Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
30T4Đ
Tác giả:
Trần Hoài Thư
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
“... Bạn kể: Sau khi ở tù ra, câm nín, dấu ánh
mắt, cho thành dại khờ qua truông, nhà cửa của mình mà mình bị
xua đuổi, cha con tản lạc, đói rách, lạnh lẽo buốt xương và buốt
tận trong tim, cúi mặt làm phu đồn điền cao su, chặt cành, cắt
mót gốc tranh.
Cả nhà cha mẹ, ba con nhỏ, tự đánh tranh
dựng cột dựng kèo làm chòi mà sống vất vưởng dưới tàn cây cao su.
Sương rừng lạnh thấu ruột gan. Mà đã có lần ngông uống đế say
mèm, bẻ thân cây mì làm gậy băng rừng cao su, chưa về đến chòi mà
đã lăn quay trên bìa rừng, nằm ngửa mặt nhìn hoàng hôn mà nghêu
ngao lời Thề Non Nước, cười cụ Tản Đà, trêu thêm cụ Nguyễn công
Trứ.
Khi tỉnh dậy mới hay hiền thê đi vào rừng kiếm thấy
mình nằm lăn trên đất đỏ, cô ấy đã đi quơ cào cỏ khô, lá cao su,
nhét dưới đầu mình làm gối cho mình ngáy o o, trong khi cô nàng
ngồi khóc...”
Lời tác giả: Một
độc giả ở trong nước gởi điện thư hỏi về cuốn “MẶC NIỆM CHIẾN
TRANH” mà chị đã may mắn đọc cách đây đã lâu. Tác phẩm đã tuyệt
bản, và chính tác giả không còn một cuốn. Hôm nay tình cờ mở lại
máy cũ, may mắn còn lưu giữ một số truyện, nhưng viết dưới dạng
VNU. Rất may, tôi tìm thấy trên Net nhu liệu để hoán chuyển từ
VNU sang Unicode. Đó là nhu liệu VPSWIN.
Nhờ vậy. Và bài
TRỞ VỀ CHÔN CŨ được viết cách đây 20 năm mới được post ra đây để
nói về một thời đại dịch sau năm 1975 như bài thơ Mùa hạn của Tô
Thùy Yên, không những con người mà côn trùng:
Côn trùng
kiệt sức lìa hang ổ
Lên chết thiêu trên mặt đất hừng
Ác
điểu ngày đêm gào xáo xác
Cơ hồ cả thế giới lâm chung
Trở về chốn cũ
Tặng anh chị Hoàng Nguyên
Trần
Hoài Thư
Chàng đã trở lại quê nhà để
biết thế nào là những giọt lệ. Không phải là giọt nước mắt của
một kẻ xa nhà gần hai mươi năm bắt gặp lại cảnh cũ người xưa, tìm
lại dấu chân của một thời. Mà chính là nỗi bất lực của mình. Nó
cứa cào chàng đến đau xót.
Thằng em út của chàng bây giờ còn già
hơn cả chàng nữa. Chàng đứng bên nó, như đứng bên một cây chuối
khô. Đôi mắt nó sâu hút. Hai má nó hóp vào. Và cả hàm răng đã có
cái rụng. Sao lại thế này. Sự cách biệt đến kỳ lạ. Trước ngày
chàng ra đi nó còn ở trần với tấm thân lực lưỡng của thằng con
trai miền biển. Nhưng rõ ràng, nó bây giờ trở thành ông già không
hơn không kém.
Chàng nhìn những chòi tranh thảm hại
mọc lên trên phần đất của ông bà chàng. Những chiếc chòi vá víu,
những cột kèo xiêu vẹo, những bụi chuối thầm lặng bên hiên. Mấy
đứa em của chàng đã trở về nương tựa khi chúng không còn nơi nào
để bấu víu. Và mẹ chàng thêm một lần đầu tắt mặt tối như hôm qua.
Đứng yên, nhìn ra phía biển. Biển xanh
bạt trùng. Ngoài khơi, hòn Khói mập mờ. Tiếng sóng vọng về khi
thì ì ầm sôi nổi, khi thì xa vắng. Nắng làm nhức mắt. Có tiếng tu
hú. Tiếng chim hay là một lời đồng vọng cho một thời yêu dấu cũ.
Tiếng chim sáo như lời tê tái tâm can.
– Sao lâu quá con không gởi thư về nhà
Má chàng trách khéo. Đôi mắt bà đã sắp
kéo màn, và lúc này nhòa nhạt. Cả một đầu tóc bạc trắng đến độ
bàng hoàng. Chàng cố gắng bào chữa cho sự vắng tin của mình:
– Con phải lo học hành. Ở Mỹ không phải
như ở xứ mình, học hành phải thi cử liên miên...
– Má cũng biết vậy. Tại má thấy gia
đình hàng xóm có con cháu ở Mỹ gởi đồ về hoài. Người ta cất nhà
cất cửa. Còn mình, cái nhà lá như thể muốn sụp đến nơi. Má biết
một mình con phải lo đủ thứ...
Má. Chàng nghẹn ngào muốn ôm bà tạ lỗi.
Ngày hôm sau, chàng đón xe đò lên Ban
Mê Thuột. Hôm nay ngày mùng 10 tháng ba, ngày mà mấy mươi năm về
trước, đại đội của chàng đã tử thủ trong những ụ bảo vệ máy bay
trong mười ngày máu lửa.
Hôm nay chàng trở về, một thân một
bóng, để nhớ lại bạn bè, đồng đội cũ của mình. Cũng vẫn rừng cao
su bao bọc. Cũng vẫn con lộ tráng nhựa đen loang lở dẫn vào phi
trường. Ngay trên vách tường ngay cổng vào, một tấm bảng sơn: Cấm
chụp hình như thể cái ám ảnh của một cuộc chiến vẫn còn hiện
diện.
Nhìn
chung, phi trường đã được sửa sang lại, và di tích của chiến
tranh hình như đã biến mất, trừ cái tháp nước vẫn còn lỗ đạn chi
chít... Nơi này, chàng vẫn còn thấy như in người trung sĩ thủ cây
đại liên M60 trên tháp nước đầu phi đạo. Chính nhờ cây đại liên
này, mà đơn vị mới chống trả lại những đợt xung phong của địch
quân từ hướng bìa rừng cao su. Và cuối cùng là cả thân thể của
anh ta đã banh ra như xác pháo, tung lên trời rồi rơi vương vãi
khắp phi trường khi một viên đạn 57ly từ chiếc T54 bắn thẳng vào
anh.
Chàng cúi
đầu, mắt cay xè. Nắng vàng thắm bờ vôi. Từng đàn bướm vàng bay
lượn trong nắng ấm. Những hàng ngâu, dáng hương trước phi trường
nở rộ hoa tim tím li ti. Nhưng trong lòng chàng, rõ ràng là một
bãi nghĩa trang. Nơi nào là những người bạn ta bị thương nằm lại
để bị nghiến nát bởi vết xích xe tăng? Nơi nào là người tiền sát
nằm xuống trước khi nhảy lên pháo tháp chiếc T54 để thảy vào quả
lựu đạn. Nơi nào những người lính trẻ Bắc quân vừa mới xâm nhập,
ngơ ngác giữa những hàng cao su, và bị toán tiền thám nhào ra,
đâm lưỡi lê, như thọc huyết heo. Nơi nào, máu chảy xuống lòng đất
đỏ, và đôi mắt vẫn còn mở trừng trừng.
Bãi chiến hôm qua, những điên rồ hôm
qua, cuối cùng còn lại nỗi im lặng tức tưởi. Ai anh hùng, ai ngụy
tặc ở dưới lòng đất đỏ này. Chỉ có chăng là rừng lá cao su khô
héo mỗi mùa mỗi chất thêm trên lòng đất đỏ, và những cơn bụi đỏ
bay mờ mịt cuốn lốc trên phi đạo. Chỉ có chăng là những tên vô
lại, những đồ tể chiến tranh đang hoan lạc trong những cấm đình,
đang uống sâm nhung trong những ngày thoi thóp còn lại.
Có ai đứng đó, hương đèn nhang khói
giữa một bãi chiến ngày nào. Có ai đứng đó, ngay trên bãi đất mà
ngày xưa, quân hai bên quần thảo, mà những người lính Bắc tội
nghiệp, chưa ra trận ngày nào, ngơ ngác, bàng hoàng, không biết
trốn chạy ở đâu, và quân trinh sát từ bên trong phi trường cứ bắn
ào ra như mưa bấc. Và trời ơi, mưa.
Ông Trời cũng thêm một lần mặc niệm.
Mưa nhỏ, mưa xiên xiên, mưa mờ nhạt, che khuất cả cánh rừng phía
xa. Mưa làm khói đèn tắt ngúm. Ai đứng đó. Hai người. Hình như là
hai mẹ con. Họ đứng yên, dưới mưa. Đứa con trai chừng hai mươi
hai tuổi. Và người đàn bà trên bốn mươi. Người đàn bà đang chắp
tay vái giữa hư không. Và người thanh niên thì cúi đầu bất động.
Vâng, họ cũng như chàng. Trở lại để
nhìn lại bãi chiến, để mặc niệm cùng người đã khuất. Với chàng,
là đồng đội. Và với hai mẹ con, có lẽ là chồng và cha. Thưa chị,
thưa cháu, chỗ chị và cháu đứng ngày xưa, có mấy chục xác người
nằm xếp lớp. Và tôi cũng được nhìn những tấm ảnh mà họ cất giữ
trong ba lô, hay trong ví. Có lẽ tôi cũng được nhìn thấy hình
chị, và được đọc những dòng nhật ký anh viết cho chị cho cháu.
Chị ơi, tôi sắp khóc đây.
Rồi không hiểu sao, vì quá xúc động,
chàng đến bên người đàn bà, nói ràn rụa:
“Thưa chị, tôi ở xa trở về, thăm
lại một nơi mà ngày xưa, anh và tôi đã từng giành nhau từng tấc
đất. Tôi ở trong phi trường. Anh ở ngoài này. Đầu tiên đơn vị anh
không biết là đơn vị tôi có mặt trong này nên không đề phòng. Và
chúng tôi đã bắn anh. Sau đó, là xe tăng của anh ào vào nghiến
nát chúng tôi.”
“Xin lỗi, ông nói ông đến từ xa.
Cho tôi đoán nhé: Ông là Việt Kiều?”
“Vâng”.
Chàng vuốt mặt. Nước mưa hay là nước
mắt đã làm mắt chàng cay.
“Xin phép chị cho tôi một cây nhang”
Chàng cố gắng bật lửa. Người con trai
vẫn không nói. Nhưng lần này cậu đã dùng hai bàn tay che gió cho
chàng đốt que hương.
Người đàn bà lại tiếp tục thổn thức:
“Khi nhà tôi tử trận, nó mới hai
tuổi. Nó vẫn chưa thấy mặt bố”
Tim chàng lại nhói lên.
“Cả hai miền chị à. Hàng ngũ chúng
tôi còn đau khổ gấp ngàn lần. Chị và cháu vẫn còn có một nơi để
đến với anh, còn chúng tôi thì không. Chị có nghe những tiếng loa
ăn mừng chiến thắng không?”
“Vâng. Tôi có nghe. Họ vẫn sống như
thế, thưa ông.”
oOo
Chàng
đã trở về chốn cũ. Trong thành phố, giờ này những biểu ngữ ăn
mừng đại thắng mùa xuân vẫn còn treo khắp các đường. Chiếc tăng
M41 của quân đội chàng đã được mang lên để trên bục xi măng giữa
nơi công cộng để chứng tỏ thành tích thắng trận. Tiếng loa tiếp
tục vang rền đến đinh tai nhức óc.
Lời phát biểu của ông cựu tư lệnh phó
Quân đoàn 2 vẫn tiếp tục được phát đi phát lại trên truyền hình
và phát thanh về trận đánh Ban Mê Thuột. Chàng đã nghe mà lòng xa
xót. Chàng nhủ với lòng mình, hãy bỏ qua, hãy xem đó chỉ là một
câu chuyện của lịch sử, hãy hãnh diện ở những tờ đô la mình mang
về. Chính nó mới là kẻ thắng trận. Nó bắt công an kêu chàng bằng
ngài. Nó bắt kẻ thù gọi dạ bảo vâng. Nhưng chàng vẫn cảm thấy bất
an. Chàng vẫn là kẻ bị thua trận. Chàng vẫn là kẻ bị bôi nhọ, bị
chửi rủa. Chỉ một buổi mà đầu óc chàng muốn nhức, muốn khùng,
huống gì cả một miền Nam phải chịu đựng suốt mấy mươi năm nay.
oOo
Chàng
đã trở về chốn cũ. Người đồng đội cũ của chàng, hoa mắt không còn
nhận ra chàng nữa. Rồi hai thằng bạn ôm nhau mà khóc. Cả hàm răng
của bạn chỉ còn vài cái, hai má sâu hóp vào, và mái tóc bạc phơ.
Bạn cùng tuổi chàng sao mà bạn như thể 70. Sao mà tội tình như
thế, hở Trời.
Bạn sai con đi mua rượu đế. Nhưng chàng đã dúi vào túi áo con gái
bạn tấm giấy $20. “Quà chú tặng cháu. Cháu mua bia nhé. Lâu lắm
rồi, chú và ba cháu không nhậu với nhau.”
oOo
Bạn kể:
Sau khi ở tù ra, câm nín, dấu ánh mắt, cho thành dại khờ qua
truông, nhà cửa của mình mà mình bị xua đuổi, cha con tản lạc,
đói rách, lạnh lẽo buốt xương và buốt tận trong tim, cúi mặt làm
phu đồn điền cao su, chặt cành, cắt mót gốc tranh.
Cả nhà cha mẹ, ba con nhỏ, tự đánh
tranh dựng cột dựng kèo làm chòi mà sống vất vưởng dưới tàn cây
cao su. Sương rừng lạnh thấu ruột gan. Mà đã có lần ngông uống đế
say mèm, bẻ thân cây mì làm gậy băng rừng cao su, chưa về đến
chòi mà đã lăn quay trên bìa rừng, nằm ngửa mặt nhìn hoàng hôn mà
nghêu ngao lời Thề Non Nước, cười cụ Tản Đà, trêu thêm cụ Nguyễn
công Trứ.
Khi
tỉnh dậy mới hay hiền thê đi vào rừng kiếm thấy mình nằm lăn trên
đất đỏ, cô ấy đã đi quơ cào cỏ khô, lá cao su, nhét dưới đầu mình
làm gối cho mình ngáy o o, trong khi cô nàng ngồi khóc...
oOo
Chàng
đã trở về chốn cũ. Một cơn gió thổi qua, những chiếc bông dáng
hương lại rụng xuống như mưa. Trên đầu chàng, trên vai chàng.
Dáng Hương. Em ở đâu. Đôi chân trần em chạy trên đồi cỏ non, tóc
em thả bay theo gió, và hương con gái dậy thì sực nức mùi thơm
của hoa cà phê, hoa ngâu, hoa rừng dại.
Đôi chân trần của em tươm máu trong
rừng cao su, trên những bụi gai, những hòn sỏi, hay trên những
dặm dài của con đường xác chết. Dáng Hương, em ở đâu bây giờ, để
anh phải nhắm mắt lại, mà thổn thức trong buổi trở về.
(trích Mặc Niệm Chiến tranh, Thư Ấn Quán xb 2005)
Trần Hoài Thư
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: phong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by psxh chuyển
Đăng ngày Thứ Ba,
November 24, 2020
Ban kỹ thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang