Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
ký
Chủ đề:
Tết xưa Miền Nam
Tác giả:
Anh Phương Trần Văn Ngà
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
LTS: TCDV giới thiệu một bài
viết của Huynh Trưởng TRẦN VĂN NGÀ, nguyên Thiếu tá CTCT/QLVNCH về
việc ăn Tết ở nhà quê, thời miền Nam chưa bị bọn cộng sản miền Bắc
đô hộ, phong tục tập quán của ngày Tết Nguyên Đán này cần duy trì
cho các thế hệ sau tại hải ngoại.
Germany, 10/1/2022 (Sinh Nhật 87 tuổi của
TT Trần Văn Ngà).
Chủ Nhiệm TCDV.
LÝ TRUNG TÍN
Từ năm tôi lên
sáu cho tới mười tuổi (1941–1945), những cái Tết truyền thống
dân
tộc ở nhà quê (ấp Bà Bài, làng Vĩnh Nguơn–Châu Đốc) tôi nhớ rõ mồn
một như mới xảy ra trên đất nước Hoa Kỳ này mà tôi đang sống.
Tôi nhớ và viết lại những cái Tết truyền
thống dân tộc năm xưa đó, các con cháu tôi thuộc thế hệ thứ hai, thứ
ba, thứ tư và các cháu gốc Việt sanh trưởng tại Hoa Kỳ có dịp nghe,
biết và hiểu như là chuyện cổ tích ở nhà quê miền Nam nói chung, năm
xửa năm xưa mà các cháu chưa sanh ra đời.
Xuân Nhâm Dần còn gọi là Tết năm Cọp, năm
mang danh hiệu con thú hung hăng dữ nhứt trong 12 con giáp – Thập
nhị chi (Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất,
Hợi).
Để cho giới
trẻ tìm hiểu, theo phương Đông, chúng ta được sanh ra đời, mỗi người
sanh năm nào đều mang tên một con vật, như năm nay Nhâm Dần, nam nữ
đều “cầm tinh con cọp”. Ông bà mình căn cứ vào năm có tên con thú
đó, tìm vợ tìm chồng cho con cháu phải hợp (hạp) tuổi, tránh các
tuổi khắc kỵ mà trong sách bói toán, tử vi đẩu số đều có đề cập,
không tốt cho cuộc sống chồng vợ. (Năm xưa, trước 1975, ở Việt Nam,
chuyện vợ chồng ly dị ít xảy ra hơn sau này). Ở nhà quê, cha mẹ
thường “đặt con đâu ngồi đó”, nghĩa là trai gái không yêu nhau
trước, tìm hiểu trước mà cha mẹ đôi bên đồng ý là tổ chức lễ cưới
cho hai con. Bên nhà trai nhờ thầy tử vi, bói toán hay giở sách ra
tra cứu chọn ngày, giờ nào tốt hai bên “suôi gia nhất trí”, tiến
hành lễ cưới ngay. Ngộ một cái, những đám cưới đó lại ít đổ vỡ ly
dị. Ngày nay thì khác hoàn toàn “con cái đặt cha mẹ đâu thì cha mẹ
phải nghe theo vì chống đối con bỏ nhà đi với người yêu”. Với các cô
câu tân thời, hiện đại (hại điện) ngày nay, vợ chồng là phải hiểu
nhau, yêu nhau trước, nhiều khi chung sống “thử” vài năm hay đã có
con một vài đứa, mới chịu làm lễ cưới. Như thế, tưởng đâu sẽ bền
chặt, trăm năm hạnh phúc, nhưng ly dị, gẫy gánh nửa đường nhiều hơn
xưa.
Tôi thuộc thầy
bói sáng mắt, không dám khẳng định kiểu cách cưới hỏi năm xưa và
hiện tại, đám cưới kiểu nào sẽ tốt hơn. Theo ý nghĩ của một số người
thủ cựu, cưới gả, lấy nhau dễ dàng thì chuyện ly dị, “đường anh anh
đi, đường em em đi” cũng dễ dàng như vậy. Hồi xưa, cưới vợ, gả chồng
là cả một vấn đề to lớn đại sự, nhiều khi phải làm rể mấy năm mới
cưới được vợ. Cưới vợ quá khó, có nhiều thủ tục rườm rà, liên đới
trách nhiệm đến người lớn cha mẹ cả hai bên và liên đới đến danh dự
cả dòng tộc nữa. Cô cậu không vừa lòng nhau, cự cãi lung tung chỉ âm
thầm lén lút vì ở cùng nhà với cha mẹ, đôi khi cả đại gia đình nữa
nên cố gắng chịu đựng, rồi sẽ quen dần. Thuở ban đầu mới cưới gả
chưa hiểu nhau, chưa thông cảm, cái kiểu mưa lâu thấm đất của người
xưa rất tuyệt vời. Chưa yêu nhau rồi sẽ yêu nhau vì chung sống gắn
bó sanh con đẻ cái, nối dòng dõi tông đường. Cho nên có luật hay lệ,
vợ chồng chung sống ba năm không sanh con, người chồng có quyền đưa
trả vợ cho cha mẹ vợ (tạm gọi cô gái còn gin vì chưa có con, dễ dàng
có chồng khác... rất tội cho phụ nữ có đến “12 bến nước” không biết
bến nước nào trong, bến nào đục, nhiều khi lỗi tại chồng không thể
sanh con mà người vợ chuốc lấy đau khổ).
Trở lại nói về tuổi, (can – chỉ có thập
can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Thí dụ,
Tết Nguyên Đán năm nay là năm Dần mà có “can” Nhâm, Nhâm Dần. Mãi
đến 60 năm sau mới trở lại Nhâm Dần, cứ 60 năm, một chu kỳ – còn gọi
là một giáp – một đời người (Hồi xưa đời người sống thọ chỉ tính có
60 năm, không phải như thế giới ngày nay, tuổi trung bình của con
người gọi là tuổi thọ phải trên dưới 80 – cách biệt 20 tuổi. Thời
xưa, nếu ai sống thọ 70 tuổi gọi là thất thập cổ lai hy, nghĩa là
xưa nay hiếm có). Còn năm Dần cứ 12 năm sau trở lại mà can thì đã
thay đổi, như Bính Dần, Mậu Dần, Canh Dần... mà không có Nhâm Dần
(đúng 60 năm sau – 120 năm – 180 năm... mới có Nhâm Dần).
Về sự “cao số” của tuổi Dần, nhứt là phụ
nữ mang tuổi cọp được người xưa, lại thủ cựu, liệt vào tuổi khó lấy
chồng (khó có một vợ một chồng, có thể không đúng), còn phân biệt
tuổi hạp và tuổi kỵ. Thí dụ: Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung – tuổi
kỵ không nên lấy nhau hay tuổi hạp: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi... lấy nhau
rất tốt (chưa chắc, cũng có gẫy đổ). Tôi có học qua loa với một ông
thầy bói toán và bắt mạch hốt thuốc bắc, lúc tôi 13 tuổi, tôi có
biết tử vi, bói toán chút chút. Hơn 70 năm, tôi có thể nhớ sai.
NHỮNG NGƯỜI SANH NĂM DẦN – MẠNG SỐ CAO
Với sự hiểu biết hạn hẹp của tôi qua kinh
nghiệm sống, tôi xin lỗi trước, vì chủ quan của cá nhân, tôi có thể
hiểu và viết không được đúng hoàn toàn, những ai sanh năm Dần qua
mệnh số... Đối với nam giới, thường có tánh cương quyết, độc đoán,
nóng tính, bộc trực... Đối với nữ giới, người bình dân ở nhà quê
thường nói, người phụ nữ sanh năm Cọp là “xấu háy” (tôi không hiểu
rõ xấu háy nghĩa gì mà chỉ biết có chữ xấu, phản nghĩa với tốt), có
nghĩa là “số cao” nên đường tình duyên thường nổi sóng gió, trắc trở
vì mệnh số trớ trêu của con tạo an bày. Cao số quá cũng khó có chồng
hay có chồng cũng không đi đến đâu, gẫy đổ. Nhứt là gặp giới “liền
ông” quá thủ cựu (bảo thủ) tin vào mạng số, bói toán, gặp người nữ
tuổi Dần thì “dội” ngay, chạy té re. Ngoại trừ hai người nam nữ cùng
tuổi Dần, cao số như nhau, theo bói toán thì “hạp” không bị khắc
kỵ... Cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ, vợ tuổi Dần mà chồng tuổi
Hợi (đại khắc kỵ) mà hai người đã yêu nhau trước từ nhỏ, cưới đại,
không kiêng cữ gì hết, sống chung lại không gẫy gánh giữa đường...
NHỮNG CÁI TẾT Ở NHÀ QUÊ VỚI NHIỀU TẬP TỤC
Thế hệ càng xưa càng tổ chức Ăn Tết trân
trọng thiêng liêng đầy đủ tập tục truyền thống hơn các thế hệ sau
này. Gần 80 năm trước, tôi còn nhớ rõ những cái Tết Ta – Tết Nguyên
Đán của người dân quê sao mà quá trịnh trọng, quá lo lắng đủ mọi
thứ, gia đình giầu nghèo đều có chuẩn bị trước, ít nhứt 3 tháng.
Đêm Giao Thừa (Mỹ gọi là countdown năm
mới), hầu hết ai cũng phải thức cho đến giờ Tý (canh ba – 12 giờ
khuya) trân trọng đón chào mừng Năm Mới và coi con gì ra đời, như
tiếng chó sủa, mèo kêu, tiếng chim ríu rít, tiếng chuột chạy... nhất
nhất được các cụ bàn tán sáng hôm sau, tiên đoán (mò – mù) năm nay
sẽ mưa thuận gió hoà hay có thiên tai ngập lụt, hạn hán, được mùa
hay mất mùa... Các Cụ tha hồ mà bàn ngang tán dọc, trúng trật “không
chết thằng Tây” nào hết. Các Cụ lớn tuổi, cỡ tuổi Cụ Ngà (cười – he
he!) phải ăn diện chỉnh tề, đóng bộ áo dài khăn đống đỏ hay xanh hay
áo the (loại áo dài của quý cụ mỏng tanh và mặc quần trắng), để còn
cúng lạy với đủ nhang đèn, bông hoa, cầu nguỵện Trời Phật ở ngoài
trời tại trước bàn Ông Thiên hay Vọng Thiên. Vào nhà phải đảnh lễ,
đứng lên quỳ xuống lạy đủ lễ nghi, ngồi nghỉ có con cháu bưng bánh
mứt, nước trà quạo đến “giải lao”. Có gia đình đông đủ con cháu Đêm
Giao Thừa, làm lễ chúc thọ ông bà cha mẹ luôn, sau đón rước Giao
Thừa. Các lễ tục xong xuôi mọi người mới đi ngủ và sáng Mồng Một Tết
phải thức sớm có đủ thì giờ chuẩn bị cúng kiến ông bà với nước trà
nóng, bánh mứt trái cây... Có gia đình còn có thức ăn hâm nóng cúng
với cơm...
Tất cả
mọi thứ trong nhà đều được tân trang, sạch bóng, cái gì cũng mới
hết, mới sang. Chuẩn bị ngày Tết phải lo trồng trọt, rau, củ, quả,
chăm sóc bông hoa cây trái trước nhiều tháng mới mong ra bông hoa củ
quả nhiều, đúng lúc, ngày Tết. Các Cụ còn chọn cây tre nào để làm
cây nêu, dựng nêu ăn Tết, may quần áo mới cho con cháu, cũng như
chọn đặt với thầy đồ câu đối mới hay một cặp liễn mới treo trên hai
cột chính giữa nhà.
Đặc biệt Ngày Tết có “vạn” thứ kiêng cữ,
ông bà cha mẹ nhắc nhở con cháu, như: ba ngày Tết không được quét
nhà và đặc biệt cấm kỵ quyét rác từ trong ra ngoài, nếu có kẹt, sân
nhà dơ lắm, thì quyét chút chút từ ngoài vào trong để thành đống,
không xúc đổ rác bỏ đi mà phải đợi đến ngày mùng Bốn. Người xưa tin
dị đoan, quyét rác từ trong ra ngoài, tiền của và cái may, hên đầu
năm cũng theo rác mà đi mất tiêu.
Nước phải gánh trước đầy lu, đầy khạp,
gạo, thức ăn, mắm muối, các cái phải đầy lu, đầy hũ hay chai lọ...
Thức ăn phải ngon phải nhiều, ăn mặc phải đẹp... như vậy sẽ ăn nên
làm ra, tài lộc tha hồ mà đến... cái gì cũng đầy đủ hết.
NHÀ CỬA, BÀN GHẾ, TỦ THỜ, LƯ ĐỒNG KHANG
TRANG SẠCH BÓNG
Thức ăn, cỗ bàn, giới phụ nữ lo, còn trưng bày bông hoa lá cành, sửa
sang lại nhà cửa, lau chùi bàn ghế, tủ giường cẩn thận, đàn ông lo.
Bộ ván gõ hay lư đồng, tủ thờ cẩn ốc xa cừ phải đánh thật bóng. Giới
đàn ông cực nhứt là đánh ba bộ lư đồng, một bộ to nhứt trên bàn thờ
chính giữa nhà và hai bộ lư đồng nhỏ hơn ở hai tủ thờ hai bên. Nếu
cả ba bộ lư này làm kiểu rễ tre, mỗi người phải đánh bóng một bộ, từ
sáng tới chiều mới hy vọng bóng lộn bắt mắt làm cho ông chủ nhà hài
lòng. Nhà tôi chỉ có hai bộ lư đồng kiểu rễ tre ở hai tủ thờ hai
bên. Còn bộ lư to tổ chảng ở tủ thờ chính, kiểu đơn giản, con lân ở
trên cũng có hoa văn chút chút, nhưng rất dễ đánh bóng, không bị
xước tay. Còn hai bộ lư rễ tre, lá cành tre cầu kỳ rườm rà, phải xé
giẻ nhỏ từng mảng nhỏ xỏ qua các mắt tre, lá tre mà kéo qua lại rất
cực. Gọi là bộ lư đồng, ngoài lư chính để giữa, hai bên có chân đèn
đủ bộ, còn có bình cắm nhang và bình rượu cùng ba ly dùng chăm rượu
cúng, thường đồng bộ với lư, chân đèn, nghĩa là cũng đồng thau cùng
loại. Không phải như ngày nay, có chất hoá học trong lọ có bán sẵn,
mua về nhúng vải, chùi lau được liền, rất nhanh. Hồi xưa, người dân
quê phải hái lá me chua non, giã nát cho vào cái lu lớn hay cái khạp
nhỏ hơn, nước sôi đổ vào cho ra chất chua, cho các bộ lư vào ngâm
cho ngập nước cả đêm để sáng hôm sau mang lư ra chùi với tro bếp
sàng lọc cho nhuyễn, sợ mặt đồng thau bị trầy xước...
Chuẩn bị trước, nhà cửa, bàn ghế, lư đồng
đã sạch bóng lộn, lại phải có gạo ngon, nếp ngon để gói bánh tét
(bánh Tết), bánh ích... Người khá giả, còn vỗ béo bò, heo, gà (+ gà
thiến to con, thịt nhiều và ăn ngon nữa), vịt (thường ăn sau 3 ngày
xuân, mồng bốn Tết trở đi, sợ ăn thịt vịt đầu năm xui xẻo nên người
nhà quê kiêng cữ thịt vịt 3 ngày Tết chính đầu năm mới (người miền
Nam đọc, nói vịt và dịch giống nhau – đồ mắc dịch – dịch vật... như
thằng phải gió (mắc dịch) nó đè thân tôi, ối giời ơi!). Ngày Tết “cỗ
bàn”, thức ăn với những món ngon mà ngày thường thiếu vắng. Mâm cơm
cúng kiếng từ lễ rước Ông Bà, gia tiên và ba “ngày xuân” phải tươm
tất.
Các món ăn
thịt không thôi chưa đủ, muốn có thức ăn phong phú trọn vẹn phải
chuẩn bị trước, tát đìa trong đồng, giở chà ở ven sông, sát bờ rạch,
bắt cá “rộng” để dành ăn Tết, hay mua cá, lươn cũng rộng để dành cho
ngày Tết, cá to (“biết nói hay có râu” càng tốt), lươn vàng to mới
ngon. Cũng chưa hết cho tổ chức Ngày Tết thịnh soạn của những gia
đình khá giả (thường ăn Tết lớn đến ngày “hạ nêu” – mồng bảy Tết).
Và có gia đình Ăn Tết luôn cả tháng Giêng: “Tháng Giêng là tháng ăn
chơi”. Trước Tết gần cả tháng, người ta chọn nếp than hay nếp tẻ
hoặc gạo ngon, chọn men để cất rượu, dành riêng cho ba ngày xuân
phải là thứ rượu ngon nhứt số 1, không mua rượu của các công ty sản
xuất đại trà bán trên thị trường.
CHUẨN BỊ TRƯỚC NẾP, GẠO NGON
Hồi xưa, gia đình tôi ở Bà Bài khi nào xay
lúa một hay hai trăm giạ là để dành cho nhân công mấy chục người ở
trại ruộng có đủ gạo ăn nhiều tháng, phải chở lúa ra nhà máy xay,
bên xã Đa Phước, đối diện chênh chếch với bến chợ Châu Đốc. Còn gạo
ăn trong gia đình ở Bà Bài, Ba tôi chọn lựa lúa xay ra có gạo thơm
ngon, thường phải mua lúa sóc của người Miên, không phải ăn gạo lúa
sạ.
Ở nhà quê thời
bấy giờ nhà nào đông người đều có cối xay lúa và cối giã gạo. Gia
đình tự lo xay lúa xong, phải rê cho ra hết trấu lẫn trong gạo, đó
cũng mới chỉ là gạo lứt. Nghĩa là vỏ cám của gạo chưa bị loại ra,
phải trải qua khâu giã gạo bằng cối giã gạo, nếu cối to, thường giã
gạo bốn người đứng bốn hướng cối, với chày giã gạo cũng khá to hơn
những cối giã gạo nhỏ, chày giã gạo cũng nhỏ, hai người đứng đối
diện cũng đủ... Cái hay của các cô cậu giã gạo, cái chày nhịp, gõ
vào cối có âm thanh nhịp nhàng êm ả vang vọng xa, nghe cũng hay hay
đâm ghiền. Cái nhịp chày đó nhằm cho gạo không bị văng ra khỏi cối,
và đó cũng là ám hiệu, chày nào xuống trước xuống sau phải đúng
nhịp, đúng lúc, sớm hay trễ, chày này có thể chạm vào chày kia dễ
gây tai nạn nguy hiểm vì ai cũng giã mạnh cho gạo (hoặc nếp) mau
trắng.
Thời giờ
thích hợp cho công việc giã gạo là ban đêm, thường ở ngoài trời,
dưới ánh sáng trăng vằng vặc vừa mát vừa nên thơ, nên các cô cậu
cùng giã gạo, có khi có đến ba bốn, năm cối giã của người hàng xóm
cũng mang về cùng một chỗ, giã gạo đông vui. Lại có văn nghệ văn
gừng bỏ túi nữa qua hò vè, đối đáp, nói thơ cũng là một hình thức
giải trí rất vui của người dân quê chân chất, tay lấm chân bùn. Họ
giã cho đến hết gạo lứt, rồi sàng sẩy cho hết cám, tấm ra riêng. Còn
xay lúa thường xay ban ngày, tối có gạo để giã vì giã gạo đông
người, mệt nhọc hơn xay lúa chỉ cần hai người cũng đủ. Giã gạo
thường đổ mồ hôi và nhờ có trăng sáng họ xuống cầu tắm thoải mái hơn
ban ngày (cánh con gái tắm riêng, con trai tắm riêng, phải sang cầu
khác cũng khá xa, không “nhòm” lén được). Nếp ngon để dành gói bánh
tét hay xay thành bột dùng gói bánh ích (bánh ếch – giống như con
ếch) cho những ngày xuân cũng như các lễ lộc khác, giỗ chạp... nếp
cũng phải xay, giã như gạo vậy. Dân quê thường “tự biên tự diễn” tự
lực cánh sinh, không phải đi chợ mua như ngày nay vì chợ búa quá xa
và đắt đỏ hơn tự thực hiện.
VỖ BÉO HEO GÀ VỊT KỂ CẢ BÒ VÀ RAU QUẢ,
BÔNG HOA CHUẨN BỊ CHU ĐÁO
Còn nhà giầu, điền chủ hay đại điền chủ,
thật lắm chuyện, họ chuẩn bị, như: cất rượu trước cả tháng, heo, gà
vịt vỗ béo mất vài tháng kể cả bò nữa. Chọn vài con gà trống phải
thiến, thịt mới ngon. Giới đại gia còn lo xa, họ mần thịt (giết) heo
nào có nhiều mỡ mà họ có sẵn nhằm thắng lấy mỡ và tóp mỡ để sử dụng
trong dịp Tết. Cũng như họ lo làm một số lạp xưởng, thịt muối phơi
khô ráo sử dụng cho ngày Tết và có thể dùng lâu dài làm bổi (mồi)
nhậu cho các phu quân, các liền ông thích chén thù chén tạc vui vẻ
với nhau. Cũng nằm trong mục phải lo trước vài tháng, như chăm sóc
bông hoa cây kiểng, rau xanh... phải gieo hạt bông vạn thọ và lặt lá
cây mai lúc nào, hoa nở rộ cho đúng ngày Tết mới “hên” trọn năm...
Kể cả dưa hấu cũng được chuẩn bị trồng trước, có trái đúng ngày Xuân
mới, ruột dưa đỏ au mới được đại hỉ, vui vẻ trọn vẹn.
Như gia đình tôi thường không có thứ gì
dùng các ngày Xuân phải đi chợ xa mua vì chèo xuồng trên 10 cây số
mới tới chợ tỉnh Châu Đốc. Mứt bí đao, mứt dừa hay “thèo lèo cứt
chuột” cũng tự biên tự diễn, đường thốt nốt chảy dự trữ cả mấy khạp,
lu chuẩn bị công việc làm mắm ở trại ruộng và các nguyên vật liệu
khác như mè, đậu phộng, đậu xanh đều có sẵn trong nhà... Ngoài dưa
hấu, dưa leo, bầu, mướp... rau xanh đều trồng trước Tết mấy tháng
khi nước đã giựt xuống, đất khô và màu mỡ, trồng hoa màu rất tốt.
Các loại trái cây khác, vùng ngập nước sâu, không thể trồng được,
cận Tết, nhiều loại trái cây xoài, cam, quít, bưởi, dừa, khóm,
chuối... từ Nhà Bàn, Cây Mít ghe xuồng dập dìu rao bán tại ấp Bà Bài
và xa hơn về hướng Châu Đốc, thêm năm ba cây số nữa. Họ bán hết trái
cây, đợi nước xuôi thả ghe xuồng trôi theo dòng nước trên Kinh Vĩnh
Tế về cho đến tận bến nhà.
TÁT ĐÌA, GIỞ CHÀ LỰA CÁ LỚN VÀ NGON DÀNH
CHO BA NGÀY TẾT
Các món ăn thịt không thôi chưa đủ, muốn có thức ăn phong phú trọn
vẹn phải chuẩn bị trước, tát đìa trong đồng, giở chà dưới sông,
rạch, bắt cá “rộng” để dành ăn Tết, hay mua cá, lươn cũng rộng để
dành cho ngày Tết, cá to (“biết nói hay có râu” càng tốt), lươn vàng
to mới ngon. Cũng chưa hết cho tổ chức Ngày Tết thịnh soạn của những
gia đình khá giả (thường ăn Tết lớn đến ngày “hạ nêu” – mồng bảy
Tết). Và có gia đình Ăn Tết luôn cả tháng Giêng.
Khi tôi còn bé, tôi thích nhứt trong khâu,
giở chà, tát đìa lựa cá to ngon rộng để dành ăn Tết, không phải ăn
cá chỉ có trong ba ngày đầu năm mà có thể ăn cá trong nhiều ngày
nữa. Đám trẻ nhỏ đi phía sau, người lớn bắt cá lớn tát đìa, phía
trước, còn lại cá con hay bắt cá lớn còn sót, chúng tôi bắt được cá
nhỏ hoặc thỉnh thoảng bắt được con cá lớn đem lên bờ, rửa sạch bùn
xỏ lụi cá cắm xuống đất cho rơm rạ, cỏ lá khô đốt cá nướng trui, ăn
liền với muối ớt đã có mang theo... Cá nướng trui như thế, ăn khơi
khơi như vậy mà ngon làm sao, tới bây giờ, tuổi tôi thuộc U90 mà
nhắc đến cá nướng trui của miền quê, vừa gõ phím computer mà nước
bọt trong miệng cứ ứa ra. Các bạn trẻ có biết không, tuổi thơ của
các cụ 80, 90 ngày xưa ở nhà quê sao quá tuyệt vời trên cả tuyệt
vời, sao đẹp mê ly thế nhỉ! Và mãi mãi chúng tôi không còn bắt gặp
lại tuổi thơ đã đi qua mất rồi! Tiếc thật.
Trong thời gian ăn Tết, người dân quê có
cơ hội nghỉ ngơi thoải mái, ăn chơi, cờ bạc, nhậu nhẹt thả cửa. Thời
vụ mới, cày sạ lúa mãi đến tháng ba, tư âm lịch, còn thời vụ gặt lúa
đã chấm dứt rồi.
Tát đìa phải có nhiều người luân phiên từng cặp kéo gầu sòng đầy
nước đưa ra ngoài đìa, đến khi nào nước cạn, người ta mới bắt cá
bằng tay, thường phải đến xế trưa mới bắt cá được và mọi chuyện bắt
cá tát đìa phải hoàn tất trước trời tối và còn gánh hay dùng xe bò
mang cá về nhà. Những người tát đìa phải ăn trưa tại chỗ, ăn uống
cũng rất linh đình cũng có rượu đưa cay cho quên mệt nhọc vất vả.
Món ăn của người tát đìa, như là độc nhứt vô nhị chỉ có ăn cá nướng
trui và thường là cá lóc phải to và cũng ăn với rau dưa nữa, đã
chuẩn bị trước rồi.
Ở nhà quê năm xưa, món ăn ngon truyền
thống của người Việt di dân lập nghiệp ở vùng đất mới, món ăn độc
đáo đó rất dễ thực hiện nhứt, bắt ở đâu, giữa đồng nội, bên bờ kinh,
rạch hay tại nhà. Món ăn ngon truyền thống của nhà quê là “Cá Nướng
Trui”, có thể nướng trui bất cứ loại cá nào cũng được. Nhưng, người
dân quê thường chọn cá lóc nên gọi là Cá Lóc Nướng Trui vì cá lóc
(cùng họ với cá bông) to con nhứt trong các loại cá đồng, nướng một
con có thể nhiều người ăn cùng lúc, cá lóc ít xương, thịt cá nhiều
mà lại ngọt, dai. Cá lóc nướng trui theo dân tản cư nhập tịch dân
thị thành, tạo thêm món ăn ngon khoái khẩu mới. Cá lóc nướng trui
được các nhà hàng quán ăn chiếu cố đưa lên thành món ăn cao cấp sang
trọng đắt tiền. Ngoài ra, với cách chế biến thành món ăn không chỉ
có nướng trui để nguyên con còn vảy, mà người ta còn chế biến cá lóc
nướng trên vỉ, cá đã làm sẵn, rửa sạch, cắt đầu riêng ra có thêm món
canh chua đầu cá lóc. Trước khi ăn, chủ nhà hàng còn rưới thêm mỡ
hành phi cho cá thêm béo thơm ngon và ăn với bún hoặc bánh tráng
cuốn với rau sống và dưa leo, khế, khóm, trái đào... chấm với nước
mắm nêm có nhiều ớt, đã pha chế rất ngon miệng. Còn ở nhà quê, ăn cá
nướng trui, ở đồng ruộng chấm với muối ớt, còn ở nhà thì chấm với
nước mắm me chua, nhiều ớt, thêm đường cho vừa ăn. Cá lóc nướng trui
mà đa số dân quê thích, dùng đũa gạt bỏ lớp vảy cháy đen, da, mình
cá ăn rất thơm.
MÂM CỖ CÚNG CHIỀU BA MƯƠI RƯỚC ÔNG BÀ VÀ BA NGÀY TẾT
Ở nhà quê, gia đình nghèo giầu đều có cái
lo chung ba ngày Tết, cúng kiếng ông bà, gia tiên quá vãng phải đặc
biệt hơn ngày thường. Nhưng, gia đình giầu nghèo có cách chuẩn bị
riêng khác nhau, nghèo ráng nuôi vài con gà để dành cúng kiếng và
nhứt là phải có một con gà giò trống để cúng ngày mùng Ba Tết, còn
mời thầy bói coi vảy chân gà đoán mò hung kiết thế nào? Bánh tét,
bánh ích, trái cây, đại khái mỗi thứ một dĩa nhỏ cũng đủ vui rồi.
Trên bàn thờ luôn có dĩa ngũ quả (thường
có 5 loại trái cây, như: cầu, dừa, thơm, đủ, xoài là biểu tượng rõ
nét của người dân quê Miền Nam thật thà chân chất, rất đáng yêu. Ở
nhà quê, vừa và dừa nói như nhau, không phân biệt như người Việt gốc
Bắc, xoài nói là xài. Dĩa ngũ quả có 5 loại trái cây, biểu tượng cho
sự cầu nguyện năm mới: vừa thơm đủ xài, chân thật không cần dư chỉ
đủ xài cả năm cũng ngon, vui, vừa ý rồi. Ngoài mâm ngũ quả, còn có
thêm trái dưa hấu, hấu đọc trại theo tiếng Tàu là hẩu (thí dụ hẩu
xực là ăn ngon), viết thành chữ nho là hảo, có nghĩa tốt đẹp, hoàn
hảo cho cả năm. Người xưa thường làm bất cứ cái gì, nhứt là cúng
kiếng rất trân trọng chu đáo và phải có ý nghĩa nữa.
Ngày Tết, trên bàn thờ còn cúng một cặp
đòn bánh tét hay cặp bánh chưng – tục lệ cái gì cũng phải đủ đôi, đủ
cặp mới hên, cũng như vợ chồng cũng phải có đôi mới gọi là bền duyên
giai ngẫu. Gần như, ngày xưa tuyệt đối ở miền Nam không có cúng
chuối – dù là chuối “lá xiêm”, nên nhớ không bao giờ cúng chuối trên
bàn thờ ông bà trong ngày Tết, cúng trên bàn thờ khác trong nhà thì
được. Người ta tin dị đoan, kiêng kỵ cúng chuối ngày Tết sợ cả năm
xui xẻo, chuyện làm ăn sẽ chuối mũi (chúi mũi) xuống không cất lên
cao được, nghĩa là không thành đạt trên thương trường, không phát
tài phất lên được. Ngày nay, người ta cúng đủ thứ chuối, nhất dân
gốc Bắc cứ cúng chuối già mà chẳng có sao đâu? Ba ngày Tết, người ta
cũng ít cúng bánh ích trên bàn thờ chánh, mà có cúng cũng được châm
chước, không quan trọng, có thể bỏ qua.
(Người miền Nam, ích và ít đọc giống
nhau), vì cúng mà còn hà tiện cúng ít quá, coi sao đặng!
Còn bình hoa, thường dùng hoa mai (may
mắn) và bông vạn thọ (có ý nghĩa là sống trường thọ).
Giới nhà giầu, điền chủ hay đại điền chủ,
đại gia, thật lắm chuyện, họ chuẩn bị, như: cất rượu trước cả tháng,
heo, gà vịt vỗ béo mất vài tháng kể cả bò nữa. Chọn vài con gà trống
phải thiến, thịt mới ngon. Giới đại gia còn lo xa, họ mần thịt
(giết) heo nào có nhiều mỡ mà họ có sẵn nhằm thắng lấy mỡ và tóp mỡ
để sử dụng trong dịp Tết. Cũng nằm trong mục phải lo trước vài
tháng, như chăm sóc bông hoa cây kiểng, rau xanh... phải gieo hạt
bông vạn thọ và lặt lá cây mai lúc nào, hoa nở rộ cho đúng ngày Tết
mới “hên” trọn năm... Kể cả dưa hấu cũng được chuẩn bị trồng trước,
có trái đúng ngày Xuân mới, ruột dưa đỏ au sẽ được đại hỉ, vui vẻ
trọn vẹn cả năm.
Ngoài dưa hấu, dưa leo, bầu, mướp... rau xanh đều trồng trước Tết
mấy tháng khi nước đã giựt xuống, đất khô và màu mỡ, trồng hoa màu
rất tốt.
NGÀY TẾT
PHẢI CÓ PHÁO – CHỌN NGÀY XUẤT HÀNH – XÔNG ĐẤT ĐẦU NĂM
Người có ăn có để, đại gia họ chuẩn bị
pháo càng nhiều càng tốt, đốt pháo càng nổ to, càng lâu càng có
nhiều đại kiết trong năm mới, tài lộc sẽ bay tới vù vù. Vì vậy họ
mua trước nhiều phong pháo nhỏ và phong pháo to, gần ngày Tết họ
chọn cây cao trước nhà, hay dựng lên cây cao, bắc thang, treo dọc
treo ngang và mỗi dây pháo đều có xen những bánh pháo to gọi là pháo
đại, tiếng nổ to chát chúa. Ở nhà quê, xa phố thị nên có ít người
mời (thuê) các đội lân của người Hoa vào múa Tết vì quá tốn kém mà
các chủ đội lân không muốn đi xa mất nhiều thì giờ.
Xác pháo đỏ đầy sân, nổ lớn, nổ dòn, nổ
liên tục kéo dài không bị đứt đoạn, đó là điều mong ước đại kiết,
phát tài sẽ tới cho những điền chủ, đại gia luôn muốn mãi hưởng thụ
ăn trên ngồi chốc trên đầu trên cổ “dân ngu khu đen (né chữ c)” chân
lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối chỉ kiếm cái ăn độ nhựt cũng đủ ná thở
rồi. Họ đâu có dư tiền của hoang phí đốt tiền qua xác pháo đỏ ngập
tràn sân nhà. Ở Sài Gòn năm xưa nhiều nhà 2 hay 3 tầng lầu, họ treo
nhiều dây pháo lủng lẳng từ lầu xuống đất, như khoe của, đốt pháo nổ
vang, khói bụi ngập trời cho bàn dân thiên hạ lác mắt chơi. Tại Hoa
Kỳ, khu Lion, Century Mall của thành phố San Jose, khu Little Saigon
Nam Cali và ở đâu có nhiều, đông cư dân Việt, họ tha hồ đốt pháo cho
vui, xả xui, lấy hên cho năm mới... một người có thể tốn cả trăm đô
la hay hơn, họ không tiếc mà tiếc tiền cho các quỹ tặng dữ từ thiện
và đóng góp thêm cho sự cứu đói các thương phế binh QLVNCH đang sống
lầm than, tủi nhục ở quê nhà... tặng dữ cho giới này thì hay biết
mấy thay vì đốt tiền lãng phí.
Còn tập tục xông đất đầu năm đã có từ xa
xưa. Những người mang tên kim loại quý như kim cương, hột xoàn, kim
ngân, bích ngọc, hồng ngọc hay nói chung ngọc ngà châu báu, phước,
lộc, thọ, tài, lợi, tiền... mà đến nhà xông đất đầu năm thì gia chủ
rất trân trọng hoan hỉ tiếp đón.
Còn chuyện đầu năm chọn ngày lành giờ tốt,
xuất hành hướng nào mới đại cát, đạ hỉ, ăn nên làm ra, tiền bạc vô
như nước, giầu to phất lên. Nếu mọi người mê tín vu vơ như vậy, cứ
giở lịch ra xem, tra cứu sẽ thấy giờ nào kiết giờ nào hung, xuất
hành giờ nào hợp với tuổi, đúng hướng. Trúng phóc hết thì thế gian
này chẳng có ai nghèo. Thật đúng với câu, ông bà mình thường nói:
bói ra ma, quét nhà ra rác.
ĂN NGON MẶC ĐẸP – LÌ XÌ – ĂN CHƠI XẢ LÁNG
Ở nhà quê, các gia đình “thường thường bậc
trung”, chưa khá giả cũng may sắm cho con một bộ quần áo mới, thường
mỗi người trong gia đình có một bộ mới là ngon lành rồi, một năm chỉ
dám may một bộ đồ mới thôi. Còn giới điền chủ, may hai ba bộ mới
toanh, trong đó có một đồ vía gọi là “lụa lèo” (tạm gọi như là lụa
Hà Đông ở miền Bắc – lụa lèo có phải thứ lụa được dệt ở bên nước Lào
còn gọi là Lèo? Hay là loại tơ lụa được dệt ở Tân Châu – Châu Đốc?)
– (cẩm tự – mỹ A). Đặc biệt giới điền chủ còn may sắm thêm áo dài
khăn đóng mới chuẩn bị những lễ cúng kiếng ở đình ở chùa. Chưa hết,
dân quê tôi phải đi đến tận chợ Châu Đốc mới mua được một đôi guốc
dông mới cho cánh liền ông, phụ nữ sắm được đôi guốc sơn mới cáu
cạnh hay đôi hia mới thay đôi hia cũ mèm. Các con giới điền chủ cũng
thường được “ăn theo” cha mẹ cũng có đôi guốc mới. Đám trẻ nhỏ con
cái của điền chủ thường được cha mẹ nhắc nhở rửa chân sạch, mang
guốc để leo lên giường ngủ. Cả ngày đám trẻ con nhà nghèo, tá điền
hay con điền chủ rong chơi đây đó ở đồng ruộng hay câu cá, tắm sông
không bao giờ mang guốc, đi chân không (chân đất) quanh năm. Còn con
gia đình nghèo, không bao giờ biết mang guốc, rất tội nghiệp.
Hồi xưa, ở nhà quê làm gì có tiệm may mà
các bà các cô phải tự biên tự diễn may quần áo cho cả gia đình, may
tay không có máy may như ở thành thị. Những gia đình không có con
gái lớn hay không có bà vợ khéo tay cắt may quần áo được thì phài
nhờ, “cầu cạnh” bà con hay người hàng xóm cắt dùm hay cắt may dùm...
Vì vậy, trong gia đình nghèo không phải ai cũng có quần áo mới để ăn
Tết lớn như mọi người. Các gia đình có nhiều phụ nữ mà lại khá giả
thì chuyện may quần áo mới rất dễ dàng, không những một hay hai bộ
bà ba truyền thống, còn may thêm những áo ngắn tay cổ tròn như áo bà
ba và quần đùi, không những một quần đùi mà may luôn hai ba cái nữa.
Thế mới biết, sự phân chia giai cấp giầu
nghèo rất rõ nét ở thôn quê từ xa xưa. Cha mẹ nghèo cho con đi ở
mướn (bình dân nói là ở đợ) với giới điền chủ suốt cả đời. Và giới
điền chủ, dựng vợ gả chồng cho những người làm công đó, lại có con,
lại làm công tiếp cho chủ điền, thế hệ cha truyền con nối, đời này
sang đời khác. May mắn cho những gia đình nghèo gốc “bần cố nông”,
có thể thoát khỏi kiếp ở đợ, có con thông minh, học giỏi mới có cơ
hội vươn lên, thoát cảnh nghèo nàn tăm tối.
Các gia đình khá giả ở thôn quê (kể cả
thành thị), có tập tục lâu đời cho con tiền nhân ngày đầu năm mới
gọi là tiền lì xì (tiếng Tàu được đồng hoá sang tiếng Việt). Các con
cháu có tiền rủng rỉnh tha hồ tự do ăn chơi, kể cả cờ bạc mà cha mẹ
không rầy, cấm cản như những ngày thường. Đó là cơ hội bằng vàng của
đám trẻ con học đòi làm người lớn. Ngày nay, tiền lì xì năm mới
thường để trong bao nhỏ đỏ gọi là bao lì xì.
Tôi rất may mắn, hồi nhỏ, không những tôi
nhận tiền lì xì năm mới của cha mẹ như các anh chị em mà tôi còn có
ông bà nội, tránh các anh chị em thấy, móc trong túi nhét vội vào
tay hay vào túi áo tôi cho vài cắc (một cắc là 10 xu (cent Mỹ). Thời
đó, một cắc mua được hai cái bánh ú hoặc hai trái chuối chiên hay
vài cái bánh còng, bánh cam... Đối với trẻ nhỏ vài cắc rất quý hiếm
tha hồ mà tiêu xài vì ngày thường ít có.
Thuở nhỏ ở nhà quê, quả thật “quê hương là
chùm khế ngọt”. Gần 80 năm xa quê hương Bà Bài, lúc nào tôi cũng nhớ
quê hương da diết ngay khi tôi bị đau thập tử nhứt sinh, đang nằm ở
nhà thương (bệnh viện), hồn tôi lìa khỏi xác cũng bay về quê hương
ấp Bà Bài, bên dòng kinh Vĩnh Tế lịch sử, thăm lại chỗ chôn nhau cắt
rún. Mất quê hương là mất tất cả!
Sacramento 10/1/2022 (Kỷ niệm sanh nhựt qua tuổi 87)
Anh Phương Trần Văn Ngà
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Trung Tin Ly chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, January 10, 2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang