Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn Thời sự Thế giới
Chủ đề:
Chiến sự Nga–Ukraine
Tác giả:
Út Bạch Lan
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Thân Kính Quý Niên Trưởng Và Các Bạn.
Trong bài viết Xạo Sự “Con Cú Đêm” ngày
28/5/2022, Xạo tôi có viết nguyên văn trong phần kết như sau:
Tóm tắt bài viết này chỉ gọn gàng:
– Chiến tranh này có kết thúc sớm hay
muộn là do ở Zelensky chứ không phải ở Putin.
– Kết thúc như thế nào là do ở Putin và
“Người Mỹ” chứ không phải do bất cứ một thế lực nào khác kể cả
Zelensky.
Tuần
vừa qua, xạo tôi nhận được nhiều thư phản hồi yêu cầu giải thích
rõ ràng hơn về hai câu “KẾT” nói trên.
Xin thưa ngay rằng, vấn đề đơn giản vô
cùng. Cuộc chiến Ukraine và Nga đã kéo dài qua tháng thứ tư, và
sắp sửa bước qua tháng thứ năm. Sau Mariupol, Severodonetsk, hai
thành phố mà quân dân và chính quyền Zelensky từng tuyên bố là
thành trì bất khả xâm phạm của Ukraine giờ đã rơi vào tay quân
Nga, nay mai sẽ tới Kharkov, Odessa, rồi dần tới Dnipro,
Zaporizhia, tới đây thì toàn thể lãnh thổ nằm phía đông ngạn sông
Dnipro, đồng thời toàn thể bờ biển Azov và Black Sea, hoàn toàn
do Nga kiểm soát. Xin nhắc lại, ngày 23 tháng 5 năm 2022, Cựu
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger phát biểu tại Diễn Đàn Kinh
Tế Thế Giới Davos (Thụy Sĩ) như sau:
– Ukraine nên nhân nhượng nhường đất
cho Nga để chiến tranh có thể kết thúc và hòa bình được tái lập!
Các cuộc đàm phán cần phải bắt đầu trong hai tháng tới, trước khi
cục diện tạo ra những biến động và căng thẳng không dễ vượt qua.
Lý tưởng nhất, đường phân chia nên trở lại nguyên trạng trước
đây. “Theo đuổi cuộc chiến quá thời điểm đó sẽ không còn là
chuyện liên quan đến quyền tự do của Ukraine, mà là một cuộc
chiến mới chống lại chính nước Nga”.
Ngày 23/5/2022 Kissinger nói cuộc đàm
phán cần phải bắt đầu trong hai tháng tới, có nghiã là sau ngày
23/7/2022 mà không có đàm phán thì cuộc chiến này là một cuộc
chiến của Mỹ, Nato, Eu chống lại chính nước Nga.
Hôm nay là ngày 11/6/2022, xạo sự tôi
nghĩ chỉ vài ba hôm nữa, Nga sẽ hoàn toàn ổn định Donbass.
Zelensky có chịu ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp ngưng bắn
hay hưu chiến tạm thời hay không là do quyền quyết định của
Zelensky. Một sự kiện quan trọng mới nhất, ngày 8/6/2022, tờ New
York Time đưa tin rằng “Ukraine nói chung và Zelensky nói riêng
chỉ là một con rối của của phương Tây, chỉ khua môi múa mõ để
tiếp tục nhận dòng chảy khí tài của phương tây, kết quả là dân
Ukraine tiếp tục chết, khủng hoảng năng lượng và an ninh lương
thực tiếp tục gia tăng ảnh hưởng nặng nề đời sống của dân Liên
Âu...”
Zelensky cứ tự do nguyền ruả và kết tội Putin hay nước Nga, rồi
lên mạng tuyên bố như Ông Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngày
xưa là “di tản chiến thuật” chứ hoàn toàn không có rút lui hay bỏ
chạy, hoặc là “cho tôi hai tỷ đô la, tôi giữ bốn vùng, cắt giảm
xuống 700 triệu tôi giữ hai vùng...”
Cũng trong tuần vừa qua, Paris và
Berlin, đã có những dấu hiệu ngả nghiêng nghiêng ngả rồi. Điều đó
cũng quá dễ hiểu thôi, như Putin đã từng cảnh báo, “tây phương
càng tiếp tục viện trợ khí tài cho Kiev, thì cuộc chiến tranh này
càng kéo dài và có nguy cơ leo thang...”, mà khi “leo thang” thì
Paris và Berlin ăn đạn trước chứ không phải Washington, London,
còn lại tất cả các quốc gia thuộc khối Liên Minh Âu Châu không
phải là đối thủ của Điện Cẩm Linh. Mà càng kéo dài thì Liên Âu
càng khủng hoảng, không khéo lại đưa đến sự phân hóa chia rẽ vì
khác biệt quan điểm và lập trường. Những hiện tượng đó ngày càng
rõ nét.
Thắc
mắc về câu thứ nhất “Chiến tranh này có kết thúc sớm hay muộn là
do ở Zelensky chứ không phải ở Putin”. Câu trả lời quá đơn giản
mà. Bởi, ngay trong thời điểm này, Zelensky muốn chấm dứt chiến
tranh thì chỉ có một giải pháp duy nhất là chấp nhận những điều
kiện mà Nga đã và đang đòi hỏi, dĩ nhiên không chấp nhận là quyền
của đương kim Tổng thống Ukraine. Zelensky cứ tự nhiên tiếp tục
kêu gào Mỹ, Nato và Eu viện trợ thêm nữa có ai cấm cản đâu, chỉ
tội cho người dân thường, cứ tiếp tục tuyên bố sẽ chiếm lại lãnh
thổ đã bị Nga chiếm đóng mà không ai biết là “How To Do, When To
Do? What To Do?”, lại còn biện bạch là chỉ di tản chiến thuật chớ
quân đội Ukraine không có rút lui. Cũng ngày hôm qua, báo New
York Time của Mỹ loan tin rằng “tình báo Mỹ không biết gì về
chiến lược, chiến thuật quân sự của chính quyền Kiev, và bắt đầu
đặt lại vấn đề với chính quyền Biden về số tiền viện trợ cho
Kiev”.
Henry
Kissinger nói đúng. Với tình hình chiến sự hiện nay, ngày thứ 109
của cuộc chiến, Nga như hoàn toàn kiểm soát thành phố chiến lược
Severodonetsk bên bờ sông Donetsk, và theo trục tiến quân dù chậm
nhưng chắc, Nga đã áp dụng chiến thuật bao vây và gây thiệt hại
bằng hoả tiễn, pháo binh rồi hạ hồi phân giải. Mục tiêu trước mắt
là thành phố Zaporizhzhia, nằm trên đông ngạn sông Dnipro, rồi từ
đó từng bước chậm rãi chiếm dần Pervomaisk, Kropyvnytskyi... Nếu
ngay bây giờ Zelensky biết ta biết người (Tri Bỉ Tri Kỷ) tạm chấp
nhận những điều kiện thua thiệt để chấm dứt chiến tranh thì
Ukraine chỉ tạm mất vùng Donbass, còn nếu kéo dài hơn hai tháng
nữa, Ukraine có thể mất 1/2 nước phía đông sông Dnipro.
Có người cho rằng Henry Kissinger bắt
chước Neville Chamberlain (Thủ tướng Anh, 1937–1940) khi “nhân
nhượng” Adolf Hitler (9/1938)? Khi Hitler xâm lược Ba Lan tháng
9/1939, Chamberlain không còn lựa chọn nào khác nên phải tuyên bố
chiến tranh với Đức, nhưng chỉ chiến tranh giả vờ (phony war) cho
đến khi Chamberlain từ chức để Winston Churchill lên thay tháng
5/1940. Ngay trong thời điểm này Hitler đã tấn công Tây Âu bằng
đòn chớp nhoáng với chiến thuật thiểm điện chiến (blitzkrieg).
Cùng một sự kiện, thế chiến thứ hai và
cuộc chiến Nga–Ukraine, nhưng hai bối cảnh hoàn toàn khác nhau về
không gian và thời gian. Mục tiêu chiến tranh của Hitler là làm
bá chủ Châu Âu, Putin thì không, hoặc chưa. Hitler chuẩn bị và
phát động chiến tranh, thì Hoa Kỳ cũng đã chuẩn bị để can thiệp.
Putin tấn công Ukraine, Mỹ, Nato và EU án binh bất động. Khi quân
đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, thì hy vọng giải phóng Âu
Châu đếm từng ngày, còn tình hình Ukraine thì có vẻ như cả thập
niên sắp tới vẫn tối tăm mù mịt. Mykhailo Podolyak (Cố vấn của
Tổng thống Zelensky) nói rằng “bất kỳ nhượng bộ nào đối với Nga
không phải là con đường dẫn đến hòa bình, mà chỉ có thể trì hoãn
chiến tranh trong vài năm”. Zelensky từng nhiều lần nhấn mạnh
rằng một trong những điều kiện để ông tham gia các cuộc đàm phán
hòa bình là Nga phải đồng ý để Ukraine khôi phục những khu vực
vốn thuộc kiểm soát Ukraine vào trước ngày Nga xâm lược
(24/2/2022). Lời khuyên của Kissinger đã bị người Ukraine bác bỏ.
Một cuộc thăm dò do Viện Xã hội học Kiev công bố gần đây cho thấy
82% người Ukraine nói rằng họ không muốn nhượng lãnh thổ cho Nga.
Cho đến ngày hôm nay sau hơn ba tháng
Nga tấn công Ukraine, một vài dấu hiệu cho thấy hào khí ủng hộ
Kiev và chính quyền Zelensky của phương tây bắt đầu xìu xìu ển
ển, đó chưa kể những bất đồng chính kiến trong nội bộ của EU.
Zelensky phải “thức thời vụ”, lùi một bước để tiến hai bước.
Zelensky nên nghiền ngẫm bài học Afghanistan (1979–1989), rút tỉa
kinh nghiệm chiến tranh và chính trị của cuộc chiến giữa Nga và
Afghanistan, một cuộc chiến kéo dài mười năm đã có từ 850,000 đến
1.5 triệu người đã bị chết trong cuộc chiến, và hàng triệu người
Afghanistan đã chạy ra khỏi nước tị nạn, hầu hết tới Pakistan và
Iran. Nhường một bước để tránh cảnh tàn phá đất nước của mình,
tránh thuơng vong cho thường dân vô tội, phục hồi và củng cố lại
nội lực tính bước kế tiếp.
Ngày 16/5/2022, trên báo Financial Time
Henry Kissinger viết “thật không khôn ngoan khi chúng ta có thái
độ thù địch với hai đối thủ và thúc đẩy họ xích lại gần nhau.
Trong thời gian trước mắt, chúng ta không nên gộp cả Nga và Trung
Quốc lại với nhau như một yếu tố không thể tách rời. Chúng ta
đang sống trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Putin đã tính toán
sai về tình hình mà ông ấy phải đối mặt trên trường quốc tế và
tính sai khả năng của Nga. Nhưng liệu Putin có leo thang chiến
tranh bằng cách chuyển sang một loại vũ khí chưa bao giờ được sử
dụng?”
Cũng
như hầu hết người Việt tỵ nạn cộng sản khác, trước đây, khi nhắc
tới “con cú đêm” này thì xạo sự tôi hết lời nguyền rủa và trù ẻo
hắn vì cái tội bán đứng miền nam Việt Nam (1975) và Bengalis
(1971). Di sản Việt Nam và Bengalis là vết đen trong sự nghiệp mà
Kissinger gọi là “một kinh nghiệm quốc gia bi thảm” (a tragic
national experience). Kissinger thường bị sinh viên tẩy chay mỗi
khi trở về Harvard là nơi ông từng giảng dạy. Bóng ma Việt Nam và
Bengalis vẫn ám ảnh ông.
Nhưng bây giờ, xạo sự tôi lại có cái
nhìn ông lão 98 tuổi Henry Kissinger khác hơn trước đây rất
nhiều, bởi làm chính trị mà không có thủ đoạn và mưu lược thì làm
chính trị cái gì, hơn nữa Kissinger chỉ là người thừa hành chỉ
thị cấp trên, chớ Kissinger có “Gan Rồng” đi nữa cũng không dám
“kháng chỉ” để mang họa sát thân. Năm 1972, Kissinger đã tạo ra
bước ngoặt lịch sử cho quan hệ hợp tác Mỹ–Trung trong một trật tự
thế giới mới với chủ trương “Tiếp cận Xây dựng” (Constructive
engagement) mà năm đời Tổng thống Mỹ đã theo đuổi. Nói cách khác,
Kissinger đã có công giúp Trung Quốc trổi dậy như quái vật
Frankenstein (lời Tổng thống Nixon). Trong khi Nixon đã mở miệng
thừa nhận sự thật và sai lầm lịch sử trước khi nhắm mắt, thì
Kissinger vẫn ngậm miệng ăn tiền để nhận giải thưởng Nobel Hòa
Bình, và nay còn định đảo ngược lịch sử một lần nữa.
Đầu năm 2017, khi Donald Trump vừa
thắng cử, Kissinger đã nhận ra cơ hội mới để vận dụng trò chơi
Realpolitik một lần nữa biến “lá bài Trung Cộng” thành “lá bài
Nga”. Kissinger muốn Mỹ thân với Nga để cô lập và ngăn chặn Trung
Cộng. Kissinger đã gặp Trump ba lần để thuyết phục Trump và các
quan chức, trong đó có con rể của Trump là Jared Kushner. Trump
và một số quan chức chính quyền thấy chiến lược đảo chiều
(reverse strategy) của Kissinger hấp dẫn, nhưng thiếu thực tế địa
chính trị nên chưa dám khai triển. Kissinger đã cố vấn cho Tổng
thống Nixon dùng “lá bài Trung Quốc” để cô lập Liên Xô trong
chiến tranh lạnh. Nay ông muốn đảo ngược trò chơi đó bằng “lá bài
Nga” để cô lập Trung Quốc.
Kissinger đã gặp Donald Trump ít nhất
ba lần ngay sau khi Trump thắng cử để thuyết phục ông hợp tác với
Nga để ngăn chặn Trung Quốc trổi dậy. Kissinger còn thuyết phục
các quan chức khác trong Nhà Trắng, trong đó có con rể Trump là
Jared Kushner. (Henry Kissinger Pushed Trump to Work With Russia
to Box In China, Bethany Allen–Ebrahimian, Andrew Desiderio, Sam
Stein, Asawin Suebsaeng, Daily Beast, July 31, 2018).
Theo Daily Beast, cuộc gặp cấp cao ở
Helsinki (7/2018) là một cơ hội để Trump gặp Putin, nhưng bối
cảnh lúc đó không thuận lợi để Trump tăng cường quan hệ với
Moscow vì Robert Mueller đang điều tra cáo buộc Putin tác động
đến kết quả tranh cử của Mỹ. Thái độ của Trump tại cuộc gặp cấp
cao ở Helsinki và họp NATO ở Brussels tuy gây tranh cãi nhưng
được các nhân vật bài Trung Cộng trong Nhà Trắng và Quốc hội ủng
hộ, trong đó có Steve Bannon, Peter Navarro, Robert Lighthizer,
Marco Rubio, Tom Cotton... Một số quan chức Nhà Trắng cho rằng
Nga là “đối trọng hữu ích” (useful counterweight) với Trung Quốc.
Theo Giám đốc FBI Christopher Wray, “Trung Quốc là mối đe dọa lớn
nhất, quan trọng nhất và thách thức cao nhất”. Phó Giám đốc CIA
phụ trách Đông Á Michael Collins cho rằng Trung Quốc đang tiến
hành “một cuộc chiến tranh lạnh” chống lại Mỹ.
Theo Giám đốc nghiên cứu quốc phòng
Harry Kazianis (Center for the National Interest), “Tôi không bị
sốc khi người ta coi Nga là đối tác tiềm năng để ngăn chặn Trung
Quốc trổi dậy”. Kissinger không phải là một nhân vật ghét Nga
(Russophobia) vì ông đã từng gặp Putin 17 lần. Đây là “chiến lược
Kissinger đảo ngược” để biến “lá bài Trung Quốc” thành “lá bài
Nga”. Nhưng nên nhớ từ năm 1972 đến nay, Kissinger đã khuyến cáo
Mỹ “coi Trung Quốc là bạn”, và phải bắt tay với Trung Quốc “như
một đối tác đáng tin cậy”. Kissinger chưa bao giờ là một diều hâu
đối với Bắc Kinh, và ông luôn duy trì một đường dây nóng trực
tiếp (direct line) với Tập Cận Bình, nên hợp tác với Nga để chống
Trung Quốc không dễ.
Ngay từ lúc khởi đầu cuộc chiến Ukraine
cuối tháng hai năm 2022 xạo sự tôi có viết “cuộc chiến này sẽ vẽ
lại bản đồ quân sự và chính trị của thế giới” và xạo sự tôi cũng
có viết rằng “kịch bản nhất tiễn hạ song điêu” này thật là ly kỳ
và ngoạn mục. Chỉ có hơn ba tháng qua thôi, Châu Âu đã gần như
hủy bỏ “Hành Trình Về Phương Đông” để quay đầu về cố tổ phương
tây rồi. Lần đầu tiên Khối Asean lại họp thượng đỉnh ở Nhà Trắng
thủ đô Hoa Kỳ. Ferdinand Marcos Jr trở lại sân khấu chính trị
Philippine. Việt Nam đang rà xét lại có nên tiếp tục mua vũ khí
và quân cụ tối tân của Nga và Ukraine hay không. Tất cả những
chính biến này đều xuất phát từ ảnh hưởng của cuộc chiến Tranh
Nga–Ukraine.
Xạo sự tôi trộm nghĩ rằng: “đằng sau cuộc chiến tranh Nga–Ukraine
này có một bóng ma đang lởn vởn đâu đó. Bóng ma của Lão Cáo Già
gốc Do Thái Henry Kissinger”
Xạo sự cho vui rồi bỏ. Ai muốn hiểu sao
hiểu. Miễn Bàn.
Út Bạch Lan
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Những bài liên quan:
Xạo sự về "Con Cú Đêm" 1
Xạo sự về "Con Cú Đêm" 2
Trang Bài viết
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Nhu Thanh Nguyen chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, June 11, 2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang