Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang
Thi–Văn
Chủ đề:
Thơ Lính
Tác giả:
Trần văn Sơn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Giới thiệu: Người
lính cũng là nhà Thơ Trần văn Sơn (Thi đàn “Đường Trúc Thư Trang”),
đã từng chiến đấu trong hai trận Võ Đắt tháng 12 năm 1974 và tháng
03 năm 1975 – Viết về Lê Phi Ô.
Lê Phi
Ô
“Bể trầm luân theo chúng
lội ra khơi, sáu mươi năm nào giận... nào cười... nào khóc... nào
thương, lăn lóc vở tuồng trên vũ trụ –
Cuộc phiền não
khiến mình qua đủ cửa, ba thước đất hết dại, hết khôn... hết
ngu... hết trí, rõ ràng hạt bụi giữa tang thương”
Hai
câu đối của ông Lê cương Phụng, thân phụ Lê Phi Ô đọc trên giường
bệnh trước khi qua đời để lại cho con cháu, khiến tôi nhớ đến bài
thơ tứ tuyệt của nhà thơ Vũ Hoàng Chương:
Dấu hỏi
vây quanh trọn cuộc đời
Sên bò nát óc máu
thầm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đinh đóng vào săng tiếng trả lời
(Thôi hết băn khoăn –
VHC)
Cuộc đời thăng trầm của nhà báo Lê cương
Phụng và nhà thơ Vũ Hoàng Chương đúng là vở tuồng vũ trụ. Một nhà
thơ, một nhà báo, sống trong bể trầm luân dù muốn hay không cũng
chìm đắm trong cơn lốc lịch sử. Thời mạt pháp, khôn, dại, khóc,
cười... những phiền não dồn dập trong sự thống khổ, tang thương,
những hoài bão biến thành tro bụi nên con người đành phải bất lực,
buông xuôi... chỉ còn:
Ba thước
đất hết dại... hết khôn... và
Đinh đóng vào
săn tiếng trả lời.
Lê Phi Ô thuộc thế hệ sau, nhưng cùng thời
đại nước mất nhà tan. Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Nhật,
chống chủ nghĩa cộng sản. Cha mất sớm, hai mẹ con đùm bọc nhau, theo
bước chân quân hành của ông chú đi khắp bốn vùng chiến thuật.
Lê Phi Ô không nối nghiệp cha ông, viết
văn, làm báo, hoạt động chính trị. Anh chọn con đường khác, tình
nguyện vào quân đội: (Khóa 15 SQTB/Thủ Đức):
Cha mất
sớm hai mẹ con theo Chú
Vũng Tàu – Cần Thơ
– Phan Thiết – Vĩnh Long
Con khôn lớn nguồn
sữa tươi của mẹ
Khổ cực thân cò lặn lội bờ
song
(Mẹ và đời tôi – LPO)
Từ giã thư
sinh đi làm lính trận
Ngăn bước quân thù
bảo vệ quê hương
Nhớ về trường xưa với hàng
hoa Phượng
Sắc đỏ rụng rơi phủ kín sân
trường
Từ dạo quê
hương ngập tràn khói lửa
Súng đạn quân thù
xé nát làng quê
Thầy cũ, bạn xưa lên đường
lánh nạn
Chinh chiến bao năm tôi vẫn chưa
về
(Phượng buồn – LPO)
Ra trường anh tiếp tục học khóa Căn Bản
Tình Báo tại trường Quân Báo “Cây Mai” và về Tiểu khu Phước Tuy,
trung đội trưởng trung đội quyết tử thuộc Phòng Nhì TK. Dấu giày anh
dẫm nát các vùng xôi đậu, truy lùng, diệt địch đem lại an bình cho
dân chúng. Bình Giã, Long Tân, hai địa danh nổi tiếng với những trận
đánh kinh hồn của QLVNCH (1964) và quân đội Úc (1966) với bộ đội
Việt cộng. Và cũng nơi đó, anh đã ngày đêm hành quân, phục kích,
tiêu diêt địch quân. Tổ Quốc – Danh dự – Trách nhiệm, câu châm ngôn
của Trường Bộ binh Thủ Đức đã khắc sâu trong tâm hồn người lính Lê
Phi Ô:
Con vào đời chọn màu áo nhà binh
Chuẩn úy sữa chỉ huy quân quyết tử
Bình Giã
– Ngải Giao – Xuyên mộc – Long Tân
Đột kích
địch an dân vùng khói lửa
(Mẹ và đời tôi – LPO)
Biển Lạc, núi Ông. Những vùng đất núi rừng
trùng điệp thuộc chi khu Tánh Linh, nơi việt cộng mỗi lần thất trận
chạy về ẩn nấp, bổ sung quân số sau những lần bị quân ta hành quân
truy diệt. Cầu Nín Thở, nghe tên đã nín thở, nhìn tận mắt càng nín
thở thêm. Cây cầu nhỏ không móng, trụ cầu và mặt cầu lót bằng cây
rừng xiêu vẹo bắt ngang con suối rộng khoảng mười mét lổn ngổn đá
sỏi. Địch quân lợi dụng địa thế hiểm trở sai vài tên du kích chận
đường thu tiền xe be (xe chở cây), người dân đi làm rừng, hoặc nhận
tiếp tế thuốc men, lương thực của những thành phần ăn cơm quốc gia
thờ ma cộng sản:
Biển–Lạc, núi Ông, cầu Nín Thở
Quân đi quét sạch lũ cuồng điên
Ngờ đâu
chớp mắt tinh cầu vỡ
Quỷ lộng hồn oan dậy
bốn miền
(Tiếng Gọi Việt Nam –
LPO)
Đời lính buồn vui lẫn lộn. Vui khi được
cầm trên tay tấm giấy phép về thăm cha mẹ vợ con. Buồn khi đồng đội
tử trận. Người lính Địa Phương Quân thiệt thòi đủ thứ. Trang bị vũ
khí không đầy đủ, phương tiện yểm trợ, tiếp tế thiếu thốn nhưng vẫn
anh dũng chiến đấu bảo vệ an ninh làng xã. Nhà là đồn bót. Phòng ngủ
là lô–cốt, hầm ngầm, giao thông hào. Đêm phục kích, ngày hành quân
truy diệt quân thù. Vợ con đến thăm ăn ngủ trong đồn, có khi cùng
chồng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Vậy mà họ hình như bị lãng
quên, ít người để ý, không được nhắc nhở trên báo chí, phát thanh,
truyền hình như các binh chủng Biệt Động Quân – Thủy Quân Lục Chiến
– Nhảy Dù.
Trong
đồn sĩ quan và binh sĩ sống hòa đồng như một đại gia đình. Tết đến,
anh em mỗi người một tay, gỡ thùng đạn pháo binh đóng thành bàn thờ,
vỏ đạn 105ly làm bình hoa, lương khô thay bánh mứt... dâng lên cúng
Ông Bà Tổ Tiên. Không khí trang nghiêm, đầy ắp tình người làm ấm
lòng người lính xa nhà:
Tết tiền
đồn lương khô thay bánh mứt
Bàn thờ cha
bằng thùng đạn pháo binh
Bình vỏ đạn cắm
đầy hoa cỏ dại
Tấm lòng con trong thời buổi
đao binh.
Đêm ba
mươi mượn vài chung nước lã
Thay trà thơm
chờ đón phút giao mùa
Nơi quê nhà một mình
ai tựa cửa
Thương quá mẹ già ngóng đợi con
xa.
Đón giao thừa
quây quần trong lô–cốt
Rượu bi–đông uống
cạn lãng quên đời
Tiếp tế trễ chuyền tay
từng điếu thuốc
Chúc mừng nhau năm mới ấm
tình người.
(Tết
tiền đồn – LPO)
Chúng ta cần phải vinh danh những người
dân và người vợ lính VNCH. Người dân ở những vùng xôi đậu thường thu
thập tin tức VC rồi mật báo cho chánh quyền địa phương hay các đơn
vị quân đội gần nhất biết để có biện pháp diệt địch. Họ chấp nhận hy
sinh vì chính nghĩa quốc gia dù biết khi VC phát giác sẽ bị ám sát,
thủ tiêu. Hầu hết những đơn vị địa phương quân, vợ con sống cùng
chồng trong đồn. Khi CS tấn công, người vợ tiếp tế đạn dược cho
chồng, chồng tử trận thay chồng chiến đấu như một người lính cho đến
hơi thở cuối cùng:
“Trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam trước
họa xăm lăng của cộng sản phương Bắc, Quân lực VNCH đã có biết bao
anh hùng liệt nữ vị quốc vong thân. Bên cạnh đó có những sự hy sinh
không kém hào hùng ít được nhắc đến, tôi muốn nói đến những người
lính không có số quân: VỢ LÍNH.”
“Trên đường trở lại BCH/Tiểu đoàn, thoáng
thấy một bóng người nép vội vào gốc cây xoài bên hông văn phòng Quận
cách tôi khoảng 10 thước, dáng dấp khả nghi không giống như lính.
Tôi ra dấu cho Thượng sĩ Hường cùng một anh lính nép vào tường sẵn
sàng yểm trợ, tôi và anh cận vệ còn lại bò về hướng cây xoài có kẻ
khả nghi. Bóng người lạ xê dịch như muốn chạy, cả hai chúng tôi
hướng súng sẵn sàng bóp cò. Bỗng một quả chiếu sáng tay bừng sáng
trên trời soi rõ bóng người lạ chỉ còn cách tôi khoảng 3 thước,
không có súng và hình như đàn bà. ‘Nữ đặc công VC?’ Vừa thoáng nghĩ
trong đầu thì anh cận vệ của tôi đã nhảy chồm lên tên đặc công, còn
súng của tôi thì kê sát vào lưng hắn sẵn sàng bắn, anh cận vệ la
lên:
‘mày hả?’.
Anh ta quay lại tôi nói nhỏ: ‘Con bé Hạ,
ông thầy ơi!’,
Tôi quát khẽ: ‘Mầy làm gì ở
đây?!’
– Cô bé
mặt còn nguyên nét sợ hãi: ‘Dạ em... dạ em...!’.
Vài quả đạn pháo nổ quá gần, chúng tôi
chạy ùa vào lô–cốt kế cận, tôi hỏi lại: ‘Mầy làm gì ở đây?’,
Thượng sĩ Hường nói: ‘Mấy bữa nay, nó thay
thằng Xuân đi tiếp đạn cho anh em’,
Tôi nói như trách cứ Th/sĩ Hường: ‘Mấy bữa
nay?! Thằng Xuân đâu mà nó phải đi tiếp đạn?’
– ‘Dạ, thằng Xuân anh của nó... chết rồi!’”
Tôi hụt hẫng, cổ họng có cái gì nghèn
nghẹn! Ông già Thu, ba của con bé Hạ, một nông dân hiền lành sống
với ruộng rẫy, thằng Đông con lớn của ông đi lính rồi tử trận ngoài
miền trung, từ đó mỗi khi đi làm rẫy nhận được tin tức gì của VC ông
đều bí mật báo với chính quyền, bọn cơ sở nằm vùng của VC biết được
đã chặt đầu ông ngoài rẫy với bản án để răn đe. Thằng Xuân là lính
của Tiểu đoàn tôi... con bé không dám ở nhà một mình nên vào đồn
sống với anh của nó... bây giờ thằng Xuân chết rồi, nó sẽ sống với
ai?!
– Tôi nói
thật khẽ với Th/sĩ Hường như nói với chính tôi: “Bố Hường, tạm thời
Bố nuôi con Hạ giùm tôi... để khi nào yên tôi sẽ tính sau!”. Tôi
quay về hầm chỉ huy dưới làn mưa pháo của địch.
Tôi gọi 2 đại đội của tôi bên ngoài thì
Đại đội 1 của Đại úy Trương–Kiêm tan hàng trong đêm mất hẳn liên
lạc, Đại đội 2 của Trung úy Thời thì còn lại hơn 40 người, Đại đội
512 Trinh sát của Trung úy Đường vừa lui lại khu vực chợ cách BCH
Chi khu không xa vì áp lực địch quá mạnh, ngay trưa hôm đó Trung úy
Đường tử thương và Trinh sát tan hàng. Bây giờ thì không riêng gì
con bé Hạ mà cả các chị vợ và con lính cũng được cấp phát súng đạn.
Vợ Trung sĩ Hảo là cô đỡ (Bà Mụ ở nông thôn) trở thành y tá của Tiểu
đoàn, hai tay chị đầy máu, một thương binh cánh tay trái chưa đứt
lìa hẳn đã bốc mùi thối phải cắt bỏ, không còn thuốc Tê, với lưỡi
dao cạo râu chị cố lấy bình tĩnh cắt bỏ cánh tay, anh thương binh
cắn răng chịu với hai hàng nước mắt chảy liên tục vì quá đau đớn!
Tôi cố gắng an ủi từng người, anh tài xế của tôi bị gãy chân trái vì
đạn pháo, thấy tôi anh ấy khóc. Tôi cố an ủi, bảo rằng vết thương
của anh không đến đỗi cưa chân đâu, anh ấy nói trong nước mắt:
“không phải em sợ cưa chân đâu, nếu được tải thương coi như chắc
chắn được sống... ông thầy còn kẹt lại, em thương cho ông thầy quá!”
anh ấy nghẹn lời không nói được, anh ấy đâu biết rằng tôi còn nghẹn
hơn anh ấy nữa! Tình Huynh Đệ chi binh như thế đó, lúc nguy nan chỉ
nghĩ đến người khác mà quên nghĩ đến chính mình, (sau ngày tôi ra
tù, anh ấy hay tin, từ Sài Gòn với đôi nạng gỗ và một chân... lặn
lội xuống Bà Rịa thăm tôi).
Con bé Hạ đầu quấn khăn tang cho anh nó
bằng cuộn băng vải trắng, mặc áo trận, vai mang súng M16, người nó
trông cứng cỏi như một người lính thực thụ, mới 16 tuổi mà trông như
30–40 tuổi. Một tiểu đội nữ binh mới được bổ sung đặt dưới quyền chỉ
huy của Thượng sĩ Hường, tiểu đội trưởng là vợ của Trung sĩ nhất
Man–Ngui (người Thượng).
(Hồi ký chiến trường. Chiến sĩ vô danh – LPO)
(chuẩn bị tấn công tái
chiếm đồi Bảo Đại)
Có còn nhớ không niên trưởng Lê Phi Ô? Sau
những lần hành quân, về hậu cứ thay vội bộ quần áo bê bết bùn lầy,
chúng ta hẹn gặp nhau ở một nơi nào đó, có thể là quán bà Tư Cứ... ở
Tánh Linh, quán Ông Tư Bình Dương, quán cô Rạng... ở Võ Đắt, quán
Mây của cô Nhường... ở La–gi. Hay ở nhà những người dân thương lính,
mời lính ghé chơi như nhà ông Thọ thuốc bắc, ông Tám Hà tiệm vàng,
ông Tư Lê thư ký quận. Một vài chai bia, vài xị rượu đế, cười nói
huyên thuyên cũng đủ lãng quên đời. Nguyễn Bắc Sơn trong tập “Chiến
Tranh Và Tôi” có những câu thơ diễn tả đúng tâm trạng người lính
chiến đấu:
Mai ngày đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi
buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một
ngày vui.
Đời lính sống nay chết mai, vui được chút
nào cứ vui, không cần ngày mai... mặc kệ. Đơn vị không đóng quân cố
định mà phải di chuyển để tránh nội tuyến hoặc những cặp mắt cú vọ
của những tên CS nằm vùng. Và ở những nơi đèo heo hút gió đó, người
lính không tránh khỏi sự rung động trước nhan sắc của các cô thôn nữ
mộc mạc, dễ thương:
Xin em yêu
dấu bờ môi,
Nụ hôn mật ngọt ấm đời mai sau.
Xin em đôi mắt bồ câu,
Dạt dào yêu mến quên
sầu thế nhân.
Xin em mái tóc hương trầm,
Nồng nàn tha thiết trăm năm vuông tròn.
Xin
em dáng liễu eo thon,
Bờ vai Ngọc nữ nét
son ngọc ngà.
Xin em một chỗ sân ga,
Tàu anh cặp bến chung nhà, chung chăn.
Xin
em một nửa vầng trăng,
Nửa vầng thương nhớ
ôm hằng hà sao.
Xin em... trao trọn đời
nhau,
Xa xôi lòng mở đường vào ái ân.
Xin em và xin em thêm,
Kiếp này, muôn kiếp
vẫn thèm... YÊU EM!
(Xin em – LPO)
Lê Phi Ô không nhận mình là nhà thơ, nhà
văn. Anh thuần túy chỉ là người lính kể chuyện bằng chữ viết sự thật
về cuộc đời chính mình và những trận đánh anh đã từng tham dự. Lời
thơ lời văn và cách dùng chữ rất bình dị, mộc mạc nên dễ đi sâu vào
lòng người đọc. Đối đầu với địch quân dù quân số ít hơn rất nhiều
lần, anh vẫn hiên ngang chỉ huy binh sĩ đẩy lui những đợt tấn công
biển người của cộng quân. Bọn cuồng điên sinh Bắc tử Nam mù quáng
nghe theo lời tuyên truyền của giới chóp bu cộng sản quốc tế lao đầu
vào lò lửa chiến tranh. Tên văn nô Tố Hữu làm những câu thơ khát
máu, nịnh bợ quan thầy CS:
Giết, giết nữa, bàn
tay không ngưng nghỉ
Cho ruộng đồng lúa
tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng
rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ
Sít–ta–lin bất diệt.
Lê Duẫn, tên đầu sỏ cộng sản VN đã từng
tuyên bố: Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô – Trung quốc. Câu nói bán
nước này được bọn CS đàn em ghi trên tấm bảng gắn trước cổng vào đền
thờ tên súc sinh Lê Duẫn. Để rồi năm 1979, đàn anh Trung Cộng trả ơn
bằng cách xua hàng vạn quân tàn sát hàng chục ngàn dân chúng tại năm
tỉnh miền bắc, biên giới Việt–Trung.
Ta từng có
một thời làm lính trận
Súng đạn, ba–lô trĩu
nặng đôi vai
Tuổi đôi mươi sá gì đời sương
gió
Mộng sông hồ cho thỏa chí làm trai
Chắc tay súng nơi tuyến đầu lửa đạn
Ngăn bước thù gieo tang tóc đau thương
Cho
quê hương nhà nhà vang tiếng hát
Cho mẹ
già, em gái bớt lệ vương.
Rồi từ đấy đi vào miền gió cát
Mảnh chinh y thấm máu bạn, máu thù
Có những
lúc dừng quân nơi lũng thấp
Tiễn bạn mình
vào chốn nghỉ thiên thu!
(Một đời lính trận –
LPO)
MÙA HÈ ĐỎ LỬA, bút ký chiến trường của nhà
văn Phan nhật Nam là một thiên anh hùng ca bất tử viết về tinh thần
chiến đấu bền bỉ, can trường và anh dũng của người chiến sĩ VNCH.
Mặt trận Bình Long–An Lộc, bắc quân mỗi ngày trút hàng ngàn đạn
pháo, hàng trăm xe tăng gầm rú suốt ngày đêm, cùng với những đợt tấn
công biển người dồn dập tưởng như đã cày nát, hủy diệt mọi sinh vật
trên mặt đất. Nhưng không, tất cả còn đó, vạn vật hồi sinh như có
một sự mầu nhiệm, đất còn người còn, Bình Long–An Lộc vẫn vùng lên
sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt. Mặt trận Võ Đắt – Hoài Đức tuy ở
tầm vóc nhỏ hơn nhưng sự ác liệt, tàn khốc và khủng khiếp như nhau.
Vẫn hàng trăm đạn pháo mỗi ngày, vẫn tiền pháo hậu xung, vẫn tấn
công biển người ròng rã suốt ba mươi ba ngày đêm, địch quân vẫn
không chiếm được một tấc đất nào trong quận lỵ nhỏ bé không đầy một
cây số vuông.
Tao dắt Tiểu đoàn qua suối chết
Đuổi giặc chạy dài tận sân bay
Địch đón tao
một trung đoàn pháo
Xé Tiểu đoàn rách nát
làm hai.
Trước
mặt tao trung đoàn Quyết Thắng
Sau lưng tao
trung đoàn Sông mao
Xác bạn, xác thù thây
chất đống
Thịt da người tan tác binh đao
(Một đời lính trận –
LPO)
Tôi đã trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Võ
Đắt – Hoài Đức bên cạnh Lê Phi Ô nên hiểu biết đôi chút về trận
chiến này. Ngày 25/12/1974 quận Tánh Linh thất thủ, địch chia quân
làm hai cánh tấn công cùng một lúc Võ Xu – Võ Đắt. Đêm đêm nằm trong
giao thông hào thấy từng đoàn xe địch chuyển quân từ Tánh Linh qua
Hoài Đức, mở đèn sáng rực như chỗ không người mà lòng quặn đau.
Không phi cơ, không pháo binh yểm trợ, quân số không đầy một trăm
người kể cả lực lượng bán quân sự thì làm sao tử thủ đây. Tôi chỉ
huy các lực lượng gồm Xây Dựng Nông Thôn, Nhân Dân Tự Vệ, Cảnh Sát.
Trung úy Trương Minh Tâm chỉ huy Nghĩa Quân. Một đại đội ĐPQ đóng
tại kho lúa xã đã rút về phòng thủ chi khu Hoài Đức. Võ Xu, một xã
nhỏ, dân số vài ngàn người, thế mà phải hứng chịu hàng trăm đạn pháo
mỗi ngày phá nát nhà cửa, hầm hố, công sự phòng thủ. Dân chúng di
tản ra đồng ruộng sống chung với CS. Không pháo binh yểm trợ, không
trực thăng tải thương, không tiếp tế đạn dược. Lính bị thương băng
bó. Lính tử thương chôn tại chỗ. Chúng tôi sống trong giao thông hào
kiên trì chiến đấu, tiết kiệm từng viên đạn suốt ba mươi ngày đêm
chờ viện quân. Ngày 20/3/1975 Võ Đắt thất thủ, còn lại Võ Xu bơ vơ
giữa rừng núi bạt ngàn là miếng mồi ngon cho CS. Không còn sự chọn
lựa nào ngoài việc rút quân. Chúng tôi phải gồng gánh thêm người dân
chạy giặc, băng rừng vượt Biển Lạc, gặp chốt phá chốt, xuyên thẳng
vào mật khu CS, mở đường máu tìm cái chết trong cái sống, và cuối
cùng tôi đã về đến Bình Tuy. Tôi đã sống. Thật sự tôi đã sống. Nhìn
quanh anh em không còn được mấy người, lớp mất tích, lớp tử thương.
Trung úy Trương Minh Tâm đi một cánh quân khác đụng trận bị bắt làm
tù binh.
Sau khi
định cư tại Mỹ, gặp lại đồng đội một thời sống chết với mình, nhớ
lại chiến trường xưa, tôi làm bài thơ nói về cuộc lui binh tại mặt
trận Võ Đắt – Hoài Đức:
LUI
BINH HÀNH
(Tặng hai vị Tiểu đoàn trưởng
của tôi: Lê Phi Ô và fLê Hùng)
Lui binh lui binh hề lui binh
Tướng giỏi nghiến răng nén bất bình
Chiến
trận bao năm chưa chiến bại
Một ngày buông
súng quỷ thần kinh
Ghìm súng đêm đen đồi Bảo Đại
Quân đi ngậm thẻ nuốt hờn căm
Hoài Đức pháo
rơi như đậu vãi
Về đâu quốc lộ một mù tăm
Băng rừng vượt chốt mở đường máu
Tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
Bi–đông cạn
nước tay lựu đạn
Máu trộn mồ hôi lẫn xác
người
Sông núi
rùng mình Biển Lạc khóc
Ba–lô nón sắt vững
lòng dân
Hình vợ thẻ bài đeo trước ngực
Lăng Quăng cầu gãy lính chồn chân
La Ngà, Gia Huynh địch vây khổn
Tánh Linh tràn ngập bầy kên kên
Quan nghinh
đầu súng lính đoạn hậu
Sống chết trời cho
súng nổ rền
Vợ
trẻ chờ chồng con chờ cha
Giặc ruồng thôn
xóm nát tan nhà
Võ Xu, Chính Đức rồi Võ Đắt
Về đâu La–gi xa thật xa
Người lính can trường vuốt mắt bạn
Cắn nát môi nuốt lệ rưng rưng
Hỡi ơi chiến
trận anh hùng tận
Vùi thây đánh dấu gốc
bằng lăng
Đêm sao
Bắc Đẩu soi mắt thần
Mỗi bước chân mìn bẫy
giăng ngầm
Suối Kiết, Láng Gòn, Tân Long
bến
Hải đội đâu mà biển lặng câm
Tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
Mất tích thương vong lính tả tơi
Tận nhân
lực anh hùng mạt vận
Xuôi đời theo vận nước
nổi trôi
Lui binh
lui binh hề lui binh
Tướng giỏi nghiến răng
nén bất bình
Trăm trận ra quân trăm trận
thắng
Tháng tư bẻ súng đất trời kinh.
Hãy nghe Tiểu đoàn trưởng Lê Phi Ô kể về
trận chiến ba mươi ba ngày đêm tử thủ tại Võ Đắt, một tiểu đoàn gồng
mình chiến đấu với một sư đoàn Bắc quân:
“Đúng
02:00 giờ sáng ngày 09 tháng 12 năm 1974, Lính vừa đổi phiên gác thì
một ánh chớp cùng tiếng nổ long trời phát ra tại hàng rào hướng tây
của Chi khu, nơi tuyến phòng thủ của một trung đội thuộc đại đội chỉ
huy, một trung đội của Đại đội 3 và tiểu đội thám báo Tiểu đoàn.
Khói lửa, cát bụi mịt mùng, đặc công việt cộng đã chui vào hàng rào
phòng thủ đặt chất nổ phá hủy nhiều lớp kẽm gai. Lập tức, tổ thám
báo của Tiểu đoàn tung nhiều quả lựu đạn vào vùng khói lửa nơi vừa
xảy ra tiếng nổ để ngăn chận bọn đặc công cảm tử địch xông vào.
Trong ánh chớp kèm tiếng nổ của lựu đạn, bóng vài tên VC chạy ngược
trở ra nhưng đã bị khẩu đại liên trên vọng gác đốn ngã. Những trái
sáng tay và của súng cối 81ly được phóng lên sáng rực bầu trời, tôi
gọi Trung úy Lưu–đức–Thắng (khóa 24/VBĐL) Đại đội trưởng ĐĐ3 cẩn
thận mặt Bắc, nơi có một ngôi chùa nhỏ sát cạnh hàng rào phòng
thủ... đây là đường tiến sát rất thuận lợi cho VC vì bọn chúng biết
lính không bao giờ dám mang súng đạn vào gần chùa dù chỉ để phục
kích đêm. Trung úy Thắng báo đã bắn hạ hai 2 tên địch ngay khi chúng
vào tới hàng rào phòng thủ trong cùng... mười phút sau, Thắng cho
biết hàng rào đã bị cắt đứt nhiều chỗ, lập tức tôi lịnh cho Trung úy
Thời Đại đội trưởng Đại đội 2 đang bố trí quân tại trại cưa bên
ngoài Chi khu về hướng đông cách Chi khu 500 thước đưa ngay một
trung đội vào chiếm giữ ngôi chùa nhỏ, trung đội này chạm súng nhẹ
và địch bỏ chạy, đây chỉ là tổ cảnh giác của địch. Đây không phải là
trận đánh đơn thuần của đơn vị đặc công địch, vì đặc công chỉ lẻn
vào âm thầm chứ không phá hàng rào nhiều chỗ như vậy, bọn chúng đang
chuẩn bị chiến trường cho những đơn vị lớn hơn.
Đúng như tin tức MẬT từ Bộ Tổng tham mưu
cho biết trước: VC mở chiến dịch ‘Tánh Linh Hoài Đức’ để đánh chiếm
hai Chi khu này theo chiến thuật mà chúng gọi là ‘Bóc vỏ’ trước khi
tiến đánh thị xã Xuân Lộc, nếu không thành công thì ít ra bọn chúng
cũng cầm chân được một số lớn đơn vị của ta để dễ bề đánh chiếm tỉnh
Phước Long. Trước đây một tuần, vì áp lực địch quá nặng nên Quân khu
3 đã tăng cường Liên đoàn 7/BĐQ cho Chi khu Hoài Đức, Đơn vị BĐQ này
đóng quân tại khu vực Gia Huynh nằm trên Tỉnh lộ 333 về hướng nam và
cách Bộ chỉ huy Chi khu 10 cây số. Đồng thời Bộ chỉ huy Tiểu khu ra
lịnh cho Tiểu đoàn 344/ĐP (344/Địa Phương) của tôi rút bỏ xã Võ Xu
và các ấp nằm dọc Tỉnh lộ 335 về phòng thủ duy nhất cứ điểm Chi khu
và xã Võ Đắt, tiểu đoàn được tăng cường thêm Đại đội 512/TS (Trinh
sát). Quận Hoài Đức là quận xa nhất của Tỉnh Bình Tuy, cách Tỉnh lỵ
80 cây số đường chim bay. Xung quanh quận lỵ là rừng cây bạt ngàn,
phía đông bắc giáp với Tỉnh Lâm Đồng toàn núi rừng của chặng cuối
dãy Trường Sơn thuận lợi cho việc che dấu và tiến sát các đơn vị lớn
VC mà máy bay quan sát khó phát hiện... những cuộc hành quân lục
soát đã khám phá nhiều dấu vết địch cấp trung đoàn. Tôi cho vài
người lính Thượng (sắc tộc Man) giả dạng dân làm rừng xâm nhập những
vùng nghi ngờ có địch để thám sát nhưng những người lính này ra đi
không về! Những cuộc chuyển quân của Ta và Địch làm cho người dân
đoán biết được tình hình rất nghiêm trọng nên gồng gánh ra đi bằng
nhiều phương tiện khác nhau.
Đêm 25 tháng 12 năm 1974, Chi khu Tánh
Linh cách Hoài Đức 15 cây số về hướng đông nam thất thủ sau hai tuần
lễ kháng cự. Chi khu Hoài Đức suốt tuần nay bị địch pháo bằng hỏa
tiễn 107ly và cối 82ly trung bình 500 quả một ngày. Sau khi Tánh
Linh thất thủ, bọn VC dồn cả lực lượng cấp Sư đoàn tấn công LĐ7/BĐQ
và Chi khu Hoài Đức do Tiểu đoàn tôi tử thủ với quân số còn lại
khoảng hơn 200 người. Trước trận đánh, vì Bình Tuy không đủ quân số
nên xin tăng cường 2 Tiểu đoàn ĐPQ, Quân đoàn 3 chỉ tăng cường một
Tiểu đoàn ĐPQ cho Chi khu Tánh Linh từ Long An đến (TĐ335/ĐP) còn
tiểu đoàn của tôi thì bổ sung quân số lên đến hơn 500 người lấy từ
các Tiểu đoàn khác trong Tiểu khu. Xác chết VC vì không ai chôn nên
đã bốc mùi, xác lính thì chôn tạm, phủ poncho. Thương binh còn kẹt
lại khoảng 50 người vừa nặng vừa nhẹ vì trực thăng vào vùng không
được do phòng không VC dày đặc và nhiều chuyến phải quay đầu lại vì
phải ưu tiên cho mặt trận Phước Long. Liên đoàn 7/BĐQ triệt thoái
khỏi Hoài Đức... như thế với Tiểu đoàn ĐPQ của tôi còn lại hơn 200
người bị Sư đoàn 6 tân lập VC, Trung đoàn 812 Sông Mao và 4 Tiểu
đoàn đặc công 18, 19, 20 và 200C bao vây tấn công ngày đêm (VC từ 6
đến 8 ngàn quân, tham khảo tài liệu của Dr. Nguyễn đức Phương, tác
giả ‘Chiến tranh VN toàn tập’). Thượng cấp cho tôi toàn quyền quyết
định đi hay ở, tôi đã cho thăm dò nhiều lần con đường rút nhưng
không thể thực hiện được. Nếu lính tráng thì được còn vợ con họ thì
sao? Và thương binh nữa? Chúng tôi quyết định tử thủ.”
(Hồi ký chiến trường
– Chiến sĩ vô danh –LPO)
Mười hai
năm con vào sinh ra tử
Nay Hàm Tâm mai Hoài
Đức, Tánh Linh
Mẹ ở tiền đồn nuôi bầy cháu
nội
Đêm từng đêm mẹ cầu nguyện âm thầm
Võ Đắt, ba mươi ba ngày tử thủ
Xác anh em trộn lẫn xác kẻ thù
Mở đường máu
băng rừng về quốc lộ
Chưa kịp đoàn viên bị
bắt vào tù
(Mẹ và đời tôi – LPO)
Quận Hoài Đức thất thủ ngày 20/3/1975.
Tỉnh Bình Tuy thất thủ ngày 24/4/1975. Tiểu đoàn 344/ĐP của Lê Phi Ô
đã trải qua những trận đánh khốc liệt nên thiệt hại quân số rất
nhiều, từ ba mươi ba ngày tử thủ tại Võ Đắt cho đến lui binh về trấn
thủ phòng tuyến Bình Tuy, tiểu đoàn năm trăm quân còn lại một ông
thầy và hai đệ tử, vượt suối băng rừng về Vũng Tàu:
“Ngày
22/4/1975 Trinh sát chạm địch tại ấp Láng Gòn cách Bộ chỉ huy Tiểu
khu hơn 4 cây số từ hướng Quốc lộ I đi vào, Việt cộng có tất cả 24
xe tăng với Quân số Bộ binh cấp Sư Đoàn đang tiến vào tỉnh lỵ Bình
Tuy (cánh quân này thuộc Quân đoàn số 5 VC, tôi đọc được trên báo
Nhân Dân khi bị VC giam ở Chí Hòa). Trinh sát lui dần đến cầu Láng
Gòn và chận được đơn vị tiền phương của VC tại đây. Toán Mìn của
Trinh sát cho gài mìn giựt sập cầu Láng Gòn để ngăn chận Tank. Suốt
ngày 23/04/1975 những đơn vị tiền phương VC không thể nào vượt qua
được Đại đội 512 và ĐĐ513/Trinh sát tại cầu Láng Gòn, vì là mùa nắng
nên sông Láng Gòn có chỗ cạn không có nước do đó bọn việt cộng đã
tìm được chỗ hai bên bờ thoai thoải dốc để Tanks của bọn chúng vượt
qua. Bình Tuy không đủ quân số và hỏa lực để ngăn cản đà tiến quân
của cộng sản Bắc Việt.
Lúc 6 giờ chiều VC bắt đầu pháo vào Tiểu
khu, trung tâm Yểm trợ Tiếp vận, Căn cứ pháo binh nơi đặt
BCH/TĐ344/ĐP và sau đó là khắp mọi nơi trong tỉnh lỵ kể cả khu dân
cư. Một trận địa pháo khủng khiếp không thua gì ở An Lộc năm 1972...
cả tỉnh lỵ biến thành một biển lửa. Đến 8 giờ tối 12 chiếc xe Tăng
T54 với tùng thiết và cả một Trung đoàn bộ binh theo sau tiến vào
Phi trường nơi tuyến của tôi (TĐ344/ĐP). Chúng tôi không có vũ khí
chống Tank, đại bác 57ly hết đạn chưa được bồi hoàn, chỉ có 6 khẩu
M72 nhưng khi kéo ống phóng thì 3 khẩu bị đứt ‘giây kích hỏa’ nên
không xử dụng được, hai khẩu bắn trúng Tank nhưng chỉ trượt pháo
tháp, chúng chỉ khựng lại rồi tiếp tục tiến tới với hỏa lực tối đa.
Chúng tôi không ngán Tank nhưng vì bộ binh của chúng quá đông nên
tuyến đầu bị bể phải lui về tuyến sau, xe Tanks VC rượt theo hết tốc
lực và cán lên cả tuyến sau. Chúng tôi xử dụng lựu đạn để ngăn bộ
binh địch trong tình thế tuyệt vọng!
Gần một giờ quần thảo với Tanks, với hằng
ngàn bộ binh địch... chúng tôi chỉ M16 với hai hoả lực đạn, hai khẩu
pháo 105ly của ta đã bị T54 khống chế, trận chiến bất cân xứng nhưng
vì kỷ luật quân đội, vì danh dự của người lính VNCH chúng tôi phải
chiến đấu cho dù sự thất bại khó tránh khỏi. Kết quả bi thảm đến với
chúng tôi: Đại đội chỉ huy tan rã, Bộ chỉ huy Tiểu đoàn gồm có tôi,
các trưởng ban và một số anh em cận vệ tất cả 12 người chỉ còn sống
sót 3 người, những người may mắn đó là tôi (người viết) một anh
truyền tin và một anh cận vệ nhờ vào những rãnh sâu do nước mưa xói
mòn chúng tôi nằm dưới rãnh khi xe Tăng (Tanks) cán qua.
Bọn việt cộng dã man hơn cả súc vật, những
người bị thương đều bị bọn chúng bắn bồi hoặc cho Tank cán qua
người, các đại đội khác của Tiểu đoàn cũng tan hàng với sức tiến vũ
bão của T54 và bộ binh địch cấp Trung đoàn (trong thời điểm này mỗi
Tiểu đoàn của chúng tôi quân số chỉ còn lại 2/3 vì chưa có phương
tiện vận chuyển tân binh bổ sung từ Sài Gòn, một số binh sĩ đào ngũ
để lo cho gia đình, v.v.). Tiểu đoàn 341/ĐP của Tiểu đoàn trưởng Lê
Hùng cũng cùng chung số phận như TĐ của tôi. Tiếp theo và ngay trên
đường nhựa cả đoàn xe hơn 20 chiếc đủ loại chở đầy lính VC và cả
chục chiếc T54 chạy thẳng vào tỉnh lỵ. Cả Tiểu đoàn 344/ĐP hơn 300
người (vì chưa được bổ sung) bị Tanks địch xé nát từng mảnh, cả Đại
đội chỉ huy và Bộ chỉ huy Tiểu đoàn giờ đây chỉ còn 3 người, cả 3
anh em chúng tôi băng mình vào trại cưa gần đó, một chiếc T54 rượt
theo ủi sập hàng rào nhưng nhờ những cây súc rất to nên T54 khựng
lại không tiến lên được. Dưới hỏa lực của T54 và bọn tùng thiết bắn
như mưa, anh em chúng tôi lao mình trong đêm tối về hướng bìa rừng
cách đó 500m, tai nghe văng vẳng bọn việt cộng la hét lẫn trong
tiếng súng, khói lửa mịt mùng bao trùm cả bầu trời tỉnh lỵ Bình Tuy.
Khi vào đến bìa rừng nơi tương đối an
toàn, tôi cố gắng liên lạc Trung tâm hành quân, các đơn vị bạn nhưng
tất cả đều không có tiếng trả lời, quay nhìn về hướng BCH/Tiểu
khu... anh em chúng tôi đứng nghiêm đưa tay chào vĩnh biệt trong
nước mắt, sau đó súng cầm tay hướng về phía Vũng Tàu, chúng tôi lầm
lũi trong đêm tối mịt mùng! Đó là lúc 3 giờ sáng ngày 24 tháng 04
năm 1975.”
(Hồi ký chiến trường: Bình Tuy, những ngày cuối cùng)
(Lê Phi Ô – San Jose,
Cali. 2016)
Tôi và Lê Phi Ô bị bắt tại Vũng Tàu trước
ngày tổng thống Dương văn Minh đầu hàng. Chúng nó còng tay đưa chúng
tôi đến Rạch Dừa, Long Khánh, rồi mỗi người một nơi. Tôi bị chuyển
qua các trại Tân Hiệp – Biên Hòa, Gia Rai – Long Khánh. Năm 1977
chúng lùa chúng tôi xuống tàu Sông Hương ra Bắc tống vào trại tù Nam
Hà. Lê Phi Ô bị cùm kẹp, tra tấn, biệt giam tại khám Chí Hòa, trại
tù Suối Máu, cuối cùng là trại trừng giới A20 Xuân Phước.
Ký Giả “Người Xứ Nghệ” phác thảo một vài
nét về trại giam này: “Trại Trừng
Giới A20 nằm ở thung lũng Xuân Phước, một thung lũng tử thần, vào
rồi khó có đường ra. Muốn vào tới đây, người ta phải vượt qua 60 cây
số đường rừng. Nếp sống của tù nhân là cả một địa ngục trần gian, ăn
đói, làm việc khổ sai, bệnh không có thuốc, ít được gặp gia đình.
Bọn CS trại giam cài vào hệ thống ăng–ten dày đặc. Cán bộ an ninh
trại giam thường áp dụng chiến thuật ‘ra tay trước’, nghĩa là một
người tù chỉ được báo cáo: ‘không an tâm cải tạo’ sẽ phải nằm trong
chuồng cọp hàng năm trời, bị cắt thực phẩm, bị cắt nước uống. Linh
Mục Nguyễn văn Vàng (Dòng Chúa cứu Thế). Ngài bị bắt khi tham gia
vào một tổ chức Phục Quốc, bị kết án chung thân và bị chuyển về trại
giam A20. Ngài chết sau 3 năm bị cùm ở chuồng cọp, toàn thể người
Ngài bị ghẻ lở, kể cả gương mặt, chỉ chừa đôi mắt. Linh Mục Nguyễn
Luân, người tù bất khuất đã dám viết hàng chữ: Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam – không có độc lập – không có tự do – không có hạnh
phúc trên mọi tờ khai lý lịch. Trước khi bị hành hạ, tra tấn suốt ba
năm trong chuồng cọp cho đến chết, ngài nói với những người cùng
cảnh ngộ: ‘Tôi muốn chỉ là viên gạch lót đường cho những cuộc đấu
tranh sau này’”.
(Người lính địa
phương quân – Lê phi Ô – Người xứ Nghệ).
Con biệt
giam tại khám lớn Chí Hoà
Ba tháng gông cùm
đòn thù nghiệt ngã
Lời mẹ dặn con một lòng
một dạ
Ngẩng cao đầu trước nòng súng địch
quân
Bảy năm khổ
sai sức kiệt thân tàn
Tù Suối Máu – Ngục
kiên giam Xuân Phước
Đồng đội con những nấm
mộ không tên
Manh chiếu rách kéo lê ra
nghĩa địa.
(Mẹ và đời tôi – Lê
phi Ô)
Trại tù CS đúng là địa ngục trần gian,
không thua kém gì những trại tập trung dân Do Thái của bọn phát–xít
Đức, hay những trại trừng giới Gulag tại Liên bang Xô Viết. ĐẠI HỌC
MÁU của nhà văn Hà Thúc Sinh, ĐÁY ĐỊA NGỤC của nhà văn Tạ Tỵ, TRẠI
KIÊN GIAM của nhà văn Nguyễn Chí Thiệp, CHUYỆN KỂ NĂM HAI NGÀN của
nhà văn Bùi Ngọc Tấn, QUẦN ĐẢO NGỤC TÙ của nhà văn Liên Xô Aleksandr
Solzhenitsyn... đã nói lên sự hèn hạ, độc ác, vô nhân đạo của bè lũ
súc sinh lòng người dạ thú CS.
Cuộc nội chiến Hoa Kỳ kéo dài từ năm 1861
đến năm 1865. Quân đội miền nam do tướng Robert E Lee chỉ huy, đầu
hàng tướng Ulysses S Grant chỉ huy quân đội miền bắc. Lính miền nam
bị giải thể nhưng được mang súng đạn về nhà đoàn tụ với gia đình.
Không bị bắt bỏ tù, không gông cùm tra tấn, không biệt giam. Cả hai
miền Nam Bắc cùng nhau đoàn kết tạo dựng nước Mỹ trở thành một cường
quốc đứng đầu thế giới như ngày hôm nay. Còn thiên đường xã hội chủ
nghĩa thì khác: đày đọa, thủ tiêu tất cả những thành phần mà chúng
chụp mũ ác ôn, phản dộng. Tên đồ tể Đỗ Mười đã từng tuyên bố: “Giải
phóng miền nam, chúng ta có quyền tịch thu tài sản, trưng dụng nhà
cửa, hãng xưởng chúng nó. Xe chúng nó ta đi, vợ chúng nó ta lấy, con
chúng nó ta bắt làm nô lệ. Còn chúng nó thì ta bắt làm lao đông khổ
sai vùng kinh tế mới, vào nơi rừng sâu nước độc. Chúng nó sẽ chết
dần mòn...” Mà đúng như vậy, dân quân cán chính VNCH sống dưới chế
độ CS vô thần, sống không ra sống, chết không ra chết, lê lết đầu
đường xó chợ, ăn bữa đói bữa no, có khi còn phải đi khất thực sống
qua ngày. Con cái ngụy quân ngụy quyền không được đi học, hoặc đi
học thì cũng bị phân biệt đối xử với con cán bộ CS, bị liệt kê vào
danh sách thấp hèn nhất xã hội. Người tù dưới chế độ CS, nhất là
thuộc diện ngụy quân ngụy quyền thì không còn gì để nói, bọn đầu
trâu mặt ngựa trả thù bằng cách đày lên những vùng rừng sâu nước
độc, bắt lao động cật lực cho đến chết, lại còn bỏ đói, tra tấn,
biệt giam:
Bạn ta trong tù mới gặp
Nam Hà địa ngục trần gian
Gạo mục bo bo sắn
bắp
Đói lòng nước lã muối rang
Bạn ta trong tù mới gặp
Nam Hà địa ngục
trần gian
Vác đá đào ao đắp đập
Khổ sai biệt xứ chung thân.
(Tiễn Bạn – TVS)
Long Giao,
Suối Máu tù trơ xương
Mìn gỡ phanh thây máu
đỏ đường
Chiếu rách xác gom vùi gió cát
Mồ chôn vô chủ lạnh khói hương
Vợ bỏ con thơ theo “cán bộ”
Đồng tiền đánh đổi cả nhục vinh
Hỡi ơi, canh bạc đời đen đỏ
Mỹ nhân hề...
chén rượu tàn canh!
(Tiếng gọi Việt Nam –
LPÔ)
(trại tù “cải Tạo” cộng
sản – hình trên net)
Nhà thơ Trần Phù Thế khi ở tù về đớn đau,
uất nghẹn:
em đi một tiếng không giao lại
hai đứa con
thơ cho mẹ chồng
bà đi tìm cháu bao ngày
tháng
gặp cháu ăn mày giữa chợ đông
con chị ôm em mừng khóc ngất
nội ôm hai
cháu lệ lưng tròng.
(Đời Tôi – TPT)
Hoàn cảnh gia đình của Lê Phi Ô bi thảm
hơn nhà thơ TPT nhiều. Ra tù, không nhà cửa, vợ ra đi không một lời
từ biệt, con cái không biết ở đâu nên đành phải sống lang thang tại
Bà Rịa. Ngày đội cá, gánh muối thuê độ nhật, đêm ngủ đầu đường xó
chợ. May còn có những người bạn, người lính năm xưa sống sót cùng
chung cảnh ngộ, chia sẻ miếng cơm manh áo nên cũng bớt phần nào tủi
nhục. Điều này chứng tỏ tình quân dân như cá với nước. Huynh đệ chi
binh: vui buồn có nhau, sướng khổ có nhau, sống chết có nhau. Mẹ
chết khi LPO trong tù, không ai lập bàn thờ, không ai cúng giỗ, mộ
mẹ một nấm mồ hoang phế cỏ mọc um tùm. Thèm gọi một tiếng MẸ, một
tiếng CON thân thương, trìu mến...:
Con ra tù
sống lang thang Bà Rịa
Gánh cá thuê, đội
muối, ngủ đầu đường
Mẹ chết từ lâu mộ hoang
cỏ dại
Ôm tấm bia con chỉ biết khóc thương
Bạn bè xưa vài thằng còn sống sót
Nương tựa nhau chia sớt miếng cơm thừa
Vợ
ra đi không một lời từ biệt
Con ở đâu... Ba
thèm một tiếng “THƯA”
Tạ tội mẹ thương đứa con bất hiếu
Đêm vượt biên không lạy mẹ con đi
Sống hay
chết giờ đây con đã hiểu
Chỉ một con đường
cặp bến Tự Do
(Mẹ và Đời tôi – LPO)
Đánh trận không chết. Bị thương không
chết. Tù tội không chết. Vượt biên không chết. Mười hai năm lính,
bảy năm tù. Sống ở Mỹ hơn ba mươi năm, tuổi đã bát tuần, chưa một
lần về Việt Nam, người lính Lê Phi Ô vẫn giữ nguyên khí tiết của
người chiến sĩ VNCH. Không giải ngũ, không đầu hàng. Anh tiếp tục
chiến đấu trên một mặt trận khác, mặt trận tranh đấu cho một nước
Việt Nam tự do, dân chủ không cộng sản. Anh sẽ về Việt Nam khi:
Con sẽ về
thắp hương quỳ lạy mẹ
Cất lều tranh bên mộ
mẹ cuối đời
Khi đất nước có tự do dân chủ
Cờ vàng bay phủ kín khắp muôn nơi
(Mẹ và đời tôi–LPO)
Xin cảm ơn người lính già Lê Phi Ô. Xin
cám ơn Thương binh Tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
Trần văn Sơn
3/2020
Huy Hiệu Tiểu Đoàn 344/ĐP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Lê Phi Ô chuyển
Đăng ngày Thứ Ba,
March 3, 2020
thư ký dù
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang