Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy bút
Chủ đề:
mùa chay
Tác giả:
Nguyễn Văn Thông
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Những buổi chiều cuối
tuần thời gian ấy tôi lấy lớp học thêm. Thêm bằng cấp để
được thêm lương nuôi vợ con. Môn tôi học là về Phong Trào
Nhân
Quyền hồi thập niên 60 ở Mỹ. Để minh hoạ cho một đề tài
của môn học, và khêu gợi ý tưởng cho cuộc thảo luận, bà giáo
sư bảo chúng tôi kéo ghế ngồi đối diện nhau đôi một, rồi cởi
giầy ra xếp dưới ghế. Từng người sẽ quì trên sàn để xỏ giầy,
thắt giây lại đàng hoàng cho bạn mình. Lớp học chỉ có khoảng
chục người nên mọi người có cơ hội quan sát và được quan
sát.
Trong phần thảo luận, từng người chia sẻ cảm
nghĩ của mình. Một anh nói về cảm nghĩ mắc cỡ vì đôi vớ của
anh không phải là vớ mới giặt, lại còn thủng gót! Một cô nói
hằng ngày xỏ giày cho con đi học, không bao giờ để ý đến con
mình có vừa lòng hay không nhưng hôm nay cô run tay vì không
biết mình thắt dây giày có đúng ý anh bạn hay không. Một
người khác nói chưa bao giờ phải cúi lưng sát đất như vậy.
Tội nghiệp cho anh này vì cái bụng hơi to, lúc xong việc
ngẩng lên, mặt anh đỏ bừng. Có người nói về hai cảm xúc xung
khắc: lúc đầu là sự ngại ngùng vì công việc có vẻ của người
đầy tớ, sau đó là cảm xúc của một sự săn sóc tận tình. Một ý
kiến khác: “It hurts! My knees and my ego.” (Đau! Đau đầu
gối và đau tự ái.)
Tất cả mọi cảm nghĩ trên tôi đều
có một chút nhưng không lẽ lặp lại. Thực ra cái rõ ràng tôi
nhìn thấy là hành vi phục vụ mà Chúa làm khi rửa chân cho
các môn đệ trong bữa ăn cuối cùng của đời ngài. Thế nhưng
trong nền văn hoá của đất nước này, người ta có thể nói đến
Chúa, kêu tên Chúa ở nhiều nơi và nhiều trường hợp nhưng ở
lớp học và nhà trường thì hình như người ta tránh né. Dầu
vậy, chẳng còn kịp suy tính gì hơn, đến lần, tôi nói bừa, kệ
thiên hạ nghĩ gì thì nghĩ:
– Việc này nhắc tôi nhớ
đến việc Jesus [Giê–su] rửa chân cho các môn đệ của ngài.
Tôi cảm thấy có phúc (blessed) được làm theo Ngài.
Tôi chỉ nhìn thẳng bà giáo sư. Hình như cả lớp đang ngó tôi
chừng chừng. Bà mỉm cười gật gù:
– You feel honored
to follow his steps!
Mùa học ấy đánh dấu một ấn tượng
trong tôi: tôi rất thương người Mỹ đen, những người sống
kiếp nô lệ trên đất Mỹ hàng trăm năm trước đã gánh cho những
người đến sau là chúng tôi bao nhiêu đau thương, và cũng đã
tranh đấu cho chúng tôi bao nhiêu quyền sống. Đó là những
trang lịch sử.
Mấy chục năm trước trong xứ đạo nhỏ
của tôi, một lần bố tôi được chọn làm một trong 12 môn đệ
được Chúa rửa chân trong nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh. Đây
là một vinh dự lớn, nhất là khi bố tôi không có một chức vụ
gì trong giáo xứ. Cả làng chỉ gọi bố tôi bằng danh xưng và
tên suông chứ không có cái chức tước đi kèm như ông Trương,
ông Trùm, ông Quản, Ông Thư (ký), ông Thủ (quỹ) gì cả. Thế
cho nên khi được chọn, bố tôi chuẩn bị kỹ lắm. Vì là nhà
nông, phải gánh gồng và tưới tắm nên đôi bàn chân của bố tôi
xương xẩu, gân guốc và đen đủi. Chuyện ấy là thường đối với
người nông dân. Chuyện không thường là gót chân của bố tôi
nứt nẻ như mặt ruộng mùa hè. Thế cho nên gần đến ngày đại
lễ, bố tôi buổi chiều đi làm về, tắm rửa xong là mài gót
chân vào bệ giếng xi–măng. Để yên trí, bố hỏi mẹ tôi rờ thử
gót chân để cho ý kiến. Mẹ tôi rờ xong bảo:
– Ối
giào, chân thầy mày còn lởm chởm sắc thế này thì toạc tay
cha ra mất!
Không những bố tôi phải mài gót chân, mẹ
tôi còn phải sắm cho bố tôi một đôi xăng–đan. Bộ quần áo
cũng phải giặt giũ và gấp cho phẳng phiu chờ ngày trọng đại.
Cả nhà tôi dù tham dự Mùa Chay như mọi năm nhưng năm nay có
vẻ đặc biệt hơn. Chúng tôi sốt sắng đi nghe ngắm đứng, chị
tôi đi tập và múa trong đội Dâng Hạt. Việc đi nghe giảng
tĩnh tâm và xưng tội là đương nhiên. Mọi việc có vẻ như nhà
chúng tôi là gia đình của một thánh môn đệ nào đó, dĩ nhiên
không phải môn đệ Giu–đa.
Ngày trọng đại đến. Cha xứ
già có mái tóc bạc trắng lất phất, thay mặt Chúa rửa chân
cho các môn đệ. Cha lom khom cúi xuống giống y như Chúa,
nâng bàn chân các ông lên, kê vào chậu, đổ nước, lấy khăn
trắng tinh lau rồi áp mặt vào – không biết cha có hôn hay
không, và hôn thế nào. Nhưng long trọng và cảm động lắm.
Không biết bố tôi có run hay không. Niềm vui và sự sốt sắng
của gia đình tôi năm ấy kéo dài khá lâu.
Thời gian
xoá mờ dần kỷ niệm ấy, nhưng mỗi năm nghi thức Chúa rửa
chân cho các môn đệ lại tô đậm ý thức và cảm nhận của tôi về
việc Chúa làm. “Nếu các con gọi thầy là thầy và là Chúa mà
thầy còn rửa chân cho các con thì các con hãy rửa chân cho
nhau.” (Gn 13:15)
Cũng nhiều chục năm ở Mỹ, đi nhiều
cộng đoàn Việt và nhà thờ Mỹ, tôi nhận thấy có chút ít thay
đổi về nghi thức Chúa Rửa Chân. Trong nhà thờ Mỹ, 12 vai môn
đệ thường bao gồm cả nam lẫn nữ, già, và trẻ. Người trong
nhóm thường không phải trải qua một sự lựa chọn nào. Điểm
tích cực là mọi người có cơ hội đồng đều. Điểm tiêu cực là
người ta dễ coi thường khi nghi thức không được chuẩn bị
cách đặc biệt. Đôi khi tôi có cảm tưởng rằng Giáo Hội Mỹ có
lối sinh hoạt hành chánh nhiều hơn là tôn giáo. Cảm tưởng ấy
của tôi bị thay đổi dần khi tôi đi sinh hoạt chung với họ.
Nhà Thờ Saint Mary nơi tôi đi lễ ngày thường trong tuần
là nhà thờ cho tôi nhiều ngạc nhiên, từ việc các em học sinh
phụ trách tất cả mọi sự trong thánh lễ, các em bé sơ sinh
nhận nghi thức thánh tẩy, lễ ngày thường mà đầy kín nhà
nguyện, tới các lớp Thánh kinh, và cả cuộc hội thảo có tên
“Làm Sao Giữ Được Tình Gia Đình và Bạn Hữu Khi Khác Quan
Điểm Chính Trị”. Ngạc nhiên hơn cả là Thánh Lễ Thứ Năm Tuần
Thánh có nghi thức rửa chân không phải cho 12 người mà cho
cả nhà thờ.
Ngày Thứ Năm Tuần Thánh khởi đầu cho Tam
Nhật Vượt Qua (Triduum), là ngày cử hành Bữa Ăn Cuối Cùng
của Chúa, là lúc Chúa rửa chân các môn đệ, và lập Phép Thánh
Thể. Lễ Chúa Nhật và cuối tuần có thể có ba, bốn lễ ở một
nhà thờ, người ta chia nhau đi giờ lễ thích hợp, nhưng Tam
Nhật Vượt Qua chỉ có một. Hầu hết các gia đình đến dự lễ đều
đi đầy đủ cả gia đình. Bãi đậu xe mênh mông mà đầy kín, nhà
thờ có đến sáu, bảy trăm người ngồi chật các hàng ghế xếp
hình hai chữ chữ L quây vào nhau. Ở giữa là lòng nhà thờ khá
rộng.
Nghi lễ long trọng khởi đầu với tiếng kinh và
tiếng nhạc. Sau phần phụng vụ Lời Chúa là nghi thức rửa
chân. Linh mục chủ tế mời mọi người cởi giày vớ tiến lên xếp
hàng như khi hiệp lễ để được rửa chân. Có cả chục chiếc ghế
được xếp rải rác giữa lòng nhà thờ. Linh mục chủ tế, thầy
phó tế, và các thừa tác viên chia nhau quỳ trước các ghế.
Các em gíup lễ và học sinh bưng chậu, bình nước, và hàng
chồng khăn đứng bên cạnh mỗi ghế. Một Sơ già đứng quan sát
và điều hợp. Từng người ngồi vào ghế để được rửa chân, được
lau bằng một khăn mới. Tôi được người rửa chân áp má vào bàn
chân thay cho nụ hôn. Tất cả tấp nập và nghiêm trang trong
khi ca đoàn dẫn cộng đoàn hát các bài ca bác ái.
Vợ
chồng tôi mở to mắt quan sát một sự kiện tuyệt vời chưa bao
giờ được chứng kiến. Cha rửa chân cho con, bà rửa chân cho
cháu, anh rửa chân cho em, và thường nhất là hàng xóm rửa
chân cho nhau. Có cặp đứng lên ngập ngừng rồi ôm chầm lấy
nhau. Biết đâu là họ đã biết nhau nhưng chưa bao giờ chào
hỏi? Biết đâu họ đã từng xung khắc, từng tránh mặt nhau? Có
bao nhiêu cảnh đời không thể ngờ lại gặp nhau ở nghi thức
phục vụ, yêu thương này? Tôi ước là có thể lấy phone ra chụp
được những khoảnh khắc cảm động ấy.
Tiếng thánh ca
càng lúc càng lấp đầy không gian ngôi thánh đường. Người
lớn, con nít ai cũng hát. Tiếng chim non, giọng khàn đục, có
cung ngang, và tiếng nghẹn ngào... hoà thành giai điệu ca
tụng và cầu nguyện dâng lên.
Tôi quên thời khắc, và
hình như ai cũng thế. Khi nhớ ra, tôi đoán có lẽ nghi thức
rửa chân chỉ mất khoảng 20 phút.
Nghi thức rửa chân
để chuẩn bị cho nghi thức trung tâm trọng đại là Chúa lập
Phép Thánh Thể, Mình Máu Chúa được hiện diện giữa con người.
Có bao nhiêu chiều kích của tình yêu thương được Chúa dạy
trong việc Chúa rửa chân cho các môn đệ. Ý nghĩa của câu hát
“Ubi Caritas, Ibi Deus est...” (Đâu có tình yêu thương ở đấy
có Đức Chúa Trời, Đâu có lòng từ bi thì đấy có ân sủng
Người...) dẫn cộng đoàn vào phần Phụng Vụ Thánh Thể.
Tôi sung sướng với niềm vui tạ ơn vì cuộc sống tầm thường
của chúng tôi có Chúa ở cùng và sống cùng. Sáng kiến của
Thiên Chúa trở thành người, chịu khổ như con người để mang
cho con người ơn Cứu Rỗi và để đổ tình yêu trên con người
thật vô cùng lớn lao và tuyệt diệu. Trong khi mầu nhiệm Cứu
Rỗi chỉ được cảm nhận dần dần qua đức tin và sự học hỏi Lời
Chúa thì trong cuộc sống đời thường, tôi đã cảm thấy được
thăng hoa từ việc ăn, uống, ngủ, nghỉ, lo âu, vui thích...
bởi Chúa cũng sống như thế với tôi.
Chúa rửa chân cho
các môn đệ cũng là rửa chân cho chúng tôi. Bài học ấy dạy
tôi biết bao điều yêu thương và khai mở cho tôi bao nguồn ơn
phúc.
Nguyễn Văn Thông
3/10/2020
thiên sứ micae – thánh bổn mạng sđnd qlvnch
|
hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
nguồn: internet eMail by nguyễn văn thông chuyển
Đăng ngày Thứ
Ba, April 15, 2025
tkd (thư ký dù). Khoá 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH