Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
bút
Chủ đề:
Sankthans/Hè Na–uy
Tác giả:
Phạm Tín An Ninh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Từ ngày về hưu, sang sống với mấy cô con gái ở Cali,
mỗi năm cứ đến đầu mùa hè, vợ chồng tôi đều trở về Na–uy thăm con
cháu và mấy người bạn tù cùng vượt biển đến định cư ở xứ Bắc Âu
này. Ba năm rồi, vì dịch Covid–19, nên mãi đến hè này, chúng tôi
mới về lại được.
Tháng sáu, trời Na–uy nắng đẹp. Ban
ngày không nóng lắm, về đêm không khí càng se lạnh nhưng gần như
không bao giờ tối, nửa đêm vẫn còn le lói ánh mặt trời. Na–uy
được gọi là “Vùng Đất Mặt Trời Lúc Nửa Đêm” hay xứ Bạch Dạ (Đêm
Trắng). Đặc biệt vào tiết Hạ chí, ngày 23 tháng 6, có thể nói đó
là một ngày không có ban đêm, mặt trời lặn lúc 12 giờ đêm và mọc
lên lại lúc 2 giờ sáng, cũng là ngày dài nhất trong năm. Người
Na–uy gọi buổi tối đặc biệt này là Sankthans. Và theo tập tục,
người ta thường kéo nhau ra ngoài trời đốt lửa, ăn uống múa hát
cho đến 3, 4 giờ sáng.
Về lại đây đã hơn mười ngày rồi mà
người tôi vẫn còn vật vờ, ngủ gà ngủ gật, vì qua một chuyến bay
khá dài, múi giờ lại khác nhau đến chín tiếng đồng hồ, nên cứ nằm
dài trên phòng khách xem các trận quần vợt và bóng tròn tranh
giải Âu châu.
Bất ngờ tiếng chuông cửa reo. Một ông bạn già láng giềng người
bản xứ khá thân đến rủ tôi ra ngoài vui chơi cùng với gia đình
anh và một số người bạn láng giềng khác. Anh ta vỗ vai tôi đùa:
– Ông bỏ Na–uy đi lâu quá rồi, giờ thì
phải ra trình diện bà con. Hôm nay là Sankthans của Na–uy đấy.
Nhiều người cứ tưởng ông quên luôn cái đất nước nhỏ bé đã từng
cưu mang gia đình ông rồi đấy!
Định tìm cách từ chối, nhưng nghe anh
ta nói đùa câu này, tôi thấy hơi chột dạ, hơn nữa cũng muốn gặp
lại mấy người láng giềng tốt bụng dễ thương đã từng sống gần họ
hơn mấy mươi năm, tôi vội khoác chiếc áo gió đi theo anh ta, mang
theo một thùng bia Heineken và dúi vào tay anh ta một chai rượu
đỏ của cậu con trai vừa mới biếu.
Trên một bãi cỏ khá lớn nằm ngay phía
sau khu chung cư, bên một triền đồi, đã có đông người, chia thành
nhiều nhóm già, trẻ với những lò nướng và các cây đàn guitar, bên
ánh lửa bập bùng.
Mấy người láng giềng gặp tôi ai cũng
mừng, bắt tay hỏi han đủ chuyện. Từ chuyện ông Donald Trump đến
chuyện giá xăng dầu và cả chuyện súng ống giết nhiều đứa học trò
bên Mỹ. Có người còn nhắc cả chuyện người gốc Á bị kỳ thị và hỏi
tôi có từng bị dọa nạt, đánh lén bao giờ chưa. Điều này đã làm
tôi có chút áy náy, bởi ở Na–uy không hề có hiện tượng tồi tệ ấy
bao giờ.
Uống
xong lon bia, người nóng lên, tôi đứng lên đi dạo một vòng sang
các nhóm khác. Bất ngờ nghe có tiếng đàn dạo bài Hạ Trắng của
Trịnh Công Sơn, điều khá lạ ở một nơi hầu hết là người bản xứ,
nên tôi thử tìm đến đó. Một chàng thanh niên Na–uy đang ngồi đánh
đàn bên cạnh một cô gái Á châu. Tôi đoán ngay cô ta là người
Việt. Bước lại gần hơn với chút tò mò, trong ánh lửa tôi nhận ra
người quen, nhưng không phải cô gái Việt nam mà là chàng thanh
niên Na–uy, hơn nữa đó lại là một người đã từng có với tôi nhiều
kỷ niệm khá đặc biệt, lý thú. Chờ tiếng đàn kết thúc, tôi vỗ tay
đúng lúc anh ta cũng vừa nhận ra tôi. Anh đứng lên vồn vã bắt tay
và giới thiệu tôi với cô gái:
– Đây là ông thầy của anh! Thầy dạy
lịch sử chiến tranh Việt nam! Anh vừa nói vừa đùa.
Khi cô gái còn đang ngạc nhiên, chưa
kịp chào tôi, anh ta cười khoe với tôi:
– Còn đây là bà chủ của tôi!
Sau đó anh đưa tay chỉ hai đứa con nhỏ
đang nắm tay nối vòng tròn trong một đám con nít, phía trước, rồi
hỏi:
– Tôi có
nghe gia đình ông đã dọn sang Mỹ và cứ tưởng là ông ở luôn bên ấy
rồi chứ.
Tôi
cười:
– Không,
làm sao mà chúng tôi có thể quên đất nước Na–uy này được, nơi mà
chúng tôi đã xem như là quê hương thứ hai của mình.
Anh ta siết tay tôi thật chặt.
Từ khá lâu rồi tôi mới có dịp gặp lại
anh ta. Bởi chỉ sau ba năm đến định cư và ở trong khu chung cư
này, gia đình tôi đã dọn đi nơi khác khi mua được ngôi nhà lớn
hơn, đầy đủ chỗ ở và sinh hoạt cho sáu đứa con. Mãi khi tất cả
các cháu đã đi học xa, chúng tôi mới trở lại nơi này, mua một căn
chung cư nhỏ gần bên nhà cũ, vì vẫn còn lưu luyến với khá nhiều
kỷ niệm của những ngày mới đến, và đặc biệt là một số bạn bè cùng
những người láng giềng thân quen từ dạo ấy.
Thời gian còn ở trại tị nạn Bataan, Phi
Luật Tân, tôi may mắn được học thêm một số giờ đặc biệt về ngôn
ngữ Na–uy để giúp làm phụ giảng và thông dịch cho các thầy cô
giáo, nhờ vậy mà khi mới đến Na–uy tôi đã có được một chút vốn
liếng ngôn ngữ đặc biệt lạ lẫm này, tuy chưa thông thạo lắm. Cuối
tháng 5/1985, ngày đầu đến định cư tôi được một nhóm phóng viên
truyền hình của đài NRK đến tận nhà phỏng vấn. Biết tôi từng là
một người lính miền Nam nên họ hỏi khá nhiều về chiến tranh và
những năm tháng bị tù đày. Nghe họ ví von mình như là những người
anh hùng Na–uy chiến đấu giữ nước, nhưng bị Đức Quốc Xã bắt cầm
tù trong các trại khổ sai thời Đệ Nhị Thế Chiến mà tôi thấy
ngượng ngùng, bởi vì dù gì mình cũng là người lính bại trận,
không giữ được lời thề và cả giang sơn để giờ phải lưu lạc đến
đây cùng với cả gia đình, và ít nhiều gì, với họ chúng tôi cũng
là những cành tầm gởi.
Nhưng không ngờ chính chương trình
phỏng vấn này đã đưa tôi đến một cái nghề bất đắc dĩ trong lúc
tôi đang tạm làm thông dịch cho Phòng Xã Hội và chờ theo học một
ngành chuyên môn để xin việc làm chính thức.
Tôi được bà Trưởng phòng Tỵ Nạn Thị Xã
giới thiệu một cặp vợ chồng người Na–uy. Ông chồng là thầy giáo
một trường trung học tại địa phương và bà vợ là y tá. Ông bà xem
chương trình phóng sự, theo dõi cuộc phỏng vấn trên đài truyền
hình, không hiểu từ đâu, nhận ra ở tôi có những tố chất nào đó để
có thể giám sát, kiềm hãm và làm thay đổi cái tính khí bất thường
như một tâm bệnh của đứa con trai gần 15 tuổi của họ: hiếu động,
nóng nảy, thích gây gỗ và bất cần, đôi lúc còn tự cào cấu vào
người, gây thương tích cho chính mình.
Nghe họ nói, tôi phì cười. Tôi đâu phải
là một nhà tâm lý học. Hơn nữa thuốc để chữa được bệnh tâm lý
chính là ngôn ngữ, mà tiếng Na–uy của tôi đang ở trong tình trạng
ăn đong thì làm nên trò trống gì đây. Tôi mỉm cười, lắc đầu trước
khi trình bày với họ những suy nghĩ ấy. Nhưng ông bà và cả bà
Trưởng phòng Tỵ Nạn cứ khuyên khích, bảo tôi nên làm thử và hứa
hẹn một khoản thù lao khá hậu hĩnh trong khi mỗi tuần chỉ cần làm
việc ba tiếng đồng hồ vào hai ngày cuối tuần. Họ tin là tôi sẽ
giúp được, vì cậu con trai của họ cũng tỏ ra thích thú và đang
tìm hiểu về tôi sau khi theo dõi cuộc phỏng vấn. Tôi ái ngại nhận
lời, nhưng không dám hứa bất cứ điều gì, và cũng sẽ không nhận
tiền thù lao. Xem như là dịp để tôi trau dồi thêm ngôn ngữ Na–uy.
Trước khi đến nhận việc, tôi hỏi kỹ ông
bà hơn về những điều đặc biệt mà cậu con trai thường làm và sở
thích của cậu ta. Ông bà cho biết cậu bé từng yêu một cô gái lớn
hơn nhiều tuổi, là một sĩ quan trong quân đội hoàng gia Na–uy,
chị của một thằng bạn học mà cậu ta bất ngờ găp được trong một
đêm Hạ Chí (Sankthans). Tất nhiên cậu ta không những bị cô gái từ
chối mà còn thương hại, dạy dỗ vài bài học, vì đây chỉ là tình
yêu mê muội theo kiểu “Aimez–vous Brahms”. Từ đó cậu ta thất tình
bất mãn, rồi đổi hẳn tính nết: xa lánh bạn bè, ngoài giờ học chỉ
đóng cửa ở trong phòng, thích làm anh hùng, mê xem phim chiến
tranh, thích mặc quân phục, mang kiếm, huy chương và chơi các
loại súng giả, bằng nhựa. Các loại đồ chơi này bị cấm tại Na–uy,
nhưng cậu ta tìm mua khi có dịp đi du lịch ở các nước Âu châu
khác.
Ngày đến
nhận việc, để làm quen, tôi mang đến biếu cậu ta một bộ quân
phục, giây nịt “TAB” và cái bi đông quân đội, tôi mua được trong
một tiệm bán đồ cũ. Có lẽ đã được bố mẹ giới thiệu trước, nên khi
thấy tôi cậu ta đứng nghiêm đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh.
Điều đầu tiên tôi khá ngạc nhiên vì với tuổi gần 15, nhưng cậu ta
trông cao lớn như một thanh niên đã trưởng thành. Tôi thoáng thăm
dò trước khi đưa tay lên chào lại và bắt tay cậu ta.
Ngược với ước đoán của tôi, cậu chẳng
tỏ ra thích thú gì với mấy món quà tôi tặng. Xem lướt qua xong,
cậu vất trên chiếc ghế bành, nhíu mày:
– Mấy thứ này đã lỗi thời, của mấy ông
lính già còn sót lại từ thời đệ nhị thế chiến!
Tôi cười:
– Trong quân đội, những người lính già,
càng thâm niên càng được kính trọng, chứ nhiều chàng lính sữa
thích ra vẻ oai phong nhưng ra chiến trường, nghe tiếng đạn bom
thì nhát như thỏ đế!
Nói xong, tôi chờ đợi và đề phòng một
phản ứng, nhưng bất ngờ cậu cúi xuống, hỏi:
– Nghe ông ở trong quân đội và đánh
nhau tới mười năm, bị thương mấy lần rồi?
– Khoảng ba bốn lần, nhưng chỉ hai lần
còn mang thương tích. Tôi vừa trả lời vừa vạch áo và ống quần chỉ
cho cậu ta xem vết sẹo còn trên bụng và dưới ống chân.
Cậu ta chăm chú nhìn, đưa tay sờ trên
từng vết sẹo, rồi đột ngột hỏi:
– Ngày đó chắc ông đánh giặc chì lắm,
là một hero?
Tôi phì cười, lắc đầu, cố gắng tìm những từ ngữ đã học được và
nói thật chậm để cậu ta có thể hiểu được:
– Không, tôi chỉ là một sĩ quan bộ binh
bình thường. Những đồng đội đánh giặc giỏi của tôi thường là
những hạ sĩ quan hoặc khinh binh, và đa phần họ đã tử trận hết
rồi. Anh hùng thực sự là những người nằm xuống ở chiến trường.
Còn sống như tôi thường không thể là anh hùng, có khi còn hèn
nữa, nhất là khi bị địch cầm tù!
– Đơn vị ông chắc luôn chiến thắng và
tạo nhiều chiến công?
– Đúng là chúng tôi đã chiến thắng hầu
hết trên chiến trường, kể cả những trận chiến ác liệt nhất, nhưng
rồi phải thua trận cuối cùng, khi chúng tôi không còn đủ đạn dược
và điều kiện để phản công và lực lượng địch lúc ấy gấp chúng tôi
từ 5 đến 10 có khi 20 lần. Vì vậy tôi mới có mặt ở đây.
– Nhưng đọc trên báo chí, thấy hầu hết
những tướng lãnh của ông đã bỏ chạy sang Mỹ trước ngày mất Sài
Gòn?
– Đúng,
có một số đã làm như vây trong hoàn cảnh tuyệt vọng, nhưng cũng
có nhiều tướng lãnh đã chiến đấu tới giờ phút cuối cùng để rồi 5
vị tuẫn tiết cùng với nhiều sĩ quan và binh sĩ khác, và hơn 30
tướng lãnh khác đã bị CS cầm tù cùng với chúng tôi, hơn 15, 18
năm. Cậu có biết điều này?
Có lẽ từng xem một vài phim chiến tranh
Việt nam do Mỹ hay các nước Âu châu thân Cộng thực hiện, hoặc
nghe ông thầy dạy sử nào đó lếu láo trong lớp, cậu ta tỏ ra hiểu
biết:
– Tại
các ông theo Mỹ, mà người dân Mỹ đâu có ủng hộ cuộc chiến tranh ở
đó, vì đó là một cuộc xâm lăng, phi nghĩa. Các ông thua là phải.
Tôi cười:
– Cậu cũng chịu khó theo dõi chiến
tranh trên quê hương tôi đấy chứ. Thôi thì cứ tạm cho là như vậy
đi. Chuyện này phức tạp lắm, hơn nữa tôi cũng chưa đủ ngôn ngữ để
giải thích cho cậu bây giờ. Từ từ rồi chúng ta bàn luận tiếp. Tôi
chỉ tạm xác nhận trước một điều, trong suốt cuộc chiến ấy, chúng
tôi vẫn xem Mỹ là một đồng minh chiến đấu cho Tự Do, giúp chúng
tôi bảo vệ miền Nam, mặc dù không ưa cái cách đồng minh kẻ cả của
họ. Riêng quân đội miền Nam chúng tôi chưa bao giờ đánh ra miền
Bắc, chưa hề gây thương tích hay chết chóc cho bất cứ một người
dân miền Bắc nào, ngược lại chúng tôi chỉ chống đỡ các lực lượng
của CS Bắc Việt xâm nhập, tấn công miền Nam dưới sự hỗ trợ đắc
lực của Nga, Tàu và khối CS, giết hại hàng vạn người dân và phá
hủy biết bao nhiêu công trình xây dựng, kinh tế của chúng tôi.
Như vậy, kẻ xâm lăng chắc chắn không phải chúng tôi!
Cậu ta gật gù, im lặng.
Đúng là cậu bé mê chuyện chiến tranh và
thích làm người hùng, nhưng may mắn là không tôn thờ, sùng bái
Hitler như một số thiếu niên Bắc Âu thời ấy. Những ngày làm việc
của tôi sau đó cũng chỉ kể lại các trận đánh và những năm tháng
tù ngục. Tôi đưa cho cậu ta xem hình ảnh dã man trong Cải Cách
Ruộng Đất, Tết Mậu Thân tại Huế, với các hố chôn người và đặc
biệt là hai vợ chồng bác sĩ người Đức bị CS giết chết, Tôi cũng
cho anh ta xem hình ảnh Đại Lộ Kinh Hoàng và chiến trường An Lộc,
Quảng Trị để cậu ta thấy cái khủng khiếp của chiến tranh và tội
ác của những người cộng sản. Tôi cũng kể chuyện của chính tôi đã
từng đối xử nhân đạo với những tù binh cộng sản bị đơn vị tôi bắt
ở An Khê, Kontum như thế nào, khi cậu ta hỏi tôi về nhà tù Côn
Đảo mà cậu đã đọc trên các báo thân cộng tại Thụy Điển tuyên
truyền.
Có lần
cậu ta thắc mắc, tại sao cộng sản miền Bắc Việt Nam gây chiến
tranh và chết chóc như thế mà lại được ông Thủ tướng Olaf Palme
của Thụy Điển hết lòng ủng hộ, ông từng tuyên bố, nếu bất cứ
người lính Mỹ nào phản đối chiến tranh Việt Nam, đào ngũ khỏi
quân đội, ông sẵn sàng nhận và trợ cấp cho sang sống ở Thụy Điển.
Tôi cười, bảo là cộng sản rất giỏi tuyên truyền, nên đâu chỉ có
ông Palme, mà còn nhiều người Âu châu khác, trong đó có Na–uy,
tin và ủng hộ. Thậm chí, ngay cả một số trí thức và thầy tu, linh
mục ở miền Nam chúng tôi, cũng bị lừa gạt, say mê đi theo họ, để
rồi sau này hầu hết đã hối hận, nhiều người quay lại chống chính
quyền CS hoặc bỏ trốn ra khỏi nước.
Tôi cố giải thích:
– Cậu thấy có nước cộng sản nào mà
người dân thực sự có tự do hạnh phúc không, có người dân Tây Đức
nào trốn sang Đông Đức mà ngược lại đã có hàng triệu người Đông
Đức đã tìm đủ cách để vượt thoát sang Tây Đức bất chấp cả cái
chết và sự tra tấn tù đày nếu chẳng may bị bắt?
Để câu ta trầm ngâm vài giây, tôi nói
tiếp:
– Tôi
đoan chắc với cậu, là chỉ trong một thời gian không lâu nữa là
bức tường Bá Linh bị chính người dân Đông Đức giật sập để chỉ có
duy nhất một nước Đức không Cộng sản.
Cậu ta vẫn không ngước lên, hỏi:
– Thế thì còn Liên Xô?
– Liên Bang Xô Viết, cái thành trì của
chủ nghĩa Cộng sản này cũng đang có những dấu hiệu sụp đổ, chắc
theo dõi tin tức cậu cũng biết.
Cậu ta nhếch môi cười rồi hỏi tôi có
muốn dùng một ly cà phê. Tôi gật đầu cám ơn. Khi mang ly cà phê
và một đĩa bánh táo đến để trước mặt tôi, cậu vừa mời vừa hỏi bất
chợt:
– Hơn
mười năm tác chiến, chắc ông đã giết rất nhiều địch quân?
Đắn đo một vài giây, tôi ôn tồn:
– Chính tay tôi thì không, nhưng đơn vị
do tôi chỉ huy thì tất nhiên là có, còn nhiều bao nhiêu thì không
ai biết được. Nhưng điều này không hề làm cho tôi hãnh diện hay
sung sướng gì đâu, mà trái lại, nhiều lúc còn là nỗi ám ảnh và
đau xót, bởi vì họ cũng là những con người, hơn nữa lại là người
cùng dòng giống với chúng tôi. Cái chết của họ cũng đau đớn như
những cái chết của đồng đội dưới quyền tôi. Nhưng cậu cũng hiểu
rằng, điều đau lòng đó là do chiến tranh mà chúng tôi chỉ là
những người muốn tự vệ, miền Nam chúng tôi chưa hề gây chiến.
Thấy cậu ta tỏ vẻ ngạc nhiên với một
chút xúc động, tôi xuống giọng:
– Vì vậy, là một người từng trải qua
chiến tranh, một cuộc chiến khốc liệt và đau xót nhất, tôi thành
thật khuyên cậu đừng bao giờ mơ tưởng trở thành một người lính
chỉ để đi chém giết nhau. Cậu rất may mắn được lớn lên trong một
đất nước thanh bình như Na–uy để những thế hệ thanh niên như cậu
không phải bị vướng vào nỗi ám ảnh như tôi. Theo tôi, cái chiến
thắng vĩ đại đáng hãnh diện nhất của một quốc gia chính là không
cần phải chiến thắng, không cần phải chém giết ai cả. Mấy vết
thương mà cậu đã nhìn thấy trên người tôi đã thành sẹo tự lâu rồi
nên không còn đau đớn gì, nhưng riêng nỗi ám ảnh xót xa ấy vẫn cứ
còn âm ỉ mãi trong lòng tôi, và buồn thay đó là điều duy nhất còn
lại sau hơn mười năm tôi đi làm lính chiến.
Cậu ta trầm ngâm giây lát rồi đứng lên
im lặng nắm tay tôi.
Không biết cậu ta có thay đổi được điều
gì không, nhưng sau đó cậu trở thành bạn của mấy đứa con tôi, từ
khi ba cháu lớn vào học chung trường với cậu và ông bố lại là
thầy dạy môn quốc văn Na–uy và tiếng Tây Ban Nha. Về sau này, khi
chúng tôi dọn về nhà mới gần bờ sông Nitelva, có vài lần cậu ta
xuống thăm, mang theo chiếc thuyền bằng cao su (loại bơm hơi), rủ
mấy đứa con tôi cùng đi dạo, câu cá dọc trên sông.
Lần cuối cùng đến gặp tôi, khi nghe tôi
nói ba cô con gái lớn đã sang Mỹ và Anh học, cậu ta khá bất ngờ,
đứng thẫn thờ một lúc rồi chào tôi, cáo từ. Sau này, nghe các con
nói lại, dường như cậu ta “phải lòng” cô con gái kế của tôi,
nhưng cháu không để ý.
Từ đó, tôi không còn gặp cậu ta. Cho
đến một ngày cuối tháng 8 năm 1991, cậu bất ngờ đến tìm tôi, mang
biếu chúng tôi một thùng dâu tây, bảo là cách nay mấy hôm, khi
theo dõi việc Liên Bang Xô Viết tan rã, cậu ta bỗng nhớ tới tôi,
nên hôm nay đến gặp để nhắc là lời ước đoán ngày xưa của tôi đã
đúng. Anh ta gật gù:
– Ông đúng là một người lính già và
nhiều kinh nghiệm.
Tôi cười:
– Nhưng lại là một người lính bại trận.
Còn chuyện Liên Xô tan rã thì cả thế giới này ai cũng đoán trước
được, chứ đâu phải riêng tôi!
Cậu ta lắc đầu cười, bảo sẽ nghiên cứu
thêm về cuộc chiến Việt nam, và nhất định sẽ sang Việt Nam tìm
hiểu về đất nước này cùng với hậu quả cuộc chiến mà tôi từng kể
cho cậu ta nghe.
Cậu cũng cho biết là hiện đang theo học
về ngành dầu hỏa tại đại học Stavanger, một tỉnh cực nam Na–uy.
Cha mẹ thì đã ly dị, ông cha trở về quê cũ ở cố đô Bergen và đã
có người tình mới, bà mẹ cùng cô em gái vẫn còn ở chỗ cũ, thỉnh
thoảng anh có về thăm.
Đêm nay, hơn 30 năm sau, bất ngờ gặp
lại cậu, cũng trong một đêm Hạ chí Sankthans, khi cậu ta đã là
một trung niên, còn tôi thì mái đầu bạc trắng. Gặp lại cậu, tôi
cũng vui và xúc động. Đặc biệt thấy có chút gần gũi hơn khi biết
cậu có vợ Việt Nam và dạo đàn thành thạo bài Hạ Trắng, cho dù từ
khá lâu rồi tôi không còn thiện cảm với người sáng tác bài ca hay
đó nữa.
Uống
cạn thêm hai lon bia để mừng cho cuộc trùng phùng và cho cả mối
lương duyên khá đặc biệt của vợ chồng cậu, tôi bắt tay từ giã sau
khi nhận lời mời gặp lại hai ngày sau đó tại nhà mẹ cậu, trước
khi vợ chồng trở về lại nhà ở thành phố Stavanger.
Bà mẹ vẫn còn nhớ tôi và đón tiếp khá
niềm nở, hỏi thăm về đời sống của gia đình tôi và các con. Cậu kể
cho tôi nghe thời gian hơn ba năm theo Statoil (công ty dầu hỏa
Na–uy) sang làm việc ở Việt Nam, cậu có nhiều dịp đi đó đây để
tìm hiều về cuộc chiến Việt nam. Cậu may mắn làm quen với một cụ
già, vốn là giáo sư đại học miền Nam, giờ phải giúp đứa cháu nội
trong một sạp bán sách cũ và các loại quà lưu niệm, ở vỉa hè. Ông
thông thạo cả Anh, Pháp ngữ, hiểu biết khá nhiều về tình hình
trên thế giới và đặc biệt về cuộc chiến Việt nam. Ông bảo cậu,
nếu thấy bất cứ người tàn tật nào lây lất bên đường, thì đó có
thể là một thương binh của miền Nam lúc trước, bị chế độ này kỳ
thị, đuổi xô, ruồng rẫy. Và cũng nhờ ông mà cậu ta biết chút ít
tiếng Việt.
Nghe theo lời ông, nên mỗi khi trông thấy một người tàn phế nào
lê lết đi bán vé số hoặc ôm đàn ca hát để xin giúp đỡ từ lòng yêu
thương của khách qua đường, cậu ta đều tìm đến hỏi thăm, biếu cho
chút tiền, thực phẩm hay đồ dùng cần thiết. Một hôm, cậu gặp một
người đàn ông già, chỉ còn một cánh tay và một chân, chống nạng
phụ giúp cô con gái trong một quán cà phê nhỏ ở một vùng ngoại ô.
Tuy già nhưng tướng tá còn phương phi, nói tiếng Anh khá thạo.
Cậu ta làm quen và biết ông cũng là một sĩ quan miền Nam lúc
trước, từng theo học một vài khóa tham mưu tại Hoa Kỳ, tính tình
thẳng thắn nhưng rất lịch sự. Sau này cậu ta trở thành con rể của
ông. Cô vợ mà tôi gặp trong buổi tối Hạ chí Sankthans hôm ấy, là
con gái duy nhất của ông, khả ái, thông minh và hiếu học. Được
chồng bảo lãnh sang Na–uy một thời gian, cô đã lấy bằng
Bioingeniør (xét nghiệm máu) và hiện làm việc trong một bệnh
viện.
Qua nói
chuyện, tôi biết thân phụ cô nguyên là một vị thiếu tá thuộc Sư
Đoàn 5 BB, bị thương trong trận An Lộc. Mẹ đã mất khi cô vừa tròn
hai tuổi. Sau khi sang định cư tại Na–uy, cô đã làm hồ sơ bảo
lãnh nhưng ông từ chối, chỉ muốn sống hết phần đời còn lại ở quê
nhà. Ông cũng đã mất hơn ba năm trước.
Khi chia tay, cậu ta bắt tay rồi ôm lấy
tôi:
– Tôi có
được cô vợ Việt Nam và hạnh phúc như hôm nay là nhờ ông, nhờ tôi
bất ngờ thấy ông trong cuộc phỏng vấn của đài NRK trong ngày ông
và gia đình vừa mới đến định cư. Và may mắn, cũng nhờ có đêm
Sankthans hôm rồi mà gặp lại nhau.
Tôi cười, đùa:
– Và cũng tại một đêm Sankthans nào đó
ngày xưa, cô sĩ quan Hoàng Gia trong bộ quân phục oai phong đã
làm cậu say mê rồi thất tình, muốn đi lính để làm người hùng, lại
là nguyên do đưa đẩy chúng ta quen biết đến hôm nay.
Bắc Âu, đêm Hạ chí Sankthans
23/6/2022
Phạm Tín An
Ninh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by phv chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, July 7, 2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang