Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản mạn Xuân
Chủ đề:
Hoa Anh Đào
Tác giả:
Sương Lam
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời Tác giả:
Thưa quý anh chị,
Ngày Xuân mà không có hoa đào, hoa mai,
hoa cúc, hoa lan, v.v. chưng trong nhà thì xem như thiếu không
khí ngày Tết rồi. Mấy hôm rày người viết xem ti-vi thấy Cali đón
Xuân nhộn nhịp lắm với cành đào, cành mai, hoa lan, hoa cúc, v.v.
bán đầy phố chợ, xen lẫn với các gian hàng bánh mứt, bánh tét,
bánh chưng, v.v.
Người viết đã tâm tình về hoa mai vàng
xứ Mỹ Forsythia thay cho hoa mai vàng xứ Việt trong ngày đầu
Xuân. Bài tâm tình hôm nay xin dành cho những ngườì yêu hoa đào
hồng thắm.
Chúc quý bạn huởng Xuân vui vẻ nơi xứ người với hy vọng cuộc sống
của mình cũng tươi đẹp như hoa đẹp mùa Xuân nhé.
Tình thân,
Sương Lam
Miền Bắc Việt Nam đón Xuân với
hoa đào hồng tươi. Miền Nam Việt Nam đón Xuân với hoa mai rực rỡ.
Mỗi hoa có một vẻ đep riêng của nó nhưng thấy hoa đào, hoa mai nở
là biết Xuân đã về rồi.
Thú thật, người viết là người miền Nam
“chính gốc một trăm phần trăm” nên chỉ biết đón Xuân với hoa mai
vàng vì chợ hoa ngày trước năm 1975 ít có gian hàng hoa nào bán
hoa đào như bây giờ ở Việt Nam. Sau khi có cuộc đổi đời ở miền
Nam nước Việt, dân chúng miền Nam như tôi mới được thưởng thức
nét đẹp thật sự của hoa đào được chở từ miền Bắc vào Nam.
Ngày trước, người viết chỉ biết hoa đào
qua thi ca mà thôi, đặc biệt là bài thơ Ðề Tích Sở Kiến của Thôi
Hộ:
“... Chàng
Thôi Hộ ngày xưa đã để lại một bài thơ trứ danh trong nền văn học
Trung hoa với vài câu thơ so sánh má hồng của giai nhân và sắc
thắm của hoa đào. Truyền thuyết nói rằng khi chàng trở lại đề bài
thơ nơi chốn cũ thì nàng con gái kia đã vì tương tư chàng mà khổ
đau sầu muộn sắp sửa lìa bỏ trần gian, may thay, vì nhớ thương
nàng, chàng trở lại lần nữa kịp lúc nàng đang cơn hấp hối, mãnh
lực tình yêu đã khiến nàng hồi sinh và đôi bên đã nên duyên chồng
vợ.”
Ðề Tích Sở Kiến
Khứ
niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện
đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất
tri hà xứ khứ.
Ðào hoa y cựu tiếu đông
phong.
(Thôi Hộ 618-907)
Tạm dịch:
Thơ đề
chốn năm xưa gặp gỡ
Năm xưa cửa ấy ngày
này,
Má đào hoa thắm thơ ngây thẹn thùa.
Biết tìm đâu bóng người xưa,
Hoa đào năm
cũ cợt đùa gió đông.
(Hạt Cát dịch)
(Nguồn: trích bài viết Sakura - Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
của Hạt Cát - Forum Phụ Nữ Việt - Cám ơn Hạt Cát nhé)
Quý bạn
tìm hiểu một chút về hoa đào do người viết sưu tầm được trên
internet nhé.
“... Cây đào thuộc họ hoa hồng, thân gỗ nhỏ, cao khoảng từ năm
đến mười mét, lá có hình mũi mác. Hoa mọc đơn độc, có màu hồng
hoặc màu trắng, năm cánh mềm mại, mịn màng như nhung. Khi cây ra
hoa ngắn, hầu như không có cuống, đài có ống hình chuông, thùy
hình trứng, có nhiều nhị. Dòng họ của hoa đào rất đa dạng và
phong phú. Nếu xếp theo số cánh thì có thể chia đào thành hai
loại là đào đơn và đào kép. Còn xếp theo màu sắc thì có thể chia
đào thành đào phai, đào bích, đào bạch, đào thất thốn. Nhưng có
lẽ đẹp nhất vẫn là đào bích. Đào bích cánh hoa màu hồng thắm, tán
tròn nhiều cành cân đối. Đào phai màu nhạt, hồng tươi, trang nhã
mà hấp dẫn như đôi má ửng hồng của người thiếu nữ khi thẹn thùng.
Đào bạch ít hoa tương đối khó trồng. Đào thất thốn dáng nhỏ, hoa
nhỏ, có màu đỏ thẫm.”
Hoa đào chỉ trồng được ở miền Bắc và nở
đúng vào mùa xuân. Nhưng muốn hoa nở đúng thời vụ thì đòi hỏi
nhiều kinh nghiệm ở người trồng hoa. Và thi sĩ Xuân Sách đã dùng
những lời thơ để nêu ra cách làm cho hoa nở đúng ngày Tết:
“Vặt
trụi lá, bẻ trơ cành
Để cây tức giận nở
thành trăm hoa”
Vì vậy, muốn có đào chơi vào ngày Tết
thì tháng mười một âm lịch người ta thường ngắt hết lá để nhựa
cây tích tụ lên thân làm nụ. Rồi tùy theo thời tiết nóng hay rét
nhiều mà người trồng đào phải thúc hay hãm hoa.
Nếu ở miền Nam, xuân về phải có mai
vàng, một biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý, hạnh phúc và sum
vầy thì ở miền Bắc có hoa đào mới có mùa xuân. Người miền Bắc ưa
chuộng chơi đào vào ngày Tết có lẽ vì màu hồng mang lại sự may
mắn và phúc lộc đầu năm. Các cụ ngày xưa thường bảo, cắm một cành
đào trong nhà là cản được gió độc và đuổi được tà khí. Và sân nhà
ai có trồng đào thì đó là sân nhà phú quý. Những nhà có điều kiện
thường sắm cả một cây đào ghép ba tầng, những nhà nghèo hơn cũng
có mua một vài nhánh đào chưng trong nhà. Đón xuân mà không có
hoa đào cũng tẻ nhạt như thiếu bánh chưng xanh, câu đối đỏ, tràng
pháo hồng. Vì vậy, Tết đến, dù bận việc đến mấy thì người dân
miền Bắc cũng phải mua cho gia đình mình một vài nhánh đào.
Hoa đào không chỉ mang giá trị thẩm mỹ
mà còn mang nét đẹp văn hóa đồng thời còn là một dược phẩm, mỹ
phẩm độc đáo. Từ xưa, hình ảnh của hoa đào đã được đưa vào thơ ca
làm xúc động lòng người. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có nhắc đến
hình ảnh của hoa đào trong sự luyến tiếc khi cảnh cũ còn mà người
xưa không thấy: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Và vẻ đẹp
mơn mởn của hoa đào trong ngày Tết còn thể hiện qua câu thơ:
“Một
đóa đào hoa khoe tốt tươi,
Tướng xuân
mơn mởn thấy xuân cười”.
Mùa xuân năm Kỷ Dậu, vua Quang Trung
sau khi đại thắng quân Thanh, đã mang một cành đào từ Thăng Long
về Phú Xuân để tặng cho công chúa Ngọc Hân - người vợ yêu quý của
vua – để báo tin thắng trận. Trong lịch sử y học Á Đông, danh y
Tuệ Tĩnh đã ghi lại nhiều phương pháp chăm sóc da mặt cho phụ nữ
bằng hoa đào.
(Nguồn: Sưu tầm trên net)
Người
viết cũng đã một lần giới thiệu “Hoa Đào Ngày Tết” của Minh Hạnh
ở Portland, Oregon, một người nghệ sĩ yêu hoa, đã có những bài
viết và hình ảnh về hoa đáng khen ngợi, đến những người yêu hoa
qua link dưới đây:
Giới Thiệu
Hoa Đào Ngày Tết của Minh Hạnh | suonglamportland
Xin cám ơn Minh Hạnh nhé.
Gần đây, người viết lại nhận được một
bài viết rất hay “Hoa Đào Ngoài Đời Và Trong Thi Ca” của giáo sư
Phạm Thị Nhung, giáo sư Gia Long ngày cũ. Xin mời Bạn đọc một
trích đoạn dưới đây và xin cám ơn giáo sư Phạm Thị Nhung rất
nhiều về bài viết này vì đã giúp cho người viết biết thêm một vài
điều hay lạ về hoa đào.
“...
Loại bích đào hoa to, mỗi cụm chỉ độ dăm bông, mỗi bông có 12 hay
14 cánh nhưng cũng có loại 32 cánh (loại bông kép), loại này ít
trồng vì không mấy được ưa chuộng. Cánh hoa bích đào dầy, màu
hồng thắm, xếp thành nhiều lớp, nhị vàng tua tủa; lá có hình mũi
mác, màu xanh biếc, cành thì vươn thẳng. Bích đào là loại hoa đẹp
nhất, hiếm, quý vì khó trồng và phải có thổ ngơi thích hợp.
Bích đào và đào phai (đào ăn quả) xưa
lấy giống từ Trung Hoa. Theo các nhà khảo cổ học về cây cỏ thì
người Trung Hoa biết trồng đào ít nhất từ bốn ngàn năm. Đào từ
Trung Hoa truyền vào Trung Á (Asie Centrale), vào Ba Tư (Perse
tức Iran). Một thế kỷ trước công nguyên, ông Alexandre Le Grand
mang giống đào từ xứ Perse vào Rome và mãi đến thế kỷ XVII, cây
đào mới được du nhập vào Mỹ Châu. Các nhà thực vật học đầu tiên
tưởng Perse là quê hương của đào, nên đặt cho nó cái tên khoa học
là Prunus persica. Sau người ta biết là nhầm nhưng đã quen gọi
lâu đời nên vẫn để nguyên tên đó, thay vì phải đổi là Prunus
sinensis, họ Rosacées.
Ở Việt Nam ta từ thời xa xưa đã biết
trồng đào phai để ăn quả, loại này cánh hoa mỏng, thưa, màu hồng
nhạt, còn lá thì màu xanh nõn. Đào phai dễ trồng và sức sống của
nó rất mạnh. Thị trấn Sa-pa thuộc vùng Hoàng Liên Sơn là xứ sở
của đào phai. Dân làng Nhật Tân mua cây đào phai còn non về
trồng, một năm sau cây đủ mạnh, họ sử dụng làm gốc ghép. Trước
tháng 11, họ cắt một nhánh bích đào ghép vào gốc cây đào phai,
chờ đến Tết là họ có một cành đào bích tươi tốt đem bán. Mỗi năm
mỗi gốc đào phai chỉ dùng ghép được một cành bích đào, thế nên
gốc đào phai có bao nhiêu mấu là cây đó bấy nhiêu tuổi.
Quê hương của bích đào và đào phai là
Trung Hoa, nhưng quê hương của hoa anh đào lại là nước Nhật Bản.
Người Nhật gọi hoa Anh Đào là ‘quốc hoa’ [national flower], tức
là loài hoa đại diện cho dân tộc của họ. Nước Nhật còn được mệnh
danh là ‘xứ hoa anh đào’, vì hoa anh đào dược trồng khắp nơi trên
dải đất Phù Tang, nhất là ở những vùng đồi núi hẻo lánh, nơi có
những ngôi chùa cổ kính. Nhìn từ xa người ta chỉ thấy mái chùa ẩn
hiện thấp thoáng dưới những lùm đào cổ thụ um tùm. Mỗi độ xuân
về, hoa nở hồng ngát cả một phương trời, tạo cho chốn thiền môn
một vẻ thanh tịnh, nhuốm đầy đạo vị.
Năm 1912, Nhật Bản gửi tặng Hoa Kỳ
3,000 cây anh đào, gồm nhiều loại khác nhau, nhưng hai loại chính
là Yoshino và Kwanzan. Những cây này phần lớn đem trồng dọc hai
bên bờ sông Potomac tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Kể từ năm 1934, nhà
cầm quyền nơi đây cũng bắt chước dân Nhật mở Hội Hoa Anh Ðào.
Nhưng thay vì đi dạo ngắm hoa, ngồi thiền trà hay ca hát dưới hoa
thì ở Mỹ người ta tổ chức các cuộc diễn hành, thi xe hoa và có
các ban nhạc từ các tiểu bang khắp nước gửi về tham dự.
Hoa đào mỗi năm nở sớm hay muộn tuỳ
theo thời tiết, người ta phải đoán trước để định ngày lễ hội cho
đúng dịp hoa nở. Năm nào chẳng may gặp những trận mưa đá hay mưa
tuyết bất thường làm hoa tàn tạ sớm thì đám người dự hội chỉ còn
nước ngắm cảnh cành trơ với những cánh hoa tan tác bên đường.
Đầu thế kỷ XX, Nhật Bản cũng đã gửi
tặng nước Pháp nhiều cây anh đào. Số cây anh đào trồng tại Jardin
des plantes tuy chỉ vài chục cây nhưng có đủ loại, từ loại cánh
hoa đơn đến cánh hoa kép, có hương hay không hương, mầu trắng
phớt hồng đến hồng đậm rồi tới đỏ thẫm.
Riêng tại vườn đào trong Parc de
Sceaux, hiện đếm được 147 cây, những cây cổ thụ trồng từ đầu thế
kỷ nay còn lại độ một phần ba, những cây chết được thay thế ngay
bằng những cây mới nên tới mùa hoa, vườn hoa anh đào bao giờ cũng
xum xuê. Tất cả những cây đào trồng ở đây đều thuộc loại anh đào,
cây cao chừng 3-4 mét có hoa mọc thành chùm, cánh hoa mỏng như
lụa, màu phấn hồng ngọt ngào. Tới mùa, hoa nở chi chít, ngọn lả
xuống tận mặt đất, trông như những lẵng hoa thiên nhiên khổng lồ
đặt trên nền thảm cỏ non, xanh mướt. Ngồi từ dưới gốc cây nhìn
lên thấy cả một trời hoa lồng lộng, nhìn ra tứ phía, một màu hồng
bát ngát bao phủ khắp không gian. Đúng là cảnh Thiên Ðàng hạ
giới!
Kiếp hoa
đào thật mỏng manh, từ lúc hoa nở đến lúc hoa tàn chỉ trong
khoảng ba ngày ngắn ngủi, cả mùa hoa cũng chỉ kéo dài được ba
tuần. Từ đầu tháng tư dương lịch, những đoá hoa khai mùa bắt đầu
nở đến hết tuần thứ ba là những cánh hoa cuối mùa rụng hết. Nhưng
dù ở thời điểm nào, vườn đào vẫn có một vẻ hấp dẫn riêng. Tươi
mát, mơ màng khi những nụ hoa đầu tiên vừa chúm chím môi cười sau
bao ngày im lìm trong băng giá. Tưng bừng, rực rỡ khi cả ngàn hoa
rộ nở. Man mác, nên thơ khi những cánh hoa rơi bay tơi tả khắp
không gian rồi trải thảm trên nền cỏ biếc.
Phải chăng vì màu hoa đào thắm tươi,
nồng nàn, quyến rũ, hay vì kiếp hoa đào mỏng manh bạc mệnh; hay
vì vườn hoa đào đẹp một cách thanh thoát, thần tiên, v.v. đã
khiến gây được nhiều mỹ cảm cho người đời, nhiều thi hứng cho các
tao nhân mặc khách? Chẳng thế trong kho tàng thi ca phong phú của
Nhật Bản, của Trung Hoa cũng như của Việt Nam đã không hiếm những
áng thơ văn tuyệt mỹ, những trang tình sử diễm lệ có liên quan
tớí hoa đào....”
(Nguồn:Trích trong “Hoa Đào Ngoài Đời Và Trong Thi Ca” của GS
Phạm Thị Nhung)
Xuân về với cành hoa đào hay với cành hoa mai Mỹ Forsythia đều vui với cái Tâm an bình tĩnh lạc. Vợ chồng người viết xin chúc Bạn nhiều sức khỏe, mọi việc đều được hanh thông, lợi lạc qua Youtube chúc Tết dưới đây nhé .
Youtube Minh và Sương Lam Chúc Tết Kỷ Hợi 2019
https://youtu.be/68IoN7x5vqo
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe,
thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên
nghiệp của mình nhé.
Chúc Mừng Năm Mới
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên
mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 453-ORTB 869-
13019)
Websites:
http://www.suonglamportland.wordpress.com
http://www.youtube.com/user/suonglam
https://plus.google.com/+SuongLamTran/posts
https://plus.google.com/+SuongLamPortland/posts
https://www.pinterest.com/suonglamt/
Mai Mỹ (Forsythia Spring Glory)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Trung tâm lưu trữ các Ngày lễ mừng Bổn mạng BCND/QLVNCH...
|
Hình nền: Xuân Kỷ Hợi. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by suong lam tran chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu,
February 1, 2019
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang