Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
Phiếm
Chủ đề:
Chim muông
Tác giả:
Nguyễn Ngọc Duy
Hân
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Nói
tới chim chóc là nói tới sự đa dạng về hình dạng, màu sắc và cách
sống, là một trong những điều kỳ diệu trong tự nhiên
[thiên nhiên].
Chim tồn tại và thu hút sự chú ý của con người từ xa xưa đến nay.
Khả năng bay lượn, tiếng hót lôi cuốn, sự cần cù làm tổ và khả
năng thích nghi với môi trường sống đã khiến cho các loài chim
trở thành một đề tài hấp dẫn để nghiên cứu và tìm hiểu. Ông bà
mình hay nhắc: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn ăn
nói nhẹ nhàng dễ nghe”. Hôm nay rảnh rang, mời các bạn cùng tôi
điểm qua chút sưu tầm về loài cầm thú này, cũng như lắng nghe
tiếng hót dễ thương của chúng nhé.
Theo khoa học định nghĩa, chim là nhóm
động vật có thể bay cao, có xương sống, đẻ trứng, đầu có mỏ, thân
phủ lông vũ. Với hơn 10,000 loài được biết đến, chúng được phân
bố rộng rãi toàn cầu, từ các khu vực khắc nghiệt của Bắc cực đến
các rừng nhiệt đới ấm áp ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ.
Nhờ đôi cánh và cấu tạo xương nhẹ
nhàng, chim di chuyển trên không trung một cách linh hoạt. Chim
từ cỡ nhỏ, trung bình đến to khổng lồ, loài nào cũng có cái hay
cái đẹp riêng của nó. Đặc biệt là đủ loại màu sắc tuyệt đẹp, đôi
lúc khó tin đây là con vật có thật. Có loài chim với lông đuôi
thật dài, màu sắc chói chang múa lượn như một vũ công thướt tha
tuyệt đẹp. Mà những con này thường là chim trống, chim mái lại
không được đẹp như thế, trái ngược hẳn với con người thì phụ nữ
là phái đẹp.
Người ta nghiên cứu thấy các loài chim trên thế giới đã trải qua
quá trình tiến hóa kéo dài hàng triệu năm. Có nhiều giả thuyết về
nguồn gốc của các loài chim, trong đó có các khoa học gia tin
rằng chim có nguồn gốc từ một loài khủng long sống cách đây
khoảng 160 triệu năm.
Thích nghi với môi trường, những con
chim sống trên đỉnh núi có thể bay lượn rất cao, còn những con
sống ở môi trường nước có thể lặn xuống đáy sông hoặc biển để bắt
mồi. Từ đó khả năng và tuổi thọ của chim cũng khác nhau, phụ
thuộc vào môi trường sống. Chẳng hạn loài chim sẻ có tuổi thọ từ
4–5 tuổi, trong khi hải âu có thể sống tới 50 tuổi. Tuổi thọ
trung bình giữa các loài chim nuôi trong nhà và chim hoang dã
cũng khác nhau. Tuổi thọ của cú là 15 năm, của vẹt là 20 năm, gà
nhà có thể sống tới 30 năm...
Nam Mỹ đã là nơi tụ tập của rất nhiều
loài chim, chiếm 1/3 tổng số chim trên thế giới, nên có người gọi
nơi đây là “lục địa của loài chim”.
Theo truyền thuyết Trung Hoa, Loan
thuộc hàng chim quý tộc; còn Phụng là chúa của các loài chim. Vì
thế ta hay thấy các tranh vẽ với câu “Bách Điểu Triều Phụng” có
nghĩa là cả trăm loại chim phải bay về chầu chim Phụng.
Thơ văn xưa hay nhắc tới Phượng Hoàng,
con trống gọi là Phượng/Phụng, con mái gọi là Hoàng. Ở Việt Nam
thì gọi là Loan, chim Loan nhìn tựa như loài Trĩ vàng.
Quạ ba chân hay còn gọi là Tam Túc ô có
trong truyền thuyết Hậu Nghệ. Người hoặc chim chóc, gia cầm chỉ
có 2 chân. Quạ mà có thêm cái chân thứ ba thì quả là chỉ thấy
trong sách vở xưa.
Người Á Đông ca tụng uyên ương là đôi
chim yêu thương nhau thắm thiết, bay đi hay đậu lại chỗ nào cũng
phải liền cánh với nhau. Khi một trong đôi uyên ương lìa đời, con
còn lại sẽ cất tiếng kêu đến mỏi mòn, nhỏ hết máu tim mình rồi
chết theo. Sự tích này đã được nhắc tới trong cuốn Uyên Ương gãy
cánh (The Broken Wings) của Kahlil Gibran – tác giả được xếp
ngang hàng với Shakespeare, Lão Tử – có sách bán chạy nhất mọi
thời đại. Điều này làm tôi chạnh lòng nhớ tới những cặp vợ chồng
già khi một người ra đi, người còn lại sẽ đau yếu, buồn phiền đến
mỏi mòn rồi chết theo.
Ông bà ta đặt cho chim rất nhiều tên
đẹp, chắc hẳn bạn đã nghe qua các loại như chim Sáo, Chích Chòe,
Họa mi, Vẹt, Khuyên, Chào Mào, Vàng Anh... Chim sơn ca được biết
tới với giọng hót thánh thót, đã trở thành đề tài cho nhiều áng
văn, bài hát. Hồi bé tôi rất thích theo ông anh đi bắt chim, đuổi
bướm, lấy những trứng chim bé xíu luộc ăn, bây giờ nghĩ lại mới
thấy mình ác. Trong khi người ta có phong tục thả chim, thả cá
phóng sinh, thì mình lại đi làm ngược lại. Lạy Chúa, xin tha cho
con vì lúc ấy con còn ngây thơ quá, không biết việc mình làm!
Có một loài chim tên là chim Voi, đã
tuyệt chủng – giống Elephant bird này có tiếng hót rất đặc biệt.
Chim bằng hay đại bàng là một loài chim
có kích thước lớn và hình dạng giống một số loài chim ưng.
Chim Yến rất quý, vì tổ yến là loại
thức ăn bổ dưỡng mà cho đến nay lượng cung quá ít so với cầu. Tổ
yến được chim Yến làm bằng chính thứ nước dãi của nó. Vì thế
người ta đã biết nuôi chim yến, chẳng hạn ở Kon Tum, Đà Nẵng,
Bình Dương, Bình Định, Ninh Thuận... để lấy tổ, tiền thu hoạch
rất cao.
Ông
bà ta bảo trong 4 cái dại, thì có cái dại gọi là gác cu, nghĩa là
cầm cái lồng có nhốt con cu mồi để nó gáy làm bẫy dụ bắt các con
chim cu khác. Là con chim bị nhốt, phải gù gáy sao cho đồng loại
mình bị lừa, bị bắt theo thì mới làm vui lòng chủ, trong khi như
vậy lại là làm hại đồng loại, tiến thoái lưỡng nan thật khổ.
Bạn có biết chim nào nhỏ nhất thế giới
không? Đó là chim ruồi ong (Mellisuga Helenae) với chiều dài
khoảng hơn 5cm và trọng lượng chỉ khoảng 20 grams. Chúng sinh
sống tại Cuba và có bộ lông màu xanh lá cây và đỏ. Chim ruồi ong
có tuổi thọ trung bình từ 2 đến 3 năm. Tuy nhiên, chúng hiện được
liệt vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Nhiều loài chim trên thế giới ăn thịt
thú vật để sống, được gọi là chim săn mồi như đại bàng, cú,
ưng... Nhưng cũng có một số loài chim nhỏ hơn mà cũng ăn thịt như
chim sẻ đen, chim sẻ họng đỏ.
Đã gọi là chim mà không biết bay, bạn
biết là chim gì không? Thưa đó là chim đà điểu. Chúng có chiều
cao và thân hình nặng nề, điều này làm cho việc bay trở nên khó
khăn. Thay vào đó, đà điểu thường chạy trên mặt đất với tốc độ
nhanh, có khi đến 70km mỗi giờ.
Một loại chim nhỏ hơn là Sheniscidae
cũng không biết bay, sống ở nước, bơi lặn giỏi. Loài nhỏ cao
30cm, nặng 1–1.5kg; loài lớn nhất cao 80–100cm, nặng 15–40kg.
Lông lưng màu thẫm, bụng trắng. Sống theo từng đàn lớn.
Trong các loài chim ở Việt Nam, chim
vẹt được biết đến là loài chim thông minh và có khả năng nói giỏi
nhất. Chúng nhại tiếng nói của con người và cũng có thể nói được
những câu mới rất có nghĩa.
Chim Khướu có khoảng 270 loài được tìm
thấy trên toàn thế giới. Chim Khướu tại Việt Nam có hơn 90 loài
được ghi nhận, có thể kể đến như Khướu đầu đen, Khướu xám, Khướu
họng vàng...
Chim Nòa, còn được gọi là chim đuôi dài Argentavis Magnificens,
được coi là một trong những loài chim lớn nhất từng tồn tại.
Chúng sống hằng triệu năm trước ở khu vực Argentina, có cánh dài
khoảng 7 mét và cân nặng tới 80kg. Tuy nhiên, chim Nòa đã tuyệt
chủng, chỉ còn lại hóa thạch làm bằng chứng.
Những loài chim quý hiếm trên thế giới
có thể kể là chim vảy cá, cú rừng, sếu đầu đỏ, vẹt bụng cam, chim
ruồi Honduran Emerald, chim Palila.....
Chim đắt nhất thế giới là chim kiến
ngực đỏ Bee Hummingbird. Đây là loài chim nhỏ tí xíu, chỉ dài
khoảng 5cm, nhẹ hều nhưng giá tiền thì rất nặng. Bạn mà bắt được
một con thì coi như được trúng số.
Chim Cút là một trong những loài chim
quen thuộc ở Việt Nam, thuộc dòng họ Trĩ. Chúng có thể được tìm
thấy ở rừng, đồng cỏ và vùng nông thôn. Chim cút được cho là có
giá trị kinh tế cao. Chúng được nuôi chủ yếu để lấy thịt và
trứng, cả hai đều có giá trị dinh dưỡng cao và được ưa chuộng.
Chắc các bạn cũng còn nhớ hồi trước 1975, người Tàu Chợ Lớn đã
tạo nên cơn sốt nuôi chim Cút, cho rằng cút và trứng là loại quý
hiếm, bán ra với giá thật cao làm người Việt mình đầu tư, nuôi
thật nhiều. Sau đó họ ngưng ngang không chịu mua nữa, còn bảo ăn
Cút sẽ bị cùi, làm nhiều người thua lỗ rất nặng. Cái trò này của
họ xảy ra thường xuyên, thật tội nghiệp cho những người dân bị
lừa mất cả vốn lẫn lời.
Trở qua vấn đề chữ nghĩa, thi phú, thì
câu:
Chim có
tổ, người có tông,
chim sa cá lặn,
bóng chim tăm cá...
là những câu ông bà ta hay dùng. Ve
vãn, tán tỉnh thì gọi là “chim gái”, thí dụ người ta chửi đồ tồi
chỉ biết lo chim chuột, chẳng làm ăn gì được!
“Chim việt đậu cành Nam” ý nói lòng nhớ
thương đất nước, vì chim Việt sinh ra ở đất Việt, cảm thụ được
khí ấm áp nên dù phải bay đi xứ khác, hễ đậu là tìm cách đậu cành
phía Nam là phía ấm áp giống như quê hương.
Về ca dao thì có rất nhiều câu liên
quan tới chim, chẳng hạn:
“Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”
Hoặc câu hò
“Ầu ơ... Chiều chiều vịt lội cò bay
Con voi bỏ mía chạy ngay ra đường”
hoặc
“Chim bay về tổ có đôi
Nghĩ mình duyên phận lẻ loi mà buồn”
Bạn có còn nhớ bài vè này không:
“Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cầm thú
Hay quyến hay dụ
Là con chim quyên
Nết ở chẳng hiền
Là chim cồng cộc
Làm ăn mệt nhọc
Là chim le le
Nghe vẻ nghe ve
Là chim chèo bẻo”
Hoặc các câu:
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng
thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”
“Con chim manh manh
Nó đậu cây chanh
Tôi vác miểng sành
Chọi chim chết giẫy
Tôi làm bảy mâm
Cho ông một mâm
Cho bà một dĩa”
Các cô xin nhớ lời khuyên của ông bà:
“Chim khôn
lựa cành mà đậu
Gái khôn kiếm nơi nhân
hậu mà nhờ
Đừng ham lấy công tử bột dật
dờ tấm thân”.
Trong chuyện Kiều của cố thi hào Nguyễn Du cũng có nhiều câu nói
tới chim:
“Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn
dòng lá thắm dứt đường chim xanh”.
“Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai”.
“Rừng thu từng biếc xen hồng,
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn”.
“Chim hôm thoi thót về rừng,
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành”.
“Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng”!
“Thoắt trông nàng đã biết tình,
Chim lồng khốn lẽ cất mình bay cao”.
“Một đời được mấy anh hùng,
Bõ chi cá chậu, chim lồng mà chơi!”
“Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
Bóng chim tăm cá biết đâu mà nhìn!”
Bây giờ xin được tản mạn tới các bài
hát về chim. Thôi thì rất nhiều, nhiều đếm không hết. Tôi xin ghi
lại vài bài nhớ được. Đầu tiên là bài Bến Xuân được Văn Cao viết
năm 1942, sau đó ông đặt thêm lời 2, lấy tên mới là Đàn chim
Việt. Đây là một trong những bản tình ca đẹp nhất của người nghệ
sĩ tài danh này:
“Về đây khi gió mùa thơm ngát,
Ôi lũ chim giang hồ,
bao cánh đang cùng
dập dờn trên khắp cố đô...”
Bay Đi Cánh Chim Biển của Đức Huy là
bài hát tôi rất thích, âm điệu da diết, nói lên sự hụt hẫng khi
phải mất tình yêu mà “chẳng còn tiếng nói nào, để trách cứ em...”
Ngày Về của Hoàng Giác, là bài hát
thường xuyên được sử dụng trong chương trình Chiêu hồi của chính
phủ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.
“Tung cánh chim tìm về tổ ấm,
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm...”
Phạm Duy thì có bài Một đàn chim nhỏ
cho thiếu nhi. Nhạc thiếu nhi về chim thì nhiều lắm, bạn có nhớ
bài “Con chim non, trên cành xanh, hót líu lo”... không?
Trong bài Bình Ca số 1, Phạm Duy bắt
đầu bài hát bằng câu gọi: “Này em con chim gầy”.
Nói về chim rõ hơn cả là Tổ khúc Bầy
chim bỏ xứ. Phạm Duy dùng hình ảnh các loài chim để nói về những
người con nước Việt. Đầu tiên là hình ảnh “bầy chim buồn bã, rủ
nhau vút bay lên, chim hỡi chim ơi!”
Rồi con chim Quyên đã nghẹn ngào:
“Cuốc kêu khắc khoải trên ngàn
Chim quyên thảm thiết gọi đàn chim đi”
Ý nói sau biến cố 30 tháng 4, 1975,
người dân Việt phải bỏ xứ ra đi, tan tác khắp nơi. Nhưng cuối
cùng thì bầy chim cũng được trở về cố hương, giấc mơ thành sự
thật.
Trong
bài Đạo ca #1 (Pháp thân), Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Phạm Thiên
Thư cũng có nhắc tên nhiều loài chim trong đó:
“Xưa em là kiếp chim,
Chết mục trên đường nhỏ
Anh làm chim bói
cá,
Đậu soi mấy mùa trăng
Chốn mây mờ phiêu bạt,
Chờ đợi... chim
hót ca”
Đạo ca
#2 (Đại nguyện) cũng với âm điệu thật tha thiết:
“Xin làm chim
gõ mõ,
Gõ tan kiếp hồng trần”.
Nhạc Trịnh Công Sơn thì trong bài Người
về bỗng nhớ có câu: “Đàn chim bên sông chiều chiều rung cánh,
Người ngồi trên bến nhớ mênh mông”.
Hoặc câu:
“Rụng cánh hoa mai gầy
Chim chóc hót tiếng qua đời”
Trong bài Vết lăn trầm, ông ví von:
“Hằn trên phiến đá nâu thêm ưu phiền,
Như có lần chim muông hằn dấu chân”
Khi lên tiếng “Xin cho tôi” ông đã xin:
“Cho đêm không có đạn bay,
Xin cho chim góp nhạc về trời”.
Về văn thì tôi nhớ có chuyện với tựa đề
Chim hót trong lồng của Nhật Tiến, và chắc chắn là còn nhiều lắm,
nhưng “trong trí nhớ nhỏ nhoi” thì bây giờ chỉ kể được 1 cuốn,
bạn giúp chúng tôi nhé. Chuyện ngắn thì tôi rất thích “Con sáo
của em tôi” của Duyên Anh.
Trong truyền thuyết Phật giáo, có nhiều
loài chim được đề cập như biểu tượng của sự tinh tấn và giáo
huấn. Chẳng hạn Hồng Diệp hay còn gọi là Hamsa, được miêu tả như
một loài chim trắng tinh khiết, có khả năng bay cao là biểu tượng
cho sự hiểu biết và sự tiến tới giải thoát trong Phật giáo.
Kế tới là Kinnara, một loài chim đại
diện cho cái đẹp và sự hòa hợp. Kinnara được xem như biểu tượng
của tình yêu. Ngoài ra còn có Phoenix, mang ý nghĩa hồi sinh và
vĩnh cửu trong đạo Phật.
Trong Kinh thánh Công giáo, có một số
loài chim cũng đã được đề cập đến. Đầu tiên phải nói tới chim Bồ
Câu, được đề cập đến trong câu chuyện khi gia đình ông Nô–e xây
tàu để tránh đại hồng thủy. Khi bồ câu được thả ra rồi trở về
mang theo chiếc lá cây, là khi nạn lụt sắp chấm dứt, là khi có sự
hòa giải, hòa bình và ơn cứu độ. Từ thế kỷ thứ 6 sau Chúa giáng
sinh, hình ảnh chim bồ câu không chỉ là hình ảnh tượng trưng cho
đức Chúa Thánh Thần, mà còn trở thành dấu hiệu tượng trưng cho
phong trào hòa bình trên thế giới, vì đặc tính hiền hòa của loài
chim này.
Chim
diều hâu cũng được đề cập trong Kinh thánh như là một biểu tượng
của sự tự do qua câu “Hãy để trái tim mình như chim diều hâu bay
cao”, nói đến niềm hy vọng và sự giải thoát.
Con diều cũng được đề cập trong Kinh
thánh như một biểu tượng của sự mạnh mẽ và quyền năng của Thiên
Chúa. Trong sách Thi có câu “Con diều bay cao vút, cánh trải rộng
theo ý muốn của nó”. Con diều mà trẻ em làm bằng giấy và thả
trong những ngày lộng gió có lẽ mô phỏng từ loài diều này.
Kế tới là đại bàng, sách Gióp nhắc tới
ở câu 39 “mắt nó thấy mồi ở xa”.
Trong đoạn 6, câu 25–34, thánh Matthew
đã khuyên người ta hãy tin vào Chúa, vì Ngài sẽ luôn nâng đỡ, ủi
an: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu
tích vào kho; thế mà Chúa Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Thế anh
em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”
Bây giờ xin tiếp tục nói về chim trong
thế giới võ hiệp của Kim Dung. Ông có nhắc tới Sơn Đầu Hồ, Thiên
Đạo Hồng Kỷ, Lạc Dương Hồ là những loài chim huyền thoại, to lớn
và có sức mạnh đặc biệt, thể hiện sự linh thiêng trong các pho
truyện chưởng của mình.
Đáng nói hơn cả là bộ chuyện Thần Điêu
đại hiệp, con chim thần mà Dương Quá và Tiểu Long Nữ đã cỡi như
cỡi voi, cỡi ngựa. Con chim điêu này được vài nhà khoa học giải
thích rằng nó thuộc giống đại bàng Harpy, với kích thước khổng lồ
thường được tìm thấy ở các khu rừng nhiệt đới. Đáng tiếc, do môi
trường sống bị con người phá hủy ngày càng nặng nề nên giống chim
này dường như đã biến mất khỏi khu vực Trung Mỹ. Trên toàn thế
giới chỉ còn khoảng 50 nghìn con. Tại Brazil, đại bàng Harpy được
gọi bằng cái tên rất đẹp “chim ưng hoàng gia”. Theo Fact Zoo,
thức ăn của đại bàng Harpy bao gồm khỉ, nhím, rắn, thằn lằn,
chim....
Một
vài câu danh ngôn hiện đại liên quan tới chim cũng rất chí lý,
mời bạn cùng đọc:
“Để nhìn thấy những con chim, cần phải
trở thành một phần của sự im lặng.” –
Robert Lynd
“Lời nói của chúng ta có cánh, nhưng
không bay đến nơi mà chúng ta muốn”.
– George Eliot
“Một cánh bị gãy đơn giản có nghĩa là
bạn phải tìm một cách khác để bay”.
– Kerry Katona
“Nếu bạn không sợ vươn lên, bạn sẽ thấy
đôi cánh bắt đầu phát triển trong cơ thể của mình”.
– Mehmet Murat
ildan
Nói qua
lãnh vực phim ảnh, thì đã có nhiều bộ phim nổi tiếng đã được sản
xuất với chủ đề về các loài chim, trong đó có một số bộ phim đáng
chú ý như:
“Rio” ra mắt năm 2011, là cuốn phim hoạt họa nổi tiếng về chú
chim xanh tên là Blu, một loài chim hiếm có ở Brazil. Phim nói về
cuộc phiêu lưu của Blu khi cố gắng tìm lại tình yêu và tự do.
Kế tới là “The Birds” sản xuất năm 1963
với tài năng của đạo diễn Alfred Hitchcock, bộ phim kinh dị này
kể về một thành phố bị tấn công bởi hàng loạt các loài chim điên
cuồng, dữ tợn.
“March of the Penguins” là bộ phim tài
liệu rất cảm động mô tả cuộc sống của chim cánh cụt ở vùng Nam
Cực, từ quá trình sinh sản, nuôi con đến cuộc hành trình dài để
tìm thức ăn.
Tiếp tới nổi tiếng có “Winged Migration” được quay trong suốt 4
năm và trên 40 quốc gia. Phim này là một trong những tài liệu
quý, thâu lại hành trình di cư của hàng triệu loài chim trên khắp
thế giới.
Chuyện mới nghe được là có loài chim đặc biệt biết giữ nhà thay
chó. Lạ thật, chắc là khi có người lạ hoặc cướp đến nhà, thay vì
chó sủa thì chim sẽ la inh ỏi thay cho còi báo động. Nếu vậy thì
quá tốt, nuôi chim có lẽ dễ và ít tốn kém hơn nuôi chó.
Ở châu Phi, một số bộ lạc biết cách
dùng loài chim gọi là Honeyguides để đi tìm mật ong. Chim sẽ dẫn
người đến những tổ ong tàng ẩn trên cây, sau khi xông khói, lấy
mật xong người bộ tộc sẽ để lại ấu trùng và sáp ong cho lũ chim.
Coi như đây là hợp đồng giữa hai “công ty”, đôi bên cùng có lợi.
“Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt
léo,” riêng cái lưỡi của chim gõ kiến thì được biết rất dài, đến
nỗi có thể quấn quanh phía sau đầu của chúng. Việc này giúp não
của chim được bảo vệ trong lúc nó mổ vào thân cây với tốc độ cao.
Lưỡi của con người có lẽ cũng cần dài hơn, để quấn quanh đầu bảo
vệ không gây chấn thương não bộ của người khác!
Chuyện vui vui khác về loài chim là
giống Kền Kền thường tiểu tiện lên chính bàn chân của chúng. Điều
này đối với tôi khá lạ vì tôi không nhớ chim cũng phải đi xi
tiểu! Chúng làm thế để tự giải nhiệt vào những ngày nắng nóng.
Nước tiểu của chúng lại giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn mà chúng
đã giẵm trúng khi đậu trên động vật chết.
Thỉnh thoảng, lại có những con chim
cánh cụt buồn đời bỏ ăn, đi vào khu vực vắng vẻ tự tử. Quả vậy,
các nhà khoa học đã quan sát rồi cố gắng ngăn chặn bằng cách đưa
chúng trở lại đàn, nơi có thức ăn, nhưng chim không chịu. Chúng
nhất định trở lại nơi để chết bằng cách không ăn uống. Lý do thì
chưa ai biết được. Ủa, tưởng con người mới bị stress, bị đau khổ
và chán sống? Như vậy giả thiết rất “khả thi” là con chim phối
ngẫu đã làm cánh cụt đau lòng đến nỗi không thiết sống trên cái
cõi ô trọc đó nữa.
Nhiều loài chim lại có thói quen ăn
phân của chim non để giữ tổ sạch sẽ. Chà, vậy thì làm kiếp chim
cũng khổ như chó, phải ăn chất cặn bã này mà lấy làm vui. Trước
khi ước mình là một con chim, xin hãy “consider” vấn đề này.
Điều đáng nói là chim rất khéo và cần
cù, biết tha từng cọng cỏ để đan thành các tổ chim rất đẹp, chắc
và tinh xảo. Thí dụ chim kiến ngực đỏ Bee Hummingbird rất nhỏ,
nhưng biết sử dụng chất nhờn lấy từ nhện để giữ chặt các vật liệu
lại với nhau, giống như dùng xi–măng, nên tổ của chúng vô cùng
bền chặt.
Bây
giờ xin hỏi bạn, con dơi có thuộc dòng họ chim không. Câu trả lời
là không, dơi có nhiều điểm giống chim là có cánh, biết bay,
nhưng chúng thuộc vào nhóm động vật có vú, dù cũng có loại chim
dơi Order Chiroptera.
Chim có nhiều lợi ích với đời sống trên
trái đất. Giống như ong bướm, chúng cũng giúp việc thụ tinh và
phân tán hạt giống. Một số loài chim ăn côn trùng, giúp kiểm soát
sự gia tăng quá mức và ngăn chặn các dịch bệnh do côn trùng gây
ra. Nhờ phân thải ra, chim đã góp phần vào chu trình dưỡng đất,
giúp cung cấp khoáng chất và dinh dưỡng cho hệ sinh thái. Chim
cũng có thể nhận ra các dấu hiệu khi môi trường bị ô nhiễm hoặc
thay đổi khí hậu, giúp các nhà khoa học áp dụng các biện pháp bảo
vệ môi trường kịp thời.
Có nhiều chuyện lạ và đặc biệt về loài
chim trên thế giới. Như chuyện xảy ra năm 2005, cơn bão Katrina
đã tàn phá khu vực Louisiana, Hoa Kỳ. Một chú chim diều trắng tên
là “Hope” bị mất tích trong cơn bão và được tìm thấy sau đó 4
tháng tại Wisconsin, cách xa 1,600km, nó phải “cao chạy, xa bay”
như vậy chắc vì sợ bão tố quá sức. Một số người thân của tôi sau
cơn bão này cũng bỏ thành phố đi xa lập nghiệp. Chỉ thương đồng
bào miền Trung Việt Nam mình, dù biết năm nào xứ Thần Kinh cũng
ngập lụt nhưng không biết đi đâu.
Lyre là một loài chim có khả năng bắt
chước âm thanh một cách xuất sắc. Chúng nhái tiếng kêu của các
động vật khác và cả giọng người rất tài tình. Con công cũng thuộc
vào loại chim, có loại công vằn Great Argus biết sắp xếp cành lá
để tạo ra một “sân khấu” đẹp mắt. Sau đó, chim đực sẽ biểu diễn
một màn trình diễn hoa mỹ qua đôi cánh và lông đuôi, cộng thêm
tiếng kêu đặc trưng để thu hút chim cái. Cái này thì quý ông học
từ chim hay chim bắt chước quý ông? Ai trả lời được xin cho chúng
tôi biết.
Một
nhà quan sát chim lâu năm đã cho biết loài quạ rất thông minh. Để
lấy thức ăn bị chìm dưới những chiếc ống nhỏ, quạ dùng mỏ ngậm
những viên đá thả xuống ống, chờ thức ăn trồi lên rồi dùng mỏ
quặp lấy.
Mỗi
loài chim đều thể hiện sự tuyệt vời của tạo hóa với tiếng hót ríu
rít, tạo nên một loại âm nhạc tự nhiên rất độc đáo. Từ những giai
điệu nhẹ nhàng và du dương của chim hòe, đến tiếng ca lôi cuốn
của chim ruồi, sơn ca, họa mi....
Tiếng hót của chim làm cho môi trường
trở nên sống động, tạo nên một bản nhạc tự nhiên rất hay. Tuy
nhiên, cái gì thái quá cũng không tốt. Chim có thể gây hại trong
nông nghiệp hoặc gây ô nhiễm. Tiếng ồn thái quá đôi khi cũng làm
inh tai nhức óc.
Sân sau nhà tôi cũng có nhiều loài
chim, cuối tuần muốn ngủ trưa một chút cũng không được vì chúng
ca hót líu lo, đánh thức mọi người.
Vì chim gần gũi và đẹp nên nhiều người
đã dùng tên chim để đặt cho con cái, như
Hải Âu, Bắc Âu, Vành
Khuyên, Bích Khuyên, Thúy Loan, Thanh Loan, Kim Loan, Ngọc Loan,
Hồng Loan, Mỹ Loan, Cẩm Loan, Tố Loan, Phương Loan, Quỳnh Loan,
Tuyết Loan. Bích Phượng, Nhật Phượng, Thu Phượng, Kim Phượng, Hải
Phượng, Thúy Phượng, Hồng Phượng, Mỹ Phượng, Ngọc Phượng, Quỳnh
Phượng. Họa Mi, Giáng Mi, Sơn Ca, Hồng Uyển, Hoàng Oanh, Hồng
Oanh, Kim Oanh, Ngọc Oanh, Tố Quyên, Tú Quyên, Bạch Yến, Cẩm Yến,
Dạ Yến, Hải Yến, Hoàng Yến, Kim Yến.... cả trăm tên mà tên nào
cũng đẹp.
Sự
suy giảm số lượng của một số loài chim đang là một vấn đề nghiêm
trọng, đòi hỏi sự chú ý và hành động từ chúng ta. Chúng ta cần
thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng tự
nhiên [thiên nhiên] để bảo tồn sự đa dạng của các loài chim và
các sinh vật khác trên hành tinh này.
Thôi bài phiếm luận đã dài hơn dự tính,
xin dừng và chúc bạn vừa đẹp vừa hát hay như chim; đồng thời cũng
xin mời các bạn xem hình ảnh một số chim lạ và đẹp:
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Nguồn: http://www.dslamvien.com/2023/07/chim-choc.html
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by CATHY chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, July 19,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang