Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy bút
Chủ đề:
thơ–nhạc
Tác giả:
Vương Trùng Dương
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
“Les feuilles mortes se ramassent à la pelle...
Tu
vois je n’ai pas oublié
Les feuilles mortes se ramassent
à la pelle
Les souvenirs et les regrets aussi...”
–(Jacques Prévert: Œuvres
complètes Tome II)
Bạn
tôi, nhà thơ Triều Hoa Đại ấn hành tác phẩm Lên Rừng Đếm Lá.
Nhân dịp này, người bạn vong niên từ thời ở Đà Nẵng – Lê Bảo
Hoàng (nhà thơ Luân Hoán) – hai nhà thơ thực hiện cuộc trò
chuyện với nhau.
Theo Triều Hoa Đại thì khi rời bỏ
đất nước ra đi, hình như một số anh, chị em trong đó có tôi
đã bỏ “của” mà chạy lấy người nên đã không đem theo được một
tác phẩm nào...
Tôi ở một nơi rất xa cách sinh hoạt
cộng đồng (vì công việc) cho nên đó cũng là những thiệt thòi
về đủ mọi phương diện, mà đặc biệt nhất là sách báo thì tôi
thiếu thốn vô cùng, những ngày tháng trước đây khi còn sinh
hoạt với chữ nghĩa ở trong nước tôi đã có được một tủ sách
gia đình đáng kể, bạn bè mỗi khi in sách đều gửi cho, nhà
xuất bản cũng thương tình cho một vài cuốn thành ra một tác
phẩm thường thì tôi được hai, hay nhiều hơn thế nữa do tác
giả và nhà xuất bản ký tặng, giờ đây nhìn thấy “tủ sách” gia
đình mà mình có được thấy ngậm ngùi, tủi thân chi lạ. Mở hộp
thư bưu điện hằng ngày chỉ là để trông mong sách báo, ngóng
chờ thư từ bằng hữu như người đi giữa sa mạc mong ngóng
những cơn mưa.
Vì vậy, tác phẩm đầu tiên của anh
Lên Rừng Đếm Lá,
anh đã “đếm” 17 chiếc lá, hầu hết là bạn văn với tác giả.
Sau gần hai thập nhiên, có các chiếc lá đã lìa cành!
Trong âm nhạc, có nhiều ca khúc với hình ảnh chiếc lá, có lẽ
biểu tượng cho đời người, tình yêu... ở giai đoạn nào đó
mang nỗi buồn man mác khi chia ly! Mà:
“Lòng
người như chiếc lá,
nằm trong cơn gió vô tình...”
–(Ngăn Cách của Y Vân).
“Lòng người như lá
úa, trong cơn mưa chiều.
Nhiều cơn gió cuốn, xoay xoay
trong hồn.
Và cơn đau này vẫn còn đấy”
–(Bài Không Tên Số 2 của
Vũ Thành An)...
Vào thời tiền chiến, những tình khúc của Đoàn Chuẩn & Từ
Linh được gọi nhạc sĩ của mùa Thu mà mùa Thu thường mang đến
nỗi buồn. Mùa Thu là mùa của lá vàng rơi đã thể hiện qua
nhiều bài thơ... Ca khúc
Lá Đổ Muôn Chiều
của Đoàn Chuẩn & Từ Linh:
“Lá
đổ muôn chiều ôi lá úa
Phải chăng là những cánh đời em
Đêm đêm lìa xuống trần
Tình vương hoen úa ôi những cánh
đời mong manh.
Than tiếc mà chi chiếc lá vàng bay về cuối
trời
Làm lòng anh nhớ mãi người ơi.
Nhớ nhau từ làn
môi đôi mắt.
Đành tìm trong nét bút xa xôi”.
Ca khúc Lá
Thư và
“lá thư” gửi cho người tình khi đã trao thân:
“Nhớ
tới mùa thu năm nào
Mình anh lênh đênh rừng cùng sông
Chiếc lá thu dần vàng theo
Nhớ tới ngày nào cùng bước đến
cầu
Ngồi xõa tóc thề.
Còn đâu ân ái chăng người xưa?”
Câu ca dao “Dã
tràng xe cát biển Đông”
với hình ảnh con dã tràng khi thủy triều xuống, xây cát làm
nơi trú ẩn nhưng khi thủy triều lên bị san bằng, ngụ ý bỏ
công sức nhưng chẳng được gì như công cốc! Ca khúc
Chiếc Lá Cuối Cùng
của nhạc sĩ trong tình yêu ví như lâu đài trên cát:
“Hà
Nội chiều nay còn như in bóng
Dấu vết lâu đài trên cát
anh xây
Bóng dáng em về thấp thoáng đâu đây
Chiếc lá
cuối cùng là của em đó
Em hãy giữ gìn trước lúc chia tay”
Và ca khúc
Ánh Trăng Mùa Thu:
“Lòng hờn trăng
cuốn thêm bao đời lá
Lá thắm rơi cuốn theo bao đời hoa!”
Trong bài viết vừa qua Nỗi Lòng Với “Chiếc Lá Cuối
Cùng” của tôi đề cập đến hai ca khúc của Đoàn Chuẩn và
Tuấn Khanh cùng tên.
Với ca khúc
Chiếc Lá Cuối Cùng
của Tuấn
Khanh, được nổi tiếng ở miền Nam VN vào thập niên 1960’:
“Đêm qua chưa mà
trời sao vội sáng
Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang
Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
Lá trên cành từng
chiếc cuốn bay xa...
Xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh
vắng
Đường thênh thang gió lộng một mình ta
Rượu cạn
ly uống say lòng còn giá
Lá trên cành một chiếc cuối bay
xa”.
Bài
thơ L’Adieu của
Apollinaire chỉ có
5 câu, Bùi Giáng dịch là
Lời Vĩnh Biệt,
Phạm Duy dựa vào ý thơ phổ thành ca khúc
Mùa Thu Chết.
Như đã đề cập ở trên, trên quê hương ngày xưa, mùa Hè
nóng bức, mùa Đông giá lạnh, mùa Thu giao mùa giữa nóng và
lạnh, là mùa của nguồn cảm hứng sáng tác nhưng trong tâm
trạng buồn, nhớ thương.
Ca khúc Thu Vàng năm 1953, khi
Cung Tiến chỉ mười lăm tuổi, mới rời Hà Nội vào Sài Gòn. Lời
đề tặng: “Tặng Hà Nội của những ngày thơ ấu”. Với thể điệu
valse như những bước chân chim nhảy nhót trên lá vàng với “màu
tê tái”:
“Mùa
Thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình
Thu vừa khơi
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
Nghe chừng đâu đây màu tê tái”
Ca khúc Lá
Rơi Bên Thềm
của Lê Trọng Nguyễn & Nguyễn Hiền:
“Lá
rơi bên thềm gợi nhớ thương
Tìm trong lá thu vàng trên
lối đi về dĩ vãng
Ngày thơ đã qua rồi sao vấn vương
Mỗi khi sương chiều xuống
Tìm bâng khuâng hình bóng năm
nào...
Lá rơi cho lòng hoài cố nhân
Tìm trong lá thu
vàng bao phút xưa đầm ấm
Niềm thương khó phai mờ theo
tháng năm
Lá rơi bên thềm vắng
Yêu mãi dáng Thu về bên
song”.
Lá Rụng Ven Sông
của Hoàng Nguyên với thể điệu tango:
“Hôm
nao nhìn lá úa
Rụng lác đác bên sông.
Mây trôi về viễn
xứ
Gợi tiếc nhớ bâng khuâng...
Thương ai đã thương
ai rồi
Dù tháng năm dần trôi
Dù lá hoa tàn phai
Lòng vẫn nhớ thương ai”.
Ca khúc Lá Rụng Ven Sông của Phạm Duy, thơ Thế Lữ với
thể điệu valse:
“Còn
đâu đêm sang lá đổ rộn ràng
Còn đâu sương tan trăng nội
mơ màng
Còn đâu em ngoan tóc rối ngổn ngang
Tuổi em
đôi mươi xuân mới vừa sang”.
Trong tùy bút trước đây của tôi với
Đường Chiều Lá Rụng
khi nói về cuộc chia tay nơi công viên lúc chiều tà, dựa
theo tựa đề nhạc phẩm
Đường Chiều Lá Rụng
của Phạm Duy:
“Lá
vàng bay! Lá vàng bay!
Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài,
bước ra khỏi tình phai
Lá vàng rơi! Lá vàng rơi!...
Lá
vàng khô! Lá vàng khô!
Như nét môi già đã nhăn chờ lên
nẻo đường băng giá”
Nhạc phẩm Thu Ca của Phạm Mạnh Cương trong phần điệp
khúc:
“Nhớ ai
chiều thu
Nhìn bao lá úa rơi đầy lối
Nhẹ rung tà áo
Làn môi cười thắm như cánh hoa đào
Cách xa vì đâu!
Dù bao lần lá hoa phai màu
Rung chi cành hoa lá
Khi tà
dương đã khuất non xa”
Trích dẫn những ca khúc tiêu biểu của các nhạc sĩ từ
thời tiền chiến đến hai thập niên ở miền Nam Việt Nam –
trong hoàn cảnh chiến tranh – nhưng những ca khúc trữ tình,
lãng mạn tuy buồn, bi thương đã in sâu trong tâm hồn giới
thưởng ngoạn.
Sau năm 1975 lại đẻ ra tên gọi “nhạc
Sến”, nhiều bài viết tranh luận quanh đề tài này và tôi cũng
viết bài Dòng Nhạc Boléro, dòng nhạc phổ thông nhất trong
hai thập niên đó bị “chụp mũ” vớ vẩn. Nay là dòng nhạc thịnh
hành, ăn khách nhất trong nước. May thay những ca khúc về
mùa Thu, lá vàng, lá khô... qua các giai điệu như đề cập ở
trên không bị nằm trong “nhạc Sến”.
Còn nhiều ca khúc
khác, gần đây
Lại Một Chiếc Lá Rơi
của Phạm Anh Dũng ở miền Đông nước Mỹ:
“Nhìn
chiếc lá vàng rơi
Mới hay mùa thu tới
Trên từng ngày
mong đợi
Em vẫn còn xa xôi...
Bao nhiêu năm xa
người
Tìm về con phố cũ
Thu băng ngang giữa trời
Lại một chiếc lá rơi”
Năm 1990, khi mới tị nạn ở Nashville, tiểu bang
Tennessee, lần đầu tiên trong đời với rừng phong nhuộm vàng
tuyệt đẹp mà thuở còn đi học chỉ mường tượng câu thơ “Rừng
phong thu đã nhuộm màu quan san”
–(Kiều – Nguyễn Du).
*
Ca khúc Les Feuilles Mortes, nhà thơ Jacques
Prévert viết theo giai điệu do J. Kosma đã soạn sẵn. Ca khúc
ra đời năm 1946, nội dung với kỷ niệm buồn cho tình yêu đã
mất. Năm 1949, Johnny Mercer chuyển lời tiếng Anh Autumn
Leaves, trở thành ca khúc nổi tiếng trên thế giới với các
album của các danh ca. Theo GS Nguyễn Bảo Hưng (Jacques
Prevert & Les Feuilles Mortes) cho rằng chủ đích của Kosma
là soạn ra như là một nhạc phần (une partition) cho kịch vũ
ba lê Le Rendez–Vous (Hẹn Hò). Lúc đầu Prévert định chỉ soạn
lời cho nhạc phần của vở kịch vũ theo yêu cầu. Nhưng khi
lắng nghe giai điệu để viết lời ca, Prévert đã bị thu hút
bởi những nốt nhạc của giai điệu diễn tả một nỗi buồn thầm
kín nhưng nồng nàn đằm thắm. Và ông đã không bỏ lỡ cơ hội,
mượn giai điệu của Kosma để làm nền cho cuốn phim do chính
ông soạn kịch bản và “lời thoại”, lấy tên Les Portes de la
Nuit (Cửa Vào Đêm Tối), đêm tối ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ “tử
thần”, lấy nhạc Kosma làm nền cho phim... Nhạc Kosma trong
Les Feuilles Mortes là một giai điệu buồn với những nốt nhạc
khoan thai dìu dặt. Cộng thêm lời ca Prévert là những lời
thơ chan chứa, nó càng có sức cuốn hút người nghe...
Có nhiều bài viết cho rằng ca khúc này phổ thơ của Jacques
Prévert. Có lẽ Prévert cảm nhận vào lời của ca khúc đó để
làm bài thơ.
Chẳng hạn như ca khúc Lệ Đá của Trần
Trịnh. Theo lời Hà Huyền Chi:
“nhạc
phẩm Lệ Đá trước hết không phải là một bài thơ phổ nhạc.
Phải nói là tôi đã đặt lời cho bản nhạc (vốn không tên) của
nhạc sĩ Trần Trịnh...
Chúng tôi kéo nhau lên đài phát
thanh Quân Đội, Trần Trịnh ngồi vào piano. Và điều ngạc
nhiên là tôi ưa ngay cái âm hưởng buồn ngất ngây dịu nhẹ đó,
rất Pianissimo ấy. Melody thật tha thiết, ngọt ngào, bắt
nhĩ. Tôi nghe Trịnh đàn thêm vài lần nữa và cố gắng nhập tâm
cái âm hưởng của bản nhạc.
Hôm sau, tôi đem đến Trần
Trịnh lời ca thứ nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng
tượng, là không biết bằng cảm hứng nào đó, tôi đã hòa được
cái rung cảm đích thực của thơ tôi vào nhạc Trần Trịnh. Trần
Trịnh mừng rỡ tới sững hồn...”
Sau này Hà Huyền Chi cảm hứng viết thêm 4 lời cho ca
khúc này. Nhiều người cho rằng thơ Hà Huyền Chi.
Với
nhạc phổ thơ thì dựa vào thơ, ý thơ. Nhạc và lời thì khi
nghe nhạc qua giai điệu để đặt lời, trước đây tôi đã đề cập
qua bài viết về nhạc và thơ, thơ và nhạc.
Nhạc sĩ
Phạm Duy có tài viết các ca khúc ngoại quốc lời Việt nhưng
với ca khúc này trước năm 1975 và sau này hát theo lời Pháp,
Anh.
Ngoài ca khúc
Lá Rụng của
Hoàng Trọng, tôi thích nhất ca khúc
Nhặt Lá Vàng:
“Mùa thu mây trắng
lững lờ, không gian mờ mờ
Người đẹp đi trong mơ
Nhẹ
nâng tà áo dịu dàng
Nhặt lá thu vàng, dệt mộng đón thu
sang...
Lặng trầm gió trút lá, bỗng dưng sầu
Nhặt từng
chiếc lá úa, nhớ thu nào
Chia ly muôn kiếp vẫn sầu
Ðể
nhớ cho nhau nào ai có thấu
Người yêu xoã tóc mong chờ
Dù xưa hẹn hò mà giờ đây bơ vơ
Mùa thu này cũng đẹp trời
Mà thiếu một người, nhặt lá vàng rơi!...
Mùa thu này khóc
một mình
Mộng ước không thành, để buồn những ngày xanh”
Ngày đó, Mai Hân và nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo thực hiện vào
mỗi tối Thứ Tư hằng tuần trên sóng đài phát thanh Quân Đội
với chương trình Nghệ Sĩ Với Chiến Sĩ. Ngoài giọng đọc
truyền cảm của xướng ngôn viên, ca sĩ Mai Hân hát với nhiều
ca khúc, riêng tôi, Nhặt Lá Vàng thành công và hay nhất.
*
Tôi đã vài lần trao đổi với nhà thơ Triều Hoa
Đại và các bạn văn khi bước vào tuổi già ở hải ngoại thường
nhớ lại quá khứ của một thời trong văn chương nghệ thuật.
Bước vào tuổi tám mươi, thời gian không còn dài... như lá
vàng trên cây, chỉ cần cơn gió thoảng sẽ lìa cành rơi rụng.
Với những tác giả nêu trên, hầu như đã chia sẻ qua các bài
viết trong quá khứ.
Mỗi chiều yên ả, ra ngồi backyard
nhìn những chiếc lá vàng trên hai cây magnolia (chi mộc lan)
rơi rụng, nghĩ đến ngày mai “les feuilles mortes”
để “les portes de la nuit” và rồi “Lá thắm rơi
cuốn theo bao đời hoa!”, “Lá rơi bên thềm gợi nhớ
thương, hoài cố nhân”... Và ngày nào đó khi có chiếc lá rơi
“cố nhân xa rồi” mấy ai gọi đến tên!
Little Saigon, April 2025
Vương Trùng Dương
thiên sứ micae – thánh bổn mạng sđnd qlvnch
|
hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
nguồn: internet eMail by hương xuân chuyển
Đăng ngày Thứ
Sáu Tuần Thánh, April 18, 2025
tkd (thư ký dù). Khoá 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH