Xăng lên giá chóng mặt mà thiên hạ ào
ào đi mua xe mới vì “on sale” đến 40%.
Hơn mười năm ngồi ghế “toàn quyền trung
quốc đĩ dại” (2012–2021), Tập đưa ra sáng kiến “Vành Đai–Con Đường”
(Belt And Road Initiative) viết tắt là BRI, là một mạng lưới nối
liền giữa các tuyến đường bộ, đường sắt, các đường ống dẫn dầu, các
mạng lưới điện, các hệ thống cảng biển cùng rất nhiều dự án hạ tầng
nối liền khoảng 65 quốc gia, nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn
lại của thế giới. Tập rất hào sảng tung tiền qua cửa sổ để viện trợ
hoặc cho vay tiền tại 13,427 dự án cơ sở hạ tầng trị giá 843 tỷ USD
tại 165 quốc gia, phần lớn số vốn này gắn liền với chiến lược Vành
Đai–Con Đường của Chủ Tịch Tập. Bắt đầu từ năm 2013, chiến lược này
tận dụng thế mạnh của Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng, đổ
nhiều tiền vào và xây dựng các tuyến đường thương mại toàn cầu mới
tuơng tự như con đường “Sạn Đạo” của Hàn Tín. Nhưng tiếc thay Tập
khôn mà không ngoan như Hàn Tín. Tập đã để lộ những sơ hở và nhược
điểm chí tử sáng kiến xảo trá lường gạt quỷ quyệt của mình để che
giấu âm mưu “ám độ trần thương” của Bắc Kinh.
Một công trình nghiên cứu quy mô của Mỹ và
Đức công bố năm 2021, mang tựa đề “Trung Quốc cho vay như thế nào –
How China Lends” đã vạch trần cách thức cho vay của Trung Quốc, nêu
bật một số điều kiện “không mấy chính đáng” đã được Trung Cộng áp
dụng trong việc cho vay bẫy nợ. Trước hết là các điều kiện bảo mật
khắt khe hơn rất nhiều so với yêu cầu thường thấy với các quốc gia
chủ nợ khác, hoặc các ngân hàng phát triển khác trên khắp thế giới.
Bắc Kinh không chỉ buộc con nợ phải giữ bí mật các điều kiện vay, mà
còn cấm tiết lộ cả số tiền vay. Tập muốn “ám” mà hóa ra “minh”.
Những điều kiện này đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về tính minh
bạch, vì các chính phủ đi vay phải giấu với cả người dân của họ về
số tiền mà đất nước phải hoàn trả sớm hay muộn. Tính chất thiếu minh
bạch đó cũng làm cho các thủ tục tái cơ cấu nợ tập thể phức tạp
thêm, vì làm sao mà chủ nợ của một quốc gia sắp bị vỡ nợ có thể đánh
giá mức độ đáng tin hoặc khả năng trả nợ của nước đó, và nếu quốc
gia con nợ khai phá sản thì sao? Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đưa ra
nhiều điều kiện bất thường khác, mà nổi bật là điều khoản cấm con nợ
tham gia việc tái cơ cấu nợ do Câu Lạc Bộ Paris thực hiện.
Theo công trình nghiên cứu Mỹ–Đức, có đến
ba phần tư hợp đồng Trung Quốc bao gồm điều kiện đó, một nửa trong
số các thỏa thuận do Ngân Hàng Phát Triển Trung Cộng ký kết đều quy
định rằng bất kỳ hành động nào gây bất lợi cho Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa thì quốc gia con nợ đều có thể bị kích hoạt việc trả nợ
trước thời hạn. Ngoài ra còn có một điều khoản quy định rằng việc
cắt đứt quan hệ ngoại giao tương đương với một sự vỡ nợ. Và đến 90%
các thỏa thuận mà các nhà nghiên cứu Mỹ–Đức nghiên cứu được đều có
điều khoản cho phép chủ nợ Trung Quốc yêu cầu hoàn trả tiền trong
trường hợp có thay đổi chính trị hoặc luật pháp đáng kể ở quốc gia
con nợ, rõ ràng là Bắc Kinh đã biến tiền cho vay thành một công cụ
bành trướng quyền lực của Trung Quốc. Cách thức thực hiện chính sách
“ngoại giao bẫy nợ” này của TQ được Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex
Tillerson tóm tắt: “Khuyến khích sử dụng các hợp đồng không rõ ràng,
thực hiện các khoản vay mang tính chất cưỡng đoạt, đi đến các thỏa
thuận bằng các phương cách tham nhũng, từ đó đẩy các quốc gia vay
mượn lún sâu vào nợ nần, từ đó họ phải bán rẻ chủ quyền của chính
họ...”
Báo chí
gần đây nhắc đến trường hợp nhiều quốc gia vướng phải bẫy nợ phải
bán rẻ chủ quyền cho Trung Cộng, như trường hợp Srilanka phải cho
Trung Cộng thuê cảng Hambantota với thời hạn 99 năm, sau khi không
trả nổi món nợ khổng lồ từ Trung Cộng. Một ví dụ khác là tháng
3/2021, đại diện chính phủ Lào đã đồng ý để một công ty điện Trung
Cộng điều hành mạng điện toàn quốc trong 25 năm. Trang Asean Today
bình luận: “Thỏa thuận mới này cho TQ kiểm soát toàn bộ mạng lưới
điện của Lào, khi mà nước này đang đối mặt với cảnh nợ nần từ việc
xây các công trình đập thủy điện và những dự án phát triển khác.
Nhưng thỏa thuận có nguy cơ biến cục pin Đông Nam Á thành cục pin
của Trung Cộng (the battery of China)...”
Hết pin là tắt thở, vì hầu hết con nợ của
Tàu đều mang máy trợ tim của Trung Cộng.
Viết tới đây xạo sự tôi xin ngừng vài phút
để nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu cho thân phận của quê hương tổ quốc
của mình. Tội nghiệp Bác Hồ Già của các cháu ngoan vùng thượng du
Việt bắc. Ba mươi năm lưu lạc xứ người, bồi tây rồi phu cào tuyết
đến phụ bếp nhà hàng, qua Nga học RSL (Russia Second Language) đến
Tàu làm thông ngôn, trở về nước Bác chỉ cái đồi trọc trước hang bắt
chó rồi cung kính gọi là núi Cắt Mắt, Bác chỉ cái khe suối trong
hang vái lạy là suối Lê Nịnh để rồi Bác đưa hai tay lên trời hô hoán
lên rằng “Tổ Quốc ơi ta về đây! Hai tay ta sẽ ôm lấy một giang hà!”.
Trời hỡi có ai biết đâu trước khi về nước,
hai tay này của Bác đã ký bao nhiêu giấy nợ với Stalin và Mao Trạch
Đông. Bác không hề nói ra cho ai biết vì quy định cho vay nợ của
cộng sản là “con nợ phải giữ bí mật các điều kiện vay, mà còn cấm
tiết lộ cả số tiền vay.” Nhờ số tiền vay mượn này mà Bác chiếm được
Điện Biên Phủ, phủi nợ Pháp đã giúp cho Bác có nghề “bồi tây”, ăn
cơm tây, ở nhà tây, có vợ tây và gia nhập đảng cộng sản tây. Chiếm
được Điện Biên Phủ, đuổi tây về nước, Bác chỉ có được phân nửa nước
Việt Nam, Bác lại tiếp tục ký giấy nợ để có tiền lấy nốt phần còn
lại của tổ quốc, đó là vựa lúa miền nam. Nợ mẹ đẻ nợ con, nợ chồng
nợ chéo chất cao như núi Hy Mã Lạp Sơn, nợ kéo dài như sông Cửu Long
chảy ra biển cho đến khi Bác tắt thở (1969), Bác để lại di chúc rằng
các người kế nghiệp Bác phải hoàn thành sứ mạng còn đang dang dở của
Bác là phải giải phóng miền nam và khi thành công đại thành công rồi
thì phải thanh toán một đống nợ nần mà Bác đã ký mượn Nga Tàu Đông
Âu trước đây. Trường Chinh rồi Lê Duẩn phải tiếp tục vay nợ Nga để
hoàn thành sứ mạng Bác giao phó.
Năm 1975, chiếm miền nam xong, việc đầu
tiên của Duẩn là vơ vét lúa gạo miền nam để chở qua Nga để gọi là
trả một chút ít tiền lời, thay vào đó người dân Việt phải ăn bo bo
thay cơm gạo. Năm 1978 xua bộ đội xâm lăng Campuchia cũng để gọi là
trả một phần nào ơn nghĩa cho Nga, nhưng chẳng may bị cái mắt me
Đặng Tiểu Bình chơi cái trò “đòi nợ” qua cuộc chiến biên giới năm
1979 khiến cho sự vay mượn trước đây của Việt Nam với Tàu ngày càng
lún sâu vào nợ nần, từ đó đảng cộng sản VN phải bán rẻ chủ quyền của
mình.
Xét cho
cùng thì từ ngày Đảng Cộng Sản cầm quyền và cai trị từ năm 1954 tới
giờ dân tộc Việt Nam có chủ quyền đâu mà mất. Biến cố Mạc Tư Khoa
năm 1989, lấy cớ Nga giải tán đảng cộng sản, nhân cơ hội này Hà Nội
quỵt nợ Nga một cách ngon ơ. Ân đã đền, oán đã trả, nợ để đó. Đỗ
Mười tam bộ nhất bái sang Tàu để xin “cô sai” (cosigne) chớ không
dám vay nợ. Đỗ Mười không cần mở miệng để xin vay nợ, một phần vì nợ
quá nhiều tiền lời trả còn chưa vơi nói chi là tiền vốn, Bắc Kinh
thừa biết thế thời phải thế, Việt cộng không còn ai để bám víu chỉ
có ta thôi. Chẳng những cho vay không lấy lời, mà vay một cho vay
đến mười. Không vay cũng bắt cho vay, vay bao nhiêu cũng được, cứ
nhận đi rồi tính sau mà... nị đừng có ngại, ngộ thương nị nắm mà.
Tính đến bây giờ thì giấy nợ của Việt Cộng
với Tàu Cộng có thể chất đống bằng dãy trường sơn rồi. Nợ ân nợ oán
nợ tình nợ nghĩa, cái giá phải trả cho cái nợ này đơn giản chỉ là ký
một cái giấy xác nhận Việt Nam là một đặc khu của Trung Quốc Đĩ Dại
mà thôi.
Nhưng
còn cái nợ của đảng cộng sản Việt Nam với dân tộc và nhân dân Việt
Nam thì sao đây. Xin thưa cái nợ này chỉ trả bằng máu. Cái nợ mà
trời cũng đòi đất cũng hỏi theo luật nhân quả có vay có trả. Đó là
nguyên nhân sâu xa nhất khiến cho Đảng Cộng Sản Việt Nam không có sự
chọn lựa nào khác ngoài con đường đến Bắc Kinh để quỳ trước Tử Cấm
Thành, không thể ngả theo Mỹ, cũng không thể trở về Nga, bởi Mỹ–Nga
là con đường phải dẹp bỏ đảng cộng sản, điều này có nghĩa là đến lúc
đó chính người dân sẽ đòi món nợ máu này.
Hơn ai hết “Người Mỹ” đã nhìn thấy điều đó
nên không bao giờ Mỹ gây chiến với Kim Ủn Ỉn và Trọng Lú. Trump
khẳng định tôi chưa bao giờ gây chiến với Trung Quốc, nhưng thực tế
chứng minh một cách rõ ràng Trump chỉ xuất một chiêu hấp tinh đại
pháp khiến Tàu ngất ngư con tàu đi rồi. Đập rắn đỏ thì phải đập đằng
đầu, cái đầu ngất ngư thì cái đuôi Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba, Iran...
ra sao? Câu hỏi không cần trả lời.
Tới cái nước này mà còn có ai đó cho rằng
Tổng Thống Biden đang giúp cho Bắc Kinh hồi sinh thì quả đúng là nằm
mơ giữa ban ngày, ai đó đã cho rằng chuyến viếng thăm Việt Nam của
Bà Phó da đen Ca Mà La đã thắt chặt tình giao hảo Mỹ–Việt thì quả
đúng là người cõi trên. Thậm chí có một “lão ông” tuổi gần đất xa
trời mà nhận định như thế này “Trung cộng dùng tiền và gái chi phối,
xâm nhập vào hầu hết các hệ thống của Mỹ: chính trị, xã hội, kinh
tế, giáo dục, v.v. đủ mánh khóe, mưu lược thâm hiểm và thêm bọn
truyền thông thiên tả, trí thức cấp tiến bị mua chuộc, sẽ phân thây
Nước Mỹ, khiến người Mỹ cấu xé nhau, bắn giết nhau, chia rẽ trầm
trọng, làm Nước Mỹ suy yếu. Với Chính quyền này, Mỹ còn nhiều vấn đề
khủng hoảng do Biden tự tạo ra, không biết làm sao họ có thể vượt
qua được nguy cơ này?”.
Lão ông này còn “cường điệu” đem bài học
năm 1975 của VNCH và lời tuyên bố của tên mổ lợn Đỗ Mười để cảnh cáo
người Mỹ như một kẻ mộng du bất trí như sau “Hằng triệu người bỏ Xứ
ra đi, hằng chục triệu người kẹt lại sống dưới sự cai trị tàn ác mà
lịch sử nhân loại chưa bao giờ nghe thấy của phe chiến thắng. Đỗ
Mười tuyên bố trước sân tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn ngày
20/02/1976 vào lúc 10 giờ 15 phút ‘Giải phóng miền Nam, chúng ta có
quyền tịch thu tài sản, trưng dụng nhà cửa, hãng xưởng, ruộng đất
chúng nó. Xe chúng nó ta đi, vợ chúng nó ta lấy, con chúng nó ta bắt
làm nô lệ. Còn chúng nó thì ta đày đi lao động khổ sai vùng kinh tế
mới, vào nơi rừng sâu nước độc. Chúng nó sẽ chết lần mòn...’” Người
Mỹ có muốn nghe câu này bằng Hoa ngữ không? Lão ông ơi là lão ông!!!
Cái câu kết của ông “Người Mỹ có muốn nghe câu này bằng Hoa ngữ hay
không?” khiến xạo sự tôi cứ nghĩ ông là thằng chệt bán ve chai lông
vịt đang ở nhà Mỹ, ăn cơm Mỹ, lãnh tiền Mỹ không hơn không kém chứ
ông không phải là lý thuyết gia hay bình luận gia mà tôi đã ngưỡng
mộ từ lâu.
Để
kết, xin nhìn bức hình dưới đây để tự đặt câu hỏi “Trung Cộng Và
Việt Cộng có Thành Thật, Minh Bạch, Quả Quyết hay không, và tương tự
như vậy với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Úc???”. Riêng cá nhân xạo sự
tôi nghĩ rằng trong việc binh chẳng có thằng nào thành thật và minh
bạch cả. Riêng Việt Nam thì có chủ quyền đâu mà quả với quyết!!!
Binh Giả – Quỷ Đạo Giả
Thân Kính Chúc Quý Vị Cuối Tuần An Bình Và
Hạnh Phúc Trong Những Ngày Lập Đông
Út Bạch Lan
E22
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Danh sách những bài viết trong trang nhà GĐMĐVM/DMV
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Vui Nguyen chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, December 5, 2021
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang