Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
Thanh niên VN
Tác giả:
Điệp Mỹ Linh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Thời
gian gia đình còn kẹt lại Việt Nam, tuy tuổi đời còn non dại, Nga
đã nhìn đời bằng tâm thức của một thiếu nữ trưởng thành. Trong
khi đó, tại Hoa Kỳ, Phong được nuông chiều, cho nên, Phong rất vô
tư. Thấy Nga không tỏ vẻ háo hức về tin chàng có xe mới, Phong
hỏi lơ chuyện khác:
–Sáng nay ai đưa Nga đến trường?
–Ông xe “bus”.
–Từ nay có xe mới, anh sẽ đưa và đón em
thường xuyên.
–Cảm ơn anh.
–Đi, đi với anh ra xem xe mới.
–Thôi, anh lấy xe vào đón Nga đi!
–Ok, “sir”!
Nhìn theo dáng người dong dỏng cao của
Phong, Nga thở dài, nghĩ đến Huân – người anh xa vắng của nàng.
Hình ảnh Huân đang chờn vờn trong tâm
tưởng của Nga thì chiếc xe thể thao màu đỏ dừng sát lề đường.
Phong chồm ra, cười. Đối với một sinh viên vừa thoát khỏi “đáy
địa ngục” của cộng sản Việt Nam (csVN) vào thời bao cấp – như Nga
– thì chiếc xe này phải là một giấc mơ không tưởng! Thế mà Phong
không hiểu tại sao Nga vẫn tỏ vẻ dững dưng.
Xe ra khỏi khuôn viên trường đại học
Houston. Phong hỏi:
–Nga muốn ghé phố Tàu mua gì không?
–Anh ghé cho Nga mua ít Salompas.
–Nga bị gì mà phải dùng Salompas?
–Nga mua cho Ba. Hồi đó, Ba bị csVN
nhốt tù “cải tạo”, phải phá rừng, kéo gỗ, làm rẫy. Sang đây, vừa
làm việc cực nhọc vừa thương nhớ anh Huân, cho nên, lúc nào tinh
thần và thể xác của Ba cũng hành hạ Ba!
–Chuyện của anh Huân quả là một chuyện
ngoài sự tưởng tượng của anh. Có phải vì chuyện của anh Huân mà
Ba của Nga trở nên quá nghiêm khắc hay không?
–Đối với Ba, thanh niên sống phải có
định hướng. Đừng để những đam mê vật chất làm tàn úa tâm hồn.
Im lặng.
Xe vào bãi đậu của tiệm thực phẩm Á
Đông. Vừa mở cửa, Nga vội quay lại, bảo:
–Anh khỏi vào. Em trở ra ngay.
–Okay!
Vì hôm qua lái xe mới đi khoe với bạn,
về khuya, bây giờ Phong cảm thấy mệt, buồn ngủ. Phong chỉ khép
mắt được một chốc, Nga trở ra, gõ cửa xe.
Kéo “seat belt” xong, Nga khoe:
–Lâu lắm mới thấy lại trái xoài; Nga
mua cho anh đó.
Nhìn trái xoài, Phong chu môi như muốn
hôn trái xoài rồi nói.
–Anh có một câu chuyện rất vui về xoài.
Khi anh khoảng 5, 6 tuổi, Mẹ thường đưa gia đình về thăm Ngoại.
Anh thấy mấy cây xoài trong sân của Ngoại sai trái lắm; mà trái
xoài mọc lạ lắm, em!
–Sao mà lạ?
–Nó mọc cách nhánh cây cả đoạn dài bằng
“sợi dây” nhỏ xíu, trông xinh lắm!
–Hồi đó gia đình em ở Sài Gòn, em chẳng
biết cây cỏ gì cả. Sau khi csVN chiếm miền Nam, tịch thu nhà,
đuổi Má và tụi em đi kinh tế mới, ai cũng phải tự túc trồng rau
và hoa quả để có thức ăn. Lúc đó em mới thấy cây xoài. Lần đầu
tiên thấy cây xoài ra trái, em tự hỏi, tại sao “sợi giây” nhỏ
xíu, chỉ “dính” vào cành cây có tí ti mà lại nuôi và giữ được
trái xoài?
–Anh chả suy nghĩ gì cả, thấy nó lủng lẳng trông xinh quá, anh
nhón gót cắn ngay nơi phần nhòn nhọn, cong cong của trái xoài;
cắn hết trái này đến trái khác. Cả nhà không ai biết con gì cắn.
Một hôm ông Ngoại rình mà anh không biết. Anh bị bắt tại trận.
Đến bây giờ gia đình cũng còn nhắc chuyện ăn cắn xoài.
–Kỷ niệm thời thơ ấu ở quê mình sao mà
đẹp và dễ thương quá! Có bao giờ anh nghĩ rằng anh sẽ trở về hay
không?
–Về làm
gì? Nghe mấy đứa bạn mới theo gia đình vượt biển sang, bảo rằng
quê mình bây giờ nghèo lắm, bo bo và củ mì cũng không đủ ăn. Mình
về, làm sao sống được?
–Chính vì csVN đưa dân tộc Việt Nam vào
giai đoạn “bao cấp” như hiện tại, cho nên, mọi người rất cần
người trẻ trở về để “làm một chút gì” cho Quê Hương!
–Khó lắm, Nga ơi! Ở đây, vật chất làm
cho con người lệ thuộc vào sản phẩm nhân tạo. Ăn thức ăn nguội,
anh bị đau bụng. Muỗi chích, anh bị nhiễm độc. Sáng thiếu ly cam
tươi, anh cảm thấy thiếu sinh lực. Tối không có “dental floss”
anh ngại hư răng. Anh không thể sống mà không có máy lạnh, máy
sưởi!
–Anh từ
đâu tới? Xã hội này có chấp nhận anh như một người da trắng mắt
xanh hay không? Cuộc sống cho anh nhiều tiện ích. Nhưng, làm thế
nào anh có thể tìm được kỷ niệm ngọc ngà như bên vườn xoài của
Ngoại? Nơi đây chỉ như một buổi dạ vũ sang trọng, mình vui chơi
rồi về. Vùng đất nghèo nàn, cằn cỗi, thấm nhiều máu, nước mắt và
vết tích của bom đạn – nơi anh đã chào đời – chính là nhà, cần
anh chăm nom, vun xới.
–Anh biết Nga suy luận đúng. Nhưng từ
ngày lớn lên cho đến khi quen em, chưa một lần anh nghe ai đề cập
đến những điều cao cả như em thường nói với anh. Chưa bao giờ anh
nghe Bố Mẹ đề cập đến trách nhiệm và bổn phận của người trai
trong thời loạn. Bố Mẹ chỉ muốn anh học giỏi, ra trường, kiếm
được việc làm tốt. Riêng em, em muốn hướng anh theo con đường cao
cả của anh Huân, đúng không?
–Chỉ đúng một phần. Ngày ở kinh tế mới,
anh Huân còn quá trẻ và anh Huân không có bất cứ điều kiện tối
thiểu nào để thực hiện lý tưởng cao cả của anh ấy. Anh Huân cùng
một nhóm thanh niên trong ấp phải gia nhập tổ chức Phục Quốc của
Hải Quân thiếu tá Đặng Hữu Thân. Sau khi Thiếu tá Thân bị csVN xử
tử tại trại tù A–30, không ai biết được số phận của anh Huân và
những người hùng trẻ tuổi đó!
–Nhóm thanh niên đó quả là người hùng!
–Mỗi người
mỗi hoàn cảnh. Với năng khiếu của anh, anh không cần phải dấn
thân vào con đường khổ hạnh, đầy chông gai và bất trắc như anh
Huân. Từ vùng đất phồn hoa này, anh vẫn có thể khơi động và cổ
xúy tinh thần yêu nước trong lớp người trẻ hôm nay.
Im lặng. Một chốc sau, Nga tiếp:
–Từ nay, những lúc rảnh rỗi, anh nên
nghe nhạc của miền Nam Việt Nam, trước 1975. Nghe những bản dân
ca, những câu hát ru em, những điệu hò lơi lả, những tình khúc về
Lính, anh sẽ thấy hồn tính của dân tộc trong ấy; rồi anh sẽ nhận
biết, từ ngõ ngách sâu thẳm trong tiềm thức, mối tình cảm thiêng
liêng, thánh thiện được nảy sinh và vun bồi. Tình cảm ấy chính là
tình Quê Hương, tình dân tộc.
–Anh chỉ tiếc rằng từ nhỏ đến giờ, Bố
Mẹ anh chưa bao giờ đề cập đến những điều cao cả như em nói.
–Bố Mẹ anh, Ba Má em và đa số người
miền Nam Việt Nam – dù đã bị csVN cướp đoạt tất cả rồi đày đi
Kinh tế mới – cũng chưa bao giờ dạy con nuôi căm thù. Ngược lại,
lúc nào người csVN cũng nuôi và truyền căm thù bằng cách giáo dục
học trò như thế này: “Một anh bộ đội bắn chết 5 lính Ngụy. Hai du
kích gái hạ sát 9 tên Mỹ. Hỏi có bao nhiêu Mỹ Ngụy bị quân cụ Hồ
giết?”
–Làm gì
có thứ giáo dục quái đản như thế?
–Lối giáo dục quái đản ấy do người csVN
“nhồi” vào đầu dân Việt đó!
Nga dứt câu vừa khi Phong dừng xe cách
nhà của Nga một khoảng ngắn – để gia đình của Nga không biết được
sự liên hệ mật thiết giữa Nga và chàng. Nga tiếp:
–Anh nhớ cho ban hợp ca dợt kỷ lại bài
Việt Nam Việt Nam và anh cũng nhớ tập bài Kỷ Vật Cho Em để sẵn
sàng cho buổi Đại Hội Liên Trường, nha!
–Yes, “sir”!
Nga cười. Phong chu môi, nhìn Nga đóng
cửa xe. Bất ngờ Nga nói lớn:
–Chết! Anh chạy đi! Xe Ba em sau xe anh
kìa!
Phong
chưa kịp phản ứng, Ba của Nga mở cửa xe, bước nhanh đến bên Nga,
gằn giọng:
–Đi
về ngay!
Xoay
sang Phong, Ba tiếp:
–Cấm cậu giao thiệp với con tôi. Cậu
nghe rõ chưa?
Phong uất, nhấn “chân ga”, chiếc xe lao nhanh về phía trước. Về
đến nhà, Phong lạc tay lái, xe “ủi” sập cổng sắt và trụ gạch nơi
“driveway” của Bố Mẹ.
Trong những lời đay nghiến của Bố Mẹ,
Phong chỉ nhớ một câu của Bố:
–Mày là một thằng vô trách nhiệm. Mày
chỉ biết vui chơi, đua đòi với bạn bè, không giúp ích gì cho gia
đình. Từ cái sân, cọng cỏ, tấm thảm, phòng ngủ, v.v. đều do ông
bà già này dọn dẹp. Tao rất buồn và thất vọng! Ngày trước, thanh
niên miền Nam Việt Nam, đỗ Trung Học hoặc tú tài I xong là vào
Trường Sĩ Quan Thủ Đức; đỗ tú tài II, vào Hải Quân, Không Quân
hoặc Trường Võ Bị Đà Lạt. Sau vài năm, họ ra trường, trách nhiệm
đè nặng vai. Ngày đêm họ đối mặt với csVN để bảo vệ miền Nam chứ
đâu có “nhong nhong” như mày. Những chuyện nhỏ trong nhà mày còn
vô tâm như thế, làm thế nào mày làm được việc lớn?
Phong vùng vằng đi về phòng.
Vùi mặt vào gối, Phong cảm thấy hoang
mang và tức giận. Những lời của Bố – cũng như những lời của Nga
lúc chiều – đã giáng những nhát rất nặng vào tự ái của Phong.
Phong biết Bố và Nga nói đúng. Nhưng, tại sao Bố không nói những
điều đó khi Phong và các em còn bé? Tại sao không ai vạch cho
chàng một hướng đi? Bố Mẹ chỉ biết lo làm “đầu tắt mặt tối” để
Phong và các em có cuộc sống phủ phê về vật chất; nhưng về tinh
thần thì... tâm hồn của Phong và các em chỉ là những khoảng trống
mênh mông! Đã ai vẽ vào những khoảng trống ấy một hướng đi – dù
bằng nét vẽ đơn sơ, lập dị hoặc cầu kỳ? Những việc lớn mà Bố nói
là việc gì? Phong chỉ hiểu lờ mờ về chiến tranh Việt Nam. Phong
cũng nghe loáng thoáng về Kháng Chiến Việt Nam vừa được thành
lập. Nhưng, Phong nghĩ, đó là trách nhiệm của... ai đó chứ đâu
phải của chàng!
Đang buồn nản, Phong chợt nghe giọng
đầy lo âu của Mẹ:
–Ơ, Phong! Sao lại nằm vùi như thế,
con? Đi tắm rồi ra ăn cơm! Bố giận thì Bố nói thế chứ có gì đâu
mà con buồn!
Biết lỗi của mình, Phong ngồi dậy, lặng lẽ đi vào nhà tắm.
Tắm xong, khi chải tóc trước gương,
Phong chợt nghe tiếng Guitar từ sân sau. Phong thở dài. Khi nào
cũng vậy, có điều gì buồn, khó nghĩ, Bố cũng ôm Guitar “từng
tưng” để tìm sự tĩnh lặng cho tâm hồn. Lắng nghe một chốc, Phong
nhận ra Bố không đàn nhạc tình cảm như mọi khi mà Bố đang đàn một
nhạc khúc vui. Ô, Bố lại hát nữa! Phong muốn nhân lúc Bố vui,
chàng sẽ xin lỗi Bố về tai nạn do chàng gây ra.
Đẩy cửa “patio”, bước ra, Phong nhận
được nụ cười tha thứ của Bố và Mẹ. Phong ngồi cạnh Mẹ, lắng nghe
Bố hát.
Hát
xong, Bố hỏi:
–Sao, Phong? Bài Việt Nam Việt Nam, ban hợp ca “của con” thuộc
lời và hát đúng nhịp, sẵn sàng để trình diễn chưa?
–Dạ, xong cả rồi.
–Tốt!
–Bố à! Lúc nãy Bố hát bài gì lạ quá,
con chưa bao giờ được nghe.
–Bài này – tựa là Nhân Dân Cách Mạng
Việt Nam của Hùng Lân – Bố đang tập theo “cassette” Bố mượn của
người bạn.
–Sao hôm trước Bố không dạy chúng con bài này mà Bố lại dạy bài
Việt Nam Việt Nam?
–A! Bài này, vì lâu quá, Bố quên; còn
bài Việt Nam Việt Nam, Bố thuộc.
–Bố à! Tuy không hiểu rõ lời ca, con
vẫn thích bài này hơn; vì âm hưởng của bài này có vẻ thôi thúc,
khích động nhiều đó, Bố?
–Thật ra, khi nghe lại bài Nhân Dân
Cách Mạng Việt Nam, Bố nhận thấy lời ca của bài này thể hiện được
tất cả niềm kỳ vọng của người miền Nam Việt Nam. Bố nghĩ con nên
tập cho các bạn bài này thay cho bài Việt Nam Việt Nam.
–Đây là đêm văn nghệ liên trường – gồm
nhiều trường đại học tại Texas – chúng con phải cố gắng để có
những tiết mục khác lạ, thích hợp phần nào với thời sự, Bố ạ!
–Rồi, tý nữa, ăn cơm xong, Bố chép bài
ấy ra “notes” cho con.
******
Màn vừa kéo lên, Ban Hợp Ca và Phong
đều cúi đầu chào quan khách trong tiếng vỗ tay vang dội. Tiếng vỗ
tay vừa dịu xuống, Phong nói vào “micro”:
– Kính thưa quý khán giả, Ban Hợp Ca
trường Đại Học Houston xin trân trọng kính chào quý vị.
Tiếng vỗ tay lại vang lên. Phong tiếp:
–Kính thưa quý vị, lúc nãy, khi quý vị
vào cửa, ban tổ chức đã trao tận tay mỗi vị một tờ giấy màu vàng.
Trên tờ giấy đó là lời ca của nhạc khúc Nhân Dân Cách Mạng Việt
Nam. Nơi đoạn điệp khúc, có bốn dòng được tô màu đỏ. Xin trân
trọng kính mời cả hội trường cùng ca với chúng tôi khi chúng tôi
hát đến bốn câu được tô màu. Được không ạ?
Cả hội trường đưa cao tay, reo:
“Yeah!”.
Quay
mặt lại với ban hợp ca, Phong nhìn ban nhạc. Một thoáng im lặng.
Phong đưa tay phải lên rồi “gặt” mạnh xuống, toàn ban nhạc đồng
tấu nhạc khúc Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam. Tay trái của Phong hòa
vào. Khi âm thanh của ban nhạc đến cuối phân đoạn đầu, Phong phất
tay trái về phía ban hợp ca, tức thì, ban hợp ca “bắt” vào:
“Nhân dân cách mạng Việt Nam
Vùng đứng lên cùng thế giới,
Vai chen
vai bên nhau
Mưu cuộc giải phóng giống
nòi.
Hận thù bọn Việt cộng,
Đã cướp mất lẽ sống
Và đày đọa dày xéo
non sông.
Đồng bào Việt Nam!
Đứng lên cùng thế giới. (Cả hội trường đáp)
Đồng bào Việt Nam!
Đấu tranh và kiến
quốc! (Cả hội trường đáp)
Núi sông sẽ
trở về tay nhân dân,
Bắc Nam Trung đồng
lòng kết đoàn...
... Tự quyết lấy đi
thôi!
Đường sống tiến lên đi!
Tiến lên, dân tộc Việt Nam!”
Phong dừng tay, cùng ban hợp ca cúi
chào trong khi cả hội trường đứng lên. Tiếng vỗ tay vang dội cả
hội trường.
Màn khép lại. Nga bước vội ra sân khấu. Vừa đưa hai tay về phía
trước – trong tư thế sẵn sàng “hug” Phong – Nga vừa reo vui:
–Phong! I love you. I’m so proud of
you!
Phong xúc
động tột cùng, dang rộng vòng tay. Nga và Phong tựa đầu lên vai
nhau trong ánh nhìn trìu mến của các bạn cùng thế hệ di tản...
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com
*
– Truyện ngắn này được viết từ cuối thập niên 70 – thời computer
chưa có tiếng Việt – vừa được đánh máy lại.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Điệp Mỹ Linh chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, September 25, 2021
Ban kỹ thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang