Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự CĐNVQGTNCSVN/HN
Chủ đề:
Ngôn ngữ v+
Tác giả: Lâm Văn Bé
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Sau
năm 1975, người Việt Nam bỏ nước ra đi tỵ nạn đã bị cộng sản gọi
bằng những danh từ khác nhau. Những danh từ này mang những hậu ý
chính trị gian xảo, do đó việc tìm hiểu ý nghĩa chính xác những
danh từ này thật cần thiết để chúng ta sử dụng chính xác trong
từng trường hợp.
Người tỵ nạn
Khi vào cưỡng chiếm đất miền Nam, cưỡng
đoạt tài sản dân miền Nam, cộng sản đã gọi tất cả dân miền Nam là
bọn Mỹ Ngụy. Đối với người dân có cơ may vượt thoát được bằng
những cuộc vượt biển, vượt biên để xin tỵ nạn ở các xứ tự do,
cộng sản dùng nhiều danh từ thô tục để điểm mặt người tỵ nạn.
Trước tiên, trong một hội nghị với các
cán bộ tại Hà Nội năm 1975, Trần Phương, chủ nhiệm Ủy Ban Khoa
học Xã hội đã ví von một cách tục tĩu dân miền Nam là những con
điếm cho Mỹ làm tình để đổi lấy viện trợ. Cùng trong tư tưởng dâm
ô ấy, “Lê Duẩn mạt sát những người di tản là một bọn ma-cô, đĩ
điếm; Phạm văn Đồng chửi người ra đi là bọn phản quốc; và các nhà
báo nhà văn cộng sản, kể cả bọn cộng sản 30 cũng chửi hùa theo là
những đồ rác rưởi trôi dạt khắp năm châu bốn bể. Cặn bã xã hội,
trây lười lao động, chạy theo bơ thừa sữa cặn”. Nguyễn Trọng
Nhân, nguyên Bộ trưởng Y tế còn hằn học hơn khi tuyên bố trong
một cuộc phỏng vấn năm 1993 tại Amsterdam: Những người di tản
đáng bị chặt đầu.
Nhưng chẳng bao lâu, cộng sản hiện
nguyên hình là bọn gian manh. Năm 1990, khi cộng sản bắt đầu nhận
tiền của người tỵ nạn gởi về, bọn đĩ điếm được cộng sản “nâng
cấp” lên là Việt kiều, và ân tình hơn, Đỗ Mười tuyên bố Việt Kiều
là những khúc ruột ở bên ngoài ngàn dặm của dân tộc.
Tưởng cần hiểu từ nguyên chữ Việt kiều
để thấy rõ thâm ý của cộng sản. “Kiều” chữ Hán có nghĩa là ở nhờ,
ở làng khác hay nước khác được dùng làm tĩnh từ cho những danh từ
như “kiều dân” là người sống ở ngoài lãnh thổ mà người đó đã được
sinh ra, “kiều bào” là đồng bào ở nước ngoài. Dưới thời Việt Nam
Cộng Hòa, người Hoa sống ở VN được gọi là Hoa Kiều và chế độ Hà
Nội gọi những người Việt sống ở nước ngoài và ủng hộ họ là “Việt
kiều yêu nước”.
Người Việt bỏ xứ ra đi tỵ nạn không
phải là Việt kiều, kiều bào, vì những người này đã không chấp
nhận chế độ cộng sản, đã sinh cơ lập nghiệp vĩnh viễn trên một
quốc gia khác, đã có quốc tịch của một quốc gia khác. Gọi người
tỵ nạn là Việt kiều, cộng sản có gian ý là muốn “tóm thâu” cái
khối chất xám này là “con dân” của họ, còn đặt dưới quyền sinh
sát của họ. Nghị định số 78/2009/NĐ ngày 22/09/2009 về luật quốc
tịch xác định rõ quan niệm này, theo đó bao giờ người mang quốc
tịch VN chưa được chính phủ VN cho phép từ bỏ quốc tịch, người ấy
vẫn còn quốc tịch VN dù rằng người ấy đã có quốc tịch Mỹ, Canada,
Úc... Càng lộng ngôn và ngang ngược hơn, với con cháu của người
Việt tỵ nạn, dù sinh ra và lớn lên tại các quốc gia của ông cha
họ đã định cư, cộng sản cũng xem những người này vẫn có quốc tịch
Việt Nam nếu chưa [được] phép làm đơn xin bỏ quốc tịch và chưa
được chính phủ VN chấp thuận.
Về điểm này, chúng ta thấy rõ chánh
sách trơ tráo, đánh lận con đen của cộng sản. Theo điều 13, khoản
2, Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2008, “Người VN định cư ở nước
ngoài vẫn có quốc tịch VN. Sau 5 năm từ khi luật này có hiệu lực,
kiều bào phải đến cơ quan đại diện của chính phủ VN tại nước
ngoài để đăng ký xin giữ quốc tịch, nếu không, sau ngày 1/7/2014
sẽ mất quốc tịch”.
Sau 5 năm, chỉ có khoảng 6000 người ghi
tên xin giữ quốc tịch. Trái với dự tính vì số người xin giữ quốc
tịch quá ít, tháng 7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký luật gia
hạn cho người muốn giữ quốc tịch thêm 5 năm nữa, tức là sẽ chấm
dứt ngày 1/7/2019.
Ngôn từ cộng sản thật lươn lẹo, lật
lọng. Cho đến ngày 1/7/2019, người Việt ở hải ngoại mặc nhiên vẫn
còn quốc tịch VN, vẫn bị chi phối bởi Luật quốc tịch VN giải
thích “rộng rãi” theo luật rừng. Chính bà Ngô Bá Thành, chuyên
viên xách động xuống đường thời VNCH, được CS phong cho chức chủ
nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội đã ví von: Việt Nam có một
rừng luật và áp dụng luật rừng.
Và cho đến đầu năm 2014, bạo quyền CSVN
vẫn còn khư khư giữ quan niệm cha chú này với người Việt tỵ nạn.
Trong bài huấn từ của Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ Ngoại giao
đặc trách Cục Người Việt nước ngoài đã nhắn nhủ cho phái đoàn
“Việt Kiều yêu nước” về quê ăn Tết, ông nhắc lại lời của Thủ
tướng Võ Văn Kiệt 20 năm trước như sau: “Cộng đồng người Việt ra
đi sau chiến tranh và định cư ở nước ngoài rất đặc thù, không
giống các cộng đồng ngoại kiều khác. Những thuyền nhân ra đi đa
số là vì mục tiêu kinh tế chứ không phải mục đích chính trị. Có
bộ phận những người ra đi sau cuộc chiến tranh mang theo tư tưởng
hận thù của những người thua trận và được tuyên truyền rất nhiều
điều ghê sợ không có thực về chủ nghĩa cộng sản... Nghị quyết 36
của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ chủ trương, chính sách của
đảng, nhà nước, coi cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài là bộ
phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, tức là những người máu
mủ ruột thịt thực sự, không phân biệt đó là thành phần nào, đó là
ai. (Xuân quê hương 2014 – danlambao 3/2/2014).
Đối với những Việt Kiều yêu nước, cộng
sản muốn gọi tên gì thì cứ gọi và sai bảo điều gì thì cứ làm.
Nhưng đối với người Việt tỵ nạn cộng sản, họ không phải là Việt
kiều mà là người Mỹ, người Canadiens, người Pháp, người Úc, người
Đức gốc Việt... Phải gọi chính danh như vậy và phải tôn trọng
quyền chọn lựa của họ là không chấp nhận chế độ cộng sản.
Việt Kiều và Nghị Quyết 36
Không người Việt tỵ nạn nào ngu xuẩn tự
xưng mình là Việt kiều, nếu có, đó là những Việt kiều yêu nước.
Tưởng cần biết qua lai lịch của những Việt kiều yêu nước này.
Đa số những Việt Kiều này là những sinh
viên xuất ngoại du học từ thời Việt Nam Cộng Hòa nhờ học bổng của
Plan Colombo hay các quốc gia Âu Mỹ. Từ cuối năm 1970, một số con
em của những người có thế lực, nhà giàu cũng được xuất ngoại tự
túc. Những sinh viên có học bổng sau khi hết học bổng không chịu
về nước vì sợ đi quân dịch, nên tìm cách ở lại tại các quốc gia
đã du học một cách bất hợp pháp. Phương thức thông thường là kết
hôn với người dân bản xứ để có quốc tịch, và để biện minh cho
hành động hèn nhát, họ chạy theo các phong trào sinh viên phản
chiến ở Pháp, Mỹ, Canada để chống chiến tranh Việt Nam mà theo họ
là do Mỹ và chế độ quân phiệt miền Nam chủ động. Họ được cộng sản
lợi dụng để tuyên truyền và được phong danh hiệu là Việt kiều yêu
nước. Sau 1975, nhiều đám sinh viên phản chiến phản quốc này từ
Nhựt, Âu châu, Mỹ chạy sang Canada xin tỵ nạn cùng lúc với thân
nhân của họ vừa di tản đến. Họ trương cờ đỏ sao vàng ở những tụ
điểm của họ, một số xin về nước để lấy uy với bạn bè, nhưng bạo
quyền CSVN lạnh lùng với họ, có khi còn bắt họ bởi lẽ cộng sản dư
biết những Việt kiều yêu nước này chỉ là bọn hèn, theo đóm ăn
tàn.
Từ cuối
thập niên 1990 xuất hiện thêm một số Việt kiều yêu nước già,
nguyên gốc là HO, có học và vô học, vì không hội nhập được vào xã
hội định cư nên đi đi về về Việt Nam để sống với tiền xã hội của
quốc gia định cư, một số khác thất nghiệp muốn về VN để kiếm
việc, làm ăn buôn bán. Để đạt được ý định, họ lập công với cộng
sản bằng những mưu chước hèn hạ, phản bội lại đồng hương và đồng
đội họ, xâm nhập vào các hội đoàn, cơ quan ngôn luận để quấy phá.
Nghị Quyết 36 nhờ sự tiếp tay của những Việt Kiều trở cờ phản bội
này.
Nhiều
người Việt tỵ nạn không biết hay xem thường những tác hại của
Nghị Quyết 36 viện lẽ không làm chính trị. Ban hành vào tháng 3
năm 2004, Nghị Quyết 36 nhằm mục đích chiêu dụ người Việt ở hải
ngoại về nước và đem tài sản về nước để gọi là đầu tư, đồng thời
tìm cách khống chế lực lượng người Việt ngoài nước. Nói chung,
Nghị Quyết 36 có thể tóm lược trong 5 điểm:
- Giúp người tỵ nạn trong việc sinh
sống
- Giúp người tỵ nạn đoàn kết lẫn
nhau
- Thu góp tiền bạc và chất xám
- Biện pháp đối với các thành phần chống lại chánh phủ và Đảng ở
hải ngoại
- Tổ chức văn hóa vận và tình
báo ở hải ngoại.
Nhận định từng điểm, NQ 36 mang bản
chất gian xảo, trịch thượng. Làm sao CS có khả năng và uy tín
giúp người Việt hải ngoại trong cuộc sinh sống trong khi họ đã
đẩy đa số người dân trong nước đến chỗ bần cùng và mất cả đạo lý,
và càng tệ hại hơn, họ xuất cảng tệ trạng ăn cắp tràn lan tại
những nơi mà cán bộ của họ đi qua, làm xấu xa dân tộc. Tại Nhật,
Mã Lai, Thụy Điển, nhiều cửa hàng treo bảng hiệu: Cảnh cáo Ăn cắp
vặt, No dogs, no Vietnamese.
Họ nói giúp người tỵ nạn đoàn kết với
nhau, nhưng thực sự họ đưa công an và Việt kiều yêu nước xâm nhập
các đoàn thể để gây đố kỵ, đánh phá nhau. Chuyện thu góp tài sản
thì quá rõ, từ việc gởi tiền đến Việt kiều du lịch mang về nước
tiêu xài cung cấp cho cộng sản 12% GDP, duy chỉ có chuyện thu góp
chất xám là một cuộc thảm bại.
Một số tác hại của NQ 36 đã
thấy rõ trong một số công tác chiến lược như sau:
- Trường dạy tiếng Việt và sinh
hoạt tập thể cho thanh thiếu nhi là lò huấn luyện, tuyên truyền.
Tại những nơi có đông đảo người Việt,
cán bộ cộng sản chủ động hay hợp tác với các đoàn thể, tư nhân mở
trường dạy tiếng Việt, đưa sách báo từ VN sang, hay soạn sách
theo quan điểm tuyên truyền cho cộng sản. Những buổi sinh hoạt
tập thể là những cơ hội thuận lợi để cán bộ hay thầy cô thân cộng
rỉ tai, hướng dẫn những măng non theo tư tưởng cộng sản. Tùy mức
độ ảnh hưởng, chính sách văn hóa vận này tạo một tư tưởng chống
đối của giới trẻ với ông cha trong công cuộc chống cộng.
Trong đại hội “Tổng kết 10 năm thực
hiện NQ36 và công tác đối với người Việt nước ngoài” ngày 22
tháng 5, 2014, Thứ Trưởng Giáo Dục Trần Quang Quý đã có chỉ thị
rõ rệt “...Cần sớm có quy chế về việc dạy tiếng Việt cho người
Việt nước ngoài, đặc biệt thế hệ thứ ba, thứ tư để việc kết nối
giao lưu được thuận lợi...”
- Xâm nhập các cơ quan truyền
thông
Cộng sản đã tung ra hàng triệu mỹ kim
để thành lập, hùn vốn để mua chuộc các cơ sở truyền thông ở hải
ngoại, bề mặt chửi bới cộng sản linh tinh, nhưng thỉnh thoảng gài
vào những bản tin, bài viết vận động chính trị chiến lược có lợi
cho cộng sản. Trong bản tổng kết Hội nghị Người Việt nước ngoài
lần thứ hai từ ngày 27-29 tháng 09 năm 2012 ở TP Hồ Chí Minh, Thứ
Trưởng Nguyễn Thanh Sơn, chủ nhiệm Ủy Ban Người Việt nước ngoài
đã nói rõ chương trình hành động: “Tăng cường công tác thông tin
đối ngoại, tăng cường đầu tư cho các chương trình dành cho người
Việt ở nước ngoài như đài phát thanh, TV, báo chí, thông qua tổ
chức các buổi giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm tranh ảnh
về đất nước, các hoạt động từ thiện, du lịch, sinh hoạt khoa học,
sinh hoạt các nhóm trong cộng đồng người Việt hải ngoại...”
Khuynh đảo, lừa gạt, xảo trá là sở
trường của cộng sản. Chúng áp dụng kỹ chiến thuật tuyên truyền
của Goebbels (Bộ Trưởng Thông tin Tuyên truyền của Đức Quốc Xã):
Nhắc đi nhắc lại hoài một sự việc không đúng sự thật, ban đầu
người ta không tin, lần lần người ta bán tín bán nghi, sau cùng
người ta tin là sự thật. Internet và báo chí là những phương tiện
hữu hiệu dể chúng bôi nhọ những người quốc gia tranh đấu chân
chính, làm yếu đi lực lượng chống cộng, để từ đó chúng đưa người
của chúng vào các hội đoàn. Nhiều tổ chức tranh đấu chính trị đã
bị chẻ làm đôi, làm ba và khi các cộng đồng hay tổ chức này bị
chúng đánh cho yếu đi hay tan vỡ thì chúng dùng tiền để mua chuộc
đám Việt kiều - Việt gian nhảy ra làm bình phong cho chúng hoạt
động. Mặc dù chúng dùng mọi mưu chước nhưng cho đến nay, chúng
vẫn không thành công lắm trong công tác vận động quần chúng ở Bắc
Mỹ, Úc và vài quốc gia ở Tây Âu.
Nhưng cộng sản có hai bộ mặt
chồng chéo nhau:
dịu ngọt và bạo lực
Tạp chí cộng sản gần đây đã
viết: “... Tính đến nay, có hơn 100 tổ chức chính
trị phản động người VN ở hải ngoại đang nuôi chí phục thù nhằm
thực hiện ý đồ đen tối phục quốc. Cầm đầu các hội, các nhóm trên
là những phần tử cực đoan, từng là ngụy quân ngụy quyền cũ, có
nhiều nợ máu với cách mạng. Chúng đã, đang móc nối, cấu kết chặt
chẽ với nhau và với bọn phản động trong nước để hoạt động chống
phá cách mạng nước ta...”
(TCCS. Phát huy vai trò của Cộng
đồng
http://tapchicongsan.org.vn
ngày 28/05/2013 [Anh ngữ:
http://english.tapchicongsan.org.vn]
Chánh sách vừa chiêu dụ vừa khủng bố
của cộng sản đã có tác dụng phần nào trên các vùng đất có người
Việt định cư ở Bắc Âu và Đông Âu, nơi có đông đảo người lao động
xuất khẩu, di dân bất hợp pháp và du sinh. Trong thập niên qua,
các tòa đại sứ hay lãnh sự cộng sản đã nỗ lực thiết lập 13 cộng
đồng người Việt theo chủ trương của NQ 36: “... Nếu chúng ta phát
huy cao độ các lợi thế của các lực lượng người Việt Nam ở nước
ngoài để phân hóa, cô lập các lực lượng phản động thì chúng ta có
thể hạn chế một cách hiệu quả, thiết thực các thế lực thù
địch...”. Mười ba cộng đồng cộng sản này là: 4 tại các quốc gia
trước đây là cộng sản (Ba Lan, Tiệp Khắc, Nga, Đông Đức), 4 tại
các quốc gia có nhiều lao động xuất khẩu (Nam Hàn, Đài Loan,
Qatar, Angola), 5 tại các quốc gia ít có người tỵ nạn (Na Uy,
Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Sĩ – (chú thích: tại Thụy Sĩ
còn có một cộng đồng chống Cộng của người Việt tỵ nạn). Các chủ
tịch các cộng đồng này là người cộng sản, chỉ làm bù nhìn, việc
điều khiển Cộng Đồng do sứ quán hay tòa lãnh sự đảm nhiệm theo
quyết định Q12 năm 2008 (Mobiliser les Vietnamiens à l’étranger,
p.50).
Ngày 18
tháng 8, 2014, Trung ương đảng đã tổ chức một cuộc “mạn đàm” tại
Praha (Tiệp Khắc) quy tụ những nhân vật cao cấp của Bộ Chính Trị
từ trong nước và các đại sứ, đại diện 14 cộng đồng người Việt ở
Đông Âu, Bắc Âu, kể cả Thụy Sĩ, Anh, Bỉ để “trao đổi công tác xây
dựng tổ chức, vận động quần chúng, lôi cuốn giới trẻ tham gia và
phát huy các sinh hoạt cộng đồng”.
- Gởi sư quốc doanh ra hải
ngoại lập chùa, tu viện
Chùa là nơi gia đình người Việt tỵ nạn
gặp nhau để lễ Phật, niệm kinh, và còn là nơi sinh hoạt xã hội,
văn hóa. Biết như vậy, Nguyễn Thanh Sơn, chủ nhiệm Ủy Ban Người
Việt nước ngoài đã ký kết với Hòa Thượng Thích Thanh Tứ (Tứ chớ
không phải Thích Thanh Từ) Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị sự Giáo Hội
Phật giáo VN ngày 16/07/2009 một văn kiện nhằm “phối hợp cộng tác
phật sự ở nước ngoài, mở rộng quan hệ, hoạt động của giáo hội
sang các nước có đông kiều bào sinh sống”. Từ mươi năm nay, tại
hải ngoại có nhiều chùa, tu viện được thành lập, mà sinh hoạt
chùa không theo truyền thống tôn nghiêm của Phật pháp. Những ngôi
chùa này tổ chức đại nhạc hội, du lịch, thi hoa hậu và nhiều sinh
hoạt của đời thường. Một số thầy chùa, sư nữ gốc là công an, tác
phong không phù hợp với người tu hành, làm người phật tử chân
chính chán ngán. Ngôi chùa trở nên cơ sở kinh tài cho cá nhân và
đảng, sư quốc doanh làm công tác báo cáo, tuyên truyền cho chế
độ. Nghị Quyết 36 đã làm tổn hại rất nhiều đời sống tâm linh của
người tỵ nạn.
Người Việt ở hải ngoại
Ngoài ra, chúng ta thường có thói quen
gọi chúng ta thuộc cộng đồng người Việt hải ngoại (diaspora) mà
cộng sản gọi là người Việt nước ngoài. Nếu từ ngữ này đúng với
tất cả các sắc tộc khác nhưng đối với người Việt, có khi không
đúng hẳn bởi lẽ trong số người Việt hải ngoại lại có thêm những
người không phải là người tỵ nạn. Đó là những người xuất khẩu lao
động, di dân kinh tế hợp pháp và bất hợp pháp, các du học sinh
thân cộng hay theo Cộng. Hiểu như vậy, sự chính xác của từ ngữ sử
dụng cần phân biệt theo nội dung và hoàn cảnh.
Nguồn:
- Người Việt ờ nước ngoài
@ww.vietkieu.info
- Wikipedia
- Migration Policy Institute
- World
Facts Book.
Chú thích:
Bảng thống kê trên, tuy xuất xứ từ các
cơ quan thẩm quyền nhưng chỉ là những con số ước lượng gồm có:
- 700,000 người Việt ở Cam-bốt, Thái
Lan và Lào là người Việt đã sống lâu đời nhiều thế hệ tại các
quốc gia này, đại đa số đã nhập tịch. Về người Việt ở Cam-bốt, số
thống kê chỉ là phỏng định vì quốc gia này không có thống kê.
Theo Wikipedia, và World Facts Book, người Cam-bốt gốc Việt chiếm
5% dân số tức khoảng 600,000 người. Bertrand Didier trong bài
Vietnamiens au Cambodge và Annuska Derks trong A picture of the
Vietnamese in Cambodia trình bày chi tiết các giai đoạn di cư,
định cư, diện mạo của người Việt ở Cam-bốt (có thể đọc online).
Migration Policy Institute thiết lập
thống kê người di dân VN (immigrants) vào tháng 9 năm 2013 dựa
vào ước lượng của United Nations Population Division công bố một
con số thấp hơn chỉ gồm người di cư xuất khẩu lao động: Cam-bốt:
37,000; Lào: 11,000; Thái Lan: 6,000.
- 700,000 người ở Đài Loan, Nam Hàn, Mã
Lai, Nhựt, Trung cộng, Đông Âu, Nga, Bangladesh, Trung Đông và
Phi Châu. Dân số VN tại các quốc gia này thuộc nhiều diện khác
nhau:
- một số
là cư dân hợp pháp phần lớn là phụ nữ lấy chồng người Đài Loan,
Trung cộng, Nam Hàn, Mã Lai và những du học sinh tại các quốc gia
Đông Âu, Nga, được nhập tịch tại các quốc gia này.
- một số là người xuất khẩu lao động và cư dân bất hợp pháp.
Như vậy tổng số người Việt ở
hải ngoại là:
- Người tỵ nạn cộng sản: 2,500,000
người (số tròn) Bảng 1
- Người Việt di cư kinh tế, xuất khẩu
lao động, du học sinh, định cư bất hợp pháp: 1,400,000 người Bảng
2
Tổng cộng số
người Việt ở hải ngoại: 3,900,000 người.
Một cách dễ nhớ: 4 triệu người.
Nguồn: Lâm Vĩnh Bình, Giá Tự Do
Về tổng số người Việt ở hải ngoại,
thống kê của nhiều người viết, ngay cả những nhà nghiên cứu khoa
bảng thường có khuynh hướng khuếch đại con số, bởi lẽ thay vì sử
dụng thống kê chính thức của các quốc gia bản xứ, họ lại sử dụng
những thống kê của Cục Người Việt nước ngoài của cộng sản mà bản
chất là gian dối, thiếu chính xác. Đan kể như luận án tiến sĩ:
Mobiliser les Vietnamiens de l’étranger: enjeux, stratégies et
effets d’un nationalisme transnational của Christophe Vigne do
Institut de recherche sur l’Asie du Sud-Est contemporaine
(IRASEC) xuất bản năm 2012 cho biết là người Việt ở hải ngoại là
4.3 triệu người trong đó người Việt ở Mỹ là 2.2 triệu (thay vì
1.5 triệu) và ở Canada là 250,000 (thay vì 220,000). “Le RSVN
estime à environ 4.3 M le nombre de Vietnamiens résidents à
l’étranger. La communauté vietnamienne des États-Unis est de loin
la plus nombreuse avec 2..2M de personnes. Environ 250 000 Viet
Kieu vivent au Canada, 120 000 en Allemagne et 60 000 en
Russie...(p. 13).
Kết luận
Chúng tôi vừa phân tích hai từ ngữ
người tỵ nạn và Việt kiều để phân biệt hoàn cảnh lúc ra đi và vị
trí chính trị đối với chế độ cộng sản. Tuy nhiên, khi phải nhắc
đến một từ ngữ khác có chữ kiều là kiều hối (mà cộng sản dùng
thay cho danh từ ngoại tệ), cái biên giới giữa người tỵ nạn và
Việt Kiều như không còn nữa bởi cả hai đều dùng kiều hối để nuôi
dưỡng và củng cố chế độ trong nước.
Thật vậy, kể từ khi Clinton bắt tay với
VN năm 1995, người Việt tỵ nạn về nước ào ạt vì đủ thứ lý do,
thăm gia đình, du lịch, du hí... Thật là khó hiểu khi nhiều người
đã ra đi tìm cái sống trong cái chết để vượt biển, vượt biên sau
những ngày đói rách, khổ nhục hay bị lao tù, và trên đất mới, sau
đó cũng không bao lâu, họ lại quay trở về để tiếp tục luồn cúi,
nịnh bợ công an, cán bộ phường xã, những người trước đó không lâu
là kẻ thù của họ. Vui thú, vinh quang gì? Cứ mỗi lần Tết đến, có
khoảng nửa triệu người về VN ăn Tết, mỗi người mang về VN để chi
tiêu trung bình khoảng $4,000 mỹ kim, như vậy cộng sản có được dễ
dàng ít nhất 2 tỷ mỹ kim “kiều hối” chỉ trong hai tháng. Ngoài
ra, việc gởi tiền về VN triền miên từ 40 năm nay để nói là giúp
đỡ thân nhân cũng là hiện tượng cần suy nghĩ, bởi lẽ chính số
“kiều hối” khổng lồ này đã nuôi dưỡng, củng cố chế độ và duy trì
một lớp thân nhân ỷ lại lười biếng, thỏa hiệp với công an để được
dễ dàng trong cuộc sống. Dưới lăng kính này, người tỵ nạn có khác
gì những Việt kiều yêu nước hay xuất khẩu lao động thân cộng?
Theo Viện Nghiên cứu Quản Lý Kinh Tế
Trung Ương (Central Institute for Economic Management CIEM),
“tính từ năm 1991 đến 2013, lượng kiều hối gởi về hơn 90 tỷ mỹ
kim, là chiếc phao cứu tinh cho nhiều doanh nghiệp và là nguồn
tài chính quan trọng cho quốc gia. Số tiền trên không kể đến 28%
‘kiều hối chui’ không qua đường dây chính thức và những khoản
tiền tiêu khi Việt kiều về thăm nhà. Chỉ năm 2013, số kiều hối
gởi về là 11 tỷ. Mỹ là quốc gia chuyển ‘kiều hối’ về VN nhiều
nhất (57% trong tổng số ‘kiều hối’ chính thức), kế đó là Úc
(khoảng 9%), Canada (8%), Đức (6%), Pháp (4%). ‘Kiều hối’ là
nguồn vốn thứ hai tại VN sau FDI (chú thích của người viết:
Foreign Direct Investment là tiền ngoại quốc đem vào VN đầu tư)
giúp tăng tiết kiệm, đầu tư, giảm nợ, cải tiến bảng xếp hạng tín
nhiệm quốc gia, giúp ổn định tỷ giá, cán cân thanh toán và tăng
dự trữ ngoại hối. Tóm lại, ‘kiều hối’ dùng để trả sinh hoạt hằng
ngày, đầu tư vào sản xuất kinh doanh và trả nợ.” (Cứu tinh của
nền kinh tế VN /Alan Phan - ngày 18/12/2014.)
Thông tin trên phát xuất từ một cơ quan
kinh tế chiến lược đầu não của cộng sản đã cho thấy không phải là
nhóm Việt kiều Đông Âu, hay nói chung những Việt kiều thân Cộng
đã gởi tiền về nước để nuôi chế độ mà chính đa số là người tỵ
nạn. Chỉ tại 5 quốc gia có đông đảo người tỵ nạn, đặc biệt là Hoa
Kỳ, đã đóng góp hàng năm cho cộng sản VN 84% ngoại tệ. Có gì phi
lý hơn, khi người Việt ở Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Tây Đức là thành
trì chống Việt cộng, nhưng đồng thời cũng là đại ngân hàng tài
trợ cho Việt cộng. Giải quyết cái phi lý này phải là chuyện số
một phải làm, tuy đã muộn màng lắm rồi, trước khi nói đến những
chuyện tranh đấu khác.
Lâm Văn Bé
Về tác giả Lâm Văn Bé: Trước
1975, tác giả làm việc và từng giữ các chức vụ:
• Giáo sư,
Giám học, Hiệu trưởng Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho
• Tổng Thư Ký Viện Đại Học Tiền Giang
• Chánh Sở Học
Chánh Định Tường
Sau 1975, ông làm Giám đốc Thư Viện Mile
End ở Montreal, Canada. Hiện nay, ông về hưu và dành thời gian
viết biên khảo.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
Chiều
Thu trên Biển Hồ
Hallstätter,
thuộc tỉnh
Salzkammergut, nước Áo, Âu châu.
Hồ nằm trên tọa độ 47°34′43″N
13°39′38″E.
Mặt nước hồ rộng
khoảng 8.55km², sâu 125m.
|
Hình nền: Mùa Thu Áo Quốc. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by MĐ Trịnh Tường Vân, TĐ50CTCT/SĐND chuyển
Đăng ngày Thứ Hai,
October 30, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang