Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
Phú Yên–Tuy Hòa
Tác giả:
Phạm Tín An Ninh
Bấm vào đây để in ra giấy(Print PDF)
Tôi
không phải là người Phú Yên, cũng chẳng có mối tình nào gởi lại
Tuy Hòa, nhưng dường như cái xứ có núi Nhạn, sông Đà thơ mộng ấy
đã mãi vương vấn tâm hồn tôi, in đậm trong ký ức tôi những mối
tình đẹp, thật dễ thương của đám bạn bè, đồng đội, cùng bao kỷ
niệm vui buồn một thời trận mạc. Khi ấy bọn tôi còn rất trẻ, đa
số vừa mới rời khỏi học đường vài ba năm để bước chân vào nơi gió
cát.
Ngày mang
“sự vụ lịnh” về trình diện đơn vị tại Ban Mê Thuột, tôi và bốn
thằng bạn cùng khóa cứ ngỡ cuộc đời mình sẽ dính liền với rừng
núi của xứ “bụi mù trời” và “buồn muôn thuở”, chỉ còn biết nằm
nghe tiếng chim kêu vượn hú. Ai ngờ sau hai tuần lang thang quanh
quẩn trong con phố buồn hiu, ngắm mấy cô gái Thượng mang gùi đi
xuống đi lên trên con đường A–Ma–Trang–Long bám đầy đất đỏ, bọn
tôi được ông Trưởng phòng 1 lái xe đi tìm chở về Câu Lạc Bộ Sĩ
Quan, vội vàng lấy ba–lô quân trang, rồi đưa thẳng ra phi trường
Phụng Dực, tháp tùng phi cơ của ông tư lệnh, Đại tá Lữ Lan, bay
xuống đơn vị đang hành quân tại Khánh Hòa, ngay vùng biển quê
hương tôi.
Đơn
vị tôi lúc ấy, chắc cũng thuộc loại đánh đấm có hạng nên được
chọn làm lực lượng lưu động trừ bị cho Quân Đoàn, nay đây mai đó.
Trước khi di chuyển đến đây, đơn vị tôi đã có mặt khắp nơi: từ
Bình Tuy, Bình Thuận, Ninh Thuận, đến Lâm Đồng, Quảng Đức...
Khi đến đơn
vị, tôi rất vui, vì ngoại trừ ông tiểu đoàn trưởng, hầu hết tất
cả sĩ quan trong đơn vị đều trẻ măng, độc thân vui tính, anh nào
“đàn anh” nhứt cũng chỉ vừa rời ghế nhà trường năm ba năm. Ba anh
trung úy đại đội trưởng đều dạn dày lửa đạn. Một anh tốt nghiệp
khóa 16 VB Đà Lạt, hai anh khóa 13 Thủ Đức, một gốc Huế một gốc
Bắc Kỳ di cư. Nhưng anh nào cũng đánh đấm rất gan lì và vui vẻ
chịu chơi. Tôi được bổ nhậm về đại đội của anh trung úy gốc Huế
nhưng lại thân thiết với anh trung úy gốc Bắc Kỳ, vì ngoài các
đức tính khác anh còn có nụ cười và ánh mắt dễ làm “chết người
ta”. Không biết có bao nhiêu “hồn (đã) lỡ sa vào đôi mắt... anh”
rồi, nhưng tôi là thằng lính ngang tàng mà cũng phải lụy anh
trong cái tình huynh đệ.
Sau này và cho mãi đến bây giờ, chúng
tôi vẫn còn giữ cái tình “anh em tri kỷ” ấy. Đám trung đội trưởng
tò te, ngoài tôi ra còn có bốn thằng cùng khóa 18 Thủ Đức với
tôi, vài ba anh khóa 15, 17 và hai chàng khóa 19 VB Đà Lạt đầy
phong độ, cũng vừa mới ra trường năm ba tháng trước. Tôi nhận
trung đội với chỉ 25 người lính, nửa Kinh nửa Thượng. Ngay sau
khi nhận trách nhiệm, công việc đầu tiên của tôi là dắt đám lính
tráng vào QYV Nguyễn Huệ để dự đám tang, chào tiễn đưa ông Thượng
sĩ già, trung đội trưởng tiền nhiệm ra nghĩa trang Đồng Đế. Ông
vừa tử trận vài ngày trước đó trong một trận phản phục kích tại
Tu Bông (Vạn Giã) và tôi đến trung đội để thay thế ông. Nhìn bà
vợ và mấy đứa con của ông kêu gào, khóc la thảm thiết, tôi hình
dung ra con đường thê lương trước mặt, và tự trấn an mình: mai
này mình chết, may ra cũng không có tiếng quả phụ và trẻ thơ khóc
lóc!
Thời ấy,
nhờ ảnh hưởng kết quả của kế hoạch Ấp Chiến Lược còn sót lại, nên
tình hình địch ở mọi nơi còn rất yếu, hầu hết là các lực lượng du
kích và địa phương, nên bị tiểu đoàn chủ lực lưu động thiện chiến
của tôi đánh cho tan tác. Do vậy chúng tôi đến đâu, cũng được các
ông tỉnh trưởng đón tiếp nồng hậu. Sau hơn ba tháng theo đơn vị
tiếp tục hành quân qua nhiều làng mạc, rừng núi và giẵm nát những
mật khu Đồng Bò, Đá Bàn, Hòn Hèo của địch, đơn vị kéo về trú đóng
trong một vườn dương bên bờ biển Nha Trang. Đám sĩ quan bọn tôi
được ông tỉnh trưởng ưu ái dành cho bốn phòng trong khách sạn
Phụng Hoàng, nằm trước ga xe lửa. Mệt và mất ngủ vì vừa trải qua
cuộc phục kích đêm hôm trước, nên sau khi tắm rửa xong, tôi ngủ
vùi một giấc. Thức dậy, nhìn ra ngoài, ánh đèn đường đã bắt đầu
sáng. Mở ba–lô tìm bộ quân phục mới để thay bộ quần áo trận còn
dính đầy bùn lầy, cho hợp với khung cảnh phố phường. Dự định đi
một vòng tìm lại những hang động tuổi thơ cùng dấu tích mấy mối
tình học trò của vài năm trước, tôi bỗng nghe tiếng ông tiểu đoàn
trưởng gọi tất cả bọn tôi lên xe trở về đơn vị, điểm danh sắp xếp
lính tráng lên tàu Hải quân, đã ủi bãi ngay phía trước TTHL Hải
Quân.
Ra khơi
lúc 11 giờ đêm. Qua hơn một đêm lênh đênh trên biển, tàu cặp vào
bến của Duyên Đoàn 24 HQ bên bờ biển Tuy Hòa. Trong số những
người ra đón đơn vị chúng tôi, ngoài ông tỉnh trưởng – Trung tá
Trần Văn Hai, anh trung úy Duyên Đoàn Trưởng HQ, tôi còn bất ngờ
nhận ra ông anh con bà cô, trung úy thuộc Tiểu Đoàn 23 BĐQ đang
hành quân trú đóng ở đây. Từ khi anh vào quân đội, bao nhiêu năm
anh em không gặp, bất ngờ lại nhận ra nhau ở một nơi xa lạ, vui
mừng quá đỗi. Anh em vừa mới ôm nhau, hỏi han vài câu, thì đơn vị
nhận lệnh lên xe di chuyển. Ông anh kéo tôi và mấy sĩ quan cùng
đại đôi lên xe Jeep của anh chạy theo đơn vị. Về khu Nhà Bằng, vị
trí đóng quân tạm, sắp xếp đơn vị xong, bọn tôi theo anh ra phố.
“Moa đãi các toa một chầu để biết mặt Tuy Hòa – xứ nẫu.” Anh bảo
thế trước khi lái xe đi.
Tôi bỗng giựt mình khi nghe “xứ nẫu”.
Cái tên “Nam Ngãi Bình Phú” và “Liên Khu Năm” vẫn còn hằn trong
tâm trí tôi từ lúc mới lên năm, bởi cha tôi bị Việt Minh bắt đưa
ra đây hơn ba năm khi ông là thầy giáo đang dạy trường Pháp Việt,
và mẹ tôi qua đời trước đó hai năm. Kể từ ấy tôi sống với ông bà
nội, thiếu vắng cả cái tình phụ mẫu.
Có lẽ đã phải trải qua những năm dài
chiến tranh, nên phố xá Tuy Hòa ngày ấy còn “hoang sơ” lắm. Ngoài
văn phòng Air Vietnam hai tầng và khu chợ mới xây dang dở, hầu
hết là nhà cũ. Ông anh chở bọn tôi đến một cái quán nằm bên cây
cầu, trên đường hướng ra Quốc Lộ 1. Tôi không còn nhớ tên, nhưng
quán này nổi tiếng về món cá lóc nướng, và đặc biệt có mấy o Huế
rất xinh. Để tránh tình trạng “tấn công nhầm mục tiêu”, ông anh
tôi cho biết:
– Tuy Hòa có hai quán ăn nổi tiếng, đều có hai cô chủ “hoa khôi”
gốc Huế, nhưng một quán đã có ông quan năm trung đoàn trưởng đóng
đô, còn quán này là sào huyệt của ông chi đoàn trưởng Thiết Giáp
có tiếng hào hoa.
Nhìn mặt thằng nào cũng buồn xo, ông
anh tôi cười, an ủi:
– Yên chí đi! Tuy Hòa còn thiếu gì cô
bé dễ thương. Trường trung học Nguyễn Huệ có biết bao cánh hoa
biết nói, và mai mốt khi các toa ra vùng hành quân, sẽ có khối
cậu chết mê chết mệt vì mấy cô gái quê! Bọn lính trong đơn vị moa
thường kháo nhau: “Phú Yên đến dễ khó về” đấy!
Thấy trong đám bọn tôi có hai chàng
khóa 19VB, ông anh cho tài xế chạy về đơn vị đón một anh cùng
khóa 19 ra gặp bạn đồng môn. Hơn 20 phút sau, một thiếu úy BĐQ
cao ráo đẹp trai đến nơi chạy vào tay bắt mặt mừng. Cái tình Võ
Bị quả là thắm thiết. Anh được giới thiệu là “Chương Classic”. Và
để giải thích cái nick name của mình, anh mượn cây ghi–ta của cô
chủ quán, độc tấu mấy bản nhạc Tây cổ điển. Ngón đàn của anh quả
thật tuyệt vời!
Tối hôm sau, ông tỉnh trưởng gốc Biệt
Động Quân rất chịu chơi, mở tiệc thiết đãi bọn tôi ngay tại Câu
Lạc Bộ Tỉnh. Có cả một chương trình văn nghệ khiêu vũ. Khi bước
vào hội trường, bọn tôi bất ngờ nhận ra bao nhiêu người đẹp. Sau
này hỏi ra mới biết hầu hết là nữ sinh của trường Nguyễn Huệ.
Chỉ sau ba hôm ở thành phố, đơn vị tôi
có lệnh di chuyển đi Hiếu Xương, đến đầu cầu Bàn Thạch để hành
quân tái chiếm lại một vài nơi đã bị Cộng quân làm chủ tình hình.
Ông tỉnh trưởng cũng đã cảnh báo đám sĩ quan trẻ chúng tôi:
– Ở vùng ấy nhiều gia đình có thân nhân
theo VC, nên mấy chú phải cẩn thận, nhất là thấy mấy cô con gái
đẹp đừng có vội nhào vô. Trước đây đã có một anh chàng sĩ quan đề
lô Pháo Binh mết lòng con bé thợ may, hành quân xong cứ ra ngồi
ngoài quán, cuối cùng không thấy trở về đơn vị nữa, mất tích
luôn!
Đám lính
trẻ bọn tôi “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nên chỉ còn nhớ tới
“mấy cô con gái đẹp” trong câu nói ấy của ông thôi.
Trung đội tôi được lệnh đóng quân giữ
an ninh cầu Bàn Thạch và khu vực chung quanh. Cây cầu xi măng đúc
đã bị VC giật mìn sập, nên vừa được Công Binh bắc cây cầu gỗ tạm.
Cầu nằm gần chợ, và phía bên kia là vùng mất an ninh. Một tiểu
đội của tôi nằm tiền đồn bên ấy. Ban chỉ huy trung đội và một
tiểu đội bố trí ngay dưới gầm cầu.
Sắp xếp vị trí đóng quân và canh gác
xong, đã gần 5 giờ chiều, tôi bảo mấy chú lính dọn cơm ăn, để tôi
còn đi một vòng chợ tìm xem các cô gái có “đôi mắt người... Phú
Yên” ra sao. Vừa mang mấy lon guigoz cơm ra, bốn thằng chúng tôi
chưa kịp cầm đũa, thì một trái lựu đạn từ trên cầu rơi xuống. Một
anh lính phát giác la lên, cả bọn kịp lăn mình qua bên kia tấm
cầu đúc (bị sập xuống), nhưng trái lựu đạn không nổ! Chỉ năm phút
sau, người ném lựu đạn bị toán lính của tôi bên kia cầu đuổi bắt.
Đến nơi, tôi ngạc nhiên khi nhận ra, không phải một, mà là hai cô
con gái quê, tuổi cỡ 14–15, một cô khá xinh, có đôi mắt đẹp. Cô
bé này chính là người ngồi phía sau xe đạp, ném trái lựu đạn định
giết tôi – chàng “lính trẻ hào hoa”, chỉ mới vài phút trước đây
có ý định đi tìm... đôi mắt ấy. Tôi đưa hai nữ “địch quân” đến
trình diện ông tiểu đoàn trưởng. Thấy hai cô bé vừa run vừa khóc,
mặt mày tái xanh, ông “tâm lý chiến” rất hay, vỗ vai hai cô bé,
vừa cười vừa ôn tồn nói chuyện. Hai cô khai hết sự tình, nên được
dẫn về giao cho gia đình, vừa “chiêu hồi” và cũng vừa cảnh cáo,
theo dõi họ. Một tuần sau, toán quân báo tiểu đoàn bắt được người
đàn bà trong mũi công tác đã dụ dỗ hai cô bé làm giao liên và ném
trái lựu đạn xuống cầu.
Chiều hôm sau, đơn vị có lệnh xuất phát
cuộc hành quân bao vây và đánh chiếm kho vũ khí của địch tại Đa
Ngư–Phú Lạc, nằm trên một khu núi đá sát biển, địa thế khó khăn
hiểm trở và được phòng thủ rất kiên cố bằng nhiều ổ súng đại
liên. Tin tức cho biết địch quân đã chiếm làng Thạch Tuân và khu
vực Hảo Sơn hơn hai tuần nay. Đơn vị VC địa phương vừa tiếp nhận
một số lượng lớn vũ khí từ miền Bắc chuyển vào khu núi Đa Ngư,
Phú Lạc bằng thuyền. Đơn vị tôi có trách nhiệm phải đánh chiếm
kho vũ khí này và sau đó tảo thanh các khu vực địch trong vòng
hai tuần để đưa một đơn vị Bảo An của Tiểu khu vào trấn giữ.
Tuy Hoà 1960
Đơn vị tôi được tăng cường Đại Đội 23
Thám Kích. Tất cả đều được trang bị mặt nạ chống hơi độc. Khởi
hành từ tuyến xuất phát lúc 11 giờ trưa, mãi đến gần 3 giờ chiều
chúng tôi mới đến khu vực mục tiêu, vì phải di chuyển qua những
địa thế khó khăn hiểm trở để tránh bị phát giác, gây yếu tố bất
ngờ cho địch. Đại đội 3 của tôi đi dọc theo bờ biển đến phục dưới
chân núi làm lực lượng án ngữ. Nỗ lực chính đánh chiếm mục tiêu
là đại đội 23 Thám Kích và đại đội 2 của ông anh trung úy gốc Bắc
kỳ. Không ngờ trận chiến lại khó khăn khốc liệt đến như thế, phải
chia nhau từng nhóm nhỏ bò lên chiếm các hốc đá nằm bên ngoài căn
cứ, bị địch phát giác, cầm chân bằng đạn súng cối đủ loại và
nhiều ổ súng đại liên. Vì đây là kho vũ khí, nên địch có đầy đủ
các loại vũ khí và đạn dược. Cuối cùng phải nhờ đến phi cơ yểm
trợ, mặc dù rất bất lợi vì trời chiều, sắp tối. Theo các trái
sáng (cầm tay) được đồng loạt phóng lên đánh dấu vị trí bạn, cùng
với sự hướng dẫn, chỉ điểm tài tình của anh phi công L19, hai phi
tuần khu trục liên tiếp đánh bom rất chính xác xuống căn cứ địch,
diệt các ổ súng đại liên, để lực lượng ta bám sát mục tiêu.
Đại đội 23 TK và đại đội 2 của anh
trung úy gốc Bắc Kỳ đánh đẹp một cuộc cận chiến, chiếm được căn
cứ, một số tù binh bị bắt. Đại đội 1 của anh trung úy khóa 16VB
kịp thời tăng cường bao vây và truy kích. Trận chiến kết thúc
trước khi trời tối. Số chiến lợi phẩm thu được khá lớn, địch quân
dự trù trang bị các loại vũ khí mới này cho các đơn vị thuộc Liên
khu 5 của chúng. Tiểu đoàn kéo về Đông Tác dưỡng quân, được ông
tướng tư lệnh Vùng và ông trung tá tỉnh trưởng đến thăm, mừng
chiến thắng. Anh trung úy (nhiệm chức) gốc Bắc kỳ khóa 13 Thủ Đức
được vinh thăng (điều chỉnh) trung úy thực thụ và tưởng thưởng
Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu. Anh trung úy khóa 16VB
được ngôi sao vàng. Nhiều sĩ quan và binh sĩ có công cũng được
trao gắn huy chương.
Ba ngày sau, được tiếp tế lương thực và
đạn dược, tiểu đoàn trở lại Thạch Tuân. Chiếm lại ngôi làng nghèo
này rất dễ dàng, cả đơn vị tiếp tục tiến quân vào Hảo Sơn, Đá
Bia, một khu vực núi non hiểm trở. Địch quân đã chiếm ngự các cao
điểm trọng yếu. Trung đội tôi có lệnh mở đường dọc theo thiết lộ,
nằm sâu giữa hai vách núi, để chiếm một ngọn đồi, đặt đại liên
yểm trợ cho đơn vị còn lại bung ra hai triền núi phía trước. Con
đường độc đạo hoàn toàn bất lợi, nhưng không còn lối nào khác.
Nhờ pháo binh bắn dọn mục tiêu, nên trung đội tôi dễ dàng chiếm
lĩnh ngọn đồi, ngay sau khi một toán địch quân vừa bỏ chạy, không
kịp mang theo nồi cơm đang nấu và mấy cái võng nilon còn cột chặt
trên cây. Cả tiểu đoàn tiếp tục tiến quân hai bên triền núi.
Trận chiến khá quyết liệt, vì địch quân
đã có sẵn nhiều cái chốt trên các hốc đá nằm cao trên núi, bắn
trung liên và ném lựu đạn xuống quân ta phía dưới. Trời đổ mưa
như trút nước. Đại đội 1 của ông anh khóa 16 VB là mũi tiến công
chính. Dù ở thế hoàn toàn bất lợi, nhưng nhờ tài chỉ huy và điều
quân gan dạ của chàng trai Đa Hiệu, cuối cùng cũng đã chiếm được
mục tiêu. Địch quân tháo chạy, bỏ lại vài chục xác chết và trên
mười khẩu súng. Bên ta, hai binh sĩ tử thương và vài người khác
bị thương nhẹ. Trời tiếp tục mưa không dứt. Bóng tối đã bắt đầu
phủ kín khu vực hành quân. Có lẽ lo ngại địa thế bất lợi cho một
cuộc đóng quân đêm và địch quân có thể được tăng cường phản kích,
nên cả đơn vị có lệnh khẩn cấp rút quân ra. Riêng trung đội của
tôi phải nằm lại để yểm trợ và đề phòng địch quân tập hậu.
Khi được lịnh rút ra sau cùng, tôi xin
pháo binh bắn chặn, để trung đội chia làm hai cánh yểm trợ nhau
rút nhanh ra. Tôi đi theo cánh quân có lộ trình nguy hiểm hơn:
theo con đường sắt. Nép sát vào vách núi, di chuyển rất nhanh,
nhưng chỉ năm phút sau thì nhiều loạt đạn từ trên triền núi bắn
xuống. Đạn địch xối xả xuống đường xe lửa, chát chúa ngay sát
dưới chân tôi, tóe lên nhiều đóm lửa. Có cả đạn súng cối. Tôi
nghe vài tiếng la đau đớn. Anh trung sĩ và một người lính đi sau
lưng tôi trúng đạn. Anh trung sĩ bị bắn vào chân, còn anh lính
kia bị thương nặng ở vùng bụng, ruột đổ ra ngoài. Cho người băng
vội vết thương bằng các băng cá nhân, tôi vừa gọi xin tiếp ứng
vừa xin pháo binh bắn cản hậu, rồi cõng anh lính bị thương rất
nặng chạy nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm. Người tôi ướt đẫm cả máu,
nước mưa, và có thể có cả nước mắt (cho người thương binh –không
có chút hy vọng sống– của mình).
Trên đường trở lại làng Thạch Tuân đóng
quân đêm, cả tiểu đoàn dàn hàng ngang lội bì bõm dưới những đám
ruộng ngập đầy nước. Du kích trong làng lại bắn ra. Chúng tôi bám
theo các bờ ruộng xâm nhập vào làng, nhanh chóng bao vây tứ phía,
cả toán du kích không chạy kịp bị chúng tôi bắt. Xe tải thương
không thể nào đến được vì không có an ninh lộ trình. Tối hôm ấy,
anh lính bị trọng thương của tôi, vốn là một tân binh quân dịch,
quê tận Gò Công, đã trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi, sau khi
giao cho tôi cái bóp có hai tháng tiền lương và thì thào lời trối
trăng đứt đoạn, nhờ tôi chuyển lại cho vợ và đứa con gái đầu lòng
chưa đầy một tuổi mà anh chỉ mới về phép thăm cháu một lần. Đó là
người lính đầu tiên dưới quyền đã chết, trên tay tôi. Anh có cái
tên rất dân dã mà tôi không bao giờ quên được: Nguyễn văn Tý,
trùng tên với một nhạc sĩ tài hoa và khí khái mà sau này tôi mới
biết.
Mục tiêu
các cuộc hành quân đã hoàn tất, tiểu đoàn chúng tôi được lệnh về
đóng quân dọc theo Quốc lộ 1, từ ngã ba Phú Lâm đến hết Bàn Nham,
Bàn Thạch. Trung đội tôi lại nhận lãnh cái cầu (gãy) Bàn Thạch,
nơi mà tôi được cô gái Phú Yên đón chào bằng một trái lựu đạn nội
hóa. Cứ vài ba hôm chúng tôi lại tổ chức các cuộc hành quân (có
khi luân phiên từng đại đội có khi cả tiểu đoàn) ở Hòa Xuân, Hòa
Thịnh, Sơn Thành, hay ra tận Ngân Sơn (Tuy An), Hiệp Mỹ, Tuyết
Diêm, Hòa Phú, phía dưới đèo Cù Mông (Sông Cầu), giáp ranh Bình
Định. Chấm dứt hành quân lại trở về “cứ điểm” Bàn Thạch. Lúc này
con đường từ Bàn Thạch ra phố Tuy Hòa đã tương đối an ninh, nên
những ngày không bận hành quân, bọn tôi được phép thay phiên nhau
xuống phố Tuy Hòa. Cũng có những đón đưa trước cổng trường Nguyễn
Huệ, Bồ Đề. Cũng có những hẹn hò ngoài bãi dương, quán nước.
Trong đám bọn tôi cũng vài thằng có những cuộc tình chợt đến chợt
đi. Thì ra các cô gái Tuy Hòa trông dễ thương mà thương thì không
dễ lắm.
Lúc
ấy, tuổi trẻ bọn tôi còn cao ngạo: “mấy thằng lính ngang tàng này
thì dễ gì mà chết trong mắt em!”, nhưng khi cô đơn lại tự an ủi
mình: “đời lính tráng như vậy mà vui, không nợ nần, không làm khổ
một ai, vợ con làm gì cho vướng chân vướng cẳng!”, tránh cái cảnh
như một ông nhà thơ sau này đã thốt lên lời bi thảm “anh trở về
dang dở đời em!” Hồi còn trong lính, tôi ghét cay ghét đắng bài
thơ được phổ nhạc này. Đám lính tráng về phép mà nghe được đôi
lần, chắc nhiều thằng không muốn trở về đơn vị nữa. Nhưng bây giờ
ngồi nghiệm lại, tôi thấy đúng, cho dù có chút đắng cay. Lính bị
thương tàn phế, hay là lính bị đày ải trong tù “cải tạo” ngày trở
về ít nhiều gì cũng đã làm dang dở đời em.
Dù vậy, trong đám bọn tôi cũng có ba
chàng phá luật chơi. Một thằng, cùng khóa với tôi, yêu một cô bé
học mới lớp đệ lục, nhà ở cạnh chợ Tuy Hòa, một tiệm bán đồ gỗ
nhỏ. Bọn tôi cứ nhạo nó là “dụ dỗ gái vị thành niên” và “tiền
lương của mày không đủ để mua gạo thúc cho nó lớn!” Vậy mà cuộc
tình cũng gắn bó hơn một năm. Ngày đơn vị tôi từ giã Tuy Hòa, cô
con gái ấy đã tốn khá nhiều nước mắt. Sau này dường như cô bé trở
thành cô giáo, lấy chồng là một đồng nghiệp tốt nghiệp Sư Phạm
Qui Nhơn. Thằng bạn của tôi được giải ngũ sớm vì cận thị nặng. Nó
trở về tiếp tục sách đèn. Tốt nghiệp sư phạm Đại học Đà Lạt về
dạy Triết tại vài trường trung học. Năm 1973, khi nghe bạn bè bảo
tôi đang nằm dưỡng thương ở QYV Nguyễn Huệ Nha Trang, nó từ đâu
tìm đến thăm. Khi nhắc tới thời lính tráng ở Phú Yên, đôi mắt nó
sáng lên, bảo là nó vừa bất ngờ gặp lại cô bé Tuy Hòa ngày xưa,
khi cả hai cùng làm giám khảo và giám thị một cuộc thi Tú Tài ở
trường Nguyễn Huệ hay Cường Để gì đó. Nó cười, nhưng đôi mắt nó
lại mơ màng nhìn về một nơi nào đó... xa xăm!
Một ông đàn anh khóa 14 Thủ Đức của
tôi, SQ/CTCT Tiểu Đoàn, vốn tu xuất và bị động viên khi đang dạy
ở một trường La San Taberd nào đó, lại vướng vào lưới tình của
một cô giáo Bàn Thạch. Là con một của bà già góa bụa. Cô giáo có
nhan sắc và hiền lành, cười nhiều hơn nói. Có lẽ lớn hơn tôi một
vài tuổi. Chị tỏ ra rất thân tình với đám lính trẻ bọn tôi. Chỉ
một thời gian, chúng tôi xem nhau như người nhà. Khi nào chán cơm
lính, bọn tôi rủ nhau ra chợ mua thịt cá rồi kéo đến nhà chị để
nhờ chị nấu cơm, rồi cùng nhau ăn uống và đàn địch ca hát cả
ngày. Ông đàn anh “tu xuất” của tôi vốn làm thơ tình rất hay, đàn
ca có “trường lớp” lắm. Nghe nói trước kia anh làm trưởng ca đoàn
trong mấy nhà thờ. Anh thường đệm đàn cho cô giáo hát bài “Chuyện
tình Lan và Điệp”. Giọng hát Phú Yên cũng não nùng ai oán lắm.
Đặc biệt phía sau nhà có cái giếng nước rất trong, nên chúng tôi
thường ghé vào tắm rửa sau các lần hành quân trở về. Sau này, ông
đàn anh thuyên chuyển về Vùng 4 trong Nam.
Mãi đến năm 1980, tôi bất ngờ gặp lại
anh trong một trại tù ngoài Bắc. Ngạc nhiên và thú vị khi nghe
anh kể là anh vẫn còn độc thân, và cô giáo Bàn Thạch ngày xưa giờ
cũng chưa chồng. Anh còn khoe là cô giáo thường gởi quà cho anh,
và còn cho tôi đọc ké mấy lá thư cô ấy viết, bảo là sẽ ra thăm
anh, cũng như hứa hẹn bảo lãnh cho anh về Phú Yên, nếu anh thấy
lo lắng không muốn trở về quê quán Mỹ Tho, và nơi ấy anh cũng
chẳng còn ai, sau khi bà mẹ già đã mất. Nhưng không thấy cô đề
cập đến chuyện “nối lại tình xưa”. Tôi ngại, nên cũng không dám
hỏi anh. Cuộc tình này liệu có làm cho con tim thắng được tất cả
mọi hệ lụy từ cuộc chiến đã qua, khi người tình ngày xưa giờ đang
tù tội và với một tương lai mịt mờ trước mặt? Rất tiếc, tôi không
tìm được câu trả lời này. Vì mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp lại
anh ấy, mặc dù tôi đã nhắn tin và tìm hỏi rất nhiều bạn bè sang
Mỹ theo diện HO. Đôi lúc, nghĩ về họ, tôi hình dung đến một đôi
vợ chồng già sống hạnh phúc trong ngồi nhà ngói xưa ở Bàn Thạch,
có khu vườn và cái giếng nước trong, anh đàn em hát; hay đang
cùng quỳ xuống cầu kinh trong một ngôi nhà thờ nào đó. Cầu mong
những người con gái Phú Yên, dù hoàn cảnh nào cũng luôn giữ trọn
mối tình xưa.
Đặc biệt nhất, và cũng gắn bó nhứt, chính là chuyện tình của ông
đàn anh Khóa 13 gốc Bắc Kỳ, có nụ cười và đôi mắt dễ làm “khuấy
động trái tim người... ta” mà chúng tôi đã kết nghĩa anh em. Đại
đội của anh là đại đội đánh đấm khá nhứt, nên được ông tiểu đoàn
trưởng tin tưởng, giao cho đóng quân và phụ trách vùng đất bất an
nhứt: từ phía nam Bàn Thạch đến tận làng Thạch Tuân, tiếp giáp
Đèo Cả, ranh giới cuối cùng phía nam của tỉnh Phú Yên.
Ban chỉ huy đại đội đóng quân sau khu
vườn của một ngôi nhà ngói lớn hai tầng duy nhất ở vùng này. Đối
diện phía bên kia, sau con hương lộ, là ngôi trường tiểu học. Ông
bà chủ nhà thuộc hàng khá giả, vừa làm chủ một cửa hàng tạp hóa ở
tầng dưới, vừa làm nước mắm ở khu nhà sau. Một ngày cuối tuần,
anh rủ chú lính cận vệ ra giếng tắm. Thầy trò chỉ mặc quần xà lỏn
huýt sáo nhởn nhơ, bất ngờ gặp hai cô gái đang ngồi giặt áo quần
bên thềm giếng. Sau khi bớt ngượng ngùng, hỏi ra mới biết là con
ông bà chủ nhà, học ở Tuy Hòa, cuối tuần về thăm cha mẹ. Có lần
tôi ghé lại thăm anh, được ông bà chủ nhà và hai cô con gái mời
hai anh em tôi dùng bữa cơm thịnh soạn. Ông anh Bắc kỳ hào hoa
nhưng rất kín miệng. Nhìn ánh mắt tôi biết là anh đang mết cô
chị. Cô em còn bé lắm. Ông bà già mua hẳn một ngôi nhà khá khang
trang ở phố Tuy Hòa, gần trường Nguyễn Huệ cho hai cô và một ông
anh trú ngụ học hành. Là anh em kết nghĩa, vậy mà cuộc tình của
anh, tôi không biết mặn nồng đến đâu. Chỉ biết lâu lâu anh lái xe
bỏ bọn tôi xuống phố Tuy Hòa, lì xì vài chục uống bia, rồi phóng
xe đi một mình. Đúng hẹn ghé đón bọn tôi với nụ cười lúc nào cũng
nở trên môi.
Hơn một năm từ ngày đổ quân xuống Tuy Hòa, cũng vào một ngày hè
nắng cháy, tiểu đoàn tôi có lệnh rời khỏi Phú Yên, bàn giao trách
nhiệm lại cho Trung Đoàn 47 biệt lập từ Bình Tuy ra để sáp nhập
vào Sư Đoàn 22BB, mà bản doanh Bộ Tư Lệnh đóng ngoài Bình Định.
Đơn vị tôi cùng chi đoàn Thiết Quân Vận của ông đại úy tài hoa
Bùi Thế Dung, lại lên tàu há mồm xuôi nam, đổ quân xuống Phan
Thiết. Ông đàn anh Bắc Kỳ của tôi sau này lên làm tiểu đoàn
trưởng, đánh thắng một trận lẫy lừng tại Căn Cứ 6 Pleiku đầu năm
1971, đươc ông Tướng Vùng gắn lon thiếu tá đặc cách tại mặt trận.
Sau đó được ông tỉnh trưởng Ninh Thuận (vốn là cựu trung đoàn phó
của chúng tôi khi còn đóng ở Phú Yên) xin đích danh anh về Phan
Rang làm quận trưởng. Một hôm, bất ngờ tôi nhận được thiệp hồng
của anh mời đám cưới. Tôi ngẩn người khi đọc thấy tên cô dâu
chính là cô học trò, con bà chủ quán ở Bàn Thạch ngày xưa, nơi
anh đóng quân sau vườn nhà 6 năm về trước. Đến bây giờ tai tôi
vẫn còn văng vẳng dư âm Bài Không Tên Số 2, với giọng hát Phú Yên
thật nồng nàn cảm xúc, chị đã hát tặng bọn tôi ngay sau ngày đám
cưới. Phải chăng “đời một người con gái (Tuy Hòa) ước mơ rất
nhiều, nhưng trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng chỉ còn
một mối tình mang theo”?
Điều trùng hợp lý thú là năm 1976, khi
bị chuyển tù ra Bắc, anh và tôi lại gặp nhau, ở chung một trại.
Anh em thường gặp nhau tâm sự. Trong cảnh tù đày khốn khó, tình
anh em gắn bó như xưa. Mỗi lần chị ra thăm nuôi anh đều mang theo
thêm phần quà cho tôi. Có khi chị giả vờ đi lại trên con đê trước
nhà thăm nuôi, biết chúng tôi sau một ngày lao động sẽ được về
tắm giặt ở bên con đê ấy, để dúi vào tay tôi mấy tờ giấy bạc.
Lòng tôi cảm động. Không ngờ cô con gái hiền lành ở vùng quê Bàn
Thạch ngày xưa ấy, sau ngày chồng vào tù, đã dắt ba thằng con
trai, mà đứa nhỏ nhứt chỉ mới tròn 2 tuổi, vào Sài Gòn bươn chải
nuôi con, tạo dựng được cơ ngơi nơi vùng đất lạ xô bồ phức tạp
này. Và với chúng tôi, còn là một người bạn, người chị chí tình.
Một đơn vị bộ binh đang được trực thăng
vận. Anh chị sang Mỹ theo diện HO. Mang theo kinh nghiệm từ Việt
Nam, chị sớm vào nghiệp bán buôn. Chỉ một thời gian ngắn gia đình
khá giả. Ba đứa con trai đều thành đạt. Cháu trai út ra bác sĩ,
cháu giữa làm luật sư, còn cháu lớn là kỹ sư, nhưng sau này đã
trở thành một mục sư đi rao giảng đức tin Thiên Chúa.
Ngày đám cưới cháu trai thứ nhì, vợ
chồng tôi sang tham dự. Bạn bè cùng đơn vị xưa từ khắp nơi cũng
quy tụ về đây. Bất ngờ gặp một nhóm đồng môn Nguyễn Huệ của chị.
Một cuộc hạnh ngộ thật kỳ thú. “Phe anh phe em”. Chúng tôi biết
thêm một số người đẹp Tuy Hòa xưa.
Đám đàn bà ngồi nhắc tên những thầy bạn
cũ. Đám đàn ông bọn tôi ngồi điểm danh lại những thằng bạn lính,
từng in dấu giày saut trên vùng đất Tuy Hòa thuở trước. Giờ cũng
chỉ còn có hai thằng: ông anh gốc Bắc kỳ và tôi. Một số đã chết
trong chiến trận: Trương Ngọc Điệp, anh trung úy gốc Huế, đại đội
trưởng đầu tiên của tôi ngày ấy, đã chết tại chiến trường Thiện
Giáo (Phan Thiết) sau hơn một năm rời khỏi Tuy Hòa, và sau đúng
hai tuần cưới vợ, một cô giáo Ninh Hòa gốc Huế. Vài tháng sau,
ông anh Thái Hữu Dư, khóa 16VB, bị thương nặng trong một trận
phản phục kích rất hào hùng tại Lâm Đồng, được thuyên chuyển về
Vùng 4 sau khi xuất viện. Đặng Trung Đức, khóa 19 Đà Lạt, người
bạn rất thân với tôi, tử trận tại Kontum trong “mùa hè đỏ lửa”
khi đang làm tiểu đoàn trưởng. Trần Công Lâm, thằng bạn cùng khóa
thân thiết nhất của tôi, trước khi nắm tiểu đoàn từng là một đại
đội trưởng trinh sát lừng danh của Quân Đoàn II, cũng đã bỏ mình
tại vùng Tây Bắc Kontum, trên dãy núi Ngok Wang đèo heo gió hú.
Vài thằng giải ngũ vì thương tích. Số còn lại thì bị tù đày rồi
tản mát khắp bốn phương trời! Nhưng dù còn sống hay đã chết, có
lẽ thằng nào cũng mang theo ít nhiều bóng dáng và giọng nói của
các cô gái Tuy Hòa, cùng bao kỷ niệm hào hùng, dễ thương của một
thời trai trẻ.
Ngày rời khỏi Tuy Hòa năm ấy, đơn vị
tôi cũng đã mang theo một số cô dâu Phú Yên xinh đẹp. Tôi còn nhớ
mãi những khuôn mặt thật xinh xắn, làn da trắng nõn nà của các cô
bé ở Ngân Sơn (Tuy An), bẽn lẽn “hóa trang” làm lính, xúng xính
trong bộ quân phục của chồng, đầu đội cả nón sắt, lội nước leo
lên tàu Hải Quân, sợ những người chỉ huy chặn lại không cho phép.
Nhưng ông tiểu đoàn trưởng đã biết trước, bảo nhỏ đám chúng tôi
cứ làm ngơ cho họ được “tùng phu”, khi biết chắc đây không phải
là “mỹ nhân kế” của địch, và biết đâu đơn vị lại được thêm vài
tay súng, những “người lính không có số quân”!
Ông trung tá trung đoàn trưởng cao lớn
bô trai của tôi cũng đã mang theo cô chủ quán hoa khôi gốc Huế
nổi tiếng một dạo ở Tuy Hòa. Ông đại úy Thiết Giáp hào hoa thì
xuống tàu một mình. Sau này lên đại tá, trở thành thiết đoàn
trưởng chiến xa lừng danh Vùng I, và đã rước cô ca sĩ Hà Thanh
của xứ Huế về dinh.
Riêng tôi, rời Tuy Hòa, không vương vấn
mối tình nào, nhưng lại mang theo một cậu con trai 15 tuổi. Thời
gian đơn vị hành quân ở Phú Lâm, tôi đóng quân sau nhà chú bé. Từ
đó chú bé cứ theo mấy chú lính của tôi và năn nỉ xin tôi nhận cho
vào lính. Học tới lớp nhì thì cha chết, bà mẹ theo người chồng
mới vào Cam Ranh hơn một năm sau. Chú bé ở với vợ chồng ông chú,
vừa nghèo vừa đông con, lại bị bà thím hất hủi. Tôi động lòng
thương nên thường cho lính gọi đến ăn cơm chung, và lâu lâu lì xì
chút tiền lẻ. Chú có khuôn mặt khôi ngô, tính tình lễ phép, gọi
tôi là anh ba, và khóc lóc năn nỉ nhứt định xin đi theo tôi, dù
góc bể chân trời nào.
Vào Phan Thiết, tôi kể cho ông tiểu
đoàn trưởng nghe hoàn cảnh đáng thương của nó. Ông chở tôi và nó
đến một văn phòng xã làm giấy khai sanh, tăng thêm đủ tuổi để
nhận nó vào lính. Ông giao nó cho tôi. Tôi chỉ cho nó đi theo,
mang cho tôi một ba–lô sách và vài thứ thức ăn. Cuộc hành quân
nào ác liệt, tôi gởi nó cho anh HSQ Tiếp Tế ở lại hậu trạm. Hơn
bốn tháng sau, được gởi vào Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn. Nó trở
lại đơn vị khi tôi đã làm đại đội trưởng, nhứt định xin tôi tình
nguyện vào toán thám báo. Không ngờ nó lại là thằng lính đánh
giặc gan dạ, lẫy lừng, đã mấy lần cùng toán thám báo cứu tôi
thoát chết.
Hai năm sau, nó tử trận tại mật khu Lê Hồng Phong (Phan Thiết)
vào một ngày gió mưa tầm tã, khi xông vào một căn hầm của địch.
Khi ấy nó vừa tròn 18 tuổi đời. Lúc hấp hối, nó thoi thóp cố mở
mắt nhìn tôi, đôi môi mấp máy như muốn nói với tôi một điều gì
đó. Tôi vuốt mắt nó mà nước mắt tôi giàn giụa, trong lòng tựa hồ
như đang có trăm ngàn vết chém.
(Lê Xuân Tiên ơi! Bây giờ em đang ở một
thế giới khác, bình an, không còn có hận thù chết chóc. Xin em
hãy tha thứ cho anh. Đã mấy lần em xả thân cứu anh thoát chết,
còn “anh ba” thì lại bất tài, không bảo vệ được cho em!).
Và đó cũng chính là món nợ ân tình duy
nhứt mà tôi không bao giờ trả được cho vùng đất Tuy Hòa – Phú Yên
– của một thời chiến tranh, khốn khó.
Riêng ông trung tá tỉnh trưởng gốc Biệt
Động Quân chịu chơi ngày ấy, sau này trở thành vị tướng lãnh tài
ba và đã tuẫn tiết theo cùng vận nước vào cuối tháng 4/75. Còn
ông anh Nguyễn Văn Tri, con bà cô, và anh “Chương Classic” của
Tiểu Đoàn 23 BĐQ đã thoát chết trong một lần Tiểu Đoàn nghỉ quân
trong căn cứ của một đơn vị ĐPQ, bị nội tuyến từ trong đơn vị ĐPQ
này. Sau này anh Tri bị thương, được chuyển về TTHL/BĐQ Dục Mỹ.
Tôi ghé thăm anh một đôi lần khi đơn vị chuyển quân ngang qua
Huấn Khu này. Anh sang Mỹ theo diện HO, định cư ở Boston, có cô
con gái là ca sĩ Hạ Vy, và anh đã qua đời hơn 5 năm trước. Anh
“Chương Classic” khóa 19VB, sau này lên thiếu tá, làm Tiểu Đoàn
Trưởng một Tiểu Đoàn BĐQ lừng danh.
Năm 1979, sau một lần chuyển trại tôi
bất ngờ gặp lại anh trong một trại tù tận vùng Hoàng Liên Sơn.
Hai anh em nằm gần nhau. Anh tự chế một cây đàn rất đẹp. Vẫn luôn
giữ phong cách của một cấp chỉ huy, tư cách, nhẫn nhục, ít nói.
Đêm đêm hai anh em uống trà tươi (giấu được khi hái trà cho trại,
tôi ngồi nghe anh đàn. Trong hoàn cảnh ấy và với không gian yên
ắng nặng nề, tiếng đàn Hạ Uy Cầm của anh càng thêm não nề réo
rắt, chiêu dụ cả đám bộ đội canh gác, kéo nhau đến bên ngoài mê
mẩn ngồi nghe. Nghe nói anh cũng đã sang Mỹ theo diện HO, nhưng
nỗi buồn gãy súng vẫn chưa vơi, sống rất âm thầm với vết thương
không lành được trong lòng.
Xin cám ơn Phú Yên, cám ơn Tuy Hòa, cám
ơn cả ngôi trường Nguyễn Huệ đã cho tôi những kỷ niệm vui buồn
của một thời làm lính, với những đồng đội, bạn bè cùng những
chuyện tình lãng mạn, dễ thương. Tất cả cứ như khói như sương
lãng đãng quanh tôi trong những phút giây hồi tưởng./.
Phạm Tín An Ninh
Bấm vào đây để in ra giấy(Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Đêm Thánh với muôn muôn vàn vì tinh tú... Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by TONY NGUYEN chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, December 19, 2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang