Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
Ký
Chủ đề:
Ngày QL–19T6/Nhớ về chiến
trường xưa
Tác giả:
Vương Mộng Long
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Chuyện ở đầu nguồn Da Dung...
Tôi
ngồi chen vai cùng 7 người lính Biệt Ðộng Quân khác trên sàn
chiếc trực thăng thứ nhì trong đội hình của 12 chiếc UH1D chở
quân tham chiến ngày hôm đó.
Dưới bụng con tàu là một dải bạt ngàn,
tre nứa màu xanh.
Chúng tôi đang bay trên vùng rừng già
của Cao Nguyên Bảo Lộc. Dưới kia là con sông Da Dung (Ðọc là: Ða
Dung) uốn mình qua một khúc quanh.
Ðoàn tàu lượn vòng vòng trong khi trực
thăng võ trang bắn phá ầm ầm để dọn bãi.
Từ tọa độ của bãi đáp này, con sông bắt
đầu có thêm cái tên mới là Ðồng Nai nằm kế cái tên Da Dung. Tên
Ðồng Nai còn đóng trong ngoặc đơn (Ðồng Nai).
Hai cái tên Da Dung và Ðồng Nai còn đeo
theo nhau trên một đoạn đường dài, tới địa phận ranh giới Trung
Phần và Nam Phần thì địa danh Da Dung biến mất, chỉ còn lại tên
Ðồng Nai thôi.
Chúng tôi đổ bộ trên một bãi cát ven bờ
Bắc.
Trên bản
đồ thì đây là một vạt cát trắng bất di dịch, nhưng trên thực tế
thì vào mùa mưa, bãi hẹp hơn mùa khô.
Hôm ấy là một ngày đầu tháng Tám, giữa
mùa mưa năm 1968, mực nước sông dâng cao, sắp tràn bờ.
Bên hướng Ðông bãi đáp là một dãy đồi
cao, rừng tre, dốc đứng.
Ðoàn quân 96 người dàn hàng ngang tiến
lên ngọn đồi gần nhất.
Tôi cứ leo lên được hai bước, thì lại
bị tụt xuống một bước; đường trơn như mỡ, đất đỏ quánh như hồ.
Chúng tôi yên tâm leo, vì tin tưởng vào
hỏa lực hùng hậu của 4 chiếc trực thăng vũ trang Cobras đang
“Bập!Bùng! Oành! Oành!” nổ ngay trước mặt.
Không lâu sau, chúng tôi làm chủ ngọn
đồi; trên đồi không có địch!
Chiếm xong ngọn đồi, để bảo đảm an
ninh, tôi liền cho một toán tiền sát thăm dò dấu vết địch dưới
con suối và ngọn đồi trước mặt. Vì nếu không mở rộng vòng đai an
ninh xa, có nhiều khi quân ta và quân địch nằm cách nhau chỉ vài
chục thước mà ta không hay.
Có những cấp chỉ huy ơ hờ không đề
phòng, cứ ngừng quân là hạ trại qua đêm liền, đâu ngờ trước đó,
địch đã ở sẵn sát bên. Tới khi bị địch tập kích bất ngờ thì không
tài nào trở tay kịp.
Sau khi ra lệnh cho Thiếu úy Ðặng Hữu
Duyên lo việc kiểm quân, tôi mồi một điếu thuốc Lucky rồi ngồi
xuống nghỉ.
Chợt từ phía hậu quân, tôi nghe léo nhéo: “Ông cho đếm lại đi!”
Tiếng Thiếu úy Duyên ra lệnh cho một vị trung đội trưởng.
Rồi tiếp đó: “Tụi mày ngồi im tại chỗ
để tau đếm. 1, 2, 3, 4, 5... Trình Thiếu úy mới có 23, thiếu 2
đứa!” Tiếng Thượng sĩ Nguyễn Lược, Trung đội phó, Trung đội 3.
Một phút sau: “Thiếu úy ơi! Thiếu thằng
Ðông và thằng Hậu.” Tiếng ông Lược.
“Ông cho anh em khói lửa đi! Tôi sẽ
trình với Trung úy phái người xuống kiếm 2 thằng này.” Tiếng ông
Duyên. (Khói lửa: nấu cơm, nấu bếp).
Anh Duyên trở về ban chỉ huy, nói nhỏ
với tôi:
– Tôi
kiểm quân rồi, cả đại đội thiếu 2 người, là thằng Ðông và thằng
Hậu của Trung đội 3.
Tôi ra lệnh:
– Ông cho toàn bộ Trung đội 3 quay lại
bãi đáp tìm 2 thằng đó ngay!
Nhận lệnh của tôi, cả Trung đội 3 vội
dẹp bếp núc, nồi niêu, nhanh chóng xuống đồi.
10 phút sau trong máy truyền tin có
tiếng Thượng sĩ Lược:
– Lạ quá! Thái Sơn xuống mà coi!
– Gì vậy?
– Thái Sơn xuống coi đi! Hình như 2
thằng này bỏ trốn chứ không phải đi lạc!
– Ủa? Chờ đó đi! Tôi xuống ngay!
Ðội mưa, tụt xuống dốc, chỉ mấy phút
sau tôi và 3 anh lính hộ tống đã tới bờ sông.
Trung đội 3 đang bố quân hướng cuối
nguồn. Thượng sĩ Lược đưa tay vẫy:
– Trung úy ơi! Lại đây!
Tôi tiến nhanh về phía ông Lược.
Vì có rừng cây cao che chở, nên mưa
chưa xóa mờ dấu chân giày in trên cát. Rõ ràng có 2 dấu giày đi
rừng, một lớn, một nhỏ, đè lên nhau nhắm hướng một ngọn đồi hướng
Tây Bắc của bãi đổ quân. Trong khi đó thì dấu chân của đơn vị tôi
lại quần nát cả một vùng rộng lớn trải dài từ bãi đáp trực thăng
tới chân ngọn đồi hướng Ðông Bắc.
Chắc chắn 2 anh lính này đã bỏ ngũ giữa
rừng già. Họ đi ngược đường của đơn vị.
Tôi ra dấu cho Trung đội 3 chia hai
cánh theo sát dấu giày phía trước. Tới chỗ chân dốc, tôi cho quân
ngừng lại.
Nơi
này còn cách Liên Tỉnh Lộ 8B gần 2 cây số.
Muốn tới Gia Nghĩa, Quảng Ðức, phải đi
qua một đoạn đường dài hơn 20 cây số nữa.
Con đường Liên Tỉnh Lộ 8B từ Gia Nghĩa,
Quảng Ðức đến Di Linh, Lâm Ðồng đã bị bỏ hoang lâu lắm rồi. Nếu 2
anh lính này mà mò ra đường chắc chắn sẽ gặp Việt cộng.
Tuy trong bụng tôi nghi 2 anh tân binh
này đã trốn đi, nhưng bắt buộc tôi phải cho Trung đội 3 ém quân
bên bãi đáp, phòng khi 2 anh này quay trở lại.
Trung đội 3 vào vùng kỳ này không có
trung đội trưởng, Chuẩn úy Ðinh Quang Biện bị sốt rét phải nằm
bệnh viện Ðà Lạt.
Ông Thượng sĩ già đành
phải thay ông Chuẩn úy trẻ để đảm nhận chức vụ chỉ huy.
Tôi nói với Thượng sĩ Lược:
– Ông cho anh em nằm trong bìa rừng.
Nếu có động tĩnh gì thì cho tôi hay.
Leo lên đồi, tôi báo chuyện này cho Ðại
úy tiểu đoàn trưởng. Tôi xin ông cho phép tôi tiến quân chậm lại
một vài ngày.
Sáng hôm sau, tôi cho lệnh Trung đội 3 bắn cầm chừng, vài ba phút
một viên về hướng Tây Bắc, hy vọng nghe tiếng súng, 2 anh tân
binh sẽ quay lại.
Một ngày dài qua đi, tôi không có tin
tức gì về 2 người lính mất tích.
Ngày tiếp theo, để bảo đảm an ninh vị
trí đóng quân, tôi ra lệnh cho Thiếu úy Duyên dẫn Trung đội 1 của
Thượng sĩ Ngọ và Trung đội 2 của Thiếu úy Vi tiến về hướng chính
Bắc để thăm dò tình hình địch trên hai ngọn đồi cao trước mặt.
Trung đội 1 và Trung đội 2 đi rồi,
Trung đội 3 còn ở dưới suối, nên trên đồi hiện giờ chỉ còn Trung
đội chỉ huy, với khẩu đội cối 60ly và 2 khẩu đội đại liên M60.
Phút chốc tôi cảm thấy ngọn đồi như
rộng thêm ra, tiếng thác đổ từ dưới chân đồi vọng lại nghe như rõ
hơn, gần hơn.
Tôi ngồi bên một bếp lửa hồng, mặt tôi nóng bừng bừng, nhưng lưng
tôi lại lạnh toát như đang có một cục nước đá trượt qua, trượt
lại dọc theo xương sống.
Suốt hai ngày dầm mưa, thêm một đêm
thức trắng, có lẽ tôi đã bị cảm mạo mất rồi!
Bỗng tôi nghe dưới bãi đáp có tiếng
súng nổ ran, rồi tiếng Thượng sĩ Lược trên tần số:
– Trình Thái Sơn! Tụi nó giả trang làm
Biệt Ðộng Quân! Thái Sơn coi chừng cẩn thận!
Nghe ông Lược nói, tôi chẳng hiểu gì
cả, nên gặng lại:
– Cái gì? Ai giả dạng? Có gì mà bắn phá
tùm lum dưới đó vậy?
– Dạ! Việt cộng nó giả dạng Biệt Ðộng
Quân! Chúng nó chui ra khỏi rừng bắn nhau với tụi tui mấy viên
rồi chạy mất!
– Kết quả ra sao?
– Dạ! Bên ta vô sự! Bên địch cũng... vô
sự!
– Thôi!
Cuốn gói về đây!
– Dạ!
Tôi gọi Y tá Ðức lên, xin mấy viên
thuốc cảm, rồi ngồi chờ ông Lược.
Chừng 15 phút sau thì Trung đội 3 về
tới vị trí trú quân.
Thượng sĩ Lược vừa thở, vừa tóm lược
chuyện xảy ra cho tôi nghe.
Thì ra sáng nay lính gác thấy thấp
thoáng bóng người xuất hiện nơi bìa rừng Tây Bắc bèn cho lệnh báo
động. Sau đó có tiếng la:
“Ðừng bắn! Tôi đi lạc, trở về! Ðừng
bắn!”
Cũng may
là, lúc đó Thượng sĩ Lược có mặt ở phòng tuyến ngoài, ông Lược
nhìn thấy 2 người mặc quần áo rằn ri, nhưng tay lại thủ súng
AK47, tiếng nói lại là giọng Bắc.
Ông Lược biết chắc chắn rằng, 2 anh tân
binh thất lạc là người Nam, không thể đổi thành giọng Bắc rặt như
thế được!
Rồi
ông đã có phản ứng thật nhanh. Tay ông bóp cò khẩu M16, miệng ông
la lớn:
– Việt
cộng! Bắn đi! Bắn đi! Anh em ơi!
Mấy anh lính trong trung đội, nghe
người chỉ huy la thất thanh ra lệnh bắn, nên vội ôm súng tác xạ
văng mạng, miệng cũng thét vang:
– Việt cộng! Việt cộng! Bắn! Bắn!
23 khẩu M16 liên thanh đua nhau nổ rền.
Tiếc thay! Quân của ông thượng sĩ già
phản ứng nhanh như vậy mà địch cũng chẳng chết thằng nào!
Ngày kế đó tôi cho Trung đội 2 của
Thiếu úy Vi thay thế Trung đội 3, tiếp tục phục kích các ngã
đường dẫn về bãi đáp, nhưng không phát giác động tĩnh gì.
Tôi báo cho tiểu đoàn biết chuyện địch
giả trang người của ta để đánh ta, và đề nghị ông tiểu đoàn
trưởng thông báo chuyện này cho các đơn vị bạn để đề phòng.
Quả nhiên 2 ngày sau, đại đội của Trung
úy Nguyễn Văn Cơ thuộc Tiểu Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân hoạt động cách
tôi 3 cây số về hướng Tây cũng bị địch giả dạng Biệt Ðộng Quân để
đột kích.
Vì
đã được thông báo đề phòng, nên quân bạn đã bắn chết ngay 2 tên
Việt cộng mặc quân phục rằn ri đi đầu, còn bọn giặc núp theo sau
cũng phải ùa nhau chạy bán mạng.
Kỳ hành quân này nhiệm vụ của đại đội
tôi là tìm và phá hủy các căn cứ tăng gia sản xuất của địch trong
rừng núi vùng 30 cây số Ðông Nam thị trấn Gia Nghĩa tỉnh Quảng
Ðức. Vì chuyện 2 người lính thất lạc mà mấy ngày nay, chúng tôi
cứ loanh quanh gần khu vực bãi đáp, không tiến lên được bước nào.
Tới ngày thứ năm tôi cho đơn vị nhổ neo
nhắm hướng chính Ðông.
Mục tiêu chúng tôi phải tới ngày hôm đó
có tên là “Bravo” điểm xa nhất trên phóng đồ hành quân trong tay
tôi. Bravo là làng Bích Khê nằm cách nơi tôi đạp đất gần 5 cây
số.
Qua một
cái thông thủy, chúng tôi leo lên một ngọn đồi, mặt đất thoai
thoải về Ðông Bắc, tre rừng đã bị phát quang, dọn thành từng
đống, sẵn sàng đốt để làm nương lúa lốc.
Như vậy những người chặt nương, phát
rẫy ở cách đây không xa. Vùng này không có dân, người khai nương
phải là cán binh trực thuộc 1 đơn vị tăng gia của địch.
Tôi bị cơn sốt rét rừng hành hạ gần 4
ngày rồi. Mặt tôi thì nóng phừng phừng, còn hai chân tôi lại nặng
như đeo chì. Tôi phải nhờ vào một cái gậy chống để bước đi không
bị lảo đảo.
Ngày nào Y tá Ðức cũng phải chích cho tôi một liều thuốc ký ninh
chống sốt rét cùng một mũi Calcium cho ấm phổi.
Dù đã cố gắng hết sức để chữa trị cho
tôi, nhưng chú Ðức bắt đầu nản lòng rồi; Ðức khuyên tôi xin máy
bay tải thương để về Bệnh Viện Ðà Lạt chữa bệnh.
Bình thường thì tôi đã nghe lời chú Ðức
rồi, nhưng với tình hình hiện giờ, đơn vị tôi có thể chạm trận
bất cứ lúc nào, nên tôi không dám xin tản thương mà để đại đội
lại cho người khác chỉ huy. Tôi hy vọng không có gì bất trắc xảy
ra trên đoạn đường từ đây cho tới Bravo. Tới Bravo sẽ không còn
bị rừng già che phủ, bớt sơn lam, chướng khí thì người bệnh sẽ dễ
thở hơn.
Chúng
tôi ẩn mình trong rừng để di chuyển.
Tới cuối dốc, tai tôi bỗng nghe tiếng
tre uốn, “Ken két! Rào rào!” như có bão.
Tiếng động không ào lên như cơn gió
lốc, mà di chuyển thành luồng, giống như có con trăn hay con
giồng khổng lồ đang uốn khúc lượn qua các ngọn tre.
Tôi cho anh em dừng lại, ghìm súng chờ.
Lần đầu thuộc cấp của tôi thấy tôi làm điều mà ít khi họ thấy,
tôi rút cây Colt 45 ra, quỳ gối, thủ thế sẵn sàng bóp cò!
Rồi thì, “Vèo! Vèo! Ào! Ào!” trên ngọn
tre có những vật đen bay từ cây này sang cây khác.
Mỗi vật đen to bằng cái ba–lô mang vai
của lính.
Hóa
ra đó là một đàn vượn rừng. Chúng di chuyển bằng cách đu mình
theo đà nhún của những cây tre.
Thân tre oằn xuống, rồi tưng lên, cành
tre đập vào nhau nghe, “Ken két! Rào! Rào!” từng đợt.
Khi đu mình ngang chỗ đoàn quân đang
núp dưới gốc tre, lũ vượn phát giác ra sự hiện diện của con
người, chúng kêu lên, “Khẹc! Khẹc! Chí! Chí! Oé! Oé!” báo động
cho nhau, rồi rẽ sang hướng khác.
Bất thình lình, từ ống liên hợp của máy
truyền tin PRC–25 phát ra tiếng kêu:
“Thái Sơn đây Linh Hồ gọi!”
Trong máy, ai đó tự nhiên xuống giọng ở
cuối câu, khiến cho hai tiếng “Linh Hồ” nghe giống như “Linh
Hồn”.
“Thái
Sơn! Ðây Linh Hồn gọi!”
Tôi thót bụng.
Trời đất!
Bộ chỉ huy tiểu đoàn gọi tôi vào đúng
lúc tôi đang “lên ruột”.
Những khi tinh thần căng thẳng như thế
này mà nghe ba tiếng “Linh Hồn gọi!” thấy ớn quá!
Mấy ông thảo ra đặc lệnh truyền tin
không chịu để ý tới ảnh hưởng tâm lý khi người nghe đang ở trong
vị thế chuẩn bị đánh nhau.
Sắp sửa đánh nhau, sắp sửa nổ súng, mà
nghe “Linh Hồn gọi” thì sợ lắm!
Sao các ông ấy không đặt cho tiểu đoàn
tôi cái tên “Giao Linh” hay “Chế Linh” có phải là dễ nghe hơn, đỡ
sợ hơn không?
Khi biết người đầu máy bên kia là sĩ quan Ban 3 tiểu đoàn; anh
bạn này cùng khóa với tôi; tôi cằn nhằn:
– Mày nói với Hoàng Mai bỏ cái tên
“Linh Hồ” đi! Tao nghe “Linh Hồ gọi” mà cứ tưởng là “Linh Hồn
gọi” tao ớn quá! (Hoàng Mai là danh hiệu của ông tiểu đoàn
trưởng)
Anh
bạn tôi cười hì hì:
– Ừ! Ðể tao nói với Hoàng Mai cho đổi
tên ngay tối nay theo yêu cầu của mày. Còn bây giờ thì nghe đây:
Nội nhật ngày mai mày phải có mặt trên Bravo. Mày trễ mất 3 ngày
rồi đó!
Tôi
nói:
– Yên chí
đi! Chiều nay tao sẽ có mặt trên mục tiêu.
– Mày có cần tiền oanh kích thì tao xin
cho mày ngay.
– Không cần! Tao biết, chỉ 15, 20 phút sau khi chạm địch, mình đã
có Cobra rồi.
Sau khi vượt qua một con suối sâu tới bụng và một cái dốc đứng,
chúng tôi đặt chân lên một bình nguyên cỏ tranh. Cuối bãi, dưới
dốc là một buôn Thượng đã bỏ hoang nằm bên phải cây cầu gãy trên
Liên Tỉnh Lộ 8B.
Từ buôn Thượng này đi theo liên tỉnh lộ
chừng 1 cây số nữa về hướng Ðông Nam thì tới Bích Khê.
Tôi dàn quân trên cao, sẵn sàng yểm trợ
cho Trung đội 2 thám sát cái buôn Thượng.
Sau khi lục soát kỹ buôn Thượng này,
tôi cho lệnh Trung đội 2 chốt giữ nơi đó luôn, nhưng tuyệt đối
cấm đốt khói và gây tiếng động.
Thành phần còn lại của đại đội lập tức
dàn hàng tiến theo trục lộ. Ðường Liên Tỉnh 8B đi xuyên qua thôn
Bích Khê.
Khi
họp hành quân chúng tôi được Ban 2 liên đoàn cho biết, thời Cụ
Diệm làng Bích Khê là một khu dinh điền trù phú, nay thì nó đã bị
bỏ hoang lâu rồi.
Làng Bích Khê này tọa lạc trên đỉnh một
ngọn đồi. Từ đỉnh đồi, tôi có thể nhìn bao quát một vùng xa.
Phong cảnh ở đây thật là tuyệt đẹp!
Hướng Ðông, con đường đổ xuống một
thung lũng rộng; hướng Nam là dốc đứng; hướng Bắc có con suối lớn
và sâu bao quanh.
Nhìn con suối xanh biếc chảy xiết trong
cái thung lũng cũng là một đồng cỏ xanh bạt ngàn, tôi chợt hiểu,
vì sao người ta đặt tên cho cái làng này là “Bích Khê”. Bích Khê
có nghĩa là “Suối Biếc”.
Dưới kia, suối biếc bắt nguồn từ một
cái hồ ngợp bóng chim đang săn cá. Mặt hồ gợn sóng lăn tăn.
Nhìn qua cấu trúc của làng Bích Khê,
tôi đoán chừng xưa kia làng này là một Ấp Chiến Lược 5 cạnh có
hàng rào bằng tre đực.
Nay Bích Khê đã thực sự điêu tàn. Di
tích văn minh thời Ðệ Nhất Cộng Hòa còn lại là dăm gốc xoài, gốc
ổi bên mấy cái nền nhà cũ.
Không những vườn tược trong thôn đã
thành rừng um tùm, trên mặt liên tỉnh lộ cũng đã có nhiều cây
loại thân mộc mọc cao.
Ðáng ngại nhất là con đường mòn chạy từ
Tây Nam lên Ðông Bắc, xuyên qua ngay giữa làng. Ðường mòn này
đang được sử dụng thường xuyên nên cỏ không mọc nổi.
Vô tình, con đường mòn này và đường
Liên Tỉnh 8B đã giao nhau, cắt Bích Khê Thôn thành 4 mảnh.
Về hướng Bắc thì con đường đâm xuống
suối.
Về hướng
Nam, con đường chui vào cái khe giữa hai ngọn đồi có cao độ tương
đương với cao độ của làng Bích Khê; hướng Tây của hai ngọn đồi đó
là một vùng ao hồ và đầm lầy.
Nhìn địa thế này, tôi chợt nảy ra một ý
định mới, thay vì cho đặt một toán tiền đồn báo động trên ngọn
đồi hướng Nam, tôi thay bằng một ổ phục kích ngay chân con dốc
ngoài rào ấp chiến lược Bích Khê.
3 người được tôi giao trọng trách làm
công tác phục kích ngày hôm đó là 3 tay súng cự phách của đại
đội: Hạ sĩ 1 Nguyễn Lác, người nấu cơm của Thiếu úy Duyên, cùng 2
anh lính cật ruột của tôi là Hạ sĩ Nguyễn Phượng Hoàng và Binh 1
Phạm Công Cường.
Tôi đã đích thân đi cùng 1 tiểu đội hộ
tống 3 người này vào vị trí tác chiến xong xuôi rồi chúng tôi mới
rút về.
Thế
rồi, xế trưa hôm sau súng nổ, và chuyện được 3 anh lính đi phục
kích về kể lại...
Ðịch có khoảng 10 tên. Một khinh binh
ôm AK47 đi đầu. Phía dưới dốc, đằng sau nó là một đoàn bộ đội vừa
đi vừa trò chuyện râm ran.
Tới đầu dốc, đột nhiên tên khinh binh
ngừng lại, dò dẫm từng bước. Rồi nó thận trọng ngồi xuống, giơ
tay ra dấu cho toán Việt cộng đi sau đừng vội tiến lên.
Mặt trời mùa này nằm chếch về hướng Tây
Nam, tên địch cũng tiến tới từ hướng Tây Nam, mặt trời ở sau lưng
nó.
Thằng Việt
cộng đi mở đường đã nhìn thấy một sợi dây cước phản chiếu ánh mặt
trời, sáng lấp lánh căng ngang đường. Sợi dây cước này nối chốt
nổ của 2 cái bẫy sáng do Hạ sĩ Lác đã gài!
Chắc thằng Việt cộng rất ngạc nhiên khi
thấy giữa rừng già có một sợi cước câu cá! Chắc nó dừng lại vì
nghi ngại trước mặt nó có một cái bẫy mìn hay lựu đạn.
“Ðoàng! Ðoàng!”
Tên Việt cộng đang lom khom, bị 2 viên
đạn bắn vỡ đầu, ngã ngửa về đằng sau.
Những tên đi sau vội ù té chạy.
“Ðùng! Ðùng! Ðùng!”
3 khẩu M16 đua nhau bắn. Góc bắn hơi
cao, nên không có tên địch nào chết thêm. Trên đường mòn có 2 cái
ba–lô bị rớt lại...
Tôi có sẵn một hỏa tập tiên liệu ngay
cái khe giữa hai đỉnh đồi hướng Nam.
Thời gian này đạn dược thừa mứa, muốn
bắn bao nhiêu cũng có. Một pháo đội Hoa Kỳ nhanh chóng đáp lời
tôi yêu cầu, tưới gần 100 trái đạn đại bác 105ly trên tọa độ.
Tôi nghĩ rằng, đang chạy bán sống, bán
chết, mà bị một trận mưa pháo dội lên đầu thì những tên giặc dù
có thoát chết thì cũng sợ tới ướt quần mất!
Tôi bắt đầu buổi chiều ngày thứ nhì ở
Bích Khê bằng một cơn sốt cao.
Trên cái nền nhà cũ, tôi ngồi thu mình
trong chiếc poncho line, cả người nóng bừng bừng. Xưa nay tôi cứ
cho rằng khi đau đớn mà phát ra tiếng rên thì mắc cỡ lắm. Ðau mà
rên là hèn, là thỏ đế.
Ngày Mùng 1 Tết Mậu Thân, dù bị Việt
cộng bắn lủng ngực, tôi cũng không rên.
Ấy vậy mà hôm nay, tôi giơ cả hai tay
bịt miệng, bịt mũi lại, mà vẫn không ngăn được những tiếng “Hừ!
Hừ! Hừ!”
Bệnh
sốt rét rừng quả là vô cùng lợi hại! Tôi thường tự hào là một tay
đi rừng cự phách mà cũng bị mấy con vi trùng nhỏ tí ti, nhỏ hơn
cả cái đầu kim, quật ngã phải nằm run bần bật.
Trung đội 3 của Thượng sĩ Lược trấn giữ
mặt Bắc, đồng thời chốt ngay đầu cây cầu khỉ bắc ngang con suối.
Mặt trời vừa gác núi thì ông Lược lò dò từ dưới dốc leo lên, tay
xách một con cá lóc dài cỡ hai gang tay. Ông ta giao con cá cho
Hạ sĩ Thọ, người nấu cơm cho tôi:
– Tụi nó cắm câu được con cá lóc này.
Mày đem nấu cháo để Thái Sơn ăn cho dã cảm. Nhớ cho nhiều tiêu
vào! Cho ổng ăn cháo thật nóng để ra mồ hôi mới bớt được.
Sau khi gắng ăn một bát cháo nóng, tôi
trùm thêm cái poncho đi mưa che kín từ đầu tới chân. Chỉ vài phút
sau thì cả người tôi ướt đẫm mồ hôi giống như người đang tắm hơi.
Những tưởng mồ hôi thông thương thì
bệnh tình của tôi sẽ bớt, nào ngờ vừa lau người xong, tôi bỗng
lạnh run; tôi không bị cơn sốt nóng hành hạ nữa, mà ngược lại,
tôi khốn khổ vì bị rét.
Y tá Ðào của Trung đội 3 mon men tới
bên tôi, anh ta rụt rè:
– Thái Sơn bị lờn thuốc ký ninh rồi!
“Chích” hoài không khỏi thì Thái Sơn cho em “châm” cho ông thầy,
thử xem có khá không nhé!
Tôi thắc mắc:
– Châm là cái gì vậy?
– Dạ! Châm cứu ấy mà! Em biết châm cứu!
Ðể em châm cho Thái Sơn nhé!
Lúc này thì tai tôi đã bị ù, mắt tôi
nhìn chỗ nào cũng thấy sao sáng nhấp nháy, chớp chớp. Thôi thì,
cũng đành liều... Tôi nằm sấp trên cái poncho, để mặc cho chú Ðào
tự do thoải mái dùng kim muốn châm chỗ nào thì châm. Tiếp theo
màn châm cứu, chú Ðào quay qua nghề giác hơi. Sau màn giác hơi là
mục xoa dầu Nhị Thiên Ðường. Hạ sĩ Ðào vận hết sức vào hai bàn
tay, vừa xoa vừa véo trên da lưng tôi liên tục. Tôi thấy da lưng
mình có vẻ còn dày hơn da trâu! Mặc cho Y tá Ðào bấu, véo, vặn
vẹo, cách nào tôi cũng không thấy đau. Kỳ diệu thay! Sau khi xoa
hết hai chai dầu Nhị Thiên Ðường thì tôi... hết sốt rét! Còn anh
Y tá Ðào thì ngồi phờ người, như đã kiệt lực.
Ông Lược ngồi cạnh Y tá Ðào, chợt phát
thanh:
– Thằng
Ðào giỏi quá ta! Nếu biết nó chữa được sốt rét thì Chuẩn úy Biện
đâu cần đi nằm nhà thương, tui đâu có phải vất vả chỉ huy trung
đội!
Hạ sĩ Thọ
cười:
–
“Thượng sĩ Tía” nhớ con rể rồi hả?
Nghe Hạ sĩ Thọ chọc quê, ông già cự
liền:
– Cái
thằng này chỉ hay nói bậy!
Tôi nghe ông Lược mạnh miệng nói vậy
nhưng tôi nghĩ rằng, có lẽ lúc này trong lòng ông già cũng đang
nhớ người chỉ huy trẻ tuổi của ông lắm.
Chuyện nhớ nhung này duyên cớ cũng bình
thường...
Vào
một ngày tháng Sáu vừa qua, có chiếc xe đò chạy đường Sài Gòn Ðà
Lạt ngừng bên phía đối diện xưởng cưa Ðức Trọng. Một cô nữ sinh
áo dài trắng, tay xách cái giỏ mây, bước xuống, nhìn trước, nhìn
sau, rồi băng qua lộ. Tới vọng gác bên cổng, cô nhỏ nhẹ hỏi 2 ông
lính:
– Hai
chú làm ơn cho hỏi, có phải Ðại Ðội 1/11 đóng quân ở đây không?
– Phải! Cô cần gì?
– Dạ! Em muốn gặp ông chỉ huy ở đây để
xin phép thăm người nhà.
Anh lính gác gọi lớn:
– Chuẩn úy ơi có người cần gặp!
Trung đội 3 là đơn vị trực gác ngày hôm
đó, Chuẩn úy trung đội trưởng Ðinh Quang Biện vội chui ra khỏi
lều:
– Thưa cô
cần gặp ai?
–
Dạ! Em muốn gặp “Tía”!
– Ðể tôi gọi ổng ra cho cô nhé!
– Dạ!
Anh sĩ quan trẻ quay mặt về hướng mấy
cái bếp lộ thiên đang bốc khói nghi ngút bên rào rồi bắc loa tay
gọi:
– Ông Tía
ơi! Ông Tía ơi!
Cô bé vội níu tay anh chuẩn úy người
Bắc:
– Tía là
bố đó! Bố em tên là Lược!
– Vậy là Thượng sĩ Lược! Ðại đội này
chỉ có một ông tên là Lược!
Lại bắc loa tay:
– Ông Lược ơi! Ra đây ngay! Có người
nhà tới thăm!
Thượng sĩ Lược đang ngồi đánh cờ tướng với Hạ sĩ Ðào, ông đang ở
vào thế hạ phong, nghe tiếng người gọi tên, ông mừng quá, vội
vàng xóa bàn cờ đứng lên:
– Chuẩn úy chờ chút! Tôi ra liền!
Y tá Ðào cằn nhằn:
– Ông già sắp bị chiếu bí rồi! Sao
không để xong việc tiếp người nhà, thì mình đánh tiếp, mà lại xóa
bàn cờ đi! Bộ ông tính ăn gian sao?
Trưa hôm đó, trong cái nhà kho lớn, có
mái lợp tôn, nhưng không có vách, dùng để chứa ván, nơi ông chủ
xưởng cưa dành cho gia đình binh sĩ của Ðại Ðội 1/11 tới thăm
chồng con ở nhờ, có 3 người ngồi ăn cơm bên nhau, trông họ giống
như gia đình một nhà, gồm ông bố và 2 đứa con, một trai, một gái.
Ðại đội tôi thời gian này có 4 sĩ quan,
vậy mà ông Thượng sĩ Nguyễn Lược chỉ mời một mình Chuẩn úy Ðinh
Quang Biện ngồi ăn cơm chung với ái nữ của ông ấy. Thật là chẳng
công bằng chút nào!
Cơm nước xong, ông Lược lên ban chỉ huy
mời tôi và Thiếu úy Duyên xuống nhà kho uống nước trà và giới
thiệu cô con gái của ông:
– Nhỏ này là bé Hai trong nhà tôi. Năm
nay nó học Ðệ Nhị. Nó nhớ tía quá nên vội chạy lên đây thăm tôi,
chiều nó về lại Sài Gòn.
Sau khi rót đầy hai bát trà để trên
bàn, cô gái nhỏ nhẹ:
– Cháu mời hai chú uống trà.
Chỉ qua vài phút tiếp xúc, tôi đã nhận
ra rằng, cô con gái của ông Lược có thể coi như đại diện cho nét
đẹp của gái Hậu Giang. Cô ấy ăn nói thật nhẹ nhàng, và thật dịu
dàng. Cô có mái tóc thề ngang vai, đôi mắt nhung huyền. Cô có nụ
cười hiền hòa, đôn hậu, trên khuôn mặt trái xoan với làn da trắng
hồng đặc biệt của những người con gái xứ Nha Mân.
Vì nghe ông Lược nói rằng cô bé chỉ có
vài giờ thăm cha rồi phải về Sài Gòn ngay, nên tôi và anh Duyên
giữ ý, chỉ ngồi chơi một lúc cho có lệ, rồi rút lui cho cha con
người ta tâm sự với nhau.
Cô nữ sinh con ông trung đội phó Trung
đội 3 cứ bịn rịn mãi bên ông bố tới chiều mới chịu lên chuyến xe
đò cuối cùng trong ngày để xuôi Nam.
Trước khi lên xe, cô nhắn ông bố:
– Tía cho con gửi lời cám ơn anh chuẩn
úy người Bắc ở cùng trung đội với Tía nhé! Trông mặt anh ấy thấy
ngồ ngộ quá Tía à!
Từ ấy, ông Thượng sĩ trung đội phó
Trung đội 3 mang thêm cái tên phụ là “Thượng sĩ Tía” của Ðại Ðội
1/11 Biệt Ðộng Quân. Từ ấy trong đơn vị, ông thượng sĩ già được
nhiều người thương hơn, nhiều người kính nể hơn, đặc biệt là các
chàng trẻ tuổi độc thân.
Tôi nghe anh em bàn tán rằng, người
được Thượng sĩ Tía có cảm tình nhứt chính là anh chuẩn úy người
Bắc mặt trông “ngồ ngộ” tên là Ðinh Quang Biện.
Trú quân trong Bích Khê Thôn được 2
ngày thì tôi nhận lệnh chuyển quân sang một bãi đáp khác. Chúng
tôi lên tàu ở cuối làng Bích Khê và nhảy xuống một bãi trống cách
bến Kinh Ðà nửa cây số về hướng Tây.
Kinh Ðà là tên Thượng, tên chữ của làng
này là Kinh Ðức, nơi đây chỉ cách làng Bích Khê hơn 10 cây số.
Ðại Ðội 4 và bộ chỉ huy tiểu đoàn đã xuống bãi này trước tôi nửa
giờ. Họ sẽ đóng tại đây giữ lưng cho tôi tiến lên phía trước. Ông
tiểu đoàn trưởng trao cho tôi cái phóng đồ mới và lệnh hành quân
mới. Ðại khái nhiệm vụ của tôi vẫn là tìm và triệt phá các khu
sản xuất và trạm giao liên của địch.
Ngay trên bãi đáp là một đường voi thồ
rộng cỡ 2 thước, dấu xe đạp chở hàng đè lên nhau chằng chịt còn
rất mới trên mặt đường. Rời bãi, tôi dẫn quân xuống một cái thông
thủy cạn. Theo đường xe thồ, chúng tôi tiến về bờ sông. Chúng tôi
rời điểm đổ bộ được một đoạn đường xa chừng 2 cây số thì chợt
trước mặt tôi có tiếng gà gáy “Te! Te! Te!”
Thiếu úy Duyên đi sau, vội nhấn bước
tới, hớn hở kéo áo tôi:
– Thái Sơn ơi! Có tiếng gà rừng gáy!
Anh cho phép tôi bắn một con làm nồi cháo nghen!
Tôi lắc đầu:
– Khoan đã! Gà rừng gáy thì mình chỉ
nghe “Te! Te!” ngắn ngủn thôi! Còn tiếng gáy của đàn gà này vừa
thanh, vừa cao, vừa dài, chắc là gà nhà, gà nuôi, không phải gà
rừng. Tôi ra lệnh cho đơn vị ngừng lại, bố trí hai bên đường chờ.
Một toán thám sát được gửi lên phía trước, toán phát giác bên
trái đường có một khu vườn, với hai ba mái tranh và một sân đất
rộng.
Nhiệm vụ
tấn kích được giao cho Thiếu úy Duyên và Trung đội 1.
“Ðùng! Ðùng! Ðùng!” – “Ðoàng! Ðoàng!
Ðoàng!” Hơn 20 tay súng dàn hàng ngang vừa bắn vừa phóng vào sân
cỏ.
7, 8 cán
binh Việt cộng từ trong căn nhà tranh lớn nhất chạy ra, 4 tên bị
hạ, một tên nhanh chân phóng qua đường xe be rồi nhảy ùm xuống
sông, những tên còn lại lao vào rừng, biến mất.
Căn nhà tranh này là khu nhà bếp và nhà
ăn tập thể. Giờ này bọn chúng đang quây quần chuẩn bị ăn cơm trưa
nên cổng trước, cổng sau không có người canh gác. Ðàn gà đang ăn
trong sân vung cánh bay loạn xạ, cùng với tiếng gà kêu “Quang
quác!” Trong rừng hình như có tiếng “Éc! Éc!” của mấy con heo
đang cắm đầu chạy trốn.
Chiến lợi phẩm tịch thu được hôm đó là
3 khẩu súng trường Mas 36, 4 khẩu AK 47 cùng 5,6 quả lựu đạn
chày. Ngoài ra chúng tôi còn nhặt được một quyển sổ ghi số lượng
chi thu lúa gạo, đạn dược của huyện đội Di Linh Việt cộng. Toán
quân xung phong cũng hạ được 9, 10 con gà. Thượng sĩ Ngọ dành cho
tôi và Thiếu úy Duyên con gà trống to nhất.
Tôi báo cáo cho tiểu đoàn biết kết quả
cuộc tấn kích, đồng thời đề nghị tiểu đoàn chấp thuận cho đại đội
tôi ngủ qua đêm tại đây sau khi mở rộng vùng kiểm soát để truy
kích những tên địch đang đào thoát.
Chưa tới nửa giờ sau, qua máy vô tuyến
tôi đã nhận được lời nhắn: “Bạch Mai gửi lời khen ngợi Thái Sơn
và các anh em chiến sĩ thuộc Ðại Ðội 1/11” (Bạch Mai: Trung tá
liên đoàn trưởng).
Ðể đề phòng những tên địch sống sót có
thể quay về dọ thám tình hình, tôi cho các trung đội luân phiên
tuần tra vòng quanh khu vực một cách liên tục từ trưa cho tới
chiều. Tới chiều, tôi cho đóng 5 cái chốt chặn với bẫy sáng và
lựu đạn gài đầy đủ để bảo đảm an ninh cho vị trí đóng quân đêm
của đơn vị. Nắng chiều xế tà, mấy con gà mon men về sân. Chưa có
lệnh của tôi, không ai dám bắn chúng.
Thượng sĩ Ngọ đề nghị với tôi:
– Thái Sơn đừng cho ai bắn. Cứ để đó,
tối nay tôi sẽ bắt hết tụi gà này!
Sau đó ông Ngọ xúc 2, 3 ca thóc trong
kho của địch ra, rồi vãi thóc đầy sân. Ðàn gà ngây thơ, vô tội
“Cục! Cục! Cục!” lớn tiếng gọi nhau về tụ họp trong vườn. Anh
chàng Hạ sĩ 1 Lác tìm được hũ rượu mà tụi cán binh đang ủ, anh ta
lôi ra chắt hết rượu vào cái nón sắt, sau đó anh đem bỗng rượu
(bã rượu) đổ vào cái nồi nấu cám heo. Lác cho thêm vào nồi 2 gói
cơm sấy và một rổ thân cây chuối xắt lát rồi nổi lửa, hì hục nấu
cám heo. Cám heo được đổ vào cái máng đan bằng tre để trong
chuồng. Mùi cám heo bốc lên thơm lừng bay trong rừng. 2 con heo
đánh hơi thấy mùi cám nóng thì ủn ỉn rủ nhau về chuồng.
Thế rồi đêm đen buông xuống, cùng với
tiếng heo kêu, rồi tiếng gà kêu. Không rõ ông Ngọ và anh Lác làm
cách gì mà bắt gà, bắt heo, gọn gàng, nhanh nhẹn thế! Hai con heo
to bị trói nằm trên sàn bếp kêu “Eng éc!” Gần 20 con gà vừa trống
vừa mái cũng bị trói chặt nằm bên nhau, con này chúi đầu vào dưới
cánh của con kia rồi há mỏ, “Ục! Ục! Ục!” chờ người ta cắt cổ.
Vài phút sau thì 2 bó đuốc bằng nứa khô
được đốt lên giữa sân cỏ soi sáng liên tục. Trong bếp có tiếng
mài dao, rồi có tiếng heo rít lên, “É! É! É” thật là thảm thiết
vì bị thọc huyết; những con gà thì chết nhanh hơn và âm thầm hơn.
Chưa tới 10 khuya thì các trung đội đã chia nhau đồng đều số gà
và những miếng thịt heo. Tôi nói Thiếu úy Duyên dành ra một cái
đùi heo tặng ông tiểu đoàn trưởng, và một con gà trống đã làm
lông sạch sẽ để dành cho thằng bạn cùng khóa của tôi đang là sĩ
quan Ban 3 của tiểu đoàn.
Ðúng là “Buồn ngủ mà gặp chiếu manh!”
Còn 2 ngày nữa mới tới kỳ tái tiếp tế, chúng tôi đã hết đồ ăn,
hết thuốc lá. Cái nông trại này của Việt cộng có đủ cả, gạo lức,
heo, gà, chuối, ổi, ớt và rau cỏ, lại thêm 3, 4 giàn treo thuốc
lá phơi khô trên nóc bếp.
Sau này, nhân lúc rảnh rỗi tôi có thắc
mắc hỏi ông Thượng sĩ Ngọ:
– Bác có bí quyết gì bắt heo, bắt gà,
mà chúng nó không kêu?
Tôi ngẩn người, ngạc nhiên khi nghe ông
Ngọ tình thực trả lời:
– Nào có gì khó đâu Trung úy! Ban đêm,
chỉ cần một cục mắm tôm hay mắm ruốc to bằng đầu ngón chân cái,
bóp nát ra, thêm chút nước, rồi xoa mắm cho kín hai bàn tay tới
khuỷu tay là mấy con gà, con heo không đánh hơi được mình, mình
nắm cẳng, nắm cổ nó là xong. Ông Ngọ còn cho tôi hay, nếu dùng
mắm tôm, mắm ruốc trải trên đường, ta có thể làm cho những con
chó săn mất thính giác để theo dõi. Nghe xong tôi cũng tin, nhưng
chưa có dịp nào thí nghiệm xem kết quả thực tế sẽ như thế nào.
Gần trưa hôm sau chúng tôi lại lên đường, sau khi cho người đem
“quà tặng” cho Hoàng Mai và Thẩm Quyền 12, tức là anh sĩ quan Ban
3 tiểu đoàn. Nhận được con gà trống và cái đùi heo, ông tiểu đoàn
trưởng và anh sĩ quan Ban 3 cám ơn rối rít.
50 năm sau, người nhận được con gà đang
cư ngụ ở Massachusetts, USA, còn nhớ chuyện này, còn người nhận
được cái đùi heo, đang ở California, USA thì quên mất rồi!
Thiếu úy Duyên và Trung đội 1 làm công
tác đoạn hậu, có nhiệm vụ đốt trụi 3 cái nhà tranh của toán dân
quân tăng gia sản xuất Việt cộng trước khi rời vị trí. Chúng tôi
vẫn đi theo đường xe thồ cặp bờ sông. Bên phải đường là dòng nước
đục ngầu, bên trái đường là rừng tre rậm rạp. Thêm 2 cây số về
hướng Tây Nam, tới chỗ ghềnh đá, nước chảy xiết, sùi bọt trắng
xóa, khoảng cách giữa đôi bờ bị hẹp lại thì xuất hiện một cái cầu
treo. Cầu có 4 dây bện bằng mây. Cầu được cột chặt vào thân 4 cây
cổ thụ loại gỗ mộc nơi hai bờ. Sàn cầu được đan bằng nẹp tre đực,
nên rất vững chắc, xe đạp thồ có thể qua cầu không khó khăn.
Tôi tính ra lệnh chặt dây cầu, xong kịp
nghĩ lại:
“Mình cứ phục ở đây. Biết đâu lại gặp món hời!”
Ngay lập tức tôi cho chốt chặn hai đầu
trục tiến quân. Sau đó tôi đặt một khẩu đại liên M60 đạn lên nòng
sẵn sàng, nhắm ngay giữa lòng cầu; bất cứ ai bước lên sàn cầu
chắc chắn sẽ chết. Gần 3 giờ chiều, tôi nghe bờ đối diện có tiếng
tù và, “Ù! U! Ù! U!...” cùng bóng người ẩn hiện. Không biết trả
lời cách nào, tôi đành ra dấu cho anh em ngồi im. 5 phút sau, có
lẽ không nghe bờ bên này đáp trả, bờ bên kia lại phát ra 3 tiếng
súng, “Tóc! Tóc! Tóc!”
Chúng tôi vẫn ngồi im.
Hình như bên kia suối có người bắt đầu
đi lên cầu. Có bóng một người, rồi 2, rồi 3... Phút sau chúng tôi
nhìn thấy rõ, 3 người đi đầu mặc đồ xanh bộ đội, thủ súng ngang
hông. Theo sau 3 tên bộ đội một quãng là một chiếc xe đạp thồ
chất hàng cao nghệu, với một người dắt đằng trước và một người
đẩy đằng sau. Sau lưng chiếc xe thồ còn 2 người súng vác vai. Khi
đoàn người tới đoạn giữa của cây cầu, sức nặng và gió lộng khiến
cho cây cầu chao qua chao lại giống như con đò gặp sóng trên
sông.
Tôi vỗ
tay vào nón sắt của Hạ sĩ Lưu Sanh ra hiệu khai hỏa, “Cành! Cành!
Cành!” Những khẩu M16 của tiểu đội cận vệ đại đội trưởng cũng
“Ðùng! Ðùng! Ðùng!” bắn tiếp tay. Tất cả cán binh đang di chuyển
trên sàn cầu đều trúng đạn gục xuống, chắc chắn có vài tên đã bị
bắn xuyên táo. Không lâu sau từ bờ bên kia có nhiều tràng AK bắn
trả lại. Một hỏa tập pháo binh đã sẵn sàng bắn phủ trùm khu rừng
sát đầu cầu, bên kia sông.
Tôi gọi ông Thượng sĩ thường vụ đại đội
lên, giao việc cho ông ấy nhanh chóng chặt đứt 4 sợi dây cầu. Chỉ
một phút sau, một đầu cầu rớt xuống lòng thác cuồn cuộn. Những
vật nặng trên mặt cầu lập tức bị nước cuốn đi. Cây cầu cứ tưng
tưng nhảy trên mặt sóng rồi đập vào ghềnh đá. Mặt trời lặn xuống
từ từ...
Sáng
ngày thứ mười của cuộc hành quân, tôi nhận lệnh tìm bãi để trực
thăng Hoa Kỳ sẽ tới bốc đại đội tôi về Di Linh. Chúng tôi ngồi
chờ dài người tới trưa mới nghe tiếng máy bay “Bạch! Bạch! Bạch!”
Trên máy truyền tin là giọng một người
lạ:
– Thái Sơn
đây Phong Vũ.
– Thái Sơn nghe! Phong Vũ là ai vậy?
– Vũ Bình Chính đây! Có lệnh của Bạch
Mai cho cả gia đình bạn nhổ neo về sân vận động Di Linh nhận tái
tiếp tế rồi ứng chiến tại đó!
Thì ra người vừa gọi tôi là Trung úy Vũ
Bình Chính. Anh Chính là bạn cùng Khóa 20 Võ Bị của tôi, anh ta
mới đáo nhậm liên đoàn, giữ chức sĩ quan không trợ. Chừng 10 phút
sau, một hợp đoàn trực thăng Mỹ tới bốc chúng tôi rời vùng. Tôi
đi trên chiếc trực thăng chót, với toán lính sau cùng.
Vừa đạp chân xuống đất Di Linh, tôi lại
nghe:
– Thái
Sơn chờ trên bãi, tôi sẽ đón bạn đi gặp Bạch Mai ngay.
Tôi chưa kịp dặn dò Thiếu úy Duyên
những công việc cần phải làm thì chiếc C&C đã đáp; tôi leo lên;
con tàu bay ngược vào rừng. Thì ra bộ chỉ huy liên đoàn cũng đang
ở trong rừng, nhưng đóng quân với một pháo đội Hoa Kỳ trên ngọn
đồi nhỏ nằm sát Tỉnh Lộ 8B. Nơi đây cách xa bến phà Kinh Ðà chừng
4 cây số.
Vì
tiếng động cơ máy bay rất ồn nên Chính phải ghé sát tai tôi:
– Không Kỵ Hoa Kỳ vừa bốc được 2 thằng
lính đi lạc của bạn rồi thả ở căn cứ hỏa lực. Bạch Mai muốn bạn
về xác nhận xem có phải tụi nó là người của Ðại Ðội 1/11 không?
Tôi thắc mắc:
– Không Kỵ vớt được tụi nó lúc nào vậy?
– Mờ sáng ngày hôm nay Không Kỵ Mỹ bay
qua vị trí mà đại đội của Long đáp xuống mấy hôm trước thì phát
hiện dấu hiệu S.O.S vẽ trên cát, đồng thời có 2 người quơ tay cầu
cứu. Họ đã liên lạc với ban Cố Vấn của liên đoàn. Cố Vấn liên
đoàn xác nhận rằng mình có 2 người lính bị thất lạc mấy ngày nay,
nên họ xuống bốc 2 tên đó về căn cứ pháo binh, giao cho Ban An
Ninh.
Xuống
máy bay tôi thấy giữa sân cỏ, có 2 người cởi trần, trên thân chỉ
có cái quần đùi, ngồi chồm hổm trên nền đất. 2 người này bị bịt
mắt bằng vuông vải đen, hai tay bị trói quặt đàng sau.
Chính đưa tay ra dấu cho tôi đừng lên
tiếng, rồi ghé tai tôi:
– Có phải 2 thằng này là lính của Long
không?
Vừa
nhìn thoáng qua, tôi đã nhận ra, 2 người trước mắt tôi chính là
Binh 2 Phan Ðông và Binh 2 Lê Văn Hậu. Thằng Hậu thì lùn nhưng
tròn quay, còn thằng Ðông lại vừa cao vừa gầy. Thằng Ðông cao
nhứt Trung đội 3, mỗi khi tập họp nó đều đứng ở đầu hàng, ngày
nào mà tôi không thấy nó! Vì thế, không cần phải tháo cái khăn
đen bịt mặt thằng Ðông ra, tôi vẫn hình dung được một cái sẹo màu
đen to bằng ngón tay cái nhìn giống như một miếng vá nằm ngay
dưới con mắt trái của nó. Vết sẹo này nếu ai đã thấy một lần rồi
thì sẽ khó quên.
Tôi gật đầu, rồi hỏi:
– Vậy mình phải làm thủ tục gì để nhận
chúng nó về lại đơn vị?
– Long vào gặp Trung tá thì biết! An
Ninh đã thẩm vấn 2 thằng này rồi! Có một thằng là Việt cộng!
Dứt lời, Chính kéo tôi vào lều hành
quân. Trung tá Bùi Văn Sâm liên đoàn trưởng đang ngồi chờ tôi:
– Ông Long xem bản cung từ của An Ninh
đi! Mấy cái Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ làm ăn tắc trách quá! Bổ
sung cả cán bộ Việt cộng cho mình. Nếu đơn vị nào cũng làm việc
ỡm ờ vô trách nhiệm như thế, thì theo cái đà này sớm muộn gì mình
cũng mất nước thôi!
Trung tá Sâm vừa dứt lời, Thượng sĩ
Mân, hạ sĩ quan An Ninh liên đoàn liền trao cho tôi một xấp giấy
viết tay; đây là cung từ sơ khởi ghi lời khai của 2 anh lính đào
ngũ.
Trong hồ
sơ của Binh 2 Phan Ðông, tôi đọc được:
Họ và tên: Phan Ðông
Năm sinh: 1950
Họ và tên cha: Vô danh
Họ và tên mẹ: Phan Thị Quý
Quê quán: Tân
Uyên, Biên Hòa
Ðảng phái: Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam
Tham gia: 1965 (15 tuổi)
Vai trò phụ trách: Ủy viên thanh niên học sinh Biên Hòa.
Trong một cuộc hành quân cảnh sát sau
Tết Mậu Thân, tên Phan Ðông bị Tuần Cảnh Hỗn Hợp Quân Trấn Biên
Hòa bắt đưa vào Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ rồi chuyển sang
Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Ðộng Quân Dục Mỹ. Ðầu tháng 6 năm 1968
đương sự được bổ sung cho Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.
Hai lần mưu toan đào ngũ, bất thành.
Tháng Sáu năm 1968, chỉ 2 ngày sau khi
đáo nhậm đơn vị, Ðông đã đeo theo sau chiếc xe đò Blao, Ðịnh Quán
định trốn thì bị Quân Cảnh Lâm Ðồng bắt nhốt một tuần rồi trao
trả cho Biệt Ðộng Quân. Sau ngày lãnh lương cuối tháng Bảy, Phan
Ðông đã dụ dỗ được Binh 2 Lê Văn Hậu cùng bỏ đơn vị ra đi từ Ðức
Trọng, Ðà Lạt nhưng bị bạn bè phát giác phải bỏ cuộc.
Lần này, là lần thứ ba, Phan Ðông đã
cùng Lê Văn Hậu đem theo vũ khí cá nhân và 10 ngày lương khô, đào
ngũ tại mặt trận. Cả 2 tên này dự trù sẽ men theo bờ sông Ðồng
Nai Thượng (Da Dung) xuôi Nam, về Chiến Khu D.
Ngay buổi chiều, sau khi rời bãi trực
thăng, 2 tên đào ngũ đã rơi vào tay 1 đơn vị tăng gia sản xuất
của Việt cộng. Ðơn vị Việt cộng này không có phương tiện vô tuyến
truyền tin, nên lưu giữ chúng dưới hình thức giam lỏng.
Nương theo tin tức của Ðông và Hậu cung
cấp, Việt cộng đã dùng quân phục rằn ri của 2 đào binh này để giả
trang, rồi tập kích các đơn vị Biệt Ðộng Quân đang có mặt trong
vùng. Sau khi 2 cán binh Việt cộng giả dạng Biệt Ðộng Quân bị
giết thì Ðông và Hậu bị cùm, kiên giam trong hầm, chờ huyện đội
Di Linh của Cộng sản xử trí. Rồi huyện đội ra chỉ thị cho phép 2
tên lính đào ngũ này sung vào đội tăng gia sản xuất của địa
phương.
Tên
Phan Ðông nại cớ mình là cán bộ trí vận của tỉnh Ðồng Nai, không
chịu ở lại xứ này, y cứ nài nỉ xin huyện đội Di Linh cho người hộ
tống y xuôi Nam. Cũng trong thời gian này, Binh 2 Lê Văn Hậu khóc
lóc suốt ngày, luôn mồm chửi bới tên Ðông đã rủ rê y vào con
đường chết.
8
ngày sau, Ðông và Hậu bị Việt cộng bắt cởi bỏ hết y phục, trên
thân chỉ còn cái quần đùi, rồi bị bịt mắt dẫn ra bờ sông bỏ lại
với lời dặn: “Cứ theo dấu giày mà tìm về với đơn vị của chúng
mày!”
Sáng
ngày thứ 10 của cuộc hành quân thì Ðông và Hậu được Không Kỵ Hoa
Kỳ cứu sống.
Khi bị nhân viên An Ninh liên đoàn hỏi rằng:
“Có phải anh nhận lệnh của Việt cộng
trở về đơn vị tiếp tục làm nội tuyến hay không?”
Thì Phan Ðông đã chối đây đẩy:
“Dạ không! Em còn mẹ già ở dưới quê.
Quê em là vùng mất an ninh nên em mới tham gia Mặt Trận Giải
Phóng. Từ khi đi lính em căm thù Việt cộng lắm. Em không thèm
nghe lời dụ dỗ của chúng nó nữa đâu.”
Cung từ của Binh 2 Lê Văn Hậu không có
gì đáng nghi. Ðương sự thuần túy là một học sinh ngây thơ bị bắt
đi quân dịch xa nhà. Cũng vì quá ngây thơ, quá nhớ nhà, Hậu đã
nghe theo lời rủ rê của Ðông mà đào ngũ. Hậu cũng tiết lộ rằng
trong thời gian bị Việt cộng giam giữ, nó thường nghe thằng Ðông
và bọn cán binh gọi nhau là “Ðồng chí”. Nó khai thêm, trước lúc
bị bịt mắt dẫn đi, nó còn thấy thằng Ðông ngồi bàn chuyện riêng
với tên chỉ huy Việt cộng một thời gian khá lâu.
Ban An Ninh liên đoàn đề nghị giải giao
Phan Ðông và Lê Văn Hậu cho Ty An Ninh Quân Ðội Tuyên Ðức hay Lâm
Ðồng để có biện pháp thích nghi.
Với tư cách là cấp chỉ huy trực tiếp
của 2 phạm nhân, tôi phải ký giấy xác nhận tình trạng vi phạm của
2 tên này. Ðồng thời tôi phải cho ý kiến đề nghị giải giao chúng
cho cơ quan hữu trách.
Chờ tôi xem xong xấp giấy ghi khẩu cung
của 2 tên đào ngũ và ký tên xác nhận, Trung tá Sâm kéo tay tôi ra
sân, hướng về phía 2 tên đào binh đang bị trói. Nghe tiếng chân
người đi tới gần, 2 tên bị bịt mắt vội ngửa mặt lên nghe ngóng,
đợi chờ.
Tôi
nói:
– Trung
tá để tôi cởi trói và mở khăn che mắt cho chúng nó nhe!
Trung tá Sâm xua tay:
– Khỏi! Ông chỉ cho tôi, thằng nào là
thằng Ðông?
Tôi đưa tay chỉ tên đào binh cao và gầy:
– Thằng ngồi bên phải, cao và gầy là
Phan Ðông.
Trung tá Sâm chống hai tay vào cạnh sườn, đôi mắt lừ lừ, từ từ đi
một vòng xung quanh, nghiêng người dòm vào mặt 2 kẻ phạm tội. Rồi
bất thình lình ông dừng lại, co chân đá tới tấp vào mặt Phan
Ðông:
– “Ðủ
mẻ” đồ ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng sản!
Tôi thấy máu miệng, máu mũi của Phan
Ðông phun ra ào ào, y ú ớ:
– Trung tá tha cho em! Em trót dại! Lần
sau em không dám làm thế nữa!
“Bịch! Bịch! Bịch!” vừa tiếp tục đá vào
đầu, vào mặt, vào ngực Phan Ðông, ông Sâm vừa nghiến răng:
– Lần sau à? Mi còn muốn có lần sau nữa
à?
Thấy ông
liên đoàn trưởng xuống tay quá nặng, tôi vội can ngăn:
– Thôi! Kệ cha nó Trung tá! Nó ngu xuẩn
đi theo giặc thì cứ để cho nó chết. Theo đúng quân luật thì tội
đào ngũ trước địch quân của nó phải bị xử tử hình. Mình cứ giải
giao nó cho An Ninh Quân Ðội là xong.
Ngồi bên Phan Ðông, Binh 2 Lê Văn Hậu
run lên như cầy sấy:
– Trung tá đừng đánh em! Tại thằng Ðông
nó rủ rê em, em mới đi trốn! Trung tá đừng đánh em! Em biết lỗi
của em rồi!
Tôi nghĩ bụng:
“Cái thằng Hậu này đúng là quá khù khờ!
Ông Trung tá đang xả cơn giận lên đầu thằng Ðông, tự nhiên nó lên
tiếng, không khác gì mời ông ta quất cho một trận!”
Quả nhiên, mũi giày của ông liên đoàn
trưởng liền quay qua, nện một cú móc ngay hàm anh lính ngố!
– Mày là thứ đồ ngu! Mày là thứ đồ đần!
Bị hai cú đá như trời giáng, “thằng
ngu” câm họng luôn! Nó sợ rồi! Không dám khóc! Nó biết, nếu khóc
sẽ làm cho ông liên đoàn trưởng thêm giận, nó sẽ lãnh đòn nữa.
Hình như sau khi vận lực tung mấy cú đá
vào mặt 2 tên “ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng sản” ông liên đoàn
trưởng Biệt Ðộng Quân đã nguôi ngoai cơn giận. Ông kéo tay tôi đi
về cuối bãi:
–
Phải công nhận! Ông thật là cao số! Nếu 2 đứa nó mà lựa lúc ban
đêm mọi người ơ hờ, hè vô trói ông lại, bắt ông ra lệnh cho cả
đại đội nộp súng đầu hàng thì đại họa! Một là mình ông chết, hai
là cả trăm người thành tù binh! Hên lắm rồi! Hết kỳ hành quân này
ông nhớ ăn chay ít lâu để tạ ơn Trời Phật!
Nghe ông Sâm nói, tôi cũng rùng mình,
tán đồng:
–
Ðúng rồi! Tôi phải cám ơn Trời Phật!
Ông Trung sĩ thông dịch viên chui ra
khỏi lều truyền tin, dáo dác một lúc, rồi chạy tới:
– Trình Trung tá! 10 phút nữa có trực
thăng đưa Trung úy Long về Di Linh và đưa 2 đào binh về Ðà Lạt.
Chúng tôi trở lại lều. Trung tá Sâm
nhắc nhở Thượng sĩ Mân:
– Từ đây về tới ty An Ninh Quân Ðội,
dọc đường, ông nhớ cẩn thận, coi chừng tụi nó giựt súng rồi bỏ
chạy đó!
Sau
khi chào từ biệt Trung tá liên đoàn trưởng, tôi ghé Ban 4 liên
đoàn, xin được 2 bộ quần áo cũ để cho Ðông và Hậu. Dưới họng súng
canh gác của một người lính, 2 đào binh nhanh chóng khoác vào
người bộ quần áo hoa đã cũ. Sau đó Thượng sĩ Mân mở ba–lô lấy ra
một cái còng số 8 móc một đầu vào cổ tay phải của Phan Ðông, đầu
kia móc vào cổ tay trái của Lê Văn Hậu.
Trong thời gian gần 20 phút chờ máy
bay, B2 Lê Văn Hậu cứ nhìn tôi rồi khóc rấm rứt.
– Thái Sơn tha lỗi cho em! Trung úy tha
lỗi cho em!
Bên cạnh đó, Binh 2 Phan Ðông ngồi cúi đầu, một tay bụm miệng,
không nói tiếng nào, miệng nó còn ra máu. Leo lên tàu, tôi chợt
thấy mắt của Phan Ðông long lên sòng sọc. Ánh mắt của nó như chứa
đựng điều gì đó dị kỳ, bí hiểm. Thay vì ngồi xẹp xuống sàn tàu,
Ðông lại ngồi một chân co, một chân duỗi như thủ thế. Tôi nghĩ
tới trường hợp nó nổi cơn điên vào lúc máy bay đã lên cao thì nó
có thể kéo theo một hai người cùng lao ra khỏi cửa máy bay để
chết chung! Tôi vội ra lệnh cho Thượng sĩ Mân lấy thêm một cái
còng số 8 thứ hai, móc tay trái của Phan Ðông vào cái khoen tròn
kim loại trên sàn máy bay, khiến cho tên đào binh này hết cơ hội
manh động.
Sau
ngày ấy, chuyện 2 tên đào binh của Ðại Ðội 1/11 cũng đi vào lãng
quên. Cho tới một ngày cuối năm 1973, tôi ghé Quận Thanh An để
thu hồi một toán Viễn Thám trở về từ núi Chi Kara. Thanh An là
nơi Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân đặt Bộ Chỉ Huy Nhẹ.
Giữa sân Quận Thanh An, tôi đang đứng
nói chuyện với Trung tá Hoàng Thọ Nhu, liên đoàn trưởng, thì ông
liên đoàn phó xuất hiện:
– Long có thằng đàn em nào mới từ quân
lao mãn án, ra Biệt Ðộng Quân không?
Nghe Trung tá Lê Quý Dậu, liên đoàn phó
hỏi, tôi ngạc nhiên:
– Tôi chẳng quen ai đang bị tù cả. Chắc
có người lầm tôi với ông Long nào đó chăng?
Ông Dậu gọi 1 hạ sĩ quan đứng gần đấy:
– Mày đi tìm thằng Hậu lên đây!
Anh Trung sĩ Ban 3 liên đoàn chạy đi,
lúc anh ta quay lại thì sau lưng anh ta là một người lính. Bất
ngờ bị áp tải lên trình diện 2 ông tá chánh và phó của liên đoàn
cùng một người lạ, anh lính vừa tới có vẻ lo lắng lắm. Anh ta
đứng trong thế nghiêm, hai chân run run:
– Trung tá gọi em làm chi vậy? Em đang
nấu cơm.
Trung
tá Dậu chỉ vào anh ta rồi hỏi tôi:
– Thằng này mới được bổ sung tháng
trước, nó nói nó là đồ đệ của Long, mình giữ nó lại làm “tà lọt”
nấu cơm. Long có nhận ra nó không?
Trước mặt tôi là một anh lính trẻ, nhìn
mặt anh, tôi thấy hình như tôi đã gặp anh ta ở đâu đó rồi.
Chắc anh lính đã nhận ra tôi là người
mà anh ta biết, nên nhào tới nắm chặt hai cổ tay tôi.
– Trung úy ơi! Hậu đây! Hậu đây Trung
úy! Ngày đó em có lỗi với Trung úy! Em xin lỗi Trung úy! Hu! Hu!
Hu!...
Như một
đứa bé, người trẻ tuổi khóc thật hồn nhiên. Tôi cũng nhìn ra,
trước mặt tôi là tân binh Lê Văn Hậu ở Trung đội 3 Ðại Ðội 1 của
Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân năm nào.
Ông Dậu nhắc nhở:
– Ế! Hậu! Ông Long là thiếu tá! Không
phải là trung úy! Mày phải kêu ông ấy là thiếu tá!
Hậu vẫn không buông tay tôi ra, nó sụt
sùi:
– Trung
úy ơi! Ông thầy ơi! Ông thầy tha lỗi cho em! Ông thầy ơi! Hu! Hu!
Hu!...
Tôi gỡ
tay Hậu ra, rồi ôn tồn:
– Ngày đó chuyện diễn tiến ra sao?
Thằng Ðông đâu?
– Trình Trung úy, sau khi ra tòa, em bị
kêu án 3 năm tù về tội đào ngũ, còn thằng Ðông bị đưa ra Phú Quốc
nhốt chung với tù Phiến Cộng. Ông thầy hiện giờ ở tiểu đoàn nào?
Ông thầy xin cho em về ở với ông thầy có được không?
Tôi hỏi tiếp:
– Thế ngày đó Hậu có biết thằng Ðông là
Việt cộng không?
– Dạ không! Nó thấy em nhớ nhà, nó cứ
rủ em đi trốn...
Thấy anh lính khờ khạo, cả tin ngày xưa
đang có chỗ dựa là ông trung tá liên đoàn phó, nên trước khi rời
Thanh An, tôi nói với Hậu:
– Hậu cứ ở yên đây với Trung tá Dậu!
Khi nào có dịp, anh sẽ đem chú về với anh.
Miệng tôi tuy nói thế, nhưng trong lòng
tôi thì nghĩ khác:
“Hậu ơi! Anh đã thấy rồi! Lòng trung
thành của em giống như con vụ. Nó cứ xoay tròn liên miên. Nếu
Trung úy đem em về ở với Trung úy thì chắc chắn một ngày nào đó
em sẽ nghe theo lời rủ rê ngon ngọt của một thằng bạn mới quen,
em sẽ cùng với nó trói Trung úy lại rồi đem anh giao cho Việt
cộng mất thôi!”
Trung tá Dậu hất tay ra lệnh cho Binh 2
Hậu rút lui rồi hỏi nhỏ tôi:
– Theo ý Long thì thằng này có dùng
được không?
Tôi trả lời:
–
Nếu ông không sợ nó phản thì cứ thử!
Ít lâu sau tôi nhận lệnh vào Pleime chỉ
huy Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng. Tôi nhận được một tờ
đơn viết tay có chữ ký của Binh 2 Lê Văn Hậu tình nguyện xin về
phục vụ tiểu đoàn này. Dù đang cần người bổ sung, tôi vẫn phê hai
chữ “Không nhận” trên cái đơn. Ðầu tháng Ba năm 1975, Binh 2 Lê
Văn Hậu còn ở với Trung tá Lê Quý Dậu, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn
21 Biệt Ðộng Quân. Sau khi Liên Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân tan hàng ở
Ban Mê Thuột, không biết số phận Binh 2 Lê Văn Hậu ra sao. Thời
gian này tôi đang trấn giữ vùng biên giới Quảng Ðức và Cambodia.
Giữa tháng Ba năm 1975 Quân Ðoàn II tháo chạy khỏi Vùng 2. Cuối
tháng Ba năm 1975 tôi phải ngậm ngùi dẫn quân vượt sông Da Dung,
bỏ lại sau lưng một trận địa mà tôi đã trải qua 10 năm dài chinh
chiến.
Chuyện nơi cuối sông Ðồng Nai...
Trong danh sách những tù cải tạo được
tha năm 1988 có tên tôi.
Sau đợt tha này, toàn cõi Việt Nam chỉ
còn hơn 100 người tù cuối cùng tập trung về Trại Z30 D là nơi tôi
vừa giã từ.
Về
tới nhà hôm trước, hôm sau vợ tôi ra điều kiện:
“3 ngày đầu mình không được đi chơi
nhậu nhẹt với bà con, cô bác, bạn bè. Mình chỉ được ăn đậu xanh
nấu với tỏi để xổ độc. Sau đó phải ăn đồ nhẹ, không dầu mỡ. Hết
một tuần mới được ăn uống bình thường.”
Có lẽ vì tôi nhất mực tuân lệnh vợ, giữ
miệng, kiêng khem, nên sau này tôi không bị “bệnh hậu cải tạo”
hành hạ xác thân như nhiều anh bạn khác.
Sau 13 năm dài làm việc quần quật để
nuôi 4 đứa con nhỏ ăn học, lại thêm gánh nặng thăm nuôi chồng bị
giam giữ tù đày, vợ tôi hầu như đã kiệt sức mất rồi.
Tôi về được ít lâu thì vợ tôi ngã bệnh,
không còn hành nghề thợ may được nữa, thu nhập của gia đình tôi
chỉ trông vào mấy chỉ vàng do công dạy mấy đứa bé gái đang học
nghề thợ may.
Từ ấy, tôi phải thay nàng, chen chân vào đời kiếm cơm, kiếm gạo,
nuôi vợ, nuôi con. Bất cứ chỗ nào đánh tiếng thuê người giúp việc
tôi đều tìm tới. Tới đâu người ta cũng bắt tôi xuất trình giấy tờ
chứng minh lý lịch.
Trong nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa
Việt Nam thì tôi chỉ có một tờ giấy tùy thân, đó là cái Giấy Ra
Trại có con dấu đỏ của Trại Cải Tạo Z30 D Hàm Tân Thuận Hải.
Nhưng cái giấy ra trại này chẳng giúp ích gì cho tôi khi đi xin
việc cả. Xuất trình nó ra, có khi còn mang họa, vì ngay dưới cái
tên tôi, là những hàng chữ ghi rành rành thế này:
Bị bắt ngày: 11 tháng 5 năm 1975.
Can tội: Thiếu tá Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.
Án phạt: Tập trung cải tạo.
Mãi tới ngày có cái Chứng Minh Nhân Dân
tôi mới thấy dễ tìm việc làm hơn. Tôi đã làm nhiều việc, nhưng
việc gì cũng là tạm bợ, chẳng có công việc gì kéo dài được lâu.
Tới ngày có anh Lê là người quen từ thời gia đình tôi còn ở Hội
An tới thăm, biết tình trạng làm ăn thất thường của tôi, anh có ý
kiến:
– Thời
buổi này muốn sống phải có vốn, cậu không có vốn thì chịu khó lên
rừng làm gỗ, làm nương.
Tôi nói:
– Làm gỗ nguy hiểm lắm, vừa sợ bị cây
đè, sợ muỗi vắt, rắn rết, còn sợ bị chủ quỵt tiền công. Tôi mới
bỏ nghề giữ lô của một xưởng cưa trên Ðà Lạt về đây.
– Cậu có biết trồng mì không?
– Úi da! 13 năm học tập cải tạo tôi chỉ
học được có một cái nghề trồng mì, trồng bắp, tôi trồng mì giỏi
lắm!
– Vậy thì
cậu Long lên Trị An làm rẫy đi! Dạo này tụi Tàu Chợ Lớn đang đẩy
mạnh phong trào sản xuất mì ăn liền Vị Phong. Tụi nó rất cần
khoai mì. Cậu gắng kiếm chút vốn rồi lên đó thuê vài công đất
trồng mì, chỉ vài tháng sau là có tiền rồi.
Trước khi nhập nghề trồng sắn, tôi phải
theo ông bạn già đi khảo giá sắn cho biết thị trường mua bán ra
sao, từ đó, khi có của rồi, mới biết ước giá, định giá mà bán,
thì mới có lời.
Trong những lần đi dò đường để chuẩn bị
vào nghề, tôi cũng học được một vài điều hay; tỉ như chuyện trước
khi rỡ mì 2 ngày, chủ vườn lén tưới vỗ dưới gốc cây cho mì ngậm
nước, khi nhổ củ, đem cân, trọng lượng sẽ tăng lên. Hoặc là đục
một lỗ “thiến” đi một củ mì to nhứt trong chùm rễ cái, sau đó nén
chặt gốc bằng đất, rồi trồng cỏ mới lên trên. Những vườn mì bị
moi củ thường được bán “mão” nghĩa là định giá trước khi nhổ củ,
người mua được “lùa”, thua chịu.
Sau khi đã điều đình với chủ đất để có
sẵn sàng 4 mẫu đất canh tác, tôi về Sài Gòn chạy vốn. Thời buổi
này, vay lời theo lãi suất hàng ngày là “xanh xít, đít đui”
(Tiếng Pháp: Cinq:5, Six:6; Dix:10; Douze:12) tức là vay 5 thì
trả 6, vay 10 phải trả 12.
Vay 1000 đồng ngày hôm nay, thì ngày
mai phải trả 100 đồng, ngày mốt 100 đồng, cứ thế, trả trong 12
ngày thì hết cái nợ 1000 đồng.
Tôi đã từng mượn người hàng xóm 100
nghìn đồng để đi buôn quần áo SIDA. Chủ nợ ưu ái cho tôi không
phải trả 10 nghìn hàng ngày, nhưng phải trả gộp cả vốn lẫn lời
120 nghìn sau ngày thứ mười. Ði trồng mì mà vay vốn kiểu này chắc
là không kham nổi!
Kinh nghiệm 13 năm trồng mì từ Bắc vào
Nam, cho tôi biết, khúc mì vùi xuống đất, một tuần lễ sau còn
chưa bén rễ, nẩy nhánh. Sau 3 tháng, củ mì mới to bằng ngón chân
cái, còn lâu mới bán được, làm cách nào mà thanh toán cho xong
mấy chục cái nợ “xanh xít, đít đui” đây? Thôi đành bỏ ý tưởng
kiếm cơm bằng nghề trồng khoai mì cho rồi!
Tôi lên rừng tiếp tục đi đào vàng...
Một hôm, tôi vừa trở về từ mỏ vàng Suối
Nho, Gia Kiệm thì anh Lê lại tới thăm.
– Cậu Long có biết lái máy cày không?
Nghe hỏi, tôi đáp liều:
– Thiếu tá thì ông nào mà không biết
lái trực thăng, xe tank, tàu thủy? Sá gì cái máy cày!
– Vậy mai này tôi chở cậu lên lái máy
cày giúp cho thằng rể của tôi. Thằng phụ máy của nó vừa tách ra
làm ăn riêng. Cậu lên ở với vợ chồng nó, cậu cháu đùm bọc lẫn
nhau mà sống cho qua ngày!
Thằng con rể ông bạn già của tôi đang
sinh sống ở một vùng Kinh Tế Mới bên kia bến phà Hiếu Liêm của
đập Trị An. Nó có cái máy cày hiệu John Deere. Hàng ngày nó cày
thuê cho chủ đất quanh vùng, thu nhập rất là khấm khá.
2 ngày sau tôi trang bị một cái xách
tay, trong đó chứa 3 bộ quần áo nhà binh cũ cùng một đôi giày bố
đen, rồi giã từ vợ con, cất bước lên đường.
Trong giao kèo miệng giữa tôi và anh Lê
thì tôi sẽ được vợ chồng chủ đài thọ ăn ở, do đó tôi không cần
đem theo tiền để đi xe, đi tàu, hay tiền dằn túi để tiêu vặt. Anh
Lê phụ trách công tác chở tôi lên nhà thằng rể của anh.
Trước khi leo lên xe, anh Lê dúi cho
tôi một tờ bản đồ chỉ dẫn giao thông vùng hai bên Hồ Trị An. Anh
Lê nói:
– Tôi
biết cậu cần thứ này nên đã tìm mua nó cho cậu để khi cần tìm địa
chỉ khách hàng cậu không sợ bị lạc.
Vì ngồi đàng sau, lại bận bịu chuyện
trò liên miên, tôi chẳng để ý theo dõi bản đồ hay nhìn phong cảnh
hai bên đường nên chẳng biết nhà thằng con rể của anh Lê nằm ở
vùng nào.
Xe
qua đập rồi chạy vòng vèo khá lâu mới tới khu dân cư. Dân ở đây
sống cách nhau hơi xa. Trước mỗi nhà đều có sân đất rộng cả sào,
nhưng không có hàng rào. Sau căn nhà tôn hoặc mái tranh là một
thửa ruộng vuông vức, mỗi bề cả trăm thước. Hầu như ruộng nhà nào
cũng trồng khoai mì. Khoai mì là loại cây ít cần công chăm sóc
nhứt. Tới trưa hôm đó thì tôi đối diện với cái máy cày hiệu John
Deere. Tuổi của cái John Deere này có khi còn già gấp đôi tuổi
tôi. Chờ lúc 2 cha con ông bạn rủ nhau ra suối tắm, tôi mới len
lén leo lên rờ rẫm cái tay lái.
Hôm qua trước mặt anh Lê, tôi lớn lối
khoe khoang rằng: “Ông tá nào mà không biết lái máy cày!” đó là
tôi “hù” ông bạn tôi thôi! Tôi có biết lái máy cày đâu! Tôi tính
máy gì, xe gì, của Mỹ cũng phải có bảng chỉ dẫn gắn ngay trước
tay lái, ai ngờ chiếc máy cày này già quá, cái bảng chỉ dẫn đã
rụng mất tiêu từ thuở nào rồi!
Tôi quên chưa đính chính lại là có
nhiều ông cấp tá, đeo lon trắng đế vàng chói lóa mà chưa từng
biết lái cái xe Jeep chứ đừng nói chi tới lái máy bay, tàu bò như
tôi hù dọa anh Lê. Thật mà! Các vị tá này từ khi tốt nghiệp thiếu
úy, chuẩn úy đã được ô dù che đậy, cho làm việc ở Bộ Tổng Tham
Mưu, cứ sáng đi quá giang xe ông này, chiều đi nhờ xe ông khác,
thét rồi lên tới tá vẫn chưa một lần được cấp xe. Không có xe
riêng thì làm sao mà biết lái?
Rờ rẫm một hồi, tôi cũng dụ được cái
John Deere già khú đế rú lên, phun khói mịt mù. Con trâu già John
Deere quá cũ, uống dầu như giếng không đáy, lại chạy chậm rì rì,
bò suốt buổi mới xong một mẫu đất. Tôi mới làm quen với công việc
cày xới chưa được 1 tuần lễ thì đột nhiên xảy ra chuyện không
hay. Vào đúng ngày Rằm Âm Lịch, vừa xong công việc cúng vái các
vị Thần Tài, Ông Ðịa, Thổ Công, Thổ Thần thì ông chủ nhỏ của tôi
nhận được tin là, tất cả khách hàng quen của John Deere đồng loạt
thông báo rằng, từ nay họ không thuê John Deere nữa. Nguyên do
rất bình thường, chỉ vì có người chịu cày thuê cho họ với giá hạ
hơn nhiều!
Cạnh tranh là phương châm cho tất cả mọi kinh doanh thu lợi. Anh
phụ thợ cày của cái máy John Deere sau khi tậu được chiếc Kubota
mới tinh thì trở thành đối thủ của anh chủ cũ. Máy Kubota vừa nhẹ
vừa ăn ít dầu, chạy lâu không nóng máy, không phì hơi, không bốc
khói; đất cày xong cũng dễ đánh tơi, trong khi rãnh cày John
Deere không có ưu điểm ấy. Bạn ta còn một đòn chơi thật là xấu,
bằng cách hạ giá mỗi mẫu cày tính là 8,000 đồng thôi, thay vì
10,000 theo giá cũ của John Deere.
Xưa nay John Deere thu về cho chủ
10,000 đồng mỗi hecta, trả công người lái như tôi 2,000 đồng, chủ
còn lại 8,000 đồng, sau khi trang trải tiền dầu nhớt, tiền vỏ
lốp, tiền “đấm mõm” cho cán bộ kinh tế, cán bộ thuế vụ của xã,
chủ xe cũng chẳng còn được bao nhiêu. Ở nơi đồng không, mông
quạnh này vốn đã buồn rồi, thất nghiệp lại càng buồn hơn. Thế là
từ ấy, thằng con rể của ông bạn tôi đâm ra ghiền vọng cổ.
Vì ngày ngày ngồi chờ người gõ cửa thuê
cày, vắng khách, nó bèn mở máy Cassette ra nghe Hùng Cường, Thành
Ðược, Út Trà Ôn, ngân nga sáu câu mùi mẫn. Nghe xong, nó cố gân
cổ ca theo 3 cha nội này quên cả ngủ, quên cả ăn. 2 cậu cháu chờ
dài cả người, 3, 4 ngày mới có một anh thợ rừng thuê bao chúng
tôi lên ngàn kéo mây, kéo vầu, kéo nứa. Dịp này con trâu John
Deere mới có dịp phun khói, uống dầu.
Vì có dịp lên núi kéo nứa, tôi thấy ở
đây mây, tre, vầu, nứa bạt ngàn mà chẳng có kiểm lâm, thuế vụ gì
cả; tôi chợt nẩy ra ý nghĩ, thay vì đem xe đi kéo nứa cho người
ta, tiền công chẳng được là bao, chi bằng mình tự chặt nứa rồi tự
kéo nó về biến cái sân to rộng trước nhà thằng cháu thành một vựa
nứa, vựa tre, mỗi tuần chỉ cần đi 2 chuyến là no đủ rồi. Trong
thời gian bị giam giữ trên Hoàng Liên Sơn, anh tù cải tạo nào mà
không rành nghề đốn tre, chặt nứa? Thế là vững tin vào tay nghề
của mình, tôi bỏ ra một ngày làm cỏ, quét dọn cái sân đất trước
vườn thật sạch sẽ dành chỗ để mây, để tre.
Nào ngờ mình chưa ra quân, con trâu già
John Deere đã trở quẻ! Hôm tôi đem cái gùi đồ nghề gồm mấy con
dao quắm, dao phát và cái cưa tay chất lên xe, đi qua chặng đường
bằng phẳng thì không sao, nhưng vừa leo qua một con dốc nhỏ thì
John Deere bỗng nằm ì ra không thèm chạy nữa! Người lái tăng ga
thì nó rú lên; toàn thân nó run bần bật liên hồi như một ông lão
đang lên cơn sốt cao, ho khù khụ. Tôi tắt máy, nhảy xuống quan
sát thì thấy dưới gầm xe có một vũng dầu máy đen ngòm! Ôi thôi!
John Deere bị bể bạc đạn rồi! 2 người loay hoay một lúc cũng tháo
được cái bạc đạn đem ra ngoài ổ máy.
Thằng cháu hối hả chạy về nhà bắt vợ nó
đập con heo đất, gom góp được 20 ngàn đồng, giao cho tôi.
– Cậu chịu khó vác cái bạc đạn này về
Nguyễn Trãi thuê người ta xoáy nòng cho cháu. Nếu thiếu tiền thì
cậu ghé nhà Ba Má cháu nhờ ứng trước, cháu sẽ hoàn lại sau.
Tôi chưa biết đi đường nào để về Sài
Gòn thì chợt nhớ ra cái bản đồ mà anh Lê đã trao cho tôi ngày
khởi hành. Trên bản đồ ghi rõ từng chặng đường và từng loại
phương tiện để đưa tôi về nhà. Nếu trong túi có tiền, cứ theo cái
bản đồ mà đi, lo gì không tới. Tôi khệ nệ ôm cái túi vải bọc
khoanh bạc đạn máy cày lết bộ ra hương lộ chờ xe ôm. Xe tới bến
phà, móc bóp trả tiền tôi mới ngã ngửa: tôi phải trả 6 ngàn đồng
cho chuyến thồ này. Bác tài không cho tôi biết trước, muốn trả 2
ngàn đồng thì tôi phải chờ cho đủ 3 người mới trọn một chuyến đi.
3 khách thì tổng số tiền là 6 ngàn, đi một mình ên, cũng phải chi
6 ngàn.
Lúc
tôi lên xe, ông tài chỉ phán gọn một câu:
– Ông đi suốt?
Thời buổi này chữ nghĩa mới, danh từ
mới nhiều quá, tôi trở thành con người lạc hậu, không theo kịp,
nên nghe ông ta hỏi “Ông đi suốt?” tôi cứ nghĩ rằng ông ta hỏi
tôi muốn đi một lèo ra bến phà, mà không ngừng ở đâu, nên gật
đầu.
– Dĩ
nhiên!
Ðâu ngờ
hai tiếng “Dĩ nhiên!” đáng giá 6 ngàn đồng tiền Hồ! Ông lái xe
thồ là dân “Bắc Kỳ 75”, ông ta là đại diện cho nền văn hóa mới.
Còn tôi là dân “Bắc Kỳ 54” lại bị đưa lên rừng, lên núi để “học
tập cải tạo” một thời gian lâu tới 13 năm, nên không theo kịp cái
văn minh đương thời của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Tới bến phà, khách không phải chờ lâu,
bây giờ thời buổi hòa bình không tiếng súng, miễn có người trả
tiền thì đò lúc nào cũng sẵn sàng rẽ sóng, bất kể ban ngày, hay
ban đêm. Qua đò, tôi leo lên xe khách chạy đường Hiếu Liêm, Thành
Phố Biên Hòa. Tới bến xe Biên Hòa, tôi phải sang xe Biên Hòa, Tân
Cảng. Tới Tân Cảng, tôi leo lên xe Lamb về bến Phạm Ngũ Lão. Rồi
từ Ga Phạm Ngũ Lão, tôi tiếp tục theo xe Lamb về chợ Nancy. Nhà
tôi ở đằng sau chợ Nancy. Tới chợ Nancy, trả tiền xong thì trong
túi tôi còn đúng 2 nghìn đồng, vừa bằng tiền công mà chủ trả cho
tôi mỗi khi cày hoàn tất một hecta. Thấy đường từ chợ Nancy qua
Nguyễn Trãi cũng không xa lắm, vả lại, trong bụng cũng tiếc tiền
đi xích lô, nên tôi đành gắng sức đưa cái túi bạc đạn lên vai vừa
đi vừa huýt gió cho quên mệt.
Chiều hôm đó trong khi ngồi ăn cơm, tôi
nghe đài BBC loan tin khu mỏ vàng K3 ở Ðơn Dương vừa bị sập hầm
vì mưa lũ. Tin sơ khởi cho biết rằng có vài chục người mất tích.
2 tháng trước tôi còn ngụp lặn ở K3! Nghĩ cho cùng thì số mình
cũng còn hên! Thấy số mình vẫn còn hên, nên tôi quên mất cái buồn
do chuyện sau nửa tháng trời chịu vất vả ở trên ngàn mà chỉ đem
về nhà được 2 nghìn đồng bạc. May thay, trong thời gian chờ thợ
tiện xoáy nòng cái bạc đạn, tôi nhận được lời nhắn phải đi tới
một căn gác tọa lạc trên đường Trương Minh Giảng để gặp một người
tên là bà Hà để nhận quà.
Giữa trưa nắng cháy, vợ chồng tôi hí
hửng chở nhau trên chiếc xe đạp thồ đi tìm nhà bà Hà. Nhà này nằm
trong một con hẻm lớn. Nhà có một từng lầu lợp tôn với cái lan
can nhìn xuống phố. Bà Hà là Việt Kiều mới về từ Mỹ. Bà bắt tôi
xuất trình Chứng Minh Nhân Dân để nhìn mặt xem tôi có phải là
người mà bà có trách nhiệm giao quà hay không? Xem mặt tôi xong,
bà Hà ra lan can quan sát một lúc, chắc chắn không bị ai theo
dõi, bà trở vào mở tủ trao tay cho tôi một cái bì thư:
– Trong này có 200 đô la của anh Thọ
gửi cho anh, anh đếm lại đi, rồi ký vào tờ giấy biên nhận cho
tôi.
Tôi mở
cái bì thư ra, thấy một tờ giấy 100 USD và ba tờ giấy 20 USD màu
xanh lá cây cùng một tờ biên nhận, bên dưới có tên tôi, nhưng còn
chờ chữ ký. Thấy tờ giấy biên nhận ghi rõ ràng con số 200 USD,
tôi thắc mắc:
– Chị ơi! Chị nói trong bì thư này có 200 đô, mà sao tôi chỉ thấy
160 đô vậy?
–
Thì tiền công “chuyển ngân” là 20 phần trăm (20%). 200 đô trừ 40
đô lệ phí, không còn 160 đô thì còn bao nhiêu? Anh là dân Võ Bị
mà có bài tính giản dị như thế cũng không thông ư? Tôi thấy anh
Thọ nhanh nhẹn, tháo vát lắm, còn anh, sao mà có vẻ chậm tiêu
quá!
Nhìn cái
miệng dẻo quẹo của bà Hà, tôi nhủ thầm trong bụng:
“Ðưa cho người ta 160 đô la mà bắt
người ta ký nhận 200 đô la còn mắng người ta là dốt tính toán.
Quả là thứ vừa ăn cướp vừa la làng!”
Thấy tôi đứng thừ người, bà Hà hăm:
– Sao? Có nhận không? Nếu chê thì tôi
chuyển tiền cho người khác, theo danh sách ưu tiên của anh Thọ.
Ngoài anh ra, anh Thọ có cho tôi tên của 3 anh Khóa 20 Võ Bị,
người ưu tiên kế tiếp sẽ nhận 200 này nếu tôi không liên lạc được
với anh.
Tới
nước này tôi đành quơ bút, ký cái hóa đơn đã nhận 200 USD do bạn
của tôi tên là Thọ từ Hoa Kỳ gửi về.
Vợ chồng tôi từ biệt bà Hà mà quên chưa
hỏi bà ta người gửi tiền cho tôi có tên “Anh Thọ” đang ở đâu? Vì
lý do gì mà “Anh Thọ” lại gửi tiền cho tôi.
Ít lâu sau tôi nhận được một cái thư
gửi từ California, Hoa Kỳ, tôi mới biết người bạn tên Thọ là ai.
Thì ra anh Thọ, tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thọ, lúc đó đang là đại
diện của Khóa 20 Võ Bị Hải Ngoại. Thọ là dân Biệt Ðộng Quân với
tôi, nhưng từ ngày ra trường, tôi chưa từng gặp lại bạn ấy. Tôi
có nhiều bạn Biệt Ðộng Quân thân thiết hơn Thọ nhiều, nhưng kể cả
những người chịu ơn tôi trong quá khứ hiện đang ở Mỹ, thì chỉ có
Thọ là người Biệt Ðộng Quân đầu tiên còn nhớ tới tôi.
Trong thư, bạn Thọ ghi rõ ràng:
“Anh em bên này nghe tin mày được tha,
ai cũng mừng. Như thông lệ, tao trích quỹ của khóa ra cho mày 100
USD. Nghe được tin này, anh Hồ Khắc Ðàm, khóa 16, cũng nhờ tao
gửi cho mày 60 đồng. Tao định rút thêm 40 đồng từ quỹ khóa để cho
mày chẵn 200 USD nhưng thằng Nguyễn Thanh Ðức không đồng ý, nó
nói đứa nào cũng nhận được 100 USD sau khi được tha, không lý do
gì mà phải cho mày nhiều hơn người khác. May mà có thằng Lại Thế
Thiết cũng là dân Biệt Ðộng Quân đã móc hầu bao bù vào 40 đô. Như
vậy tổng cộng số tiền mày nhận sẽ là 200 đô. Tiện đây tao cũng
cho mày hay, người mà mày thân thiết nhứt, kỳ vọng nhứt là thằng
Nguyễn Lạn trước khi mày được ra trại, lúc nào gặp tao, nó cũng
hỏi thăm mày. Nay tao nói mày đã về rồi thì nó làm lơ, không ý
kiến. Mày cần gì ở nó, thì viết thư riêng cho nó, gửi tới địa chỉ
của tao, tao trao lại.”
Lá thư của bạn tôi không đầy một trang
giấy đánh máy. Tôi đã giữ lá thư này từ ngày nhận nó, cho tới 25
năm sau thì nó bị thất lạc. Tôi mãi mãi ghi trong lòng một món nợ
mà tôi đã nhận từ những người bạn cùng binh chủng và cùng khóa Võ
Bị đã ra tay giúp đỡ tôi trong hoàn cảnh khốn cùng. Trong thư hồi
âm cho bạn Nguyễn Hữu Thọ tôi đã nhờ bạn Thọ liên lạc tới từng
người mà tôi nêu tên để cho tôi gửi lời cám ơn. Trên đời này, có
những món nợ mà suốt đời mình không thể có dịp để trả; mình không
thể làm gì hơn bằng cách nói hai tiếng “Cám ơn!”
Tôi đã không gửi thư cho người bạn thân
nhứt của tôi là anh Biệt Ðộng Quân Nguyễn Lạn.
Tôi cũng quên không hỏi bạn Nguyễn Hữu
Thọ rằng khi bà Hà nhận tiền bạn tôi trao, thì bà ta đã nhận lệ
phí chuyển tiền chưa? Chuyện bà Hà giao cho tôi 160 đô la mà bắt
tôi phải ký nhận 200 đô la trên biên lai thì có đúng giao kèo
không?
Ðến ngày hẹn, tôi tới nhà máy
tiện lấy cái bạc đạn rồi lên xe Lamb tới nhà anh Lê. Sau khi anh
Lê bồi hoàn số tiền mà tôi đã ứng trước trả công cho nhà máy
tiện, tôi xin anh cho tôi mượn chiếc xe Honda hai bánh của anh để
đem cái bạc đạn cho con rể của anh. Lợi dụng dịp này, tôi có thể
ghé vào những thôn xóm dọc đường để mời chào khách cần cày ruộng.
Dùng Honda chỉ tốn ít lít xăng, không
mất công đi xe khách, xe Lamb, qua đò, qua phà, mà mỗi bước, mỗi
tốn kém. Ði Honda tôi có dịp ngắm cảnh đẹp thiên nhiên bên đường,
và được tận mắt chứng kiến cái hùng vĩ của con đập khổng lồ ngăn
dòng chảy cuối nguồn của sông Da Dung. Hôm ấy, sau khi qua đập
Trị An, trên đường tiến về Chiến Khu D, tôi chỉ thấy hai bên lộ,
bạt ngàn rừng bạch đàn. Những năm gần đây, người ta trồng bạch
đàn làm gì mà đâu đâu cũng thấy loại cây này, nhìn thấy ngợp. Tới
Ngã Ba Lý Lịch, tôi rẽ vào khu xóm nhà bên tay phải rồi đi theo
con đường đất đỏ rộng chừng 4 thước. Leo hết dốc thì hai bên
đường hiện ra những khu vườn chia từng ô. Hình như nơi đây là một
vùng Kinh Tế Mới, nên nhà nào cũng có diện tích sàn sàn bằng
nhau. Sau vườn là những bãi mì xanh mướt um tùm.
Chắc mẩm thế nào xứ này cũng có người
cần cày máy, tôi chạy một lèo vừa đi vừa quan sát từ đầu xóm, tới
cuối xóm. Tới cuối xóm tôi trở đầu, rồi tắt máy, dẫn xe quay
ngược trở lại.
Gặp người nào nghi là chủ nhà, chủ đất
tôi đều hỏi:
–
Thưa bác, thưa ông, thưa bà có cần cày máy giúp hay không?
Ðôi ba nhà vui vẻ trả lời, hỏi giá cả,
hẹn ngày, đôi nhà không vồn vã.
Gặp một ông lão tươi cười chặn đường
tôi lại:
– Anh
bạn ơi! Ghé văn phòng xã, hỏi ông Bí Thư hay ông Chủ Tịch chắc có
ruộng thuê cày. Ruộng của các ông ấy thì cò bay thẳng cánh, mùa
nào cũng cần tới các anh đấy!
– Xin bác chỉ đường nào thì tới văn
phòng xã?
–
Thì cứ theo hương lộ này mà ra. Cuối đường là Văn Phòng Ủy Ban
Nhân Dân Xã nằm bên tay phải.
– Cám ơn bác! Vậy là lúc đi vào, tôi đã
đi qua đó!
Sau
khi lễ phép chào từ giã bác nông dân, tôi cho nổ máy xe. Văn
phòng xã tìm không khó, nó nằm ngay nơi đầu dốc vào thôn.
Tôi hỏi một ông già đang ngồi bơm bánh
xe đạp trước sân:
– Bác ơi! Bác làm ơn chỉ giùm tôi ai là
ông chủ tịch xã hay bí thư xã! Tôi có việc cần gặp.
– Anh chờ chút!
Người già dừng tay, chạy vào căn nhà
tôn. Sau đó ông quay ra, dẫn cái xe đạp bước đi:
– Có chuyện gì thì trình với ông ấy!
Tôi phải về.
Một người đàn ông cao lớn, mặc quân phục kaki xanh, đầu đội cái
nón cối cán bộ nhưng không mang phù hiệu, từ văn phòng xã bước
ra:
– Anh cần
gặp tôi có công chuyện gì?
– Tôi là người đi cày thuê. Nghe nói
nhà ông có nhiều ruộng lắm! Nếu ông cần cày máy vỡ đất hay xới
đất thì cho tôi làm. Công vỡ đất mới khai quang là 12 nghìn một
hecta, công xới đất ruộng cũ là 10 nghìn.
– Anh ở gần đây à?
– Dạ tôi ở cách đây không xa lắm, chừng
2 cây số.
–
Sao tôi chưa gặp mặt anh lần nào? Quanh đây chỉ có 2 anh lái cày
thuê tôi đều nhẵn mặt. Mặt anh lạ hoắc!
– Tôi mới tới thôn này, tôi làm thuê
cho chủ.
– Chủ
anh có máy cày hiệu “Hôn Dê” (John Deere) hay hiệu “Cu bò”
(Kubota)
– Dạ
máy John Deere của Mỹ.
Nghe tôi trả lời, ông chủ tịch xã (hay
bí thư xã) chợt ngẩn người, trố mắt:
– Thì ra anh là Bắc Năm Tư! (1954)
Anh ta ngạc nhiên cũng phải, vì cách
phát âm Anh Ngữ của tôi khác với những người Việt Nam thời đại
mới. Với tôi thì chuyện người ta lấy làm kỳ khi nghe tôi nói câu
gì đó có chen tiếng Pháp, tiếng Anh cũng là việc thường xảy ra.
Tỷ như, trong những lần vào rừng Núi Voi, Ðức Trọng để làm cây,
làm gỗ, bạn rừng của tôi gọi cái máy cưa tay hiệu Brother là cái
cưa “Bờ Rồ Te” trong khi đó tôi lại gọi nó với tên “Brơ dờ”.
Những dị biệt nho nhỏ như thế đã khiến tôi thành mục tiêu cho các
bạn tôi chê cười. Họ cứ kêu tôi là “anh chàng nhà quê” nói tiếng
Anh, tiếng Tây dở ẹc!
Bất thình lình, người cán bộ Cộng sản
vội vàng gỡ cái nón cối kẹp vào nách rồi nghiêng đầu nhìn chăm
chú vào mặt tôi như đang quan sát một vật gì kỳ quái lắm. Cũng vì
chuyện anh ta gỡ cái nón ra mà tôi nhìn rõ mặt người đối diện.
Tôi thấy trên má y có một cái sẹo đen to bằng ngón tay cái nằm
ngay dưới con mắt trái! Tôi giật mình, “Thằng Ðông!”
Thằng Ðông bây giờ to béo quá! Nếu
không thấy cái sẹo trên má và nghe giọng nói quen quen của nó thì
tôi đã không nhận ra!
Ngay khi ấy, người cán bộ Cộng sản cất
tiếng la:
–
Ðúng rồi! Ðúng rồi! Anh là Sơn! Trung úy Sơn!
Khi y há miệng, tôi thấy rõ hàm trên
của y có ba bốn cái răng cửa bịt vàng. Ngày xưa thằng Ðông có cái
răng vàng nào đâu? Chắc bây giờ làm ăn khấm khá, nó mới trồng
thêm mấy cái răng vàng để trang trí và khoe của.
Tôi chưa kịp phản ứng gì thì tên Việt
cộng (Phan Ðông) đã hằn học tiếp:
– Anh không nhận ra tôi là người quen
của anh ư? Tôi là người bị các anh đá gãy ba cái răng cửa đây!
Phan Ðông đây! Từ ngày chia tay nhau trên Ðồng Nai Thượng, tới
bây giờ mới gặp lại. 20 năm qua, tôi thấy anh thay đổi quá rồi
đó! Anh không còn oai như hồi xưa! À này! Anh có biết thằng trung
tá mắt lồi ác ôn đang ở đâu không? Còn anh, anh là trung úy Ngụy!
Chắc anh trốn học tập cải tạo, giả dạng thường dân rồi lên đây
lái máy cày thuê phải không?
Thời 1968–1971 ở Biển Hồ Pleiku, những
người cấp dưới không có cảm tình với Trung tá Bùi Văn Sâm thường
gọi lén tên ông với hỗn danh “Ông trung tá mắt lồi”. Những lúc
ông trung tá này nóng giận, hai mắt ông ấy lồi ra, nhìn thấy sợ
lắm. Nghe thằng Ðông nhắc tên Trung tá Sâm, tôi nhớ ra ngay cảnh
nó ngồi ôm cái miệng đầy máu trong suốt thời gian chờ trực thăng
ngày ấy. Tôi vỡ lẽ, vì duyên cớ gì mà ngày nay miệng thằng Ðông
lại đầy răng vàng.
– Tôi có...
Tôi chưa nói ra trọn câu: “Tôi có... đi
học tập cải tạo mà!” thì cụt tiếng ngay, vì tôi vừa thấy ánh mắt
Phan Ðông thoáng lộ vài tia sáng lấp lóe, gian trá, dị kỳ. Ánh
mắt này tôi đã thấy hiện trên mặt y vào lúc y cùng Binh 2 Lê Văn
Hậu vừa leo lên sàn chiếc trực thăng UH1 D năm nào. Phan Ðông
bỗng đổi giọng, liến thoắng, vồn vã:
– Gặp lại anh tôi mừng hết biết! Nào!
Anh Sơn! Vào văn phòng của tôi đánh chén một chầu cái đã! Xe của
anh chắc cũng đáng 5 cây vàng! Nhưng anh Sơn đừng lo! Anh cứ dẫn
xe vào sân, đậu sát vách văn phòng của tôi! Không cần phải khóa
cổ xe! Ở đây an toàn lắm.
Sau khi phát ngôn một tràng dài, chẳng
ăn khớp gì với những lời y mới nói ra mấy giây đồng hồ trước đó,
tên cán bộ xã xoay người đứng lui sang một bên giơ tay kéo rộng
cánh cổng chờ tôi đẩy xe vào sân. Thấy cử chỉ và giọng điệu bất
thường của tên cán bộ Cộng sản này đáng sợ quá, tôi chưa biết
phải làm gì thì vừa may, Phan Ðông bước dang ra xa. Ngay lập tức,
tôi vội vàng phóng lên yên xe, mũi chân trái nhún mạnh xuống mặt
lộ, chiếc Honda lao xuống dốc.
Phan Ðông nhảy xổ ra đường, y giơ cao
tay, chỉ một ngón về phía tôi, miệng hét:
– Trung úy Sơn! Ðứng lại ngay!
Tôi ngoái cổ hét trả:
– Tao là thiếu tá! Tao là thiếu tá!
Bàn chân tôi chỉ cần nhấn nhẹ một cái
trên cần sang số là động cơ nổ liền, “Bình! Bình! Bình!”
Xuống tới chân dốc, tôi vặn hết tay ga,
chiếc Honda phóng như bay trên con lộ đất đỏ. 10 phút sau tôi đã
về tới nhà thằng con rể của anh Lê.
Sau khi để cái bạc đạn máy cày đã xoáy
nòng lên bàn, tôi kéo tay thằng cháu ra góc vườn nói nhỏ với nó:
– Cậu phải rời đây ngay! Có người sẽ
tìm giết cậu. Nếu có ai hỏi thăm cháu có người nào tên là Sơn tới
giúp cháu lái máy cày không thì cháu cứ nói cách đây 1 tháng có
một ông tên là Nguyễn Văn Hai, vừa mãn hạn tù cải tạo từ Sài Gòn
lên xin việc làm nhưng cháu chưa chấp thuận. Ông ta đã về Sài Gòn
mấy tuần nay chưa trở lại. Cháu cũng không biết địa chỉ cư trú
của ông ta ở đâu cả.
Ông chủ trẻ tuổi của tôi nghe chuyện
xong thì mặt mày tái mét:
– Vậy cậu tránh xa nơi này càng nhanh
càng tốt. Cháu sẽ làm theo lời cậu dặn, cậu đừng lo!
Không kịp quơ mấy bộ quần áo thợ cày
còn phơi trong nhà bếp, tôi vội vàng thót lên yên xe. Xế trưa hôm
đó, con đường tôi về dài hơn con đường tôi ra đi buổi sáng. Vì
muốn tránh mặt oan gia, tôi đã phải đi vòng thêm 4 hay 5 cây số
về hướng Nam của Ngã Ba Lý Lịch. Trời vẫn trong, mây vẫn bay, gió
vẫn hiu hiu, bạch đàn vẫn rì rào. Nhưng tôi không còn tâm trí nào
mà thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên nơi cuối sông được nữa. Xe
phóng qua mặt đập, rẽ vào con đường nhựa mà quân đội Ðại Hàn xây
dựng cách đây nhiều năm tôi mới bình tâm trở lại.
Nhớ chuyện vừa qua, hình dung ra bộ mặt
hung dữ với những chiếc răng vàng sáng chói của thằng Ðông, tôi
vừa tức cười, vừa giận trong bụng:
“Mẹ nó! Nếu ngày ấy mà tao không can
ngăn, chắc ông Sâm đã đá bỏ mẹ mày rồi! Mày không những chỉ gãy 3
cái răng cửa, có khi còn bể hết cả hàm trên lẫn hàm dưới, có khi
còn vỡ mặt! Mày đã không biết ơn tao mà còn giận cá chém thớt!
Mày đúng là cái đồ vô ơn!”
Tôi về tới Sài Gòn thì trời đã xế
chiều. Sau khi trả xe cho anh Lê, tôi đã ngồi kể hết cho anh ấy
biết nguyên nhân vì sao tôi không theo nghề lái máy cày nữa. Tôi
cứ dặn đi, dặn lại anh Lê rằng, nhớ bảo thằng con rể của anh đừng
cho ai biết tên thực của tôi, cứ nói tên tôi là Nguyễn Văn Hai,
không biết địa chỉ cư trú ở chỗ nào!
Ít lâu sau ngày này, vợ chồng anh Lê
ghé nhà mời tôi lên nhà anh để dự đám cưới đứa con gái thứ ba.
Dịp này anh Lê cho tôi biết tin tức mà anh nghe được ở Trị An:
“Vài ngày sau khi cậu Long rời Trị An
thì 1 ông cán bộ xã đã tới thuê John Deere cày 2 hecta ruộng cũ.
Ông cán bộ cứ hỏi dò anh chủ John Deere rằng nghe nói có một ông
tên là Sơn người Bắc, đang làm thợ cày phụ với anh, ông Sơn bây
giờ ở đâu? Thằng cháu đã cho ông ta biết tin ông Sơn mới được
người nhà bảo lãnh đi Mỹ đoàn tụ rồi! Thằng cháu còn nói thêm
rằng hình như hôm đó ông cán bộ có lận súng ngắn trong lưng.”
Nghe xong, tôi hiểu chuyện liền. Người
cán bộ Cộng sản kia đã không thuê Kubota với giá rẻ hơn, mà dám
bỏ ra 4 nghìn đồng phụ trội để thuê John Deere, cũng chỉ vì anh
ta muốn biết tin tức một người quen cũ có tên là “Trung úy Sơn”.
Anh ta cẩn thận quá! Ban ngày ban mặt, đi trong địa phận mình cai
trị để tìm người quen mà phải đem theo súng đạn.
Tôi chẳng ngạc nhiên chút nào, vì tôi
biết, thời buổi ấy, nơi đồng rừng hiu quạnh, chuyện thủ tiêu một
người không để lại dấu vết đâu có gì là khó khăn? Thêm vào đó,
nếu kẻ chủ mưu làm chuyện này mà là một chức sắc của chính quyền
Cộng sản địa phương thì cho dù Bao Thanh Thiên có tái sinh cũng
đành thúc thủ, không tài nào tìm ra thủ phạm! Có điều số mệnh của
mỗi sinh vật hiện diện trên cõi đời này đều do Trời định. Dù tên
cán bộ Cộng sản xã đã hăm hở lận súng sau lưng đi lùng sục khắp
hang cùng, ngõ hẻm vùng xung quanh Ðập Thủy Ðiện Trị An để tìm
cho ra một người mang tên là “Trung úy Sơn” y cũng chỉ hoài công
thôi. Ngay cả trường hợp y cất công về Sài Gòn, bỏ tiền ra mua
chuộc nhân viên quản thủ hồ sơ cũ còn lưu trữ trong thư khố của
Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, rồi tìm tòi, truy
cứu danh sách các quân nhân Biệt Ðộng Quân Việt Nam Cộng Hòa của
Vùng 2 Chiến Thuật, thì y cũng không thể tìm thấy cái tên này.
Vì trên thực tế thì làm gì có ông Trung
úy nào tên là Sơn ở Ðại Ðội 1/11 Biệt Ðộng Quân đâu?
Ngày xưa, trong thời gian tôi còn ở
Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, thuộc cấp của tôi hiếm khi gọi tôi
với tên “Long”. Trong đơn vị, người dưới quyền tôi thường gọi tôi
với các tên “Trung úy” “Thái Sơn” và “Ông thầy” tùy theo mức độ
thân tình. Có lẽ trong thời gian không đầy 2 tháng trời ngắn ngủi
hiện diện ở Ðại Ðội 1/11 anh chàng Phan Ðông chỉ nghe người khác
gọi tôi là “Thái Sơn” nên anh ta tưởng tôi mang tên “Sơn” và mang
họ “Thái” cũng nên?
Ngày ấy, sau khi bị một trận đòn đau,
lại bị tống giam vào trại tù Phiến Cộng, anh ta căm thù chúng tôi
cũng đúng thôi! Nhưng chẳng lẽ Trung úy Thái Sơn và những người
Biệt Ðộng Quân khác của Ðại Ðội 1/11 phải dang tay “ôm hôn thắm
thiết” 2 tên “đồng chí” vừa từ mật khu trở về?
Chẳng lẽ những người trai Việt Miền Nam
phải bỏ dở nghiệp bút nghiên, theo chân nhau tòng quân, đáp lời
sông núi, ngày đêm lặn lội rừng sâu núi thẳm, bảo vệ quê hương
phải vỗ tay hoan nghênh, đón chào những tên “ăn cơm Quốc Gia, thờ
ma Cộng sản” như anh học trò Phan Ðông của Trường Trung Học Biên
Hòa?
Sao anh
ta không nghĩ lại, tự hỏi lòng anh ta rằng, anh ta mong muốn gì
khi viết ba chữ S.O.S nơi đầu nguồn Ðồng Nai?
Chẳng lẽ anh ta viết ba chữ S.O.S rồi
ngồi chờ máy bay trực thăng của Liên Xô sẽ đáp xuống đón anh ta?
Người Quốc Gia luôn khoan dung độ lượng
mở rộng vòng tay, nhưng với những kẻ phản bội nguy hiểm như Phan
Ðông thì không thể có chỗ đứng trong một đất nước Tự Do.
Vì lòng nhân đạo, chúng tôi đã cứu vớt
2 tên phản quốc, nhưng chúng tôi không thể tin dùng chúng được
nữa.
Từ khi
Phan Ðông đào ngũ, đi theo giặc, Phan Ðông và Thái Sơn, đã thành
2 người ở 2 chiến tuyến; trong đầu 2 người là 2 ý thức hệ đối
nghịch nhau.
Thời gian như bóng câu...
Tôi ở Mỹ đã lâu lắm rồi, nhưng hàng
ngày tôi vẫn theo dõi tình hình xảy ra trên quê hương cũ Việt
Nam.
Ðầu năm
2020, tôi đọc được những tin tức truyền rao tiếng kêu oan của
những người thời xưa có công bao che, giấu giếm và nuôi dưỡng các
chiến sĩ Cách Mạng chống Mỹ, Ngụy.
Nay họ than khóc vì bị chính quyền Cộng
sản tịch thu hết đất đai, ruộng vườn. Từ ấy, tôi chợt nhớ lại
chuyện đã xảy ra ở chốn đầu nguồn và ở cuối nguồn của một dòng
sông. Không biết giờ này anh cán bộ Phan Ðông có còn sinh sống
trong vùng Kinh Tế Mới cuối nguồn Ðồng Nai không? Ðịa danh Ðồng
Nai và địa danh Ðồng Tâm có chung một chữ Ðồng.
Chắc anh cán bộ Phan Ðông đã nghe những
lời kêu cứu thảm thiết của những đồng chí của anh ta đang bị nhà
cầm quyền Cộng sản tịch thu ruộng đất ở Ðồng Tâm.
Chắc Phan Ðông đã biết rằng, những
người Cộng sản ở xứ Ðồng Tâm có số tuổi đảng nhiều lần cao hơn,
so với tuổi đảng của anh ta.
Tôi không rõ, khi những dòng chữ này
được đưa lên net thì những hecta đất mà Phan Ðông đã được phép
làm chủ sau năm 1975 đã bị nhà nước Cộng sản sung công chưa?
Tôi mong rằng Phan Ðông chưa vội nhắm
mắt trước khi chứng kiến cảnh đổi đời tái diễn trên đất nước
mình!
Vương Mộng Long
Seattle, WA tháng 2 năm 2020
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by CATHY chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật,
May 28, 2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang