Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
Ngày Lễ Mẹ
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Hôm nay là ngày
01/06/202. Tôi chào ngày đầu tháng sáu. Tháng của hạ hồng, của
trời cao trong vắt, của biển xanh, núi biếc, của những trái tim
rộn rã bãi trường, của những trắng đêm ôn bài vật vã!
“Mùa thi sắp tới em ‘thơ’
Chiếc hôn âu yếm xin chờ năm sau” (Xuân Diệu).
Cách đây mấy tuần, tôi ngạc nhiên khi
nhận được một số “mail” viết cho ngày “lễ Mẹ”, từ Úc, Mỹ, Gia nã
Đại. Không phải là không biết nhưng từ khi Mẹ tôi không còn, tôi
cũng không còn “để ý” đến ngày “lễ Mẹ”. Nên quên rằng: ai cũng có
một bà mẹ nhưng ngày lễ Mẹ thì không phải nước nào cũng giống
nhau.
Dù nguồn
gốc “lễ Mẹ” phát xuất từ Hy Lạp nhưng không phải vì thế mà các
quốc gia, nhất là Châu Âu, đều chung một ngày. Trừ Hồng–kông, Ấn,
Mã Lai, Mễ, Hồi, Miên, v.v. là ngày 10/5; Lào, Nga, Anh, Ái,
v.v.: một chủ nhật trong tháng 3, v.v. nhiều quốc gia trên thế
giới đều chọn một chủ nhật trong tháng 5. Chủ nhật đầu tiên:
Tây–ban–nha, Bồ, Hung, Lituanie, v.v. Chủ nhật thứ hai (đa số):
các nước Bắc Âu (trừ Na Uy: tháng 2), Hy–lạp, Bỉ, Ý, Thụy Sĩ,
Đức, Hòa Lan, Lettonie, cũng như Úc, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại,
Nhật, Thổ, Mỹ, Tàu, Ba–tây, Phi luật Tân, v.v. Chủ nhật thứ tư:
Thụy Điển, Pháp, Monaco, Maroc, Libye, v.v. Riêng Pháp và Monaco,
nếu chủ nhật cuối tháng 5 rớt vào ngày lễ “Pentecote” thì ngày
“lễ Mẹ” dời lại chủ nhật tuần sau, như năm 2023 này là chủ nhật
4/6.
“Không để
ý” đến “chuyện–ngày–lễ–Mẹ” vì tôi cho là, tuy hữu ích, nhưng mấy
ngày: lễ Mẹ, lễ Cha, lễ Ông, lễ Bà, lễ Tình Nhân (Saint
Valentin), v.v. là mấy ngày do giới “thương mại” đưa ra để bán
hàng. Chứ “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong
nguồn chảy ra / Con người có tổ, có tông – Như cây có cội, như
sông có nguồn” thì không cứ gì phải đợi đến mấy ngày này mới
“thương Cha, nhớ Mẹ / nhớ Ông, thương Bà”!
Miền–Nam–chúng–ta, trước 1975, không có
ngày “lễ Mẹ” vì, với chúng ta, ngày nào cũng là ngày lễ Mẹ. Ngược
lại, ta có ngày Vu Lan để vinh danh, báo hiếu Cha Mẹ.
Ơn Mẹ, yêu kính Mẹ. Không có cơ hội làm
Mẹ vui thì cố tránh làm Mẹ buồn. Mà không chỉ có mẹ. Yêu mẹ thế
nào thì cũng yêu cha thế đó. Có điều, vai trò của người “chủ gia
đình”, lại là một người “phái mạnh” (!), khiến người cha ít biểu
lộ tình cảm, nghiêm khắc(?), ít trao đổi với các con (?). Trái
với người mẹ.
Ngay từ lúc sinh ra,chúng ta đã nằm trong lòng Mẹ. Mẹ cho bú. Mẹ
mớm ăn. Mẹ ru ngủ. Tắm rửa là Mẹ, thay đồ là Mẹ, ốm đau cũng Mẹ,
v.v. Có lẽ vì thế, con dễ “gần” mẹ hơn cha, nhất là con gái. Là
con Rồng, cháu Tiên nhưng có chuyện gì, chúng ta cũng đều kêu mẹ
trước tiên. Mẹ riêng và mẹ chung. Mẹ Việt Nam ơi!
Với tôi, những tác phẩm nghệ thuật nào
nói về mẹ cũng đều hay, với điều kiện nó phải thật. Ca dao về mẹ
là những câu thơ trong những câu thơ hay nhất. Bài “Mẹ ca Việt
Nam” hay nhất phải là “Lòng Mẹ”. Chỉ với ca khúc này thôi, tên
tuổi Y Vân đã trở thành bất tử, v.v.
Đất nước chúng ta, một thời, triền miên
chinh chiến! Có rất nhiều người chết, người lính lẫn người dân!
Có rất nhiều đứa con mất mẹ (“pháo kích”, Huế 1968, đại lộ kinh
hoàng 1972, chạy giặc 1975, v.v.) Như đã có rất rất nhiều bà mẹ
mất con, ở “bên này” hay “bên kia”! Nỗi đau mất người thân, bao
giờ, cũng là nỗi đau kinh khủng nhất! Nhưng đau nhất phải là nỗi
đau của các bậc sinh thành. Nhất là người mẹ, khi mất đi cái “núm
ruột” của mình, nghĩa bóng lẫn nghĩa đen!
Đất nước chúng ta một thuở sau “hòa
bình”, một hòa–bình–bị–cưỡng–bức, nên vẫn còn những tang tóc thê
lương! Khi vẫn có biết bao nhiêu gia đình mất con: trong các trại
tù cải tạo, trên các chiến trường: “biên giới Việt–Hoa”, “10 năm
Cam Bốt “. Khi có thêm hàng chục ngàn (?) gia đình mất con hay bị
“làm nhục” trên biển Đông, trong rừng già Miên, Thái! Và, ngoài
những mẹ già, lưng còm, má hóp, thêm những người con gái tóc
xanh, năm xưa thời chiến khóc cha, anh, hôm nay thời bình khóc
chồng, con!
1979, nếu không có “ơn trên hộ trì”, cha mẹ tôi cũng đã là những
“người–Việt–khổ–đau” đó!
Không biết trong mấy tháng trời mong
tin con, các–người đã vật vã, âu lo như thế nào, đã bị khóm,
phường hạch sách ra sao?! Nhưng tôi biết các–người đã tụng kinh,
cầu nguyện rất nhiều! Sau này, khi đoàn tụ trên xứ người, tôi
không dám hỏi Thầy Mẹ tôi điều này. Tôi sợ phải “thấy lại” những
ngày đau thương, đen tối đó! Và Thầy Mẹ tôi cũng không kể lại,
trong các buổi họp mặt gia đình. Dường như, cả gia đình tôi,
không ai muốn nhắc đến chuyện này! Ai cũng nhớ mà không ai muốn
nhắc! Như sợ làm vẩn đục đi, cái không khí hiền hòa, ấm cúng
đoàn–viên!
Trong 6 năm xa cha mẹ, biết hai người thích (và hay làm) thơ, năm
nào tôi cũng viết một bài mừng sinh nhật các người. Như bài thơ
viết cách đây 41 năm (1982), gởi Mẹ:
Mừng Sinh Nhật Mẹ năm thứ 67
Con viết gì
cho ngày Sinh Nhật Mẹ?!
Ba năm qua rồi,
lá phải lìa cây!
Ba năm trôi qua, vắng
hình bóng trẻ
Mắt lệ hôm xưa, ướt đến
hôm này!
Nghe
đâu đây câu kinh buổi sáng
Tiếng dép
nhịp đều, ngang qua phòng con
Nghe đâu
đây trong đêm vắng lặng
Tiếng Mẹ ho,
tiếng võng đưa buồn
Có những kỷ niệm mà con xin sám hối
Là những lần làm Thầy Mẹ buồn đau
Ôi,
tuổi trẻ con là một thời nông nổi
Chỉ
biết sống cho mình, cho những giấc chiêm bao!
Hôm tiễn đưa,
Mẹ ôm con khóc ngất
Con gói chặt lòng,
gút lại xót xa
Chân cố bước thản nhiên
nhưng hồn đã mất
Con chẳng dám quay đầu,
nhìn vạt áo bà ba!
Con chúc Mẹ gì đây (mỗi đêm con vẫn
chúc
khi nguyện cầu với đức Quán Thế
Âm)?
Con chỉ mong Mẹ luôn cười hạnh phúc
Cười bên Thầy, cười đến trăm năm
Chữ con viết như in, cố dằn đi xúc động
Thơ con đậm trong tim, vì rất thật tình
Đã 3 năm, con hết mơ, tàn mộng
Giữa dòng
đời của thế giới “văn minh”!
Mẹ ơi, Mẹ ơi, bây giờ đêm vắng
Nên lòng con chùng, ắp nhớ thương!
Nên
đôi môi đã nghe mằn mặn
Tay vói hư
không, đụng nỗi buồn!!!
15/8/1982
Chủ nhật 4/6 này, nơi tôi sống, là ngày
“lễ Mẹ” nhưng ngày mai, thứ sáu 2/6, là ngày giỗ Mẹ tôi. Lần thứ
20!
Từ 20 năm
nay, với anh em chúng tôi, ngày “lễ Mẹ” là ngày giỗ Mẹ 2/6, là
ngày chúng tôi cài trong tim đóa “hồng” trắng cao sang, tinh
khiết, tưởng niệm Mẹ!
Thay cho lời “Bonne Fête, Maman!”
BP
01/06/2023
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, June 1,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang