Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn
Chủ đề: Xã hội
Tác giả: Lệ Hoa Wilson
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Tôi
đã từ bỏ quê hương điêu tàn, đã quay lưng với tương lai đen tối. Tôi
đã chọn một nơi khác để cất nhà, một miếng đất khác để gieo hạt. Tôi
đã dùng nước sông của họ để tưới tẩm, dùng đồi núi của họ để chăn
nuôi. Tôi đã dùng chất xám của họ để tiến thân, dùng lòng tốt của họ
để sống còn. Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong tôi nhưng
tôi sẽ không ngồi đó nhìn non nước này, dân tộc này với một ánh mắt
hờ hững, dửng dưng, một thái độ vô ơn, rẻ rúng. Tôi sẽ không coi đây
chỉ là một mảnh đất tạm dung và ngồi khóc thương cho một khung trời
đã mất, mơ tưởng về một dĩ vãng đã tàn phai.
Tôi người Việt
Nam. Ông xã người Mỹ. Chúng tôi gặp nhau và thành hôn năm tôi 30
tuổi, đã một lần ly dị và có hai đứa con. Ông xã thì cũng 30 tuổi và
còn là trai tơ.
Vùng I chiến thuật lấy Ðà Nẵng (nơi tôi và
ông xã gặp nhau) làm thủ phủ nên có rất nhiều bộ chỉ huy trong đó có
nhà thương của Hải quân Mỹ là trung tâm y tế cho tất cả binh sĩ Mỹ
trong vùng. Qua khỏi ngã tư Mỹ Khê, quẹo mặt để đi vào núi Non Nước,
nằm về phía tay mặt là nhà thương. Tôi đoán nó chiếm trọn ít nhứt là
năm mẫu đất với các trung tâm y tế mổ xẻ, chữa trị đủ loại, nhà ở
cho binh sĩ và dĩ nhiên là một nhà xác! Một nhà xác không có nhiều
nước mắt vì thân nhân ở mãi mười ngàn dặm xa!
Trước mặt nhà
thương là một bãi đáp trực thăng để tải các thương binh, các chiến
sĩ tử trận từ các chiến trường vùng I. Mỗi lần trực thăng đáp xuống
thì con đường xe chạy được các quân cảnh Mỹ chặn lại, từng chiếc
cáng được vội vã khiêng ra chạy thẳng vào cổng chánh, có người sẽ
tỉnh lại với một cái chân nằm đâu đó trong lá rừng rậm rạp, có người
sẽ được trở về quê hương dưới lá cờ phủ kín, có người sẽ ngậm ngùi
từ biệt những giấc mơ vì cánh tay đã mất, gương mặt đã bị tàn phá,
linh hồn đã bị tổn thương...
Vì ông xã thuộc binh chủng hải
quân và đóng quân trong nhà thương nên tôi đã có biết bao lần phải
ngừng xe, tắt máy, ngồi nhìn những bước chân vội vã, những gương mặt
chịu đựng, những ánh mắt buồn hiu của những người tải thương. Mỗi
khi có một cái cáng phủ cờ Việt Nam hay Mỹ thì những người Mỹ xuống
xe đứng nghiêm chỉnh đưa tay chào vĩnh biệt. Tôi ít khi thấy thương
binh Việt Nam, có thể vì họ được chuyển tới một trung tâm y tế khác.
Chỉ có một lần tôi thấy một cái cáng được khiêng ra khỏi cửa trực
thăng, lá cờ Việt Nam Cộng Hòa phủ kín. Tôi không thấy mặt cũng như
binh chủng của tử sĩ nhưng một người đàn bà đầu tóc rũ rượi, cánh
tay quấn băng treo vào vai còn đẫm máu đang lảo đảo nhảy ra khỏi cửa
trực thăng. Tóc chị trước kia chắc được cột lại bằng dây thun, nay
chỉ còn một vài lọn lỏng lẻo trên đỉnh đầu còn bao nhiêu thì thả dài
rối rắm xung quanh mặt.
Bạn ơi, hình ảnh đau thương nhứt
không phải là cái cáng có người chết nằm phủ kín lá cờ vàng chói,
không phải dòng nước mắt đầm đìa trên mặt người sống sót mà là một
miếng băng vải mỏng dùng để quấn vết thương. Nó bị dơ vì đất và máu.
Nó chỉ dài bằng một chiếc khăn mùi soa. Nhưng nó lại được người vợ
trân trọng để ngang lên trán, dùng một cọng lạt dừa cột vòng lại sau
đầu. Mảnh khăn tang được vội vã quấn tạm thời nhưng sự ly biệt thì
chắc chắn ngàn trùng xa cách. Người thiếu phụ Việt Nam đang để tang
cho người chồng chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc!
Tôi không ra
khỏi xe chào vĩnh biệt người chiến binh nhưng gục mặt vào tay lái
nước mắt tuôn rơi khóc thương cho những đứa trẻ đang quẩn quanh
trong thôn xóm chờ cha trở lại. Tôi tưởng tượng tới lúc gia đình
nghe tiếng chuông reo, mở cửa ra và thấy một người binh sĩ đứng
trước mặt với cái nón cầm trên tay. Người mẹ ở ngàn dặm xa kia có
ngã xuống vì trái tim tan nát...? Một cái gì đó nhen nhúm trong tâm
hồn tôi. Chiến tranh tiếp diễn cho tới một lúc nào đó thì hòa ước
được ký, quân đội Mỹ rút đi.
Anh nấn ná xin ở lại Việt Nam và
là nhóm binh sĩ cuối cùng ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất vào đầu
năm 73. Tháng 6, 1973, tôi sanh đứa con trai đầu lòng cho anh. Tháng
9 năm 74 tôi qua Mỹ thăm anh tiện thể thăm dò chuyện xuất nhập cảnh.
Chúng tôi dự định chờ anh ra khỏi quân đội và sẽ về sinh sống tại
Việt Nam. Ðiều kiện để tôi nói “I do” là chúng tôi phải ở Việt Nam
và sẽ có bảy đứa con. Tôi nào biết trời cao đất rộng là gì, chỉ biết
rằng tôi rất ham con và bảy đứa là một con số chấp nhận của gia đình
VN, đâu nghĩ rằng đối với người Mỹ hai đứa là lý tưởng, ba đứa là
chau mày, bốn đứa là nổi điên, năm đứa là tan nát, sáu đứa là thảm
họa mà bảy đứa là... rồi đời!
Thời cuộc thay đổi, đến tháng 3
năm 75 thì tôi quay về Việt Nam để đón các con. Lúc đó tôi đang có
thai đứa thứ hai được bảy tháng. Khi còn bên Mỹ, qua tin tức trên
báo và tin rỉ ra trong quân đội thì chúng tôi biết chắc là Sài Gòn
sẽ mất, nhưng khi về Việt Nam thì Sài Gòn vẫn vui vẻ, vẫn bình yên.
Rạp chiếu bóng vẫn hát, tiệm ăn vẫn mở cửa, đám cưới vẫn tiến hành,
tình yêu vẫn nở hoa... Tôi thầm cằn nhằn báo chí Mỹ thật là dỏm,
toàn là đưa tin vịt không hà.
Nhưng với ngày qua, mọi việc có
vẻ tệ hơn. Nhóm người quen bán hột xoàn với mẹ con tôi cùng nhau an
ủi rằng “bà Mỹ” còn ở đây chưa chạy thì lo gì. Ông xã tôi kêu điện
thoại ngày một hối thúc tôi ra đi. Tôi trả lời là má tôi không cho
đi, sợ về Mỹ sanh rồi lấy ai săn sóc, làm sao có củi lửa để hơ, có
lá xông để tắm, có nghệ vàng để thoa mặt, v.v. Sanh xong rồi tôi sẽ
qua.
Một tuần sau tôi mất liên lạc với anh.
Ngày 20
tháng 4, 1975 một trung sĩ Việt Nam lái xe jeep đến nhà tôi, gõ cửa:
“Xin lỗi đây có phải là nhà của bà Lê Thị Hoa không?”
Tôi
trả lời:
“Trung sĩ ơi, ở đây không có bà Lê Thị Hoa chắc
trung sĩ muốn kiếm bà Lệ Hoa phải không?”
Viên trung sĩ vội
nói:
“Tôi cũng không biết chắc. Tôi làm việc cho ban an ninh
phi trường và được lịnh tới đây chở cái bà có chồng Mỹ lên gặp Đại
tá Mỹ phụ tá tùy viên quân sự...”
Tôi cầm lấy giấy và thấy
tên tôi. Tôi vội dẫn theo hai đứa con nhỏ nhất lên phi trường Tân
Sơn Nhất. Khi vào văn phòng, vị Đại tá cho tôi biết là ông xã đã
liên lạc với cơ quan của ông và nhờ họ giúp tôi và các con phương
tiện để rời Việt Nam.
Vị Đại tá nhìn xấp tài liệu nói:
“Chồng bà yêu cầu Tòa Đại sứ giúp đỡ bà và ba đứa con di tản
khỏi Việt Nam lập tức. Xin bà hãy để hai đứa trẻ này lại đây cho cô
thơ ký tôi trông chừng, còn bà thì theo xe trở lại nhà và dẫn đứa
thứ ba tới đây, chúng tôi sẽ làm giấy tờ và gia đình bà sẽ ra đi nội
trong ngày nay.”
Tôi ngẩn ngơ nhìn vị Đại tá ngồi nghiêm
chỉnh trước mặt:
“Ngài Đại tá, ngài có nói chơi không? Tôi
sanh ra, lớn lên, sống ba mươi lăm năm tại non nước này giữa cha mẹ,
thân nhân, bạn bè... và bây giờ ngài cho tôi hai tiếng đồng hồ để từ
bỏ tất cả... Xin ngài hãy nói là ngài nói chơi, chuyện này không có
thật...”
Nước mắt tôi ứa ra và chắc là tôi có vẻ bi thương
của một con thú sắp chết nên vị Đại tá rộng lượng nhìn tôi:
“Tôi biết tình cảm của bà. Thôi bà hãy dẫn con về và ngày mai trở
lại. Ngày mai, bà có nghe rõ không? Chuyện đầu tiên bà thức dậy ngày
mai là cùng ba con lên xe đến đây. Tôi sẽ gởi người trung sĩ này đến
nhà bà sáng mai”.
Tôi về nhà và cả nhà bắt đầu khóc. Tôi đi
lên đi xuống thang lầu, mở các hộc tủ ra rồi đóng lại, ra sân thượng
nhìn chậu cúc héo queo, xuống nhà bếp ngồi lên bộ ván ngựa, vô nhà
tắm rờ rờ cái lon múc nước, ra phòng khách nằm lên võng đưa kẽo
kẹt... Tôi như người mộng du, làm tất cả những hành động vô nghĩa đó
với tiếng khóc hụ hụ.
Ba giờ chiều tôi gọi điện thoại cho vị
Đại tá biết là vì tôi bị xúc động nên đã động đến cái thai. Hiện giờ
tôi đang ra huyết và Bác sĩ cấm không cho tôi di chuyển cho đến ba
ngày sau. Dĩ nhiên vị Đại tá không dám giỡn với tánh mạng người khác
nên phải đồng ý cho tôi thêm ba ngày nữa. Tôi không nghĩ là sau ba
ngày đó tôi còn có được một giọt nước mắt nào nữa trong cuộc đời.
Ba má tôi không đi vì tôi có người anh đi tập kết: ông bà chờ sự
trở lại. Anh rể tôi không đi vì là sĩ quan Cộng Hòa: sợ mang tội
trốn lính. Chị tôi không đi vì theo chồng.
Ba đứa cháu trai
theo tôi vì sợ sẽ phải bị đày đi lính. Một đứa cháu gái theo tôi vì
sợ sẽ bị gả ép cho thương phế binh cộng sản.
Vì thế ba ngày
sau tôi mang một bụng bầu tám tháng và bảy đứa nhỏ lên phi trường.
Vị Đại tá nhìn tôi như nhìn con quái vật:
“Xin lỗi bà, theo
giấy tờ thì tôi chỉ có quyền cho bà và ba đứa con của bà đi. Hiện
tại bà có tới bảy đứa! Tôi thật không thể giúp bà”.
Khi người
ta phải phấn đấu cho sự sống chết thì can đảm và khôn ngoan ở đâu
bất chợt hiện ra. Tôi nhẹ nhàng nói:
“Tôi hiểu thưa Đại tá.
Tôi không trách ông. Nhưng đây là những đứa cháu tôi nuôi từ nhỏ
giống như con tôi vậy. Nếu ngài không cho chúng đi thì mẹ con tôi
cũng xin ở lại”.
Vị Đại tá bối rối nhìn tôi. Có lẽ ông đã
biết rằng rồi thì Việt Nam sẽ mất, rồi thì một làn sóng người sẽ
cuồn cuộn ra đi. Sớm một vài ngày, bốn đứa trẻ này có thấm gì đối
với số người đang rần rộ chen lấn ngoài kia. Ông thở dài, ngồi xuống
ghế ký cái công văn “eight months pregnant wife and seven children
of US citizen need to be evacuated” rồi đưa cho tôi. Chúng tôi theo
dòng thác người nhớn nhác ra đi.
Chúng tôi tới Camp Pendleton
ngày 5 tháng 5 năm 1975. Anh đang đóng quân ở Ferndale, một tỉnh lẻ
nhỏ nhắn hiền hòa chỉ có bảy ngàn dân, cách San Francisco sáu tiếng
đường xe về hướng Bắc. Lúc đó chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga Xô
vẫn tồn tại nên đây là một căn cứ hải quân rất quan trọng nằm trên
một ngọn đồi cao ngó ra biển. Các đài radar tối tân được đặt cùng
khắp để theo dõi các tàu ngầm xâm phạm bất hợp pháp vào hải phận Mỹ
và California.
Khí trời California lúc đó là 75 độ mà mọi
người lạnh cóng. Ðêm thứ hai tại camp, anh lái xe một lèo 16 tiếng
để đến đón mẹ con tôi. Mười một giờ khuya một người lính Mỹ đến lều
để dẫn tôi lên văn phòng nơi anh đang làm thủ tục.
Bạn có
biết lúc đó tôi giống ai không?
Không Giống Ai Hết!
Ðây là một người đàn bà 36 tuổi, tóc hơi dính chùm lại vì cát bụi,
mặt hõm vào, gò má bị nám, mặc một cái áo dài xanh bên hông chỉ gài
được một nút ở dưới nách vì thai bụng quá lớn, ngoài khoác một áo
bầu thùng thình màu trắng, đầu trùm cái mền xám cột thắt dưới cằm,
chiều dài mền thả phấp phới sau lưng. Le lói hơn nữa là người lính
Mỹ trẻ thấy tôi run cầm cập nên cởi cái áo lính trận ra, trước mặt
đầy những túi để dao găm, lựu đạn, v.v. và trùm lên tôi. Tôi bước
vào căn lều. Bàn làm việc nằm cuối phòng và anh đang đứng cúi xuống
ký giấy tờ.
Chưa bao giờ trong đời tôi lại bước những bước
chân nhẹ nhàng, nặng nề, tủi hổ, hoang mang, giải thoát, run sợ như
lúc đó. Ðây là lúc bắt đầu cho những ngày tươi sáng với sum họp
thương yêu, với nhà lầu chọc trời, với ngựa xe rộn rã, với tương lai
đại học hay là lúc chấm dứt cho dòng sông Hậu hiền hòa với hàng dừa
nặng trái, lúc từ giã những hàng me xanh thân yêu Trần Quý Cáp, lúc
quay lưng lại với bến Ninh Kiều đằm thắm xinh tươi, lúc quì lạy cha
mẹ quê hương nói lời vĩnh biệt?
Tiếng bước chân tôi làm anh
quay lại. Anh bước tới ôm lấy tôi. Tôi cố gắng để khỏi ngất đi, quì
xuống sàn nhà, tay ôm lấy mặt và nghẹn ngào: “Oh My God honey, I
lost my family, I lost my country, I lost everything!” rồi tôi khóc
nức nở. Anh quì xuống ôm đầu tôi. Anh cũng khóc. Tất cả người Mỹ
trong phòng đều rưng rưng.
Ngày 13 tháng 6 năm 1975 tôi sanh
cháu Jimmy. Tháng 9 tựu trường, tôi gởi hai đứa nhỏ nhất cho cô bạn,
đi làm phụ giáo lớp một trường tiểu học Ferndale, hai đô-la rưỡi một
giờ.
Hè 1976, tôi đứng bán hot dog trong hội chợ và ba thằng
lớn thì đi dọn rửa phân ngựa trong trường đua. Lúc đó Chánh phủ Mỹ
còn giàu nên cứ hai năm là các quân nhân được đổi tới một trạm binh
khác. Tôi thấy tụi nhỏ rất buồn và sợ rằng sự dời chỗ thường xuyên
sẽ làm tụi nó hụt hẫng vì xa bạn nên khuyên anh giải ngũ. Và chúng
tôi dọn xuống miền Nam California, tỉnh La Habra.
Tôi thì để
tất cả sự nghiệp lại Việt Nam, anh thì trước khi biến cố Việt Nam
xảy ra, đã bị thua lỗ tất cả vốn liếng trong một vụ hùn hạp mở tiệm
in với một nhóm dân sự nên chúng tôi hoàn toàn... sạch sẽ. Khi đi
mướn nhà ở đường Dexford, La Habra, chúng tôi chỉ dẫn theo bốn dứa
nhỏ nhất, hai trai hai gái. Chủ nhà là một người đàn ông Mỹ dễ
thương, khi biết anh vừa giải ngũ thì rất vui vẻ nói:
“Ô, căn
nhà này có ba phòng lớn, thật là lý tưởng cho gia đình ông bà với
hai trai hai gái. Tôi rất vui lòng cho ông bà mướn”.
Chúng
tôi dở khóc dở cười. Anh là người ít nói và chậm chạp nên tôi bèn
duyên dáng cười cười nhìn ông:
“Thưa ông, nếu tôi nói với ông
là chúng tôi có tám đứa con thì ông có tin chúng tôi không?”
Lần này thì chủ nhà nhìn chúng tôi dở khóc dở cười. Ông ngẫm nghĩ
một lát rồi nói:
“Thôi được, tôi đồng ý cho ông bà mướn. Mỗi
tháng tôi sẽ đích thân đến thâu tiền nhà. Hy vọng là mọi sự sẽ tốt
đẹp”.
Ông đâu có biết rằng tên tôi là Lệ Hoa nghĩa là một
bông hoa mỹ lệ, đẹp đẽ chớ chẳng phải là nước mắt của hoa nghe bạn.
Vì thế tôi thích trồng bông, thích vườn tược. Tôi sanh ra và lớn lên
ở Cần Thơ, bà con sống ở Ô Môn, Thới Lai, Phong Ðiền, Cờ Ðỏ nên mỗi
mùa Hè chị em tôi thường về vườn đi cầu khỉ, chèo ghe, bắt ốc gạo,
hái vú sữa. Cái chất vườn Nam Bộ đã ăn sâu vào máu tôi nên hiện giờ
nhiều người còn cho rằng tôi không có vẻ gì là sang trọng như người
Việt Nam sống ở Mỹ. Biết sao!
Sau khi dọn vô, tôi và các con
hì hục cuốc đất, đổ phân và biến cái sân trống rỗng của ông thành ra
một cái vườn đầy hoa vạn thọ (đây là để honor má tôi vì bà rất thích
bông vạn thọ). Tháng sau khi ông tới thu tiền nhà thì ông ngẩn ngơ
và phán một câu, “Tôi không cần phải tới tận nhà thâu tiền nữa, bà
cứ viết check gởi cho tôi là được. Cám ơn bà về những bông vạn thọ”.
Một vài người quen xúi tôi xin đi làm waitress vì nghề này tiền
lương chẳng bao nhiêu nhưng tiền tip thì... ăn chết không hết. Trời
ơi tôi nghĩ tới cái viễn cảnh, anh sẽ đi làm, tôi sẽ đi làm lại còn
tiền hưu trí từ quân đội nữa thì quả nhiên là... ăn chết không hết!
Tôi vội vàng vác đơn tới tiệm Red Lobster gần nhà xin việc. Người
manager hỏi bà có làm waitress bao giờ chưa? Dạ chưa. Bà có khi nào
làm chủ nhà hàng chưa? Dạ chưa. Cứ hỏi... bà có... bà có... bà có...
Cứ trả lời... dạ chưa... dạ chưa... dạ chưa... và thế là tiền ăn
chết không hết chỉ là mộng ảo.
Tôi mua tờ báo thấy rao là
“Chương trình CETA của Chánh phủ sẽ trả tiền trường cho một năm học
để giúp bạn học các nghề văn phòng như thơ ký, kế toán, phụ tá hành
chánh, v.v. Mỗi tuần chương trình sẽ tặng bạn bốn chục đô để di
chuyển và sau khi tốt nghiệp sẽ kiếm việc làm cho bạn...”. Tôi nói
với anh đây chắc hẳn là một sự lường gạt vì làm gì lại có sự tốt đẹp
như thế. Anh thì lớn lên đã nhập ngũ, phần nhiều thời gian nếu không
lang thang trên biển cả thì cũng đóng quân ở một xứ khác ngoài Mỹ
nên đối với xã hội dân sự cũng có chút bỡ ngỡ. Tôi hăng hái tới cơ
quan xin vào chương trình thơ ký. Người phụ trách chương trình thấy
tôi là người tỵ nạn, chồng lại là cựu quân nhân, hình dạng có vẻ
nghèo nên thương tôi. Sau khi nói chuyện và đọc cho tôi viết một
đoạn Anh văn, bà nhận tôi vào chương trình thơ ký. Khi tôi lui cui
làm giấy tờ, bà dịu dàng hỏi:
“Bà có giỏi toán không? Làm
nhân viên kế toán thì nhiều lương hơn thơ ký thường và rất dễ kiếm
việc làm”.
Tôi không dám trả lời vì không biết “toán” của bà
thuộc về loại gì nên ngập ngừng:
“Dạ tôi cũng không biết
chắc”.
Bà lấy ra một bài thi toán đưa cho tôi. Ái dà, bà ơi.
Có phải là bà đang chà đạp cái trường Gia Long của tôi không? Tôi là
học sinh đệ nhất A đây nha bà, dù tôi không được như bà Dương Nguyệt
Ánh ngày nay phát minh ra cái gì là bom tìm nhiệt thì ba cái 25% của
100 là bao nhiêu, 1/3 của 75 có lớn hơn 2/3 của 40 không, v.v. là
cái chuyện nhắm mắt cũng trả lời được.
Một năm sau tôi được
giới thiệu vào làm cho Công ty nhà hàng Dennys, bộ phận kế toán xuất
nhập.
Làm việc bảy năm tại Dennys tôi đã học được biết bao
điều về gia đình, xã hội, dân tình Mỹ. Trong những buổi ăn trưa tôi
học đan áo, học móc khăn, học cách nấu món ăn Mỹ, Ý, Tây Ban Nha,
học cách dạy con, cách đối xử với chồng, học cách không bao bạn ăn
để rồi kể lể khi giận hờn nhau, mà mạnh ai nấy móc túi trả phần mình
và tình bạn thì không bao giờ sứt mẻ.
Những người bạn ngoại
quốc mới này giúp tôi hoàn thiện ngôn ngữ, hiểu rõ những tiếng lóng,
sử dụng thành thục những thành ngữ, trả lời điện thoại một cách
chuyên nghiệp.
Giúp tôi biết nói cám ơn với con cái. Biết dằn
lòng không mở thư của chúng ra kiểm soát. Biết chỉ dẫn chúng tự thực
nghiệm cuộc đời hơn là bao che lầm lỗi. Biết nói xin lỗi khi phạm
phải sai trái.
Biết văn minh không phải là mặc áo hở ngực hở
mông mà là tuân thủ theo Hiến pháp. Biết tự do không phải là mạnh ai
nấy làm mà là kính trọng nhân vị của chính mình và của đồng loại.
Biết thành công là nhờ vào sự mẫn cán, học hỏi, cầu tiến chớ không
nhờ vào nịnh bợ lấy lòng.
Biết các sắc dân khác cũng đầy
thương yêu và nhiều đau khổ. Biết kính trọng người Mỹ đen. Biết
thương yêu người Mễ nghèo.
Họ cười lăn lóc với cái accent Á
Ðông của tôi nhưng họ không chê tôi dốt nát. Họ chỉnh sửa lại những
tiếng tôi dùng sai trật nhưng không có ý khinh khi. Họ không đánh
giá tôi cao vì tôi đến từ gia đình trưởng giả như tôi khoe khoang.
Họ không nhìn tôi thấp kém vì tôi thuộc third world country như báo
chí thường đăng tải. Họ nhìn tôi giống như họ, một người vợ, một
người mẹ đang cố gắng kiếm tiền một cách lương thiện để giúp chồng
nuôi dạy đàn con.
Chín mươi phần trăm nhân viên kế toán là
đàn bà. Ðây là những bà mẹ, bà vợ ban ngày làm toàn thời gian, chiều
về nấu ăn chăm lo con cái, cuối tuần giặt giũ, lau chùi nhà cửa, dạy
con làm bài tập, đi chợ, đi chơi với gia đình. Họ sống bình thường
mà còn giỏi hơn tôi là đằng khác. Vậy mà khi xưa tôi cứ nghĩ đàn bà
Mỹ là đồ bỏ. Tôi mang tội khinh người. Khi ở Việt Nam tôi ít khi nào
giặt quần áo cho tôi, cho chồng, cho con. Tôi chưa khi nào lau chùi
cầu tiêu, thức khuya dậy sớm cho con bú, kiểm soát từng bài văn điểm
toán cho con. Tất cả đều có anh tài xế, chị vú, anh bồi, chị bếp, cô
giáo dạy kèm. Biết bao người đã than trời trách đất rằng sống ở đây
sao mà cực quá, xã hội gì mà sướng đâu không thấy chỉ thấy cái gì
cũng tự mình làm, thời gian hưởng thụ chẳng bao nhiêu mà làm việc
thì quay tròn như chong chóng chẳng lúc nào ngừng. Cực ơi là cực.
Chỉ chăm chăm muốn về Việt Nam hưởng thụ.
Bạn ơi, bạn hãy
dừng chân một bước. Bạn hãy mỉm cười cầm từng món đồ dơ bỏ vào máy
giặt, nhìn vết bẩn trên chỗ đầu gối và hình dung lại gương mặt mếu
máo đáng yêu của con nhỏ khi té qụy xuống bãi cỏ, nhớ lại ánh mắt
chờ mong tin tưởng của con khi mẹ đến đỡ lên.
Bạn hãy nhìn cả
nhà húp sột soạt chén canh bầu, cùng chia nhau miếng sườn nướng,
cuộn chả giò. Bạn hãy cúi xuống đứa bé đang nở nụ cười ngây thơ chờ
mong bình sữa bạn đang đu đưa trước mặt. Bạn hãy vừa xào món tàu hũ
vừa trả lời thằng con đang cắm cúi làm bài tập bên kia bàn là Los
Angeles không phải là thủ phủ của California con ơi. Thủ phủ của CA
là Sacramento hoặc square of three is not three, it’s nine. Và năm
phút sau đứa con vui vẻ đứng dậy: “Thank you mom (or dad). My home
work is done”.
Ðây mới chính là lúc bạn sống, là lúc mà bạn
xuyên thủng qua lớp giáp để linh hồn và huyết nhục bạn và gia đình
cùng hòa quyện vào nhau. Ðây chính là lúc hột mè trí tuệ nảy nở
trong các con do bạn gieo xuống, lúc hạt giống tình yêu thẩm thấu
vào linh hồn chúng do bạn cày cấy vào. Chúng sẽ lớn lên với ân cần
bạn gởi vào chén cơm, với giúp đỡ bạn sẻ chia trong bài tập, với
thương yêu bạn vuốt thẳng áo quần, với mồ hôi bạn chảy dài trong
trận đấu. Và vợ chồng bạn có cùng một trận tuyến, cùng một hướng đi.
Tôi đã từ bỏ quê hương điêu tàn, đã quay lưng với tương lai đen
tối. Tôi đã chọn một nơi khác để cất nhà, một miếng đất khác để gieo
hạt. Tôi đã dùng nước sông của họ để tưới tẩm, dùng đồi núi của họ
để chăn nuôi. Tôi đã dùng chất xám của họ để tiến thân, dùng lòng
tốt của họ để sống còn. Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong
tôi nhưng tôi sẽ không ngồi đó nhìn non nước này, dân tộc này với
một ánh mắt hờ hững, dửng dưng, một thái độ vô ơn, rẻ rúng. Tôi sẽ
không coi đây chỉ là một mảnh đất tạm dung và ngồi khóc thương cho
một khung trời đã mất, mơ tưởng về một dĩ vãng đã tàn phai.
Tôi sẽ hòa vào các chủng tộc khác nhau, rơi lệ khi thấy tòa nhà chọc
trời sụp đổ, đau thương khi nhìn xác lính được chở về, hân hoan khi
nghe bài quốc ca trong các cuộc tranh tài. Tôi sẽ dạy các con cùng
tôi nhận nơi này làm quê hương, sẽ đem tất cả khả năng lao động hay
học vấn đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia này.
Thay vì trồng cây cổ thụ tạm thời trong một cái chậu nhỏ để nó chỉ
được lớn èo uột trong bóng râm, tôi và gia đình muốn đào một hố sâu,
đổ đầy phân bón, tưới tẩm nó với tất cả ân cần, săn sóc nó với tất
cả sức lực để cho rễ mạnh nó ăn sâu vào lòng đất, cho tàn xanh nó
tỏa rộng khắp không gian. Chúng tôi không tạm dung. Chúng tôi mọc rễ
và yêu thương quê hương này. Rồi một ngày nào đó, ở bên kia góc trời
có cần tới một bóng mát bình an, chúng tôi sẽ chiết bớt một nhánh cổ
thụ đem về...
Chúng tôi chỉ có thể làm như thế khi chúng tôi
nhận nơi này làm quê hương.
Lệ Hoa-Wilson
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
|
Hình nền: Ngôi sao Phương Đông hướng dẫn Ba Vua tìm Hài Đồng Giê-su. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, December 18, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang