Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Thế giới
Chủ đề: Xã hội
Tác giả: Phan Văn Song
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Lời Tác giả:
cuối năm qua trong cả mấy tháng liền thời sự Pháp la ó, sửng sốt
về cái xì-căng-đan - scandale hàng sai, hàng trái, hàng độc, hàng
hại, chưa nói đến hàng dỏm hàng giả. Nào hết cái vụ các hiệu sữa
bột cho trẻ con, sơ sinh uống bị nhiễm nấm Salmonelle. Thoạt đầu
15 em, sau đó 25 em... Thoạt đầu chỉ ở một đơn vị sản xuất sau đó
hóa ra đến hai đơn vị, nghĩa là gần tất cả nhà máy. May quá chẳng
em nào chết cả. Nhưng xứ nhà giàu đứt tay hơn nhà nghèo đổ ruột.
Huống gì con nít.... Và các gia đình có con bệnh đi kiện, Hội Phụ
huynh cũng ăn có, nhảy vào đòi kiện. Class action, mặc dầu chưa
có bên xứ Tây, nhưng cũng hăm he, họ hẹ đòi tiền, nhứt là với
Công ty Sữa Lactalis, đệ nhứt cao thủ bán sữa xứ Tây, mong sẽ có
tý tiền bồi thường. Ông chủ phải lên Ti-vi xin lỗi, tạm thời đóng
cửa hai đơn vị sản xuất để rửa, tẩy trùng...
Đó là
chuyện gần, còn chuyện xa...
Số là từ năm
2015/2016 hãng sản xuất xe hơi số 1 thế giới – của những năm ấy –
là Volkswagen (Xe Nhân Dân), bị chánh phủ Mỹ bắt được là ăn gian
tạo những con số giả về an toàn không khí để được bán trên thị
trường Bắc Mỹ. Ở Mỹ lo chưa xong, ở Âu châu Pháp, chẳng những
Volkswagen thôi mà cả những hãng quốc gia Pháp như Peugeot hay
Citroën đều bị hỏi giấy. Tất cả về xe dầu Diesel. Một loại xe
dùng máy dầu cặn chạy tiết kiệm hơn xe xăng – khỏi nhắc quý bà
con đều biết cả. Ngày nay, xe diesel đang bị khủng bố, muôn tội
đổ đầu... Xe diesel xuống giá, sẽ bị dẹp, nhường chỗ cho xe hơi
chạy bằng điện. Nhưng có chắc là điện không ô nhiễm không? Đất
hiếm – terres rares – dùng trong các tấm lấy điện mặt trời –
Panneaux Solaires – Ô nhiễm tiếng động, phá môi trường không gian
đuổi chim – pollution sonores - ô nhiễm âm thanh - của các quạt
gió... Cái vòng lẩn quẩn... Phải sống ở Bắc Kinh – Beijing, Paris
mới hiểu ô nhiễm không khí là gì! Paris chưa cần mang khẩu trang,
Beijing phải mang khẩu trang khi ra đường.
Phan Văn Song
Chống Ô Nhiễm: Cuộc Chiến Của
Ngày Nay
Cuối thế kỷ 20, thế giới bỗng nhiên,
một sáng, thức dậy, đồng la to “thế giới ô nhiễm”, ô nhiễm tràn
lan, xâm nhập vào đời sống hằng ngày. Tự nhiên, bệnh suyễn tràn
lan, đi đâu cũng gặp ai ai cũng nói dị ứng... dân thành thị bỗng
nhiên ngộp thở... Paris, khó thở, thiếu thông thoáng... Thế mà,
thiên hạ ở Pháp, ngày nay, vẫn cố, vẫn chen chúc, sống cho được ở
Paris, chen chúc đi xe điện ngầm - métro – chen chúc đi xe buýt –
muốn đi xe riêng, tự lái xe, thì kẹt xe... Thế nhưng đa số dân
Pháp ở tỉnh, vẫn còn mơ “lên – monter à Paris” tìm việc làm, sinh
sống... Paris... Paris... Tìm việc ở Paris thủ đô đã đành, nhưng
thất nghiệp cũng ở Paris. Trong khi đó, nhiều vùng ở Pháp hãng
xưởng tìm người làm việc không ra. Đó là cái ngược đời ở Pháp.
Người thất nghiệp nhiều đó, nhưng nhiều nghề không tìm ra người
làm. Với một xã hội tổ chức quá đầy đủ, với an sinh xã hội đầy đủ
bảo đảm khi gặp hoạn nạn, thất nghiệp được nuôi, đau ốm được săn
sóc miễn phí, nên dân Pháp, vốn đã là con cưng, tiếp tục làm
nũng? Vì lười biếng? Kén chọn nghề nghiệp? Thích ngao du, du
lịch, hơn tìm nghề?
Chúng tôi không có ý kiến. Mong
rằng quý thân hữu không xem đây là một chỉ trích.
Đó là lý do chúng tôi bỏ Paris đầy sống
động, về sống ở Hồi Nhơn Sơn từ 30 năm nay. Thành phố nhỏ 5 ngàn
dân, thanh bình, yên ổn... ăn uống cây làng lá xóm của các nông
trại quen biết quanh vùng... trừ cá biển phải mua tiệm, gà, heo,
cừu, trứng... rau cỏ, trái cây tùy mùa tùy tiết... khách chủ quen
nhau, bạn bè thăm hỏi. Montmorillon – mà tôi dịch là Hồi Nhơn Sơn
(la Montagne du petit maure, nhưng dịch petit maure là tiểu
hồi thành ra là badiane để nấu phở không giống ai đành xài
Hồi nhơn – le maure, l’arabe vậy!) là một
tỉnh lẻ rất hiền hòa, lắm đêm tôi quên khóa cửa xe, khóa cửa
nhà... Sáng ra đường đi mua báo và bánh mì, chào láng giềng hàng
xóm mệt nghỉ, quen biết từ nhà đến cuối phố... là cà tán dóc, cả
nửa giờ mới về nhà ăn sáng.
Ngày nay, thiên hạ quý trọng một cuộc
sống lành mạnh, một bầu không khí trong sạch, một cách ăn uống
sạch sẽ. Và xem kỹ hàng ăn, hàng mặc phải thật, phải đúng tiêu
chuẩn, không ô nhiễm, không chất hóa học... Vườn tược, từ nay
muốn diệt cỏ dại, hoặc lấy tay nhổ, hoặc bằng lửa đốt hay bằng
nước sôi... quần áo giặt bằng xà-phòng tự chế...
Nước Pháp có một hệ thống kiểm soát
hàng dỏm, hàng dơ rất khoa học, thuộc hàng cao cấp. Có cả một tờ
báo chuyên nghiệp, đo, thử, kiểm tra, so sánh, phẩm chất thật
hư... Báo bán cho người sành điệu, biết lo lắng, nhưng báo cũng
tung miễn phí, những tin cần thiết trên mạng và trên truyền thông
khi cần thiết. Ở Pháp, còn có cả một hệ thống Người Canh – les
Veilleurs – Người Báo Tin Nguy Hiểm – les Lanceurs d’Alerte - về
những vật dùng cần thiết, kể cả thuốc men, dược liệu, có tác hại
người dùng... Kiểm soát phẩm chất lương thực, vật dụng để bảo vệ
người tiêu dùng. Đó cũng là một khía cạnh của chế độ Dân Chủ!
Dân Chủ không chỉ là một thái
độ chính trị, mà còn là một thái độ Công dân... góp phần
dấn thân vào Phục Vụ Xã hội. Từ đời sống, sinh hoạt, đến an toàn,
công bằng, mà cả về nhân sinh, như giáo dục, lương thực, đồ dùng
sinh hoạt hằng ngày... Những Người Canh, những Người Báo Tin Nguy
Hiểm, những Hiệp Hội, Hiệp Đoàn người Tiêu Dùng, là các Hội Đoàn
Xã Hội Dân Sự đóng góp vào cuộc quản trị chung đất nước với Nhà
Nước... Đó là Dân Chủ Tham Dự với một Văn Hóa Dân Chủ!
Hàng Dỏm, Hàng Giả? Có từ xưa
rồi, từ thời Tây, tận bên Tây
Theo ông G. Pagès, trong cuốn sách “les
falsifications et la loi du 1er août 1905 – những sửa đổi gian
lận và luật ngày 1 tháng 8 năm 1905” ra đời năm 1909, “la
fraude est l’art perfide de braver la loi – Gian lận là nghệ
thuật đểu giả để khiêu khích (chọc nóng) luật lệ”.
Ngày nay, chúng ta nhận định rằng gian
lận là mọi hành động để lường gạt. Ta thường
nghe nói: fraudes fiscales – gian lận thuế má; fraudes
électorales – gian lận bầu cử; fraudes douanières –
gian lận quan thuế; scientifiques – gian lận khoa học;
commerciales – thương mại, và nhiều nữa. Thế nhưng gian lận lương
thực, fraudes alimentaires là một hiện tượng đứng đầu
của những ưu tư, lo lắng của người dân tiêu dùng và của cả giới
cầm quyền các quốc gia từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay, từ Tây
đến Ta... và có thể đến cả Tàu nữa?
Một tý lịch sử:
Thằng tôi vốn là một thằng thích đọc
sách, tò mò lắm chuyện, xin kể rằng:
-Thời xa xưa, nơi thành Rô-ma cổ, nhà
thơ Virgile (-70 Trước Tây Lịch / -19 Trước TL) cũng đã than
phiền về dầu ô-liu – olive dỏm rồi
-Nhà hiền triết và sử học Hy lạp
Plutarque (46-102) cũng tố cáo bọn nấu rượu đã dùng “bột thạch
cao để tạo màu cho rượu nho – introduire du plâtre pour
donner au vin une slendide couleur”
-Năm 1396, ông thị trưởng Paris đã ra
một sắc lệnh “cấm trộn vào bơ – beurre những chất nhân tạo để
tạo mùi”
-Vào thế kỷ thứ XVI, các quán rượu tại Paris, quảng cáo bảo đảm
bán rượu “thật đúng phẩm chất không gian lận - du bon vin non
falsifié”
-Một sắc luật năm 1718, thành phố Paris
tạo một đạo quân gồm 200 thanh tra chuyên về kiểm tra phẩm chất
rượu và các thức uống ở vùng Paris.
Khi hóa chất... bước vào nhà
bếp, và nghiệp nấu ăn
Cuối thế kỷ thứ XIX, với những thay đổi
lớn như thành thị hóa và công nghiệp hóa, với thị trường mở hướng
ngoại, gian lận càng có dịp hoành hành. Hàng ngàn hàng trăm mánh
được tung ra, làm sao phải kiếm lợi nhuận nhanh, kiếm tiền lẹ,
nhứt là nhắm vào các hàng hóa tiêu dùng hàng đầu. (Khác chi
ngày nay ở Việt Nam, tuy đã bước vào thế kỷ thứ XXI, tuy đã được
khai hóa, giải phóng, đã được hiện đại hóa, đã được cách mạng hóa
do Đảng ta, đỉnh cao của trí tuệ loài người!)
Tại Thư Viện Quốc Gia Pháp, hiện có một
tập tài liệu sưu tầm do Pierre Delcort phụ trách trình cho những
người tò mò tìm đọc, một danh sách đặc biệt thú vị tất cả những
kiểu gian lận đầy sáng kiến. Nhà nghiên cứu về kinh tế Charles
Gide, năm 1900 đã viết “la falsification est devenue un art
véritable qui nous fait consommer du lait sans vache, ni chèvre,
de la confiture sans fruit, du vin sans raisin – Gian lận
biến thành một nghệ thuật khi chúng cho chúng ta thưởng thức sữa
không do bò cái cũng chẳng do dê cái, ăn mứt không trái cây, uống
rượu nho không do nước nho”.
Cà-phê giả làm bằng bã cà phê tái biến
với vỏ vụn bánh mì nướng, với bột bo-bo nướng, với gạch vụn tán
nhuyễn, với hạt dẻ nướng tán vụn. (Quên sao những ngày sau 30
tháng 4, chúng ta uống cà-phê bằng gì nhỉ? Nhưng lúc ấy là
thời khó khăn chế biến qua ngày, không phải gian lận làm giàu!)
Những năm cuối thế kỷ 19, tại Pháp đã
có tai nạn do uống sữa giả, sữa dỏm, cũng đã giết hại con trẻ
rồi, chẳng phải chờ đến ngày nay (Lactalis 2017). Năm 1899, một
thống kê của Sở Hộ Tịch Pháp đăng ở một bài báo đã tố cáo rằng có
18,610 sơ sinh dưới 1 tuổi đã chết do bệnh Đi Tước – Diarrhée do
uống sữa nhân tạo. Bác sĩ Frédéric Bordas, cũng trong tài liệu
nghiên cứu ở Thư Viện Quốc Gia ấy, đã viết báo cáo, rằng vào thời
ấy, hằng năm tại Pháp đã có 40 ngàn con trẻ chết do sữa dỏm, sữa
dơ. Khi sữa không bị gian lận, làm dỏm, sữa cũng có thể giết con
trẻ khi nước dùng dơ, không đun sôi. Lại thêm cái cách làm đặc
sữa để con trẻ no bụng bằng thêm bột ăn. Dưới dạng “bột ăn
trẻ con”, lắm nhà sản xuất lưu manh, trộn thêm vào bột gạo,
nửa này nửa nọ, bụi đá hoa – poussières de marbre!
Và những chiếc bánh ga-tô giết
người
Bột làm bánh có thể làm với bột thạch
cao – plâtre, với xà-phòng – savon hay với pô-tát – potasse, với
xương vụn xay nhuyễn, với bụi đá hoa – poussières de marbre,
với bột đại mạch – l’orge, và cuối cùng trộn thêm phấn
talc – có tác dụng làm mịn và làm trắng mặt bột.
Để thay thế trứng, tay làm bánh lưu
manh có thể thay thế bằng chromate de plomb hay orangé de chrome,
thường được bọn lưu manh bán sẵn dưới tên gọi là “pâtes
d’oeufs – bột nhão trứng”. Một mẫu hàng được đưa vào phòng
thử nghiệm nghiên cứu của thành phố Lille Pháp, năm 1906, cho
biết có 10% nước và 60% chromate de plomb. Acide picrique,
chất dinitrocénol hay dinitrol-naphtol được dùng để làm màu
(vàng). Tất cả là độc tố cả! Nếu quá liều lượng là có thể
giết người.
Muốn có beurre giả, chỉ thêm nước (53%), thêm
margarine, bơ cây cọ - palmier, bơ dầu dừa, và acide borique “một
chất khử trùng rất nguy hiểm theo luật 1905”.
Năm 1901, vào dịp lễ Thánh Joseph: toàn
xứ Pháp, 119 nạn nhân ngộ độc. Cùng năm ở Bordeaux, lễ thánh
Phêdrô: bánh choux à la crème đầu độc 150 người. Lễ thành phố
Auteuil, một tiệm bánh bán dạo: 40 nạn nhân.
Năm 1905, tại thành phố Saint Mandé,
cạnh Paris 40 người chết. Và Reims, 12 tử vong... và cứ thế đều
đều, năm nào cũng có nạn nhân vì bánh ngọt...!
Và cả cá và thịt...
Năm 1910, 150 nông dân chết vì mua cá
của một bạn hàng cá bán rong. Ngày lễ Giáng sinh, 35 trú sinh một
Nhà Dưỡng Lão chết sau khi ăn cá hareng fumé - hun khói. Tại
Roubaix, 8 người chết sau khi ăn cá mòi hộp. Năm 1909, đến phiên
một hộp ba-tê gan ngỗng... giết 15 người ở ngoại ô thành phố
Lille... Tóm lại, trong 10 năm, y khoa quan sát 60 ngàn vụ nhiễm
độc với 2700 người thiệt mạng do ăn thịt cá, gà vịt... súc vật
mang bệnh.
Thế kỷ thứ XX: Luật lệ
Luật lệ đến, bắt đầu với bộ luật về an
toàn lương thực năm 1902, tiếp theo là luật chống gian lận năm
1905. Năm 1907, nước Pháp mới có một Cơ quan Hành Chánh Chống
Gian lận và mãi đến năm 1981, mới có một Bộ Lương Thực –
Ministère de la Consommation.
Ngày nay, ở Pháp có:
DGCCRF – Direction
Générale de la Concurrence, de la Consommation, et de la
Répression des Fraudes – Tổng Nha kiểm soát Cạnh Tranh, Tiêu
Thụ và Bài Trừ Gian Lận, ra đời năm 1985.
DGPE – Direction
Générale de la Performance Économique et Environnementale des
Entreprises - Tổng Nha kiểm soát Thành tích Kinh tế và Môi
trường các Xí nghiệp.
l’INAO – Institut
National de l’Origine et de la Qualité – Viện Quốc gia Nguồn
Gốc và Phẩm Chất.
Tạo những hàng thượng hạng bảo đảm được
dán Nhãn Đỏ – Label Rouge
Tạo những hàng bảo đảm, nguồn gốc, đặc
sản, địa danh, đặc sản truyền thống... Như AOP – Appelletion
d’ Origine Protégée - Tên Nguồn Gốc Bảo Đảm. Hay IGP -
Indication Géographique Protégée – Tên Địa dư được Bảo Vệ.
Hay STG – Spécialité Traditionnelle Garantie – Đặc Sản
Truyền Thống Bảo Đảm.
Ngày nay có thêm Agriculture
Biologique – Canh Tác Hữu Cơ (Sinh Vật học)...
Từ những năm nay, thêm nhiều “nhãn
hiệu” bảo đảm: “sản xuất ở vùng núi”, “sản xuất tại nông trại”,
“sản phẩm nông trại”.
Từ năm 1988, nhãn hiệu CCP -
Certification de Conformité de Produits – Chứng từ Thành
thật của Sản phẩm: “Élevé en plein air – nuôi ngoài sân
thoáng”. “Nourri à 70% de céréales – nuôi với 70%
ngũ cốc”...
Chưa bao giờ, các cơ quan này hoạt động, lo lắng như qua những
thời gian gần đây. Vì ngày nay, gian lận không còn ở cấp cá nhân,
cấp tư nhân mà đã được kỹ nghệ hóa và... ma-phia hóa, là một hiện
tượng, một khía cạnh “làm ăn - business” của bọn người
ngoài pháp luật, kể cả quân khủng bố. Thí dụ một cuộc
điều tra, kéo dài trong vòng 4 năm, trong toàn khắp thế giới về
kỹ nghệ làm “nước sốt cà chua”. Trái “cà
chua/Cà-tô-mát” của chúng ta, nay, là một “kho vàng” từ kỹ
nghệ làm purée – cà nhuyễn, đến sốt qua dạng ketchup,
dạng “đóng hộp”... Kỹ nghệ chế biến Cà-tô-mát đã được toàn cầu
hóa. Và toàn cầu hóa đã tạo Cà-tô-mát thành mỏ vàng, và qua đó
biến thành máy rửa tiền. Tiền bẩn ma-túy, được rửa qua tiền sạch
Cà-tô-mát! Cà Chua vàng đỏ... rửa tiền... ma túy vàng trắng...!
Kết Luận Việt Nam Ngày Nay?
Việt Nam Ngày nay, là một đất nước,
một quốc gia được tạo trên những quan niệm dỏm.
Từ một cái tên nước, một cơ chế:
Cộng Hòa? Hoàn toàn dỏm.
Một cơ chế Cộng Hòa – đáng lý là một cơ
chế phải lo cho việc chung - lo cho toàn dân - hoạt động cho Của
Chung - Res Publica – Pour la Chose Publique. Trái lại
không có gì là cộng hòa cả vì tất cả phục vụ cho Đảng và cho đảng
viên.
Xã hội Chủ nghĩa? Xã hội đâu? Đảng viên, công chức ăn
tiền dân, Công An khảo của dân... Hành chánh bôi trơn tham
nhũng... kỳ thị nhân dân, Nam/Bắc, đảng viên/thường dân...
Một chế độ Dân Chủ dỏm với một Tam
quyền Phân lập dỏm. Cả Hiến Pháp cũng dỏm. Bầu cử là một cuộc bầu
cử giả tạo! Với các Dân biểu dỏm... Đảng biểu dân bầu và người
đại diện dân, Dân biểu, lại là người Đảng biểu sao làm
vậy!
Xin trích lời một người dân trong nước, Nguyễn Hoa Mai trong một
bài viết trên mạng, nhận xét:
“Chế độ cộng sản là một chế độ quân
phiệt được tổ chức có hệ thống cướp của dân, cướp những quyền cơ
bản tự nhiên của dân... Cho dù ở thành thị hay nông thôn, từ cá
nhân đến gia đình... không có sự bôi trơn sẽ phải qua những thủ
tục rườm ra... Một cấu trúc xã hội, mục đích phục vụ độc tài,
kiểm soát mọi suy nghĩ và hành động của người dân... ĐCSVN là một
đại họa cho dân tộc ta! Chúng ta... dân tộc cuối cùng trên trái
đất vẫn còn bị phủ nhận quyền làm con người. Đã thế chúng ta còn
lệ thuộc Trung Quốc và mất đất mất biển mất đảo...”
Lương thực, hàng hóa, vật dụng, dược
phẩm... tại Việt Nam nay hoàn toàn bị nhiễm độc do hàng dỏm hàng
giả. Môi sinh môi trường đất nước Việt Nam bị nhiễm độc do các
nhà máy, các hãng xưởng sử dụng bừa bãi nguyên nhiên liệu, sa
thải chất độc ra không khí, ô nhiễm môi trường nước, đất...
Kêu gào, đòi hỏi một Nhà nước dỏm kiểm
soát gian lận, khác chi đòi hỏi thằng ăn cướp kiểm soát an ninh
hàng hóa?
Chỉ còn một cách, và do tác giả Nguyễn Hoa Mai kết luận:
“Chế độ
cộng sản độc tài tại Việt Nam không còn lý do gì để tồn tại, mà
cũng chẳng lý do gì để chỉnh sửa! Những quốc gia tiên tiến đã vứt
bỏ, tại sao nhân dân VN ta không vứt bỏ nó đi?...
Nếu nhân dân ta nhận biết rõ cái tai
hại... nhân dân VN sẽ đứng lên tranh đấu, tất cả cùng nhau...
Sự đoàn kết của toàn dân VN sẽ là vũ
khí giúp chúng ta xây dựng lên một đất nước Việt Nam tự do dân
chủ và đa nguyên...”
Cám ơn tác giả Nguyễn Hoa Mai.
Hồi
Nhơn Sơn, Thứ Sáu Tuần Thánh
Vendredi
Saint – Good Friday
Phan Văn Song
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Những bài liên hệ
Một Con Đường Cho Việt Nam? - Bài 1
Một Con Đường Cho Việt Nam? - Bài
2
Một Con Đường Cho Việt Nam? - Bài 3
Chuyện Dài Hàng Dỏm, Hàng Giả
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Paul Van chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, March 30, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang