Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Ngược dòng Thời gian
Chủ đề:
LÍNH
Tác giả: MĐ Bùi Quang Thống
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
“Anh
đứng nghìn năm thao diễn nghỉ
Em nằm xõa
tóc đợi chờ anh.”
Tôi không rõ hai câu thơ trên và tạc tượng người lính trong thế thao diễn nghỉ do ai sáng tác và sáng tạo từ năm nào? Từ khi quân trường Đồng Đế Nha Trang đã đào tạo hơn 329,350 khóa sinh kể từ ngày thành lập vào tháng 2, 1955 và trong đó có tôi, một sĩ quan tốt nghiệp trường Hạ Sĩ Quan. Nếu bạn nằm trong số SVSQ được thụ huấn tại đây chắc chắn bạn khó quên bãi Tiên(T). Và cũng khó quên 6 tuần huấn nhục, sáng sớm với bánh mì đường đôi lúc được thêm trái chuối lót bụng trước khi tạp dịch chà láng chạy vũ đình trường lấy sức ra các bãi thực tập chiến đấu hoặc trong các giảng đường thấm thía với những bài học chiến tranh chính trị, mưu sinh thoát hiểm do Cục Chính Huấn thực hiện.
(khung cảnh bãi Tiên)
Đồng Đế Nha Trang
Trong sáu tuần chua chát này tôi chỉ thích
ngủ, thèm ăn thấm cái mệt của quân trường. Áo sơ mi trắng thư sinh
nay còn đâu? Tôi thật sự nếm mùi và hiểu được thế nào là: “Quân
trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu”. Tôi tập làm người lính
biết đùa với súng đạn, biết đu đưa với dây tử thần. Tôi không thể
quên được trong phòng ăn với những cái bàn dài chứa hơn 160 khóa
sinh trong một đại đội, thế mà quá ngăn nắp đến nỗi khóa sinh nào
xui xẻo bỏ đũa chậm thì gắp phải từ 50 đến 100 hít đất. Tôi khâm
phục kỷ luật quân trường. Cơm trắng cá mối, bắp cải, bạch tuộc hàng
bữa vậy mà vẫn thấy ngon. Sau tám tiếng đồng hồ vừa lý thuyết vừa
thực tập làm một người lính tân binh, chiều về cơm bàn và tắm rửa
trong chốc lát lại phải cùng nhau ngồi thành đội hình tập hát để khi
xuất quân chúng tôi trở thành những ca sĩ trong đoàn quân ra ngoài
bãi tập. Cái kỷ niệm làm tôi khó quên là mỗi khi gặp dân chúng và
cấp chỉ huy chúng tôi lại phải cất cao giọng hát thật hùng hồn. Làm
người SVSQ, chúng tôi nhận đầy đủ kỷ luật từ miếng ăn đến đầu tóc
hình trái dừa, đi đứng lễ phép đàn anh đàn em thật hết sức chu đáo
thấm tình “Huynh đệ chi binh”.
Ngày đó, đúng 6 tuần huấn nhục Tiểu Đoàn 7
SVSQ đã xuất quân từ vũ đình trường đến bãi Tiên sau lưng chân núi
có gần 800 SVSQ tân khóa sinh với ba lô súng đạn leo núi gặp người
bạn lính trong thế thao diễn nghỉ, người đứng vô tư nhưng đôi mắt
anh luôn trầm tư hướng xuống quân trường Đồng Đế như để canh chừng
bảo vệ. Tôi đổ mồ hôi và thấm mệt trước khi xuống núi về lại vũ đình
trường trong lễ gắn Alpha. Tối hôm đó, tất cả đều vui mừng và hãnh
diện trên vai có con cá vàng. Và từ đó các SVSQ được cấp lương với
cấp bậc trung sĩ, và nếu không may phạm luật thì đương nhiên thọ
cánh gà.
Là cấp
sĩ quan trong Quân Lực VNCH, chúng tôi chẳng những chỉ huy ngoài
trận tuyến, còn thêm bổn phận tranh thủ nhân tâm làm việc với đồng
bào khi không có trận giặc. Tiểu đoàn 7/SVSQ của chúng tôi được gởi
đến Pleiku để thực tập làm công tác tâm lý chiến. Lúc này chúng tôi
được tân trang súng Carbin thay vì phải mang Garand M1 quá nặng nề.
Sáng hôm đó đoàn xe GMC đón chúng tôi tại vũ đình trường xuôi QL 1
về Quy Nhơn và từ đó chúng tôi được trực thăng vận đến Biển Hồ
Pleiku. Chúng tôi thấm mùi đất sét đỏ tạt vào mặt từ những cơn gió
khi trực thăng cất cánh. Chiều hôm đó chúng tôi được vận chuyển về
thị xã Pleiku tạm nghỉ tại một trường trung học cách Bộ chỉ huy Tiểu
khu và Quân đoàn II chừng 1 cây số. Chúng tôi được tự do xổ chuồng
sau một thời gian gò bó ở quân trường và trên đường phố Hoàng Diệu
rợp bóng Alpha vàng tuy chưa đến mùa xuân. Chúng tôi tự hãnh diện
luôn được bà con trầm trồ ngắm nghía những chàng lính trẻ thơ ngây
của thời đất nước loạn ly. Tôi càng nhớ hoài các cô hàng cafe thường
nhìn trộm với cặp mắt dễ thương cùng đôi má nhốm màu phượng vĩ.
Chính vẻ đẹp thiên nhiên đó đã đưa tâm hồn người ái mộ viết lên
những dòng nhạc đáng yêu “Em Pleiku má đỏ môi hồng...”.
Vài hôm sau, trung đội chúng tôi được
hướng dẫn bởi một Trung úy Chiến tranh Chính trị Tiểu khu và được
trực thăng vận đến quận Lệ Thanh. Đến nơi, chúng tôi hết sức bỡ ngỡ
và rất lo sợ ở một quận lỵ nhỏ bé dân chúng thưa thớt và phần lớn
sắc tộc Thượng chiếm đa số. Chúng tôi rất khó khăn trong vấn đề
tranh thủ nhân tâm, hàng ngày chúng tôi phải đi vào các làng mạc,
các buôn Thượng để tiếp xúc làm công tác vận giúp đồng bào thấy rõ
được những gian manh của bọn cộng sản và sự nguy hiểm của đảng cộng
sản thế giới đang làm sụt lùi sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng công
tác này không mấy thành công, chúng tôi lại quay về trong quận lỵ và
tuần sau đó tôi lại được phân công tác làm thầy giáo cho trường học
đang thiếu thầy cô. Tôi may mắn được làm quen với một nữ giáo viên
rất xinh đẹp thùy mỵ đáng kính của một nhà mô phạm. Cô giáo thường
chỉ dẫn cho tôi biết cách tiếp xúc với đồng bào thiểu số và trong
những giờ nghỉ dạy, chúng tôi lại có cơ hội tìm hiểu nhau nhiều hơn.
Và từ đó cũng biết thêm cô giáo tốt nghiệp trường sư phạm Quy Nhơn
và được thuyên chuyển về đây gần 1 năm.
Những ngày công tác tâm lý chiến ở đây,
mạng sống của chúng tôi hết sức bấp bênh, biết vậy nhưng là lính, là
cấp chỉ huy trong tương lai chúng tôi cố gắng níu kéo can đảm. Ngày
rời quận lỵ Lệ Thanh và cũng là ngày tôi từ giã cô giáo Nguyễn Thị
Lệ Thanh. Làm sao tôi quên được màu phượng vĩ trên gò má của cô giáo
có cái tên trùng hợp và nhớ đến TTKH.
“Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Giải đường xa vút bóng chiều phong
Và
phương trời thẳm mờ sương cát,
Tay vít dây
hoa trắng cạnh lòng.”
Hơn tháng trôi qua chúng tôi được lệnh trở
về quân trường tiếp tục thụ huấn và ra trường với cấp bậc Chuẩn úy.
Tôi tình nguyện và rất may mắn được chọn về binh chủng Nhảy Dù trong
số 4/126 SVSQ tình nguyện. Tôi hãnh diện được đội beret đỏ sau hơn 1
tháng huấn luyện để trở thành người lính Nhảy Dù với 6 saut căn bản
tập trận.
Ngày đó chiến
tranh càng khốc liệt hơn trên 4 vùng chiến thuật và cả vùng ngoại
biên. Tôi bước vào cuộc chiến của một trung đội trưởng Nhảy Dù với
tuổi tròn 20. Thế mà tôi phải ôm tròn bổn phận của một khinh binh,
của một liên lạc viên và của một cấp chỉ huy nhỏ bé để hoàn toàn
chịu trách nhiệm mạng sống của binh sĩ, quyết định vượt mọi khó khăn
do cấp chỉ huy giao phó trên mọi chiến trường đầy hiểm nguy. Dẫu
rằng tôi chưa có ngày nào thực sự đối diện với quân thù. Nhưng rồi
An lộc, Quảng Trị, Thường Đức Quảng Nam, Xuân Lộc-Long Khánh và
Phước Tuy, đã để lại cho riêng tôi phần kinh nghiệm xương máu của
chính mính, và của biết bao đồng đội đã ngã gục hay bỏ lại phần thân
thể trên các ven rừng, đồi núi, trên các bờ suối… cho tôi được sống
còn. Biết bao nhiêu tang thương cùng những uất hận khi nhìn lại đoạn
đường vào sinh ra tử mà mình chưa được thỏa nguyện. Nghĩ đến, lại
càng uất hận càng xót thương hơn cho số phận dân tộc Việt nam đang
gặp cơn khủng bố do chính những người cùng huyết thống trong hơn 42
năm không còn tiếng súng.
Nhiều đêm không ngủ, nhớ lại chiến trường
xưa, biết bao tan vỡ chia ly tử biệt đau thương chỉ vì một ngọn đồi
quyết tử mà phần lớn ít ai biết đến ngoại trừ người lính Mũ đỏ. Đồi
phún lên máu lửa loài người, đồi dập xác thây phơi, đồi của bom đạn
bất dung, đồi của sự thử sức so tài, đồi làm rách vỡ da thịt quê
hương. Ngọn đồi báo hiệu của miền Nam sụp đổ. Ngọn đồi thiếu bóng
đồng minh, ấy chính là ngọn đồi 1062, ngọn đồi mang số 9 nút trong
dãy Trường Sơn đâm ra quận Thường Đức cách Đà Nẵng không hơn 50 cây
số về hướng Tây, đã để lại vết chân của gần hai ngàn Mũ đỏ đã đổ máu
xương lẫn thân xác cùng kẻ thù cộng sản trên ngọn đồi nhỏ bé này
nhưng lịch sử chưa bao giờ ghi nhận. Tôi còn sống, các bạn còn sống,
các Niên trưởng còn sống, hãy cầu nguyện cho anh linh đồng đội chúng
ta vì trách nhiệm vì danh dự mà phải hy sinh trên các sườn đồi,
trong các dãy thông hào nhỏ bé của cứ điểm đồi 1062. Thành phố Đà
Nẵng sống yên lành luôn có ánh sáng chan hòa của năm 1974 phải chăng
được bảo vệ bởi xương máu của biết bao người lính vô danh.
Hy vọng một ngày nào đó trong tương lai
đồi 1062 không còn bị quên lãng nữa như chúng ta đã vô tình lãng
quên. Trong khi đó tại Xuân Lộc-Long khánh một trận đánh cuối cùng
tuy không còn báo chí, tuy không còn mảnh giấy để ghi nhưng luôn
rạng rỡ SĐ18BB trong 42 năm qua. Ôi chiến tranh mang đi bạn bè, đánh
mất công bằng cho những người lính thật sự hy sinh cho sự sống còn
của miền Nam Việt nam như lời nhắn nhủ của cố Trung tá Mũ Đỏ Tuyên
úy Vũ Ngọc Đáng thường hay nhắc nhở: “Nơi nào cần Nhảy dù có, nơi
nào khó có Nhảy dù”. Nhưng quả thật, sự chiến đấu màu nhiệm của
những chiến sĩ can trường mà một thời cộng quân thường gọi “Ngụy Dù
con cưng của Thiệu đánh giặc không sợ chết”. Mỗi khi nhắc đến chiến
công hiển hách oai hùng của các đơn vị bạn chắc cũng khó quên phần
xương máu của Mũ đỏ nhưng vẫn vui vẫn hãnh diện Nhảy Dù “cố gắng”.
Ngày tàn cuộc chiến Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù phải
một lần nữa nhảy vào Long Khánh để yểm trợ ngăn chận cộng quân cho
SĐ18BB có cơ hội an toàn rút quân. Trong giờ phút hấp hối của thủ đô
Sài Gòn, người lính Mũ đỏ phải nỗ lực chiến đấu cho đến viên đạn
cuối cùng dù lệnh buông súng đã được tuyên bố để đồng bào được an
toàn ra đi. Trong giây phút lâm chung Sài gòn sụp đổ, Trung đội
trưởng Nhảy Dù Thiếu úy Huỳnh văn Thái cùng đồng đội “cố gắng” tập
họp làm thành vòng tròn kết liễu đời lính bằng quả lựu đạn mini trên
cao ốc trước mắt quần chúng và những nhà báo khuynh tả để cho người
Chiến sĩ VNCH được muôn đời rạng rỡ. Vết chinh nhân Mũ đỏ Huỳnh Văn
Thái nay còn đâu? Ai thương ai nhớ ai hay.
Tôi viết lại vết chinh nhân của chính
mình, của phần nhỏ người lính VNCH. Hy vọng con cháu của chúng ta,
một thế hệ trẻ sẽ công minh sáng suốt nhìn ra được sự thật của cuộc
chiến Việt nam và những hy sinh cao cả của những Chiến sĩ QLVNCH. Dù
họ có chết đi nhưng chí hùng của họ vẫn còn rạng rỡ vẫn sống mãi
trong lòng dân tộc để các thế hệ con cháu tự hào hãnh diện.
Xin cảm ơn, cảm ơn công tác xây dựng Tượng
đài Thương tiếc Việt-Mỹ ở Dallas Fort Worth đã được hoàn tất do
chính những hạt mồ hôi cùng những trái tim rộng mở của những tấm
lòng biết thương đời lính. Đặc biệt những ai đã từng đưa họ vào cõi
chết, và những ai được họ cứu ra từ cõi chết trên các chiến trường.
Thống thiết và hiểu được những hy sinh vô điều kiện của người lính
VNCH, của đồng đội để chúng ta được tất cả những gì chúng ta đang
thụ hưởng và tự hào là con cháu Lạc Hồng.
Thế gian thường nói: Hãy lắng nghe âm
thanh cuộc sống. Cuộc sống của ta sẽ không xấu, mà thậm chí nó còn
đẹp hơn khi chúng ta cho đi. Bởi CHO đi chính là NHẬN lại.
Mũ Đỏ Bùi Quang Thống 92
Mai
tôi chết cờ vàng xin đừng phủ
Cố Chuẩn
Tướng Lê Quang Lưỡng Tư lệnh SĐND/QLVNCH
Mai tôi
chết cờ vàng xin đừng phủ
Xác thân này đâu
chết cho quê hương?
Súng gươm xưa đã bỏ lại
chiến trường!
Thân chiến bại nhục nhằn nơi
đất khách!
Hơn nửa đời đã tan rồi khí
phách.
Nhớ bạn bè nằm xuống nghĩ mà đau!
Không quan tài cờ phủ giữa chiến hào,
Máu
thịt đã thấm vào lòng đất mẹ.
Bao năm trời
bao nhiêu người trai trẻ,
Chết không cần cờ
phủ vẫn uy nghi.
Khi nằm xuống bạn nào đã
cần gì?
Chỉ ước muốn thân này dâng đất
nước,
Ta giờ đây đã tàn bao mơ ước!
Chuyện ngày xưa chỉ còn thấy trong mơ...
Ngày về quê càng lúc càng xa mờ.
Thời gian
vẫn lạnh lùng theo năm tháng,
Tuổi càng cao
lòng càng nghe mặn đắng!
Xót thân này khi
chết bỏ lại đây!
Nơi xứ người bạn hữu chẳng
còn ai?
Mai tôi chết cờ vàng xin đừng phủ.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
Dù T–10
SĐND–QLVNCH
dùng trong thời chiến
|
Hình nền: Lũy Tre Làng. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by MĐ Bùi Quang Thống chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, February 5, 2020
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang