Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
ký
Chủ đề:
Nha Trang
Tác giả:
Phạm Tín An Ninh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Nha
Trang lúc nào cũng đẹp, nhưng với tôi Nha Trang đẹp nhất ở vào cái
thời tôi mới lớn. Dường như lúc ấy biển xanh hơn, bầu trời trong và
bao la hơn, đã cho tôi nhiều mộng mơ hơn. Lúc ấy tôi chưa biết yêu
để hiểu được cái nghĩa thất tình nó ra sao, cái cảm giác “chết trong
lòng một ít” nó đau đớn đến dường nào; cũng chưa bước chân lên bến
đời để thấy cuộc đời này không phải chỉ toàn màu xanh của biển và
bầu trời trên đầu lại có quá nhiều những đám mây đen.
Ngày ấy, cũng đã có chiến tranh (quê hương
tôi thì lúc nào lại không có chiến tranh), nhưng dường như còn ở đâu
đó, xa lắm. Tôi chỉ biết người lính qua mấy anh SVSQ Hải Quân, Không
Quân oai phong tuấn tú trong những bộ quân phục đẹp, mới toanh,
thẳng nếp, dạo phố với tình nhân vào những ngày cuối tuần. Đâu có
biết người lính gian khổ, hiểm nguy và chết chóc ra sao. Khi ấy,
Trịnh Công Sơn cũng chỉ mới viết được đôi ba bài tình ca, chưa có
bản nhạc phản chiến nào, Những bản nhạc viết về lính lúc ấy cũng dễ
thương, hiền lành và lãng mạn lắm, chưa hề nghe Kỷ Vật Cho Em. Ngày
Mai Đi Nhận Xác Chồng, Anh Không Chết Đâu Anh, Người Ở Lại
Charlie... nên cũng chưa biết tiếng khóc não nùng của những người
góa phụ.
Những
chuyện xảy ra trong thành phố thời ấy hấp dẫn tôi và đám bạn bè hơn.
Chuyện bà (vợ ông) bác sĩ, một mệnh phụ gốc Hà thành nhan sắc mà mỗi
lần trông thấy bà ngoài phố, chúng tôi đứng lại tròn mắt trầm trồ
như đang được chiêm ngưỡng một pho tượng đẹp trong viện bảo tàng.
Chuyện của một bà dược sĩ, có tình nhân là một ông đại úy phi công
rất bô trai. Mặc dù bà có chiếc xe hơi thể thao “trọc mui” duy nhất
ở thành phố biển này, nhưng bọn tôi thường thấy ông phi công đèo bà
sau chiếc Vespa chạy lòng vòng trên đường Duy Tân, Độc Lập. Cuộc
tình lãng mạn ấy rồi cũng đi vào ngõ rẽ. Bà dược sĩ trở thành phu
nhân của một ông tướng nổi danh, còn chàng phi công hào hoa thì rước
về dinh một cô ca sĩ chuyên hát những bản nhạc buồn... vào hồn không
tên... nào đó. Và “đình đám” nhất là chuyện tình của thầy tôi và một
cô học trò. Ông thầy mà bọn tôi thường gọi là “thầy của những ông
thầy khác” và rất mê nghe ông đọc những bài thơ tình lãng mạn của
mấy ông Alphonse de Lamartine, Charles Beaudelaire, Jacques Préver
trong giờ Văn học sử Pháp. Còn cô học trò cũng rất tài ba, từng có
bài luận văn dài gần 20 trang giấy được giáo sư nổi danh Thạch Trung
Giã cho điểm tối đa và đọc cho cả mấy lớp cùng nghe. Không biết có
phải nhờ vòng tay ông thầy của tôi mà sau này cô trở thành nhà văn
nổi tiếng với tác phẩm cũng bắt đầu bằng hai chữ Vòng Tay... Một ông
thầy khác mê đến si tình cô học trò “hoa khôi” Võ Tánh, đóng vai
Trưng Trắc trong buổi lễ Hai Bà Trưng. Những nữ sinh được chọn đóng
vai Trưng Trắc, Trưng Nhị thời ấy đều là những mỹ nhân “vang bóng
một thời”.
Thời
ấy dường như chiến tranh còn ở đâu đó, chưa tới Nha Trang, nhưng Nha
Trang lại là nơi có ba quân trường nổi tiếng. Trung Tâm Huấn Luyện
Hải Quân đã đào tạo hầu hết những sĩ quan Hải quân ưu tú. Trong số
ấy có rất nhiều đồng môn của bọn tôi ở Trường Võ Tánh, một số đàn
anh trở thành những hạm trưởng: Trần Đức Cử, Phạm Đình San, Võ Quang
Thủ, Phan Hữu Niệm, Võ Văn Bảy... Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân
đào tạo hầu hết những phi công tài hoa của đất nước, trong số này
cũng có rất nhiều cựu học sinh Võ Tánh. Sau này có người lên đến cấp
tướng. Trường Đồng Đế, đào tạo hầu hết các hạ sĩ quan cho Quân Lực
và những khóa sĩ quan hiện dịch, mà một người sĩ quan tốt nghiệp
Khóa 2 đã trở thành một vị anh hùng trong lòng bao người dân Việt
tha phương: Đại tá Hồ Ngọc Cẩn. (Xa hơn một chút là Huấn Khu Dục Mỹ,
với các quân trường nổi danh không kém, được thành lập từ năm 1960.
Trường Pháo Binh chuyên đào tạo các sĩ quan có khả năng toán học,
làm “đề lô” và sau này trở thành các cấp chỉ huy của binh chủng
“nòng dài”, tạo sấm sét làm khiếp vía quân thù. Trung Tâm Huấn Luyện
Biệt Động Quân, được những người lính gọi là “Lò Luyện Thép”. Có
người còn gọi đùa là “Trung Tâm Tàn Phá Sắc Đẹp.” Một nơi huấn luyện
cho người lính chịu đựng gian khổ nhất, có khả năng vượt qua mọi
chướng ngại, để có thể chiến đấu trong những điều kiện khó khăn nguy
hiểm nhất.
Về văn
chương, ngoài một số nhà văn kỳ cựu như Quách Tấn, Cung Giũ Nguyên,
Thạch Trung Giã, Võ Hồng, lúc ấy có nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng
sớm từ những cô cậu học trò: Nguyễn Xuân Hoàng, Sao Trên Rừng
(Nguyễn Đức Sơn), Thanh Nhung (Tôn Nữ Nha Trang), Duy Năng (Nguyễn
Văn Trí)... Nếu tính cả những người từ các tỉnh lân cận đến học ở
Nha Trang thì còn có Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Thị Hoàng, Cao Hoành
Nhân, Từ Thế Mộng, Trần Hoài Thư, Dương Nghiễm Mậu, Sương Biên Thùy
(Lê Mai Lĩnh sau này)...
Thời đó, Nha Trang có cô ca sĩ Thúy Vân,
tuổi khoảng 14, 15, có ông bố phục vụ trong Lực lượng Bảo An Đoàn,
có tay trống Minh Châu số 1 của Ban Văn Nghệ Ty Thông Tin, sau này
cũng gia nhập Bảo An, làm sĩ quan Tâm Lý Chiến. Bọn tôi thường được
tham dự những đêm văn nghệ do Ty Thông Tin tổ chức, nghe ca sĩ Bích
Sơn hát bài Cô Gái Xuân và đóng kịch “Ông Ninh Ông Nang” với anh hề
Ngọc Trai. Được xem phim Chúng Tôi Muốn Sống, mê ông Lê Quỳnh đẹp
trai và bà Mai Trâm với má lúm đồng tiền và hai lọn tóc thắt “con
rít” thả xuống bờ vai.
Thời ấy cũng có rất nhiều cái tên “mỹ
nhân” truyền tai nhau trong đám học trò: Cẩm Vân, Bạch Yến. Như Bá,
Bích Tùng, Mỵ Cơ, Xuân Thùy, Hồng Nữ, Xuân Hoa, Bích Khuê, Như Ý,
Hồng Huê, Lệ Son, Mỵ Hảo... Và ngay trong lớp tôi cũng có những giai
nhân đã làm khuấy động trái tim của biết bao ông thầy và những đồng
môn, mà đến hôm nay vẫn còn được bàn cãi rất sôi nổi mỗi lần bọn tôi
có dịp gặp nhau kể lại chuyện xưa: Thúy Liệu, Minh Châu, Kim Anh,
Kim Thoa, Túy Ngọc, Như Bá... Đám bọn tôi cũng biết danh ông Lê Bá
Chẩn, không phải vì ông là phó tỉnh mà vì ông bà có mấy cô con gái
đẹp, từng đóng vai Trưng Trắc, Trưng Nhị. Và có lẽ không ai mà không
biết hiệu Đông Quang nằm bên tiệm chụp ảnh Mai Ngôn trên đường phố
Phan Bội Châu, bởi mỗi lần đi qua nhìn thấy chị Thuần Hậu, sắc nước
hương trời, ngồi bên một cái giá đựng đủ các thứ gươm đao thời Tam
Quốc (?)
Thời đó
Nha Trang có khá nhiều nhà sách, nhưng bọn tôi thường lui tới Nguyễn
Lê và Vĩnh An Thành, nơi nào cũng có cô con gái đẹp. Riêng Nguyễn Lê
thỉnh thoảng có mấy cô bán sách cũng làm điêu đứng đám học trò mới
lớn.
Nha Trang
lúc ấy có khá nhiều rạp ciné. Rạp Moderne của ông Bác Ái không hiểu
vì sao đóng cửa sớm. Rạp Tân Tiến thường chiếu phim Ấn Độ. Rạp Tân
Quang và Minh Châu thì thường có những đoàn hát cải lương – Dạ Lý
Hương, Kim Chung, Thanh Minh Thanh Nga. Rạp Thạnh Xương thì chuyên
hát bội. Chỉ có rạp Tân Tân và Tân Quang thường chiếu những phim
hay: Cuốn Theo Chiều Gió, Gió Đồng Nội, Vũ Điệu Trong Bóng Mờ, Mặt
Trời Vẫn Mọc, Lưới Tình Khó Thoát, Ben–Hur, The Vikings... Thời nổi
danh của các cô đào Vivien Leigh, Marylin Monroe, Brigitte Bardot,
Sophia Loren, Audrey Hepburn, Elizabeth Taylor, Gina Lolobrigida...
Thỉnh thoảng có các đoàn mô tô bay trình
diễn trong Sân Vận Động. Tôi không còn nhớ là trong số người đẹp
biểu diễn ấy có cô Bạch Yến, sau này trở thành ca sĩ, nổi tiếng với
nhạc phẩm Đêm Đông, theo chồng là ông nhạc sĩ Trần Quang Hải sang
Pháp, để cho ông nhạc sĩ Lam Phương sáng tác nhiều bài hát để đời
“Về làm
chi, rồi em lặng lẽ ra đi
Gom góp yêu
thương quê nhà
Dâng hết cho người tình xa!”
(Tình Bơ Vơ)
“Người từ
ngàn dặm về mang nỗi sầu
Nhịp cầu Ô Thước
tìm đến mai sau...”
(Thu Sầu).
Những giờ nghỉ học, bọn tôi đạp xe thơ
thần trên con đường Duy Tân, con đường đẹp nhất của Nha Trang, ngồi
dưới mấy lùm dương, ngắm biển xanh mà nói chuyện trên trời. Có một
đồng bạc đủ để mua một trái cóc khía ngâm đường của mấy người đẩy xe
bán dạo. Có khi trèo rào vào Viện Pasteur để hái trộm mấy trái tra.
Nha Trang diễm phúc có ông bác sĩ Yersin từ Pháp đến lập các viện
nghiên cứu y học, lập Viện Pasteur. Ông đã nằm lại với Nha Trang. Mộ
ông ở Suối Dầu và tên ông được đặt cho một trong những con đường
“thế giá” nhất Nha Trang.
Hồi ấy bọn con trai chúng tôi cũng thường
nghe nói đến các “băng”: Băng thằng Liên Xóm Mới, Băng Thằng Điền,
Băng thằng Quách Thanh, Băng Lò Heo... nhưng không biết các “băng”
này chọc trời khuấy nước ra sao, và những vị yên hùng này có giống
Điền Khắc Kim, Dũng Đa Kao được nhà văn Duyên Anh đem vào truyện hay
không? Nha trang cũng có những lò luyện võ của võ sư Trọng Đãi hay
Huỳnh Tiền gì đó, và dưới bờ biển có Judo Club của anh Hàn Phong
Cao, con ông chủ khách sạn Phụng Hoàng nằm trước ga xe lửa. Sau này
anh là thiếu tá Kỵ Binh Thiết Giáp và làm quận trưởng ở Phan Thiết.
Bọn tôi thường ghé lại các tiệm chè bên
cạnh Rạp Ciné Tân Tiến, một đồng một ly mà thấy mình sang lắm. Thỉnh
thoảng được cha mẹ thưởng cho ít tiền mới dám đến “kéo ghế” ở phở
Hợp Lợi, nem Mỹ Hạnh trên đường Trần Quý Cáp, mì Lợi Ký, sữa đậu
nành và Pate Chaud trên đường Độc Lập.
Ngày ấy đám con trai bọn tôi rất mê đá
banh. Nha Trang có đội Công Chánh với ông bầu Năm. Có vài lần thi
đấu ngang ngửa với các đội Thương Cảng, AJS Sài Gòn, gồm nhiều tuyển
thủ quốc gia, có thủ môn Phạm Văn Rạng vang tiếng một thời. Trường
Võ Tánh bọn tôi cũng có những cầu thủ nổi danh; các anh Lư Văn
Thành, Nguyễn Văn Sự, Ngô Lam... tham gia trong đội bóng.
Những ngày cuối tháng chạp, bọn tôi rủ
nhau dạo qua chợ Tết. Các gian hàng được bày ra ngay giữa lòng đường
Phan Bội Châu, từ trước nhà sách Nguyễn Lê cho đến ngã tư cuối chợ
Đầm. Bọn tôi thường đứng tán gẫu với cô bạn cùng lớp trông hàng cho
mẹ. Ở tuổi ấy, chúng tôi không còn nô nức chờ đón Tết như thời tuổi
thơ, lúc còn sống ở quê.
Nha Trang có chùa Hội Phật Học, nằm trên
Mã Vòng đường lên Thành. Cách đó không xa, bên sườn đồi có chùa Hải
Đức. Sau này trên đỉnh núi có xây tượng Phật khá lớn. Trước ngày
khánh thành, mấy ông VC nằm vùng treo sau lưng tượng Phật lá cờ đỏ
sao vàng thật to. Khi cảnh sát đến lấy xuống, bị nổ lựu đạn gài sẵn,
hình như có người chết hay bị thương. Tội nghiệp, chỉ có bọn người
man rợ mới lợi dụng cả tượng Phật để giết người. Trước đó, tại rạp
Tân Tiến, có lần VC ném lựu đạn làm chết và bị thương khá nhiều
người. Đó là hai lần bọn tôi biết được, người CS đã đem chiến tranh
và chết chóc đến trong lòng thành phố đẹp đẽ hiền hòa, khuấy động
cuộc sống hồn nhiên yên ả của bọn tôi.
Nha Trang có nhà thờ đá, có người gọi là
nhà thờ núi, vì nằm trên đỉnh đồi hướng ra Ngã Sáu, giữa góc đường
Gia Long – Phước Hải. Những đêm Giáng Sinh, dù không phải người Công
Giáo, bọn tôi cũng rủ nhau đến đây xem người ta đi lễ, mừng Chúa ra
đời. Sau đó kéo nhau về nhà một thằng nào đó ăn réveillon. Về sau,
trong đám bọn tôi có thằng mê một cô bé có đạo dòng, xinh như mộng,
bọn tôi thường nghe nó hát “lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng
con tin có Chúa ngự trên cao...” Cuối cùng nó cũng cưới được cô bé
và hai vợ chồng sống rất hạnh phúc cho đến bây giờ.
Đi về hướng Đồng Đế, qua khỏi cầu Xóm
Bóng, Tháp Bà Ponagar đứng trên đồi cao nhìn xuống dòng sông Cái
chảy lững lờ. Di tích của đế chế Chiêm Thành còn lại. Giờ là nơi để
nhiều người đến xin xăm, cầu nguyện một ân sủng từ bà Thiên Y Thánh
Mẫu Ana hiển linh nào đó. Cũng là nơi hẹn hò, thề non hẹn biển của
những cặp tình nhân vào những ngày vắng khách nhàn du.
Về hướng biển có Hòn Chồng, với dấu bàn
tay in trên tảng đá đã được thêu dệt thành nhiều huyền thoại, chứng
kiến lời hẹn thề của bao cặp tình nhân, và chắc chắn cũng từng thấm
đẫm nhiều nước mắt của những cuộc tình không trọn.
Nhưng trong tất cả các cái tên để nhớ, bọn
tôi nhớ nhất là tên của những ngôi trường; Lê Quí Đôn, Kim Yến,
Tương Lai, Văn Hoá, Đăng Khoa, Bồ Đề, Bá Ninh, Võ Tánh, Nữ Trung
Học... Ở mỗi ngôi trường, tôi đều có bạn bè những năm đệ nhất cấp.
Sau này hầu hết đều chuyển sang Võ Tánh. Ngôi trường công lập lớn
nhất và nổi tiếng ở vùng duyên hải miền Trung. Nơi ước mơ của đám
học trò, đặc biệt từ những vùng quê như bọn tôi thuở ấy.
Sau bậc trung học, đám bọn tôi tản mát
khắp nơi. Một số vào Sài Gòn, ra Huế hay lên Đà Lạt tiếp tực hoc đại
học, đa số nhập ngũ, vào các quân trường, rồi ra đi khắp bốn Vùng
Chiến thuật. Chiến tranh ngày càng khốc liệt cuốn chúng tôi theo như
cơn lốc xoáy. Kẻ chết, người bị thương. Những người may mắn còn sống
thì miệt mài ở các chiến trường khói lửa. Năm tháng chỉ còn có súng
đạn và mục tiêu trước mặt. Nha Trang, thành phố đẹp đẽ với những
hang động tuổi thơ một thời cũng đành bỏ lại phía sau lưng. Có còn,
chỉ trong vài phút giây hồi tưởng. Rồi ước mơ trở về sống với Nha
Trang sau chiến chinh, khi giã từ vũ khí, lại đến trong đớn đau tức
tưởi. Cuối tháng 3/75, cộng sản chiếm Nha Trang, phủ lên thành phố
này cả một trời tóc tang buồn thảm. Nha Trang không còn đẹp, thơ
mộng. Và không còn là của chúng tôi. Bọn tôi phải ra đi, đành lòng
bỏ lại Nha Trang. Thành phố đẹp đẽ suốt một thời tôi mới lớn, mãi
mãi chỉ còn trong ký ức.
Những người đặc biệt tôi đã nhắc tên. Một
số đã mất, người còn lại thì hầu hết đang sống tha phương, nhưng có
lẽ bây giờ tóc ai cũng bạc. Tôi may mắn được gặp lại vài người. Ai
cũng tiếc nuối một thời đẹp đẽ, dễ thương của chính mình, của bạn bè
và của cả Nha Trang, xót xa cho một quê hương bỏ lại, giờ vẫn còn
khốn khổ dưới bàn tay của những người cộng sản đang học đòi làm
những tên trùm tư bản, trên máu và nước mắt của dân tôi, của những
người Nha trang hiền hòa dễ thương ngày trước.
Phạm Tín An Ninh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by nghiangoc trinh chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy,
October 23, 2021
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang