Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy Bút
Chủ đề:
50 năm qh30t4đ
Tác giả: Tràm Cà Mau
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Ngày
30/4/1975, dân Việt Nam Cộng Hòa mất nước. Một số người nhờ
sáng suốt và may mắn bỏ chạy thoát ra đi. Một số lớn, hoặc
vì rủi ro, hoặc vì ngây thơ, hoặc vì chậm chân phải ở lại.
Làm thân chiến bại, hàng thần, hàng dân, để sống chung với
những kẻ chiến thắng đang say men ngông cuồng tưởng họ là vĩ
đại, là anh hùng. Buồn và bi thảm. Có sống qua những ngày
tháng đổi đời này, mới thấy thương những bậc cha anh. Họ đã
trải qua những cuộc dâu bể trong đời, từ Pháp qua Nhật, từ
Nhật qua Việt Minh, từ Việt Minh qua Pháp, rồi từ Pháp qua
thời kỳ Ngô Đình Diệm, rồi từ Ngô Đình Diệm qua nhiều chính
phủ khác. Nhưng chưa bao giờ người ta trải qua một thời kỳ
vô cùng bi thảm như cuộc sống nô lệ tràn đầy tủi nhục của
dân Miền Nam, do cộng sản Miền Bắc khắc nghiệt cai trị.
Sau đây, xin ghi lại vài nét tại nơi tôi làm việc sau
ngày 30/4/1975 để những người may mắn thoát kịp tai họa trời
sập đó, được biết về những sự kiện hài hước của những “hàng
thần lơ láo” tại riêng Sài Gòn. Tình trạng của anh em ở
các tỉnh còn bi thảm hơn nhiều.
Sáng 1/5/1975 đài
phát thanh loan báo lệnh của Ủy ban Quân quản rằng: “Tất cả
công chức, nhân viên phải đến trình diện tại nhiệm sở cũ.”
Chúng tôi lục đục đến sở. Trong sở, có lính CS mang súng
đứng canh tiền sảnh và đứng rải rác đó đây. Họ mang áo quần
màu xanh phân ngựa, chân đi dép râu, đầu đội nón cối. Mặt
mày xanh mét, bụng chì. Áo quần thì nhăn nhúm, lụng thụng.
Chỉ có đôi mắt sâu, cái mõm vẩu, và khẩu súng đeo lòng thòng
sau lưng làm cho dân miền Nam ngán.
Sau những giây
phút đầu lấm lét nhìn nhau, một vài chị cười cầu tài đến hỏi
chuyện các anh bộ đội. Mấy người khác xúm lại nghe chuyện.
Những câu hỏi mà tôi được nghe đại khái như sau:
–
Anh đã có vợ chưa?
– Ở miền Bắc có được yêu nhau
không?
– Ở miền Bắc làm việc như thế nào, một ngày
mấy tiếng?
– Ở miền Bắc có chợ không, có được mua bán
không?
– Lương của anh bao nhiêu? Lương cao nhất bao
nhiêu? Lương thấp nhất bao nhiêu?
– Ở miền Bắc có
quán ăn không? Có quán cà phê không? Có xe hơi không? Nhà
cửa có được mua bán trao đổi hay không?
– Đám cưới
miền Bắc như thế nào?
– Các anh sẽ đối xử như thế nào
với những người di cư 1954?
Chỉ hỏi những câu vớ vẩn.
Được trả lời bằng những câu rất “ngon lành”. Nghĩa là miền
Bắc cái gì cũng tốt, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng nhiều, và
văn minh tiến bộ hơn miền Nam. Một anh bạn trẻ miền Nam nói
với giọng điệu tiếc thương cho thân phận:
– Miền Bắc
tiến bộ như vậy, nhìn lại miền Nam của mình, thật là tủi hổ
và nhục nhã. Biết bao giờ mà theo kịp văn minh của miền Bắc,
đã tiến quá xa như vậy!
Có một câu hỏi, ai cũng muốn
biết nhưng không dám hỏi, là:
– Các anh sẽ làm gì
chúng tôi?
Điều đó, họ sẽ biết dần dần qua ngày tháng
dài sau này, mà cán bộ cấp cao cộng sản chắc cũng chưa biết
rõ được.
Lúc 9 giờ 30, một đám cán bộ cao cấp đến. Họ
tập họp tất cả công nhân viên cũ lại trong sảnh đường. Tài
xế và lao công được sắp xếp đứng trước. Tất cả thành phần
khác đứng sau. Thủ trưởng tiếp quản cơ quan này là một cán
bộ có dáng người thấp, mặt bủng. Ông đứng sau một chiếc
bàn, hai bên có năm sáu cán bộ đeo súng ngắn, tất cả đều
mặc áo quần lính màu phân ngựa. Ông dõng dạc kêu gọi tài xế
và lao công tố cáo tội ác của cấp chỉ huy. Bây giờ là giai
đoạn công nhân làm chủ. Tài xế và công nhân im thin thít.
Đám chỉ huy cũ thì trầm lặng, có vẻ lo âu. Có lẽ ai cũng
nghĩ họ chưa phạm tội nào được gọi là ác. Tất cả mọi người
đều im re.
Vị thủ trưởng thúc giục mãi đám tài xế và
lao công hãy mạnh dạn tố cáo tội ác. Dân miền Nam có lẽ chưa
quen hành động hèn hạ buộc tội cho người khác. Cho nên, dù
có ghét cấp chỉ huy, thì trong giờ phút chưa hoàn hồn này,
các ông, các bà cũng không nỡ hèn hạ tố cáo ai.
Thấy
không ai mở miệng, vị thủ trưởng bắt đầu nói thao thao bất
tuyệt. Nói miền Nam xấu xa, đồi trụy. Miền Nam tội lỗi ngập
đầu, miền Bắc tốt đẹp, miền Bắc tài giỏi anh hùng, miền Bắc
có tên lửa bắn hạ được B52 của đế quốc. Nói dông dài nhiều
lắm, nhưng một câu nói mà giờ này tôi chưa quên và cũng chưa
hiểu: “Sự nghiệp của chúng tôi là sự nghiệp cách mạng.”
Sau đó, ông cho mọi người về lại chỗ ngồi cũ. Ông nói
rằng, tất cả đều được nhà nước sử dụng. “Bởi con người là
vốn quý của xã hội”.
Những cấp chỉ huy lớn nhỏ cũ,
vội vàng soạn bàn, soạn hộc tủ, để nhường chỗ cho đám cán bộ
mới tiếp thu. Người có chức vụ cũ, ra ngồi tạm tại các bàn
trống của nhân viên bên ngoài. Bây giờ họ là “một lũ hàng
thần lơ láo”. Không biết “cách mạng” sẽ làm gì mình và số
phận của mình ra sao? Có một điều biết chắc là sẽ khổ, khổ
lắm!
Tất cả hồ sơ bị kiếm kê và được niêm phong cẩn
thận. Lập danh sách và nộp cho cán bộ. Không biết tại sao mà
cứ bắt lặp đi, lặp lại, những bản danh sách hồ sơ.
Rồi các cấp chỉ huy cũ được gọi lên gặp thủ trưởng để trình
bày các công tác hiện tại của sở. Trình bày cẩn thận và
trịnh trọng vì sợ nếu trình bày không rõ thì họ sẵn sàng
ghép mình vào nhiều thứ tội. Những câu hỏi của các cán bộ kỹ
thuật nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn. Nhiều người ngờ ngợ, không
biết họ có gài bẫy gi không! Về sau mới nghiệm ra là vì họ
quá dốt nên hỏi ngớ ngẩn.
Suốt một ngày đầu tiên, các
cán bộ miền Bắc phải trả lời các câu hỏi tới tấp về đời sống
ở miền Bắc. Hỏi đủ thứ. Họ tha hồ ca ngợi chế độ miền Bắc:
“Đời sống thần tiên, cơm gạo rẻ, thịt bán ra ăn không hết,
mỗi năm đi nghỉ hè Sầm Sơn, Chapa, và các nơi khác. Mỗi
người có xe, có súng săn, và xem cố vấn Liên Xô chẳng ra gì.
Đời sống thoải mái dễ chịu, khoa học kỹ thuật tân tiến, có
những chiếc cầu bê–tông cốt thép làm trong tuần lễ là xe qua
được, cà phê và bia miền Bắc uống ngon chứ không dở như ở
miền Nam...”
Họ nói nhiều quá, nên người nghe đâm ra
nghi ngờ sự thực.
Ngày hôm sau, mỗi người được phát
một xấp giấy gọi là viết “Sơ yếu lý lịch”. Được hướng dẫn
để khai báo. Khai từ cha mẹ, ông bà nội ngoại, chú bác, anh
em, bà con, bạn bè. Khai đủ thứ. Thấy “sơ yếu” mà đã tùm lum
như vậy thì bình thường phải dài đến thế nào đây! Cầm từ “Sơ
yếu lý lịch” đã được điền kín, kèm căn cước bọc nhựa và giấy
tờ cũ vào trình diện cán bộ, từng người một, để lấy lời
khai. Ai cũng sợ. Bị hỏi đủ thứ chi tiết về đời tư. Lo lắng
và cẩn thận khi trả lời. Xong lời khai, thì thở dài khoan
khoái vì trút được gánh nặng.
Trong vòng một tháng
đến sở đúng giờ, ra về đúng giờ. Tha hồ ngồi chơi. Chúng tôi
đánh cờ tướng ồn ào, cãi nhau chí chóe. Bên Nha Kỹ Thuật thì
chơi Domino. Các anh kiến trúc sư dạy cho hai cô bé cán bộ
chơi. Các cô chơi rất say mê. Mấy cô bé cán bộ bằng đầu,
bằng đuôi, thắt bím lủng lẳng, mặc bộ đồ màu đất chết nhăn
nhúm, lụng thụng. Trông tội nghiệp. Để đám cán bộ khỏi ngứa
mắt, anh em trong sở lục tìm những bộ áo quần nào cũ xấu
nhất đem ra mặc. Nhưng xấu nhất cũng đã là quá sang trọng
đối với đám cán bộ. Tất cả các nhà thầu xây cất có khế ước
với cơ quan cũ đều được triệu tập đến. Cho thời hạn trong
một ngày, phải kê khai hết tất cả tài sản. Có bao nhiêu
tiền bạc, bao nhiêu cây sắt, bao nhiêu bao xi măng, bao
nhiêu kềm, búa, đinh phải khai không thiếu thứ gì. Tên cán
bộ Phạm Công Tấn mặt đầy sát khí hét lớn với nhà thầu Nguyễn
Văn Hạnh: “Dù kho tàng của anh lớn đến đâu, anh cũng phải kê
khai cho kịp ngày mai. Chúng tôi vượt Trường Sơn được thì
các anh phải làm được!”
Khi các nhà thầu đã nộp bản
kê khai xong, bọn cán bộ cách mạng buộc anh em nhân viên cũ
phải đến tận kho bãi, để kiểm soát lại. Cán bộ Tấn bảo với
một giám thị: “Đêm phải đến nhà xem nó bàn tính gì trong gia
đình.” Anh em trong sở cười ngất, bảo nhau đêm nay lẻn đến
nhà, chui xuống giường nghe, xem vợ chồng nhà thầu bàn tính
chuyên gì...
Một tháng ròng, đến sở chẳng có việc chi
làm cả. Nhưng cũng ít ai dám đi trễ về sớm, vì còn sợ. Chơi
dông dài. Các sĩ quan thường nằm nhà lấm lét nhìn ra đường.
Chẳng ai làm gì họ cả giữa trung tâm Sài Gòn. Trong lúc đó,
tin tức từ các tỉnh đưa về làm cho anh em lo ngại. Tin người
này bị xử bắn, người kia bị bắt đi, tài sản bị tịch thu. Tuy
lo sợ, nhưng đã số để tự trấn an và tự lừa dối họ, thường
nghe họ nói: “Cách mạng trước sau như một, những chuyện rắc
rối kia, chắc ở dưới thi hành sai đường lối.”
Bên
ngoài sở, tin tức nhiều gia đình uống thuốc độc tự tử, nhiều
gia đình tự tử bằng súng, hay bằng cách đổ xăng đốt luôn
nhà. Bộ đội cộng sản thì có vẻ ngơ ngác, cái gì cũng làm họ
ngạc nhiên. Chuyện rửa mặt, rửa rau trong bồn tiêu, bồn tiểu
là chuyện xảy ra bình thường. Có cán bộ vào phòng tắm, mở
vòi nước nóng đổ xuống bị rát phỏng lưng, nổi giận rút súng
bắn vòi sen chửi thề: “Mỹ, Ngụy độc ác thâm hiểm”, đã bỏ
chạy mà còn gài bẫy giết hại nhân dân ta... Những chuyện đại
loại như vậy được bà con kể khắp nơi.
Tháng đầu tiên,
“Cách mạng” trả lương đồng hạng 14 ngàn đồng cho toàn thể
nhân viên. Trả một đống cao toàn bạc cắc giấy. Giấy 20 xu,
giấy 50 xu. Tài xế và lao công được trả lương cũ. Nhiều
người bàng hoàng thử hỏi: “Rồi không biết gia đình sống làm
sao đây?” Vì sau khi đổi tiền mới, 500 đồng VNCH đổi được 1
đồng mới miền Bắc. Lương tháng chỉ lãnh 28 đồng mới. Đổi
tiền là một siêu mưu thần sầu của nhà nước, như cướp tài sản
miền Nam, chia cho miền Bắc nghèo đói.
Khoảng đầu
tháng 6 năm 1975, đài phát thanh kêu gọi tất cả viên chức
Ngụy quyền, từ trưởng ty trở lên, phải “đi học tập cải tạo
một tháng” để thông suốt đường lối chính sách của nhà nước
cách mạng. Ai cũng mong đi học cho xong, để yên tâm làm lại
một cuộc đời mới. Báo Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng
đầy đủ chi tiết “đi học tập”. Trong các chức vụ được liệt
kê, không thấy có ghi chức chánh sự vụ. Một anh hỏi cán bộ,
anh cán bộ nói: “Không ghi nhưng anh cứ đi đi. Tôi cũng mong
được đi học như các anh mà không được”. Bởi thế cho nên
nhiều anh chánh sự vụ các nơi “đi học tập cải tạo” đến năm
bảy năm sau cũng chưa về, mà một số khác thì khỏi “đi cải
tạo”, về sau vẫn còn làm việc. Sĩ quan cấp Tá “đi học tập 1
tháng”, sĩ quan cấp Úy “đi học tập 1 tuần”. Nhưng tất cả
đều đã lầm to!
Ngày trình diện “đi học tập cải tạo”
cho Ngụy quyền là 13, 14, và 15 tháng 6 năm 1975. Nơi tập
trung là trường Gia Long và Trưng vương. Ngày đó, anh em
chen nhau đi trình diện. Xếp hàng một, ôm khăn gói áo quần.
Ra đi không một chút lo âu, và nghĩ rằng 1 tháng thì chẳng
bao lâu. Rủ nhau cùng đi. Nhiều anh em cười đùa thích thú.
Ngày 13 nhiều người kiêng, ngày 14 đi trình diện đông đảo
hơn. Đến ngày 15 – ngày cuối cùng hết hạn – anh em đến trình
diện đông quá, chen lấn, chúng nó hết chỗ chứa, phải đuổi
về. Nhiều người toan leo hàng rào vào bên trong. Bởi không
phải ham “đi cải tạo”, anh em biết rằng có về nhà cũng sẽ bị
công an ruồng bố, xông vào nhà bắt đi. Công an phường toàn
dân bất hảo cũ, thất học, lỗ mãng, và cuồng tín. Quả thật,
nhiều người bị đuổi về, đêm đó bị công an vào nhà bắt đi và
đem biệt giam ở Khám Chí Hòa. Nhiều người khác không biết bị
giam ở đâu!
Tại trường Nữ Trung học Gia Long. Bàn ghế
được dẹp lại. Anh em trải chiếu ra sàn phòng ngồi chuyện
trò, nghỉ ngơi. Ngay chiều hôm đó, xe của nhà hàng Ngọc Lan
Đình, là tiệm ăn Tàu nổi tiếng, mà nhiều người thường chọn
làm tiệc đám cưới, họ đem cơm đến. Cơm tây, sang trọng, ngon
lành, mỗi người một đĩa. Tắm thì thay phiên nhau. Tại đây,
bạn bè cũ gặp nhau chuyện trò vui vầy, và gặp nhiều vị cao
cấp trong chính quyền cũ: bộ trưởng, phó thủ tướng, tổng
giám đốc, trưởng sở, trưởng ty. Một vị Tổng Giám Đốc nguyên
là thầy học cũ nói với một vị giám đốc rằng: “Anh ạ, có lẽ
tụi mình sẽ được học đây. Ở đây học tiện, đi đâu cho xa.”
Nhiều người lạc quan, cứ cho là sẽ học tập tại trường Gia
Long trong 5 hay 7 ngày rồi được về. Hình như nhẹ dạ là cái
tội chung của “dân Ngụy chúng ta”. Đa số tin là sẽ học ngay
tại trường Gia Long này. Nhưng có vài anh khác không tin, vì
trước khi đi trình diện, những người bà con từ rừng ra, cho
thuốc bôi khi rắn cắn, cho thuốc trị sốt rét, và nhiều thứ
thuốc lạ bằng bột chống vắt, muỗi, v.v.
Hai ngày trôi
qua trong trường Gia Long, anh em vẫn cười đùa, ngồi kể
chuyện tiếu lâm, nói đủ thứ chuyện, chỉ có khó chịu là phải
ngủ chật chội giữa sàn nhà. Nhiều tin loan ra là sẽ được trở
về nhà trong vài hôm nữa, sẽ được học tập tại cơ quan.
Đêm 15/6/1975 tất cả mọi người được lệnh tập họp, xếp
hàng theo toán, tổ, tập họp lúc 10 giờ đêm. Một số nhỏ được
gọi riêng ra, người ta không biết tại sao. Nhưng người được
gọi riêng mặt tỏ vẻ lo lắng, sợ hãi, không biết chuyện gì
rắc rối sẽ đến với họ. Những người này được lệnh ôm tất cả
hành trang áo quần xếp riêng. Có người bảo rằng: “Những
người này có tội nặng với cách mạng, nên cho đi nơi khác,
chịu chế độ khác”. Nhưng cuối cùng họ được cho về nhà tạm,
vì quá đông không đủ xe chở đi. Họ ra về nhưng lòng đầy lo
lắng, về lúc nửa đêm ôm áo quần hành trang, công an khu vực
sẽ hỏi thăm kỹ càng, không chừng sẽ giam họ và đối xử với họ
tàn tệ hơn. Quả thật, một số trở về bị bắt ngay trước cổng
nhà đem đi nhốt ở khám Chí Hòa. Một số khác thoát được nằm
nhà. Nhưng lòng hồi hộp, lo lắng không nguôi. Bởi lẽ cho về
mà không cho một mảnh giấy chứng nhận nào.
Đám còn
lại được gọi tên tuần tự lên xe đò, chật như nêm. Xe đậu
thành hàng trước trường Trung học Gia Long trên đường Phan
Thanh Giản. Ngồi trên xe chờ thật lâu, bâng khuâng nhìn ra
đường có ánh đèn sáng trắng, lòng hoang mang không biết thân
phận rồi về đâu. Có người đoán rằng sẽ đi lên rừng sâu, giữa
mật khu cũ của Việt cộng. Có người đoán đem ra miền Bắc. Có
người đoán đem đi chôn tập thể như năm Mậu Thân ở Huế.
Rồi xe lăn bánh lúc 2 giờ khuya. Thành phố đang yên ngủ. Đêm
tháng Sáu, trời hơi mưa. Đoàn xe nối đuôi nhau chở những
người đã một thời nắm các chức vụ then chốt tại miền Nam, đi
về một nơi mà họ đang âu lo không biết số phận sẽ thế nào.
Xe chạy thẳng về hướng xa lộ. Họ im lặng. Mỗi người một ý
nghĩ. Lo âu trĩu nặng. Xe qua cầu Phan Thanh Giản. Nhiều
người ngoái cổ nhìn lại thành phố Sài Gòn lần cuối cùng.
Không nói ra, nhưng nhiều người nghĩ rằng, không biết có lần
trở lại Sài Gòn trong đời hay không. Xe chạy. Đêm đã khuya,
nhưng chẳng ai buồn ngủ. Tâm trí đang căng thẳng. Rồi xe rẽ
về hướng Long Khánh, Vũng Tàu. Lúc này không ai ước lượng
được thời gian. Đoàn xe quành vào một con đường đất, xe
nghiêng lắc, nhiều người va chạm mạnh vào nhau. Hai bên
đường cỏ cao, rậm rạp. Một người kê miệng vào anh bạn mà thì
thầm: “Đúng rồi, chúng đem đi chôn sống ông ạ... Thấy
không?”
Xe dừng lại trong khu đất hoàn toàn tối tăm.
Hình như có mấy dãy nhà liên tiếp nhau. Vừa mệt nhọc, vừa
buồn ngủ, chúng tôi nắm tay nhau lần vào trong căn nhà. Đạp
lên người đang nằm dưới sàn. Họ vùng dậy cự nự om sòm. Chúng
tôi thả xách hành lý làm gối kê, nằm lăn ra sàn và thiếp đi
cho đến sáng.
Buổi sáng thức dậy, ngơ ngác xôn xao.
Mấy dãy nhà lợp tôn, không bàn ghế, không giường chiếu, cửa
ngõ hư nát, xập xệ, không còn cánh cửa sổ nào. Một người
định hướng và nhìn quanh. Nhiều người thì thầm: “Cô Nhi Viện
Long Thành”. Họ nhìn nhau cười buồn. Anh em chạy đi kiếm
nước đánh răng, kiếm mãi không có. Khát cháy cổ, mặt mày dơ
dáy, miệng hôi. Một người khám phá ra cuối dãy nhà có một
thùng ny–lông nước nóng. Vục ca vào múc, nước đen nhờ nhờ
như nước cống. Có tiếng thắc mắc: “Nước gì kỳ quá?” “Nước
trà?” “Cà phê?” “Nước cống?” Một anh thử hớp, mặt nhăn lại,
nheo mắt nói thì thầm: “Cà phê cách mạng”. Nhiều người quay
mặt qua hướng khác để giấu nụ cười thích thú. Sau đó họ mới
biết đó là trà nấu với nước phèn. Thùng nước được chiếu cố
tức khắc. Sáng đó không có gì ăn. Buổi trưa cũng đến rất
mau. Cũng chẳng có gì ăn cả. Ở khu hậu cần có mấy người đàn
bà đi qua đi lại xoắn xít. Vài người khát quá đánh liều cầm
ca đến nhà bếp xin nước lạnh uống. Được vài ca nước, anh em
xách ca chạy ùn ùn xuống. Mấy mụ đàn bà không cho. Đuổi xéo
đi. La hét ỏm tỏi. Anh em khát cháy họng vì không quen nhịn
đói, nhịn khát. Bởi vậy, đám đông đứng xa xa, tay cầm ca,
mắt hau háu nhìn mấy thùng nước nhưng không dám đến gần. Một
ông ngồi ở vỉa hè, nhận ra được mấy khuôn mặt quen, mấy ông
thứ trưởng, tổng giám đốc, tay cầm ca nhựa giấu sau lưng,
đầu nghiêng về phía mấy thùng nước, mắt hau háu. Bỗng nhiên
nỗi buồn dâng tràn trong lòng như từng đợt sóng lớn.
Ngày đầu tiên được đưa đến “trại học tập cải tạo” Long
Thành, anh em thuộc thành phần “Ngụy quyền” phải nhịn đói
hơn 24 tiếng đồng hồ. Cơm chiều ngày hôm trước ăn lúc 5 giờ.
Đến khoảng 8 hay 9 giờ đêm hôm sau, dãy nhà số 5 mới được
phát cơm. Một giỏ cần xế cơm nhão như cháo được anh em mang
về để bên hành lang. Do chưa tổ chức đàng hoàng, nên mạnh ai
nấy xúc. Chen chúc hỗn loạn, mưa tạt ào ào, nhiều anh ướt
như chuột lột, tay cầm cục cơm, vừa chạy vừa ăn ngon lành.
Cơm chia không đủ, năm bảy chục anh chậm chân và không ưa
chen lấn phải nhịn đói hôm đó.
Một anh bạn ngậm một
cục kẹo cho đỡ đói. Rồi nằm dài theo lối Yoga để thân thể
hoàn toàn nghỉ ngơi. Anh nói có nhiều đạo sĩ nằm theo lối
này có thể nhịn đói được rất lâu. Bên cạnh đó, có ông nguyên
là một vị cao trong ngành Tư pháp, hỏi ông bạn nằm kề rằng
tại sao người ta tổ chức dở thế, để cho nhiều người phải
nhịn đói một cách vô lý. Bên ngoài mưa thét, gió gào. Cửa
sổ không cánh, làm nước tạt lung tung. Đám người thất thế
bụng đói nằm sắp lớp trên nền nhà, nằm san sát nhau. Cay
đắng trước cuộc biển dâu. Đa số im lặng, mắt thấm buồn, vầng
trán ưu tư. Đám trẻ tuổi cũng đói quá, hết khôi hài đùa
giỡn.
Bài học “lao động là vinh quang” đầu tiên là
bài học không lời: Anh em được lệnh dỡ một căn nhà tôn, để
lấy tôn, gỗ làm lại một căn nhà kho và nhà tắm, ở vị trí
khác. Lệnh của cán bộ ban xuống cho trưởng dãy (trưởng dãy
nhà cũng là “Ngụy cải–tạo”). Không kìm, không búa, không xà
beng, không một dụng cụ căn bản nào. Hỏi trưởng dãy, trưởng
dãy cũng lắc đầu. Bàn tán mãi, anh em đi nhặt đá làm búa gõ
cho tôn bung ra, gỡ được mấy cây đà gỗ dọc, dùng nó để đánh
bung các mối nối khác. Chỉ một lúc sau căn nhà cũng biến
mất, chỉ còn lại một đống gỗ, mấy đống tôn. Khó nhất là
những mối nổi bằng bù–lon. Anh em áp nhau bẻ, vặn hai cây gỗ
cho đến bung bù lon. Phá thì dễ, làm lại mới khó. Gỗ, tôn
được tha ABCD vị trí mới. Anh em bàn cãi lung tung. Nhưng
với hai bàn tay không, không kềm, không búa, không đinh,
không cưa, làm sao mà dựng được nhà? Cuối cùng anh em phân
chia phần việc. Một nhóm dùng tay bẻ tôn và xếp lại thành
miếng mỏng, có mũi nhọn để đào lỗ chân móng chôn cột. Một số
khác kiếm hai cây bù–lon cột chéo lại thành hình chữ V để
nạy và nhổ đinh. Nhóm khác dùng đá đập cho đinh thẳng lại.
Mấy anh khác có sáng kiến bẻ tôn thành lá, dùng cây đinh đục
một cạnh, thành răng cưa nhọn để cưa gỗ. Anh chán quá nên
hết buồn, đâm ra tếu, chọc ghẹo nhau, đùa giỡn.
Rồi
căn nhà mới cũng được dựng lên đàng hoàng. Khi làm xong, anh
em tự khâm phục họ vô cùng. Tưởng đâu chuyện hoang đường,
tay không, mà rồi cũng dỡ được căn nhà cũ, dựng được căn nhà
mới ở một vị trí khác.
Hôm sau được lệnh khai đất để
trồng trọt. Cũng với hai bàn tay không. Chẳng có cuốc xẻng
gì cả. Nhiều anh bàn nhau dùng tay cào như mèo cào đất. Cỏ
cao lút háng. Việc đầu tiên là nhổ cỏ. Nhổ đến nỗi những bàn
tay bị cắt rướm máu. Nhổ xong, kẻ thì cầm cây gỗ nhọn, kẻ
cầm cây đinh, kẻ cầm mảnh chai mà cào xới. Đất đồi sỏi đá
cứng ngắt đào không lên, như làm chuyện khôi hài. Không hiệu
quả. Cuối cùng lấy tôn lợp nhà, đập phẳng, bẻ cong làm lưỡi
xuổng, tra cán gỗ bằng cách đóng đinh. Miếng đất hoang đuợc
xới thành vồng và đất được đánh tơi ra. Cũng nhờ đó sau này
anh em có thêm được vài ba miếng rau để ăn dặm thêm cho đỡ
đói lòng.
Xã hội chủ nghĩa không để cho một cái gì
lãng phí cả. Bởi vậy, làm hầm phân tự hoại là phá hoại tài
sản của nhân dân. Phân người phải được dùng lại để bón cây.
Những hầm phân lộ thiên, có hai cây gỗ nằm ngang bên trên,
để ngồi mà thả thức thừa hàng ngày xuống. Mỗi lần phân rớt
xuống là ruồi xanh, ruồi đen bay lên tứ tán, tha hồ chúng
đậu vào đầu, vào mông, vào mặt. Nếu có trận mưa thì còn khổ
hơn, bên dưới nước lõng bõng, phân rớt xuống, làm nước
văng lên lưng, lên đầu. Đi tiêu xong, cả giờ sau còn nghe
mùi hôi hám trong quần áo, trên da thịt. Khi cả ba ngàn “cải
tạo viên” đã làm đầy các hầm tiêu bởi bổn phận hàng ngày đối
với thân thể, thì đám cán bộ thấy các hầm phân đó là cả đống
tài sản, quý lắm. Một ngày trời rất đẹp, đám cải tạo được
lệnh xuống xúc các chất cặn bã đó lên để bón rau. Lệnh ban
ra. Anh em sởn da gà. Phân người đầy hầm ủ cả nhiều tháng
được khơi lên, ai mà đủ can đảm vục tay xuống múc? Nhưng
thân tù tội, thì phải làm. Anh em chia phần rất đều, mỗi
người múc phân mấy chuyến, không ai thoát. Chỉ có anh trưởng
ty Canh Nông Hậu Nghĩa cũ được bầu làm “chủ trì” và kiểm
soát việc khai thác, nên thoát khỏi múc phân. Không hiểu sao
phân xanh ngắt như “sương sa” và dẻo kẹo như hắc ín. Múc lên
từng thùng, bỏ vào gánh khiêng đi. Đem ủ để mấy ngày sau mới
bới ra, đưa tay vọc hòa cùng đất đã được tơi vụn. Rồi trồng
rau cải, rau muống. Phân người là một thứ quý báu của xã hội
chủ nghĩa. Không biết, cộng sản nó muốn làm nhục anh em hay
nó cho rằng đi hốt phân là quang vinh thực sự? Khi nhìn
những bậc trưởng thượng quyền cao chức trọng ngày trước, tay
vục vào trong hồ phân xanh rờn, mặt nhăn nhó, và khi gánh
thùng phân mùi xú uế tỏa ra, đàn ruồi bay theo, thì bọn
người chiến thắng có cảm thấy hả dạ hay không? Còn “anh em
Ngụy” thì cam chịu, cắn răng chịu, không cần phải tủi thân
hay uất hận. Nước đã mất, phận tù đày, đâu còn quản ngại.
Bài học bốc phân này còn âm hưởng mãi trong thời gian còn
lại. Anh em bảo nhau: “Bốc
c... còn được thì làm việc gì mà chẳng được.”
Trong trại cải tạo, cán bộ dạy rằng, nhờ Đảng cộng sản
lãnh đạo tài tình, nên toàn dân mới được ấm no hạnh phúc.
Anh em tù nhân miễn cưỡng gật gù khen phải. Trong trại cải
tạo, tất cả tù nhân cảm thấy đói triền miên. Cái đói nó ám
ảnh ngày đêm. Thèm một cục đường, thèm kinh khủng, Một anh
nguyên làm giám đốc ở Bộ Tài Chánh, trong một sáng Chủ Nhật
đẹp trời, nói với các bạn bè: “Ước mơ sao bỗng nhiên trên
trời rớt xuống cho mỗi đứa một chén chè, ăn xong, năm phút
sau trời sập đè chết cả lũ cũng mãn nguyện.” Nói xong anh và
bạn bè cùng hít hà hít hà. Nhiều anh tổ chức buổi “tiệc hàm
thụ”. Bạn bè nằm quanh, nhắm mắt lại, nghe một anh kể các
thức ăn, nào là mùi hành tiêu thơm ngát, mỡ béo ngậy, ngậm
vào miệng ngon lịm. Kể từ món ăn này qua món khác. Anh em
nằm tưởng tượng như đang ăn uống thực sự. Khi tỉnh giấc “Nam
Kha” thì cũng xem mình như đã thực sự dự tiệc. Buổi sáng ngủ
dậy, nhiều anh khoe là đêm qua được đi ăn tiệc, ngon quá,
nhờ một giấc mộng mà có thể vui được cả ngày. Một anh có cục
đường tán, mỗi ngày đem ra gặm một chút rồi đem cất đi. Thỏi
đường tán lớn bằng ba ngón tay mà ăn cả tuần chưa hết. Một
lần, ngày lễ 2 tháng 9 của cộng sản, chúng hạ con heo cho
anh em ăn mừng. Nghe mà khiếp! Buổi sáng tiếng heo kêu sau
khu hậu cần, anh em mừng vui. Buổi trưa có thịt heo ăn. Mỗi
anh tìm được một cộng nhỏ bằng cây tăm diêm quẹt, nấu lẫn
trong canh bí ngô. Có anh bảo rằng, đừng nuốt, ngậm mà nghe
mùi vị. Một người khác đề nghị kiếm sợi chỉ cột vào miếng
thịt, nuốt vào rồi kéo ra, cứ nuốt, kéo, nuốt, kéo... mãi
đến khi nào ớn thì thôi, xem như đã ăn một bữa thịt heo đã
đời. Bên dãy nhà gần cổng, nhiều anh bắt cóc bỏ trong hồ,
nuôi cho lớn để ăn.
Trên khoảng đất cỏ mọc um tùm
phía bên hông, ngày ngày thấy vị dược sĩ già – một thời là
đại phú Sài Gòn – đi tìm cây cỏ. Cây gì ăn được, ông hái về
luộc ăn cho đỡ đói. Nhìn vị dược sĩ già, dáng tiều tụy, mặc
xà–lỏn bẩn ngầu, lụng thụng, áo lá rách lốm đốm ngả màu đất,
trông như một vị tiên bị đọa xuống trần gian đang đi tìm
thuốc trường sinh. Một vị tỉ phú khác, một thời xa xưa từng
là “Nhứt phẩm triều đình”, xin được một miếng cơm cháy, ăn
ngon lành với đôi mắt sáng rực của một người được hưởng một
hạnh phúc lớn. Một anh giám đốc, thấy một đám cơm đổ bên hè
nhà bếp, vội vã hốt vào ca, đem rửa và gạn cho sạch đất.
Chạy vào hớn hở khoe với bạn bè: “Này, ngon chưa? Được một
phần tư chén chứ ít sao. Hi hi... Hi hi...” Một anh cho bạn
mấy muỗng nước rau muống luộc, anh ưu ái bảo: “Uống đi. Bổ
lắm. Uống cho có sức. Hồi này moa thấy toa gầy ốm lắm đó”.
Một lần, mấy ông bác sĩ nguyên là giám đốc các bệnh viện cũ,
rủ nhau đi chơi quanh hố rác, thấy đuôi củ cải và đuôi cà
rốt, bèn nhặt về rửa, gọt, làm dưa chua ngâm trong mấy chai
lọ nho nhỏ. Mấy tên cán bộ biết được, đem ra bêu rếu, chửi
rủa om sòm, nghe đâu có anh phải làm tờ kiếm thảo. Chuyện ấm
no thì viết chẳng bao giờ hết. Thê thảm lắm!
Những
khi trải qua nhiều nỗi đắng cay, người ta muốn ghi lại để
nhớ, để con cháu ngày sau đọc lấy làm kinh nghiệm. Trong tù,
nhiều người bí mật viết nhật ký. Những kẻ khôn ngoan, thì
biết rằng không điên gì làm công việc nguy hiểm đó. Tuy
nhiên có nhiều người quyết viết. Cộng sản nó cũng biết. Lâu
lâu chúng đi lục sách vở, khám hành lý, đọc từng câu, từng
chữ mà tù nhân đã ghi lại. Một ông già, thân hình ốm yếu,
hom hem. Đêm nào vào mùng cũng âm thầm khóc rấm rứt. Bạn tù
đêm đêm nghe tiếng khóc nho nhỏ và tiếng khịt mũi. Có người
đêm khuya dậy đi tiểu, thấy ông ngồi khóc bên vỉa hè. Thấy
có bóng người, ông sợ hãi quay về nơi nằm ngủ. Một lần cộng
sản xét toàn dãy nhà, bắt được một cuốn tập ghi chi chít bài
học của ông già, trong đó có câu “Đêm qua nằm mơ thấy ông bà
về dẫn mình ra khỏi nơi tối tăm này, khi giật mình dậy, sờ
lên mặt thấy lệ ướt đẫm má...” Cán bộ quản giáo bắt ông làm
tờ kiểm thảo cả tuần, làm đi làm lại mãi. Ông già càng sợ
khiếp. Trong lần lục xét này một cuốn nhật ký bị khám phá,
cán bộ họp toàn thể tù nhân lại, chúng ngồi làm chủ tọa.
Buộc anh lén viết nhật ký đó, phải đọc lớn lên từng trang,
để toàn thể cải tạo viên phê bình, đánh giá từng điểm một.
Tất nhiên nhật ký chỉ viết sự thực, và viết cảm nghĩ trung
thực nhất. Trước hai trăm tù, cuốn nhật ký được đọc lên, tác
giả cuốn nhật ký run rẩy, mặt xám như chì, mới đọc được một
phần ba trang thì anh bật ngửa ra bất tỉnh nhân sự. Anh em
vừa thương, vừa cảm, vừa sợ.
Ai cũng mong cho ngày
chóng tắt, đêm mau sáng để được về. Đã ba tuần trong trại.
Mau thật. Còn một tuần nữa mới chẵn một tháng. Một tuần nữa
sao lâu quá. Bảy ngày thật quá dài đối với tâm trạng chung
của anh em. Bảy ngày nữa, anh em đoán, chắc sẽ được học rút
cho xong chương trình mà về với gia đình. Ba tuần đã qua
chẳng thấy học hành gì, chỉ thấy đi lao động, đào đất, giăng
hàng rào kẽm gai, đắp đường, cuốc đất, v.v. Anh em đoán
rằng, cách mạng sẽ cho về sớm trước một tuần, còn bài học
thì phát đem về nhà mà đọc, bởi ai cũng có trình độ học vấn
cao. Ngày qua ngày. Đúng đêm 13 tháng 7 là đã đúng một
tháng. Nhiều anh tin tưởng “Cách mạng trước sau như một”.
Chắc chắn đêm nay xe đến chở về. Đêm đó, hầu như cả 3 ngàn
người trong trại cải tạo đều không ngủ, cố thức để lắng tai
nghe tiếng xe, tiếng nổ máy của đoàn xe đến chở anh em về
với vợ, với con, về nơi căn nhà êm ấm, có giường nệm, có
nước tắm, có cơm ăn, có tự do, có giấc ngủ thoải mái. Gần
như toàn thể anh em đã thức, thức đến 12 giờ, 1 giờ, 2 giờ
khuya, có người thức đến sáng. Buổi sáng thấy mặt mũi anh em
bơ phờ. Người ta bảo nhau rằng, chắc cách mạng chưa thuê
được xe, thế nào chiều nay xe cũng đến. Đa số anh em đều cố
tin như vậy. Rồi đêm 14 tháng 7 anh em cũng thức trắng để
chờ. Nhiều người quả quyết rằng cách mạng trước sau như một,
hôm nay thế nào cũng sẽ được tha về. Rồi đêm 15 tháng 7, một
đêm im lặng, không một tiếng xe. Buổi sáng thức dậy, thấy
mặt mũi anh em càng bơ phờ hơn. Nhiều người vẫn còn tin
tưởng rằng, chắc còn một lý do nào đó bất khả kháng nào đó.
Có tin mới loan ra rằng, tuần sau anh em mới được về. Nhiều
anh em cho rằng chờ thêm một tuần nữa thì lâu quá. Có anh
buồn như muốn khóc. Một số anh em khác ra xem thiên văn,
thấy các vì sao dang chếch ánh sáng về hướng tây (hướng Sài
Gòn). Thế nào cũng được về nội trong ba hôm mà thôi. Anh em
lại phấn khởi và tin tưởng vô cùng. Nhóm thiên văn này ngày
nào cũng đưa ra một tin đầy hứa hẹn. Đẩy ngày về lùi xa
dần, xa dần. Nhưng tuyệt vọng quá, anh em cố tin tưởng, chỉ
nhóm thiên văn là những tay kỳ tài biết được vận chuyển kỳ
diệu của trời đất vạn vật.
Đêm đêm tiếng tắc kè vọng
lại lúc 9 giờ, khi tắt điện. Tiếng kêu khàn khàn vọng rất rõ
trên đồi cao: “Tắc kè.
Ực ực ực. Tắc kè, tắc kè...”
Anh em diễn âm là “Sắp
về, ứ ừ ừ, sắp về...”
Tiếng tắc kè làm anh em tràn đầy hy vọng. Sau lâu quá không
thấy được về, anh em diễn âm lại là “Đếch
về, ừ ừ, đếch về, đếch về...”
Rồi ngày tháng trôi qua, những tin đồn cứ mãi tung ra là thứ
Bảy tới sẽ đuợc về. Dù đã mất niềm tin, nhưng nhiều anh cũng
cố tự đánh lừa mình, đưa ra nhiều lý do rất chính đáng,
nhiều lập luận rất vững chắc, để kết luận rằng sẽ được về
trong tuần tới.
Một lần, có anh nói với đám bạn bè
cùng tổ cải tạo rằng, anh đã chuẩn bị cho gia đình trong sáu
tháng. Anh ước chừng sáu tháng thì may ra mới được về. Bạn
cùng tổ nổi giận, mắng chửi anh như tát nước. Họ gằn giọng
rằng: “Anh không tin tưởng vào chính sách đứng đắn của cách
mạng sao? Cách mạng trước sau như một. Quá lắm thì ở đây
chừng tháng rưỡi là cùng.” Anh bạn sợ quá, phải gượng cười
giả lả, mà xin lỗi bạn bè, rằng anh chỉ nói đùa chơi mà
thôi, xin anh em đừng sợ.
Sau đó, một tin mới khác
loan ra, làm nhiều anh em rầu thúi ruột. Tin cho biết rằng,
có một gã cán bộ, trong lúc vui miệng, tiết lộ với một chị
bên nhà giam nữ rằng, có lẽ một tháng nữa mới được về. Nhiều
chị ôm mặt khóc vùi: “Trời ơi, thế là chẵn hai tháng học
tập cải tạo ư? Sao lâu quá vậy? Làm sao chịu nổi! Các con
tôi ở nhà ai lo?” Các anh bên trại nam nghe tin đó cũng đã
thất vọng não nề. Để trấn an, có anh bảo rằng đừng nghe lời
của đàn bà, họ hay nói ẩu. Làm gì mà học tập đến hai tháng!
Phải chăng chúng ta mất nước một phần lớn là vì làm chính
trị mà quá ngây thơ, trong khi kẻ thù của chúng ta gian manh
lật lọng, quỷ khốc thần sầu.
Dù tù tội, đói khát, cực
nhọc nhưng một số lớn các anh lúc nào cũng tếu, trêu chọc
nhau cho khuây khỏa tháng ngày, đặt vè ngâm nga:
“Khi
đi vợ mới mang bầu
Về nhà con đã bạc đầu như cha.”
Hoặc:
“Bao giờ cọc sắt nở hoa
Bà Đen hết
đá thì ta mới về.”
Tràm Cà Mau
thiên sứ micae – thánh bổn mạng sđnd qlvnch
|
hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
nguồn: internet eMail by batkhuat nguyen chuyển
Đăng ngày Thứ
Tư, April 23, 2025
tkd. Khoá 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH