Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Nhật ký Hành Quân
Chủ đề: Chiến tranh
Tác giả: Huy Văn
Thứ Hai, 14-05-1974

MỘ ĐỨC, MỘT NGÀY VÀO HẠ

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Mười ngày dưỡng quân và nhận thêm tân binh đủ để trung đội lấy lại phong độ, hay ít ra cũng quên đi phần nào cơn ác mộng vừa trải qua trong xã Đức Lương, nơi mà chỉ trong một tháng dò mìn bằng chân, tôi mất đi đúng 15 đồng đội gồm 6 người hy sinh và 9 bị thương với hai lần bổ sung quân số. Lần này Đại úy Vương ưu tiên tăng cường cho Trung đội 1 chúng tôi nên nhân sự nhích lên được 25 người, trong số này có Trung sĩ nhứt Nguyễn Văn Cho, thuyên chuyển từ Đại đội 4 qua làm Trung đội phó cho tôi. Những ngày giữ an ninh quốc lộ, tuần hành, hoặc kích đêm của chúng tôi trong khu vực quanh làng Tú Sơn của xã Thạch Trụ chấm dứt khi có lệnh theo tiểu đoàn di chuyển về phía Chi Khu Mộ Đức để thay thế cho Tiểu đoàn 39 BĐQ.

Nơi đóng quân của trung đội chúng tôi có thể so sánh với một ốc đảo giữa sa mạc với những cây xanh và hàng dậu che chắn khoảng đất khá rộng có hình lưỡi liềm, một đầu nối vào con đường liên tỉnh còn đầu kia nhìn bao quát toàn cảnh của núi Cối về hướng Nam. Vùng đất chung quanh vị trí là mớ ruộng khô chạy một vòng theo hướng Đông Nam-Tây Bắc, khoanh vòng từ đồi phòng thủ của ban chỉ huy đại đội đến bên kia đường xe lửa xuyên Việt. Gọi là ốc đảo vì chỉ nơi chúng tôi đóng quân là có cây, bụi rậm rạp vốn là khu vườn của một ngôi nhà đã đổ nát từ lâu, còn bốn bề bao quanh là ruộng khô -xám xịt màu đất hay màu cỏ tranh héo úa- chạy mút tầm mắt theo mọi hướng, nhứt là về phía bắc, nơi có làng Phước An bé nhỏ và về hướng núi phía tây, nơi có những rặng cây xanh rậm. Nhìn từ xa, vòm xanh tươi mát này trông rất giống tre làng mặc dù trên bản đồ thì ghi chú là xóm thôn ở hướng đó đã bỏ hoang. “Ốc đảo” trở thành tiền đồn của đại đội chúng tôi và cũng là của Chi Khu vì bên kia đường rầy là vùng địch, còn làng Phước An ở phía nam, dưới chân núi Cối, là nơi đã bỏ hoang từ lâu dù chỉ cách Quận đường chừng 2km đường chim bay. Khoảng 200 mét về phía bắc có một chốt của Đại đội 2. Cũng khoảng cách đó về phía đông, tức sau lưng chúng tôi, là dãy đồi thấp, nơi trung đội súng nặng và ban chỉ huy đại đội cùng hai trung đội tác chiến còn lại khoanh tuyến trên cao độ chừng 40 mét, vốn là phần nối tiếp của núi Cối khi dãy Trường Sơn cố chạy dồn về hướng biển. Trung đội 2 của Lê Văn Hữu án ngữ mặt sau của đại đội và giữ an ninh cho tỉnh lộ. Trung đội 3 của “Ti Vi” Nguyễn Thanh Vân nằm trên sườn cao bên trái đại đội. Nơi đây là chốt kiểm soát con đường đi hái chà-là của dân địa phương và cũng là nơi khởi đầu của một rừng sim vừa mới đơm hoa chạy biến vào triền núi. Nghe bạn kể trên máy về cảnh trí quanh khu vực đóng quân của Trung đội 3 mà tôi thèm được ở trên đó ngắm cảnh thay vì nằm dưới đây chỉ toàn ruộng hoang và cỏ tranh héo úa.

Lấp bớt hố, sửa sang lại tuyến phòng thủ xong là vừa vặn hết một ngày. Đã quen với hoạt cảnh vui mắt khi đóng quân ngoài quốc lộ nên Lính có vẻ buồn vì sự tĩnh mịch của nơi đồng không mông quạnh. Tiếng động của người và vật trên con đường đê -nói cho đúng hơn, là tỉnh lộ của thuở xa xưa- đã vắng lặng từ khi nào không biết. Tỉnh lộ 578 -một thời thênh thang chạy từ quốc lộ 1 ngang qua Chi Khu kiêm quận đường Mộ Đức, vượt con đường xe lửa xuyên Việt rồi mất hút vào thung lũng giữa vùng núi Cối và núi Nhàn ở phía tây- nay đã là một con đường đất vàng võ. Vì đang là mùa khô, nên chỉ cần một cơn gió thoảng nhẹ cũng đủ tốc lên lớp bụi mỏng chập chờn, ẻo lả, hòa tan vào màn trời phơn phớt nắng. Khung cảnh thật lặng trầm trong màu chiều dần buông. Trời đang tắt nắng. Con đường trở thành một vệt mờ chạy vào quầng tối của làng mạc và vùng núi phía tây. Nhìn lại hướng quận lỵ thì đã thấy le lói vài ánh điện. Đêm đang dần đến. Một ngày sắp trôi qua. Mong sẽ là một đêm an bình và thêm một ngày mai ngập ánh hồng.

Thứ năm, 17-05-1974

Công việc sửa sang hầm hố và củng cố hệ thống phòng thủ coi như đã xong. Chỉ có công việc phát quang để nới rộng tầm quan sát và xạ trường là chưa được hoàn hảo nên chiều nay cả trung đội ra sức dọn cỏ rồi nhằm lúc có gió thổi khá mạnh, chúng tôi châm lửa đốt để mượn sức gió quét một vòng quanh tuyến đóng quân. Khi khói tan, lửa tàn, mới lòi ra một ngôi mộ hoang, nằm cách vị trí của chúng tôi chừng 30 mét ở phía đông và một con suối cạn ở phía tây cũng cách một quãng tương tự. Xem lại bản đồ thì thấy một lằn chỉ xanh chạy theo hướng nam bắc, phát xuất gần đỉnh cao 700 mét của núi Cối, thẳng xuống đồng bằng, cắt ngang tỉnh lộ, nhưng có lẽ vì bị khô hạn đã lâu nên con suối bây giờ trở thành một loại giao thông hào thiên nhiên không hơn không kém. Tôi đảo một vòng chung quanh tuyến, xem xét kỹ lưỡng vị trí của ngôi mộ và địa thế của con suối rồi ngay sau đó kéo Hạ sĩ Qúy- vua gài lựu đạn kiêm thiện xạ M79 của cả đại đội- đi theo để chỉ cho anh chàng gài “đồ chơi” tại hai nơi đó và những chỗ khả nghi khác. Nhưng Qúy “mát” chưa kịp gom mớ “măng cụt” M67 thì đã nghe hiệu thính viên báo cáo là Vương Vũ ra lệnh cho trung đội xuống hố để ông cho mấy tràng đại liên và vài viên cối để xác định hỏa tập tiên liệu và cận phòng.

-Ê Hoa Đăng! Có thấy “con gà cồ” gáy đẹp không?

Đại úy Vương hỏi tôi trong tiếng nổ dòn của M60 từ trên đồi vọng xuống. Đạn cày đất tung tóe quanh chốt của Trung sĩ nhứt Cho. Sau đó, vài viên súng cối vòng qua đầu chúng tôi và nổ ngay khu vực giữa suối cạn và đường rầy, là hướng phòng thủ của tổ đại liên do Trung sĩ Đặng Tri đảm nhiệm.

-Cắm tiêu cho “Con gà cồ” và cái “Điếu Cày” được chưa? Đám “vịt con” lạng quạng về đây là ông vặt lông cả lũ. Nhắm mắt cũng không trật đâu cả. Ưu tiên cho Trung đội 1 đó nghe!

Vương Vũ khề khà trên máy, giọng nói có vẻ khoan khoái lắm. “Bố Già” đang lai rai với hai “quan nhí” và Thiếu úy Lợi, Đại đội phó là cái chắc. Từ trên cao nhìn quanh một vòng xuống ruộng và các xóm làng xa xa thì dù là một tâm hồn chai đá cũng không thể không sinh tình huống chi Vương Vũ vốn lãng mạn mặc dù dáng vẻ bề ngoài thật lạnh lùng và cứng rắn. Vả lại, hoàng hôn đang tắt nắng, ráng chiều soi bóng núi ngã dài, đưa bóng cây nhòa vào đất xám tạo nên một bức họa đồng quê bình dị và thơ mộng. Thêm vào đó là sự yên lắng gần như hoàn toàn sau một ngày sinh hoạt đủ làm rung động tâm hồn mọi người.

-Bố Vương đang đưa cay với tụi này. Thấy ông tới giờ cơm rồi mà vẫn còn lo “dọn dẹp nhà cửa” nên khen ông cẩn thận và chịu khó rồi hứng lên “đốt pháo” cho xôm tụ. Vậy là ông được cưng lắm đó!

Nguyễn Thanh Vân gọi máy kể chuyện sau khi mọi thứ đã yên lắng. Anh bạn “Ti Vi” và Lê Văn Hữu, Trung đội trưởng Trung đội 2, là hũ chìm, hai chàng gặp nhau là đưa cay. Nhưng tôi thân với Vân hơn vì anh bạn gốc Hòa Hảo này cười nhiều hơn nói và nhứt là cùng một “gu” văn nghệ, còn Hữu thì bặm trợn, nóng nảy và hiếm khi biểu lộ tình cảm dù lòng dạ rất tốt. Anh bạn gốc Huế có một tương lai đầy hứa hẹn trên đường binh nghiệp, đánh đấm và chỉ huy rất “ngọt” với một bàn tay bọc nhung và tay kia bọc thép mà Vương Vũ thường hay nêu thí dụ với chúng tôi. Mặc dù bề ngoài trông rất “ngầu hầm”, nhưng Hữu lấy danh hiệu truyền tin thật... hiền khô: Hương Giang! Chiều nay, “Bố Già” Trần Văn Vương hứng tình kéo họ qua cụng ly, và cũng không quên thảy cho tôi chút “lửa” để ấm lòng cùng con cái qua đêm.

THỨ SÁU, 18-05-1974

Tiếng nổ của lựu đạn rồi tiếng M79 lẫn M60 làm cả trung đội bung người lao mình xuống hố. Bóng tối còn đang bao trùm cảnh vật. Nhìn lại đồng hồ thì chỉ mới 5 giờ sáng. Tôi băng mình về phía vọng canh của tổ đại liên. Qúy “mát” tống thêm hai trái đạn M79 về phía suối cạn rồi tựa lưng vào góc tường đổ nát của ngôi nhà. Đưa tay chỉ về hướng đường xe lửa, Qúy “mát” nói nhỏ với tôi:

-Em nghi là tụi nó rình mình nên chơi luôn một dây cho chắc ăn. Thế nào cũng có đứa dính chấu đó chuẩn úy!

Tạt qua hố của Hạ sĩ Trần Dần, xạ thủ đại liên thì Trần Dần cho biết ngay sau khi thay ca lúc 4 giờ sáng là tỉnh luôn không ngủ lại được nên khi nghe lựu đạn, rồi M79 phát nổ là anh chàng chộp súng bắn ngay vào những nơi đã được cắm tiêu làm dấu cho hỏa lực tiên liệu. Tôi gật đầu, đảo mắt quanh một vòng tuyến chỉ có 7 người của tổ đại liên rồi cùng hiệu thính viên lạng nhanh ra vị trí của toán khinh binh, rải dài bên kia “ốc đảo”. Trung sĩ Cho và 10 tay súng cũng đã xuống hố, sẵn sàng chờ địch. Tôi kiểm tra một lần nữa vị trí phòng thủ của cả trung đội, đích thân báo cáo tình hình vừa qua với Vương Vũ rồi mới yên tâm trở về chỗ của mình. Sự yên lắng của đêm về sáng làm tôi bán tín bán nghi vì đây không phải là lần đầu mọi người bị mất ngủ khi có báo động giữa đêm. Nhưng lần này là thú hoang hay là địch?

Mấy tiếng nổ vang rền trên đồi, không phân biệt được là lựu đạn hay bê-ta, sau đó là tiếng AK và M16 đan vào nhau đã trả lời câu hỏi của tôi. Năm giờ rưỡi sáng! Địch đột kích rạng đông. Ngọn đồi trọc bên cạnh Chi Khu, nơi đặt 2 khẩu đại bác 105ly, đang bị pháo tới tấp. Trong khi đó, phòng không 12.8ly và có lẽ là 57ly không giựt từ trên sườn núi Cối trực xạ dữ dội vào vị trí của đại đội và của Trung đội 3. Gần như tiếp ngay sau đó là phía Đại đội 2 của Trung úy Hiền ở hướng bắc cũng có chạm súng. Như vậy Đại úy Vương phải tự lo lấy thân vì ngay cả pháo binh từ căn cứ Lee, đặt tại phía nam Thạch Trụ cũng chưa thấy rục rịch. Tôi cảm thấy lo lắng khi nhìn lại vị trí của mình. Bây giờ mới thấy “ốc đảo” quả là quá rộng. Vì hướng địch dự trù là ở phía tây, nên dù khoanh vòng theo chu vi để lập tuyến phòng thủ thì hỏa lực chính, với cây đại liên M60, cũng tập trung nhiều hơn cho phía suối cạn và đường rầy. Còn nhìn về phía sau, tức hướng đông, thì hố hầm thưa thớt. Chỉ có Hạ sĩ Qúy tức Qúy “mát” và Trần Minh Sơn cắm chốt để canh phòng hướng có ngôi mộ hoang, cũng là hướng nhìn về phía đại đội. Người khinh binh gần nhứt cũng phải cách khoảng gần 10 mét.

6H00. Trời đang nhá nhem sáng. Địch dồn sức tấn công Đại úy Vương với những loạt AK và thủ pháo cùng đạn cối và súng cộng đồng với một nhịp độ dồn dập như từ lúc khởi đầu. Ban chỉ huy đại đội và Trung đội 3 của “Ti Vi” chống trả mãnh liệt. Vẫn chưa có hỏa lực yểm trợ của pháo binh diện địa từ căn cứ Lee ở hướng nam của xã Thạch Trụ. Trong khi đó, Chi Khu Mộ Đức vẫn đang bị pháo kích liên tục. Chúng tôi còn chờ địch và đang theo dõi bằng mắt cũng như trên tần số liên lạc. Nhưng đột nhiên “Ti Vi” Nguyễn Thanh Vân im lặng vô tuyến. Hiệu Thính Viên của đại đội rồi chính Đại úy Vương liên tục lên máy gọi mà không nghe hồi đáp. Cũng ngay lúc này, địch chuyển hướng tác xạ. Từ trên núi Cối, đại bác không giựt, phòng không, cùng trung liên nồi (RPD) đồng loạt bắn thẳng vào tuyến của chúng tôi. Sau đó, địch từ trên triền núi dàn hàng ngang tràn xuống, chạy ngời ngời trên ruộng khô, nhắm vào vị trí có hầm hố của toán khinh binh. Địch đang bọc hậu cả trung đội! Thanh “máy” gọi đại đội, báo cáo một cách khẩn thiết. Không có hỏa lực tiếp ứng từ trên đồi trong khi rõ ràng là địch đang xua quân chạy giữa hai lằn đạn vì góc độ xuất phát của chúng nằm ngay vào góc chết của hai lằn đạn bắn chéo vào nhau. Nếu chúng tôi và đại đội cùng khai hỏa một lượt thì sẽ diệt gọn đám “vịt con” như chơi, nhưng trận đánh trên kia đang diễn ra một cách kịch liệt với tiếng súng nổ thật dòn dã và liên tục cho biết là Vương Vũ đang bận điều động Lê Văn Hữu tiếp viện cho Trung đội 3, hay chính là trung đội súng nặng của đại đội cùng với nhóm trừ bị gom từ các trung đội cũng còn đang chống trả không chừng. Địch tấn công từ sau lưng chúng tôi cũng có nghĩa chúng đã chắc ăn là đại đội sẽ không có khả năng “chăm sóc” đám thiêu thân đang thâu ngắn con đường băng qua khoảng ruộng dài không quá 200 thước. Tôi hoang mang không hiểu mình bị bao vây hay địch chỉ xuất hiện từ hướng núi nên dạt ngay qua hố của Trung sĩ Đặng Tri rồi nhoài người nhìn qua phía đường rầy tức hướng chính Tây. Khi không thấy động tịnh gì, tôi quay lại bên Trần Dần, ra lịnh cho người xạ thủ đại liên ôm súng tức tốc qua đổi hố cho Trần Minh Sơn. Hồ Viết Sành vai đeo súng, tay sách đạn phóng theo bạn, còn thằng em Sài Gòn từ tuyến bên kia cũng bật dậy chạy qua trám chỗ của Trần Dần như cái máy. Hố của Sơn là hố đơn nên thằng em ô-đô của tôi phải nằm nghiêng trên mặt đất để sẵn sàng tiếp đạn. Trong tiếng nổ dòn của súng địch, tôi hét ra lịnh mọi người không được nổ súng trước khi Trần Dần khai hỏa. Có tiếng đáp: “Nhận rõ!” của Trung sĩ Cho từ bên kia đầu tuyến. Và ngay sau đó là câu:

-Tụi mày muốn thí quân thì ông sẵn sàng phổ độ!

Hình như là tiếng nói chắc nịch của Trần Dần thì phải?

Ngoài kia địch đang hiện rõ dáng người. Khi khoảng cách chỉ còn trên dưới 50 mét thì tôi ra lệnh cho đại liên khai hỏa. Tiếng đạn của đôi bên nổ dòn hơn pháo. Địch khựng lại và khom mình lẫn vào lớp tranh khô. Trong ánh sáng lờ mờ của hừng đông, chỉ còn thấy nón cối nhấp nhô theo nhịp chân di chuyển. Tôi thầm tiếc rẻ là đã không đưa Qúy “mát” qua hướng này để thằng em thiện xạ bắn M79 cho đã tay, ngược lại phải giữ hắn ở phía bên kia, để cân bằng hỏa lực và đề phòng bị bao vây. Nhưng niềm lạc quan của tôi tắt ngúm khi đạn cối của địch bắt đầu rớt ngay trong tuyến. Và cũng ngay lúc đó thì một loạt B40 kèm theo SKZ 57ly xẹt lửa vào nơi phòng thủ của Trung sĩ Cho. ĐM! Tôi chưởi thầm. Mệt tới nơi rồi. Mình chỉ có 20 mạng. Tụi nó chắc chắn phải một đại đội! Chưa kịp hét lính nhô đầu lên bắn tiếp thì đã thấy bóng người từ phía bên kia tuyến rầm rập chạy qua. Tôi giựt mình khi thấy Trung sĩ nhứt Cho dẫn đầu vài người chạy thẳng vào chỗ tôi.

-Tụi nó bắn rát quá ngóc đầu không nổi. Đã có đứa bị thương.

Anh ta vừa thở vừa nói, rồi phóng luôn ra tỉnh lộ. Tôi điếng hồn hét anh ta quay lại nhưng ngay lúc đó toàn bộ khinh binh cũng rút theo. Tôi vừa tức giận vừa lo sợ nhưng chỉ biết ra lệnh cho cả đám lao xuống ruộng phía bên kia đường, lập tuyến mới để chống trả. Đến lúc này thì địch dồn hỏa lực triệt khẩu M60 của Trần Dần, và mặc dù tôi hét Trung sĩ Đặng Tri lôi Qúy “mát” và hai thằng em tổ đại liên quay ra tuyến sau để cầm cự và giúp toán khinh binh chỉnh đốn hàng ngũ thì tình hình vẫn tệ hại như trước. Thay vì đứng dưới ruộng, dùng mặt lộ thay hố cá nhân để cự địch thì toán của Trung sĩ I Cho kẹp theo con đường chạy luôn về phía quốc lộ 1! May cho họ là Đại đội 2, không biết vì đang đụng địch, hay vì quan sát được tình hình của chúng tôi nên không thấy nổ súng về phía này. Tôi thật sự bối rối và không biết phải xử trí ra sao thì địch đã bắt đầu “Xung Phong!”... vào chỗ không người, nơi hơn một nửa trung đội vừa bỏ tuyến. Bắn lính để giữ chân họ thì tôi không nỡ. Đạn dành cho địch, không phải cho người mình, nên tôi phân vân chưa biết làm sao thì bỗng nhiên Trần Dần tốc hố, ôm súng phóng lên đường lộ rồi nhoài người qua phía bên kia ruộng. Hồ Viết Sành cong người chạy ngay sau lưng. Ngay sau đó, nhóm của Trung sĩ Đặng Tri cũng rút theo bén gót.

-Vọt đi Chuẩn úy!

Thanh “máy” vừa hối tôi, vừa thảy chiếc PRC lên miệng hố. Dứt lời là thằng em đã vững chân trên mặt đất rồi khom người phóng ngay qua bên kia đường. Mọi chuyện xảy ra thật nhanh, không kịp cho tôi định thần để nhận định tình thế. Tôi nhìn vào khoảng tranh tối tranh sáng của bên kia khu vườn, trong lòng bối rối và hồi hộp. Lính bỏ tôi, nhưng tôi phải làm sao bây giờ? Bằng một hành động vô thức, tôi vừa chống tay nâng mình lên miệng hố thì cũng vừa lúc đó có người níu vai áo kéo tôi lên thật nhanh. Là Trần Minh Sơn! Thằng em Sài Gòn là người sau cùng bỏ tuyến và khi chạy ngang đã dừng lại lôi giúp tôi lên. Nhưng vô tình Sơn “chẩu” làm khổ tôi vì khẩu Colt 45 trên tay tôi bị hắn đá văng đâu mất. Tôi rụng rời sờ soạng, tìm kiếm trong lời khấn thầm xen lẫn tiếng chưởi thề bất chợt. Đồng thời câu nói “... Thà mất mạng còn hơn mất súng, mất máy...” của Đại úy Vương vang vọng đâu đó trong đầu càng làm tôi thêm bấn loạn. Trong khoảnh khắc, tôi mới hiểu thế nào là sự sợ hãi trong cô đơn cùng cực. Đại đội bị tấn công, không có khả năng tiếp trợ ngay lập tức cho chúng tôi. Lính rút lui khi chưa có lệnh. Địch chỉ còn chừng vài chục thước là tóm cổ hay làm thịt mình như chơi. May cho tôi là chỉ trong giây lát tôi chộp được khẩu súng trong nỗi mừng vô hạn, và cùng lúc đó là nhịp súng nổ dòn của Sơn “chẩu” và Trần Dần, rồi tiếp theo là mấy trái M79 trực xạ của Qúy “mát” đã cầm chân địch để tôi kịp lao người phóng xuống ruộng, bên kia tỉnh lộ.

Chỉ sau vài tràng đạn là mấy thằng em còn chung thủy với tôi cũng vọt theo toán người đang lom khom chạy phía trước, dẫn đầu là toán của Trung sĩ Cho. Tôi chưởi thề và quát tháo liền miệng nhưng rồi không còn cách nào khác ngoài việc lao người theo họ. Chạy được một đoạn thì Trần Dần vấp chân té nhào, khẩu M60 văng khỏi tay. Hồ Viết Sành dù người còn mang dây đạn đại liên và tay ôm khẩu M16, cũng ráng dừng lại kéo bạn đứng dậy. Thấy cả hai vướng víu vì súng đạn và nhứt là khi thấy Trần Dần đang khập khiễng thì tôi chộp lấy khẩu súng của thằng em ô-đô. Cũng ngay lúc đó, tôi chợt nhận ra chiếc PRC25 nằm chình ình trên mặt đất. ĐM! Thằng Thanh bỏ máy rồi! Tôi điên tiết chửi thề. Thật là quá đáng! Vừa nhủ thầm, tôi vừa nổi khùng quạt hết băng đạn M16 ngay trên đầu đám lính đang chạy phía trước.

-ĐM! Đứng lại!

Tôi vừa hét vừa thay một gắp đạn mới, sửa soạn lia thêm một tràng nữa thì cùng lúc đó, tiếng của Thượng sĩ Lê Văn Trữ thảng thốt vang lên từ máy truyền tin.

-Hoa Đăng! Đây Trinh Nữ. Thằng Một đang ra biển phải không? Nghe rõ trả lời!

Thay vì đáp máy, tôi chĩa súng lên trời làm bốn phát để nhận bạn mà chỉ có tôi và người cựu Trung đội phó chế ra theo nhịp ba ngắn, một dài thay vì ba phát đều đặn như mọi người thường làm. Ngay lập tức, có bốn phát từ trên tuyến của đại đội hồi đáp và kèm theo đó là mấy tràng đạn cắm xuống ruộng chận đứng hẳn bước chân của đám khinh binh còn cố đi lần ra phía quốc lộ. Bỏ hai thằng em ở tại chỗ, giao cho Trần Minh Sơn tạm thời liên lạc máy và báo cáo cho đại đội, tôi băng người về phía nhóm lính đang xớ rớ trong thửa ruộng. Cùng lúc đó, từ trên đồi cũng có một số người đổ dốc chạy nhanh xuống. Trong ánh sáng hừng đông, hình ảnh của người Thượng sĩ Thường Vụ đại đội và mấy thằng em đang gấp rút “hạ san” trông thật oai hùng và tràn đầy khí thế làm sao!

Việc đầu tiên khi gặp lại thuộc cấp là tôi hét Thanh “máy” trở lại phía Sơn “chẩu”. Cả đám lính biết thân, biết phận cúi đầu nín khe. Tôi khoát tay khi Trung sĩ I Cho đến gần định phân bua gì đó. Tôi vừa cho lịnh kiểm tra nhân sự và súng đạn thì Thượng sĩ Trữ cũng vừa xuống tới nơi. Ngay lập tức, Trữ bắt tay chỉnh đốn lại hàng ngũ để tôi lên máy liên lạc thẳng với Vương Vũ. Đại úy Vương vắn tắt cho biết tình hình thằng 3 của Nguyễn Thanh Vân đã khả quan. Thiếu úy Lợi đang lo trên đó để Vương Vũ rảnh tay theo dõi tình hình của tôi dưới này. Ông ra lịnh cho chúng tôi bằng mọi giá phải trở lại tuyến cũ và bắt đầu phản công ngay lập tức. Mặc dù hỏa lực không còn đầy đủ, mỗi người chỉ vài gắp đạn, nhứt là đại liên chỉ có hai dây mà Hồ Viết Sành lạch bạch đeo trên người, nhưng trung đội như lấy lại sinh khí mới khi cả 5 khinh binh thiện chiến đều theo người chiến sĩ xuất sắc của trận Sa Huỳnh trở lại trung đội để cùng lâm trận. Đây là 5 tay súng kỳ cựu của trung đội được cắt giao cho đại đội, một hình thức tăng cường nhân sự phòng thủ của Đại úy Vương và cũng là lực lượng trừ bị gồm toàn những tay thiện chiến để sử dụng khi cần. Vương Vũ trả người, lại kèm thêm Lê Văn Trữ để giúp tôi, đủ nói lên quyết tâm xoay ngược tình thế của ông. Một lần nữa, người Thượng sĩ thường vụ tạm thời nhận trách nhiệm Trung đội phó cho tôi như đã làm bốn tháng trước đó. Tất cả mọi người còn lại đều trở thành khinh binh. Tất cả! Ngoại trừ Thanh “máy”.

7H00. Nửa tiếng trước đây chúng tôi bị địch tấn công. Bây giờ tình thế đổi ngược vai trò, và mặc dù không có tăng viện, thậm chí mất tích một đứa em khinh binh không biết số phận ra sao, hỏa lực lại không đầy đủ, trung đội vẫn quay trở lại để tái chiếm vị trí vừa bị địch tràn ngập. Pháo binh từ căn cứ Lee bắt đầu tác xạ dòn dã. Đại úy Vương cho dập thẳng vào phòng tuyến bây giờ là của địch. Mức độ dồn dập rồi lơi dần khi khoảng cách của chúng tôi càng lúc càng gần vị trí cũ. Trên dưới không đầy nửa giờ đồng hồ mà con mồi đã nhanh chóng trở thành thợ săn. Thêm vào đó là tinh thần “đoái công chuộc tội” đã làm cho cả trung đội hăng hái hơn bao giờ hết. Chúng tôi chia hai cánh tiến quân theo hình góc 90 độ. Tôi dẫn khinh binh băng qua bên kia đường, bung hàng ngang trực diện “ốc đảo” còn Thượng sĩ Trữ dẫn Trung sĩ Đặng Tri và tổ đại liên theo hàng dọc cặp sát lộ để từng bước tiến về tuyến của Đặng Tri trước đây. Lúc toán chúng tôi đang di chuyển gần đến ngôi mộ hoang thì có một cánh tay vươn khỏi tầm cỏ tranh sát đường lộ, kèm theo một giọng nói quen thuộc:

-Thạch đây! Thạch đây! Đừng bắn.

Thằng em khinh binh mừng rơi nước mắt khi thấy đồng đội quay trở lại. Vết thương trên đùi trái đủ nặng để Thạch nằm lại rồi ẩn mình cách tuyến của trung đội chỉ vài chục thước. Cỏ tranh ngang bụng và ánh sáng nhá nhem của rạng đông đã che cho Thạch khỏi bị địch phát giác. Nhưng ngôi mộ hoang cũng đã kết liễu sinh mạng của hai thầy trò một C trưởng bộ đội khi họ bám vào đó để quan sát trước khi tràn vào phòng tuyến vốn đã bỏ không của chúng tôi. Quả lựu đạn gài vào phút chót của Qúy “mát” đã hoàn thành tâm niệm “sinh bắc, tử nam” cho hai chiến binh cộng sản. Chiến lợi phẩm đầu tiên lại là một máy truyền tin PRC25 và một mớ tài liệu cá nhân. Không thấy súng cá nhân của gã Đại đội trưởng. Có thể một tên bộ đội nào đó đã quơ nhanh trước khi tràn ngập tuyến của chúng tôi không chừng. Biết địch đã như rắn mất đầu, tôi ra lịnh xung phong vào nơi có hầm hố của trung đội trước đây. Trong khi say khói súng và giữa những tiếng nổ dòn tan, tôi quên mất mình là kẻ vừa tháo chạy trước đó không lâu!

Chúng tôi vừa bắn vùa phóng nhanh về phía trước. Địch chống trả một cách yếu ớt không ngờ. Chỉ sau một hồi cầm cự là đám nón cối bỏ hố rút chạy về hướng suối cạn để vượt qua đường rầy. Thượng sĩ Trữ không bỏ lỡ dịp may, dẫn lính truy kích ngay lập tức. Không có gì đau khổ cho bằng bị nhắm bắn mà cũng không có gì khoái trá hơn khi rượt đuổi một kẻ đã thất thế. Khi nãy tôi thất thần bỏ tuyến. Bây giờ thì đứng thẳng lưng nhắm từng người, từng tấm bia sống mà bắn. Cái thú tánh đó chỉ lắng xuống khi tôi bất chợt nhận ra mình đang nhắm vào một bộ đồ dân sự đang đứng lên, té xuống, khi cố gắng lách chạy giữa đồng trống. Trong khoảnh khắc, tôi chợt nhớ người thiếu niên học sinh trong xã Đức Lương mới mấy tuần trước đây. Màu đồng phục quen thuộc với áo trắng, quần xanh đã khiến tôi hạ khẩu M16 xuống trước khi tìm mấy màu áo ka-ki Nam Định để đưa lên đỉnh đầu ruồi. Bắn kẻ có mang vũ khí. Không bắn dân, dù là dân trong vùng địch!

Chúng tôi rựơt đuổi đến đường rầy xe lửa thì dừng lại theo lệnh của Đại úy Vương. Trận chiến coi như đã kết thúc. Tiếng súng lớn, nhỏ im bặt sau đúng 4 tiếng khuấy động của chiến trận trong một ngày nắng tuyệt đẹp. Cuộc lục soát và thu nhặt chiến lợi phẩm, cũng như gom xác địch quân được thực hiện nhanh chóng. Trung đội hạ được tổng cộng 6 tên cán binh cộng sản, tịch thu 3 AK, 1 súng B40, một máy PRC25, một số đạn dược, lương khô và vật dụng cá nhân, cùng một xấp tài liệu trong đó có quyển sổ tay và giấy tờ liên quan đến gốc gác và đơn vị của gã C Trưởng bộ đội. Bù lại, tổn thất của chúng tôi hầu như không đáng kể: chỉ có 3 người bị thương là Thạch, Trần Văn Phùng và Trung sĩ Đặng Tri.

10H00. Trong khi mọi người tu bổ lại công sự chiến đấu, tôi ngồi thừ người suy nghĩ về những gì vừa xảy ra cho bản thân mình và cả trung đội. Rõ ràng là tôi gặp may mắn, rất may mắn! Nhìn lại chung quanh tuyến, và nhứt là khi gom xác của hai tên đặc công cùng với việc xem xét những vết máu rải dài từ suối cạn về đến tận đường xe lửa, tôi rùng mình khi tưởng tượng cảnh bị đặc công phá tuyến từ phía trước rồi bộ đội chánh quy tấn công từ phía sau. Chắc chắn là toán đặc công của địch đã điều nghiên vị trí của chúng tôi từ nhiều
[ngày] trước, nhưng không ngờ vào phút cuối lại vướng tay sát thủ Qúy “mát”. Theo suy đoán của tôi thì hai trái lựu đạn của Qúy “mát”, kèm theo mấy tràng M60 của Trần Dần đã bẻ gãy dự tính ban đầu của địch, do đó toán đặc công đã phải kéo đồng bọn, chết cũng như bị thương, rút lui lập tức. Có lẽ đám du kích và đặc công đã sợ chúng tôi xin pháo sáng để truy kích nên bỏ luôn kế hoạch phối hợp tác chiến của chúng với lực lượng chính quy không chừng. Đồng thời, sự im lặng hoàn toàn sau khi lựu đạn nổ có thể đã tạo cho cánh quân trên núi Cối lầm tưởng là toán đặc công vẫn an toàn và chúng tôi chỉ bắn hú họa rồi thôi. Cũng có nghĩa là địch thiếu phương tiện liên lạc cho dù đã sử dụng PRC25 lấy được của quân ta trong một trận nào đó, có thể là trận Ba Tơ, vì trên cây viết máy lấy được trong túi áo của tên C Trưởng có khắc hàng chữ: “K8. Đơn vị giải phóng Ba Tơ”. Xui cho hai thầy trò của họ! Định mệnh đã khiến cho chúng tôi khám phá ra ngôi mộ hoang để Qúy “mát” gài quả lựu đạn tại đó vào giây phút cuối. Định mệnh cũng khiến họ chui vào chỗ chết mà tưởng là nép mình vào nơi an toàn để dễ điều quân. Ba trái lựu đạn, 4 xác địch ngay lúc khởi đầu cuộc giao tranh là thành tích cá nhân của anh chàng lúc nào cũng nhe răng cười! Có thể thương vong còn cao hơn nhiều, căn cứ vào vết máu vung vãi trên mặt đất quanh suối cạn và kéo dài đến tận đường xe lửa. Công đầu phải thuộc về vua gài lựu đạn kiêm thiện xạ M79 của tổ đại liên: Hạ sĩ Qúy... “mát”!

-Làm ăn được lắm!

Trung úy Võ Văn Hiền, Đại đội trưởng Đại đội 2 đến bên tôi từ lúc nào không biết. Tôi vắn tắt kể lại diễn tiến trận đánh và không quên kể công của mấy đứa em rồi nói đến sự may mắn của mình, đồng thời cũng không dấu tâm trạng khó chịu và xấu hỗ vì dù sao tôi cũng đã bỏ chạy theo lính. Thấy tôi cứ khổ sở lắc đầu, chắc lưỡi, Trung úy Hiền bật cười, vỗ vai tôi, an ủi:

-Tôi hiểu tâm trạng của chú. Nhưng chỉ “di tản chiến thuật” thôi mà. Không ai nói gì chú đâu. Mà cũng đừng sợ tiếng xì xào. Kệ mẹ dư luận! Tôi chứng kiến từ đầu tới cuối. Đại úy Vương của chú bị tụi nó tấn công. Đại đội của tôi bị cầm chân tại chỗ, sau đó mới phản công truy kích. Còn các nơi khác thì ăn pháo. Mình bị cô lập hoàn toàn nên phải rút ra, nhưng rồi đánh trở lại ngay. Còn muốn gì nữa chứ? Ừ! Thì cứ cho là chạy đi, nhưng mình thắng lớn! Kết quả chung cuộc mới quan trọng. Đừng nản chí nghe!

Tôi thầm cảm ơn người đàn anh tốt bụng nhưng chưa kịp nói lời gì thì Trung úy Hiền nhìn quanh rồi chép miệng, nói một hơi:

-Mẹ kiếp! Chắc là tụi nó định lập công để mừng ngày sinh nhật của thằng già râu chứ gì? Tưởng dễ ăn như hồi 1972 không chừng. Mùa hè năm đó chúng nó dứt đẹp hai ông Quận Trưởng trong một tháng. Cũng một kiểu thí quân như hôm nay. Lần này gặp tụi mình thì tận số là phải thôi! Mình vừa “vớt đẹp” một đơn vị chủ lực tỉnh và trả thù cho Ba Tơ luôn thể. Chính quy đó nghe! Đám K8 lần này ôm đầu máu cũng đáng lắm. Ê! Chú mày hạ được một “Xê Trưởng” thì công trạng không nhỏ đâu!

Nghe khen thì cũng khoái trá thật. Nhưng nhớ lại cảnh bỏ chạy khi chưa có thiệt hại gì đáng kể thì tôi lại cảm thấy xốn xang trong lòng nên chỉ im lặng thừ người. Có đính chánh cũng bằng thừa mặc dù lỗi không phải do mình. Thông cảm được như ông Hiền thì tốt, còn không thì... Thôi cũng đành!

14H00. Họp với ban chỉ huy đại đội và các Trung đội trưởng trên đồi chà-là, ngay tuyến của Trung đội 3. Vương Vũ có lời khen chúng tôi gần giống như những gì Trung úy Hiền đã nói sau khi phân tích những khuyết điểm mà chúng tôi đã vấp phải. Ông không trách tôi, dù một lời, về việc bỏ chạy mặc dù có nói khéo là “... Các anh cần học hỏi nhiều hơn nữa để tránh quyết định sai lầm. Trong quân trường thì còn làm lại cho đúng và chỉ trả giá bằng mồ hôi. Nhưng ngoài mặt trận thì mỗi lần mình làm sai là có đổ máu, và có khi phải trả giá bằng sinh mạng của đồng đội...” Có thể vì ông không muốn làm tôi mất mặt, hoặc lính tráng đã rỉ tai nhau về những việc đã xảy ra với Trung đội 1 của tôi. Cũng có thể Thượng sĩ Trữ, cánh tay mặt của ông đã biết và tường trình mọi chuyện sau khi giúp tôi lấy lại vị trí, nên ông gián tiếp bày tỏ sự thông cảm. Nhưng tôi chạnh lòng và cảm thấy xấu hổ khi Đại úy Vương nhắc lại việc chúng tôi mất liên lạc với ông đến gần 15 phút và cho biết chính ông cũng hoang mang không hiểu mấy bóng người đang chạy về hướng đại đội là bạn hay địch. “... Cũng may là không có sự ngộ nhận nào xảy ra. Thế mới biết: làm gì thì làm, đừng bao giờ để mất máy truyền tin...”

Trước khi tan buổi họp, “Bố Già” có đề cập đến việc Chi Khu Mộ Đức sẽ tổ chức khao quân cho cả tiểu đoàn và cho biết là liên đoàn sẽ chạy huy chương cho những người hữu công, vì có thể nói là Đại đội 3, cùng với sự tiếp tay của Đại đội 2 đã vừa đẩy lui một đơn vị chủ lực tỉnh gồm toàn chính quy của địch với tổn thất có thể gọi là khá nhẹ: 1 chiến sĩ hy sinh là Trung sĩ nhứt Hoàng, Trung đội phó của Vân, cùng với 7 người bị thương, trong đó tính luôn anh bạn “Ti Vi” đang khò khè vì bị miểng bê-ta cứa cổ nhưng vẫn ở lại với trung đội của mình. Bù lại, không kể đến thành tích của cả đại đội thì chỉ ngay tuyến của Trung đội 1, địch đã bỏ lại tổng cộng 6 xác và một số vũ khí, đạn dược, đáng kể nhứt là chiếc PRC25. Ngoại trừ Nguyễn Thanh Vân đang khổ sở vì đau rát nơi cổ, và cá nhân tôi hãy còn ngượng ngùng vì chuyện bỏ tuyến nên đâm ra ít nói, thì những người còn lại đều không dấu niềm vui sau những giờ phút căng thẳng. Về phần tôi thì từ lúc im tiếng súng cho đến giờ, tôi chỉ nghĩ đến vận may của mình và trân trọng khả năng cùng ý chí của những người lính như Thượng sĩ Trữ, như Sơn “chẩu” và Qúy “mát”, cũng như của cả nhóm 5 đứa em khinh binh được trả lại cho trung đội. Tôi cũng không còn để bụng ghim gút những người đã bỏ chạy. Xét cho cùng, họ cũng là con người. Dù sao thì toàn thể trung đội đều có công trạng, đồng thời đã gián tiếp giúp tôi “rửa mặt” để còn ngẩng đầu nhìn mọi người. Tôi thầm cảm ơn họ và ghi nhận món nợ mà tôi sẽ không biết phải đền trả ra sao cho trọn nghĩa chi binh. Tôi cũng thầm cảm ơn Bề Trên đã gìn giữ tôi qua những giây phút “nghẹt thở”, nhứt là khi sờ soạng tìm khẩu Colt 45 bị đá văng khỏi tay và khi phóng chạy giữa tiếng đạn veo véo quanh mình. Trên đường trở lại “ốc đảo” sau khi họp xong, tôi dừng lại bên những ngôi mộ vùi nông thân xác của chiến binh cộng sản mà chạnh lòng nghĩ đến người thân của họ ở bên kia vĩ tuyến. Khi về đến vị trí của trung đội và nhìn mọi người vẫn hồn nhiên cười đùa như không có gì xảy ra trong ngày, thì tôi bỗng dưng cảm thấy mình thật hạnh phúc, thứ hạnh phúc của người lính trận còn lành lặn sống sót sau một cuộc giao tranh, sống để tiếp tục yêu đời, nhứt là để tận hưởng một ngày nắng đang vào hạ nên rất xanh trời như hôm nay.

Huy Văn
(Trích từ NHẬT KÝ HÀNH QUÂN)

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by MN Huỳnh Văn Của chuyển

 

Đăng ngày Thứ Năm, May 17, 2018
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang