Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn
Chủ đề: Giáng sinh
Tác giả: O. Henry
Phóng tác: Dung Si Pham

Quà Giáng sinh
(Chuyện bắt đầu bằng những con số:
“Một đô-la và tám mươi bảy xu”)



 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Những con số rất thực tế chỉ gồm 1 đô-la và 87 xu, trong đó có tới 16 đồng xu lẻ 1 cent, được gọi là penny... Đếm đi, đếm lại tới 3 lần vẫn chỉ là $1.87. Đó là số tiền ký cóp sau mỗi lần kỳ kèo với những người bán tạp hóa, rau cải hay thịt thà. Đó cũng là số tiền đã mang lại cho người mặc cả sự xấu hổ mỗi khi phải lên tiếng kỳ kèo. Cũng chỉ vì nghèo!

Biết làm gì đây khi ngày mai đã là Giáng sinh mà trong túi Della chỉ có $1.78. Chỉ vì cô nhất quyết nghĩ, thế nào cũng phải có một món quà cho chồng. Người chồng mà cô gọi là Jim để thay cho cái tên dài dòng, quý phái của dòng họ: James Dillingham Young.

Cái tên Dillingham đã nức tiếng gần xa trong suốt thời kỳ “hoàng kim” khi anh được trả tới 30 đô-la một tuần. Giờ đây, khi mức lương đã tụt xuống còn 20 đô-la một tuần nên đành phải nghĩ đến việc viết tắt lại... Dillingham thành một chữ D khiêm tốn. Dù gì đi nữa, Della vẫn thích gọi chồng bằng cái tên trìu mến Jim.

Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Della đã mất nhiều giờ tính toán, nghĩ cho ra món quà gì đó thật ý nghĩa dành cho Jim vào Giáng sinh năm nay. Món quà phải đẹp, hiếm và có giá trị... Món quà phải xứng đáng khiến cho Jim hãnh diện dù với $1.78 của Della!

 

 

Trong căn chung cư xập xệ, thuê với giá 8 đô-la của vợ chồng cô, có một tấm gương lớn. Della vẫn thường hài lòng mỗi khi ngắm mình trong gương: thon gầy, mảnh mai nhưng tràn đầy sức sống. Nhất là mái tóc dài mỗi khi buông thả... cả một suối tóc tựa như dòng đời đang chảy không một phút ngừng nghỉ.

Tổ ấm của Jim và Della luôn có hai điều mà họ tự hào. Một là chiếc đồng hồ vàng của Jim, do bố anh và trước nữa là ông nội anh để lại từ xưa. Thứ hai là mái tóc của Della, tóc dài một cách tự nhiên như dòng suối mát giữa buổi trưa hè.

Della cuộn tóc lại một cách vội vã, bồn chồn vì một ý tưởng lóe lên trong đầu. Ngay khi đó, những giọt nước mắt bỗng dưng lại ướt mi. Cô đã quyết và cô phải thực hiện ngay trước khi đổi ý.

Della đến một tiệm chuyên làm tóc giả và cô ngỏ ý bán mái tóc dài của mình. Bà chủ tiệm ra giá 20 đô-la. Không một chút chần chừ, cô ngồi vào ghế để người ta cắt đi mái tóc dài mà cô hằng hãnh diện.

Với số tiền mới kiếm được từ mái tóc của mình, Della tiếp tục “săn lùng” một món quà thật ý nghĩa cho chồng. Đó là cái dây đeo đồng hồ bằng bạch kim, kiểu dáng đơn sơ giản dị nhưng lại có giá trị thiết thực. Nó rất xứng với chiếc đồng hồ mà Jim hàng ngày bỏ túi vì thiếu sợi dây đeo.

Với hai mươi đô-la tiền bán tóc cộng thêm 1 đô-la tiền dành dụm Della đã có một món quà Giáng sinh cho người chồng yêu dấu. Nhẹ tênh với 70 xu còn lại trong túi và với mái tóc ngắn cũn cỡn vừa cắt lúc trở về nhà nhưng sao Della thấy lòng mình tràn đầy niềm vui của một việc làm mà cô vô cùng vui sướng.

Về đến nhà, Della bất giác nhìn mình trong gương và thầm lo sợ không biết Jim sẽ phản ứng ra sao khi thấy mình đã hoàn toàn đổi khác. Jim không bao giờ về trễ, khi anh bước vào nhà như mọi khi, Della thầm nghĩ: “Cầu sao trong mắt anh mình vẫn còn đẹp!”.

Cửa mở, Jim bước vào. Trông anh gầy và trầm lặng. Tội nghiệp, anh chỉ mới hăm hai đã phải lo gánh nặng gia đình. Đến áo khoác ngoài và găng tay anh cũng chẳng có.

Jim nhìn chăm chăm vào Della với một ánh mắt kỳ lạ khiến cô không hiểu nổi và lo sợ. Đó không phải là ánh mắt giận dữ, ngạc nhiên, chê bai, ghét bỏ... cũng không phải một trong những tình cảm mà Della chuẩn bị đón nhận. Jim nhìn cô chăm chú với vẻ khác thường.

Jim yêu quý, đừng nhìn em như thế. Em đã cắt tóc bán rồi vì em không thể thấy lễ Giáng sinh đến gần mà không tặng anh món quà nào. Tóc sẽ mọc lại nhanh thôi, anh đừng lo... Thôi, chúc mừng Giáng sinh đi, chúng ta sẽ hạnh phúc. Anh không biết món quà em tặng anh đẹp đến cỡ nào đâu!”.

“Em đã cắt tóc rồi sao?”, Jim hỏi một cách khó nhọc, chừng như anh không thể hiểu được mọi chuyện trước mắt.

“Cắt rồi và bán rồi,” Della đáp, “Nhưng anh vẫn cứ yêu em chứ? Không có tóc dài em vẫn là Della của anh thôi, có đúng không nào?”

“Em nói là em bán tóc rồi à?”, Jim hỏi lại một câu ngớ ngẩn, mắt như đang tìm kiếm một vật gì đã mất.

“Đừng mất công tìm kiếm”, Della nói, “Em nhắc lại là em bán rồi. Ngày mai là lễ Giáng sinh. Đừng giận, em cắt mái tóc vì anh. Có thể tóc em quý thật đấy nhưng không ai tính được cái giá của tình yêu em dành cho anh, Jim ạ”.

Jim như chợt tỉnh cơn mê. Anh ôm ghì lấy Della. Tám đô-la mỗi tuần hay một triệu mỗi năm, điều ấy có gì khác nhau? Nhà toán học hay người hóm hỉnh đều trả lời sai. Những người thông thái mang đến các món quà giá trị, nhưng trường hợp này không phải thế. Jim lấy một gói nhỏ từ túi áo khoác và đặt lên bàn.

Đừng hiểu sai về anh, Della. Không thể nào có chuyện một kiểu tóc cắt hay uốn hay gội khác đi lại làm cho anh bớt yêu em. Nếu em mở gói này ra thì em sẽ hiểu tại sao lúc nãy anh lại ngỡ ngàng như thế.”

Những ngón tay thon mềm lanh lẹ tháo tung dây buộc và mở gói giấy. Một tiếng reo mừng thích thú, và rồi... hỡi ơi, lập tức chuyển thành tiếng sụt sùi nức nở...

Bởi vì, trước mắt Della là những chiếc lược, cả một bộ lược, xếp xuôi và ngược, mà Della từng khao khát nhìn trong tủ kính một cửa tiệm ở Broadway. Những chiếc lược xinh xắn, làm bằng mai rùa, viền ngọc.

Della biết là rất đắt tiền, lâu nay cô chỉ thầm mong ước mà không mảy may hy vọng có ngày sắm được. Giờ đây chúng đã là của cô nhưng những lọn tóc cho chúng trang điểm lại không còn nữa.

Della ôm mấy chiếc lược vào lòng, mơ màng nhìn chúng rồi nở nụ cười dịu dàng nói: “Tóc em mọc nhanh lắm, anh ạ!”

Jim vẫn chưa thấy món quà Giáng sinh mà Della dành cho anh. Cô vội vàng xòe bàn tay đưa gói quà. Ánh kim lại lóe sáng như phản chiếu nét hân hoan rạng rỡ trong cô.

“Thật tuyệt vời. Em lùng khắp phố để kiếm nó. Bây giờ anh có thể mỗi ngày xem giờ cả trăm lần. Đưa đồng hồ đây, để em xem có dây này nó trông ra sao.”

Thay vì làm theo lời cô, Jim đến ngồi trên ghế, tay ôm lấy đầu và mỉm cười.

“Della, cứ cất những món quà Giáng sinh này đi. Chúng thật quý, không cần phải dùng ngay. Anh đã bán đồng hồ, lấy tiền mua lược cho em rồi!”

 


Mái tóc & chiếc đồng hồ... làm nên câu chuyện

Trên đây là đoạn phóng tác từ truyện ngắn “The Gift of the Magi” của nhà văn người Mỹ O. Henry (1). Truyện được in lần đầu ngày 10/4/1906 và sau đó 1 năm được xuất bản thành sách. Tôi chọn hình thức “phóng tác” thay vì dịch từng chữ chỉ vì trong tiếng Anh khi chuyển ngữ sang tiếng Việt có những chữ không hợp với ngữ cảnh.

The Gift of the Magi” là một truyện ngắn trong xã hội Phương Tây nhưng khi đọc, người Phương Đông cũng không dấu được sự cảm thông với những người trẻ khi đang yêu nhau trong nghèo khó. Điều đó khiến ta liên tưởng đến câu: “Tiền bạc chưa chắc gì mang lại hạnh phúc”.

The Gift of the Magi” là một trong các truyện của O. Henry được độc giả Phương Tây yêu thích và cũng có thể được xem là một trong những truyện ngắn về Giáng Sinh hay nhất của mọi thời đại.

Ở phần cuối câu chuyện, O. Henry dùng chữ “Magi”, có nghĩa là bậc thông thái mà trong Kinh Thánh chỉ 3 Nhà Thông Thái hay Ba Vua (Wisemen). Mùa Giáng Sinh chúng ta thường nghe câu chuyện Ba Vua lặn lội từ Phương Đông, đi theo một vì sao sáng đến thăm và tặng quà cho Chúa hài đồng trong máng cỏ.

Trong vai người kể chuyện, O. Henry đã viết một đoạn cuối cùng trong “The Gift of the Magi” như sau:

Magi, như các bạn biết đấy, là những người thông thái, những nhà thông thái tuyệt vời - đã tặng quà cho chúa Hài đồng trong máng lừa. Họ đã sáng tạo ra nghệ thuật tặng quà Giáng sinh.

Bởi họ là nhà thông thái nên quà tặng của họ chắc chắn cũng khôn ngoan, có thể được ưu tiên thay đổi trong trường hợp trùng lặp. Và ở đây tôi đã chắp vá và thuật lại cho bạn một chuyện thời sự chẳng mấy ly kỳ về hai thanh niên ‘ngu ngốc’ sống trong một căn chung cư đã hy sinh cho nhau một cách ngớ ngẩn để mất đi những tài sản quý báu nhất.

Tuy nhiên điều muốn nói sau cùng với những người khôn ngoan ngày nay là: trong tất cả những người tặng quà, hai người này là thông thái nhất. Trong tất cả người tặng quà và nhận quà, họ là hai người thông thái nhất. Ở nơi đâu họ cũng là người thông thái nhất. Họ là những Magi
(2).

 


Sự tích Ba Vua tặng quà cho Chúa hài đồng

 

Tác giả: O. Henry
Phóng tác: Dung Si Pham (phamsi.dung@yahoo.com)

 

Chú thích:

(1) O. Henry (1862-1910) tên thật là William Sydney Porter là tác giả của gần 400 truyện ngắn đăng trong các nhật báo và tạp chí, sau được in trong mười tập truyện. Cuộc đời của ông rất phong phú với nhiều nghề khác nhau: từ dược sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư... đến thư ký, đầu bếp nhà hàng, nhân viên công ty địa ốc, nhân viên xưởng in. Ông cũng đã từng tham gia ca hát, diễn kịch và cũng có lúc bệnh nặng, có lúc lại ở tù.

Có lẽ vì thế mà bối cảnh các truyện ngắn của Ông cũng rất phong phú, phác họa xã hội nước Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Phần lớn truyện ngắn của ông có cốt truyện đơn giản, với nhiều tình tiết oái oăm, khắc nghiệt, có khi khôi hài để kết thúc bất ngờ.

Khi ông làm nhân viên ngân hàng First National Bank ở thành phố Austin, Texas, ông bị điều tra về việc tình nghi biển thủ tiền quỹ. Mặc dù cha vợ ông đã chi trả hộ khoản tiền thất thoát, Chính phủ liên bang vẫn muốn truy tố tội hình sự. Ông rời Hoa Kỳ đến Honduras và trở lại 6 tháng sau khi nghe tin vợ mình đang đau nặng.

Ông bị kết án tù 5 năm. Trong nhà tù ở thành phố Columbus, Ohio, ông làm dược tá cho bệnh viện nhà tù, có thời giờ sáng tác để gửi tiền cho con gái, và bắt đầu dùng bút hiệu O. Henry. Sau khi đã qua hơn 3 năm trong tù, nhờ tư cách tốt ông được trả tự do sớm vào năm 1901. Ông đến cư ngụ tại thành phố Pittsburgh, Pennsylvania.

Năm sau, ông định cư hẳn tại Thành phố New York, cố giấu tung tích mình là tù phạm cũ. Từ lúc này, các truyện ngắn của ông bắt đầu xuất hiện đều đặn trên các báo hàng ngày và tạp chí. Mười tập truyện lần lượt được ra đời trong thời gian 1904-1910. Ông qua đời trong nghèo khó tại thành phố New York ngày 5/6/1910 do bệnh lao cộng thêm chứng xơ gan. Thêm ba tập truyện được ấn hành sau khi ông mất.

Năm 1919, Hội Nghệ thuật và Khoa học (Society of Arts and Sciences) thiết lập “Giải thưởng Tưởng niệm O. Henry” (O. Henry Memorial Awards), hàng năm trao cho những truyện ngắn xuất sắc.

Tại Việt Nam đã có nhiều bản dịch một số truyện ngắn của O. Henry. Gần đây nhất là quyển “Người du ca cuối cùng” do Nhà xuất bản Văn Học xuất bản. Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” đã được đưa vào chương trình văn học nhà trường. Thập niên 60 tại miền Nam, tôi đã được biết đến tác phẩm “The Gift of the Magi” trong chương trình Anh văn lớp Đệ nhị Trung học.

Điểm đặc sắc trong truyện ngắn của O. Henry là những tình tiết ngẫu nhiên, có lúc khắc nghiệt hoặc oái oăm hoặc mỉa mai, nhiều lúc khôi hài hoặc dở khóc dở cười, để rồi kết thúc trong bất ngờ làm người đọc hoặc thích thú nhưng không quá sướng thỏa, hoặc bâng khuâng nhưng không quá nặng nề. Những dư hương nhẹ nhàng như thế đọng trong tâm tư người đọc khá lâu.

Có lẽ do vậy mà vài truyện của O. Henry đã được chuyển thể qua sân khấu, sau này là điện ảnh và truyền hình, kể cả sân khấu kịch ở Việt Nam. Nhiều người ngạc nhiên về tính đa dạng trong các truyện của O. Henry. Một ngày, khi ngồi với nhà văn trong một hiệu ăn, một người bạn ông đặt câu hỏi thay cho số đông người đọc: làm thế nào ông kết cấu được các tình tiết, ông tìm đâu ra những cốt truyện như thế? Nhà văn đáp:

Từ mọi nơi. Mọi thứ đều mang một câu chuyện.” Rồi cầm lấy tờ thực đơn trên bàn ăn, ông nói: “Có một câu chuyện trong bản thực đơn này.” Đúng như thế: sau này ông viết nên truyện “Springtime à la carte”.

Những truyện ngắn của O. Henry được ưa thích nhất:

- “After Twenty Years”(Sau hai mươi năm): Một trong những truyện lấy bối cảnh thành phố New York (nơi O. Henry sống tám năm cuối đời ông) được ưa thích nhất.

- “A Chaparral Prince”(Hoàng tử đồng xanh): Chuyện phiêu lưu vùng Viễn Tây thời ấy, vừa hoang sơ, ngang tàng, mà cũng có khí phách anh hùng - pha trộn tai ương và phúc lành, lục lâm và hiệp sĩ.

- “The Church with an Overshot-wheel”(Ngôi giáo đường với cối xay nước): Có người nhận xét “giống như truyện cổ tích”. Cốt truyện dễ thương, và là một trong số ít truyện của O. Henry thể hiện văn tài tả cảnh tuyệt vời.

- “The Furnished Room”(Căn phòng đủ tiện nghi): Truyện được những nhà phê bình xem là một trong những truyện nghiêm túc, có giá trị văn học nhất của O. Henry.

- “Georgia’s Ruling”(Phán quyết của Georgia): Cả trăm năm trước, nước Mỹ rộng bao la vẫn có cơn “sốt đất” tạo ra nhiều vấn đề cho các sở địa chính, nhưng ở đây nằm trong bối cảnh khác: tình cha con mở rộng ra tình người. Ý tình thắm thiết nhưng ngôn từ cô đọng.

- “The Gift of the Magi”(Món quà của các đạo sĩ): Một trong các truyện của O. Henry được người đọc phương Tây yêu thích nhất, cũng có thể được xem là một trong những truyện ngắn về Giáng Sinh hay nhất mọi thời đại.

- “The Green Door” (Cánh cửa màu lục): Có ý kiến cho rằng tác giả thiên về tư cách nhà hoạt động xã hội (social activist) qua truyện này.

- “The Last Leaf” (Chiếc lá cuối cùng) được O. Henry sáng tác năm 1907, là một truyện ngắn nổi tiếng được biết đến nhiều nhất, đã được đưa vào sách giáo khoa của nhiều nước để giới thiệu văn học nước ngoài. Truyện nói về cuộc sống khổ cực của những người họa sĩ nghèo ở Mỹ. Cuộc sống cơ cực đã khiến Johnsy tuyệt vọng với căn bệnh sưng phổi, nhưng nhờ có chiếc lá cuối cùng, Johnsy đã qua khỏi sự nguy kịch.

- “A Retrieved Reformation”(Một cuộc đổi đời): Truyện rút tư liệu từ thời gian O. Henry ngồi tù, có ý kiến cho là dựa trên chuyện có thật.

- “The Dream” (Giấc mộng): Đây là truyện cuối cùng của O. Henry. Tạp chí văn chương Cosmopolitan Magazine đã đặt hàng tác giả viết truyện này, nhưng sau khi nhà văn qua đời (tháng 6/1910), tập bản thảo đang dở được tìm thấy trên bàn làm việc đầy bụi bặm của nhà văn. Truyện ngắn đang dở được ra mắt trên tờ Cosmopolitan Magazine tháng 9/1910.

 


Chân dung nhà văn
O. Henry, năm 1909

 

(2) Nguyên văn đoạn cuối của “The gift of the Magi”, O.Henry viết:

The magi, as you know, were wise men—wonderfully wisemen—who brought gifts to the Babe in the manger. They invented the art of giving Christmas presents.

Being wise, their gifts were no doubt wise ones, possibly bearing the privilege of exchange in case of duplication. And here I have lamely related to you the uneventful chronicle of two foolish children in a flat who most unwisely sacrificed for each other the greatest treasures of their house.

But in a last word to the wise of these days let it be said that of all who give gifts these two were the wisest. Of all who give and receive gifts, such as they are wisest. Everywhere they are wisest. They are the magi
.”

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 





 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Ngôi sao Phương Đông hướng dẫn Ba Vua tìm Hài Đồng Giê-su. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by Việt Nhân chuyển

 

Đăng ngày Thứ Năm, December 14, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang