Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Ngược dòng Thời gian
Chủ đề:
Chiến Tranh
Tác giả: MĐ Đoàn Phương Hải
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
MŨ ĐỎ,
MŨ ĐEN...
[Tưởng
nhớ anh Năm Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Đức Dũng, và những anh hùng Mũ
Đỏ, Mũ Đen đã vị quốc vong thân tại Damber.
Gửi niên trưởng Bùi Văn Lộc – Lê Văn Mễ,
Phạm Đức Hùng, Phan Cảnh Cho, và những chiến hữu Mũ Đỏ, Mũ Đen,
Công binh... đã tham chiến tại Damber để nhớ những ngày ngút ngàn
máu lửa.
––mđ đph]
Với sự yểm trợ, tiếp tay không
giới hạn của khối cộng sản Nga, Tầu, cộng sản Việt Nam xua hàng
chục Sư Đoàn bộ binh cùng hàng ngàn xe tăng đại pháo quyết tâm xâm
chiếm nhuộm đỏ miền Nam.
Hàng chục ngàn dân lành vô tội đã chết
tức tưởi, oan khiên trong dịp Tết Mậu Thân, trên “Đại Lộ Kinh
Hoàng”, trên phố trên nhà, trên ruộng trên nương vì bom đạn. Quê
hương dân tộc quặn mình trong bão lửa chiến tranh.
Để ngăn cản giặc thù, Quân Lực miền Nam
đã anh dũng chống trả giặc thù trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật. Không
một địa danh nào có bóng cộng quân mà không có gót giầy của người
lính miền Nam tìm tới truy lùng tiêu diệt.
Nhằm phá vỡ hậu cần, an toàn khu của
địch trên lãnh thổ Kampuchia. Giữa năm 1970 Quân Lực Việt Nam Cộng
Hoà đã liên tiếp truy kích, tiêu diệt địch trên lãnh thổ của xứ
Chùa Tháp. Đầu năm 1971 các lưc lượng thiện chiến đã vượt biên
đánh sang Hạ Lào, phá vỡ, tiêu diệt toàn bộ kho tiếp liệu, hậu
cần, đại bản doanh, an toàn khu của cộng sản Việt Nam.
Sau hơn 2 tháng hành quân, vừa từ Hạ Lào
trở về, Trung tá Nguyễn Đình Bảo K14 Võ Bị, mang theo hơn chục năm
kinh nghiệm chiến trường từ Lữ Đoàn I Nhảy Dù được lệnh về chỉ huy
Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù.
Sau thời gian ngắn chỉnh trang đơn vị,
để ra mắt khai quân, Tiểu Đoàn 11 Dù đã được trực thăng vận tiêu
diệt gọn 2 Tiểu Đoàn cộng quân bao vây căn cứ Hưng Đạo trên quốc
lộ 22 chạy dài từ Tỉnh lỵ Tây Ninh đến biên giới Việt–Miên.
“Song Kiếm Trấn Ải” Tiểu Đoàn 11 Dù tiến
quân vào căn cứ trong tiếng reo hò, mừng tủi của anh em binh sĩ và
gia đình sau hơn 2 tháng bị cộng quân tấn công, bao vây và pháo
kích đêm ngày.
Chiến thắng ngoạn mục đầu tay của quan Năm Nguyễn Đình Bảo làm nức
lòng binh sĩ, mang khí thế mới về cho đơn vị.
Thừa thắng xông lên 2 Tiểu Đoàn 11 và 5
Dù tiếp tục hành quân tiêu diệt địch quanh trại Lực Lượng Đặc Biệt
Thiện Ngôn, Lò Gò, Xóm Dứa, Xa Cát và Xa Cam.
Cuối tháng 10/1971, đang hành quân quanh
căn cứ hoả lực Pace ngay sát biên giới Việt–Miên thì Tiểu Đoàn 11
Dù được lệnh tùng thiết với Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh vượt biên tiến
chiếm mật khu Damber trên đất Kampuchia.
Dưới ánh nắng như thiêu như đốt, đất bụi
đỏ ngầu, thì trên pháo tháp chiến xa, bên giàn máy truyền tin tua
tủa “ăng–ten” ngắn, dài, một người lính tầm thước với khẩu Colt 9
vắt ngang chiếc áo thung xám ngay trước ngực, đang sang sảng ra
lệnh, chỉ huy. Đột nhiên ông giơ tay chào rồi nhảy xuống xe khi
thấy Trung tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy
Dù đứng dưới gốc cây đang giơ cao tấm bản đồ. Hai người lính phong
trần siết chặt tay, nhìn nhau rồi cùng phá ra cười.
– Niên trưởng “Đại Lộc”, lâu lắm anh em
mình mới làm ăn chung, kỳ này vào Damber, chắc gay lắm phải không?
– Damber thì lúc nào chả gay, khúc xương
khó nuốt, an toàn khu, bản doanh đầu não của Công Trường 7 và 9
địch quân. Năm ngoái Thiết Đoàn tôi và Mũ nâu Biệt Động Quân quần
thảo suốt mấy ngày đêm với Trung Đoàn cộng quân tại “Miếu ông
Sành”. Kỳ này mình phải nghiền nát Damber ra mới được!
Quan Năm mũ đỏ vung tay tự tin, rồi quay
sang giới thiệu Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh, Thiếu tá
Bùi Văn Lộc Khoá 13 Võ Bị với Mễ, tôi, các Đại Đội Trưởng và ông
Lang Tây Tô Phạm Liệu.
Xếp Mũ đen với biệt danh “Tầy Quầy”,
lừng danh trận mạc trong binh chủng, người đẫy đà, da đen sạm vì
phong trần, sương gió, cất tiếng cười sang sảng, quay sang bắt tay
chúng tôi.
Tình
tự Võ Bị từ ngày nhập trường ăn cơm lính, cho nên dù xếp Mũ đỏ,
khoá 14, lon tuy cao hơn, nhưng vẫn một điều “Niên trưởng, hai
điều Niên trưởng”, xưng hô với xếp Mũ Đen.
Đang đấu hót tưng bừng thì ông đàn anh
Khoá 6 Võ Bị, Đại tá Trần Quang Khôi, Chỉ huy Trưởng Thiết Giáp
Vùng III Chiến Thuật đáp trực thăng xuống ngay trận địa.
Trải rộng tấm bản đồ hành quân với chi
chít tình hình, trục tiến quân xanh đỏ của ta và địch, Đại tá Khôi
bàn luận kế hoạch hành quân, vạch rõ mục tiêu là phá hủy hậu cần,
tìm và tiêu diệt cho được Bộ Chỉ Huy Công Trường 7 cộng quân đang
có mặt tại Damber.
Thung lũng Damber dài gần hai chục cây
số bên Liên Tỉnh lộ 75 và Quốc lộ 7 trên đất Miên, nằm lọt trong
những cánh rừng trùng điệp cây cao rậm rạp bao quanh. Tuy nhiên
địa thế Damber lại tương đối trống với rất nhiều gò mối, cây cối
lúp súp, phủ đầy cây leo rậm rạp nhưng không cao quá đầu người.
Băng ngang thung lũng là một con suối khá lớn, mùa này nước đã cạn
nhưng đất rất dễ bị lún, gây khó khăn cho chiến xa di chuyển.
Trên Quốc Lộ 7, nhiều toán Công Binh
Chiến Đấu, xe ủi đất của ông đàn anh Lâm Hồng Sơn mới gặp khi đi
họp hành quân, đang vất vả phá hủy mìn bẫy, sửa chữa cây cầu chiến
lược trên trục tiến quân.
Đoàn cua sắt trải rộng đội hình ào ào
băng ngang những cánh đồng cỏ non. Làng mạc thôn xóm thanh bình,
hiền hoà sau lũy tre, bên những hàng thốt nốt hoa trắng như hoa
cau, cao thẳng, ngả nghiêng theo gió nổi bật trên nền trời.
Lính Dù không phải lội bộ nên thích thú
cười đùa trên chiến xa, đang tiến quân như chẻ tre, càn quét qua
các mục tiêu. Sau khi lục soát quanh căn cứ hoả lực Hồng Hà ngay
Ngã Ba Liên Tỉnh lộ 75 và Quốc lộ 7, thì lực lượng xung kích Dù và
Thiết Kỵ chia làm 2 cánh.
“Mê Linh” Lê văn Mễ, Thiếu tá Tiểu Đoàn
Phó Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù và Đại Đội 114 của Trung úy Phan Cảnh
Cho, phối hợp với Thiết Vận Xa M113 giải toả, thanh toán áp lực
địch đang ngày đêm pháo kích, bao vây tấn công căn cứ hoả lực Hồng
Hà. Sẵn sàng tiếp ứng cho mũi xung kích của Trung tá Bảo và Thiếu
tá Lộc đánh thẳng vào mật khu Damber.
Xếp Mũ Đen có vẻ thắc mắc, ngạc nhiên
khi thấy chúng tôi lúc nào cũng “Anh Năm, Anh Năm” xưng hô với xếp
Mũ Đỏ, mà không gọi bằng cấp bậc.
– Mấy chú em trong đơn vị ít khi kêu tôi
là Trung tá, lúc nào cũng xưng hô là Anh Năm, Anh Năm! Nghe mãi
thành quen, thân mật, gần gũi như anh em trong nhà.
Nguyễn Đức Dũng, Hoàng Ngọc Hùng, Phạm
Đức Hùng, Ba Đại úy Đại Đội Trưởng lừng danh Mũ Đỏ, dầy dạn chiến
trường, cùng xuất thân Khoá 22 Võ Bị, đang phối hợp với 2 Chi Đoàn
Trưởng Mũ Đen lừng danh trận mạc là “Bắc Đẩu” và “Phi Điểu” ào ào
tiến quân trực chỉ Damber.
Địa thế vùng hành quân bắt đầu thay đổi
khi một số chiến xa M41 băng qua cây cầu lớn trên Liên Tỉnh lộ 75
vừa được Công Binh sửa chữa. Ngay dưới cầu là một con suối khô,
chạy từ Đông sang Tây ngang qua thung lũng Damber. Địa thế trở
ngại cho chiến xa khi phải băng qua khu vực thấp và lún dưới lòng
suối cạn, nhưng với thiết vận xa M113 thì không có gì trở ngại.
Với cái nhìn sắc bén, tinh nhậy của
nhiều năm xông pha trận mạc, đàn anh mũ đỏ, mũ đen nhận ra ngay
đây là tử điểm quyết định chiến trường, nên quyết định lựa một
Trung Đội Nhảy Dù gồm toàn những tay súng gan dạ, kinh nghiệm cùng
mình, và Sĩ quan liên lạc Pháo Binh nằm lại để nghe ngóng tin tức
địch quân.
–
Địch sẽ phục kích tại đây khi Chiến Đoàn kéo quân trở ra! Mình sẽ
dùng không quân, trận địa pháo và hoả lực hùng hậu của Thiết Giáp
nghiền nát chúng tại đây!
Anh Năm gật gù cười, khoái trá nói với
chúng tôi, giống như khi anh nheo mắt mó trúng con nhất vạn, ngửa
bài ù toàn hàng trong canh Mạt Chược trên đồi Mũ Đỏ, hay những lần
đóng quân trong vườn Tao Đàn đầy cây cao bóng mát, nườm nượp
“khách giang hồ” lui tới ghé thăm.
Sau cả ngày tiến quân, tiêu diệt vài
toán trinh sát nhỏ của địch. Chiến Đoàn đóng quân quanh ngôi chùa
cổ.
“Tubip”
Liệu, anh Năm và tôi, ngồi trên M113, nhìn nắng chiều trải những
giải mây ngũ sắc giăng ngang lũy tre, vắt ngang mái chùa cong,
nhuộm hồng khu nhà sàn trong xóm. Xa xa, trên bờ đê, lũ trẻ mục
đồng vắt vẻo trên lưng trâu bên mấy nhà sư áo vàng nổi bật trên
cánh đồng nhuộm ánh tà dương đang lững thững về làng, trông thật
thanh bình, êm ả. Nếu không có chiến xa gầm thét, không có xích
sắt quần nát ruộng nương, không có vỏ đạn đồng rải sáng bờ đê, xác
người cong queo trên ruộng vườn kinh lạch, thì những người dân quê
hiền lành kia nào ai biết đến chiến tranh!
Qua khỏi Miếu Ông Sành, (Thiếu tá Phan
Văn Sành K17 Đà Lạt, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân
tử thương khi đụng địch gần ngay miếu. Anh em Mũ nâu tiếc thương
đặt tên Anh cho ngôi miếu cổ) là hàng chục xác chiến xa cháy đen
nằm rải rác trên cánh đồng. Mũ sắt, giầy trận, nón cối, dép râu
vương vãi trên chiến địa. Thiếu tá Lộc cho biết hồi đầu năm, hai
Trung Đoàn chủ lực của địch đã phục kích chiến xa và lực lượng
hành quân ngay tại đây, gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên.
Lại thêm một ngày bình yên trôi qua,
tình hình yên tĩnh một cách đáng ngại. Chưa có chỉ dấu nào là 2
Trung Đoàn của Công trường 7 có mặt trong vùng hành quân, theo như
không ảnh và tin tức tình báo cấp cao của Quân Đoàn ghi nhận.
– Anh Năm, địch cố tình tránh né không
muốn đụng?
–
Thì chúng cố tình dụ mình vào thật sâu rồi mới dốc toàn bộ lực
lượng phục kích khi mình kéo quân ra. Hình như địch đã biết trước
kế hoạch hành quân. Liên lạc toán Trinh Sát coi có nghe ngóng động
tĩnh gì không? Nhớ ghi kỹ toạ độ, sẵn sàng Pháo Binh yểm trợ cho
tụi nhỏ.
Đêm
ngột ngạt yên tĩnh trong tiếng kinh, tíếng mõ văng vẳng từ ngôi
chùa gần khu đóng quân.
– “Khều”! Năm ngoái, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù
đụng ở khu nào vậy?
– Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù cùng Thiết Đoàn 5
của Trung tá Thoàn là mũi xung kích cho Chiến Đoàn 333 đánh qua
Soài Riêng, vào Damber đụng lớn ngay trong khu này và thắng một
trận lớn ở Phum Longieng.
Có đêm mới 2, 3 giờ sáng, Đại tướng Đỗ
Cao Trí đã đáp trực thăng ngay trận địa, bất ngờ ra lệnh cho Dù và
Thiết Kỵ ào ào đánh vào Damber tạo nhiều chiến thắng lớn.
Sau khi góp ý, bàn thảo thêm kinh
nghiệm, mọi người im lặng tìm giấc ngủ với những suy nghĩ vẩn vơ.
Tiếng gầm thét của chiến xa, phá tan
buổi sáng mờ sương khi ánh dương chưa lên khỏi hàng cây thốt nốt
bên lũy tre làng. Tới gần trưa thì lực lượng hành quân đã càn quét
hết các mục tiêu chỉ định tại Damber mà không gặp sức kháng cự nào
đáng kể của địch!
Dù và Thiết Kỵ dừng quân quanh ngôi chùa
cổ. Vừa bước chân vào sân chùa thì đã thấy sư cụ chủ trì cùng đám
dân quê cả trăm người gồm ông già bà cả, đàn bà con nít khóc như
ri, đang run rẩy sợ sệt quỳ lạy như tế sao.
Chúng tôi ngỡ ngàng vội đỡ tay hoà
thượng đứng lên và chắp tay xá lại. Trên khuôn mặt gầy gò, đen sạm
già nua, đôi mắt sâu ẩn dưới cặp chân mày bạc trắng nhuốm lên nét
chịu đựng đau buồn.
Mặc dù mấy anh lính Miên trong đơn vị đã
giải thích cho nhà sư và dân chúng biết mục tiêu của cuộc hành
quân là tìm diệt Việt Cộng nhưng họ vẫn vừa lạy vừa khóc!
Hình ảnh ngôi đình, đứa bé đội chiếc mũ
nồi đen, nắm chặt tay mẹ bên đám dân làng run rẩy, sợ sệt quỳ lạy
đám lính Tây Lê Dương ở nhà quê miền Bắc mấy chục năm trước hồi
tôi còn bé chợt thoáng hiện về!
Lịch sử đang vô tình tái diễn. Ngày xưa
tôi là một đứa bé ngơ ngác run rẩy, vái lạy đám lính Lê Dưong.
Ngày nay tôi đang là một người lính Nhảy Dù đứng nhìn bầy trẻ đói
gầy, đen đúa xá lạy chúng tôi trên một quê hương xa lạ!
Tuổi thơ Việt Nam trong thời loạn lạc,
sợ xe tăng thiết giáp, vết giầy đinh trên bờ đê, khóc thất thanh
khi thấy lửa cuồng bạo đốt cháy xóm làng. Ngày nay, những đứa bé,
những người dân Miên khổ nạn kia cũng đang run sợ khi bom đạn hừng
hực đốt cháy quê hương!
Thấy dân làng và bầy trẻ nhỏ run sợ,
thiếu đói, nghèo nàn bên dăm ba củ khoai, một ít cơm độn bắp với
những vết thương máu mủ tanh hôi đang làm độc trên thân thể.
Anh Năm, “Đại Lộc”, ra lệnh cho tiền
trạm xin trực thăng chở gạo sấy, đồ hộp, thuốc men vào vùng hành
quân.
Xế trưa
hôm đó những người lính mũ đỏ, mũ đen, gom dân lại để cấp phát
lương thực. Băng bó, chữa trị những vết thương mưng mủ đang làm
độc trên mình những người dân khốn khó và những đứa bé đen đúa gầy
gò, khổ nạn của chiến tranh.
Nhìn những đôi mắt ngây thơ trẻ dại,
rạng rỡ hân hoan nhai kẹo cao su, thè lưỡi liếm môi cho hết chút
đường cát trắng, chậm chậm cắn miếng thịt heo. Mắt long lanh, đứng
ngẩn người để cảm thấy vị ngọt, mùi thơm đang từ từ tan tận kẽ
răng, ngấm sâu vào từng thớ thịt với những nụ cười hồn nhiên ánh
mắt vui sướng, trông mới xót sa tội nghiệp làm sao!
Chắc đã lâu lắm chúng mới có một ngày no
đủ. Vài đứa bạo dạn lại gần chiến xa, sờ sờ mó mó, khiến tôi nhớ
lại hình ảnh tuổi thơ với chiếc quần đùi nâu đứng bên đường số 6,
nghếch mũi ngửi cái mùi ngái ngái thơm thơm của dầu xăng khi lại
gần chiếc xe nhà binh.
Đêm im vắng, trời trong cao, lóng lánh
muôn ngàn tinh tú. Văng vẳng tiếng tụng kinh ê a hoà với tiếng mõ
khoan thai đều đều của sư cụ và mấy chú tiểu trên chùa.
Gối đầu lên ba–lô, ngả lưng trên nền
gạch dưới mái hiên chùa, chúng tôi kể cho nhau nghe những ngày Tây
về làng, theo bố, mẹ chạy loạn, tản cư, từ Cống thần, Chợ đại về
tới Phủ Lý, Hà Nam...
Quê hương tôi sao quá đoạ đày! Ngàn năm
đô hộ chống Tầu, trăm năm Trịnh–Nguyễn phân tranh, rồi đánh Nhật,
chống Tây. Năm 1954, đất nước chia đôi, yên ổn vài năm rồi lâm
cảnh nồi da sáo thịt, huynh đệ tương tàn vì chủ nghĩa cộng sản, vì
mộng nhuộm đỏ giang san của người anh em miền Bắc!
Nghe tiếng đạn bom từ thuở lọt lòng,
tham dự chiến tranh cầm súng bóp cò khi tuổi đời vừa đủ lớn đủ
khôn!
Nếu vương
quốc Cao Miên không cho phép cộng quân lập an toàn khu trên lãnh
thổ để tiến đánh miền Nam, thì chắc chắn xe tăng, đại pháo và
những người lính miền Nam sẽ không có mặt trên xứ sở xa lạ nghèo
nàn này!
Nhấm
nháp ly cà–phê nóng đầu ngày, khi những vệt nắng ban mai nhảy múa
lung linh trên pông–sô, bên tiếng hót trong cao của bầy chim chích
choè trên mái tam quan. Lòng thanh thản vì vừa qua một đêm yên
tĩnh, không có tiếng súng, tiếng bom. Tôi lẩm nhẩm cầu xin may mắn
cho đơn vị khi bước vào chùa giã biệt vị sư già.
Chiến xa lăn xích hướng về lại căn cứ
hoả lực Hồng Hà để trở về quê mẹ. Hình ảnh dân làng và bầy trẻ
đang giơ tay vẫy thấp thoáng bên lũy tre.
Nắng đã lên quá đỉnh đầu, không khí oi
bức ngột ngạt khó chịu. Sau mấy tiếng đồng hồ quần nát vùng hành
quân, Chiến Đoàn phân tán quân quanh bìa rừng để chờ tiếp tế lương
thực, đạn dược và xăng nhớt. Trực thăng võ trang bay lượn bao vùng
cho mấy chiếc Chinnok đáp xuống tiếp tế. Hai ba chuyến thả hàng
xong xuôi, chuyến cuối cùng đang là là trên mặt đất thì đột nhiên
phòng không, cối 82 và hoả tiễn của địch từ nhiều hướng khác nhau
nhả đạn như mưa. Một Chinook trúng đạn sau đuôi, bốc cháy như một
cây đuốc khổng lồ.
Trực thăng võ trang bao vùng nhào lên
nhào xuống bắn phá vị trí pháo của địch.
May là rớt gần mặt đất nên Phi Hành Đoàn
Mỹ từ trong trực thăng chạy kịp ra khỏi thân tầu, trước khi trực
thăng phát nổ. Lính mũ đen ào tới xịt bình chữa lửa lên mình mấy
anh phi công Hoa Kỳ rồi kéo họ nhào xuống hệ thống phòng thủ.
Vì địa thế bằng phẳng toàn bụi rậm và
rừng cây thấp nên phi cơ quan sát nhận ra vị trí súng của địch,
chỉ điểm cho khu trục tới tấp nhào xạ kích, đánh bom trong màn
lưới phòng không địch từ nhiều vị trí.
Mấy thiết xa M48 chất đầy xăng nhớt mới
tiếp tế may mắn không bị cháy, đang chạy ngang chạy dọc bơm xăng,
bơm dầu cho chiến xa.
Phi Hành Đoàn chiếc Chinook trúng đạn
đang liên lạc qua hệ thống Mỹ để chờ trực thăng bốc ra.
Trời đã về chiều, đoàn quân di chuyển
qua vị trí khác tìm địa thế đóng quân đêm.
“Tubip” Liệu đang chữa trị cho mấy quân
nhân bị thương nhỏ to với ông bạn Bác sĩ Quân Y bên Thiết Giáp.
– Bắt đầu vất vả rồi đó, đi chung với
mấy ông mệt bỏ mẹ, lúc nào cũng ầm ĩ đầy mùi xăng nhớt, phun khói
đầy trời, nằm phơi bụng, phơi lưng lên cho chúng pháo. Chỉ được
cái khoẻ là đỡ phải lội bộ, hoả lực ăn trùm thiên hạ và nhất là
đầy đủ mấy ông Bud, ông 33 (bia Budwiser và bia 33)!
– Nhưng cũng dễ thành than lắm ông ơi!
Mới chưa đầy một năm về đơn vị mà Thiết Đoàn đã đụng lớn cả chục
lần, “rang muối” gần chục xe rồi đấy ông ơi!
Ngoài tuyến phòng thủ lính tráng đang
đào hầm hố, dựng lưới chống B40 ngay trước đầu xe.
Quá nửa đêm khi mọi người đang say ngủ
thì bỗng choàng mình tỉnh giậy, lăn xuống hố vì những tiếng nổ
kinh hoàng cày tung đất đá ngay sát bên tai.
Tiếng nổ của hoả tiễn, của cối 82 nghe
ngắn, tê lạnh, buốt sắt đến hãi hùng. Cái âm thanh quen thuộc
giống như tiếng mở nút chai nghe rõ mồn một từ góc rừng, kèm theo
là những tiếng rít, tiếng hú rợn người của hoả tiễn 122 đang quơ
lưỡi hái tử thần xé gió bay đến vị trí đóng quân.
Mặc dầu đã quá quen thuộc với những cơn
mưa pháo khủng khiếp ở Hạ Lào, ở vùng hoả tuyến. Thế nhưng cái
giây phút cực kỳ ngắn ngủi, căng thẳng thần kinh trong lúc đạn
đang bay tới mục tiêu vẫn làm cho thần kinh căng thẳng, tức ngực
và khó thở! Vừa nghe đạn nổ đằng trước, đằng sau, bên trái, bên
phải, thì lại hồi hộp, miệng đắng lưỡi khô khi nghe tiếng rít của
đợt pháo tiếp theo. Cứ như thế mà chờ mà đợi, phó thác cho số
mệnh!
Đột nhiên
một tiếng nổ chát chúa kinh hoàng làm rung chuyển cả xe. Tai tôi ù
đi, tối tăm mặt mày khi toàn thân văng lên đập vào thành xe. May
là có thói quen khi nghe tiếng pháo là chụp chiếc mũ sắt lên đầu,
nên không hề hấn gì cả. Ngay bên cạnh Trung tá Bảo cũng đang ôm
ngực chống tay, dựa vào thành xe.
Lệnh lạc, báo cáo vang lên trong máy,
“Bảo Ngọc” chụp ống liên hợp liên lạc với “Đại Lộc” và các Đại Đội
ngoài phòng tuyến.
Bỗng có tiếng báo cáo của toán tiền đồn
cho biết là Việt cộng tập trung rất đông, đang dàn quân, đào hầm
hố, bố trí theo bờ suối, sát đường.
Vì sợ bị lộ vị trí nên toán tiền đồn sau
khi đã quan sát, theo dõi và cho toạ độ vị trí địch, xin rút ra
điểm hẹn trước khi trời sáng.
Mặc cho Pháo vẫn tiếp tục rơi, thân thể
còn đang ê ẩm. Anh Năm và tôi như vừa được uống một liều thuốc hồi
sinh, quên cả đau, dán mắt vào vị trí địch quân trên bản đồ để
phác hoạ trận địa pháo trút lên đầu địch.
– Đúng ngay chóc là thế nào chúng cũng
phục kích mình tại đây. Tao sẽ dùng chiêu “Gậy ông đập lưng ông,
tiền pháo hậu xung” mà địch vẫn thường dùng, để mưa pháo và bom
lên đầu chúng. Hoả lực sẽ thiêu đốt sạn đạo Damber. Công trường 7
cộng quân sẽ tan nát, thảm bại trong trận thư hùng quyết tử này!
Anh Năm vừa nói, vừa khoanh tròn, di tới
di lui cây viết chì mỡ trên tấm bản đồ, ngay vị trí địch một cách
đầy tin tưởng.
Có tiếng C47 Hoả Long vào vùng thả hoả châu, đại liên 6 nòng như
bò rống xả đạn vào vị trí địch, nhờ thế mà pháo địch im tiếng.
Vừa chui ra khỏi xe tôi đã điếng hồn vì
trái hoả tiễn 122ly nổ ngay cạnh đào một hố sâu bên thành xe. Mảnh
pháo chém đứt xích thiết xa, cây đại liên 50 trúng mảnh cong vòng
văng xuống đất.
– Anh Năm, mình hên thật, chút xíu nữa
là đi đứt. Kỳ này hành quân về Anh phải cúng heo và dời cột cờ đi
chỗ khác!
– Mấy
thằng tụi mày sao lúc nào cũng lèm bèm, tối ngày tìm đọc ba cái
trò bói toán, tử vi, luận bàn cứ như thánh sống làm tao điên cái
đầu!
Tubip Liệu
mới từ xe bên cạnh chui ra phán thêm một câu.
– Đệ nhất phong thủy miền Nam, “Diễn
tiên sinh”, khi được xếp lớn đón lên coi doanh trại đã lắc đầu nói
là Bộ Chỉ Huy nằm trên thế đất sát chủ. Đã thế sân cờ lại còn đối
diện với Nghĩa trang Quân Đội. Nếu không dời ngay xuống phía Nam
trông ra bờ sông thì lành ít dữ nhiều, chắc anh còn nhớ chứ anh
Năm!
– Nghe nói
Phủ Đầu Rồng, Dinh Thừa Tướng, Bộ Tổng Tham Mưu, một số đại quan
văn võ trong triều muốn thăng quan tiến chức, hưởng đủ bổng lộc
trời ban, đều phải năm lần bảy lượt xin yết kiến “Diễn tiên sinh”,
đó anh Năm!
–
Ông Cần, Ông Tĩnh lựa Bộ Chỉ Huy và sân cờ, tao mới về có lựa chọn
gì đâu! Nhưng chẳng biết đó là điềm vui hay điềm buồn, điềm lành
hay điềm xấu cho quốc gia, mà Phủ Đầu Rồng, dinh Thừa Tướng lại
tin vào bói toán tử vi. Nay con rùa đặt chỗ này, mốt hồ nước, giả
sơn đặt chỗ kia. Mình là dân quanh năm đánh đấm, trước khi xuất
quân lại tin phong thủy, gieo cầu, cúng bái cầu xin thì còn đánh
đấm giặc giã gì nữa!
Tôi ngước lên cao, trời trong ngập ánh
trăng, cần ăng-ten, đại bác, bóng người quanh pháo tháp lung linh
di chuyển ngã dài theo ánh hoả châu. Đại liên 6 nòng từ máy bay
vẫn như bò rống vạch ngang vạch dọc từng dây đạn lửa đỏ rực trong
đêm, xen kẽ với tiếng phòng không từ nhiều vị trí địch khác nhau
bắn lên máy bay, đạn lửa đuổi nhau giữa bầu trời đầy sao vẽ thành
bức hoạ chiến tranh lạ mắt.
Để chắc ăn cho cuộc tấn công vào sáng
ngày mai, chúng tôi xin mấy “thảm” B52, nhưng Bộ Chỉ Huy cho biết
là không có, và sẽ dành ưu tiên Pháo Binh, Không Quân cho trận
địa.
– Sáng
rồi, mình “thượng đài” nhập trận đi anh Năm!
– Báo cho Mê Linh đón tụi nhỏ tiền đồn
và sẵn sàng trong đánh ra, ngoài đánh vào, kẹp địch ngay chính
giữa.
– Tụi nhỏ
đã gặp phe ta rồi, hôm qua Mê Linh làm ăn lớn, tiêu diệt nguyên
một Đại Đội đặc công đánh vào căn cứ, tịch thu nhiều vũ khí và tài
liệu của địch.
Trời sáng dần, ngồi trên pháo tháp chiến xa tôi nhấc ống nhòm nhìn
về khoảng rừng trước mặt. Dọc theo Tỉnh lộ, khu rừng lau đầy hoa
trắng ngả nghiêng uốn mình theo gió, cảnh vật im vắng trong làn
sương mỏng ban mai.
Sau những gò mối, lùm cây, bên bờ suối,
giờ này chắc địch quân đang ẩn mình dưới giao thông hào. Chắc
chúng cũng đang hướng ống nhòm, canh góc độ, dựng biểu xích, mở
khoá an toàn của đủ loại vũ khí chờ Thiết Giáp và Nhảy Dù tiến vào
mục tiêu.
Tôi
chợt nghĩ đến gia đình, một thoáng Sài Gòn, mái ấm gia đình mờ mịt
cuối chân mây.
Sau khi đã bàn thảo với “Đại Lộc” xếp Mũ Đen, lệnh lạc rõ ràng cho
các cánh quân. Trung tá Bảo vỗ mạnh vai tôi, xiết chặt hai tay vào
nhau, ý như bóp nát địch quân. Ngay lúc đó là hàng ngàn tiếng rít
xé gió của 3 Pháo Đội Pháo Binh Nhảy Dù của ông “Lước Hốc Môn” từ
nhiều vị trí khác nhau “T.O.T” chụp đạn xuống mục tiêu. Rừng cây
đất đá, bụi lửa tung lên cao khi đạn pháo xoáy vào lòng đất. Lẫn
trong tiếng nổ hẳn có những đôi mắt trợn trừng lẫn với tiếng gào
thét đớn đau. Máu thịt, cốt xương sẽ tan từng mảnh tung lên cao,
vướng trên cành cây ngọn cỏ, hay vùi sâu trong lòng đất.
Hàng ngàn đạn Pháo, hết đợt này đến khác
vẫn đang xé gió cày tung vị trí Bắc quân.
Pháo vừa ngưng thì phi cơ quan sát L19
từ trên cao nhào xuống mục tiêu hướng dẫn khu trục oanh kích trận
địa.
Từng đoàn
khu trục, âm thanh rít bên tai, lao từ trên cao thả hàng chuỗi bom
chụp trên trận địa rồi kéo cánh lên cao, trông rõ bộ đồ bay màu
cam và chiếc nón bay của các phi công bạn.
Rừng cây bùng lên trong biển lửa khi bom
“Napalm” chạm mặt đất hừng hực thiêu đốt cây rừng.
Phòng không địch bắn lên phi cơ, vẽ
những bông hoa khói, xám đen, nổ như pháo bông dầy đặc quanh thân
tầu.
Đúng là
địa ngục rực lửa, lửa từ lưng trời rót xuống, lửa từ mặt đất bốc
lên, lửa vàng chói hừng hực, cuồng bạo đốt cháy cỏ cây, thiêu hủy
thân xác con người. Tất cả chỗ nào cũng chỉ nghe tiếng đạn tiếng
bom, chỗ nào cũng chỉ toàn lửa và lửa.
Phi cơ lắc cánh chào quân bạn bay khỏi
vùng. Chiến trường còn đang bốc khói là Thiết Giáp và Nhảy Dù xả
đủ loại hoả lực ào ào xung phong vào trận địa. Mặc dù bị nhồi giập
vì Pháo Binh, bị đốt ngập trong biển lửa, nhưng đủ loại hoả lực
đại liên, B40, B41, đại bác không giật của địch vẫn nhả đạn như
mưa vào đoàn cua sắt đang ào ạt tấn công.
Bị dồn vào tử lộ không lối thoát thân
nên địch liều chết tử chiến tới cùng. Xạ thủ phòng không bị xích
chân vào đại liên 37ly nhả đạn như mưa chống trả.
Phối hợp nhịp nhàng nhị thức Bộ Binh,
Thiết Giáp, kể cả chiếc xe ủi đất lớn của Công Binh cũng đang giơ
nghiêng lưỡi cày bằng sắt dầy ngăn đạn cho lính Dù nhào lên thanh
toán mục tiêu. Đây là lần đầu tiên trong bao nhiêu trận chiến lính
Dù mới thấy cảnh lạ lùng khi anh tài xế can đảm, gan dạ, say khói
súng cùng Mũ Đen, Mũ Đỏ lái xe ủi đất xông trận.
Ác chiến kéo dài từ sáng tới chiều. Mùi
thuốc súng, mùi da thịt khét lẹt từ hàng trăm xác địch cháy đen.
Xương thịt máu me nhầy nhụa đỏ lòm trong mắt xích chiến xa văng
lên pháo tháp làm tôi muốn ói trước cảnh tượng khủng khiếp và ghê
rợn.
“Tubib”
Liệu và toán Y tá quần áo đầy máu sau mấy gò mối lớn đang cấp cứu
cho các thương binh.
Khi những tia nắng chiều vàng đỏ cuối
ngày, lướt thướt kéo ngang rừng cây, nhuốm đỏ thành cầu, thì trận
chiến cũng vừa tàn. Bùn lầy, cỏ tranh, khu rừng hoa lau trắng đỏ
ngầu màu máu, xác địch ngổn ngang, co quắp cháy đen. Dăm ba chiếc
nón sắt rằn ri móp méo lũng sâu vết đạn nằm bên những chiếc nón
cối ngụy trang đầy lá cây rừng bên bờ lau sậy xào xạc gió chiều.
Trận chiến nào cũng có mất mát thương
vong. Đại úy Nguyễn Đức Dũng Đại Đội Trưởng Đại Đội 111 Tiểu Đoàn
11 Nhảy Dù cùng gần 30 Mũ Đỏ, Mũ Đen đã hy sinh, và khoảng 10
thiết xa bị bắn cháy.
Tựa bên pháo tháp chiến xa nhìn về phía
rừng cây, tôi như đang thấy những cánh rừng thông bạt ngàn xanh
ngắt trên Đà lạt. Như thấy Dũng trong bộ đại lễ trắng đang quỳ
xuống, đứng lên trong ngày lễ mãn khoá trên Vũ Đình Trường. Xa xa
Lâm Viên đỉnh hùng vĩ giữa trời xanh... Tiếng gió, tiếng kèn,
quyện với giọng ngâm buồn u uẩn bên ngọn lửa thiêng bập bùng trong
đêm Truy điệu...
“Mô
đất lạ chôn vùi thân bách chiến.
Máu anh
hùng nhuộm thắm lá cờ Nam!”
Sau khi tham dự hành quân Lam Sơn 719
tại Hạ Lào trở về. Vì nhu cầu công vụ, nên Dũng đang là một Sĩ
quan sáng giá của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù được lệnh thuyên chuyển về
làm Đại Đội Trưởng cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù. Cả đơn vị không ai là
không nhớ dáng dấp thư sinh, đẹp trai, hay mắc cỡ, mặt đỏ bừng như
con gái của Dũng. Chính vì hiền lành dễ thương, lúc nào cũng cười,
nên Dũng nổi tiếng đào hoa trong đám bạn bè, và thường bị các cô
trêu chọc.
Đất
lạ Damber đã cướp mất người anh hùng tuổi trẻ – Nguyễn Đức Dũng,
khoá 22 Võ Bị. Người “Thích mặc quân phục từ nhỏ, và đội Nón Đỏ
khi ra trường”. Người sĩ quan Dù can đảm, tháo vát trẻ trung, chưa
thoả chí tang bồng thì đã bỏ đồng đội bỏ anh em!
Ngủ yên đi Dũng! Và nhớ kéo dù theo gió
bay về quê cũ Bắc Ninh, nơi chốn bình yên, nơi dòng sông tuổi nhỏ,
phụ lưu sông Đáy, sông Hồng cuồn cuộn phù sa. Nơi có giọng hò Quan
Họ, hội Lim, nơi cất tiếng khóc chào đời, nơi không binh đao thù
hận.
Trên đồi
Mũ Đỏ Long Bình, dưới giàn hoa dưa tím phất phơ bay trước căn
phòng nhìn xuống Ngã Ba sông Đồng Nai mênh mông uốn khúc bên làng
Cao Thái đầy cỏ nội hoa rừng, thoảng mùi thơm khuynh diệp sẽ mãi
mãi vắng thiếu bóng anh!
Đêm đó Chiến Đoàn dừng quân ngay trên
trận địa, người sống và người chết ngủ vùi cạnh bên nhau. Nằm yên
trên võng, tôi lơ đãng nhìn những ngôi sao đổi ngôi sẹt ngang bầu
trời, để nghe hơi thở, khói súng chiến trường lắng đọng trong tim.
Ngoài kia tiếng rên la đau đớn của
thương binh ta và địch, đang gọi tên người thân, chống chọi từng
giây từng phút với tử thần, còn có tiếng rên la, trăn trối của một
sĩ quan thương binh miền Bắc nghe rất lạ tai!
Chữ nghĩa, ngôn từ đã hoàn toàn đổi thay
từ khi chúng tôi xa đất Bắc di cư vào Nam năm 1954. Đêm nay, người
thương binh địch, quê quán Hà Đông, cùng tuổi, cùng quê với tôi.
Biết đâu thuở nhỏ lại chẳng biết nhau bên gốc đa đầu làng, chơi
với nhau trước sân đình, bên giếng nước, khi mới dăm bảy tuổi. Anh
thương binh đang thều thào gọi tên vợ con khi biết mình khó lòng
sống sót với viên đạn xuyên ngang lồng ngực. Tấm hình đen trắng
mộc mạc của cô gái quê với hàng chữ thương yêu gửi tặng chồng khi
vượt Trường Sơn. Tấm ảnh vấy máu, đang nằm trong đôi tay khô héo,
khi Tubip Liệu lấy ra từ trong túi đặt lên tay anh.
Dù Mũ Đỏ, Mũ Đen, dù nón cối dép râu,
hay Bắc, Trung, Nam, khi nhắm mắt xuôi tay thì xác thân đều sẽ rã
mục hình hài làm xanh tươi cây lá. Gió núi mưa rừng sẽ gột sạch
máu xương. Chim chóc, muông thú sẽ kéo về, đời sống sẽ trở lại,
thôn ấp xóm nhà, lũy tre, ruộng đồng, cây trái, sẽ xoá mờ đi vết
tích chiến tranh.
Tôi nằm đong đưa trên võng chập chờn
nghĩ tới vợ con, để biết mình vừa sống còn qua trận chiến.
Với mấy trăm xác địch nằm ngổn ngang
khắp nơi trên chiến địa. Đại liên phòng không, cối 82, B40, B41,
đại bác không giật và hàng trăm cây AK sắp đầy như củi trên 4
chiếc M548. Trung Đoàn địch trấn giữ Damber kể như bị xoá tên trên
bản đồ trận liệt.
Dưới ánh nắng gay gắt, chói chang hầm
hập nung người của xứ chùa Tháp, mùi hôi của xương thịt người chết
mắc kẹt trong xích xe bắt đầu xông lên khó chịu.
– Hôi quá! Cả ngày ăn ngủ trên xe, sao
mấy anh chịu nổi!
– Thì cũng quen đi thôi!
Nói xong người lính Mũ Đen rít hơi thuốc
thơm Quân Tiếp Vụ, từ từ nhả khói giọng nặng trĩu u buồn.
– Chiến tranh mà! Mới đó mà tôi đã qua 8
năm chiến trận. Không biết còn đánh nhau cho tới bao giờ! “Đi đêm
mãi chắc cũng có ngày gặp ma”!
Tiếng máy Truyền Tin oang oang chuyển
lệnh cho đoàn quân rời vùng, tiếp tục hành quân giải toả Liên Tỉnh
lộ 7.
Mấy con
quạ đen cất tiếng kêu quang quác, đang đứng rỉa lông trên nòng cây
đại bác cong queo, cạnh vòng hoa kẽm gai trên mấy chiếc chiến xa
cháy đen ngoài cánh đồng.
Đã hơn hai tháng miệt mài trong lửa đạn.
Tôi đang nhớ Sài Gòn, nhớ vợ con. Nhớ giàn hoa giấy đỏ trước nhà,
và những con chim gi, chim chích choè mỏ đỏ, cánh đen bay chuyền
trong buổi trưa hè. Tự nhiên tôi thèm tô phở, ly cà–phê, hơi
thuốc. Nơi cuối trời, bếp lửa gia đình mờ mịt cuối phương Nam...
Chiến tranh càng ngày càng nghiệt ngã.
Quê hương, sông núi quặn chìm trong bom đạn. Tuổi trẻ miền Nam hết
lớp này đến lớp khác gục ngã, hy sinh trên núi trên rừng, trên
ruộng trên nương... lấy xương trắng máu đào để bảo vệ miền Nam.
Sau chiến thắng Damber, hơn nửa năm sau,
một số bạn bè, đệ huynh trong trận chiến này đã lần lượt hy sinh
trong Mùa Hè Bão Lửa 1972.
Tháng 12/4/1972 Trung tá Nguyễn Đình Bảo
vĩnh viễn nằm lại trên đỉnh Charlie vùng Ba Biên Giới Quân Khu II,
sau một tuần lễ tử chiến đẫm máu với 2 Trung Đoàn 64 và 48 của Sư
Đoàn 320 cộng quân.
Đại úy Hoàng Ngọc Hùng Đại Đội Truyền
Tin 112 Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù hy sinh ngay trước sân nhà, nơi anh
cất tiếng khóc chào đời, sống những ngày ấu thơ êm đềm ngoài Quảng
Trị, trong trận chiến tái chiếm Cổ Thành tháng 6/1972.
Chi Đoàn Trưởng Thiết Kỵ “Phi Điểu” hy
sinh trong trận ác chiến tại đồn điền Krek, Kampuchia.
Chi Đoàn Trưởng Chiến xa Bắc Đẩu chiến
đấu tới hơi thở cuối cùng tại Hải Lăng!
Hình ảnh các anh như đang sống lại trong
tôi khi cùng nhau xông pha trận mạc.
Xin thắp nén hưong lòng để tưởng nhớ các
Anh.
Trận chiến
đã nằm sâu, phai nhạt dần theo tuổi đời, năm tháng, thời gian từ
hơn môt phần tư thế kỷ. Nhưng vì “Nhớ bạn bè, nhớ anh em”, nên
người viết cố ghi lại hình ảnh đệ huynh của một thời chiến trường
xưa cũ. Xin lượng tình tha thứ nếu như có điều gì sơ sót.
MĐ Đoàn Phương Hải
Memorial Day, Bắc Cali
Vài
hình ảnh về Anh Năm mũ Đỏ Nguyễn Đình Bảo,
Trung tá Tiểu Đoàn
Trưởng Tiểu Đoàn 11 Dù tại Damber, Campuchia, tháng 08/1971
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
Dù T–10
SĐND–QLVNCH
dùng trong thời chiến
|
Hình nền: Lũy Tre Làng. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Đoàn Hữu Định chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, February 6, 2020
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang