Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn Thời sự
Chủ đề:
Xung quanh ta hôm nay
Tác giả:
Phan Nhật Nam
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Hôm
nay, Tôi phải trở lại câu chuyện cũ để xác nhận một điều cay đắng
Chúng Ta đã bị bức hại bởi chính kẻ nội thù ngụy trang trong đội ngũ
Chúng Ta – những tên
VC nằm vùng.
I – Vụ Thứ Nhất
Trong nỗi nhục rã rời sau ngày 30/04/1975,
khi lâm cảnh tại những trung tâm đăng ký trình diện hoc tập cải tạo,
Chúng Tôi còn phải gánh chịu thêm tình trạng bàng hoàng cuả kẻ bị
lừa gạt, khi nhận ra những người hôm qua còn là huynh đệ, bằng hữu,
nay thoắt trở thành cán bộ với những y phục xa lạ thô kệch, chiếc
nón cối chùm hụp và đôi dép râu quê mùa.
Lẽ tất nhiên những kẻ này không quên đeo
trên người khẩu K54 và chiếc băng đỏ. Tôi và Triệt, người bạn cùng
khoá, gặp Lưu Thừa Chí (cũng chung khoá 18 Ðà Lạt) trong tình thế bẽ
bàng đáng hổ thẹn này. Chí ngồi ghi danh người đến đăng ký với lon
Thượng úy – ba ngôi sao và một vạch ngang, địa điểm trường Trần
Hoàng Quân, Chợ Lớn.
Thật sự, Anh Ta cũng có vẻ ngượng khi
Triệt hỏi gằn với cách mỉa mai:
– Mầy làm cái gì mà kỳ cục như thế này?
– Ờ... ờ tại vì kỳ làm ở Phong Dinh, tao
có vài liên hệ với họ nên bây giờ họ nói tao giúp trong buổi chuyển
tiếp. Tôi đứng xa chỉ nghe Triệt đến kể lại.
– Thôi kệ nó, mầy và tao lần này lại ở
chung với nhau như 14 năm trước trên trường Ðà Lạt, chỉ khác bây giờ
là trại tù Việt Cộng, đất trời tính ghê quá, con người không biết
đâu mà lường.
Ngày 23/06/1975, Chúng Tôi vào trại Long Giao, Long Khánh, câu
chuyện về một người gọi là Thiếu tá an ninh Quân Lực Việt Nam Cộng
Hoà mang lon thượng úy cộng sản ngồi ghi danh, Anh Em không ai muốn
nhắc lại, vì hiện tượng phản trắc đã lộ mặt và cùng khắp.
Tồi tệ hơn,
những kẻ thay màu áo này hãnh diện với sự nghiệp tráo trở cuả mình –
thành tích có công với cách mạng. Chữ nghĩa được dùng với toàn bộ
tính đê tiện khinh miệt nhất. Tôi và Triệt mất liên lạc với nhau khi
chuyển ra Bắc, sau chuyến đi địa ngục trên tàu Sông Hương, khởi hành
từ Tân Cảng, Sài Gòn, đúng Ngày Quân Lực 19 tháng Sáu, 1976.
Mười tám năm sau, 1994, tôi và Triệt lại
gặp nhau ở Houston, đường Beechnut. Hai Chúng Tôi đã thật sự ở tuổi
già sau 30 năm tuổi tù và tuổi lính, nhưng Triệt vẫn giữ nguyên cách
thẳng thắn mạnh mẽ cuả người miền Nam như đang kỳ trai trẻ.
Lần gặp gỡ bắt đầu với câu hỏi gay gắt như
đã chực sẵn từ lâu:
– Mầy nhớ vụ thằng Chí khoá mình trình
diện năm 1975 không?
– Thằng Chí Thiếu tá An Ninh Quân Đội,
cũng là Thượng úy Việt Cộng chứ gì? Tôi cũng sẵng giọng không kém.
– Hắn qua Mỹ rồi đó, HO, đi trước khi Mầy
ở tù về, bây giờ đang ở DC, kỳ đại hội Võ Bị tháng 07 vừa rồi, Nó có
mặt trong Ban Tổ Chức!
– Mầy có giỡn không, Nó là Việt Cộng chính
gốc, sao lại đi HO?
Câu chuyện được kể lại với những chi tiết
bất ngờ, cho dẫu kẻ có trí tưởng tượng phong phú cũng khó lường phần
bố cục.
Bắt đầu
từ những năm đầu cuả thập niên 80, một số ít sĩ quan miền Nam thuộc
những đơn vị chuyên môn như hành chánh tài chánh, quân cụ, quân nhu
lần lượt được trở về chịu sự quản chế cuả địa phương sở tại.
Khoá Chúng Tôi do một may mắn hiếm có (chỉ
xảy ra một lần với khoá 18), vào giai đoạn ra trường (cuối năm
1963), khi chiến tranh tăng cường độ, tổ chức quân đội mở rộng nên
cần một số sĩ quan về các đơn vị chuyên môn.
Những người may mắn này sau 1975 nhận thêm
một lần hên, họ được thả sớm hơn so với những người bạn ở các đơn vị
tác chiến, mà theo đánh giá cuả cán bộ cộng sản thì món nợ máu cuả
nhân dân chia ra 4 cấp:
Nhất Pháo, nhì Phi, tam Rằn Ri, tứ Chính
Trị (ý nói, lính pháo binh, phi công, biệt kích, nhảy dù, biệt động,
thuỷ quân lục chiến và chiến tranh chính trị là những đơn vị đứng
hàng đầu tội phạm).
Nhóm sĩ quan may mắn cuả khoá 18 kia vào
ngày 23/11/1981 (kỷ niệm ngày mãn khoá học mười tám năm trước,
23/11/1963) tập trung tại nhà Nguyễn Ngọc Anh, biệt thự gia đình vợ,
đường Pasteur cũ. Mười mấy anh, chị, lôi thôi, tơi tả vì trận đòn
thù từ 1975 đến nay vẫn chưa hồi tỉnh, tính sổ lại 198 mạng cùi cuả
ngày mãn khoá nay chỉ còn không tới 20, với 50 người tử trận vĩnh
viễn không về, mươi kẻ tỵ nạn, vượt biên, số lớn còn lại hiện sống,
chết không nên dạng người nơi các trại tù trong Nam, ngoài Bắc.
Trong giây phút mừng tủi cuả lần hội ngộ,
bỗng nhiên, Lưu Thừa Chí xuất hiện. Mọi người đồng im bặt. Sau cùng,
có người gắng gượng hỏi:
– Anh còn đến với Chúng Tôi làm gì?
– Tôi cũng đi cải tạo như các bạn, ở trại
Cây Trâm!
Chí giả
lả làm hoà, hắn đưa Giấy Ra Trại để làm bằng, và đề nghị được góp
phần tiền lớn để cùng mua thức ăn, đồ uống về chung vui buổi họp
mặt. Không khí hoá nặng nề, từng người lặng lẽ rút lui.
– Mầy có mặt hôm đó không? Tôi nôn nóng
hỏi Triệt, cố tìm nên đầu mối.
– Có, năm đó tao mới về, về được một tháng
thì Tết Tây.
–
Thế thì nó cũng đi tù như bọn mình sao?
– Tù chỗ nào, sao Mầy ngu vậy, Thiếu tá An
Ninh Quân Đội thì phải đi ra Bắc chứ; với lý lịch an ninh quân đội
thì chẳng phải cần đến cấp tá, chỉ Thiếu úy, Trung úy hoặc Hạ sĩ
quan nó còn tìm cớ để bắn chết không cần xét xử như ở trại Xuân
Phước, Tiên Lãnh ngoài Trung. Thiếu tá An Ninh Quân Đội nào để lại ở
trại Cây Trâm, Bình Dương như thằng này! Triệt gắt cao giọng lộ vẻ
bực tức vì tôi vẫn chưa rõ đầu mối câu chuyện.
– Trại Cây Trâm ở đâu, ngày ở Long Giao
không nghe ai nói đến.
– Ðó là trại tụi hình sự, cũng có sĩ quan,
nhưng chỉ có cấp thiếu, trung úy, mà là thành phần gây vụ việc sau
1975, chứ không là đám tập trung tháng 05, tháng 06/1975 như bọn
mình.
– Rồi sao
nữa? Tao ngao ngán.
– Sao nữa, đm nó đi HO trước hơn ai hết,
kỳ đại hội 7 vừa rồi ở DC, nó góp 1000 đô–la cho ban tổ chức.
– Tiền đâu mà một thằng HO có ngay một
ngàn để đóng?
–
Mầy tìm nó mà hỏi! Triệt gầm gừ chấm dứt câu chuyện với cách chưởi
thề chậm rãi từng tiếng một.
Những nhân sự như Lưu Thừa Chí kể trên sẽ
mãi mãi ở trong bóng tối với khả năng tầm thường, đối tượng công tác
hạn chế riêng cuả nó, và giá như bị phát hiện (như đã từng bị nhận
ra lý lịch), thì người quốc gia cũng chỉ giải quyết bằng biện pháp
đóng cửa dạy nhau, coi như trường hợp xử lý nội bộ (nói theo cách
cộng sản), bởi người phe quốc gia vốn dễ tính, không chấp nhứt đối
với những kẻ tráo trở, bội phản, cũng do những kẻ này lỡ đã một lần
là bạn bè cùng khoá, cùng hội, cùng trường.
Nói ra sợ xấu hổ cả đám, nhưng, vì năm
1994 kia, tôi mới qua Mỹ được mấy tháng, lòng còn đang sôi sục những
chuyện cần được kể lại, với ý hướng ngây thơ – người bên ngoài cũng
đang muốn nghe về những câu chuyện kia – dẫu những vụ việc nói ra
gây nặng lòng, cau mặt.
Ba mươi khoá Ðà Lạt, trước và sau khoá 18
(khoá Chúng Tôi bao gồm Lưu Thừa Chí), không hề có trường hợp: Thiếu
úy tốt nghiệp trường Ðà Lạt được chọn đi ngành An Ninh Quân Ðội ngay
lúc mãn khoá. Bởi, sĩ quan ngành tình báo này phần đông, nếu không
nói hầu hết do ngành an ninh tuyển chọn từ các đơn vị, được huấn
luyện ở những trung tâm quân báo, tình báo trong nước và ngoại quốc,
sau một quá trình sưu tra an ninh đặc biệt (thời Ðệ Nhất Cộng Hoà,
trách nhiệm sưu tra thuộc một bộ phận cuả Văn Phòng Nghiên Cứu Chính
Trị cuả Cố Vấn Ngô Ðình Nhu). Thế nên, sự kiện viên Thiếu úy tên gọi
Lưu Thừa Chí được tuyển chọn đi ngành An Ninh Quân Đội từ ngày
23/11/1963, không thuộc thẩm quyền chỉ định cuả Ban Tham Mưu Trường
Võ Bị, cũng không thuộc Phòng Tổng Quản Trị / Bộ Tổng Tham Mưu
QLVNCH.
– Nó xuất
phát từ cấp độ cao hơn. Cao đến chỗ nào, Chúng Ta không thể biết,
cũng không hề có khả năng được biết những bí mật quốc gia từ dinh
Tổng Thống, dinh Thủ Tướng, bộ Quốc Phòng.
– Những bí mật hằng được đám tình báo
chiến lược Việt Cộng nắm rõ đầu mối, ngọn nguồn.
Chúng Tôi không hề quan trọng hoá một sự
kiện nhỏ nhặt, vì sau này, khoảng năm 1972, Chí để lộ cơ sở công
tác: Y thả một nữ cán bộ cộng sản bị bắt giam tại Ty An Ninh Quân
Ðội Phong Dinh. Âm mưu vỡ lở, Trung tá Nguyễn Hữu Khiếu, Tiểu Khu
Phó thụ lý nội vụ. Chí cầu cứu Trung tá Khiếu với lý lẽ: Bị mê hoặc
bởi sắc đẹp cô gái, chứ không phải do công tác nội tuyến.
Trung tá Khiếu nay ở Montréal, kể lại câu
chuyện này với Hội Võ Bị địa phương ngày 20/10/1996, có cá nhân tôi
tham dự.
Năm
1960–1963, ông Khiếu là đại úy dạy vũ khí ở trường Ðà Lạt. Do bản
chất trung hậu, và cũng có phần tin, Chí lỡ dại do dáng dấp quê
kệch, xấu trai nên ông Khiếu che chở Chí vì tình thầy trò ở giai
đoạn 1972 kia.
II
– Vụ Thứ Hai
Năm
1957 – xin nhắc lại, trước năm 1975 mười tám năm trước, trước vụ
việc Lưu Thừa Chí như vừa kể trên gần một thập niên – một thanh niên
tuổi chưa tới 20, lội qua sông Bến Hải vượt tuyến vào Nam.
Anh Ta đến khai cùng đồn Cảnh Sát Gio Linh
là em ruột cuả viên Tướng Tư Lệnh Quân Khu 2, đóng tại Huế. Viên
Tướng cho người ra đón Em, đem về hỏi lý do vượt tuyến.
Anh thanh niên tỏ bày, vì có anh là Tướng
Lãnh miền Nam, nên gia đình ngoài Bắc bị vây khổn chính trị ngặt
nghèo, bản thân Anh Ta không được đi học và chịu cảnh sống cơ cực
kinh tế, hoặc người anh Cả (anh ông Tướng) vốn là Trung tá binh
chủng Phòng Không Không Quân bộ đội Miền Bắc, dẫu có công trận lớn
vẫn không được thăng cấp.
Ðược anh nuôi ăn học, người thanh niên sau
bậc trung học, tình nguyện đi lính với hoài bão nói ra lời: cũng
muốn được sự nghiệp vinh quang trong quân đội như anh. Anh Ta tốt
nghiệp khoá Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, đổi về binh chủng Hải Quân, Bộ
Tư Lệnh vùng 4 Sông Ngòi ở Mỹ Tho. Những năm 70, anh lên thiếu tá,
được mệnh danh là VC Killer, do thành tích, cuối mỗi cuộc hành quân,
anh kéo xác Việt Cộng sau tàu chạy dọc bến sông để biểu dương ý chí
chống Cộng!
Những
ngày cuối tháng 04/1975, viên Tướng cho người em Út, Phó Quận Hành
Chánh quận Tân Bình, Gia Ðịnh về Mỹ Tho, kêu vị Thiếu tá VC Killer
về Sài Gòn để cùng gia đình lớn đi Mỹ. Thiếu tá VC Killer mạnh mẽ
khẳng định với người Em:
– Tui chỉ là thiếu tá, Chú là Quốc Gia
Hành Chánh, có gì mà phải sợ cách mạng, Ông Ấy là Tướng mới cần đi
Mỹ, còn Chú với Tôi thì ở lại xây dựng đất nước, hoà bình thống nhất
rồi Ta còn mong ước gì hơn.
Sau 30/04/1975, Thiếu tá VC Killer, người
Em Quốc Gia Hành Chánh đồng hồ hởi, phấn khởi trình diện học tập cải
tạo. Người Em vào trại Long Thành, Biên Hoà; Thiếu tá VC Killer ra
trại 1, Ðoàn 776, xã Việt Hồng, Hoàng Liên Sơn.
Gặp tôi đi vác nứa giữa đường vào Cốc,
Thiếu tá VC Killer đưa tay ngoắc thân ái và hỏi thăm về người Em
Quốc Gia Hành Chánh – cũng là em Rể, lấy em gái tôi, Phan Ph Kh.
Một năm sau, khoảng mùa Hè 1977, một cán
bộ mặc thường phục từ Hà Nội đến Bộ Chỉ Huy Đoàn 776, gặp viên Chính
ủy Đoàn.
Thiếu tá
VC Killer được tha ra khỏi trại, về Ban Mê Thuột hành nghề giữ xe
đạp với căn cước mới: Thiếu tá ngụy quân học tập tiến bộ, trở về do
chính sách khoan hồng nhân đạo cuả cách mạng.
Chỉ có một điều không ghi vào lý lịch, ấy
là, đối tượng công tác cuả Thiếu tá Hải Quân Ngụy – VC Killer trong
giai đoạn mới là những ai. Hoặc là thành phần Fulro phản động đang
âm mưu nổi loạn ở Tây Nguyên, cũng có thể là đám cán bộ cộng sản mới
được bố trí vào Tây Nguyên mà thành phần chưa đồng nhất, nên cần
phải theo dõi, báo cáo công tác theo hệ thống riêng cuả Cục Bảo Vệ
Chính Trị thuộc quyền chỉ huy trực tiếp duy nhất cuả Ban Tổ Chức
Trung Ương Ðảng – Cơ quan bao trùm cả Bộ Nội Vụ, lẫn Cục Tình Báo
Hải Ngoại.
Thiếu
tá VC Killer hay người thanh niên vượt tuyến là Thái Quang Chức;
– người Anh Cả là Trung tá Thái Quang
Hồng, binh chủng Phòng Không Không Quân bộ đội miền Bắc;
– người Anh Thứ là Thiếu Tướng Thái Quang
Hoàng, Tư Lệnh Quân Khu 2.
Từ năm ấy đến nay, trên đất nước Việt Nam,
nơi Hải Ngoại, hằng vạn, triệu người đã chết. Chỉ một số còn sống,
nhưng vẫn – giữ nguyên bí số – Những người như Thái Quang Chức, Lưu
Thừa Chí và rất nhiều – rất rất nhiều nữa – những kẻ vô danh, tầm
thường, chuyển công tác theo hệ thống ngang – từ nhân viên Cục Bảo
Vệ Chính Trị lên thành nhân viên Cục Tình Báo Hải Ngoại – dưới quyền
chỉ đạo nhất quán thuộc hệ thống dọc bất khả thay thế: Ban Tổ Chức
Trung ương ÐCSVN.
III – Vụ Thứ Ba
Bắt đầu mùa Hè năm 1990, chương trình ODP
được thực hiện với đối tượng cựu tù nhân cải tạo qua kế hoach H (Chỉ
danh này bị hiểu nhầm một cách có ý nghĩa thành HO), cá nhân tôi
cũng nộp hồ sơ theo thủ tục chung tại Trung Tâm Xuất Nhập Cảnh 333,
Nguyễn Trãi, Sài Gòn (trước Tổng Nha Cảnh Sát đường Võ Tánh cũ).
Sau thời gian chờ đợi, trung tâm trả lại
hồ sơ với lý do: trên chưa có quyết định về những trường hợp thuộc
diện như cá nhân tôi. Sau vài lần vượt biên không thành, hơn nữa các
trại tỵ nạn cũng đang có kế hoạch đóng cửa, Nhạc Mẫu Tôi thử cố gắng
thêm một lần nhân chuyến ra Bắc thăm họ hàng, với đầu mối – Trung
Tâm Trung ương, Cục Xuất Cảnh, Bộ Nội Vụ, 40 A Hàng Bài Hà Nội.
Trung tâm ra giá, 500,000 đồng tiền Việt, cụ tặng thêm 100,000 đồng
cho nhân viên làm biên lai thâu nhận hồ sơ.
Ngày hôm sau, trung tâm Hàng Bài trả lại
hồ sơ với lý do tương tự cuả đường Nguyễn Trãi. Cuối cùng, HÐ Ngoạn
và PÐ Vượng, (hai người bạn thân, biết hầu hết nhân sự và vụ việc
cuả Sài Gòn trước lẫn sau năm 1975, do đường giây giang hồ riêng)
chỉ cho tôi đến địa chỉ 206 Nguyễn Trãi, cạnh rạp chớp bóng Khải
Hoàn, sát cổng xe lửa số 1.
Cơ sở không bảng hiệu, nhân viên mặc
thường phục đón khách với thái độ Chúng Tôi đã biết rõ tất cả. Mà
quả thật như thế, người tiếp tôi bắt đầu với câu chào anh Nam có
mạnh khoẻ không? Anh Ta đứng dậy, mở tủ, nói với vẻ tự tin:
– Tôi biết anh nhiều lắm!
Rồi anh cho coi Chứng Chỉ Nhảy Dù do Trung
Tâm Huấn Luyện Sư Ðoàn Nhảy Dù cấp, Trung tá Trần Văn Vinh ấn ký,
với lời giới thiệu: Trung úy Trần Trung Phương, gốc Đại Đội 33 Tiểu
Ðoàn 3 Dù, và đơn vị cuối, Biệt Ðội Quân Báo Ðiện Tử Sư Đoàn.
Nhưng, Trần Trung Phương không chỉ là sĩ
quan nằm vùng nơi Biệt Ðội Ðiện Tử Sư Ðoàn Dù, mà còn là nhân viên
đặc vụ cuả sở phản gián Bộ Nội Vụ cộng sản, nên Anh Ta đã có kết
luận mau chóng: Tôi có thể làm hồ sơ để anh ra khỏi nước trong vòng
tám tháng là tối đa, gia đình anh tại Mỹ trả 2000 đô–la cho người
Chúng Tôi bên đó, và thêm một vài điều kiện khác...
Lẽ tất nhiên, tôi không thể thực hiện
những đề nghị cuả Phương, từ 2000 đô–la đến những điều kiện khác.
Sau này, năm 1993, để giúp một người quen
giải quyết một khó khăn tương tự, tôi đi tìm Trần Trung Phương ở địa
chỉ mới, một văn phòng trong khách sạn góc đường Nguyễn Văn Trỗi
(Cách Mạng cũ) và Trần Quang Diệu. Nhân viên văn phòng này cho biết
Phương đã có mặt ở Nam Cali, vùng Westminter với nhiệm sở mới là một
văn phòng dịch vụ du lịch.
Những bãi đáp đổ quân, vị trí hoả tập tiên
liệu, toa độ dội bom B52 cuả Sư Ðoàn Nhảy Dù trong chiến dịch Hạ Lào
Lam Sơn 719 đã bị quân báo cộng sản giải mã từ nhiều đầu mối.
Một trong những đầu mối hiểm nghèo kia có
sự tham dự rất tích cực và hiệu quả từ Biệt Ðội Ðiện Tử và Phòng
Hành Quân cuả sư đoàn. Và tại cơ quan hành quân tối mật này đã không
cần đến một sĩ quan nằm vùng với cấp bậc trung úy như Trần Trung
Phương, nhưng chỉ cần một Hạ sĩ quan vẽ phóng đồ hành quân – viên Hạ
sĩ nhất mà tôi đã từng thấy mặt, luôn làm việc im lặng, chăm chỉ cuả
phòng 3 khi đơn vị còn mang phiên hiệu Lữ Ðoàn Nhảy Dù, năm 1963.
Ngày 30/04/1975 viên Hạ sĩ quan này hướng
dẫn Trung tá Nguyễn Văn Tư, Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Sư Ðoàn
qua Camp Davis, Tân Sơn Nhất gặp cán bộ cộng sản để bàn giao hồ sơ
trận liệt cuả đơn vị mà Y đã lưu giữ, cập nhật từ 10–20 năm qua.
Lời Khẩn Cầu Viết Với Giá Máu
Tôi đã quá tuổi để bắt đầu một dự định
mới, cho dẫu kế hoạch dự trù ấy cần thiết, cấp bách đến bao nhiêu,
bởi thời gian còn lại không cho phép và việc chưa hoàn tất lại quá
nhiều. Nhưng tôi phải có bổn phận chỉ đích danh những cá nhân tác
hại điển hình như:
* Lưu Thừa Chí,
* Trần Trung Phương,
* TQ Chức,
* những viên Hạ sĩ quan, những Công An
cộng sản (đi theo diện ghép với những gia đình HO, ODP) như vừa kể
trên (hiện tràn lan khắp cộng đồng Người Việt Hải Ngoại).
– Một nhiệm vụ không thể trì hoãn và khoan
thứ, vì đây không là sự việc liên hệ giữa những cá nhân, nhưng là sự
tồn vong sinh mệnh chính trị cuả một tổng thể rộng lớn. Không phải
chỉ khối Người Việt Miền Nam mà là toàn Việt Nam khổ nạn. Bởi Chúng
Ta, người Việt Không cộng sản – không bao giờ là đảng viên cộng sản
– đã lần lượt thua những trận quyết định liên quan đến vận mệnh toàn
dân tộc, lần tháng 08/1945, và lần 20/07/1954, và lần cuối cùng
30/04/1975.
– Và
nếu hôm nay, Chúng Ta không điều chỉnh sách lược để nhìn rõ địch
tình thì e rằng khí thế cuả lần Cali Vùng Dậy Cờ Vàng 1999, những
Ðêm Tuổi Trẻ Thắp Nến sẽ trở nên vô ích, gây tàn lụi nguồn hy vọng
bức thiết từ Xuân Lộc, Long Khánh, Thái Bình.
– Chúng Ta sẽ mãi mãi là Người Việt Xấu Xí
trước mắt thế giới do âm mưu từ một kẻ nội thù hiểm độc. Nhưng, cũng
phải nói rõ thêm một lần hay bao nhiêu lần mới đủ:
– Ðây là lỗi từ Chúng Ta. Cứ sẵn khắc
nghiệt cáo buộc, chụp mũ, tranh chấp cùng nhau để rảnh tay cho kẻ
thù, cũng đồng nghĩa vô tình tiếp tay kẻ nghịch, bức hại Anh Em –
với biện pháp cuối cùng và độc nhất – cáo buộc người bạn cuả minh là
cộng sản, do sau khi đã không tìm ra được nơi bạn mình một lỗi lầm
nhỏ nhặt nào. Cuối cùng, chính bản thân ta đơn độc nguy khốn, vì lẽ
đã tự tay phá huỷ vũ khí đoàn kết cuả chính mình. Ðau đớn bao nhiêu.
Uất hận bao nhiêu!
Phan Nhật Nam
Phụ lục
VIỆT CỘNG NẰM VÙNG KHẮP NƠI
Theo VOA tiếng
Việt, một trong những nguyên nhân đưa đến thất bại cuả VNCH là do sự
lũng đoạn và phá hoại cuả bọn gọi là “thành phần thứ ba”. Vài tháng
trước tôi có đọc một số tài liệu, sách, hồi ký cuả nhiều tác giả
khác nhau, trong một đoạn nào đó, các tác giả có đề cập đến thành
phần “thứ ba”.
Rất tiếc khi ấy không định viết về đề tài này vì vậy không ghi lại
đầy đủ chi tiết và xuất xứ, nguồn gốc trích dẫn. Xin bạn đọc thứ
lỗi. Đoạn nào nhớ tên tài liệu, chúng tôi sẽ ghi chú để bạn đọc tham
khảo thêm.
Trong
bài có thông tin thâu lượm qua quen biết trong gia đình, hoặc tiếp
xúc tình cờ, tất cả đều là tên thật, người thật không viết tắt, bọn
“thứ ba” công khai ra mặt thời VNCH và sau khi VC chiếm cứ miền Nam,
không lý do gì phải bao che cho chúng hay phải viết tắt.
Trong số thầy dạy ở trường Huỳnh Khương
Ninh có Lê Minh Lương, Nguyễn Văn Hai tự Nguyễn Huy bị cầm tù vì
hoạt động cho CS thời Đệ I Cộng Hòa. Mãn án, cả hai trở lại dạy học,
Lê Minh Lương dạy nhạc và công dân giáo dục. Nguyễn Huy dạy công dân
giáo dục và Quốc văn lớp đệ tam. Lê Minh Lương mệt mỏi và giảm tham
gia với CS. Nguyễn Huy vẫn chê bai chính phủ, chỉ trích xã hội, bớt
xông xáo hơn trước. Nhưng vẫn thích tiện nghi do VNCH mang lại: “Xe
Honđa rất tốt. Con tao còn nhỏ, mỗi tối đã biết bật nút TV cho cả
nhà xem chương trình truyền hình”.
Nguyễn Văn Hợi là người Bắc di cư, dạy môn
Vạn Vật, CS cực đoan. Sau khi VC chiếm miền Nam, hắn lộ mặt, vào làm
ban An ninh nội chính (công an), lần hồi xin chuyển qua Sở Ngoại vụ,
tha hồ nhận hối lộ, bóc lột những ai muốn ra đi hợp pháp.
Nguyễn Văn Bảy hoạt động cho CS mạnh, luôn
nhồi sọ học sinh với ngôn ngữ CS: “Kìa chiếc máy bay bỏ bom đồng
bào...”, CS thưởng công cho làm trưởng phòng Giáo dục quận Nhất một
lượt với Lương Lê Đồng (sẽ đề cập sau). Nguyễn Văn Bảy bỏ vợ, lấy cô
học trò tên Tùng (không nhớ họ) lúc ấy tuổi hắn đã hơn gấp đôi tuổi
cô Tùng. Thời CS ai dám phàn nàn “đạo đức” mất dạy cuả bọn chúng!
Cổ tấn Văn Luông dạy sử địa đệ tứ, đệ nhị,
từng giữ chức Bí thư chi ủy trường Huỳnh Khương Ninh (trước năm
1975), tuyên truyền cho CS như sau: “Kỹ sư ngoài bắc rất giỏi, biết
ghép cây bông vải cuả Ai cập vào phần trên cuả cây bông vải Việt
Nam, nhờ thế miền bắc sản xuất dư thừa bông vải Ai cập”. Nếu đúng
như thế, tại sao quân CS Bắc Việt và sau này thường dân Bắc vào Nam
vơ vét, mua nhiều vải vóc, kể cả vải nội hóa (do các nhà mày dệt ở
Sài Gòn sản xuất) mang về bắc?
Ông này có người em là sĩ quan Thủy quân
Lục chiến VNCH tử trận, sau thời gian ở với CS, ông nhận ra bị CS
lừa, tương tự như Nguyễn Huy, sinh ra bất mãn. Nhưng chỉ dám bày tỏ
qua phần “thắc mắc” trong các buổi nhồi sọ chính trị (ngành giáo
dục), chứ chẳng dám làm gì hơn. Con trai ông Văn Luông, cho đi vượt
biên và định cư tại Úc, gia đình ông Văn Luông qua Úc do bảo lãnh
cuả người con. Xong một đời hoang phí theo đuổi chủ nghĩa CS rồi
thất vọng, uất hận.
Nguyễn Văn Đức dạy Lý Hóa, thích cộng,
chống bất cứ chính phủ nào cuả VNCH, mạnh miệng tuyên truyền: “Ở
ngoài bắc tự do và sung sướng hơn, chỉ có dân Việt với nhau...”.
Sau vài tháng nếm mùi đi họp ở địa phương
hằng đêm cuối đầu nghe bọn nhóc con CS tuyên truyền “chiến thắng” và
sự “nghèo khổ” cuả miền Nam, hay xếp hàng mua gạo, bánh mì khô,
khoai lang lúc nửa đêm, Nguyễn Văn Đức nhìn thấy tận mắt sự nghèo
nàn, ngu dốt, hống hách và luôn khủng bố tinh thần dân chúng cuả bọn
cán bộ CS, Đức chỉ biết nói:
“Sao kỳ vậy, không giống như đảng nói
trước đây!”. Khi hiểu CS đã quá muộn, tròng nô lệ “Liên Xô, Trung
Quốc vĩ đại” đã siết chặt quanh cổ.
Hiệu trưởng Lương Lê Đồng, người Huế bạn
đồng học trường Pellerin Huế với ba tôi, tuy đồng tuổi nhưng ông này
học sau ba tôi vài lớp (theo lời ông nói). Ông Lương Lê Đồng vào tù
ra khám thời Đệ I Cộng Hòa và Đệ II Cộng Hòa do hoạt động chống đối
chính phủ. Do đó trường Huỳnh Khương Ninh dung túng nhiều thầy giáo
CS hoặc chống đối chính phủ VNCH.
Có lần bị bắt tại nhà riêng đường Nguyễn
Phi Khanh, một học trò cũ cuả ông là Đại úy cảnh sát, đến gõ cửa
nói: “Thầy ơi, lần này thầy đi 6 tháng”, rồi anh thong thả đứng đợi
trước cổng trong khi ông Lương Lê Đồng sửa soạn áo quần, từ biệt vợ
con.
Người học
trò cũ – Đại úy cảnh sát, trân trọng mời “thầy” lên xe ngồi phía
trước cạnh tài xế, chính anh lên ngồi cạnh “thầy”, không cho còng
tay thầy cũ và cũng không cho ngồi băng sau như những tội phạm khác.
Học trò thấm nhuần giáo dục VNCH mới đối
xử với kẻ địch và là thầy học cũ như vậy. Với CS, kẻ địch phải giết,
phải đánh, phải “mầy tao” không lễ nghĩa, lịch sự chi cả.
Tuy vẫn treo cờ VNCH trước cổng, thoả
thuận cuả Lương Lê Đồng, Nguyễn Huy cùng Cổ tấn Văn Luông lẳng lặng
không cho học sinh chào cờ VNCH mỗi sáng thứ hai như ở các trường
khác, thay vào đó gọi là chào “Hiệu đoàn kỳ trường Huỳnh Khương
Ninh” và hát “Hiệu đoàn ca Huỳnh Khương Ninh”, không hát quốc ca
VNCH. Một âm mưu có tính toán sâu xa nhằm đẩy học sinh ra xa VNCH,
chen lẫn tuyên truyền trong lúc giảng bài cuả mấy “thầy” luôn binh
vực miền bắc “xã hội chủ nghĩa”, hay thêu dệt hình ảnh một xã hội CS
hoàn hảo.
Sau khi
VC chiếm miền Nam, Lương Lê Đồng được cho giữ chức Chánh sở giáo dục
Sài Gòn cuả chính phủ (bù nhìn) Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tức là
chính phủ cuả bọn tự xưng là Giải phóng miền Nam, cờ nửa đỏ, nửa
xanh dương đậm và có ngôi sao vàng ở giữa). Chẳng qua là bước đầu
cuả CS đưa đám “nhân sĩ” thân cộng miền Nam ra, xoa dịu dân miền Nam
không muốn CS Bắc Việt xâm chiếm. Không đầy một năm, Lương Lê Đồng
mất chức và “được” cho gia nhập Mặt trận Tổ quốc cuả VC.
Khoảng năm 1978, gặp lại một thầy khác,
ông cho hay Lương Lê Đồng đau bệnh nặng nhiều năm, vắng mặt trong
Mặt trận tổ quốc VC, sau đó đi chầu Marx.
Mặt trận Tổ quốc, công cụ hạng bét cuả CS
Bắc Việt, bao gồm mọi thành phần không thể cho vào tổ chức nòng cốt
cuả đảng CS. Thầy chùa thân cộng, sư cái, sư đực VC, linh mục VC,
nhân sĩ, trí thức thân cộng, bám đuôi CS đều cho vào nồi cháo heo,
thập cẩm, tả pí lù: Mặt trận Tổ quốc, dễ kiểm soát, kềm chế và trừng
phạt khi cần. Vài thí dụ điển hình: sư cái Huỳnh Liên, linh mục VC:
Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Huỳnh Công
Minh, hay bọn biểu tình phá rối: Ngô Bá Thành, Cao Thị quế Hương,
Huỳnh Tấn Mẫm, Trịnh Đình Ban, Lê Văn Nuôi...
Tại sao Bộ Giáo Dục, Bộ Nội vụ, Cảnh sát
quốc gia không làm gì trường Huỳnh Khương Ninh?
Lý do:
– Trường đào tạo nhiều thế hệ học sinh từ
đời Pháp thuộc (khi ấy chưa bị CS thao túng), các cựu học sinh nâng
đỡ trường như Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, ông Phạm văn Phàng (Chánh
văn phòng Phủ Thủ tướng VNCH). Ông Phạm Văn Phàng từng dạy học tại
trường lâu về trước, nhưng vẫn cố giúp đỡ trường nơi hai con ông
theo học. Uy tín cuả ông làm bên cảnh sát nhẹ nhàng hơn với trường
Huỳnh Khương Ninh.
Người miền Nam nói chung coi trọng tình
nghĩa, đó là kẽ hở để CS lợi dụng.
– Các thầy giáo khác chỉ dạy học và làm
ngơ không theo CS, rất nhiều thầy cô ở vào loại này, cũng là khuyết
điểm cuả dân miền Nam trước đây, muốn yên thân, không đụng chạm
chuyện người khác, tự nhủ “không làm chính trị”, hoặc “việc cuả cảnh
sát, cuả chính phủ, mình chỉ là thường dân!”
– Thầy Khánh Trương, xin được chân dạy
toán ngay ổ CS Huỳnh Khương Ninh. Ông rất trẻ, đẹp trai, đi dạy học
bằng xe mô–tô loại lớn. Giữa giờ học, một tên VC lạ mặt bước vào
lớp, chĩa súng vào ông Khánh Trương, tên này tuyên truyền CS trước
cả lớp, sau cùng hắn nói với ông Khánh Trương: “Tụi tôi biết anh là
CIA, lần này chỉ cảnh cáo”. Xong hắn chạy ra khỏi trường. Câu chuyện
lan truyền từ lớp này sang lớp khác, nhốn nháo cả trường vài ngày.
Ai mở cửa trường trong giờ học để VC vào
đe dọa thầy giáo? Tên VC lạ mặt chỉ vào ngay lớp cuả thầy Khánh
Trương, tất nhiên phải có chỉ điểm cuả VC trong trường. Có thật ông
Khánh Trương là CIA hay không, hay đó là luận điệu muôn đời cuả VC.
Hoặc ông được Cảnh sát quốc gia giao theo dõi hoạt động bọn thầy
giáo CS, nên chúng phải loại ông ra.
Hết niên học, thầy Khánh Trương nghỉ luôn.
Gặp thầy Vương Gia Khánh ở hải ngoại, ông
nói – bọn CS trường Huỳnh Khương Ninh từng móc nối ông hoạt động cho
chúng. Ông Khánh – cựu học sinh cuả trường, thiếu úy hiện dịch giải
ngũ vì bị thương, không còn khả năng chiến đấu. Theo ông, VC cho
rằng ông là đối tượng tốt nhất, cựu sĩ quan QLVNCH, thương phế binh,
nếu hoạt động cho VC, sẽ ít bị nghi ngờ. Ông Khánh từ chối, chỉ dạy
học không tham gia chính trị. Ông mỉa mai gọi ông Lương Lê Đồng là
trái chanh VC đã vắt sạch nước, xong ném vào thùng rác. Thân phận
chung cuả bọn nằm vùng ngu ngốc tin theo CS chỉ có thế, chứ không
khá hơn.
Nói đến
CS nằm vùng không thể bỏ qua Thích Trí Quang, tức Phạm Quang, có khi
gọi là Phạm Văn Bòng (hay Bồng), tên trong lúc hoạt động là Đinh Văn
Tánh.
Theo lời
cuả chính hắn trong “Trí Quang tự truyện (2011)”, hắn nghiên cứu Bản
tường trình thành lập Việt Minh năm 1941 cuả tên CS Trường Chinh
soạn theo lịnh Hồ Chí Minh, và rất thích ý niệm đó (trang 10/40).
Trước năm 1963, Trí Quang có thương lượng
với Tổng Thống Ngô Đình Diệm – hắn muốn chính phủ cắt phân nửa vườn
Tao Đàn giao cho hắn xây chùa làm trụ sở, đồng thời chính phủ phải
cung cấp 5 triệu đồng VNCH làm phương tiện hoạt động (khi ấy xe
Mercedes mới, nhập cảng cuả Đức chỉ có 200 ngàn đồng tiền
VNCH/chiếc).
Tổng
Thống Diệm trả lời – cả hai việc đó Tổng Thống lo không nổi theo đòi
hỏi cuả Trí Quang (Trí Quang tự truyện trang 34/40).
Tìm hiểu thêm gốc gác cuả Trí Quang,
(Thích) Trí Độ là thầy dạy đạo cho Trí Quang, (Thích) Thiện Minh,
(Thích) Thiện Siêu...
Năm 1953 Trí Độ được Việt Minh cho làm Ủy
viên Ủy ban Việt Nam Bảo vệ Hòa bình Thế giới (sic), sau khi Việt
Nam chia đôi đất nước, Trí Độ ra bắc và cầm đầu Phật giáo miền Bắc
cho đến lúc chết năm 1979. Trí Độ giữ chức Ủy viên thường vụ quốc
hội và Ủy viên Chủ tịch đoàn Mặt trận tổ quốc tả pi lù cuả bắc Việt.
Trí Độ được tưởng thưởng hai huy chương cuả CS.
Trí Quang và các bạn đồng học chịu ảnh
hưởng tuyên truyền cuả Trí Độ. Sự liên lạc và cấu kết đã có từ lâu
giữa Trí Độ và các môn sinh, giật dây điều khiển hoạt động cuả Trí
Quang, Thiện Minh... trong chiến lược phá hoại nội tình VNCH, ẩn núp
dưới danh nghĩa “bảo vệ đạo pháp”.
Có người không tin Trí Quang là tay chân
cuả CS, sau khi VC chiếm miền Nam, Trí Quang và đồng bọn không hề
lên tiếng về sự đàn áp tôn giáo, ngược đãi sĩ quan QLVNCH trong các
trại tù từ Nam ra bắc? Không hề biểu tình, không dọn bàn thờ ra
đường phản đối, không “tuyệt thực nhưng vẫn uống sâm”, không tự
thiêu, tự đốt, tự chặt tay chặt chân. Cũng không thấy ủy ban “tranh
đấu” cho tù nhân được đối xử nhân đạo hay “cải thiện” chế độ lao tù
thời CS.
Tất cả
chẳng qua là “nhiệm vụ” phá hoại miền Nam đã làm xong, gây chia rẽ
chính trị miền Nam đã hoàn tất. Cao Đăng Chiếm, và trùm khủng bố
Mười Hương tuân lịnh Phạm Hùng phải triệt hạ Trí Quang tức khắc, cô
lập và loại bỏ đám lâu la thân cận từ thời trước CS, bọn này đội lốt
tu hành (sic), cư sĩ hay “phật tử” để yểm trợ chiến dịch phá hoại
VNCH, mỗi tên bị theo dõi thường xuyên, giam lỏng. Kể cả Tri Quang,
không được ra khỏi chùa Già Lam, mọi hành động đều bị theo dõi.
Thêm một trường hợp trái chanh hết nước
phải vất thùng rác.
Danh sách bọn CS nằm vùng phá hoại VNCH
còn rất dài, lần hồi chúng tôi sẽ trình bày với bạn đọc, có chi tiết
bạn đã biết rồi, cũng có chi tiết bạn đọc chưa biết.
Mục tiêu chính yếu là rút ra một bài học
từ thất bại cuả VNCH.
Những người chống cộng ở mọi lứa tuổi, mọi
thành phần, có dịp suy gẫm thêm và không để CS lừa bịp lần nữa.
12/05/2020
Phan Nhật Nam
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: phong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by psxh chuyển
Đăng ngày Thứ Ba,
June 30, 2020
Ban kỹ thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang