Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Ngược dòng Thời gian
Chủ đề: Nhà Ngô Đình…
Tác giả: kim thanh/NGLO
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Tin từ Ngô Đình Trác
báo cho ông bạn tôi, Luật sư Trương Phú Thứ, hay rằng Bà quả phụ
Ngô Đình Nhu, nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân, đã về Nước Chúa lúc 2
giờ sáng ngày lễ Phục Sinh, 24/4/2011, hưởng thọ 87 tuổi.
Tôi viết bài này gửi các thân hữu, bạn
bè, và những người mà tôi biết chắc vẫn còn ái mộ, quý mến –hoặc
ít ra không thù ghét– Bà Ngô Đình Nhu, chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa
Việt Nam, và Tổng thống Ngô Đình Diệm. Không như những phản tướng
1963, tôi chưa hề gặp mặt Bà Nhu, chưa hề nhận ân sủng nào của Bà
hay của chế độ, ngoài một trăm đồng Bà gửi tặng Hội JÉCU (Thanh
Sinh Công Đại Học) năm xưa, được Ngô Đình Lệ Thủy trao cho tôi
(cf. “Ngô Đình Lệ Thủy, hồng nhan mệnh yểu”).
1.
Bà Ngô Đình Nhu là người nổi tiếng thuộc dòng họ Ngô Đình và
người liên hệ trực tiếp với chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa duy nhất còn
sống sót vừa ra đi. Dù thương hay ghét Bà, ai cũng phải công nhận
Bà là một nữ lưu thông minh, có tài có sắc, một cộng sự viên đắc
lực, quả cảm của chồng và anh chồng. Qua hai nền Cộng Hòa, chưa
có một phụ nữ tầm cỡ public figure (người của quần chúng) Việt
Nam nào làm tôi thấy cảm phục và hãnh diện như Bà Ngô Đình Nhu.
Cho dù, dĩ nhiên, Bà chưa hoàn hảo, cũng như bất cứ ai trên đời.
Trước và sau vụ đảo chánh 1963, Bà là mục tiêu tấn công của những
nhà báo và chính khách Việt Nam và ngoại quốc, nhất là Mỹ, chưa
nói cộng sản đội lốt tôn giáo, đối lập, “cách mạng”, đã không
ngần ngại vu khống, xuyên tạc, đổ lỗi, thêu dệt đủ điều, kể cả về
đời tư của Bà. Đọc tất cả những tài liệu đã được giải mật, và
những sách báo cũ, và những sách báo mới trên các Diễn Đàn Hải
Ngoại –những diễn đàn của Đui Chột, của Thù Hận, của Ác Độc– tôi
thấy bất nhẫn và buồn nôn trước sự hèn hạ, nhỏ nhen của con
người, vì dù sao Bà cũng chỉ là một phụ nữ và không giữ một chức
vụ chính thức nào trong chính quyền. Bọn họ, kể cả Mỹ và Tây
Phương, không mã thượng, anh hùng đủ, than ôi, để đánh Bà bằng
một cánh hoa hồng, nhưng đã dùng mọi thứ dao búa. Họ dã man, trên
phương diện tinh thần, không khác chi một Gia Long đã hành hình,
về thể xác, nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái mười sáu tuổi bằng
cách cho voi dày.
Bà là hiện thân và nạn nhân của Bất
Hạnh như một trong những nữ nhân vật chính tuyệt đẹp của những vở
bi kịch Hy Lạp. Nhưng khác với họ luôn vùng lên, phản kháng, chất
vấn Thượng Đế, Bà đã im lặng, chấp nhận mệnh số nghiệt ngã, và âm
thầm chịu đựng tất cả những sầu khổ, oan khiên, bất công, suốt
một nửa thế kỷ.
2.
Một điểm nữa, ngời sáng, về con người của Bà, mà tôi tin rằng đến
cả kẻ thù cũng không thể phủ nhận. Khi chồng bị thảm sát, Bà còn
trẻ đẹp lắm –điều mà báo chí Mỹ thiên vị và tàn độc cũng phải ca
ngợi. Nhưng Bà ở vậy, thờ chồng, nuôi đàn con còn vị thành niên,
không có của chìm của nổi, không lầu son gác tía, nhờ tham nhũng
hoặc ăn cắp của công. Nếu có bằng chứng Bà phạm vào hai điều cấm
kỵ này, chắc chắn báo chí và công luận Mỹ và Việt Nam, vốn thù
nghịch, đã không bao giờ để Bà yên. Bà sống khép kín như một nữ
tu tại gia. Không xuất hiện trước đám đông. Không cho nhân gian
thấy tóc đổi màu, những dấu chân chim in trên đuôi mắt và những
tàn phai bởi thời gian, theo gương những mỹ nhân tự thuở xưa.
Không tuyên bố này nọ. “Thời của tôi qua rồi”, bà thường nói với
những người quen biết, như một lời giã biệt thế gian. Không mang
tiếng, không bồ bịch, không bước thêm bước nữa. Không vì tiền bán
thân cho tỷ phú. Nếu sống vào thời quân chủ, Bà xứng đáng nhận
lãnh bằng khen “Tiết Hạnh Khả Phong”.
Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm tôi yêu mến
Bà như một người mẹ (bà kém mẹ tôi một tuổi). Ca ngợi Bà như một
nữ chính khách một thời sáng giá, đảm lược, dám nói dám làm, như
chồng Bà, trước vòng vây khốn của thù trong giặc ngoài. Kính
trọng Bà như một thần tượng. Làm sao tôi không xúc động khi nghe
tin Bà đã bước vào một cuộc hành trình cuối cùng, ngày Chúa chết
trên cây thập giá và sống lại, để từ nay vĩnh viễn thuộc về Tuổi,
nói theo Edwin Stanton, belongs to the Ages.
3.
Nhà danh họa thuộc phái ấn tượng Pháp Auguste Renoir của những
tuyệt phẩm chan hòa ánh sáng và màu sắc, những năm cuối đời, bị
bệnh thấp khớp hành hạ, không đứng được nữa, phải ngồi vẽ tranh
một cách đau đớn với bàn tay co quắp, nhức buốt. Người học trò
của ông, danh họa Henri Matisse, thấy vậy, thương ông, đã hỏi:
“Tại sao Thầy phải tiếp tục ngồi vẽ một cách khổ sở như thế?”
Renoir ngước nhìn khung vẽ, trả lời: “Đau đớn sẽ qua đi. Cái đẹp
sẽ còn lại.”
Tôi muốn nhắc lời của Renoir, để xưng tụng Bà, trong một nghĩa
nào. Đau đớn tinh thần của Bà Ngô Đình Nhu sẽ qua đi. Cũng như
đau đớn thân xác của nữ tướng Bùi Thị Xuân sẽ qua đi. Nhưng vẻ
đẹp của hai bà sẽ tồn tại. Muôn đời.
Tôi biết những kẻ chống và ghét Bà sẽ
khó chịu vì bài viết của tôi. Không sao. Đời mà! Tuy nhiên, xin
những kẻ ấy hãy xử sự cao thượng một chút, như một con người. Hãy
để Bà yên nghỉ, ít nhất trong thời gian này. Chờ sau ba tháng,
một năm, mười năm nữa, rồi hãy chìa ra nanh vuốt, cũng chưa muộn.
Tôi muốn báo tin cho các thân hữu của
tôi và xin họ đọc một kinh, cầu nguyện cho linh hồn Bà mau về Nơi
Vĩnh Phúc, và tìm được Bình An đích thực. Sau năm mươi năm cô
đơn.
Portland, viết sau Ngày Chúa Sống
Lại, 28/4/2011
Gửi lại, Ngày Lễ Phục
Sinh, 1/4/2018
Kim thanh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Những
bài liên hệ
Ngô Đình Lệ Thủy, hồng nhan mệnh yểu
Bà
Ngô Đình Nhu, năm mươi năm cô đơn
Bản Sonate cho một người tử tế,
Lucia Ngô Đình Lệ Quyên
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by MĐ Trịnh Tường Vân, TĐ50CTCT/SĐND-QLVNCH chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, April 7, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang