Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy bút
Chủ đề:
mùa chay
Tác giả:
Nguyễn Vạn Bình
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Ngày
13/4/2025, giáo hội Công Giáo lại đón mừng ngày Lễ Lá, tức
một tuần trước ngày Lễ Phục Sinh.
Trong kinh thánh đã
ghi lại nguồn gốc câu chuyện Lễ Lá như sau: Khi Chúa Giê–su
và các môn đệ vào thành Giê–ru–sa–lem, Chúa Giê–su ngồi trên
lưng con lừa được các môn đệ dẫn đi vào thành đã được rất
đông người lấy áo mình trải xuống mặt đường, một số khác lại
chặt nhành, chặt lá mà rải lên lối đi. Ðám đông, người đi
trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy:
Hoan hô Con vua Ða Vít!
Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!
Hoan hô trên
các tầng trời.
Khi ấy, cả thành náo động và thiên hạ xúm lại hỏi nhau:
Ông này là ai vậy?
Mọi người xúm lại trả lời: “Ngôn
sứ Giê–su, người Na–da–rét, xứ Ga–li–lê đấy”.
Lễ Lá
khởi đầu là sự vui mừng, nhưng lại có kết cuộc buồn. Khởi
đầu, Chúa Giê–su được mọi người tiếp đón long trọng khi vào
thành Giê–ru–sa–lem, nhưng sau đó không lâu Chúa Giê–su lại
bị kết án, chịu nhục hình, và phải chịu chết trên thập tự
giá.
Con đường vào thành Giê–ru–sa–lem là con đường
vinh quang, trái lại con đường lên núi Sọ, nơi Chúa phải
chịu nhục hình là con đường của kẻ tội đồ.
Một sự oái
ăm thay, cũng đám đông người ấy hôm trước đã giơ tay hoan hô
Chúa, hôm sau lại đưa tay kết án Chúa. Cũng đám đông ấy, họ
chen chân lấn nhau để nghênh đón Chúa, hôm sau lại xúm lại
kết tội và hành hạ Chúa.
Hôm trước, đám đông họ vừa
cởi áo, chặt cành lá lót đường cho Chúa đi, ngày hôm sau lại
lột áo Chúa, chặt cành gai đội lên đầu Chúa.
Ðường
vào Giê–ru–sa–lem thật vui vì mọi người đều theo Chúa. Nhưng
đường lên núi Sọ chỉ còn lại ít người theo Chúa. Có những
người trước đây theo Chúa, nay cũng đã trốn chạy và ngay cả
các môn đệ cũng đã chối bỏ Ngài.
Ði theo Chúa trên
con đường vào thành Giê–ru–sa–lem thì quá dễ dàng và vui
vẻ. Nhưng theo Chúa trên đường chịu nạn Núi Sọ quả thật là
đầy chông gai.
Quả thật, trong xã hội xưa và nay,
mọi người thường thích được hưởng sự an lạc, vui sướng mà e
ngại mọi nỗi khó khăn, nhọc nhằn, và thử thách. Thử hỏi,
nếu chúng ta đứng vào trường hợp của đám đông người thời bấy
giờ, chắc mọi người cũng sẽ dễ dàng nhập vào đoàn người cầm
cành lá để đón rước Chúa. Nhưng khi Chúa lên Núi Sọ, chúng
ta sẽ rẽ sang con đường nào? Chúng ta sẽ rẽ sang con đường
phản bội lại Chúa như ông Giu–đa đã làm? Hay sẽ rẽ sang con
đường chối Chúa của ông Phê–rô? Hay chúng ta sẽ rẽ sang con
đường trốn chạy của các môn đệ? Hoặc chúng ta lại phụ họa
vào đám đông để kết án Chúa?
Nhưng Chúa Giê–su, Ngài
đã một mình chịu đựng mọi hình phạt, mọi nhục hình, và sau
cùng đã chịu chết trên thập tự giá. Trước khi Chúa nhắm mắt
lìa đời, Ngài đã khấn cầu Chúa Cha trên trời hãy tha thứ mọi
tội lỗi của những kẻ đã kết án và hành hạ Chúa. Ngài cũng
không quên tha tội cho một kẻ cướp đã biết sám hối và đưa kẻ
này cùng lên nước Thiên Ðàng với Ngài.
Sự việc Chúa
chịu chết trên thập tự giá, cứu chuộc mọi tội lỗi cho loài
người, và sau ba ngày Ngài đã phục sinh đã đem lại một ánh
sáng hy vọng to lớn đến cho nhân loại.
Ở đời ô trọc
này, danh lợi, tiền bạc, thế lực, nhan sắc là những cám dỗ
đầy nguy hiểm. Nhưng nếu ai biết xem thường mọi cám dỗ trên
thì mới có thể giữ được lòng trung tín với Thiên Chúa, không
phản bội lại quê hương, với gia đình, với đồng đội, và ngay
cả với chính lương tâm của mình./.
NGUYỄN VẠN BÌNH
thiên sứ micae – thánh bổn mạng sđnd qlvnch
|
hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
nguồn: internet eMail by tqh chuyển
Đăng ngày Thứ
Bảy, April 12, 2025
tkd (thư ký dù). Khoá 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH