|
Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
Ký mùa NOEL 2022
Chủ đề:
Phục Sinh & Phục Hưng
Tác giả:
Nguyễn Khắp Nơi via BK Nguyễn Văn
Hinh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Năm
1978–1979, chiến tranh biên giới giữa Trung cộng và Việt cộng
bùng nổ, anh em Biệt kích còn bị nhốt ở trại Cổng Trời xôn xao
bàn tán: Từ Cổng Trời tới biên giới Trung cộng rất gần, chỉ leo
qua ngọn núi là tới. Hãy nhân dịp này mà vượt trại đi thôi. Ở đây
thì chỉ là kiếp tù đày cho đến chết. Đằng nào cũng chết, chết
trên đường tìm Tự do còn hơn sống nhục. Thế là một số anh em đã
cùng với những Biệt kích của Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới
Thạch) đã vượt trại đi qua Trung cộng. Số phận của họ ra sao,
không ai được biết.
(Ghi chú: Cũng trong dịp đi dự đại hội
Biệt Kích Nhảy Bắc vào năm 2007, tôi đã được biết tin: Số anh em
Biệt Kích Trung Hoa Dân Quốc, trong đó có anh Vòng A Cầu và Lê
Trung Chính, sau khi vượt trại Cổng Trời, đã qua được tới Trung
cộng. Bằng cách nào đó, họ đã liên lạc với Tòa Đại Sứ Mỹ và cũng
đã được bốc về Đài Loan và cuối cùng, họ đã chọn định cư ở Mỹ.)
Phần anh em chúng tôi (khoàng 18 người) ở Nông trường Hồng
Thắng, bị bọn Công an chuyển về Hà Nội, trực thuộc Cục Quản Lý
Trại Giam, để sửa chữa nhà cửa. Bọn chúng phát quần áo công nhân
mầu xanh biển cho chúng tôi mặc, mỗi sáng đưa chúng tôi lên xe
chở đi sửa chữa những trại giam bị hư hại. Sau một thời gian quen
thuộc, chúng không đưa xe đi nữa mà bắt chúng tôi tự di chuyển
bằng xe lửa. Mỗi buổi sáng, chúng tôi tới ga Hàng Cỏ đón xe lửa
tới những trại giam được chỉ định để làm việc, tối lại đón xe lửa
về Cục Quản Lý Trại Giam trình diện.
Một hôm, khi chúng
tôi vừa tới nhà ga thì thấy một số các bà các cô đang gồng gánh
và khiêng những kiện hàng nặng trĩu xuống xe lửa. Những người này
mặc dù mang vác đồ đạc nhưng họ có dáng điệu và cách ăn mặc khác
hẳn đám đàn bà buôn bán thường đi xe lửa tại đây. Chắc chắn họ là
thân nhân của các Sĩ Quan Miền Nam đang mang đồ đạc thực phẩm
tiếp tế cho chồng đang bị tù ở những trại tù ở miền Bắc. Tôi tới
gần họ nghe ngóng, một cô trẻ tuổi nói với mẹ:
“Má à, cái
đồ này nặng lắm, để cho con ‘gắn’ cho, má mang cái giỏ này đi.”
Trời ơi! Giọng nói của người Miền Nam!
Một giọng nói
mà tôi tưởng chừng như là không bao giờ con nghe lại được nữa!
Trong phút chốc, tôi quên mất tôi là người sinh đẻ ở miền
Bắc, để nhận tôi là người Nam, và cái giọng nói miền Nam đó là
giọng nói của Mẹ Việt Nam của tôi, của đất nuớc tôi.
Nước
mắt tôi trào ra. Tôi đứng im nhìn những người đàn bà mà tưởng
chừng như đã được về nhà, đang đứng trước cửa nhà của tôi, và
trong số những người đàn bà này có mẹ tôi, có cô dì có chị em của
tôi. Tôi mừng quá, chỉ muốn chạy ngay lại chỗ bọn họ để mà hỏi
thăm, để được nói những câu nói, được nghe những giọng nói mà tôi
đã không được nghe từ hơn mười lăm năm trời nay.
Nhưng tôi
kịp ngưng lại để nhớ thân phận mình đang là tù, đang ở Hà Nội.
Tôi đứng im để cố nhớ lại những từ ngữ miền Nam mà tôi đã học
được suốt muời năm sinh sống ở Miền Nam của tôi, khi nhớ lại rồi,
tôi chạy lại chỗ các bà các cô đang khiêng hàng, cười tươi tỉnh,
ráng lấy giọng miền Nam mà nói câu nói đầu tiên:
“Chào mấy
chị. Mấy chị mang đồ đi thăm nuôi chồng học cải tạo đó, phải
hông?
Tui cũng là người xứ Nam Kỳ như mấy chị đó, tui theo
ba tui ra tập kết ngoài đây. Để tui phụ mấy chị khiêng đồ xuống
nha.”
Những người đàn bà nghe tôi nói tiếng Nam pha giọng
Bắc, mặc dù họ không biết tôi là cái thứ gì, nhưng trong xứ Bắc
mà nghe được một giọng Nam thì cũng một phần nào có lòng tin, họ
nhờ tôi khiêng những đồ nặng xuống để chung một chỗ. Tôi hỏi họ
muốn đi thăm nuôi ở vùng nào? Trại nào? Rồi ra ngoài mặc cả xe
thồ, xe kéo đưa họ đi. Trong khi sắp xếp phuơng tiện, tôi từ từ
hỏi họ về tình hỉnh ở trong Nam ra sao? Nhất là vùng Thủ Đức, nơi
cha mẹ tôi ở.
Chiều về, tôi lại đứng chờ ở ga xe lửa để
đón những thân nhân đi thăm tù cải tạo. Tôi lại giúp họ mang vác
và mướn xe để dò hỏi thêm tin tức trong Nam. Họ cho tôi biết,
Việt cộng đã cho đổi tiền, đưa các sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa đi tù cải tạo, đánh “Tư Sản Mại Bản”. Tôi cũng cho họ biết
tôi theo cha đi tập kết, đã lâu không về miền Nam, nên muốn trở
về thăm nhà, nhưng không biết làm cách nào để về, vì không có
giấy tờ, cũng chẳng có tiền bạc gì cả. Họ khuyên tôi nếu muốn về
Nam, cứ đi về đi, Việt cộng chưa đến nỗi kiểm soát quá kỹ đâu,
nhưng nên đi theo các xe chở hàng đỡ bị kiểm soát hơn.
Tối
hôm đó, tôi nằm trong trại vắt tay lên trán suy nghĩ. Tương lai
của tôi hiện tại chỉ là chôn chặt cuộc đời ở miền Bắc rồi chết đi
như một người tù mà thôi. Đằng nào cũng chết, tôi phải bằng mọi
cách trốn về Nam. Nhưng nếu đi bằng xe lửa, tôi không có tiền mua
vé, dù có tiền mua vé, thì cũng sẽ bị bắt ở các trạm kiểm soát.
Do đó, tôi quyết định phải đi theo xe hàng như đã được thân nhân
tù cải tạo chỉ dẫn.
Sáng hôm sau, tôi đi dò la bến xe chở
hàng ở đâu? Đám xe thồ chỉ cho tôi lối đi tới bến xe Kim Liên.
Tôi tới bến xe, vừa lúc một đoàn xe chở hàng ở miền Nam vừa mới
tới. Những người tài xế đang túa ra quán ăn sáng, có một người
tài xế không đi, đang lui cui mắc võng nằm nghỉ. Tôi bước tới làm
quen.
Anh tài xế cho biết, anh chở hàng từ Sài Gòn thẳng
tới Hà Nội, nghỉ một đêm rồi lại quay về Nam. Tôi nhìn kỹ trên cổ
anh ta có đeo một giây chuyền có hình thánh giá. Mừng quá! Tôi đã
gặp... phe ta rồi! Tôi cố tình bẻ cổ áo để lộ rõ cái giây chuyền
có hình thánh giá đã lên nước bóng loáng của tôi, hỏi anh mới từ
trong Nam ra phải không? Đường sá có hư hại nhiều lắm không? Vợ
con ra sao? Cuối cùng, tôi hỏi anh trước đây anh có làm nghề lái
xe “Tải” hay không mà dám lái đường trường như vậy? Anh cho biết,
anh nguyên là Trung sĩ Quân vận của “Lính Ngụy”, nên lái xe đường
xa thường lắm. Tôi lấy bổn cũ ra soạn lại, cũng tâm sự là dân
miền Nam, tập kết ra Bắc, nhớ nhà quá, bây giờ muốn... quá giang
xe của anh về Nam thăm gia đình. Tôi nói rất ngậm ngùi là, ở
ngoài Bắc này, tôi chỉ được nuôi ăn thôi, chứ không có tiền lương
như ở miền Nam, nên sẽ không có tiền trả cho anh, chỉ xin tặng
anh cây Thánh Giá bằng gỗ Soan mà tôi đang đeo trên cổ.
Ngoài sự dự đoán của tôi, anh trung sĩ hỏi tôi một câu thật là...
cắc cớ:
“Chú có Đạo, sao lại đi... tập kết?”
Tôi bí
lối, rán bình tĩnh trả lời:
“Hồi đó, tôi còn nhỏ... biểu
đi thì đi, chứ đâu có biết là đi đâu!”
Rồi cũng ngoài sự
tưởng tượng của tôi, anh trung sĩ không hỏi gì thêm nữa, mà đồng
ý ngay:
“Muốn... dzìa nhà thì dzìa. Tụi tui rời bến sáng
sớm mai, muốn... guá giang thì bốn giờ sáng mai có mặt tại đây.”
Tôi mừng quá, bắt tay anh rối rít hẹn sáng mai đúng bốn giờ
sẽ có mặt.
Tối hôm đó, tôi dặn tên công an gác cổng là
ngày mai tôi phải đi làm sớm, sẽ rời trại lúc ba giờ sáng. Tên
này đồng ý.
Đúng bốn giờ sáng, tôi có mặt tại bến xe Kim
Liên gặp anh tài xế. Anh ta mời tôi một gói xôi rồi giới thiệu
tôi với anh phụ xe. Xe nổ máy, anh cho tôi ngồi giữa.
Xe
bắt đầu rời bến, tôi hồi hộp y như là lúc tôi ngồi trên trực
thăng sửa soạn nhảy xuống Nghệ An mười lăm năm trước đây.
Xe
chạy ngang Huế, tôi thấy một vài cửa hàng có treo đèn trung thu,
tôi mới biết là sắp tới rằm Tháng Chín.
Đoàn xe vào tới
miền Nam mà không phải dừng lại ở bất cứ trạm kiểm soát nào. Cuộc
đào thoát của tôi đã trót lọt một cách cực kỳ êm đẹp, không thể
nào ngờ được. Trên đường đi, tôi đã nghĩ ra hàng ngàn khó khắn sẽ
ập tới, và hàng ngàn câu trả lời mà tôi sẽ phải trả lời. Cuối
cùng là nếu bị bắt, tôi sẽ... tự xử bằng cách nào để xứng đáng
với một Biệt Kích Miền Nam và không làm liên lụy tới người tài xế
Quân Vận.
Vậy mà không một khó khăn nào đến với tôi hết!
Xe vào tới địa phận Thủ Đức, tôi xin anh tài xế cho xuống,
cám ơn anh, bắt tay anh thật nồng nhiệt.
Cám ơn Thượng Đế.
Cám ơn Đức Chúa Trời.
Con đã thoát khỏi ngục tù cộng sản rồi.
Cám ơn anh Trung sĩ Quân Vận của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Cầu xin Chúa phù hộ cho anh.
Lúc đó là bốn giờ sáng, trời
còn tối lắm, tôi đi bộ tới cái quán cà phê đầu đường. Cái quán
này có từ thời tôi nhập ngũ, nay vẫn còn đây. Tôi đứng lảng vảng
chờ cha mẹ tôi đi lễ buổi sáng. Theo thông lệ từ lâu đời, mỗi
sáng, cứ vào khoảng năm giờ sáng là cha mẹ tôi dắt tay nhau đi lễ
sớm. Khi chưa nhập ngũ, tôi cũng đã từng theo cha mẹ đi lễ sớm.
Đây rồi, mẹ tôi đang từ nhà buớc ra, tôi hồi hộp nhập theo
đoàn người thưa thớt bước theo. Tới gần mẹ, tim tôi đập mạnh hơn
bao giờ hết. Tôi muốn nói nhưng cổ tôi nghẹn lại. Tôi cố lên
tiếng:
“Mẹ!... Mẹ ơi...”
Đến lần thứ ba tôi mới nói
ra tiếng.
Nhưng tôi nói nhỏ quá, mẹ tôi không nghe rõ. Bà
thấy có người đi gần thì lảng ra xa. Tôi bước theo cố gắng nói
cho bà đủ nghe:
“Mẹ ơi... Con là Hinh đây... “
Mẹ
tôi quay lại nhìn tôi. Chắc bà nghe không rõ nên lại quay lại
tiếp tục bước đi.
Tôi tiếp tục đi theo bà, nói tiếp:
“Mẹ ơi... Con là Hinh con trai của mẹ đây.”
Lần này,
mẹ tôi đã nghe rõ, bà quay lại nhìn tôi, nhìn từ đầu đến chân:
“Thằng Hinh... đấy à.”
Rồi bà té xỉu xuống đất.
Tôi đã dự phòng trường hợp này rồi, nên tôi ôm chặt lấy mẹ,
dìu mẹ tiếp tục bước đi. Một lúc sau, mẹ tôi tỉnh lại, bà nắm
chặt lấy tôi như sợ tôi lại biến đi, bà vừa khóc vừa hỏi tôi:
“Con... ở đâu về vậy?”
Tôi cũng vừa khóc vừa trả lời
mẹ:
“Con nhảy dù ra Bắc lấy tin tức tình báo, bị bắt tù từ
ngày đó tới giờ. Con... trốn trại về đây.”
Mẹ nghe tôi nói
thì vội vàng đổi hướng quay trở lại:
“Về nhà! Về nhà ngay
đi con.”
Hai mẹ con vội vã quay trở về nhà. Mẹ chờ tôi vào
nhà, đóng cửa cài then chặt chẽ rồi mới hỏi tôi ngọn ngành.
Mẹ cho tôi biết, ba tôi đã mất cách đây ba năm. Anh em tôi
một người đi Không Quân, lái trực thăng, đã chết trận, người kia
là Đại úy Biệt Động Quân, đóng ở Long Bình, sau 30 tháng Tư 1975
không thấy về nhà.
Tôi ở trong nhà suốt mấy ngày trời, hai
mẹ con cố gắng tìm cách nào để hợp thức hóa sự có mặt của tôi.
Cuối cùng, mẹ tôi đã nghĩ ra cách giải quyết: Nhà tôi còn
thân nhân ở lại ngoài Bắc. Tôi sẽ đóng vai chồng của đứa em họ ở
Hà Nội vào Nam thăm gia đình. Mặc dù từ thuở nhỏ tôi chưa hề đóng
kịch, nhưng đóng vai người ở ngoài Bắc vào Nam thì tôi rành đủ
sáu câu.
Sau hơn mười lăm năm xa nhà, lại có thân hình gầy
gò ốm yếu và cách phát âm đúng điệu Việt cộng, thêm bộ quần áo
xanh công nhân mà ở trong Nam không thể có, nên ngay cả những
người hàng xóm cũng không nhận ra tôi là ai?
Mọi chuyện
được dàn xếp đâu vào đấy. Công an tổ dân phố cũng đã đến kiểm
soát. Cái giọng Bắc chính cống Việt cộng, thêm bộ quần áo công
nhân làm cho đám công an nể tôi lắm, không hỏi thêm bất cứ câu
hỏi nào cả, cũng không thắc mắc tôi sẽ ở trong Nam bao lâu?
Nhưng không lẽ ông cháu rể cứ sống bám mãi ở trong Nam, không
về Bắc? Tôi không thể nào đóng mãi vai này được, phải tìm cách
khác giải quyết.
Sau nhiều lần bàn cãi, mẹ tôi quyết định
tìm đường cho tôi... Vượt Biên Tìm Tự Do.
Tháng 11 năm
1979, người quen với mẹ tôi giới thiệu một mối ở Long Xuyên. Tôi
xuống dưới đó, lên thuyền. Ghe chở đầy... muối, đi Rạch Giá.
Buổi tối, ghe chuyển hướng nhắm cửa biển xả máy chạy thẳng.
Đi bốn ngày đêm, tầu của chúng tôi được một tầu buôn vớt, kéo
tới Singapore.
Vài tuần lễ sau, phái đoàn Mỹ tới phỏng vấn
tôi:
– Anh là Biệt Kích được thả ra Bắc?
– Đúng.
Anh có muốn định cư ở Mỹ hay không?
– “KHÔNG!”
– Tại sao anh là Biệt kích mà lại không muốn đi Mỹ?
– Tại
vì chính quyền Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, nên chúng tôi mới
bị thua trận.
– Trong thời gian ở tù ở miền Bắc, anh có
thấy bất cứ tù nhân Mỹ nào hay không?
– Có.
– Tôi
đại diện cho chính phủ Mỹ, xin mời anh tới định cư ở Mỹ. Anh có
thể cung cấp cho chúng tôi tin tức về những người tù binh Mỹ mà
anh đã gặp, chúng tôi phải cứu dân của chúng tôi.
– Cám ơn
ông đã mời, nhưng tôi không xin đi Mỹ đâu. Còn về tù binh Mỹ, ông
cứ việc hỏi, tôi sẽ trả lời.
– Rất tiếc, tôi không phải là
người làm nhiệm vụ thâu thập tin tức tình báo. Tôi sẽ báo cáo
trường hợp của anh cho cấp trên dể họ cử người xuống gặp anh.
– Vậy khi nào những người thâu thập tin tức đó tới, tôi sẽ
nói cho họ hay.
Tôi được chính phủ Hòa Lan chấp thuận cho
định cư ở nước họ. Đúng bốn tháng trời ở trại tỵ nạn, tôi lên máy
bay tới Hòa Lan.
Bốn chục tuổi đời, tôi vẫn còn... Độc
Thân Vui Tính.
Hai tháng sau khi tới Hòa Lan, tôi nhận
được thơ của Tòa Đại Sứ Mỹ... mời qua Mỹ gặp Đại tướng Smith của
Biệt Kích Mỹ. Vì tôi là người Biệt Kích Nhảy Bắc đầu tiên vượt
thoát được lao tù Việt cộng, nên họ muốn nhờ tôi cung cấp những
chi tiết cần thiết cho họ, mọi chi phí di chuyển, ăn ở... trong
thời gian 6 tuần lễ tại Mỹ đều do toán này lo liệu.
Tất cả
những câu trả lời về các trại giam Biệt kích, tôi đều trả lời đầy
đủ.
Toán đặc nhiệm về tù binh Mỹ hỏi tôi có gặp bất cứ tù
nhân Mỹ nào bị giam ở Bắc Việt hay không?
Tôi cho biết,
khi sửa chữa những nhà tù ở Hà Nội, tôi có thoáng thấy những tù
binh Mỹ bị giam ở đó.
Có bao nhiêu tù binh Mỹ?
Tôi
không biết, chỉ thoáng thấy mà thôi, không được đứng lâu ở đó.
Tên họ những người tù binh Mỹ?
Cái đó tôi lại càng
không thể biết được. Tôi đâu phải là công an Việt cộng đâu mà
biết tên họ của những tù binh này.
Cuối cùng, tôi đoán ra
mục đích của chuyến đi của tôi: Mỹ chỉ muốn biết về số phận của
những tù binh Mỹ bị giam ở Bắc Việt mà thôi. Rất tiếc, tù Biệt
kích không có giam chung với tù binh Mỹ, tôi chỉ xác nhận là có
thấy những tù binh này mà thôi, ngoài ra, tôi không giúp gì thêm
cho họ được cả.
Tôi trở về Hòa Lan, lập gia đình và tiếp
tục cuộc sống tỵ nạn.
Đến năm 1984, Việt cộng bắt đầu trả
tự do cho những Biệt Kích Miền Nam, tôi có gởi thơ về nhờ gia
đình tìm gặp một số bạn bè trong toán của tôi. Anh em Biệt kích
vẫn liên lạc mật thiết với nhau, nên tôi tìm họ không khó. Tấm
hình đầu tiên trong đời mà anh em Biệt kích chụp chung với nhau
là tấm hình do Ninh “Côi” gởi cho tôi (Ninh mồ côi cha mẹ, lại
chưa có bồ, nên chúng tôi đặt cho anh biệt hiệu “Mồ côi”). Ninh
lấy vợ, đám cưới có đầy đủ những Biệt kích tới tham dự, họ chụp
chung một tấm hình gởi cho tôi. Tấm hình này là gia sản độc nhất
của cuộc đời Biệt kích của tôi. Tôi sẽ giữ nó mãi mãi...
Từ năm 1987, 1991... 1992... 1994, bắt đầu chương trình HO, tất
cả các Biệt kích đều được đưa qua định cư tại Mỹ. Chúng tôi vẫn
tiếp tục liên lạc với nhau để giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi của
nhau.
Sau hơn mười năm ở Hòa Lan, với lý do đoàn tụ gia
đình, gia đình nhỏ của tôi đã được bên vợ bảo lãnh qua Úc sinh
sông từ năm 1998.
Năm 2007, lần đầu tiên anh em Biệt Kích
Nhảy Bắc đã tổ chức cuộc hội ngộ tại Hoa kỳ. Tôi đã gặp lại những
anh em cùng toán nhảy Bắc với tôi. Sau những hàn huyên tâm sự,
chúng tôi dở sổ đời ra cùng ngồi lại tính toán với nhau.
Trong lần nhảy cuối cùng ra Bắc, toán của tôi có sáu nguời, chỉ
một mình tôi bị bắt mà thôi. Năm anh em còn lại đã nhập vào những
toán khác tiếp tục nhảy ra Bắc, một người tử trận trong khi giao
tranh, hai người khác chết vì đói và lạnh ở trại tù Cổng Trời,
còn ba người chúng tôi sống sót, đã gặp nhau và đang bàn tán với
nhau đây.
Có một số người cho rằng, trước khi nhảy ra Bắc,
anh em chúng tôi đều được lãnh trước... 12 tháng tiền tử!
Không. Không một ai trong đám Biệt Kích Nhảy Bắc của chúng tôi
được nghe nói tới hoặc lãnh số tiền này cả.
Tính kỹ ra,
mỗi kỳ nhảy toán, xác xuất đều là... Năm Ăn Năm Thua. Vì tin vào
xác xuất này, chúng tôi mới dám ra đi, chứ nếu biết... Đi là
Chết, chắc chắn là anh em chúng tôi sẽ không bao giờ đi, mặc dù
can đảm chúng tôi có thừa. Cấp trên của chúng tôi đều cũng là
Lính, đều cũng là người, không lẽ họ đẩy chúng tôi vào chỗ chết
một cách bình thản như vậy sao? Chắc chắn trên thế giới, chưa có
toán biệt kích nào ra đi để chắc chắn nhận lấy cái chết. Như tôi
đã nói ở trên, nhảy toán ra Bắc cũng chỉ là một cuộc hành quân,
giống như những cuộc hành quân của những binh chủng khác trong
quân đội mà thôi. Trước khi ra trận, ai cũng hy vọng trở về an
toàn, Biệt kích nhảy Bắc cũng vậy, chúng tôi cũng hy vọng trở về
an toàn. Sống chết là do số mạng, do sự rủi ro, sự nguy hiểm của
chiến tranh mà thôi.
Chỉ từ năm 1966 trở đi, không hiểu vì
lý do nào mà đa số anh em nhảy toán đều bị lộ, một số bị chết
trong khi giao tranh, số còn lại đều bị bắt. Có thể là Sở Bắc đã
bị bọn Việt cộng gài người vào, nên những toán sau đó mới bị lộ
hình tich như vậy. Thật là đáng tiếc. Tuy nhiên, chiến tranh là
như vậy, chẳng có một quy luật nào cả.
Thắng một trận,
chưa phải là hoàn toàn thắng.
Thua một trận, cũng không phải
là hoàn toàn thua.
BIỆT KÍCH LUÔN LUÔN HY VỌNG VÀO NGÀY MAI
GHI CHÚ:
Vào năm 1996, anh em Biệt kích đã làm đơn
khiếu nại lên Quốc Hội Mỹ xin bồi thường và lãnh tiền lương cho
những tháng năm bị bắt giam tại Bắc Việt. Vì ngoài nhiệm vụ là
người Lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, anh em còn ký hợp đồng
cung cấp tin tức cho CIA nữa. Quý ông Sedgwick Tourison, Luật sư
John Mattes, Thượng Nghị sĩ John McCain... là những người đã tích
cực hỗ trợ và vận động cho anh em. Cuối cùng, vào năm 1999, Quốc
Hội Hoa Kỳ đã chấp nhận bồi thường và cấp huy chương Phục Vụ cho
tất cả các Biệt Kích Nhảy Bắc.
MỘT NGÀY LÀ BIỆT KÍCH, CẢ
ĐỜI LÀ BIỆT KÍCH.
NGƯỜI LÍNH BIỆT KÍCH CỦA QUÂN LỰC VIỆT NAM
CỘNG HOÀ CHÚNG TÔI,
LÀ THẾ ĐẤY!
NGUYỄN KHẮP NƠI
(Viết
theo lời kể của BK Nguyễn Văn Hinh)
Nguồn:
https://www.tinvasong.com/2019/09/hoi-ky-biet-kich-nhay-bac.html
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
|
Hình nền: Đêm Thánh với muôn muôn vàn vì tinh tú... Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by bkt sưu tầm & trình bày
Đăng ngày Chúa Nhật, November 27, 2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang