Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
ghi
Chủ đề:
QH30–T4Đ
Tác giả:
Phạm Văn Duyệt
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tháng
Tư lại về. Ai mà không thoáng nhớ Sài Gòn. Nhớ miền Nam thân yêu
những ngày tháng chiến chinh. Nhớ lắm chuyện một thời tao loạn. Nhớ
xót xa, nhớ ray rứt, nhớ bồi hồi cảnh cũ người xưa.
Văng vẳng đâu đây những lời tâm tình cùng
chiến sĩ và đồng bào của Vị nguyên thủ quốc gia thời Đệ Nhị Cộng
Hòa. Những hình ảnh lúc Ông ra chốn tiền đồn thị sát mặt trận hay
vào bệnh viện thăm hỏi thương bệnh binh...
Mới đó mà đã nửa thế kỷ trôi qua. Thỉnh
thoảng vẫn có người nhắc nhở tên Ông. Thôi thì đủ cả. Kẻ chê bai
miệt thị lên án, người biện hộ bênh vực cảm thông.
Gần 10 năm chấp chánh, Ông đã bị tấn công,
chống đối, chửi bới từ nhiều phía, cả người trong nước, đồng minh
lẫn nhiều phe nhóm nghịch thù. Họ dùng mọi thủ đoạn gian manh bỉ ổi
để vu khống, bôi lọ nhằm hạ bệ, lật đổ Ông...
Cuối cùng, Ông đã ra đi trong ngậm ngùi,
chẳng còn cơ hội nào để giải bày, biện minh với công luận.
Có một số người hiểu chuyện, họ mạnh dạn
đưa ra những chứng cứ đáng tin cậy để phản bác luận điệu tuyên
truyền giả dối của bọn gian manh. Bài này cũng nằm trong chiều hướng
đó, chỉ mong làm sáng tỏ thêm về một số sự việc, nhằm đem lại điều
công bình lẽ phải cho một người từng bị bôi bác oan khiên.
A. Chuyện Tình với Ca sĩ Kim Loan:
* Tiểu Sử Ca sĩ Kim Loan:
Sinh năm 1949. Học nhạc từ Lò Nguyễn Đức
suốt gần 10 năm. Cùng thời với Hoàng Oanh, Thanh Lan, Thanh Phong,
Phương Hồng Quế, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Tâm, Phương Hồng
Ngọc... Tham gia hát trong chương trình của Ban Việt Nhi trên Đài
Phát Thanh Sài Gòn, trình diễn ca nhạc nơi tiền đồn. Nổi tiếng từ
năm 1966 với bài Căn Nhà Ngoại Ô của Nhạc sĩ Anh Bằng:
Tôi ở ngoại ô một căn nhà
xinh có hoa thơm trái hiền
Gần kề lối xóm
Có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn
Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu
Chưa nghĩ đến mai sau
Những đêm thức giấc
ngỡ ngàng
Nghe lòng thương nhớ biết răng
mình yêu
Tôi bước
theo tiếng gọi của người trai
Tha thiết với
tương lai
Tôi xa ánh sáng phố phường
Xa người em nhỏ lên đường tòng chinh
Là chinh nhân tôi bạn với sông hồ
Tình yêu em tôi nguyện vẫn tôn thờ
Và yêu
không bến bờ
Niềm tin là một ngày mai đất
nước chung một màu cờ.
Rồi hôm nao tôi về ghé thăm nàng
Ngoại ô đây con đường tắm trăng vàng
Mà sao
không thấy nàng
Tìm em giờ tìm ở đâu sao
không gắng đợi chờ nhau?
* Kim Loan trả lời phỏng vấn trên
Tạp Chí Văn Hóa số 115, tháng 8–9/2006,
https://music.quehuong.com:
– Nhà Báo: Thời Ông
Thiệu, Kim Loan từng nhiều lần vào trình diễn ca nhạc trong Dinh Độc
Lập, có phải thế không?
– KL: Thưa anh, năm ấy tự
nhiên có chuyện đồn, người ta nói đến Ông Tổng thống. Họ phao tin
Loan vào hát trong Dinh Độc Lập... Thực sự cho đến bây giờ Loan chưa
hề biết Dinh Độc Lập ra làm sao.
– Nhà Báo: Những năm
70 ở Sài Gòn có chuyện đồn. Tôi xin lỗi trước. Câu hỏi của tôi có
thể làm Cô khó chịu. Nhưng vì Cô vừa nói đến Ông Tổng thống nên tôi
mới hỏi. Người ta đồn Kim Loan được mời vào hát trong Dinh Độc Lập
nhiều lần và có chuyện tình cảm thân thiết với Tổng thống, chuyện đó
có không?
– KL: Như Loan đã nói, tự dưng người ta bày ra cái
chuyện kỳ cục đó. Loan chắc họ có ý muốn làm mất uy tín của Ông
Thiệu lúc ra tranh cử. Họ vu Ông mang tiếng lăng nhăng bồ bịch với
ca sĩ. Những nữ ca sĩ ở Sài Gòn thì họ đâu dám ghép với Ông ấy. Họ
lựa người đi ngoại quốc không cãi được để gán tội. Nếu năm ấy mà còn
ở Sài Gòn chắc Loan đã làm toáng lên rồi (cười...).
– Nhà Báo: Từ ngày
sang sống ở Đức, có lần nào Kim Loan gặp Ông Thiệu không?
– KL: Ông Thiệu thì Loan
không có gặp lần nào hết. Mà nói thiệt, nếu có gặp thì Loan sẽ hỏi:
Thưa Tổng thống, tôi không gặp Ông lần nào, tại sao lại có chuyện kỳ
cục như vậy?
Bị
oan, tức thì phải hỏi, chứ Loan biết là Ông cũng là nạn nhân của tin
đồn ác ý.
* Kim Loan trả lời phỏng vấn của Kịch Ảnh Magazine, số 9,
08/2000
– Tại sao đang thành công và được nhiều người ái mộ mà Cô lại bỏ
đi Tây Đức?
– KL: Ba má tôi muốn tôi đi ngoại quốc học, vì hồi
đó có phong trào du học, nhưng tôi không giỏi ngoại ngữ để xin đi Mỹ
hay Pháp nên đành chọn Đức quốc vì lúc đó xin du học tại Đức không
cần thi sinh ngữ.
– Cô nghĩ thế nào về lời đồn giữa Cô
và Tổng thống?
– KL: Không. Trăm lần
không, vạn lần không. Tôi không hề gặp Ông Thiệu. Nếu như đồn tôi
với một người dù bình thường mà trước kia tôi từng yêu thương, rồi
giờ đây người đó có ngồi xe lăn, bán thân bất toại, nằm chờ chết
như... Sĩ Phú thì tôi sẽ nhận là CÓ. Còn Tổng thống hay vua chúa mà
tôi chẳng hề quen biết thì suốt đời tôi vẫn nói là KHÔNG!
– Cô vừa nhắc đến Sĩ Phú. Vậy Cô có
liên hệ gì?
– KL: Hồi còn ở Việt Nam, tôi từng yêu thương Sĩ
Phú. Sau này khi cả hai đã lập gia đình thì chúng tôi trở thành bạn
thân.
*
“Hồi Ký về Sĩ Phú”, Ngọc Lan, 2014, Si Phu FOUNDATION
Người vợ là Ngọc Lan, kể lại lời Sĩ Phú
nói về Kim Loan:
“Cô ấy không có gì với Ông Thiệu hết. Tin đồn Bà Thiệu ghen vì
Cô có con với Ông, rồi tống Cô qua Đức là chuyện hoàn toàn bịa đặt,
dựng đứng trắng trợn một trăm phần trăm.”
“Từ cái thuở vừa biết yêu, Cô đã
đem lòng yêu thương anh tha thiết. Nhưng anh lúc nào cũng chỉ xem Cô
là người bạn tốt. Ông Thiệu chưa bao giờ có mặt trong cuộc đời Kim
Loan. Ông không có một dính dáng nào với Cô cả. Gia đình Cô không
muốn Cô lấy anh, vì chê anh là ca sĩ, nghèo, sợ Cô sẽ sa ngã với
anh, nên mới tìm cách tống Cô qua Tây Đức. Rồi Cô lấy chồng bác sĩ.
Em đừng bao giờ nghĩ Cô là bồ Ông Thiệu như bao nhiêu người khác đã
nghĩ, oan cho Ông và Cô ấy lắm!”
“Từ ngày quen biết tới giờ, anh chưa
lần nào có tình cảm không đứng đắn với Kim Loan cả. Cũng như Ông
Thiệu, Ông ta chưa bao giờ chạm được vào người Cô ấy, và Ông ta
đúng, khi đã nói là Ông không có một liên hệ nào với Kim Loan cả”.
B. Vụ 16 Tấn Vàng:
Tin đồn Ông Thiệu ra đi mang theo 16 tấn
vàng đã làm tốn hao bao nhiêu giấy mực của giới truyền thông trong
và ngoài nước hằng chục năm trời.
Ngay từ tháng 4/1975, các hãng thông tấn
và nhiều tờ báo lớn ở Mỹ cũng như tại Sài Gòn có đưa tin về vụ 16
tấn vàng do Tổng thống Thiệu đem ra nước ngoài khiến cho phát ngôn
viên chính phủ phải cực lực bác bỏ: “Hoàn toàn là tin bịa đặt, đầy
ác ý!”.
Rồi sau
khi Miền Nam mất, cả phía Mỹ lẫn Hà Nội vẫn tiếp tục loan truyền tin
tức thất thiệt này. Họ muốn thiêu rụi Tổng thống Thiệu, không cho
Ông ngóc đầu dậy. Họ nắm rõ trong tay hiện trạng kho vàng này. Nằm ở
đâu và số lượng bao nhiêu. Bằng chứng là làm sao Ông Thiệu rinh nổi
cả 16 tấn vàng qua phi cảng Đài Loan, chặng dừng chân đầu tiên trên
bước đường lưu vong. Riêng phía nhà cầm quyền cộng sản, ngay từ
30/04/1975, họ đã biết Ngân Khố Việt Nam Cộng Hòa còn lưu giữ 16 tấn
vàng. Thế mà Văn Tiến Dũng vẫn khẳng định trong hồi ký xuất bản năm
1976 là “Nguyễn Văn Thiệu đã ăn cắp 16 tấn vàng bạc của quốc gia và
đưa ra khỏi nước”.
Tiến Sĩ Lê Quang Uyển, Thống Đốc Ngân Hàng
Quốc Gia biết rành rẽ về chuyện này nhưng Ông bị bắt đi “cải tạo”
nên chẳng nói được gì. Còn Ông Huỳnh Bửu Sơn, người nắm giữ chìa
khóa kho vàng, sau khi kiểm kê đã cho biết toàn bộ sổ sách đều ăn
khớp, chẳng sai lệch một ly. Nhưng Ông phải thủ khẩu miệng bình, cố
giữ im lặng để còn được cho làm việc và khỏi bị tù tội.
Không thể che giấu mãi, đến tháng 4/2006,
báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài về câu chuyện 16 tấn vàng và đưa đến kết
luận: Ông Thiệu không hề tẩu tán vàng ra ngoại quốc. Thế là Tổng
thống được giải oan sau 25 năm bị tung hỏa mù, bôi tro trét trấu.
Tiếc thay, lúc đó Ông đã về với lòng đất Mẹ!
* “Nhân Ngày 30/04/1975:
Câu Chuyện về 16 Tấn Vàng”, Bùi Tín, 12/04/2012,
https://www.voatiengviet.com
Trưa 30/04/1975, trong phòng lớn Dinh Độc
Lập, có một người tới nói nhỏ với tôi: Thưa tôi là Nguyễn Văn Hảo,
Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế – tài chánh, có chuyện cần trình bày
riêng với các ông. Chúng tôi muốn nhờ ông báo ra ngoài đó là bọn này
đã giữ lại hơn 16 tấn vàng không để họ mang đi, hiện còn trong ngân
khố.
Ông Tín cho
rằng chính quyền cộng sản cố giữ thái độ ỡm ờ úp úp mở mở, với mưu
toan là để mọi người hiểu lầm, nghĩ xấu về Tổng thống Thiệu.
* 16 Tấn Vàng của VNCH đã được
Cộng sản Việt Nam Mang Nộp cho Liên Xô, 07/02/2015, rang nguyen,
groups.google.com
Tác giả rang nguyen nói rằng: Từ 1975, 40
tấn vàng đã được cộng sản Việt Nam bí mật chuyển sang cống nộp cho
Liên Xô, trong đó có 16 tấn của VNCH, còn lại là do cướp bóc từ nhân
dân miền Nam qua các chiến dịch đánh tư sản.
* “Thương Vụ Đặc Biệt – Bán Vàng”,
Quốc Việt, 10/04/2015,
https://tuoitre.vn
Ông Nguyễn Văn Dễ, Tổng Giám Đốc
Vietcombank, kể lại trong cuốn sách Lịch Sử Ngân Hàng Ngoại Thương
Việt Nam: “Sau 75 Việt Nam rất cần ngoại tệ để giải quyết những nhu
cầu cấp bách của quốc gia như mua lương thực, trả nợ quốc tế...
Nhưng lấy ngoại tệ ở đâu ra? Chỉ còn cách là bán vàng.”
Cuốn sách này có ghi lại: ngoài số không
đáng kể của miền Bắc, còn chủ yếu là vàng của Sài Gòn và các nguồn
khác. Sau phiên giao dịch đầu tiên với Liên Xô, mới biết các loại
vàng thỏi xuất xứ tại Việt Nam không thể tiêu thụ trên thị trường do
chính sách cấm vận của Mỹ, cho nên phải tái chế vàng theo tiêu chuẩn
Liên Xô. Tất cả hơn 40 tấn, trong đó có 16 tấn vàng thỏi tiếp quản
của ngân hàng VNCH. Ngay sau chuyến đầu tiên chuyển đi 4,455kg vào
ngày 1/12/1979, chính phủ Hà Nội đã vay nóng Liên Xô 100 triệu Mỹ
kim để thanh toán nợ đến hạn.
Điều oái oăm đáng buồn là có một số người
tị nạn vô tình xát thêm muối trên cơn đau của tổng thống lúc Ông
đang nói chuyện với đồng hương tại Mỹ. Qua nguồn tin xuyên tạc về vụ
16 tấn vàng của bọn nhà báo bất lương, họ hùng hổ hạch tội tổng
thống, với những câu hỏi chất vấn Ông trả lời rõ ràng về chuyện “ăn
cắp vàng”. Đâu biết rằng bị mắc mưu giặc thù, tiếp tay cho chúng hạ
gục Nhà lãnh đạo đất nước một thời. Họ quên mất lời nói bất hủ của
Ông: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng
sản làm”.
Với
những người ngây thơ nhẹ dạ cả tin đó, xin dành chút thì giờ tìm đọc
lại hai câu chuyện: Oan Thị Kính và Vợ Chàng Trương,
https://www.sachhayonline.com để cùng thương cảm cho những phận
người đen bạc hẩm hiu, từng bị vu oan giá họa đến nỗi tan nát cả
cuộc đời.
Ngay
Vua Lê Thánh Tông khi đi qua Miếu Vợ Chàng Trương cũng đã vô cùng
thương xót cho bà mẹ trẻ bị nghi oan mà phải sớm lìa trần. Ngài khắc
họa bài thơ:
Đề Miếu Vợ Chàng
Trương
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai
như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dầu tắt
đừng nghe trẻ
Làn nước chi cho lụy đến nàng
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chi mượn đến đàn tràng
Qua đây mới
biết nguồn cơn ấy
Khéo trách chàng Trương
quá phũ phàng.
3. Trách Nhiệm Làm Mất Nước:
Hiệp định Paris được ký lúc mà người Mỹ đã
thấm mệt, muốn rút lui, Việt Nam hóa chiến tranh, với những điều
khoản thuận lợi cho Việt cộng, trói tay chính phủ Sài Gòn. Trong
tình cảnh hoạn nạn khó khăn, cô đơn cô thế của Việt Nam Cộng Hòa,
thì ngược lại, miền Bắc được sự trợ giúp tích cực của cả Khối Nga,
Tàu, nên họ ngày càng lấn tới, đánh phá khắp nơi.
Những năm trước còn Mỹ giúp, miền Nam đã
tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, bảo vệ Kontum kiêu hùng và Bình Long
anh dũng... Nhưng lần này Mỹ không cứu viện nữa, Ông Thiệu lâm vào
thế tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, Ông tính sai một nước cờ. Tạm
rút lui chiến thuật ở mặt trận Ban Mê Thuột. Để rồi miền Nam mất vào
tay cộng sản.
Sau
1975 thì người Mỹ mở chiến dịch đổ tội thua cuộc chiến cho tổng
thống và quân lực Cộng Hòa để nhân dân miền Nam không còn oán hận họ
“bán đứng và bỏ rơi đồng minh”.
Họ vận động các phương tiện truyền thông
Việt ngữ ở nước ngoài kết án Ông Thiệu và chê bai quân đội miền Nam
hèn nhác, đánh dở. Đồng thời ra sức dập tắt tiếng nói thanh minh của
Ông. Họ thuê bọn vô lại biến phong trào chống cộng tại hải ngoại
thành những trò nhố nhăng vô liêm sỉ...
Mặc dù cho tới trước khi lâm chung, trong
cương vị lãnh đạo quốc gia, tổng thống từng cúi đầu nhận lãnh sự
phán xét và buộc tội của đồng bào. Nhưng với sự công bằng của lịch
sử, trách nhiệm đó không phải chỉ một mình Ông gánh chịu, mà còn
nhiều nhân tố khác đã góp phần làm nên sự sụp đổ của chính thể Cộng
Hòa. Chúng ta thử công tâm suy xét toàn diện bối cảnh đất nước vào
những năm tháng cuối cùng, từ đó có cái nhìn và kết luận xác thực
hơn về Tổng thống Thiệu. Thật là quá đơn điệu, vội vàng và hồ đồ khi
quy hết thất bại cho riêng Ông.
Thời gian qua, một số người đã đau đớn uất
ức vì bất lực không bảo vệ được miền Nam tự do. Nhà Báo Lê Văn Phúc
viết cuốn Tôi Làm Tôi Mất Nước. Trong đó tác giả không ngần ngại kể
ra một số tội lỗi của chính mình, góp phần dẫn tới sự mất nước. Nhà
Văn Nhà Báo Hoàng Hải Thủy thì trách cứ Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo là
Ông Làm Tôi Mất Nước...
* Diễn văn từ chức: Tối
21/04/1975, Tổng thống Thiệu đọc diễn văn từ chức trước lưỡng viện
quốc hội. Trong suốt hai giờ, Ông nói với cử tọa nhiều chuyện. Đại
để có mấy điểm chính:
– Về hiệp định Paris: Ông cho rằng đây là
văn bản Mỹ bán đứng miền Nam cho cộng sản. Mỹ hứa nếu Bắc phương vi
phạm, họ sẽ phản ứng, nhưng rồi chẳng làm gì: họ thất hứa, thiếu
công bằng, thiếu chính nghĩa, vô nhân đạo đối với đồng minh, trốn
tránh trách nhiệm của một đại cường.
Trong bút ký Những Ngày Cuối Cùng, tác giả
Nguyễn Thế Hà kể lại: Lúc đọc diễn văn từ chức, tổng thống chửi
thằng Mỹ phản bội, tay Ông còn cầm tờ thư cam kết của Nixon: “Giặc
Cộng không thể xâm chiếm miền Nam được, miền Nam cũng không đánh ra
miền Bắc được, nếu việt cộng đánh chiếm, tôi sẽ cho oanh tạc chúng”.
Lời hứa trên giấy trắng mực đen, nhưng quyền lợi của tư bản Mỹ phải
được đánh đổi, tráo trở bằng mọi giá.
– Về hậu quả của cắt giảm viện trợ: Ông
nói: Sau năm 1973, chúng ta xin Mỹ viện trợ 1.4 tỉ đô la, họ cắt
xuống 700 triệu, rồi 300. Trong thời gian đó, quân đội mất hết 60%
tiềm năng chiến đấu. Cái gì sẽ xảy ra: số thương vong gia tăng gấp
bội vì thiếu phương tiện không quân yểm trợ, trực thăng tản thương.
Đạn dược khan hiếm phải tính từng viên. Bây giờ cái quân đội này, vũ
khí thiếu, thuốc thiếu, xăng thiếu, máy bay thiếu, không có B52 mà
mấy ông bảo tôi làm một chiến thắng thì quả là đội đá vá trời! Không
làm được! Phi lý!
Ông Tần Nam, trưởng ban tổ chức lễ tưởng
niệm 19 năm Cố Tổng thống Thiệu qua đời, đã nhắc lại câu nói của một
tướng lãnh Hoa Kỳ: “Quý vị muốn quân lực VNCH chiến thắng nhưng lại
không giao cho họ vũ khí thì làm sao họ có thế hoàn thành nhiệm vụ”.
* Bài phỏng vấn Tổng thống Thiệu
của tuần báo Đức Der Spiegel đăng trong số
50/1979, Phạm Thị Hoài dịch:
– Nhà Báo: Kissinger
nói sao về ước muốn của chính phủ Mỹ để kết thúc chiến tranh Việt
Nam?
– Tổng thống Thiệu: Ông ấy và chính phủ Mỹ chỉ muốn
chính xác có một điều là rút khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt và bảo
đảm việc trao trả tù binh Mỹ. Họ nói là mong mỏi một giải pháp trong
danh dự nhưng sự thực thì họ chỉ muốn bỏ của chạy lấy người. Đồng
thời lại lẩn tránh để khỏi bị người Việt và cả thế giới kết tội là
không giữ lời cam kết với đồng minh. Đó là thế kẹt của họ.
* “Cần Trả Lại Sự Thật cho Tổng
thống Thiệu”, chauxuannguyen2019.org, google.com
– Tác giả cuốn Decent Interval, Frank
Snepp viết: mọi chuyện bắt đầu sau khi ký hiệp định Paris. Màn kịch
bỏ rơi miền Nam đã được lên giàn từ tháng 4/1973: Nixon cử Martin
thay Bunker làm đại sứ với vai trò: Mỹ phải rời bỏ Việt Nam trong tư
thế đường hoàng, và muốn tạo được ấn tượng như vậy thì cần có một
chuyên gia ảo thuật đầy kinh nghiệm mà Martin thuộc vào hạng sư phụ.
“The US was obliged to crawl out of Viet Nam standing up, and to
foster that illusion required the kind of conjuring and stagecraft
at which Martin adept”.
– Theo tài liệu của CIA, từ tháng 12/1973
đến tháng 1/1974, Chỉ Huy Trưởng DAO (Defense Attache Office: Phòng
Tùy Viên Quốc Phòng), tướng John Murray và ban tham mưu của ông đã
làm việc ngày đêm để tìm đáp số cho bài toán viện trợ quân sự trong
nửa cuối năm 1974 và đầu 1975. Tuy nhiên Ngũ Giác Đài đã cho biết
trước là có thể dưới 700 triệu, nhưng theo các chuyên viên của Ông
thì số đó chỉ giữ được vùng 4.
Cũng theo F. Snepp, ngày 16/8/1974, trước
khi giải ngũ, Murray họp lần cuối cùng Tướng Viên với lời khuyên
liệu cơm gắp mắm, gấp rút lên kế hoạch sẵn sàng bỏ vùng 1, vùng 2 và
cả vùng 3, để về cố thủ vùng 4.
– Vào tháng 5/1974, Tiến sĩ Nguyễn Tiến
Hưng đã thấy bản kế hoạch “Cắt Đất Theo Lượng Viện Trợ” của Murray
nằm trên bàn tổng thống. Như thế chính Murray là tác giả kế hoạch bỏ
vùng 1 và 2. Thế mà 40 năm sau người ta vẫn cho là sáng kiến của
Tổng thống Thiệu. Ông đã bị báo chí Mỹ cố tình gieo tiếng oan!
Qua đó chúng ta thấy rằng kịch bản khai tử
miền Nam đã được hoạch định trước ngày mất Phước Long chứ không đợi
đến khi mất Ban Mê Thuột. Người Mỹ tính sẵn kế hoạch để VNCH sụp đổ
trước tháng 6/1975. Lúc đó cơ quan USIS của CIA tung tin quân VNCH
thua tại Phước Long là do Tổng thống Thiệu cố tình bỏ tỉnh này để
thăm dò phản ứng của Mỹ.
Sở dĩ CIA đổ tội cho Tổng thống Thiệu là
để Quốc Hội Mỹ lấy cớ biểu quyết ngưng viện trợ.
– Tướng Cao văn Viên viết trong hồi ký The
Final Collapse, dịch giả Nguyễn Kỳ Phong: Kissinger không muốn thiên
hạ nghĩ rằng miền Nam sụp đổ do không còn viện trợ. Và với mức viện
trợ nhỏ giọt thì đến 30/06/1975, VNCH sẽ hết gạo và đạn dược. Ông ta
mong cho quân đội miền Nam bị tan rã trước thời hạn đó. Như thế thì
người ta sẽ nghĩ rằng quân Sài Gòn đã thua chạy trước sức tấn công
vũ bão của Hà Nội.
Ngày 11/03/1975, sau khi mất Ban Mê Thuột,
Tổng thống Thiệu đã họp cùng các Tướng Viên, Khiêm, Quang để trình
bày ý định cắt bớt lãnh thổ cho phù hợp với mức quân viện. Tướng
Viên ghi lại: Ngay sau khi Phước Long bị tấn công, Hoa Kỳ chẳng có
một phản ứng nào. Gần như họ chán nản thờ ơ và biểu quyết viện trợ
để VNCH đánh tiếp là chuyện sẽ không xảy ra. Đối với họ, chiến tranh
Việt Nam đã kết thúc. Cuộc chiến được quyết định từ Washington chứ
không phải từ chiến trường!
– Kissinger viết trong hồi ký Years of
Renewal, Xuân Khuê dịch: Cho đến hôm nay, tôi kính trọng Ông Thiệu
như là tấm gương hào hùng của một kẻ dám chiến đấu cho nền tự do dân
tộc. Một kẻ sau này đã chiến bại bởi những hoàn cảnh ngoài tầm tay
của Ông, đất nước Ông, và ngay cả ngoài vòng quyết định của chúng
ta. Như là một phép lạ phát xuất từ lòng dũng cảm, Ông Thiệu đã cố
gắng lèo lái quốc gia trong giai đoạn cam go này để chống lại quân
thù cố tâm xâm lấn. Tôi kính nể Ông vì Ông là người kiên tâm chiến
đấu trong nỗi cô đơn ghê gớm.
* “Việt Nam Cộng Hòa có thật sự
thua trận?”, Phi Cảnh, 23/04/2018,
https://www.rfa.org/english
Cộng sản thắng cuộc chiến, điều đó có
chính nghĩa không?
– Một cuộc đấu võ đúng tinh thần thể thao
phải diễn ra với đầy đủ quy ước và yêu cầu về hạng cân thì mới công
bằng. Nếu chỉ dùng mọi thủ đoạn, trò bẩn, bất chấp luật lệ hoặc
thắng một đối thủ quá chênh lệch thì có gì là vinh quang!
Cộng sản sử dụng chiến tranh du kích, trà
trộn vào thôn làng, gây chết chóc cho thường dân. Họ coi rẻ đạo lý,
sẵn sàng “hy sinh tất cả” hay “phải đốt cháy cả Trường Sơn” để đạt
mục đích. Họ huy động cả phụ nữ, trẻ con lẫn người già mà lẽ ra phái
yếu cần được bảo vệ, trẻ em phải cho học hành, cụ ông đáng được nghỉ
ngơi. Thế mà xua đẩy họ vào tử địa. Cái gọi là cuộc chiến “của toàn
dân tộc” ấy chẳng có gì đáng tự hào.
– Cuộc chiến còn không công bằng khi VNCH
tôn trọng tự do dân chủ, người dân có quyền chỉ trích, biểu tình
chống chính phủ. Ngoài ra còn tự do báo chí. Nhờ vậy mà Nick Út được
theo đoàn quân chụp ảnh cảnh dân hốt hoảng chạy ra cầu cứu lính
VNCH, xong cho đăng lên toàn thế giới mà ai nhìn vào cũng cho rằng
lính Mỹ “ăn thịt trẻ em Việt Nam”! Cộng sản và phản chiến Mỹ la rùm
beng về vụ này. Quân đội Mỹ và miền Nam luôn hành động chính trực
nên bị thua trên mặt trận tuyên truyền trước những kẻ nham hiểm.
– Một ví dụ nữa là cộng sản luôn tạo cho
người ta cảm giác rằng họ chỉ có vũ khí thô sơ, phải đánh nhau với
một phe trang bị đầy đủ, hiện đại. Thực tế, họ không hề thiếu, ra
trận là có đạn bắn thoải mái do Nga Tàu cung cấp. Ngay từ đầu bên ta
chỉ có súng Carbine thì họ đã mang K54. Nếu miền Bắc không lấy viện
trợ từ khối Cộng thì chắc chắn họ chạy làng từ lâu rồi, vì họ đâu tự
sản xuất được đạn dược, xăng dầu...
* Vài Biến Cố Đằng Sau Mặt Trận
Tây Nguyên 1975, Ngô Văn Xuân, 31/03/1996, hung–viet.org
– Những khó khăn từ hậu phương đến tiền
tuyến: Theo Trung tá Xuân, sau hiệp định Paris, ngoài tiền tuyến đạn
dược và tiếp liệu bị cắt giảm. Nhìn về hậu phương, những bất ổn
chính trị xảy ra hằng ngày, các cuộc biểu tình của hàng chục đoàn
thể, phong trào đòi đủ thứ quyền. Trong bối cảnh ấy, có thể thấy một
tương lai không mấy gì tốt đẹp.
Vào tháng 10/1973, một phái đoàn DAO đến
thăm Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23. Sau khi nghe thuyết trình về tình hình
của đơn vị, Viên trưởng đoàn đã nhắn nhủ: Quý bạn phải đối đầu với
Việt cộng trong tình huống nan giải hơn. Viện trợ về tiếp liệu sẽ
ngày càng giảm nhiều. Và vì vậy, các bạn nên nghiên cứu những phương
thức điều hành thích hợp để đối phó khi cần, kể cả đôi lúc chúng tôi
không thể chuyên chở sang kịp thời hạn!
– Tổng thống Ăn Tết Lần Cuối ở
Tiền Đồn: Hằng năm mỗi độ xuân về, Tống thống đi thăm một
số đơn vị đang tác chiến và dùng cơm với họ. Mồng 1 Tết Ất Mão
(01/02/1975), Trung Đoàn 44 có trách nhiệm phòng thủ trên tuyến vòng
đai cách tỉnh lỵ Pleiku 20km về hướng tây bắc, được vinh hạnh đón
tiếp tổng thống. Đúng 12 giờ trưa, chiếc trực thăng đáp xuống căn
cứ. Tướng Lê Trung Tường và Trung tá Xuân ra đón phái đoàn Tổng
thống vào phòng họp hành quân. Mở đầu là phần thuyết trình của Trung
tá Đào Ngọc Chuy, Trưởng Phòng 2 về tình hình chung các khu vực
thuộc trách nhiệm Sư Đoàn 23. Trung tá Chuy có nhấn mạnh về chi tiết
cung từ của một tù binh cấp thượng sĩ. Với chức vụ truyền tin, anh
ta biết khá nhiều về các kế hoạch hành quân của cộng sản quanh Tây
Nguyên. Anh xác quyết mặt trận B3 sẽ tấn công Ban Mê Thuột với 4 sư
đoàn cùng 1 trung đoàn chiến xa, 2 trung đoàn pháo, 1 trung đoàn đặc
công. Kế tiếp, Trung tá Xuân nêu bật việc điều quân của 2 sư đoàn và
công trường 9 từ Phước Long kéo lên. Tổng thống lộ nét đăm chiêu rồi
hỏi qua Tướng Phú thì được trả lời rằng có thể Việt cộng đưa ra kế
trá hàng nhằm đánh lạc hướng chú ý của ta. Tướng Phú nói Pleiku là
điểm, Ban Mê Thuột chỉ là diện, bởi Pleiku có cơ sở đầu não là Bộ Tư
Lệnh Quân Đoàn 2. Nếu địch tiêu diệt được cứ điểm này thì chúng dễ
dàng làm chủ toàn bộ cao nguyên, tạo thuận lợi cho việc tiếp liệu từ
miền Bắc.
Tổng
thống suy nghĩ trong giây lát rồi ra lệnh:
– Anh Phú cho toàn bộ Sư đoàn 23 trở về
Ban Mê Thuột, tăng cường cho anh Tường 1 chi đoàn M48. Dù sao, địa
thế Pleiku cũng là khu vực trống trải, bao gồm nhiều đồi thấp và
trọc, có tầm quan sát rộng. Bây giờ lại là mùa khô, anh có thể sử
dụng tối đa phi pháo cùng chiến xa để đánh chiến xa và bộ binh địch.
Tôi cũng sẽ tăng cường cho anh thêm 1 liên đoàn biệt động quân.
Tướng Phú trả lời:
– Vâng, tôi sẽ thi hành theo kế hoạch tổng
thống chỉ thị.
Sau đó quay qua Tướng Tường, Tổng thống nói:
Khi anh về Ban Mê Thuột, phải tổ chức ngay
hệ thống phòng thủ vành đai thị xã và lập kế hoạch chống xe tăng.
Ngoài ra anh cũng phải tổ chức các cuộc hành quân sát biên giới quận
Đức Lập.
Trong
bữa cơm ngoài trời, Tổng thống than phiền về các cuộc biểu tình đang
diễn ra tại Sài Gòn, đặc biệt là phong trào chống tham nhũng của
linh mục Trần Hữu Thanh làm suy giảm uy tín các cấp lãnh đạo đất
nước.
Mãi đến
18/02/1975, Tướng Tường cho hay Tướng Phú vẫn giữ nguyên lập luận
của mình: Pleiku là điểm, Ban Mê Thuột là diện. Vì vậy sự tái phối
trí lực lượng không còn cần thiết.
Tướng Phú mới nhậm chức chưa bao lâu, thời
gian quá ngắn để Ông có thể cảm nhận tình hình một cách sắc bén hơn,
cho nên những chỉ thị của tổng thống không được thực thi đúng đắn.
Dĩ nhiên trận Ban Mê Thuột vẫn xảy ra, nhưng không thể là trận bất
ngờ như Tướng Hoàng Minh Thảo rêu rao. Những hỗn loạn có cơ tránh
được, và biết đâu, kế hoạch rút quân tự sát theo liên tỉnh lộ 7 sẽ
không được tính đến.
Theo Kb. Ngụy Sài Gòn, 012.wordpress.com:
Tướng Phú xuất thân từ Lực Lượng Đặc Biệt, thiếu kinh nghiệm để điều
động hợp đồng một đơn vị lớn như Quân Khu, lại không được Bộ Tổng
Tham Mưu trực tiếp điều hành, chỉ huy. Cho nên cuộc rút quân hoàn
toàn thất bại.
Trong bút ký Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Nhà Báo quân đội,
Trung tá Phạm Huấn nhận định: Tướng Phú cũng phải chịu trách nhiệm
về việc mất Ban Mê Thuột vì mắc kế nghi binh của Cộng quân.
Trung tá Xuân kể tiếp: 4 giờ sáng
10/03/1975, Việt Cộng tấn công Ban Mê Thuột. Lúc ấy Ông nghĩ Thị Xã
này sẽ mất. Do quân trú phòng gồm những đơn vị địa phương quân, đa
phần là người Thượng, khả năng tác chiến rất kém vì thiếu huấn
luyện, trang bị thô sơ, kỷ luật lỏng lẻo. Về địa thế, Ban Mê Thuột
khác Kontum, không có chướng ngại thiên nhiên để dựa vào, hạn chế
bớt khả năng xâm nhập của chiến xa hoặc bộ binh địch. Thêm nữa, với
hàng trăm đồn điền cà phê, địch có chỗ che giấu, ngụy trang. Đây là
nơi lý tưởng cho các cuộc tấn công áp sát của địch. Với lãnh thổ
rộng hơn Kontum rất nhiều, lại do các đồn bót của địa phương quân
nằm rải rác trấn giữ, Ban Mê Thuột trở thành căn cứ không còn vòng
đai phòng thủ theo đúng nghĩa quân sự. Thành ra, việc nó thất thủ
không phải là điều đáng hãnh diện như những lời tự mãn khoe khoang
của các Tướng lãnh việt cộng.
Đến tối 10/03, Ban Mê Thuột bị tràn ngập.
Tướng Tường họp bàn lập kế hoạch giải tỏa. Ngay thời điểm ấy, Trung
tá Xuân thở dài, vô phương cứu chữa. Ông nói: Nguyên tắc quân sự cơ
bản: “Phòng thủ 1 chống 3, tấn công 3 chọi 1”. Vậy cứ cho là đang có
2 sư đoàn địch chiếm cứ trận địa, làm sao kiếm ra tối thiểu 5 sư
đoàn để tái chiếm? Ưu thế hỏa lực không còn, các đơn vị tổng trừ bị
hầu như bị cầm chân tại vùng hỏa tuyến, lực lượng nào để tiếp cứu
đây? Trong tình thế hiểm nghèo đó bỗng dưng có lệnh di tản chiến
thuật, nhưng không kiểm soát được đoàn người cùng trốn thoát việt
cộng.
Theo Tướng
Hoàng Văn Lạc: kế hoạch không đầy đủ, kỷ luật hỗn tạp, không nghiên
cứu lộ trình, cầu cống, dân chúng và gia đình binh sĩ hỗn độn, làm
cho quân đội mất tinh thần khiến ai cũng chỉ lo chạy tháo thân. Dân
chúng nghe tin tức bi quan qua đài BBC đã ồ ạt chạy về phía Nam làm
hỏng cuộc triệt thoái.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Đức Phương viết trong
Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập: Những tin đồn cắt đất cho cộng sản
loan nhanh khiến người ta đổ xô nhau chạy vào hướng Nam. Trong ngày
27/03/1975, trên đường về Phan Rang, một sĩ quan trẻ có nói: “Vùng 1
và vùng 2 nhường cho nó, mình chỉ còn giữ từ vùng 3 trở xuống”.
Không biết tin ấy do đâu mà ra, cũng có thể do cộng sản nằm vùng
tung hô để gây hoang mang náo loạn. Tin cắt đất này đã ảnh hưởng vô
cùng tai hại cùng với sự tuyên truyền xuyên tạc của đài BBC, quân
dân vùng 1 và 2 cứ ùn ùn kéo nhau chạy về Sài Gòn khiến cho cộng sản
không phải đổ máu vẫn chiếm được nhiều lãnh thổ. Cuối cùng thì số
phận của miền Nam cũng phải chịu nghiệt ngã đắng cay.
* Triệt Thoái Cao Nguyên 1975,
Trọng Đạt,
http://quocgiahanhchanh.com
Theo tác giả Trọng Đạt, quân khu 2 có diện
tích rộng nhất toàn quốc gồm 12 tỉnh, chỉ được 2 sư đoàn bộ binh và
7 liên đoàn biệt động quân bảo vệ, đối đầu với 6 sư đoàn Bắc Việt
đang đồn trú trong vùng.
Đây là nơi yếu nhất so với các quân khu
khác nên cộng sản đã chọn để tấn công trước.
Ngày 12/03/1975, ngân khoản 300 triệu quân
viện bổ túc đã bị quốc hội Mỹ bác bỏ. Ngoài ra họ cũng không chuẩn
chi cho năm sau, nghĩa là từ nay sẽ chẳng còn một xu viện trợ nào.
Điều này gây rối rắm cho tổng thống. Ông đưa ra quyết định táo bạo:
tái phối trí, triệt thoái khỏi cao nguyên về duyên hải để bảo toàn
lực lượng, rồi tìm cách tái chiếm những vùng bị mất.
Miền Nam đã nghèo lại gặp cái eo. Tháng
11/1974, Đảng Dân Chủ thắng lớn (66.9%) trong kỳ bầu cử hạ viện. Họ
chủ trương chống chiến tranh và hô hào rút quân về nước. Trong bối
cảnh đen tối đó, cho dù Ông Thiệu chấp thuận lời yêu cầu tử thủ của
Tướng Phú, thì theo Tướng Viên, quân đội Cộng Hòa chỉ có thể tránh
được tan rã quá nhanh, nhưng chẳng đủ khả năng chiến đấu lâu dài, vì
sức cùng lực kiệt, bị chính quyền Mỹ bức tử không thương tiếc.
* Character assassination (xin tạm
dịch là Ám sát thanh danh): Đây là một trong những cách
thức tuyên truyền bằng lời nói hoặc chữ viết (phao tin trên các
phương tiện truyền thông) một cách ác ý nhằm gây tổn hại thanh danh,
nhân phẩm của người khác.
Trong bài “Những Ngày Cuối Cùng của Tổng
thống Thiệu” (Nguyễn Tấn Phận, 2008,
https://baovecovang2012.wordpress.com), tác giả thuật lại: “Tối
25/04/1975, tại nhà Đại tướng Khiêm, trước khi lên xe ra phi trường,
tôi bỏ cái samsonite vào cốp sau, 2 khẩu súng nhỏ (rouleau và K54)
va chạm nhau khua lộp cộp. F. Snepp có nhắc tới chuyện này trong
Decent Interval: Ông có nghe tiếng kim loại khua khi chúng tôi xếp
xắc tay vào cốp xe, và có thể nghĩ đó là tiếng va chạm của vàng bạc,
châu báu!”.
F.
Snepp có nghe “tiếng kim loại va chạm”, trong khi đó chỉ là “tiếng
khua của 2 khẩu súng nhỏ”. Sự khác biệt này cũng có thể là một
trường hợp “ám sát thanh danh” Tổng thống Thiệu, chỉ 2 chữ “kim
loại” mà làm cho lắm người suy tưởng tới “vàng bạc” Ông đem theo.
Là người Việt Nam trọng đạo thánh hiền,
chúng ta quyết giữ tấm lòng chân thật, không chủ tâm hại người, thân
ái, hòa hiếu với nhau, hành xử mọi việc theo lời khuyên của Cụ Lý
Đông A:
“Chúng
ta phải có cái tâm để không lường gạt người. Nhưng cũng phải có cái
trí để không bị người lường gạt”.
Nhân ngày Quốc Hận 30/2004, xin cúi tấc
lòng ghi nhớ công ơn của các bậc anh hùng tử sĩ và thương phế binh
đã vì nước quên mình, xả thân trong cuộc chiến chống lại cộng sản
phi nhân bạo tàn, bảo vệ miền Nam tự do nhân bản.
PHẠM VĂN DUYỆT
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Phạm Văn Duyệt chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, March 13,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang